BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ---------------- Số: 1364/QĐ-LĐTBXH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------- Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI CHĂM SÓC
VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI TÂM THẦN, NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2012-2020
-----------------------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2011-2020;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2012-2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm và nguyên tắc phát triển mạng lưới
a) Phát triển cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến những người nghèo khó nhất trong xã hội; góp phần thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; góp phần ổn định xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.
b) Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc phát triển mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển mạng lưới các cơ sở. Đồng thời ban hành cơ chế để gia đình đối tượng có điều kiện kinh tế đóng góp phí chăm sóc và phục hồi chức năng tại cơ sở.
c) Quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại mỗi tỉnh, thành phố phù hợp với quy mô, phân bố của đối tượng, đảm bảo các đối tượng đều có cơ hội được chăm sóc, chữa trị, phục hồi và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đến năm 2020 của cả nước và mỗi tỉnh, thành phố.
d) Đổi mới cơ chế và phương thức quản lý, vận hành cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí theo phương châm cơ sở hỗ trợ chăm sóc, phục hồi chức năng cho đối tượng tại gia đình, cộng đồng là chính, trường hợp cấp tính mới dựa vào cơ sở bảo trợ xã hội; tổ chức cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý tại cơ sở kết hợp với tổ chức lao động trị liệu và phục hồi sinh thái cho đối tượng.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung
Phát triển mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: nâng cao chất lượng chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực: hướng tới mục tiêu công bằng và phát triển bền vững.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- 90% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và số người tâm thần lang thang được chăm sóc và phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội;
- 90% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác.
3. Nội dung quy hoạch
3.1. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần đến năm 2020 đạt công suất phục vụ là 20.000 đối tượng, cụ thể như sau:
a) Quy hoạch 50 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí của tỉnh, thành phố, gồm:
- Nâng cấp, mở rộng 26 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, trong đó 01 cơ sở có quy mô 200-300 đối tượng: 25 cơ sở có quy mô 300-500 đối tượng mỗi cơ sở;
- Xây dựng 24 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, trong đó: 12 cơ sở có quy mô 200-300 đối tượng mỗi cơ sở; 12 cơ sở có quy mô 300-500 đối tượng mỗi cơ sở;
b) Quy hoạch 36 cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp có bộ phận phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí.
(Phụ lục kèm theo)
3.2. Phân bố mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí
Phân bố mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí theo 6 vùng kinh tế như sau: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc 9 cơ sở; Vùng đồng bằng sông Hồng 11 cơ sở; Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung 14 cơ sở; Vùng Tây Nguyên 4 cơ sở; Vùng Đông Nam Bộ 8 cơ sở; Vùng đồng bằng Sông Cửu Long 10 cơ sở
3.3. Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho đối tượng đạt tiêu chuẩn chăm sóc theo quy định tại Thông tư số 04/2011/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 02 năm 2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội; từng bước hiện đại hóa bảo đảm có các phân khu chức năng, các hạng mục công trình đáp ứng hoạt động chăm sóc, phục hồi chức năng, trị liệu tâm lý và lao động trị liệu toàn diện.
4. Giải pháp
4.1. Nhóm giải pháp đất đai
a) Các tỉnh, thành phố chủ động bố trí đất đai, cơ sở hạ tầng để nâng cấp, mở rộng hoặc xây dựng mới cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng chi người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.
b) Diện tích đất tối thiểu của các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí như sau:
- Diện tích đất tự nhiên: Tối thiểu 100m2/đối tượng ở khu vực nông thôn, 120m2/ đối tượng ở khu vực miền núi, 80 m2/đối tượng ở khu vực thành thị;
- Diện tích phòng ở của đối tượng: Tối thiểu 8 m2/đối tượng. Đối với đối tượng phải chăm sóc 24/24 giờ một ngày, diện tích phòng ở tối thiểu 10 m2/đối tượng. Phòng ở được trang bị đồ dùng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của đối tượng;
- Cơ sở vật chất tối thiểu có khu nhà ở, khu nhà bếp, khu làm việc của cán bộ nhân viên, khu vui chơi giải trí, hệ thống cấp, thoát nước, điện, đường đi nội bộ; khu sản xuất và lao động trị liệu;
- Các công trình, trang thiết bị bảo đảm cho đối tượng tiếp cận và sử dụng thuận tiện.
4.2. Nhóm giải pháp về trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội
Hỗ trợ cơ sở khu vực và của tỉnh, thành phố về trang thiết bị và xe chuyên dụng để nâng cao năng lực chăm sóc và phục hồi chức năng cho đối tượng; ưu tiên đầu tư mua sắm trang thiết bị thiết yếu để phục hồi chức năng cho đối tượng.
4.3. Nhóm giải pháp về tổ chức các cơ sở bảo trợ xã hội
Các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí có đề án tổ chức và hoạt động theo hướng hỗ trợ chăm sóc và phục hồi chức năng tại gia đình; tổ chức phục hồi chức năng luân phiên, cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí.
4.4. Nhóm giải pháp về quản lý
a) Nghiên cứu, trình Chính phủ điều chỉnh chế độ trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội sống tại gia đình, cộng đồng phù hợp để nâng cao chất lượng cuộc sống.
b) Giải quyết chính sách trợ giúp cho các đối tượng tâm thần tại cộng đồng, không bỏ sót đối tượng. Trường hợp đối tượng mắc bệnh tâm thần mà chưa được điều trị tại các cơ sở y tế thì cơ sở tổ chức đội ngũ cộng tác lưu động đến tư vấn, trị liệu, lập kế hoạch trợ giúp cho đối tượng tại cộng đồng.
c) Phối hợp với ngành Y tế thực hiện khám, chữa bệnh cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở khu vực thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
d) Huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ để cải thiện nâng cao đời sống vật chất, sức khỏe tinh thần cho các đối tượng.
đ) Hàng năm, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên hoặc cộng tác viên ở xã, phường, thị trấn về công tác chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí ở cộng đồng.
4.5. Nhóm giải pháp về chuyên môn
a) Xây dựng tài liệu hướng dẫn quy trình trợ giúp xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.
b) Tổ chức nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở một số quốc gia trên thế giới về chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.
c) Nghiên cứu xây dựng, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu trí.
4.6. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng
a) Phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên chăm sóc và phục hồi chức năng cho đối tượng đủ về số lượng bảo đảm chất lượng, có phẩm chất đạo đức (công tác xã hội, tâm lý, y tế).
b) Thực hiện chế độ định kỳ bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chăm sóc và phục hồi chức năng cho đối tượng.
c) Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút cán bộ, nhân viên công tác xã hội: y bác sỹ chuyên ngành tâm thần, tâm lý vào làm việc tại các cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng cho đối tượng.
4.7. Nhóm giải pháp về cơ sở vật chất, tài chính
a) Tăng cường đầu tư cho mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, gồm: vốn sự nghiệp, vốn đầu tư phát triển và thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án khác.
b) Thực hiện cơ chế thu phí chăm sóc và phục hồi chức năng, nhà nước hỗ trợ sinh hoạt phí cho đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo.
c) Thực hiện xã hội hóa, huy động sự đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.
d) Tăng cường vai trò chủ động của cơ sở trong việc tạo nguồn thu như tổ chức lao động trị liệu: tăng gia sản xuất, bảo đảm tự cung, tự cấp rau xanh, thực phẩm tại cơ sở.
5. Lộ trình thực hiện quy hoạch
5.1. Giai đoạn 2012-2015
a) Nâng cấp, mở rộng và nâng công suất chăm sóc đối với 15 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí của tỉnh, thành phố.
b) Xây dựng 5 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí của tỉnh, thành phố.
c) Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng cho tối thiểu 40% cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí.
d) Sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện.
5.2. Giai đoạn 2016-2020
a) Nâng cấp, mở rộng và nâng công suất chăm sóc đối với 11 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí của tỉnh, thành phố.
b) Xây dựng 19 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí của tỉnh, thành phố.
c) Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng cho 50% cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.
d) Tổng kết đánh giá thực hiện Đề án.
6. Tổ chức thực hiện quy hoạch
6.1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các công việc sau
a) Quyết định phê duyệt Đề án tổ chức cung cấp dịch vụ của cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; Quyết định phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng hoặc xây mới trên cơ sở thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
b) Hàng năm huy động các nguồn lực và ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện quy hoạch.
c) Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
6.2. Giao Cục Bảo trợ xã hội
a) Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ hướng dẫn các địa phương xác định quy mô: mức đầu tư, tổ chức xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.
b) Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng dự toán ngân sách hàng năm chi cho Đề án; có kế hoạch cụ thể để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính đảm bảo thực hiện quy hoạch.
c) Căn cứ vào các nội dung phê duyệt tại Quyết định này, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo Bộ theo quy định.
d) Là đầu mối phối hợp với các cơ quan có liên quan xác định danh mục và thứ tự ưu tiên đầu tư cơ sở hàng năm trình Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định.
6.3. Giao Vụ Kế hoạch - Tài chính: có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch dự toán nguồn vốn và làm việc với các Bộ, ngành liên quan; phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội hướng dẫn, kiểm tra giám sát thực hiện Đề án.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính. Giám đốc các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Lưu VT, BTXH, KHTC. | BỘ TRƯỞNG Phạm Thị Hải Chuyền |