hieuluat

Quyết định 158/2008/QĐ-TTg Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:638&639 - 12/2008
    Số hiệu:158/2008/QĐ-TTgNgày đăng công báo:11/12/2008
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành:02/12/2008Hết hiệu lực:15/03/2019
    Áp dụng:26/12/2008Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Chính sách, Tài nguyên-Môi trường
  • QUYẾT ĐỊNH

    QUYẾT ĐỊNH

    CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 158/2008/QĐ-TTg NGÀY 02 THÁNG 12 NĂM 2008

    PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

    ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

     

     

    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

     

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

    Căn cứ Nghị quyết số 60/2007/NQ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ;

    Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (công văn số 33/TTr-BTNMT ngày 31 tháng 7 năm 2008),

     

    QUYẾT ĐỊNH:

     

    Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (sau đây gọi tắt là Chương trình), với những nội dung chủ yếu sau:

    I. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

    1. Quan điểm

    - Ứng phó với biến đổi khí hậu được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính hệ thống, tổng hợp, ngành, liên ngành, vùng, liên vùng, bình đẳng về giới, xóa đói, giảm nghèo.

    - Các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; ứng phó với những tác động cấp bách trước mắt và những tác động tiềm tàng lâu dài; đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu là yếu tố quan trọng đảm bảo phát triển bền vững; ứng phó hôm nay sẽ giảm được thiệt hại trong tương lai.

    - Ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, mọi người dân và cần được tiến hành với sự đồng thuận và quyết tâm cao, từ phạm vi địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu.

    - Các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thể hiện trong các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, các địa phương, được thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật và được quán triệt trong tổ chức thực hiện.

    - Triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu theo nguyên tắc “Trách nhiệm chung nhưng có phân biệt” được xác định trong Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nhẹ biến đổi khí hậu khi có sự hỗ trợ đầy đủ về vốn và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển và các nguồn tài trợ quốc tế khác.

    2. Nguyên tắc chỉ đạo

    - Chính phủ thống nhất chủ trương và chỉ đạo thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực, phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm giúp Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đối với lĩnh vực này.

    - Bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhằm bảo vệ sự phát triển bền vững đất nước, các giá trị văn hóa tinh thần và vật chất cho hiện tại và tương lai.

    - Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân đối với việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Từng bước hoàn thiện thể chế, hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương, nâng cao nhận thức, phổ biến kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu.

    - Chương trình được thực hiện đồng bộ, theo giai đoạn và có trọng điểm, vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, chủ động, kịp thời, khẩn trương và hiệu quả, đảm bảo sự phát triển bền vững của từng vùng và từng lĩnh vực.

    - Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cần thiết, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng quốc tế và trong nước cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng và thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ khai thác tổng hợp, đảm bảo hài hòa với thiên nhiên, đồng bộ với phát triển.

    - Đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.

    3. Phạm vi thực hiện Chương trình

    Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn quốc theo các giai đoạn sau:

    - Giai đoạn I (2009 – 2010): giai đoạn khởi động.

    - Giai đoạn II (2011 – 2015): giai đoạn triển khai.

    - Giai đoạn III (sau 2015): giai đoạn phát triển.

    II. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

    1. Mục tiêu tổng quát

    Mục tiêu chiến lược của Chương trình là đánh giá được mức độ tác động của biến đổi khí hậu với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, tận dụng các cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

    2. Mục tiêu cụ thể

    a) Đánh giá được mức độ biến đổi của khí hậu Việt Nam do biến đổi khí hậu toàn cầu và mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương.

    b) Xác định được các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

    c) Tăng cường các hoạt động khoa học công nghệ nhằm xác lập cơ sở khoa học cho các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

    d) Củng cố và tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu.

    đ) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia của cộng đồng và phát triển nguồn nhân lực.

    e) Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

    g) Tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và địa phương.

    h) Xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động của các Bộ, ngành và địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai các dự án, trước tiên là các dự án thí điểm.

    III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

    1. Đánh giá mức độ và tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam

    Nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện ngay là đánh giá diễn biến khí hậu; xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực, các ngành và các địa phương.

    a) Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2010

    - Trên cơ sở các nghiên cứu đã có trong và ngoài nước, đầu năm 2009 hoàn thành việc xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt là nước biển dâng, trên cơ sở đó các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch hành động của mình.

    - Hoàn thành việc đánh giá mức độ, tính chất và xu thế biến đổi của các yếu tố và hiện tượng khí hậu ở Việt Nam.

    - Cuối năm 2010, hoàn thành việc cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt là nước biển dâng, cho từng giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2100. Các kịch bản có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.

    - Hoàn thành việc xây dựng cơ sở khoa học, phương pháp luận và hướng dẫn đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng, đến các lĩnh vực, ngành và địa phương.

    - Triển khai thí điểm đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng, đối với một số lĩnh vực, ngành, địa phương nhạy cảm và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu như: tài nguyên nước, nông nghiệp, sức khỏe, sinh kế, vùng đồng bằng và dải ven biển.

    b) Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2015

    - Tiếp tục cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt là nước biển dâng.

    - Hoàn thành việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng đến các lĩnh vực, ngành và địa phương.

    2. Xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

    Trên cơ sở kết quả đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và khả năng tổn thương do biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương, xây dựng và lựa chọn các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

    a) Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2010

    - Hoàn thành việc xây dựng cơ sở phương pháp luận và các hướng dẫn để xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

    - Thực hiện một số dự án thí điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương nhạy cảm và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

    b) Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2015

    - Hoàn thành việc xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương.

    - Bước đầu triển khai các giải pháp ứng phó đã được lựa chọn đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương theo kế hoạch hành động.

    3. Xây dựng chương trình khoa học công nghệ về biến đổi khí hậu

    Xây dựng và triển khai chương trình khoa học công nghệ quốc gia nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng các thể chế, chính sách và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

    a) Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2010

    - Hoàn thành việc thiết kế và xây dựng khung cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu.

    - Xây dựng được chương trình khoa học công nghệ quốc gia về biến đổi khí hậu, xác định được các nhiệm vụ khoa học công nghệ và bắt đầu triển khai thực hiện

    b) Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2015

    - Hoàn thiện và cập nhật cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu.

    - Triển khai có hiệu quả chương trình khoa học công nghệ quốc gia về biến đổi khí hậu tại các Bộ, ngành và địa phương.

    - Cập nhật và triển khai có hiệu quả các nghiên cứu về bản chất, diễn biến, kịch bản và tác động của biến đổi khí hậu tới các lĩnh vực, khu vực và các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

    4. Tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về biến đổi khí hậu

    Rà soát hệ thống pháp luật, chính sách hiện hành, đánh giá mức độ quan tâm đến biến đổi khí hậu trong các văn bản pháp luật và chính sách của Nhà nước. Xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách đảm bảo các cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

    a) Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2010

    - Xây dựng bộ khung các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu.

    - Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và bộ máy quản lý thực hiện Chương trình.

    b) Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2015

    - Ban hành bổ sung và cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu.

    - Xác định được các cơ chế, chính sách ưu tiên cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

    - Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế hoạt động  và phối hợp của các cơ quan được giao trách nhiệm về biến đổi khí hậu.

    5. Nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực

    Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho toàn xã hội về biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao.

    a) Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2010

    - Xây dựng kế hoạch nâng cao nhận thức và bắt đầu triển khai thực hiện ở các ngành và địa phương nhạy cảm và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.

    - Bước đầu triển khai kế hoạch nâng cao nhận thức trong hệ thống giáo dục, đào tạo; xây dựng, phổ cập tài liệu và phương tiện phục vụ nâng cao nhận thức.

    - Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và triển khai thực hiện ở các ngành và địa phương nhạy cảm và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.

    - Trên 10% cộng đồng dân cư và trên 65% công chức, viên chức nhà nước có hiểu biết cơ bản về biến đổi khí hậu và các tác động của nó.

    b) Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2015

    - Từng bước triển khai có hiệu quả kế hoạch nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu từ trung ương đến địa phương.

    - Hoàn thiện, cập nhật, và phổ cập rộng rãi tài liệu và phương tiện phục vụ nâng cao nhận thức.

    - Triển khai kế hoạch nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống giáo dục, đào tạo các cấp.

    - Trên 80% cộng đồng dân cư và 100% công chức, viên chức nhà nước có hiểu biết cơ bản về biến đổi khí hậu và các tác động của nó.

    6. Tăng cường hợp tác quốc tế.

    Tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ của quốc tế, bao gồm: tài chính, chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác song phương và đa phương. Tham gia các hoạt động hợp tác khu vực và toàn cầu về biến đổi khí hậu.

    a) Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2010

    - Xây dựng cơ chế hợp tác giữa Việt Nam với các nhà tài trợ Quốc tế thực hiện các nội dung của Chương trình.

    - Thiết lập quan hệ hợp tác song phương và đa phương về ứng phó với biến đổi khí hậu giữa Việt Nam với một số nước và tổ chức quốc tế.

    - Đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng các thỏa thuận, văn bản quốc tế về biến đổi khí hậu.

    - Bổ sung, hoàn thiện bộ khung văn bản quy phạm pháp luật và về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư vào các dự án Cơ chế phát triển sạch và các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển giao công nghệ thân thiện với khí hậu, nhằm tạo điều kiện cho các đối tác nước ngoài đầu tư vào các dự án này tại Việt Nam.

    b) Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2015

    - Hoàn thiện và triển khai hiệu quả cơ chế hợp tác giữa Việt Nam với các nhà tài trợ quốc tế thực hiện các nội dung của Chương trình.

    - Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương về ứng phó với biến đổi khí hậu giữa Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế.

    - Nâng cao được vai trò của Việt Nam trong khu vực và quốc tế về hợp tác và đàm phán về biến đổi khí hậu.

    7. Tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và địa phương

    Xem xét đến tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu và các giải pháp ứng phó trong xây dựng, điều chỉnh và bổ sung các chiến lược, chương trình, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và địa phương (sau đây gọi tắt là kế hoạch phát triển).

    a) Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2010

    - Hoàn thành việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với các kế hoạch phát triển.

    - Hoàn thành việc tổng hợp, phân loại các giải pháp ứng phó đối với từng kế hoạch phát triển.

    - Xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy, tài liệu hướng dẫn tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào các kế hoạch phát triển; triển khai thực hiện việc tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu theo các quy định được ban hành.

    b) Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2015

    - Thực hiện việc tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào các kế hoạch phát triển của giai đoạn 2010 – 2020.

    - Đánh giá kết quả tích hợp vào các kế hoạch phát triển của giai đoạn 2010 – 2015.

    - Triển khai rộng rãi và hiệu quả việc tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào các kế hoạch phát triển của các giai đoạn tiếp theo.

    8. Xây dựng các kế hoạch hành động của các Bộ, ngành và địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu

    Các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch hành động của mình để ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc xây dựng kế hoạch hành động được thực hiện từng bước theo một trình tự nhất định, bảo đảm chất lượng, tính khả thi và hiệu quả thực hiện.

    a) Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2010

    - Các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

    - Các Bộ, ngành, địa phương quản lý các lĩnh vực, khu vực nhạy cảm và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu bắt đầu triển khai kế hoạch hành động.

    b) Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2015

    Các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện bước đầu kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

    9. Xây dựng và triển khai các dự án của Chương trình

    Trong giai đoạn 2009 – 2010, tổ chức xây dựng và triển khai các dự án ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu ở các lĩnh vực và địa phương nhạy cảm và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nhằm rút kinh nghiệm hoàn thiện kế hoạch hành động để có thể triển khai toàn diện trong giai đoạn 2011 – 2015.

    Danh mục các dự án và kinh phí dự kiến thực hiện các dự án được quy định trong Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

    IV. CƠ CHẾ TÀI CHÍNH, HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ

    1. Cơ chế tài chính

    - Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cần thiết, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng quốc tế và trong nước; Nhà nước tạo cơ sở pháp lý khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế - xã hội, các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

    - Phối hợp lồng ghép với các chương trình, dự án khác để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư.

    - Các dự án và các hoạt động đầu tư thuộc Chương trình sẽ được xem xét, miễn giảm thuế theo các quy định của pháp luật.

    2. Kinh phí của Chương trình

    Kinh phí cho các hoạt động thực hiện Chương trình giai đoạn 2009 – 2015 (không bao gồm kinh phí triển khai các kế hoạch hành động của các Bộ, ngành, địa phương) ước tính khoảng 1.965 tỷ đồng, phân bổ nguồn vốn như sau:

    - Vốn nước ngoài 50%.

    - Vốn trong nước 50%, trong đó:

    + Ngân sách trung ương: khoảng 30%.

    + Ngân sách địa phương: khoảng 10%.

    + Thành phần kinh tế tư nhân và các nguồn vốn khác: khoảng 10%.

    Kinh phí của Chương trình trong các giai đoạn sau năm 2015 sẽ được xác định cùng với mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn.

    3. Phương thức lập kế hoạch vốn của Chương trình

    Trình tự lập kế hoạch và dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện Chương trình, giao và phân bổ chi tiết kế hoạch, quản lý, thanh toán, quyết toán vốn thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

    Điều 2. Tổ chức thực hiện

    1. Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Chủ nhiệm và Văn phòng Chương trình

    a) Ban Chỉ đạo quốc gia về Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo quốc gia) bao gồm: Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Phó Trưởng ban thường trực; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Trưởng ban; các Ủy viên là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

    b) Ban Chủ nhiệm Chương trình (sau đây gọi tắt là Ban Chủ nhiệm) bao gồm: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Chủ nhiệm; hai Phó Chủ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Tài chính; các Ủy viên là đại diện lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Công thương, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Công an.

    Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Chủ nhiệm Chương trình.

    c) Văn phòng Chương trình là bộ phận giúp việc Ban Chủ nhiệm điều phối các hoạt động của Chương trình, đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

    Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định Quy chế hoạt động của Văn phòng Chương trình.

    2. Trách nhiệm các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan.

    a) Bộ Tài nguyên và Môi trường:

    Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đã được phân công và nhiệm vụ được giao, giúp Ban Chủ nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương quản lý và thực hiện Chương trình, tập trung vào các nội dung:

    - Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, điều hành, hướng dẫn thực hiện Chương trình, trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

    - Theo kế hoạch thực hiện Chương trình, tính toán kinh phí cần thiết, báo cáo Ban Chủ nhiệm để tổng hợp kế hoạch vốn hàng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp theo quy định của Luật Ngân sách.

    - Hướng dẫn và hỗ trợ các Bộ, ngành và địa phương trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

    - Tổ chức thanh tra, kiểm tra và định kỳ sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm việc thực hiện Chương trình.

    - Điều phối chung các hoạt động về thông tin, giáo dục và truyền thông liên quan đến biến đổi khí hậu.

    - Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chương trình, đề xuất giải quyết những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

    - Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình.

    - Hướng dẫn, giám sát và đánh giá việc thực hiện Chương trình.

    - Xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ và thực hiện các đề án được phân công.

    b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

    - Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng và hướng dẫn thực hiện bộ khung tiêu chuẩn tích hợp biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

    - Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình.

    - Xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ.

    c) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ;

    Chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cho Bộ, ngành mình; thực hiện nhiệm vụ được giao trong Chương trình; chủ động tham gia các hoạt động phối hợp chung theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia.

    d) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

    - Xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương mình.

    - Tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan được phê duyệt trong Chương trình.

    - Đảm bảo sử dụng đúng mục tiêu và có hiệu quả nguồn vốn của Chương trình.

    - Chủ động huy động thêm nguồn lực và lồng ghép các hoạt động liên quan của các chương trình khác trên địa bàn để đạt được các mục tiêu của Chương trình.

    - Đảm bảo và tuân thủ các nguyên tắc giám sát, đánh giá quy định trong Chương trình.

    - Định kỳ báo cáo về tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trên địa bàn tỉnh, thành phố theo quy định hiện hành.

    đ) Các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp:

    Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động tham gia vào các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là lĩnh vực thông tin, giáo dục và truyền thông; hỗ trợ và huy động sự tham gia của cộng đồng, phổ biến kinh nghiệm các mô hình ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; thực hiện hoặc tham gia thực hiện các đề án, dự án trong Chương trình và kế hoạch hành động của các Bộ, ngành, địa phương.

    3. Giám sát, đánh giá

    Việc giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình được thực hiện ở cấp quốc gia, ngành, lĩnh vực và địa phương:

    - Cấp quận, huyện:

    + Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp, quản lý và lưu giữ thông tin, chuẩn bị báo cáo theo định kỳ.

    + Ủy ban nhân dân quận, huyện định kỳ gửi báo cáo tổng hợp cho cơ quan thường trực Chương trình của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

    - Cấp tỉnh, thành phố:

    + Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị thường trực Chương trình, chịu trách nhiệm quản lý và lưu giữ những số liệu và thông tin liên quan; kiểm tra và hướng dẫn cấp quận, huyện gửi báo cáo đúng định kỳ.

    + Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp thông tin và gửi báo cáo định kỳ lên Ban Chủ nhiệm.

    - Cấp trung ương:

    + Các Bộ, ngành chịu trách nhiệm định kỳ báo cáo Ban Chủ nhiệm.

    + Ban Chủ nhiệm chịu trách nhiệm quản lý và lưu giữ thông tin do tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ, ngành Báo cáo; kiểm tra và hướng dẫn cấp Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo đúng định kỳ; kiểm tra nguồn số liệu và độ tin cậy của các số liệu; Ban Chủ nhiệm chuẩn bị các báo cáo định kỳ gửi Ban Chỉ đạo quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ.

    Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

    Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

     

    THỦ TƯỚNG

    Nguyễn Tấn Dũng

     


    Phụ lục

    CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

    ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN 2009 – 2015
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ)

     

    TT

    Danh mục, nhiệm vụ, dự án

    Cơ quan chủ trì

    Cơ quan phối hợp chính

    Dựa kiến kinh phí (tỷ đồng)

    Thời gian thực hiện

    I

    Đánh giá mức độ biến đổi khí hậu, xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng

    38

     

    1

    - Đánh giá diễn biến của khí hậu ở Việt Nam: xây dựng phương pháp luận để đánh giá dao động và biến đổi khí hậu; đánh giá mức độ dao động và tính chất của các yếu tố và hiện tượng khí hậu, đặc biệt là nhiệt độ, lượng mưa, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan; đánh giá xu thế biến đổi của các yếu tố khí hậu: nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển, thiên tai (bão, lũ lụt, hạn hán..).

    - Xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng: xác định cơ sở khoa học và phương pháp luận; phân tích đánh giá các kịch bản biến đổi khí hậu toàn cầu và khu vực; xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng chi tiết cho các vùng theo từng giai đoạn từ 2010 đến 2100 ở Việt Nam.

    Bộ Tài nguyên và Môi trường

    Các Bộ, ngành, địa phương

    38

    2009 – 2015

    II

    Xây dựng và triển khai chương trình khoa học công nghệ về biến đổi khí hậu

    350

     

    2

    Xây dựng và triển khai chương trình khoa học công nghệ quốc gia (trung hạn và dài hạn) nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng các thể chế, chính sách và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Với các nội dung chính:

    - Đẩy mạnh các nghiên cứu về những hiện tượng, bản chất khoa học, những điều chưa biết rõ về biến đổi khí hậu; tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế - xã hội phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội (chi phí – lợi ích) của các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu;

    - Xem xét để đưa các vấn đề biến đổi khí hậu vào các chương trình bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên và phòng tránh thiên tai, chương trình nghiên cứu biển…;

    - Đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học nhằm tăng cường hệ thống giám sát về khí hậu và biến đổi khí hậu;

    - Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ đánh giá tác động hoặc biến đổi khí hậu;

    - Nghiên cứu các công nghệ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và các công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu.

    - Đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ sở nghiên cứu, đào tạo nhân lực và triển khai công nghệ trong các lĩnh vực có liên quan;

    - Tăng cường hợp tác quốc tế trong các hoạt động khoa học công nghệ, áp dụng và chuyển giao có hiệu quả các công nghệ thân thiện với khí hậu.

    Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường

    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương

    350

    2009 – 2015

    III

    Tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về biến đổi khí hậu

    104

     

    3

    Xây dựng các văn bản, chỉ thị, Nghị quyết Ban Bí thư, Bộ Chính trị về biến đổi khí hậu.

    Bộ Tài nguyên và Môi trường (mời Văn phòng Trung ương Đảng đồng chủ trì)

    Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương

    4

    2009 – 2010

    4.

    Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức, quản lý Chương trình, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu từ Trung ương đến địa phương và tại các Bộ, ngành liên quan

    Các Bộ, ngành và địa phương

    Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành, địa phương

    100

    2009 – 2010

    IV

    Nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực

    292

     

    5

    Xây dựng kế hoạch và chương trình triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cho các nhóm đối tượng lựa chọn trong hệ thống của Đảng, bộ máy quản lý các cấp, các tổ chức quần chúng, các cơ quan truyền thông và cộng đồng

    Bộ Tài nguyên và Môi trường

    Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương và các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội

    60

    2009 – 2015

    6

    Xây dựng chương trình đào tạo và giáo dục về biến đổi khí hậu trong chương trình giáo dục các cấp

    Bộ Giáo dục và Đào tạo

    Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, các Bộ, ngành, địa phương liên quan

    70

    2009 – 2015

    7

    Xây dựng các chương trình thông tin chuyên đề (báo, đài, truyền hình, Web, v.v.) phục vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu.

    Bộ Thông tin và Truyền thông

    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội

    60

    2009 – 2015

    8

    Thực hiện công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu.

    Bộ Tài nguyên và môi trường (mời Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng chủ trì)

    Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các tổ chức xã hội, các Bộ, ngành, địa phương

    15

    2009 – 2015

    9

    Thực hiện công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ và vấn đề giới trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

    Bộ Tài nguyên và Môi trường (mời Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đồng chủ trì)

    Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Công an, các tổ chức xã hội, các Bộ, ngành, địa phương

    7

    2009 – 2015

    10

    Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vận động, các cuộc thi tìm hiểu về biến đổi khí hậu.

    Bộ Tài nguyên và Môi trường (mời Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đồng chủ trì)

    Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các tổ chức xã hội, các Bộ, ngành, địa phương

    80

    2009 – 2015

    V

    Tăng cường hợp tác quốc tế

    50

     

    11

    Tăng cường năng lực tham gia các hoạt động đàm phán khu vực và quốc tế về biến đổi khí hậu

    Bộ Tài nguyên và môi trường

    Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành, địa phương

    25

    2009 – 2015

    12

    Tăng cường hệ thống trao đổi thông tin quốc tế về biến đổi khí hậu.

    Bộ Tài nguyên và môi trường

    Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành, địa phương

    25

    2009 – 2015

    VI

    Xây dựng bộ khung tiêu chuẩn tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu trong xây dựng và thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội

    60

     

    13

    Xây dựng bộ khung tiêu chuẩn tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu trong xây dựng và thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

    Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Các Bộ, ngành, địa phương, các Văn phòng Ban Chỉ đạo biến đổi khí hậu tại các ngành, địa phương

    60

    2009 – 2015

    VII

    Xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu

    921

     

    14

    Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

    - Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến các lĩnh vực do Bộ quản lý;

    - Xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với các lĩnh vực do Bộ quản lý;

    - Tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch và quy hoạch của Bộ;

    - Triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác: cải thiện, nâng cấp hệ thống quan trắc khí hậu và cảnh báo sớm biến đổi khí hậu, thiên tai; xây dựng mô hình quản lý tổng hợp lưu vực sông, mô hình quản lý tổng hợp dải ven biển theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo phục vụ phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; đề xuất các giải pháp khắc phục hậu quả sau thiên tai; thực hiện các dự án thí điểm

    Bộ Tài nguyên và Môi trường

    Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương

    450

    2009 – 2015

    15

    Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

    - Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến các lĩnh vực do Bộ quản lý;

    - Xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với các lĩnh vực do Bộ Quản lý;

    - Tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch và quy hoạch của Bộ;

    - Triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác: xây dựng các mô hình kinh tế - sinh thái ven biển nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất các phương án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng khô hạn thường xuyên; đề xuất tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu vào quá trình xây dựng các biện pháp bảo đảm an ninh nguồn nước cho các hệ thống thủy lợi, an toàn hệ thống đê biển, hồ chứa; đề xuất các phương án phát triển rừng phòng hộ (rừng đầu nguồn và rừng ven biển) theo các kịch bản biến đổi khí hậu; nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch và chiến lược quản lý hệ thống các khu bảo tồn của Việt Nam nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện các dự án thí điểm.

    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

    Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương

    120

    2009 – 2015

    16

    Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

    - Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến các lĩnh vực do Bộ quản lý.

    - Xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với các lĩnh vực do Bộ quản lý.

    - Tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch, và quy hoạch của Bộ;

    - Triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác: kết hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, xây dựng hướng dẫn quy trình tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu vào các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và kế hoạch phát triển của các Bộ, ngành; kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu cho các vùng, miền; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực cơ chế phát triển sạch, giảm phát thải, bảo vệ môi trường, thực hiện các dự án thí điểm.

    Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành, địa phương

    60

    2009 – 2015

    17

    Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Công an.

    - Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến các lĩnh vực do Bộ quản lý.

    - Xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với các lĩnh vực do Bộ quản lý;

    - Tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch và quy hoạch của Bộ;

    - Triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác: xây dựng chương trình, giáo trình tập huấn, luyện tập, tập trận các nhiệm vụ ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn và phản ứng nhanh trong các trường hợp khẩn cấp liên quan đến biến đổi khí hậu, thiên tai; thực hiện các dự án thí điểm.

    Bộ Công an

    Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương

    24

    2009 – 2015

    18

    Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Quốc phòng.

    - Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến các lĩnh vực do Bộ quản lý;

    - Xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với các lĩnh vực do Bộ quản lý;

    - Tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch và quy hoạch của Bộ;

    - Triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác: điều chỉnh các kế hoạch, quy hoạch theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng chương trình, giáo trình tập huấn, luyện tập, tập trận các nhiệm vụ ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn và phản ứng nhanh trong các trường hợp khẩn cấp liên quan đến biến đổi khí hậu, thiên tai; thực hiện các dự án thí điểm.

    Bộ Quốc phòng

    Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương

    12

    2009 – 2015

    19

    Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Giao thông vận tải.

    - Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến các lĩnh vực do Bộ quản lý;

    - Xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với các lĩnh vực do Bộ quản lý.

    - Tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch và quy hoạch của Bộ;

    - Triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác: các phương án điều chỉnh các quy hoạch và thiết kế các công trình giao thông vận tải; kế hoạch và các giải pháp giảm nhẹ phát thải: tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng mới thân thiện với khí hậu và môi trường; giảm ùn tắc giao thông; thực hiện các dự án thí điểm

    Bộ Giao thông vận tải

    Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương

    18

    2009 – 2015

    20

    Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Công thương.

    - Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến các lĩnh vực do Bộ quản lý;

    - Xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với các lĩnh vực do Bộ quản lý;

    - Tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch và quy hoạch của Bộ;

    - Triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan: tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ giảm nhẹ phát thải và tiết kiệm năng lượng (chú trọng tới sử dụng các loại năng lượng tái tạo); nghiên cứu đề xuất các biện pháp bảo đảm an ninh năng lượng theo định hướng thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong các hoạt động thương mại; thực hiện các dự án thí điểm.

    Bộ Công thương

    Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương

    80

    2009 – 2015

    21

    Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Y tế.

    - Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến các lĩnh vực do Bộ quản lý;

    - Xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với các lĩnh vực do Bộ quản lý;

    - Tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch và quy hoạch của Bộ;

    - Triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác: các giải pháp thích ứng với nhiệt độ cao, sóng nhiệt; các giải pháp phòng, chống các bệnh truyền qua nước, truyền qua vật chủ trung gian, v.v… dưới tác động của biến đổi khí hậu; các giải pháp vệ sinh phòng dịch đối với các vùng, người tị nạn khí hậu; các giải pháp vệ sinh phòng dịch sau thiên tai (bão, lũ lụt, hạn hán); các giải pháp kiểm soát các bệnh mới xuất hiện do biến đổi khí hậu; nghiên cứu đề xuất các nội dung cần bổ sung trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn về y tế và sức khỏe để ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện các dự án thí điểm

    Bộ Y tế

    Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương

    15

    2009 – 2015

    22

    Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Xây dựng.

    - Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến các lĩnh vực do Bộ quản lý.

    - Xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với các lĩnh vực do Bộ quản lý;

    - Tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch và quy hoạch của Bộ;

    - Triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác: các phương án điều chỉnh quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, các khu dân cư đô thị theo các kịch bản biến đổi khí hậu; nghiên cứu đề xuất các nội dung cần bổ sung trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật xây dựng để ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện các dự án thí điểm.

    Bộ Xây dựng

    Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương

    42

    2009 – 2015

    23

    Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

    - Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến các lĩnh vực do Bộ quản lý.

    - Xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với các lĩnh vực do Bộ quản lý;

    - Tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch và quy hoạch của Bộ;

    - Triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác: Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về an ninh việc làm, giảm đói nghèo cho các vùng có nguy cơ thiên tai cao do biến đổi khí hậu; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, kế hoạch di dân, tái định cư, và đảm bảo cuộc sống cho những cộng đồng dân cư sống trong khu vực có nguy cơ bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng; các vấn đề giới, dân số, sinh kế; các vấn đề về HIV và các tệ nạn xã hội khác, thực hiện các dự án thí điểm.

    Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

    Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương

    80

    2009 – 2015

    24

    Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

    - Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn;

    - Xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn;

    - Tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch và quy hoạch của Ủy ban;

    - Triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác: nghiên cứu, xây dựng quy hoạch mạng lưới cứu hộ, cứu nạn theo định hướng thích ứng với biến đổi khí hậu cho từng khu vực và từng loại thiên tai; xây dựng quy chế bảo đảm tính hiệu quả hoạt động của mạng lưới cứu hộ, cứu nạn; thực hiện các dự án thí điểm.

    Bộ Quốc phòng

    Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương

    10

    2009 – 2010

    25

    Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    - Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến các lĩnh vực do Bộ quản lý;

    - Xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với các lĩnh vực do Bộ quản lý;

    - Tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch, và quy hoạch của Bộ;

    - Triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác: nghiên cứu đề xuất các biện pháp bảo tồn các di tích văn hóa, khu du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện các dự án thí điểm.

    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành địa phương

    10

    2009 – 2010

    26

    Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

    - Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến địa phương mình.

    - Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

    Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

    Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan

    150

    2009 – 2010

     

    Tổng cộng

    Bằng chữ: một nghìn chín trăm sáu mươi lăm tỷ đồng

    (Kinh phí này không bao gồm kinh phí cho việc triển khai các kế hoạch hành động của các Bộ, ngành, địa phương. Kinh phí cho việc triển khai kế hoạch hành động của các Bộ, ngành, địa phương sẽ được xác định cụ thể trên cơ sở những nội dung công việc của các kế hoạch này)

    1.965

    2009 - 2015

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Tổ chức Chính phủ
    Ban hành: 25/12/2001 Hiệu lực: 25/12/2001 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Nghị quyết 60/2007/NQ-CP của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2007
    Ban hành: 03/12/2007 Hiệu lực: 03/12/2007 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Thông tư liên tịch 07/2010/TTLT-BTNMT-BTC-BKHĐT của Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2009 - 2015
    Ban hành: 15/03/2010 Hiệu lực: 29/04/2010 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hướng dẫn
    04
    Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 16/12/2002 Hiệu lực: 01/01/2004 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    05
    Quyết định 1065/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến hết ngày 31/12/2013
    Ban hành: 10/06/2014 Hiệu lực: 10/06/2014 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    06
    Quyết định 1824/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt văn kiện sửa đổi Khung Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC)
    Ban hành: 08/10/2014 Hiệu lực: 08/10/2014 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    07
    Kế hoạch 228/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố Hà Nội
    Ban hành: 02/11/2017 Hiệu lực: 02/11/2017 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    08
    Quyết định 246/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ; hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2019
    Ban hành: 30/01/2020 Hiệu lực: 30/01/2020 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    09
    Quyết định 43/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu
    Ban hành: 09/01/2012 Hiệu lực: 09/01/2012 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản quy định hết hiệu lực một phần
    10
    Quyết định 05/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành
    Ban hành: 24/01/2019 Hiệu lực: 15/03/2019 Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản quy định hết hiệu lực một phần (01)
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 158/2008/QĐ-TTg Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủ
    Số hiệu:158/2008/QĐ-TTg
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:02/12/2008
    Hiệu lực:26/12/2008
    Lĩnh vực:Chính sách, Tài nguyên-Môi trường
    Ngày công báo:11/12/2008
    Số công báo:638&639 - 12/2008
    Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày hết hiệu lực:15/03/2019
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X