THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ -------- Số: 1912/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG LÀNG THANH NIÊN LẬP NGHIỆP
GIAI ĐOẠN 2013 – 2020
---------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật thanh niên ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 11 tháng 9 năm 2009 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25 tháng 7 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa;
Xét đề nghị của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án quy hoạch xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp giai đoạn 2013 - 2020 (sau đây viết tắt là Đề án) với các nội dung chính sau đây:
1. Mục tiêu:
- Khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai còn hoang hóa ở các địa bàn dọc đường Hồ Chí Minh, biên giới và các vùng đặc biệt khó khăn để đưa vào sử dụng, tạo việc làm ổn định cho một bộ phận thanh niên khu vực nông thôn và nhân dân trên các địa bàn triển khai dự án;
- Xây dựng 15 Làng Thanh niên lập nghiệp theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhằm giúp cho thanh niên và nông dân ở các địa phương học tập, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức ổn định đời sống và phát triển sản xuất.
- Gắn xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp với xây dựng lực lượng Thanh niên xung phong, xung kích tham gia phát triển kinh tế xã hội tại các địa bàn đặc biệt khó khăn; tạo môi trường thực tiễn sinh động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ bổ sung cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể ở cơ sở;
- Xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp gắn với xây dựng thế trận quốc phòng và khu vực phòng thủ, phối hợp với các đơn vị vũ trang thành lập lực lượng ứng phó tại chỗ trong mọi tình huống, góp phần xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội vùng biên giới, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Nhiệm vụ:
- Bố trí, sắp xếp 890 hộ dân cư tại chỗ, tiếp nhận 1.429 hộ thanh niên ở các địa phương khác đến lập nghiệp ổn định lâu dài; giải quyết việc làm cho khoảng 4.500 lao động thường xuyên và khoảng 7.000 lao động thời vụ;
- Khai thác, sử dụng có hiệu quả 29.302 ha đất để phát triển sản xuất, bao gồm: Trồng 1.750 ha cao su, 726 ha chè, 500 ha cà phê, 972 ha cây ăn quả và 3.195 ha cây nông nghiệp ngắn ngày; bảo vệ 6.815 ha rừng tự nhiên, trồng mới 1.639 ha phòng hộ đầu nguồn, 3.521 ha rừng sản xuất, phục hồi 8.821 ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm...;
- Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của dân cư Làng Thanh niên lập nghiệp và dân cư trên địa bàn.
3. Địa điểm quy hoạch xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp
Giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 xây dựng 15 Làng Thanh niên lập nghiệp tại các địa phương sau:
- Tỉnh Lào Cai: Xã Lùng Vai, huyện Mường Khương;
- Tỉnh Yên Bái: Xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu;
- Tỉnh Sơn La: Xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp;
- Tỉnh Hà Giang: Xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên;
- Tỉnh Lạng Sơn: Xã Bắc Xa, huyện Đình Lập;
- Tỉnh Tuyên Quang: Xã Bình An, huyện Lâm Bình;
- Tỉnh Bắc Kạn: Xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể
- Tỉnh Nghệ An: Xã Tam Hợp, huyện Tương Dương;
- Tỉnh Hà Tĩnh: 03 xã Kỳ Phong, Kỳ Trung và Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh;
- Tỉnh Quảng Bình: Xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch;
- Tỉnh Quảng Trị: 02 xã Hướng Linh và Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa;
- Tỉnh Quảng Nam: Thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang;
- Tỉnh Quảng Ngãi: Xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây;
- Tỉnh Ninh Thuận: Xã Phước Đại, huyện Bác Ái;
- Tỉnh Kon Tum: Xã Măng Cành, huyện Kon Plong.
4. Tổng kinh phí thực hiện Đề án:
Dự kiến tổng mức kinh phí xây dựng 15 Làng Thanh niên lập nghiệp giai đoạn 2013 - 2020 là: 858.552 triệu đồng, bố trí cho các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 2013 - 2015 là 187.000 triệu đồng;
- Giai đoạn 2015 - 2020 là 671.552 triệu đồng.
5. Các giải pháp chủ yếu:
a) Giải pháp về tuyên truyền: Tuyên truyên sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng mô hình Làng Thanh niên lập nghiệp, tạo sự đồng thuận của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và nhân dân địa phương để triển khai các nhiệm vụ của Đề án. Xây dựng tiêu chuẩn tuyển chọn thanh niên tham gia lập nghiệp, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa thanh niên địa phương, thanh niên dân tộc thiểu số và thanh niên từ địa phương khác đến Làng lập nghiệp;
b) Về đất đai: Ủy ban nhân dân các tỉnh có Làng Thanh niên lập nghiệp thực hiện quy hoạch sử dụng đất để thành lập Làng, bảo đảm bố trí đủ đất ở, đất sản xuất và xây dựng các công trình thiết yếu theo mục tiêu, nhiệm vụ và tiến độ triển khai Đề án.
c) Giải pháp về chính sách:
- Chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chính sách hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân tại Làng Thanh niên lập nghiệp thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020;
- Đối với cán bộ quản lý trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Đề án ở vùng sâu, vùng xa, biên giới được hưởng chính sách phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và được tính vào tổng mức đầu tư của dự án.
d) Về ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất:
Xây dựng mô hình phát triển kinh tế theo phương thức nông - lâm kết hợp; hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân tại Làng lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện từng địa phương để phát triển sản xuất; tăng cường tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất và chế biến nông, lâm sản cho các hộ gia đình thanh niên và nhân dân vùng dự án.
đ) Giải pháp về nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ:
Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí và huy động từ các nguồn: Ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn và vốn đóng góp của hộ gia đình, cá nhân.
6. Tổ chức thực hiện:
a) Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh có Làng Thanh niên lập nghiệp thống nhất nội dung đầu tư, tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương và nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn để xây dựng Làng; thống nhất thành lập Tổng đội Thanh niên xung phong để tổ chức xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp gắn với nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế xã hội ở các vùng khó khăn khác của tỉnh;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có Làng Thanh niên lập nghiệp tổ chức triển khai Đề án, lập các dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng;
- Báo cáo các Bộ, ngành liên quan để giải quyết theo thẩm quyền những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; thực hiện, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan cân đối bố trí đủ vốn ngân sách hàng năm để thực hiện Đề án theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Đề án theo quy định.
c) Bộ Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn lập dự toán, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề án theo quy định; kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
d) Các Bộ, ngành liên quan:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và các chương trình, dự án được giao, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các địa phương thực hiện lồng ghép nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án trên địa bàn để thực hiện Đề án.
đ) Ủy ban nhân dân các tỉnh có Làng Thanh niên lập nghiệp:
- Bố trí đủ đất ở, đất sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân tại mỗi Làng, thực hiện giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu; bố trí kinh phí đối ứng để thực hiện nhiệm vụ của Đề án; phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án;
- Ban hành chính sách thu hút lao động trẻ có năng lực, trình độ tình nguyện định cư lâu dài tại vùng thực hiện Đề án; khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện liên doanh, liên kết, đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của Làng Thanh niên lập nghiệp và của nhân dân vùng dự án;
- Tiếp nhận Làng Thanh niên lập nghiệp sau khi kết thúc giai đoạn xây dựng từ Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để quản lý, ổn định đời sống và phát triển sản xuất bền vững.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Kon Tum chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - VP BCĐ TW về phòng chống tham nhũng; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư. KTN (3b). | THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng |