hieuluat

Quyết định 1914/QĐ-TTg Đề án "Những giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế"

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:1914/QĐ-TTgNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành:19/10/2010Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:19/10/2010Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Chính sách
  • THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
    ------------------
    Số: 1914/QĐ-TTg
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
    -----------------------
    Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2010
     
    QUYẾT ĐỊNH
    PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NHỮNG GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG,
    HIỆU QUẢ VÀ SỨC CẠNH TRANH CỦA NỀN KINH TẾ”
    ----------------------------
    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
     
     
    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
    Thực hiện Nghị quyết Trung ương 9, Đại hội Đảng lần thứ X nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế;
    Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
     
     
    QUYẾT ĐỊNH
     
     
    Điều 1. Phê duyệt Đề án “Những giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” với các nội dung chủ yếu sau:
    I. MỤC TIÊU VÀ QUAN ĐIỂM
    1. Mục tiêu:
    Mục tiêu tổng quát là nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và thế giới.
    Các mục tiêu định hướng cho giai đoạn 2011-2020:
    a) Tăng số lượng, tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu và nâng dần thị phần tiêu thụ những sản phẩm này trên thị trường thế giới.
    b) Tăng số doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
    c) Xây dựng một số doanh nghiệp và sản phẩm có thương hiệu trên thị trường thế giới.
    d) Tăng tỷ trọng đóng góp của công nghệ, vốn con người vào tăng trưởng.
    đ) Tăng số doanh nghiệp, ngành có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao bằng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.
    2. Quan điểm:
    Thực hiện nhất quán, xuyên suốt chủ trương nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn chặt chẽ với tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn lực trên cơ sở đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
    II. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP
    1. Định hướng:
    - Từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế từ chủ yếu theo số lượng sang chất lượng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả. Phát triển các yếu tố tạo nền tảng cho tăng năng suất nhanh, bền vững thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ công nghệ, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và tăng cường cải cách hành chính;
    - Chuyển đổi cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng phát huy lợi thế so sánh và hiệu quả sử dụng nguồn lực. Xóa bỏ những rào cản và có cơ chế, chính sách khuyến khích nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực;
    - Đẩy nhanh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giảm thiểu và chống bao cấp, độc quyền trong kinh doanh, bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
    2. Một số giải pháp chủ yếu:
    a) Ổn định kinh tế vĩ mô: điều hành một cách đồng bộ, hệ thống, linh hoạt và hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để bảo đảm kiểm soát lạm phát và những cân đối lớn trong nền kinh tế về tiết kiệm, đầu tư, tiêu dùng, tài chính, tín dụng, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán … cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
    b) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:
    - Tăng cường cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thực tế của nền kinh tế; khuyến khích phát triển các hình thức liên kết hợp tác giữa các trường đại học, cơ quan, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực và khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh;
    - Tăng cường, tập trung nguồn lực ngân sách nhà nước kết hợp với tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế và chăm sóc sức khỏe, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài và sự tham gia của người dân để thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế và chăm sóc sức khỏe;
    - Hỗ trợ kinh phí giáo dục, đào tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng hộ nghèo, bảo đảm tạo cơ hội phát triển công bằng cho các tầng lớp dân cư trong xã hội.
    c) Tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng và đồng bộ. Điều chỉnh chính sách đầu tư nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.
    - Tăng cường, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng;
    - Nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công cho cơ sở hạ tầng; tập trung vốn có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong đầu tư công;
    - Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích các hình thức hợp tác đầu tư công – tư (PPP), đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng.
    d) Chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế, tập trung phát triển các ngành có lợi thế so sánh, tỷ trọng giá trị gia tăng cao, từng bước giảm tỷ trọng các ngành gia công, sơ chế và khai thác tài nguyên.
    - Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, các sản phẩm có giá trị kinh tế cao kết hợp với du lịch sinh thái và phát triển nghề truyền thống; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, tập trung ưu tiên phát triển công tác nghiên cứu, tạo ra những giống vật nuôi, cây trồng cho năng suất và hiệu quả cao; khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng nông sản tiêu thụ trong nước để thay thế hàng nhập khẩu;
    - Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ, giá trị gia tăng cao, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, giảm tỷ trọng các ngành gia công, chế biến sử dụng đầu vào nhập khẩu, sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên;
    - Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có mức độ chuyên môn hóa, trình độ công nghệ, giá trị gia tăng cao, tạo thu nhập và việc làm cho người lao động; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông; tập trung đầu tư phát triển du lịch, coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
    đ) Phát triển vùng kinh tế, cụm công nghiệp, khu công nghiệp: tập trung phát triển một số vùng kinh tế trọng điểm, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, đặc khu kinh tế có lợi thế so sánh về địa kinh tế kết hợp với chuyển dịch cơ cấu ngành, hình thành chuỗi giá trị và mạng lưới liên kết sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh chuyên môn hóa, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Tập trung khuyến khích phát triển các cụm công nghiệp theo hướng chuyên môn hóa và hình thành chuỗi giá trị trong nước và xuất khẩu nhằm tạo sự liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp.
    e) Nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: tổ chức rà soát, xây dựng và triển khai áp dụng nghiêm hệ thống quy định các yêu cầu bắt buộc về công nghệ, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo kỹ năng cho người lao động Việt Nam, bảo vệ môi trường; khuyến khích thu hút các dự án đầu tư hình thành mạng lưới liên kết sản xuất, kinh doanh, các ngành công nghiệp hỗ trợ để hình thành chuỗi giá trị.
    g) Đẩy mạnh phát triển hệ thống doanh nghiệp: có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
    - Tăng cường cải cách thể chế để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh; có cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực và ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất kinh doanh;
    - Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa; có cơ chế, chính sách phù hợp cho phát triển các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ để hình thành chuỗi giá trị và khuyến khích sự hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế;
    - Đẩy mạnh cải cách và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống doanh nghiệp nhà nước; giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước có cổ phần nhà nước chi phối theo hướng chỉ tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế mà khu vực ngoài nhà nước không thể tham gia hoặc không đảm bảo lợi ích chung của nền kinh tế; tăng cường kỷ luật tài chính đối với các doanh nghiệp nhà nước; tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước, chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và chức năng kinh doanh trong doanh nghiệp nhà nước; thống nhất quy định chỉ một cơ quan chịu trách nhiệm chính về kiểm tra, giám sát hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước.
    h) Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt là các chính sách thuế, phí, lệ phí.
    i) Đẩy mạnh phát triển các thị trường nhân tố sản xuất như lao động, công nghệ, vốn, đất đai, …; rà soát, xóa bỏ các rào cản đối với việc nâng cao hiệu quả thị trường; tăng cường tính công khai, minh bạch, công khai và tiết giảm chi phí tham gia thị trường.
    k) Đẩy mạnh cải cách hành chính, thể chế, phân cấp, biên chế và tiền lương; tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực của công tác xây dựng và thực hiện các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chính sách; tăng cường năng lực bộ máy và cán bộ; đẩy mạnh công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế – xã hội và hành chính; nâng cao hiệu quả thực thi luật pháp và kỷ luật hành chính; tăng cường nhận thức, dân chủ cơ sở và phòng, chống tham nhũng.
    Điều 2. Tổ chức thực hiện
    1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan quán triệt tinh thần của Đề án, phổ biến đến các đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân; nghiên cứu, tiếp thu các nội dung của Đề án để bổ sung, hoàn thiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; xây dựng chương trình và kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế phù hợp với đặc điểm và điều kiện của Bộ, ngành, địa phương.
    2. Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nội vụ, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và Văn phòng Chính phủ căn cứ vào các nội dung phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Phụ lục đính kèm Quyết định này.
    Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
    Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tich Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
     

    Nơi nhận:
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
    - Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
    - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Kiểm toán Nhà nước;
    - Ủy ban giám sát tài chính quốc gia;
    - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
    - Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KGVX, KTN, ĐP, ĐMDN, QHQT, PL;
    - Lưu: Văn thư, KTTH (5b)
    THỦ TƯỚNG




    Nguyễn Tấn Dũng
     
    PHỤ LỤC
    MỘT SỐ NHIỆM VỤ PHỤC VỤ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG, HIỆU QUẢ, SỨC CẠNH TRANH CỦA NỀN KINH TẾ”
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 1914/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)

    TT
    Nội dung công việc
    Cơ quan chủ trì
    Cơ quan phối hợp
    Sản phẩm
    Thời gian hoàn thành
    Ghi chú
    1
    Xây dựng Đề án chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế
    Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương
    Các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
    Đề án trình Chính phủ
    12/2011
    Chọn ra khoảng 10 ngành công nghiệp để chuyển đổi cơ cấu nhằm tăng năng lực cạnh tranh
    2
    Xây dựng Đề án quản lý và sử dụng tài nguyên
    Bộ Tài nguyên và Môi trường
    Các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
    Đề án trình Chính phủ
    9/2011
    3
    Xây dựng Đề án tiết kiệm nhiên liệu và sử dụng hiệu quả đầu vào tài nguyên
    Bộ Khoa học và Công nghệ
    Các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
    Đề án trình Chính phủ
    9/2011
    Chọn một số ngành công nghiệp chế biến có giá trị gia tăng thấp và sử dụng nhiều nhiên liệu, tài nguyên
    4
    Báo cáo rà soát Luật Đầu tư
    Bộ Kế hoạch và Đầu tư
    Các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
    Báo cáo trình Chính phủ
    7/2011
    Theo tinh thần để nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
    5
    Xác định Đề án phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị
    Bộ Kế hoạch và Đầu tư
    Các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
    Đề án trình Chính phủ
    10/2011
    6
    Xây dựng Đề án những giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có chất lượng
    Bộ Kế hoạch và Đầu tư
    Các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
    Đề án trình Chính phủ
    10/2011
    7
    Xây dựng Đề án những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực
    Bộ Giáo dục và Đào tạo
    Các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
    Đề án trình Chính phủ
    9/2011
    8
    Xây dựng Đề án những giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống dạy nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp
    Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
    Các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
    Đề án trình Chính phủ
    8/2011
    Tập trung vào chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường; tạo nhiều kênh đào tạo nghề và phương thức tài trợ đa dạng
    9
    Xây dựng Đề án những giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận và ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa
    Bộ Khoa học và Công nghệ
    Các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
    Đề án trình Chính phủ
    10/2011
    Tập trung vào hình thành mối liên kết giữa trường, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp; liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua cơ chế tài chính và phi tài chính
    10
    Xây dựng Báo cáo định kỳ về thị trường tài chính và hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại
    Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
    Báo cáo định kỳ 6 tháng trình Chính phủ
    6/2011
    11
    Xây dựng Báo cáo định kỳ về diễn biến tỷ giá
    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
    Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
    Báo cáo định kỳ 6 tháng trình Chính phủ
    6/2011
    12
    Xây dựng Báo cáo rà soát, nghiên cứu xóa bỏ những rào cản đối với nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư
    Bộ Kế hoạch và Đầu tư
    Các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
    Báo cáo trình Chính phủ
    12/2011
    Tiếp thu những kết quả của Đề án 30
    13
    Xây dựng Đề án điều chỉnh chính sách đầu tư công để nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
    Bộ Kế hoạch và Đầu tư
    Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan
    Đề án trình Chính phủ
    10/2011
    14
    Xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước
    Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp
    Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan
    Đề án trình Chính phủ
    10/2011
    15
    Xây dựng Đề án những giải pháp nâng cao hiệu quả phân cấp về ngân sách, đầu tư và đất đai, khoáng sản
    Bộ Kế hoạch và Đầu tư
    Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
    Đề án trình Chính phủ
    10/2011
    16
    Xây dựng Đề án cải cách thể chế và tăng cường phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô
    Bộ Kế hoạch và Đầu tư
    Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan liên quan
    Đề án trình Chính phủ
    11/2011
    17
    Xây dựng Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương
    Bộ Nội vụ
    Các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
    Đề án trình Chính phủ
    12/2011
    18
    Xây dựng Báo cáo tăng trưởng kinh tế
    Bộ Kế hoạch và Đầu tư
    Các Bộ, cơ quan liên quan
    Báo cáo hàng năm trình Chính phủ
    12/2011
    Báo cáo đánh giá tăng trưởng về số lượng và chất lượng
    19
    Xây dựng Báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia
    Bộ Kế hoạch và Đầu tư
    Các Bộ, cơ quan liên quan
    Báo cáo 2 năm một lần trình Chính phủ
    12/2010
    Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo
     
     
  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 1914/QĐ-TTg Đề án "Những giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế"

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủ
    Số hiệu:1914/QĐ-TTg
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:19/10/2010
    Hiệu lực:19/10/2010
    Lĩnh vực:Chính sách
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Theo văn bản
    Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X