ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ------------------- Số: 20/2013/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------------- Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 6 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên
địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020
----------------------------------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;
Xét đề nghị của Sở Tài chính tại công văn số 1345/STC-QHPX ngày 06 tháng 02 năm 2013 và công văn số 4285/STC-QHPX ngày 20 tháng 5 năm 2013 về mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới; ý kiến của Sở Tư pháp tại công văn số 1953/STP-VB ngày 04 tháng 6 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Quyết định này quy định các nội dung về cơ chế hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Quyết định này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến các hoạt động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước
1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ cho các hoạt động: công tác quy hoạch; xây dựng mới, sửa chữa trụ sở Ủy ban nhân dân xã; công tác đào tạo kiến thức nông thôn mới cho cán bộ xã, cán bộ thôn ấp, cán bộ hợp tác xã; xây dựng mới trường học đạt chuẩn; Xây dựng trạm y tế xã đạt chuẩn.
2. Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần cho các hoạt động: xây dựng đường giao thông nông thôn; xây dựng nhà văn hóa xã, ấp, công trình thể thao ấp; công trình cấp, thoát nước khu dân cư; phát triển sản xuất và dịch vụ; xây dựng hạ tầng khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản.
Điều 3.Xây dựng đường giao thông nông thôn
Nguyên tắc đầu tư theo quy mô quy định tại Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23 tháng 02 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải ban hành hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Trường hợp hiện trạng đường giao thông lớn hơn quy mô theo Quyết định số 315/QĐ-BGTVT thì đầu tư theo hiện trạng. Ưu tiên đầu tư khi người dân đồng ý hiến toàn bộ đất, huy động bằng ngày công lao động, tiền.
1. Đối với đường giao thông trục chính của xã
a) Tập trung đầu tư đường giao thông trục chính của xã kết nối giao thông với khu vực (kết nối huyện - thành phố - tỉnh thành khác) tạo thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thu hút đầu tư trong cộng đồng.
b) Nguồn vốn đầu tư gồm ngân sách nhà nước, huy động vốn từ doanh nghiệp hưởng lợi (nếu có) và vốn dân tham gia (gồm dân hiến đất toàn bộ, tiền, vật tư xây dựng).
Trường hợp đầu tư theo hiện trạng, ngân sách nhà nước đầu tư toàn bộ 100% giá trị công trình.
2. Đối với đường giao thông trục ấp, trục tổ
a) Đầu tư theo hiện trạng: ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư toàn bộ.
b) Đầu tư mở rộng: nguồn vốn đầu tư gồm ngân sách nhà nước, vốn huy động từ doanh nghiệp hưởng lợi (nếu có) và vốn dân tham gia (gồm dân hiến đất toàn bộ, tiền, vật tư xây dựng).
Chỉ hỗ trợ, đền bù về đất và vật kiến trúc cho hộ dân đầu hẻm bị ảnh hưởng lớn khi mở rộng đường theo quy định hiện hành về bồi thường, hỗ trợ đối với công trình nhà nước và nhân dân cùng làm.
3. Đối với đường giao thông hẻm, tổ
a) Các xã trung bình, khá có tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% (hộ có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm tại thời điểm thẩm định đề án, có ý kiến xác nhận của Ban Chỉ đạo Giảm nghèo - Tăng hộ khá thành phố):
Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 70% tổng mức đầu tư của công trình (phần xây lắp), phần còn lại vận động người dân (gồm đất được hiến toàn bộ, tiền, vật tư xây dựng), huy động doanh nghiệp (nếu có) và vận động từ người dân của xã đang sinh sống, hoạt động trong và ngoài nước.
b) Các xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo trên 15% (hộ có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm tại thời điểm thẩm định đề án có ý kiến xác nhận của Ban Chỉ đạo Giảm nghèo - Tăng hộ khá thành phố):
Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 90% tổng mức đầu tư của công trình (phần xây lắp), phần còn lại vận động người dân (gồm đất được hiến toàn bộ, tiền, vật tư xây dựng) và huy động doanh nghiệp (nếu có) vận động từ người dân của xã đang sinh sống, hoạt động trong và ngoài nước.
c) Chỉ hỗ trợ, đền bù về đất và vật kiến trúc cho hộ dân đầu hẻm bị ảnh hưởng lớn khi mở rộng đường theo quy định hiện hành về bồi thường, hỗ trợ đối với công trình nhà nước và nhân dân cùng làm.
d) Đối với các tuyến giao thông trên địa bàn xã được quy hoạch là đô thị, cụm cảng, khu công nghiệp, khu chế xuất: chỉ thực hiện công tác duy tu, đảm bảo việc đi lại cho người dân (trong khi chờ thực hiện đầu tư theo quy hoạch), sử dụng từ nguồn kinh phí sự nghiệp giao thông của ngân sách huyện được bố trí hàng năm.
4. Giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng
a) Đầu tư theo hiện trạng: ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 90% tổng mức đầu tư của công trình (phần xây lắp), phần còn lại vận động người dân (tiền, vật tư xây dựng, ngày công lao động) và huy động tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp hưởng lợi (nếu có).
b) Đầu tư mở rộng: nguồn vốn đầu tư gồm ngân sách nhà nước, huy động vốn từ người dân (đất được hiến toàn bộ, tiền, vật tư xây dựng, ngày công lao động), tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp hưởng lợi (nếu có).
Điều 4. Xây dựng nhà văn hóa xã, ấp; công trình thể thao ấp
1. Khuyến khích đầu tư xây dựng khu văn hóa - thể thao theo cụm xã. Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng trụ sở và phương tiện làm việc.
2. Huy động dân và doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị cho các hoạt động văn hóa - thể thao.
3. Huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng các sân tập thể thao trong khuôn viên khu văn hóa - thể thao (sân bóng đá mini, sân quần vợt, bóng bàn,…).
Điều 5. Xây dựng công trình cấp, thoát nước khu dân cư
1. Ngân sách nhà nước đầu tư các trạm cung cấp nước sạch đối với khu vực chưa có hệ thống cấp nước chung của thành phố.
2. Đối với hệ thống thoát nước khu dân cư
a) Hệ thống thoát nước gắn liền với dự án đường giao thông: thực hiện theo nội dung quy định đối với đầu tư xây dựng đường giao thông.
b) Hệ thống thoát nước các tuyến hẻm khu dân cư hiện hữu: vận động nguồn vốn đầu tư từ dân và doanh nghiệp (nếu có).
3. Việc đầu tư hệ thống thoát nước đối với các tuyến đường hẻm hiện hữu thuộc khu dân cư chủ yếu phục vụ sinh hoạt, môi trường nơi cư ngụ của người dân sẽ do dân chủ động thực hiện.
Điều 6. Công tác phát triển sản xuất và dịch vụ tại địa bàn xã
Thực hiện lồng ghép theo các chương trình đang thực hiện trên địa bàn thành phố.
Điều 7. Xây dựng hạ tầng khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản
Nguồn vốn thực hiện từ các chương trình lồng ghép, vốn kích cầu, huy động từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất trong khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân huyện và xã căn cứ nội dung quy định tại Quyết định này vận động theo nguyên tắc tự nguyện, thu hút nguồn lực trong dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp bằng các hình thức thích hợp để đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương trước khi lập Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
2. Căn cứ vào mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nêu trên, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố tổ chức thẩm định các Đề án xây dựng nông thôn mới trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt.
3. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua việc phân bổ vốn đầu tư ngân sách thành phố hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
4. Đối với các dự án đầu tư có nguồn vốn huy động cộng đồng, chủ đầu tư chỉ triển khai thực hiện thi công khi đã đảm bảo được nguồn vốn huy động.
5. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc, khó khăn của Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo, tham mưu hướng xử lý đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố trong quá trình triển khai, thực hiện Quyết định này.
Điều 9. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 10. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Mạnh Hà