hieuluat

Quyết định 2060/QĐ-TTg điều chỉnh Quy hoạch chung Tp.Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:2060/QĐ-TTgNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Hoàng Trung Hải
    Ngày ban hành:16/11/2011Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:16/11/2011Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Chính sách
  • THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
    -------------------
    Số: 2060/QĐ-TTg
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2011
     
     
    QUYẾT ĐỊNH
    PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG
    THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
    ----------------------
    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
     
     
    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
    Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;
    Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
    Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
     
     
    QUYẾT ĐỊNH
     
     
    Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau:
    1. Phạm vi nghiên cứu:
    Phạm vi nghiên cứu bao gồm: Toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Đà Lạt hiện hữu và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban, các xã: Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà), với cao độ tự nhiên từ 850m trở lên.
    Tổng diện tích đất tự nhiên là 3.308,28 km2.
    2. Quan điểm:
    a) Quy hoạch phát triển không gian thành phố Đà Lạt được đặt trong mối quan hệ không gian vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên.
    b) Phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đô thị và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, bảo tồn các di sản kiến trúc và cảnh quan đặc thù.
    c) Kế thừa các đồ án quy hoạch đã phê duyệt.
    3. Mục tiêu:
    Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng vai trò, chức năng của đô thị có tính đặc thù về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của quốc gia và có ý nghĩa quốc tế.
    4. Tính chất:
    a) Trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế văn hóa, dịch vụ và đầu mối giao lưu kinh tế quan, là tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng.
    b) Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng quốc gia và quốc tế.
    c) Trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ cấp quốc gia.
    d) Trung tâm giao thương quốc gia và quốc tế.
    đ) Trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp và bảo vệ sự đa dạng sinh học.
    e) Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
    5. Dự báo quy mô dân số và đất đai:
    a) Quy mô dân số:
    - Quy mô dân số hiện trạng (2011): 515.789 dân, tỷ lệ đô thị hóa 52%.
    - Quy mô dân số dự báo:
    + Đến năm 2020, khoảng 620.000 - 650.000 người, tỷ lệ đô thị hóa: 55 - 60%.
    + Đến năm 2030, khoảng 700.000 - 750.000 người, tỷ lệ đô thị hóa: 60 - 70%.
    - Dự báo khách du lịch:
    + Đến năm 2020, khoảng 5 - 6 triệu người.
    + Đến năm 2030, khoảng 9 - 10 triệu người.
    b) Quy mô đất xây dựng đô thị:
    - Đến năm 2020, khoảng 8.500 - 9.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 2.800 - 3.000 ha.
    - Đến năm 2030, khoảng 11.000 - 12.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 3.600 - 4.000 ha.
    c) Quy mô đất xây dựng khu dân cư nông thôn:
    Đến năm 2030, khoảng 3.000 - 4.000 ha.
    6. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật
    a) Chỉ tiêu sử dụng đất:
    - Chỉ tiêu đất xây dựng đô thị 200 - 300 m2/người.
    - Chỉ tiêu đất dân dụng 75 - 80 m2/người.
    - Chỉ tiêu đất xây dựng nông thôn: 500 m2/hộ (100 - 125 m2/người).
    - Chỉ tiêu đất xây dựng du lịch: 90 - 120 m2/phòng khách sạn tiêu chuẩn 300 - 500 m2/phòng khách sạn cao cấp du lịch sinh thái.
    b) Các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật đô thị:
    - Giao thông: Chỉ tiêu sử dụng đất giao thông (bao gồm cả giao thông tỉnh) khoảng 18 - 20 m2/người, mật độ đường chính đạt 3 - 4,5 km/km2.
    - Cấp nước: Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt đô thị khoảng 120 - 150 lít/người/ngày đêm. Chỉ tiêu cấp nước khách du lịch 300 lít/người/ngày. Chỉ tiêu cấp nước công nghiệp 25 m3/ha.
    - Cấp điện: Chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt khoảng 2100 KWh/người/năm; chỉ tiêu cấp điện công nghiệp 100 KW/ha; chỉ tiêu cấp điện cho hoạt động dịch vụ, thương mại khoảng 40 - 50% tiêu chuẩn cấp điện sinh hoạt.
    - Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang: Tiêu chuẩn thải nước lấy theo tiêu chuẩn cấp nước tương ứng với từng đối tượng. Nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường đạt tỷ lệ > 80%. Rác thải sinh hoạt và du lịch: 1,5 - 2 kg/người/ngày đêm.
    7. Các nội dung và yêu cầu nghiên cứu chủ yếu
    a) Nội dung nghiên cứu thực hiện theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị.
    b) Yêu cầu nghiên cứu:
    - Về đánh giá hiện trạng: Đánh giá điều kiện tự nhiên về địa hình, cảnh quan, tài nguyên; phân tích đánh giá toàn diện công tác triển khai thực hiện theo đồ án Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020 đã được duyệt; đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng đã, đang và chuẩn bị thực hiện đối với các khu dân cư đô thị, khu du lịch và dự án bảo tồn di sản kiến trúc, cảnh quan đô thị.
    - Về định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị: Đề xuất định hướng phát triển không gian đô thị và ranh giới mới cho thành phố Đà Lạt trên cơ sở thành phố Đà Lạt hiện hữu và vùng phụ cận có đặc điểm thời tiết, khí hậu tương đồng:
    + Đề xuất mô hình phát triển và cấu trúc không gian đô thị, đảm bảo phù hợp với quan điểm, mục tiêu phát triển, đặc thù sinh thái tự nhiên và đặc trưng kiến trúc cảnh quan của đô thị du lịch trên cao nguyên.
    + Xác định ngưỡng phát triển về quy mô dân số đối với khu vực nội thành phố Đà Lạt để giảm sức ép dân cư, nâng cao chất lượng và điều kiện sống, bảo tồn được không gian, kiến trúc, cảnh quan đặc thù của đô thị.
    + Hạn chế mở rộng khu vực nội thành hiện hữu, phát triển các khu vực đô thị, khu đô thị mới gắn với các khu vực động lực phát triển kinh tế như khu làng đại học, khu du lịch; khu công nghiệp công nghệ cao, khu thể dục thể thao, sân bay … tại các khu vực ngoại thành và các huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà.
    + Hạn chế phát triển các khu dân cư đô thị dọc theo các tuyến giao thông hướng vào trung tâm thành phố.
    + Tổ chức các vùng đệm giữa khu vực nội thành với các khu vực đô thị bằng các không gian xanh như: Rừng thông, vùng trồng hoa, các khu du lịch sinh thái …; bảo vệ diện tích rừng thông và hồ trong thành phố.
    + Định hướng phát triển các khu vực dân cư nông thôn phải trên nguyên tắc phù hợp với mô hình sản xuất (nông nghiệp, lâm nghiệp, trồng hoa, rau …) và môi trường, cảnh quan thiên nhiên.
    + Xác định các khu vực cần cải tạo, chỉnh trang để đảm bảo hài hòa với định hướng phát triển không gian của thành phố.
    - Về thiết kế đô thị:
    + Đề xuất các vùng kiến trúc, cảnh quan trên cơ sở phát huy các đặc trưng về địa hình, bảo vệ các rừng đặc dụng, rừng thông tự nhiên, mặt nước; bảo tồn di sản kiến trúc đô thị.
    + Đề xuất các nguyên tắc tổ chức, giải pháp không gian cho các khu trung tâm, quảng trường lớn, cửa ngõ đô thị, các trục không gian chính, không gian cây xanh, mặt nước và các điểm nhấn trong đô thị.
    - Về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị:
    + Đề xuất các giải pháp chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng trên quan điểm tôn trọng địa hình tự nhiên, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên rừng và sự đa dạng sinh học.
    + Đề xuất giải pháp thoát nước mưa phải đảm bảo phòng, chống tai biến địa chất; giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
    + Tổ chức mạng lưới giao thông phù hợp với điều kiện địa hình, hạn chế san gạt địa hình tự nhiên và tạo taluy; kết nối với các vùng kinh tế, kết nối các trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia, quốc tế; đề xuất hệ thống giao thông công cộng phục vụ du lịch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.
    + Giải pháp cấp nước về nguồn và mạng lưới phải đảm bảo sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước, tái sử dụng nguồn nước và phục vụ phòng chống cháy rừng.
    + Giải pháp cấp điện và chiếu sáng đô thị phải đảm bảo tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả; nghiên cứu đề xuất các nguồn cấp năng lượng tự nhiên khác (năng lượng mặt trời …).
    + Các giải pháp thoát nước thải và thu gom xử lý chất thải rắn phải đảm bảo áp dụng kỹ thuật hiện đại, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên và cảnh quan đô thị.
    + Vị trí và quy mô các nghĩa trang, phải phù hợp với đặc điểm địa hình tự nhiên, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, hoạt động du lịch.
    + Đánh giá môi trường chiến lược: Đề xuất biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường trong nội dung đánh giá môi trường chiến lược phải bao gồm giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục tác động và rủi ro đối với dân cư; hệ sinh thái tự nhiên; các khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản; không gian văn hóa di sản của đô thị.
    - Xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư phải đảm bảo phù hợp với dự báo nguồn lực thực hiện.
    - Dự thảo Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung.
    8. Thành phần hồ sơ
    a) Các bản vẽ:
    - Sơ đồ vị trí và mối liên hệ vùng - tỷ lệ 1/50.000.
    - Các bản đồ hiện trạng gồm: Hiện trạng sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan, giao thông, cấp điện và chiếu sáng đô thị, cấp nước, cao độ nền và thoát nước mưa, thoát nước bẩn, thu gom chất thải rắn, nghĩa trang, môi trường, đánh giá tổng hợp và lựa chọn đất xây dựng - tỷ lệ 1/25.000.
    - Sơ đồ cơ cấu phát triển đô thị (tối thiểu 02 phương án. Sơ đồ này chỉ dùng khi nghiên cứu báo cáo, không nằm trong hồ sơ trình phê duyệt).
    - Sơ đồ định hướng phát triển không gian toàn đô thị, tỷ lệ 1/25.000.
    - Sơ đồ định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật toàn đô thị, tỷ lệ 1/25.000.
    - Bản đồ quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng của khu vực đô thị trung tâm theo các giai đoạn quy hoạch, tỷ lệ 1/10.000.
    - Các bản đồ định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường của khu vực đô thị trung tâm - tỷ lệ 1/10.000.
    - Bản đồ đánh giá môi trường chiến lược - tỷ lệ 1/25.000.
    b) Thuyết minh:
    - Thuyết minh tổng hợp (kèm bản vẽ A3 thu nhỏ).
    - Thuyết minh tóm tắt.
    - Quy định quản lý theo quy hoạch chung đô thị.
    c) Các văn bản pháp lý có liên quan.
    9. Tổ chức thực hiện
    a) Cơ quan tổ chức lập và trình phê duyệt quy hoạch: Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
    b) Cơ quan thẩm định: Bộ Xây dựng.
    c) Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.
    d) Thời gian lập đồ án quy hoạch: 12 tháng, kể từ khi nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
    Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và trình duyệt theo quy định.
    Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
    Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
     

     Nơi nhận:
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
    - Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
    - Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, NC, ĐP;
    - Lưu: Văn thư, KTN (5b).
    KT. THỦ TƯỚNG
    PHÓ THỦ TƯỚNG




    Hoàng Trung Hải
  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X