THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 2086/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ RẤT ÍT NGƯỜI GIAI ĐOẠN 2016 – 2025
--------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;
Căn cứ Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, với những nội dung chính như sau:
1. Đối tượng, phạm vi áp dụng và thời gian thực hiện
Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 được thực hiện tại 194 thôn, bản sinh sống tập trung các dân tộc thiểu số rất ít người (dưới đây gọi tắt là dân tộc rất ít người) trên địa bàn 93 xã thuộc 37 huyện của các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum (danh sách kèm theo).
Thời gian thực hiện Đề án là 10 năm (2016 - 2025), chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn I: 2016 - 2020; giai đoạn II: 2021 - 2025.
2. Mục tiêu
Duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc thiểu số rất ít người; xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, bản nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc rất ít người; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
3. Một số chỉ tiêu chủ yếu
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo 7% - 8%/năm. Hộ nghèo được xác định theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.
- Đến năm 2025 mức sống bình quân của các dân tộc rất ít người tương đương với các dân tộc khác trong vùng, dân tộc nào cũng có cán bộ tham gia trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
- Đến năm 2025, 100% thôn, bản có hệ thống cầu, đường giao thông đi được 4 mùa trong năm tới trung tâm xã; có lớp học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên và nhà sinh hoạt cộng đồng; có điện, công trình nước tập trung, thủy lợi tưới tiêu để phục vụ sản xuất theo định hướng tiêu chí nông thôn mới; 100% số hộ gia đình được hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm.
4. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
a) Xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các thôn, bản phấn đấu theo định hướng tiêu chí nông thôn mới
Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng ưu tiên cho các thôn, bản có tỷ lệ hộ nghèo cao, tập trung vào các hạng mục cần thiết như: Đường giao thông, cầu, cống; công trình thủy lợi và điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt; lớp học kiên cố, nhà ở công vụ cho giáo viên; nhà sinh hoạt cộng đồng và các trang thiết bị phù hợp với văn hóa truyền thống của từng dân tộc...
b) Hỗ trợ phát triển sản xuất
- Hỗ trợ giống, một số vật tư đầu vào phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; vắc xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm.
- Hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất; giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng.
- Hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ sản xuất cho đồng bào.
c) Hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào
Sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc sắc (nghề, lễ hội, nhạc cụ, trang phục...); tổ chức dạy và học tiếng dân tộc theo các hình thức phù hợp; cấp trang thiết bị cho 194 nhà sinh hoạt cộng đồng; thành lập và duy trì hoạt động đội văn nghệ thôn, bản; xây dựng 10 điểm thôn, bản tiêu biểu bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống.
d) Đào tạo, sử dụng cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở
Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, nâng cao trình độ cho cán bộ là người dân tộc rất ít người. Phấn đấu dân tộc nào cũng có cán bộ tham gia hệ thống chính trị ở cơ sở.
đ) Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hiện hành về giáo dục và y tế, trong đó ưu tiên cho các dân tộc rất ít người.
5. Kinh phí thực hiện Đề án
Tổng kinh phí: 1.861 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách trung ương hỗ trợ: 1.542 tỷ đồng; lồng ghép từ các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia: 264 tỷ đồng; ngân sách địa phương cân đối: 55 tỷ đồng.
Vốn đầu tư phát triển 1.470 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 391 tỷ đồng.
6. Cơ chế thực hiện: Trường hợp đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ cùng một nội dung thì chỉ được hưởng chính sách cao nhất.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban Dân tộc
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, dự án thành phần cho từng năm và cả giai đoạn thực hiện Đề án.
- Chủ trì tổng hợp nhu cầu vốn hằng năm của các địa phương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện định kỳ hằng năm, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí vốn đầu tư trong kế hoạch ngân sách hằng năm; hướng dẫn lồng ghép nguồn vốn các chính sách, Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn để thực hiện Đề án.
- Phối hợp với Ủy ban Dân tộc trong công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
3. Bộ Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí kinh phí sự nghiệp theo kế hoạch hằng năm cho các tỉnh có Đề án.
- Phối hợp với Ủy ban Dân tộc trong công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
4. Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nội vụ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Y tế
- Tham gia thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
- Phối hợp với Ủy ban Dân tộc trong công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum.
- Ban hành các danh mục Dự án cụ thể làm căn cứ phê duyệt, triển khai thực hiện theo tiến độ, mục tiêu của Đề án.
- Chỉ đạo lập, thẩm định, phê duyệt các Dự án thành phần theo quy định.
- Xây dựng kế hoạch hằng năm gửi Ủy ban Dân tộc tổng hợp chung để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ có mục tiêu cho Đề án.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân các huyện, xã liên quan lồng ghép các nguồn kinh phí thuộc các chính sách, chương trình, dự án trên địa bàn, triển khai thực hiện các Dự án thành phần.
- Định kỳ hằng năm báo cáo Ủy ban Dân tộc kết quả thực hiện Đề án tại địa phương.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc Đề án chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán nhà nước; - Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Cơ quan trung ương của các Đoàn thể; - Các Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục; - Lưu: VT, V.III (3). | THỦ TƯỚNG Nguyễn Xuân Phúc |