ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ---------------------- Số: 21/2012/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------------- Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 5 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế tổ chức và phối hợp hoạt động quản lý
thông tin đối ngoại tại Thành phố Hồ Chí Minh
-----------------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí;
Căn cứ Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại;
Xét đề nghị tại Tờ trình số 06/STTTT-BCXB ngày 18 tháng 8 năm 2011 của Sở Thông tin và Truyền thông về ban hành Quy chế tổ chức và phối hợp hoạt động quản lý thông tin đối ngoại tại Thành phố Hồ Chí Minh; ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Công văn số 3821/STP-VB ngày 27 tháng 7 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và phối hợp hoạt động quản lý thông tin đối ngoại tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Những nội dung liên quan đến công tác tổ chức và phối hợp hoạt động quản lý thông tin đối ngoại tại Thành phố Hồ Chí Minh không nêu trong quy định này thì áp dụng theo các quy định hiện hành, những quy định trước đây của Ủy ban nhân dân Thành phố trái với nội dung Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Công an Thành phố, Giám đốc Sở Tài chính và Thủ trưởng các Sở - ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Hoàng Quân
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ---------------------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------------------- |
QUY CHẾ
Tổ chức và phối hợp hoạt động quản lý
thông tin đối ngoại tại Thành phố Hồ Chí Minh
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2012/QĐ-UBND
ngày 26 tháng 5 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố)
-------------------------------
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định nguyên tắc và nội dung quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại; quy định trách nhiệm của các Sở, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong việc quản lý nhà nước và phối hợp, triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại.
2. Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý và thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại.
Điều 2. Thông tin đối ngoại
Thông tin đối ngoại quy định tại Quy chế này là thông tin quảng bá hình ảnh quốc gia, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh; thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước Việt Nam, của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra thế giới và thông tin về thế giới vào thành phố.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý hoạt động thông tin đối ngoại
1. Ủy ban nhân dân Thành phố thống nhất quản lý nhà nước đối với các hoạt động thông tin đối ngoại tại Thành phố Hồ Chí Minh; có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhằm bảo đảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại.
2. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại; các cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố có trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện công tác thông tin đối ngoại trong phạm vi quản lý của mình.
3. Công tác thông tin đối ngoại được triển khai chủ động, toàn diện, thường xuyên, song có trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn; kết hợp chặt chẽ thông tin đối ngoại với thông tin đối nội; giữa thông tin đối ngoại với các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa đối ngoại của thành phố; giữa ngoại giao của Ủy ban nhân dân Thành phố với đối ngoại của Thành ủy, đối ngoại nhân dân nhằm mở rộng hợp tác quốc tế trên tinh thần cùng có lợi, bảo đảm lợi ích của thành phố.
Điều 4. Nội dung hoạt động thông tin đối ngoại
Hoạt động thông tin đối ngoại là hoạt động đưa thông tin đến với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài và phối hợp đưa thông tin quốc tế đến nhân dân thành phố. Nội dung hoạt động thông tin đối ngoại bao gồm:
1. Thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước; thông tin về tình hình quốc tế, quan hệ đối ngoại của Việt Nam, của Thành phố Hồ Chí Minh và phối hợp đưa thông tin quốc tế đến nhân dân trong nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
2. Giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, tiềm năng hợp tác và phát triển của Việt Nam và của Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Phản bác các thông tin sai, xuyên tạc, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam và của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Các loại hình hoạt động thông tin đối ngoại khác.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Nội dung công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại
1. Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thông tin đối ngoại và tổ chức thực hiện các văn bản đã ban hành theo thẩm quyền được pháp luật quy định.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình về thông tin đối ngoại.
3. Tổ chức bộ máy, đề xuất Chính phủ ban hành quy định pháp luật, cơ chế, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin đối ngoại ở trong và ngoài nước; xây dựng, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực hoạt động thông tin đối ngoại.
4. Tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu về thông tin đối ngoại; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin đối ngoại.
5. Chỉ đạo, hướng dẫn nội dung thông tin cho các cơ quanbáo, đài của Thành phố Hồ Chí Minh; cung cấp thông tin cho báo chí nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế.
6. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thông tin đối ngoại theo quy định của pháp luật.
7. Sơ kết, tổng kết hoạt động thông tin đối ngoại; khen thưởng, kỷ luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin đối ngoại.
Điều 6. Cơ quan quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại
1. Ủy ban nhân dân Thành phố chịu trách nhiệm trước Chính phủ, chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại.
2. Các Sở, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và Quy chế này.
Điều 7. Nội dung cung cấp thông tin
Các Sở, ban, ngành, quận, huyện có trách nhiệm cung cấp thông tin chi tiết về công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại có liên quan đến đơn vị mình cho Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.
Điều 8. Thời gian cung cấp thông tin
1. Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an Thành phố, Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm cung cấp thông tin quy định tại Điều 5 Quy chế này hàng tháng, hàng quý, năm và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin này.
2. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan quy định tại Khoản 1 Điều này công bố, cập nhật thông tin quy định tại Điều 5 Quy chế này lên website của Thành phố Hồ Chí Minh hàng tháng, quý, năm và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin này.
Điều 9. Hình thức cung cấp thông tin
1. Việc cung cấp thông tin của các Sở, ban, ngành có liên quan cho Sở Thông tin và Truyền thông được thực hiện thường xuyên khi có sự thay đổi nội dung quy định tại Điều 5 Quy chế này.
2. Hình thức cung cấp thông tin: gồm 02 hình thức:
a) Văn bản giấy gửi trực tiếp hoặc qua đường công văn, bưu điện hoặc fax. Văn bản giấy phải được đánh máy rõ ràng, có chữ ký, đóng dấu của thủ trưởng cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin.
b) Văn bản điện tử dưới dạng thông điệp dữ liệu gửi qua hệ thống thư điện tử (email).
Điều 10. Trách nhiệm và thời gian công bố, cập nhật thông tin trên website của Thành phố Hồ Chí Minh
1. Công bố, cập nhật thông tin:
Các thông tin đối ngoại của Thành phố Hồ Chí Minh sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm công bố và cập nhật lên website của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Sở nhận được văn bản cung cấp thông tin bản chính do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Cập nhật hiệu lực văn bản:
Định kỳ hàng tháng, quý, năm Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan cung cấp cập nhật, bổ sung các nội dung công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt lên website của Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Trách nhiệm và thời gian cung cấp thông tin của các Sở, ban, ngành, quận, huyện:
Trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận văn bản yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông, các Sở, ban, ngành có liên quan và quận, huyện phải có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến các chủ trương và các hoạt động đối ngoại gửi về Sở Thông tin và Truyền thông.
Điều 11. Trách nhiệm quản trị website của Thành phố Hồ Chí Minh
1. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm quản lý nội dung thông tin trên website của Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Người quản trị có trách nhiệm:
a) Có trách nhiệm trong việc quản trị, công bố cập nhật thông tin lên website của Thành phố Hồ Chí Minh:
b) Theo dõi, kiểm tra định kỳ về tình trạng hoạt động của hệ thống, khắc phục sự cố và các vấn đề xảy ra có liên quan đến hệ thống mạng.
c) Báo cáo thống kê tình hình truy cập khai thác thông tin trên thệ thống.
d) Đề xuất việc nâng cấp, sửa đổi để tạo điều kiện cho hệ thống mạng hoạt động tốt; đề xuất tạm dừng hoạt động hệ thống mạng khi thấy không đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, quận, huyện
1. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại trong phạm vi quản lý.
2. Cung cấp thông tin cho báo chí trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực và địa bàn quản lý theo quy định.
3.Các Sở, ban, ngành, quận, huyện xây dựng kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại gửi về Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp trước ngày 31 tháng 12 hàng năm để Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Phân công tổ chức hoặc cá nhân trực thuộc chịu trách nhiệm triển khai hoạt động thông tin đối ngoại.
5. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thông tin đối ngoại.
6. Thực hiện chế độ bảo mật theo quy định của pháp luật.
7. Các Sở liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại.
Điều 13. Phân công thực hiện
1. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trên địa bàn thành phố; Chủ trì phối hợp cùng Sở Ngoại vụ và các Sở, ban, ngành, quận, huyện có liên quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện nhiệm vụ nhà nước về thông tin đối ngoại ở địa phương (trên lĩnh vực báo chí).
Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm đôn đốc các Sở, ban, ngành, quận, huyện thực hiện kế hoạch thông tin đối ngoại đã được thông qua.
b) Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại: Hướng dẫn nội dung thông tin đối ngoại cho các cơ quan thông tấn báo chí của Thành phố.
c) Cung cấp thông tin và hướng dẫn thông tin đối ngoại cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước thông qua hình thức tổ chức họp giao ban báo chí định kỳ; Họp báo.
d) Chỉ đạo City web, các trang báo điện tử, trang thông tin điện tử của các cơ quan báo, đài thành phố đăng tải thông tin về thông tin đối ngoại.
đ) Phối hợp, hỗ trợ Sở Ngoại vụ trong việc cấp phép tổ chức các cuộc họp báo quốc tế do Sở Ngoại vụ và các Sở, ban, ngành có nhu cầu tổ chức; Kịp thời hướng dẫn chỉ đạo, định hướng về thông tin tuyên truyền đến các cơ quan báo chí của thành phố đưa tin về hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố.
e) Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện kế hoạch thông tin đối ngoại của các Sở, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện theo dõi, tổng hợp kinh phí hàng năm cho các hoạt động thông tin đối ngoại nói chung.
2. Sở Ngoại vụ:
a) Thông tin cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố về tình hình quốc tế và dư luận quốc tế về Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
b) Chuẩn bị trả lời phỏng vấn của lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố cho phóng viên nước ngoài.
c) Quản lý và hướng dẫn hoạt động của các phóng viên báo chí, các hãng thông tấn nước ngoài đến thành phố theo những quy định hiện hành của nhà nước.
d) Phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý hoạt động liên quan đến thông tin - báo chí, văn hóa - đối ngoại của các cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của nước ngoài, các cơ sở văn hóa, giáo dục có yếu tố nước ngoài.
đ) Chủ trì theo dõi, nghiên cứu, tổng hợp dư luận báo chí nước ngoài phục vụ thông tin đối ngoại.
e) Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin đối ngoại cho các cơ quan báo, đài Thành phố và báo chí Trung ương trú đóng trên địa bàn.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Chủ trì phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ và các Sở, ban, ngành có liên quan triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại thông qua hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch.
b) Phối hợp với các đơn vị, tổ chức có liên quan tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật để phục vụ hoạt động thông tin đối ngoại của thành phố.
4. Công an Thành phố:
a) Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ và các Sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn và theo dõi việc chấp hành chế độ bảo mật thông tin trong hoạt động thông tin đối ngoại.
b) Theo dõi, tổng hợp diễn biến thông tin đối ngoại để đề xuất chủ trương, biện pháp phản bác các thông tin sai, xuyên tạc, chống phá Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
5. Sở Tài chính:
a) Thẩm định dự toán ngân sách hàng năm cho các hoạt động thông tin đối ngoại, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Bảo đảm kinh phí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, hoạt động thông tin đối ngoại.
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng định mức kinh phí cho các hoạt động thông tin đối ngoại.
6. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố:
Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc thông tin, tuyên truyền tăng cường sự hiểu biết, củng cố và phát triển quan hệ đoàn kết hữu nghị, cổ vũ và hỗ trợ sự hợp tác, giao lưu về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật… giữa nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với nhân dân các nước; Nghiên cứu và tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước và hoạt động viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Thành phố.
7. Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố:
a) Giúp Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quản lý nhà nước và chỉ đạo toàn diện công tác về người Việt Nam định cư ở nước ngoài trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
b) Tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đối với kiều bào và thân nhân trên địa bàn Thành phố; Phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền, phổ biến về việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành phố về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân, phù hợp với đặc điểm tình hình của Thành phố.
c) Tổ chức thông tin cho kiều bào về tình hình đất nước và thành phố; về pháp luật, chính sách, nhằm giúp kiều bào hiểu đúng tình hình đất nước và thành phố, thông tin và hướng dẫn các thủ tục hành chính để giúp đỡ các mặt hoạt động, sinh hoạt của kiều bào trong thời gian về thăm đất nước được thuận lợi dễ dàng.
8. Ủy ban nhân dân quận, huyện:
Thực hiện theo đúng tinh thần của Quy chế và có chế độ báo cáo theo quy định.
Điều 14. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vướng mắc, các Sở, ban, ngành gửi về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân Thành phố sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Hoàng Quân