BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH ------- Số: 645/QĐ-BVHTTDL | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA HIỆP ĐỊNH
ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (TPP) ĐỐI VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT
NGÀNH VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
-------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch rà soát, đánh giá tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với hệ thống pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Bộ Tư pháp; - Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ VHTTDL; - Như Điều 3; Cổng TTĐT Bộ VHTTDL; - Lưu: VT, PC, LN (35). | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Huỳnh Vĩnh Ái |
KẾ HOẠCH
RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (TPP) ĐỐI VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT NGÀNH VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
(Ban hành theo Quyết định số 645/QĐ-BVHTTDL ngày 01 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Thực hiện yêu cầu của Bộ Tư pháp về việc rà soát, đánh giá tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với hệ thống pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xây dựng Kế hoạch rà soát, đánh giá tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với hệ thống pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Đánh giá tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với hệ thống pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; phân tích làm rõ những điểm không phù hợp của pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch so với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương; đề xuất giải pháp, phương án sửa đổi, bổ sung pháp luật của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đảm bảo phù hợp cam kết của Việt Nam trong TPP.
2. Yêu cầu
- Việc thực hiện rà soát, đánh giá tác động của Hiệp định bảo đảm thực hiện tại tất cả các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ.
- Hoạt động rà soát, đánh giá phải được thực hiện toàn diện, đồng bộ trên các phương diện như: việc bố trí các điều kiện đảm bảo để triển khai thực hiện công tác rà soát; sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Thủ trưởng các cơ quan thực hiện rà soát và kết quả rà soát.
- Việc tổ chức rà soát phải đảm bảo thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI RÀ SOÁT
1. Đối tượng: Các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch còn hiệu lực đến nay.
2. Phạm vi: Các văn bản pháp luật về văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch. Kết thúc rà soát, lập Bảng rà soát về sự phù hợp của pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch với TPP, Danh mục văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch đã được rà soát; Danh mục văn bản về văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch được ban hành để thực hiện cam kết TPP và Danh mục văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp các cam kết với TPP, đồng thời lập Báo cáo đánh giá việc thực hiện cam kết với TPP, trình Lãnh đạo Bộ gửi Bộ Tư pháp tổng hợp trình Chính phủ.
III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan triển khai Kế hoạch này và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
a) Hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ về việc tổ chức rà soát, đánh giá tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với hệ thống pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
b) Xây dựng Báo cáo, tổ chức họp lấy ý kiến góp ý Báo cáo và tổng hợp gửi Báo cáo rà soát, đánh giá tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với hệ thống pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tới Bộ Tư pháp theo quy định.
2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ có trách nhiệm triển khai nội dung Kế hoạch rà soát, đánh giá tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với hệ thống pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
- Phổ biến nội dung, cách thức, Kế hoạch rà soát, đánh giá tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với hệ thống pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong cơ quan, đơn vị mình;
- Tổ chức tiến hành rà soát, đánh giá tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với hệ thống pháp luật trong phạm vi tham mưu quản lý nhà nước tại cơ quan, đơn vị mình;
- Khẩn trương triển khai Kế hoạch này và chỉ đạo xây dựng Báo cáo kết quả rà soát, đánh giá tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với hệ thống pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại cơ quan, đơn vị mình đảm bảo đúng tiến độ và gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Vụ Pháp chế) để tổng hợp.
- Thời gian thực hiện: Tháng 2 và 3 năm 2016
- Kinh phí thực hiện:
+ Phần rà soát văn bản quy phạm pháp luật: Theo quy định của Thông tư Liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
+ Phần đánh giá thực hiện cam kết với TPP: Theo quy định của Thông tư Liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 14/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Nguồn kinh phí: Từ kinh phí ngân sách sự nghiệp đã được phân bổ cho cơ quan, đơn vị ./.