THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ -------- Số: 649/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG
THÀNH PHỐ HUẾ ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
---------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính như sau:
1. Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch:
Bao gồm thành phố Huế hiện hữu (70,99 km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi của các thị xã: Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang (thị trấn Thuận An và các xã lân cận); diện tích khoảng 348,54 km2. Phạm vi nghiên cứu cụ thể như sau:
- Ranh giới phía Đông: Đến bờ biển Thuận An.
- Ranh giới phía Tây: Đến Bình Điền.
- Ranh giới phía Bắc: Đến sông Bồ - Tứ Hạ.
- Ranh giới phía Nam: Đến đường tránh Huế.
2. Mục tiêu và tính chất:
a) Mục tiêu phát triển:
- Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cố đô Huế; xây dựng thành phố có cơ cấu tổ chức không gian quy hoạch hợp lý, kiến trúc đô thị hài hòa với thiên nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đáp ứng vai trò, chức năng của đô thị có tính đặc thù về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa của quốc gia và có ý nghĩa quốc tế.
- Xây dựng thành phố Huế và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị trở thành khu vực đô thị trung tâm của đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai.
- Làm cơ sở pháp lý triển khai đầu tư xây dựng đô thị đồng bộ; lập đề án nâng cấp, phân loại đô thị đưa toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2009 của Bộ Chính trị.
b) Tính chất:
- Là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là khu vực đô thị trung tâm của đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai; là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo đa ngành, đa ngành lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước và khu vực các nước Đông Nam châu Á.
- Là thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival cấp quốc gia và mang tầm quốc tế.
- Là đầu mối giao lưu kinh tế trong vùng và trong trục hành lang thương mại quốc tế.
c) Tầm nhìn đến năm 2050:
- Phát triển thành phố Huế thành một trong 6 đô thị cấp Quốc gia trong hệ thống đô thị Việt Nam, là một trong 3 thành phố di sản của Đông Dương với tư cách là “Thành phố Festival, trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc của châu Á”.
- Xây dựng một đô thị lịch sử sống động với mục tiêu đưa Huế thành đô thị sáng tạo văn hóa.
- Nuôi dưỡng, phát triển ngành công nghiệp tri thức chất lượng cao để đưa Huế thành đô thị công nghiệp tri thức.
- Xây dựng đô thị thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên để đưa Huế trở thành đô thị môi trường kiểu mẫu.
3. Các dự báo phát triển:
a) Quy mô dân số:
- Đến năm 2020 khoảng 615.000 người.
- Đến năm 2030 khoảng 674.000 người.
- Đến năm 2050 khoảng 1.000.000 người.
b) Quy mô đất đai:
- Hiện trạng đất xây dựng đô thị khoảng 6.028 ha.
- Đến năm 2020, đất xây dựng đô thị khoảng 10.412 ha.
- Đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 12.190 ha.
4. Định hướng phát triển:
a) Định hướng phát triển không gian đô thị:
- Mô hình phát triển không gian đô thị: Phát triển theo mô hình cụm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm và 04 đô thị phụ trợ; các đô thị được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai, bố trí dải cây xanh giữa các đô thị để hạn chế phát triển lan tỏa của các đô thị và phòng tránh lũ lụt; tạo lập cụm đô thị di sản - văn hóa - cảnh quan thân thiện với môi trường.
- Phân vùng phát triển:
+ Vùng phát triển đô thị - công nghiệp: Diện tích 12.190 ha với khu vực đô thị trung tâm và 04 đô thị phụ trợ.
+ Vùng phát triển nông nghiệp nông thôn: Diện tích khoảng 22.664 ha, bao gồm:
. Các điểm dân cư nông thôn tập trung có diện tích khoảng 1.395 ha.
. Đất sản xuất nông nghiệp có diện tích khoảng 11.668 ha.
. Đất các dải cây xanh giữa các đô thị có diện tích khoảng 9.601 ha.
- Định hướng phát triển đô thị:
+ Đô thị trung tâm:
. Bao gồm khu vực thành phố Huế hiện nay và khu đô thị mới An Vân Dương. Tổng diện tích khoảng 8.200 ha, dân số đến năm 2030 khoảng 440.000 người.
. Tăng cường phát triển các chức năng vốn có của trung tâm dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục, hành chính, văn hóa - lễ hội... của đô thị hiện tại. Đồng thời, phát huy các chức năng dịch vụ công cộng, công nghiệp tri thức.
. Ưu tiên phát triển đô thị theo trục Bắc - Nam tại các khu vực được phép xây dựng phù hợp quy hoạch; chỉnh trang đô thị tại các khu dân cư hiện hữu.
+ Các đô thị phụ trợ:
. Đô thị phụ trợ 1 - Hương Thủy: Thuộc thị xã Hương Thủy, với tổng diện tích khoảng 12.500 ha, dân số đến năm 2030 khoảng 104.000 người; là cửa ngõ phía Nam của đô thị trung tâm Huế; có chức năng dịch vụ phức hợp của trung tâm công nghiệp, cung cấp dịch vụ công cộng cho thành phố Huế và khu vực Hương Thủy; phát triển các chức năng cư trú, công nghiệp, du lịch, dịch vụ.
. Đô thị phụ trợ 2 - Thuận An: Tổng diện tích khoảng 4.500 ha, dân số đến năm 2030 khoảng 35.000 người. Đóng vai trò cửa ngõ hàng hải và cung cấp dịch vụ công cộng cho khu vực Phú Vang; có các chức năng đặc thù như du lịch sinh thái biển, đầm phá, là động lực để Huế là đô thị hướng biển. Là khu vực hạn chế phát triển dân cư mật độ cao.
. Đô thị phụ trợ 3 - Hương Trà: Khu vực thuộc thị xã Hương Trà, với tổng diện tích khoảng 7.800 ha, dân số đến năm 2030 khoảng 87.000 người. Tăng cường chức năng công nghiệp với trung tâm là khu công nghiệp Tứ Hạ; cung cấp dịch vụ công cộng cho khu vực thị xã Hương Trà.
. Đô thị phụ trợ 4 - Bình Điền: Tổng diện tích khoảng 1.800 ha, dân số đến năm 2030 khoảng 8.000 người. Đóng vai trò kết nối thành phố Huế với khu vực phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời là trung tâm khu vực phía Tây đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai. Phát triển chức năng du lịch và kết nối du lịch với thành phố Huế qua sông Hương; cung cấp dịch vụ công cộng đối với khu vực xung quanh và từng bước đô thị hóa khu vực Bình Điền.
- Trục phát triển kinh tế: Tiếp tục phát triển theo trục Bắc - Nam (hướng Hương Trà - thành phố Huế - Hương Thủy), tạo thành từ trục giao thông chính quốc gia và của hành lang kinh tế Đông - Tây.
- Trục phát triển du lịch: Theo hướng từ Thuận An (phía Đông) và từ khu vực Bình Điền (thượng lưu sông Hương) đến thành phố Huế.
b) Định hướng phát triển hệ thống các trung tâm chuyên ngành:
- Trung tâm hành chính, sự nghiệp: Diện tích khoảng 120 ha, bao gồm:
+ Trung tâm hành chính, chính trị tỉnh (đặt tại khu đô thị mới An Vân Dương và một phần tại khu đô thị cũ phía Nam thành phố).
+ Trung tâm hành chính, chính trị thành phố và các huyện, thị xã; trung tâm hành chính các phường, xã thuộc thành phố Huế và một phần của thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang.
+ Các cơ sở hành chính của cơ quan Trung ương ở địa bàn.
- Trung tâm văn hóa - nghệ thuật: Diện tích khoảng 300 ha, bao gồm:
+ Cải tạo và mở rộng trung tâm văn hóa thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế; tăng cường các chức năng, đa dạng hóa các chương trình và hoạt động văn hóa.
+ Hình thành tại khu vực Phú Mậu khu văn hóa theo mô hình chuyên sâu, có quy mô khoảng 50 ha.
+ Duy trì và mở rộng cụm văn hóa, lễ hội và một số thiết chế văn hóa cơ sở ở khu vực Tây Nam thành phố với quy mô khoảng 40 ha.
+ Các thiết chế văn hóa cơ sở của thành phố và các huyện, thị xã.
- Trung tâm y tế: Diện tích khoảng 80 ha, bao gồm:
+ Trung tâm y tế chuyên sâu cấp vùng, quốc gia: Bố trí tại khu đô thị cũ phía Nam thành phố với diện tích khoảng 25 ha.
+ Trung tâm y tế đa khoa, chuyên khoa và y tế dự phòng thành phố Huế bố trí tại phường Hương Sơ, phường Vỹ Dạ và trung tâm của các thị xã: Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang, có bán kính phục vụ phù hợp.
- Trung tâm giáo dục - đào tạo: Diện tích khoảng 250 ha, bao gồm:
+ Trung tâm giáo dục đa ngành đào tạo cấp vùng, quốc gia: Xây dựng làng đại học Huế tại các phường An Tây, An Cựu với diện tích khoảng 143 ha.
+ Phát triển mới một số cơ sở giáo dục ở khu đô thị mới An Vân Dương với diện tích khoảng 50 ha.
+ Các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, đào tạo nghề và các cơ sở giáo dục khác được bố trí phân tán tại các vùng đô thị hiện có.
- Trung tâm thể dục - thể thao: Diện tích khoảng 485 ha, bao gồm:
+ Duy trì các trung tâm thể dục thể thao hiện có. Nâng cấp chức năng công trình thể thao cấp đô thị; phát triển mới công trình thể thao đa chức năng tại khu đô thị mới An Vân Dương và phường Hương Sơ.
+ Các trung tâm thể dục - thể thao hiện có tại các điểm dân cư trên địa bàn thành phố được cải tạo, nâng cấp và hiện đại hóa.
+ Câu lạc bộ golf: Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh sân golf Thiên An tại khu vực Thủy Dương theo Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.
- Trung tâm nghiên cứu, phát triển: Diện tích khoảng 100 ha, bố trí tại khu vực An Tây, khu vực Thủy Dương và Phú Bài.
- Trung tâm dịch vụ, thương mại: Diện tích khoảng 200 ha, bao gồm:
+ Hình thành các trung tâm thương mại, siêu thị tại các khu trung tâm đô thị cũ, khu đô thị mới An Vân Dương và khu vực Tứ Hạ, Phú Bài.
+ Cải tạo nâng cấp một số siêu thị, chợ hiện có tại khu vực thành phố Huế. Nâng cấp chợ Đông Ba, xây dựng chợ đầu mối Phú Hậu, bố trí quỹ đất và đầu tư phát triển hệ thống tổng kho bãi logistics, kho dự trữ hàng hóa phục vụ xuất khẩu hàng hóa nội địa.
+ Duy trì và phát huy các chợ truyền thống, làng nghề tạo hình ảnh đặc trưng phù hợp với thành phố du lịch.
- Trung tâm dịch vụ du lịch: Diện tích khoảng 500 ha, bao gồm:
+ Dịch vụ du lịch biển và đầm phá: Bố trí các khu nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống khách sạn, dịch vụ du lịch khu vực Thuận An, đầm phá Tam Giang.
+ Du lịch sinh thái sông, hồ: Tại khu vực dọc sông Hương, sông Ngự Hà. Các điểm du lịch đặc thù ở cồn Hến, cồn Dã Viên, khu vực Thủy Biều...
+ Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tâm linh trên núi: Khu vực đền Huyền Trân, đồi Thiên An...
c) Định hướng phát triển không gian các khu dân cư đô thị:
- Các khu ở chỉnh trang cải tạo: Diện tích khoảng 1.725 ha; tập trung chủ yếu ở phía Nam thành phố Huế và một phần phía Bắc thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang.
- Khu vực chỉnh trang bảo tồn: Diện tích khoảng 400 ha; tập trung chủ yếu ở khu vực Kinh thành Huế; gần các khu vực di tích, khu lăng tẩm; phố cổ Bao Vinh, một số khu nhà vườn ở Thủy Biều, Kim Long, Hương Long; một số làng nghề truyền thống khác. Khu vực bảo tồn cảnh quan, giảm thiểu mật độ dân cư, cải tạo xây dựng theo hướng có chiều cao và mật độ xây dựng thấp để đảm bảo hài hòa, không ảnh hưởng đến các di tích, làng nghề truyền thống.
- Khu vực tái phát triển: Diện tích khoảng 250 ha; tập trung chủ yếu ở khu vực Thủy Biều, khu vực Gia Hội, cồn Hến, cồn Dã Viên và một số khu vực khác. Xây dựng chức năng du lịch như nhà nghỉ, khu thương mại, văn hóa, khu resort.... Công trình xây dựng theo hướng có chiều cao và mật độ xây dựng thấp.
- Khu vực phát triển bổ sung: Diện tích khoảng 180 ha; tập trung chủ yếu ở Thủy Xuân, Trường An, Phước Vĩnh, Hương Long, Kim Long, An Cựu, An Tây; khai thác các quỹ đất trống để mở rộng và phát triển các công trình dịch vụ công cộng và các khu dân cư. Các công trình xây dựng có mật độ vừa và thấp, chiều cao hài hòa với khu vực lân cận.
- Khu vực phát triển mới: Diện tích khoảng 1.750 ha; tập trung ở các khu đô thị mới An Vân Dương, Hương Sơ, An Hòa và một số khu dân cư mới ở Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An và Bình Điền; theo mô hình đô thị sinh thái, công trình xây dựng theo hướng thấp tầng, mật độ thấp. Một số khu vực trung tâm phát triển công trình cao tầng, mật độ cao.
d) Định hướng phát triển các khu dân cư nông thôn:
- Tập trung chủ yếu ở một số khu vực thuộc huyện Phú Vang, thị xã Hương Trà và thị xã Hương Thủy; bảo tồn cảnh quan và hình thái kiến trúc của làng nông thôn truyền thống, đồng thời phát triển theo Chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Xây dựng một số mô hình làng nông thôn mới, gắn với du lịch.
- Xây dựng các vành đai xanh tạo mối liên kết giữa các đô thị, hạn chế sự quá trình đô thị hóa. Từng bước nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, tiếp cận với các khu đô thị.
đ) Định hướng không gian phát triển công nghiệp:
- Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung có diện tích khoảng 1.200 ha; gồm Khu công nghiệp Phú Bài (820 ha); Khu công nghiệp Tứ Hạ (250 ha); Khu công nghiệp Thủy Phương (50 ha); cụm công nghiệp làng nghề Hương Sơ (50 ha); cụm công nghiệp Bình Điền (30 ha).
- Các khu nghiên cứu phát triển ở khu vực An Tây, Thủy Dương với diện tích khoảng 100 ha; phát triển các ngành công nghiệp sạch, có kỹ thuật cao không ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường khu vực, kết hợp với các trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm đào tạo đa ngành chất lượng cao để phát triển công nghiệp tri thức.
e) Định hướng đầu mối hạ tầng kỹ thuật:
- Cảng hàng không: Nâng cấp, phát triển sân bay quốc tế Phú Bài đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4E theo Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
- Ga đường sắt: Tiếp tục định hướng xây dựng ga đường sắt mới nhằm chuyển hệ thống đường sắt ra ngoài trung tâm thành phố. Xây dựng các nhà ga đường sắt (phía Bắc, phía Nam và nhà ga trung tâm) để liên kết các khu vực chính của đô thị với giao thông đường sắt theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam.
- Cảng biển: Đầu tư xây dựng cảng Thuận An đảm bảo đến năm 2020 tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 DWT phù hợp với Quy hoạch phát triển cảng biển được duyệt.
- Các nhà máy cấp nước, cấp điện, các khu xử lý rác thải, trạm xử lý nước thải, các khu nghĩa trang... bố trí đồng bộ, hiện đại với bán kính phục vụ phù hợp.
g) Định hướng không gian cây xanh, công viên và không gian mở:
- Quy mô diện tích khoảng 580 ha; chỉ tiêu cây xanh chung 15 m2/người, khu vực cây xanh công cộng trong đô thị 6 m2/người.
- Không gian cây xanh: Hạn chế đô thị hóa bằng các trục không gian xanh sinh thái. Đảm bảo không gian xanh trong thành phố đa dạng và phong phú.
- Hệ thống công viên: Bao gồm công viên khu phố, công viên văn hóa lịch sử, công viên mặt nước và công viên thể dục thể thao; tạo cảnh quan, môi trường đô thị và hình thành các điểm nghỉ ngơi, vui chơi.
- Không gian mặt nước: Tận dụng không gian mặt nước, xây mới các hồ tạo cảnh quan, nghỉ dưỡng và thoát lũ. Các không gian mặt nước chính: Khu vực sông Hương và các nhánh; khu vực đầm phá và ven biển Thuận An; các kênh đào bên trong và ngoài Kinh thành; các ao hồ nhân tạo và hồ điều hòa tự nhiên.
- Quảng trường: Bố trí quảng trường gắn với các công trình giao thông như: Sân bay Phú Bài, ga Huế và các công trình đặc thù khác; các quảng trường trung tâm liên kết với các công viên hoặc công trình tiêu biểu, đảm bảo không gian mở phục vụ các sự kiện lớn.
h) Định hướng quy hoạch không gian dọc hai bên bờ sông Hương:
- Khu vực từ lăng Gia Long đến Kim Long: Là khu bảo tồn tôn tạo, xây dựng có kiểm soát, tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh, tôn vinh giá trị các di tích kết hợp khai thác du lịch hợp lý.
- Khu vực từ Kim Long tới Bao Vinh: Là khu vực phát triển kết hợp bảo tồn tôn tạo, giữ gìn những nét đặc trưng của khu vực Kinh thành Huế.
- Khu vực từ Bao Vinh tới cửa biển Thuận An: Là không gian sinh thái nông nghiệp, làng xóm ven sông, đầm phá, cửa biển. Hình thành phát triển các khu du lịch tắm biển, sinh thái đầm phá, các khu ẩm thực, vui chơi mặt nước; tổ chức khu dịch vụ ở phía Tây cảng Thuận An.
- Không gian ven sông chủ yếu là hệ thống công viên cây xanh, đường dạo kết hợp các công trình kiến trúc được khống chế chiều cao bảo đảm sự hài hòa chung; bảo tồn, phát huy giá trị của khu phố cổ Bao Vinh;
5. Định hướng quy hoạch sử dụng đất:
- Đất xây dựng đô thị là 12.190 ha, chỉ tiêu khoảng 210 m2/người.
- Chỉ tiêu đất các công trình trong đơn vị ở là 112 m2/người. Trong đó:
+ Diện tích đất ở là 4.520 ha, chỉ tiêu khoảng 77,8 m2/người.
+ Đất công cộng là 6,0 m2/người; đất cây xanh và đất thể dục thể thao là 10,0 m2/người, đất giao thông và quảng trường là 18,0 m2/người. Bao gồm: Đất dân dụng (nhà ở, công cộng, cây xanh...) 6.496 ha, đất ngoài dân dụng (công nghiệp, du lịch, giáo dục...) 5.694 ha, đất tự nhiên, dự trữ... 22.664 ha.
6. Định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan
a) Định hướng phân vùng kiến trúc cảnh quan:
Bao gồm 07 vùng với đặc điểm cư trú khác biệt về mức độ và mật độ đô thị: Khu vực phía Bắc sông Hương, Huế; khu vực Nam sông Hương, Huế; khu đô thị mới An Vân Dương; khu vực Bình Điền; khu vực Hương Thủy; khu vực Hương Trà và khu vực Thuận An.
b) Định hướng quản lý không gian kiến trúc cảnh quan:
- Khu vực phía Bắc sông Hương, Huế (Kinh thành Huế, làng truyền thống, làng nghề thủ công mỹ nghệ và một số khu vực khác):
+ Chiều cao của các công trình trong khu vực Kinh thành £ 11 m.
+ Đối với các khu phố truyền thống (Bao Vinh, Kim Long, Gia Hội...) với những công trình nhà cổ, nhà vườn, trong quá trình tu sửa, sửa chữa, cần bảo tồn, giữ gìn nguyên cấu trúc truyền thống.
+ Đối với những làng nghề (Phường Đúc, Thanh Tiên, Sình...) bảo đảm cấu trúc của làng, bảo tồn phát huy hệ thống nhà lâu năm cùng các cơ sở hạ tầng khác.
- Khu vực phía Nam sông Hương, Huế:
+ Quản lý tầm nhìn cảnh quan: Mở rộng không gian tầm nhìn đối với trục cảnh quan chính từ Kỳ Đài (Kinh thành Huế) hướng về phía núi Ngự Bình khoảng 20 độ để quy định độ cao công trình kiến trúc; chú trọng tầm nhìn từ khu vực Tây Nam Huế về khu vực đô thị trung tâm.
+ Khu vực quản lý cảnh quan ven bờ sông: Quản lý hai bên bờ (sông Hương: 200 m; sông Như Ý và sông An Cựu: 50 m), quy định cụ thể về chiều cao, hình dáng và cách bố trí (đường kiến trúc) đối với công trình xây mới.
+ Khu vực quản lý cảnh quan đường phố: Xây dựng cảnh quan đường phố trung tâm đô thị, đường phố lịch sử (đường Hùng Vương, Hà Nội, Lê Lợi, Điện Biên Phủ...), giới hạn độ cao, hình dáng công trình,
+ Khu vực quản lý cảnh quan truyền thống: Bảo tồn, phục hồi và chỉnh trang cải tạo công trình kiến trúc truyền thống, xung quanh di tích lịch sử, công trình kiến trúc cận đại... tạo cảnh quan hài hòa.
- Khu đô thị mới An Vân Dương:
+ Từng bước hoàn chỉnh, đồng bộ, theo hướng phát triển bền vững, hiện đại.
+ Xây dựng các công trình cao tầng, hiện đại và làm điểm nhấn đô thị.
- Khu vực Bình Điền:
+ Bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, cân bằng sinh thái; tuân thủ theo Luật bảo vệ môi trường.
+ Hình thành một số khu đô thị sinh thái, khu nhà vườn thấp tầng, mật độ xây dựng thấp và có hình thái đặc trưng.
- Khu vực Hương Thủy:
+ Xây dựng, hình thành một số công trình có quy mô, tạo điểm nhấn cho đô thị, ưu tiên trên trục quốc lộ 1A.
+ Hình thành, phát triển một số công trình công cộng, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của dân cư và du khách.
+ Quy hoạch xây dựng và xây dựng quy chế kiểm soát kiến trúc - cảnh quan tại khu dân cư nông thôn.
- Khu vực Hương Trà:
+ Xây dựng, hình thành một số công trình có quy mô, tạo điểm nhấn cho đô thị, ưu tiên trên trục quốc lộ 1A.
+ Hình thành, phát triển một số công trình công cộng, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của dân cư và du khách.
+ Quy hoạch xây dựng và xây dựng quy chế kiểm soát kiến trúc - cảnh quan tại khu dân cư nông thôn.
- Khu vực Thuận An:
+ Xây dựng từng bước hoàn chỉnh đô thị theo hướng phát triển bền vững, có bản sắc của đô thị ven biển.
+ Ưu tiên phát triển không gian công cộng, dịch vụ, đặc biệt là không gian cảnh quan ven biển.
c) Quản lý khu vực cảnh quan kiến trúc trọng điểm:
- Đối với khu vực các cửa ngõ của đô thị: Kiểm soát kiến trúc cảnh quan các công trình điểm nhấn, công trình biểu tượng các khu vực cửa ngõ đô thị. Cụ thể:
+ Cửa ngõ khu vực ranh giới thành phố (04 khu vực, gồm: Trục quốc lộ 1A đoạn tiếp giáp sông Bồ; trục quốc lộ 1A với đường tránh Huế; trục quốc lộ 49B, xã Phú Thuận và trục quốc lộ 49B, Bình Điền): Cải tạo cảnh quan tuyến đường giao thông phù hợp với khu vực lân cận, xây dựng công trình tạo hình ảnh đặc trưng.
+ Cửa ngõ khu vực dẫn vào trung tâm thành phố (06 điểm, gồm: Quốc lộ 1A đoạn cầu Quán Rớ; tuyến đường tránh thuộc Hương Văn; quốc lộ 49 xã Thủy Bằng; quốc lộ 1A đoạn cầu vượt tại Thủy Dương; trục Tự Đức - quốc lộ 1A giao với đường vành đai; trục quốc lộ 49 B giao với đường vành đai): Xây dựng quảng trường công cộng liên kết cảnh quan khu vực trung tâm thành phố và khu vực ngoại ô. Bố trí công trình biểu tượng của Thành phố tại khu vực dẫn vào Thành phố ở phía Bắc, khu vực dẫn vào Thành phố ở phía Nam thông qua đường 49 và cao tốc Bắc Nam.
+ Cửa ngõ về công trình giao thông chính (03 điểm, gồm khu vực ga đường sắt; khu vực sân bay Phú Bài; khu vực cảng Thuận An): Tạo cảnh quan, kiến trúc phù hợp với đặc trưng của Huế.
- Đối với các trục không gian chính:
+ Trục cảnh quan lịch sử: Thiết lập 04 trục cảnh quan lịch sử (trục trung tâm thành phố, trục cảnh quan Nam Bắc, trục Nam Giao, trục vùng đồi núi phía sau Hoàng Thành). Có quy định quản lý riêng tại khu vực 04 trục, đảm bảo các yếu tố mang tính biểu tượng và tính lịch sử của Huế.
+ Trục cảnh quan sông nước gồm trục cảnh quan sông Hương và trục cảnh quan sông nước khác (sông An Cựu, sông Ngự Hà, sông Bồ): Xây dựng cảnh quan đa dạng ven bờ sông và mở rộng tầm nhìn. Xây dựng khu vực quản lý có chiều rộng phù hợp ở hai bên bờ; quy định về chiều cao, hình dáng và giải pháp bố trí đối với công trình kiến trúc được xây mới trong khu vực.
+ Trục không gian đô thị: Thiết lập 2 loại trục không gian là trục đô thị Bắc Nam và trục tuần hoàn đô thị để xây dựng cảnh quan đô thị góp phần làm hài hòa giữa hiện đại với truyền thống, mở rộng tầm nhìn cảnh quan.
- Đối với các quảng trường, đài quan sát và công trình biểu tượng, cụ thể:
+ Thiết lập 03 loại quảng trường, bao gồm; Quảng trường trung tâm (08 điểm), quảng trường cảnh quan (06 điểm) và quảng trường giao thông (08 điểm) đáp ứng tương quan về tỷ lệ, thể hiện rõ ý nghĩa, tính chất và hình ảnh đặc trưng.
+ Thiết lập 02 loại đài quan sát, bao gồm: 03 đài quan sát cảnh quan tự nhiên và 07 đài quan sát cảnh quan đô thị, đáp ứng tương quan về tỷ lệ, tầm nhìn quan sát và thể hiện tính chất, ý nghĩa của từng điểm quan sát.
+ Công trình biểu tượng: Là công trình kiến trúc trọng điểm, công trình tạo hình, điểm di tích lịch sử chính, tòa nhà kiến trúc nổi tiếng, không gian mở tại các ngọn đồi hoặc vùng đất cao...
7. Định hướng thiết kế đô thị:
a) Khung thiết kế đô thị tổng thể:
- Hệ thống các đô thị: Xây dựng 1 đô thị trung tâm (Huế) và 4 đô thị phụ trợ (Hương Trà, Hương Thủy, Thuận An, Bình Điền).
- Trục không gian chính theo các tuyến giao thông: Trục giao thông Bắc Nam (Trục cao tốc phía Tây thành phố Huế, trục quốc lộ 1A); trục giao thông Đông Tây (quốc lộ 49); trục giao thông tuần hoàn.
- Trục cảnh quan: Trục không gian sông Hương, trục không gian xanh sinh thái, trục không gian liên kết.
b) Nội dung kiểm soát:
- Kiểm soát hình thái không gian kiến trúc cảnh quan các công trình điểm nhấn, công trình biểu tượng.
- Kiểm soát tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tỉ lệ diện tích cây xanh, không gian công cộng, các trục giao thông chủ đạo.
- Phát triển không gian đặc thù, không gian cảnh quan của đô thị, không gian cảnh quan sinh thái, khu vực di tích lịch sử văn hóa.
c) Định hướng thiết kế đô thị:
- Mật độ xây dựng:
+ Khu vực mật độ dân cư cao: Khu trung tâm các khu đô thị, khu phát triển hỗn hợp, phát triển dọc hai bên theo tuyến đường chính của đô thị.
+ Khu vực mật độ dân cư vừa và nhỏ: Tại khu vực phía Tây (Thủy Xuân, Thủy Biều, Kim Long, Hương Long...), khu vực phía Đông (Vỹ Dạ, Phú Cát, Phú Hiệp, Phú Mậu, Thủy Vân...). Phát triển các khu vực nhà ở mật độ thấp với các kiểu kiến trúc hài hòa.
+ Khu vực mật độ dân cư thấp: Khu bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa (Kinh thành, khu lăng tẩm phía Tây...), khu phố cổ, làng truyền thống. Phát triển các khu đô thị sinh thái, khu nhà vườn và khu công viên cây xanh, thể dục thể thao có mật độ xây dựng thấp.
- Tầng cao xây dựng và hệ số sử dụng đất:
+ Khu vực trung tâm các đô thị bố trí các công trình có tầng cao và hệ số sử dụng đất phù hợp. Một số vị trí, bố trí công trình tạo điểm nhấn.
+ Khu vực du lịch, sinh thái, công viên cây xanh bố trí các công trình có tầng cao thấp hoặc trung bình và hệ số sử dụng đất thấp.
8. Định hướng phát triển hệ thống hạ tàng kỹ thuật:
a) Giao thông:
- Giao thông đối ngoại:
+ Đường bộ: Xây dựng, hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc Nam; tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 49A (đoạn đi qua khu vực). Bố trí các nút giao và cầu vượt tại các điểm giao cắt chính: Điểm giao cắt đường chính (quốc lộ 1A, quốc lộ 49, đường liên tỉnh); điểm giao cắt với đường cao tốc Bắc Nam (3 điểm: Hương Chữ, Hương Thọ, Thủy Phương) phù hợp với Quy hoạch giao thông đường bộ đã được duyệt; nghiên cứu điểm giao cắt tại khu vực trung tâm thành phố.
+ Đường thủy: Hình thành tuyến đường thủy Thuận An - Chân Mây và kết nối Đà Nẵng.
- Đường sắt: Quy hoạch tuyến đường sắt mới theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam.
+ Đường hàng không: Phát triển sân bay quốc tế Phú Bài đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4E theo Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
- Giao thông đối nội:
+ Giao thông đô thị:
. Đường bộ: Tiếp tục xây dựng mạng lưới đường vành đai trong kết nối tuần hoàn khu vực xây dựng cũ và khu vực xây dựng mới; mạng lưới vành đai ngoài kết nối Hương Thủy - Thuận An - Hương Trà. Xây dựng mới tuyến đường chính đô thị ở phía Đông và phía Tây quốc lộ 1A tăng khả năng tiếp cận cho khu vực nội thị và giảm tải cho tuyến quốc lộ 1A phù hợp với Quy hoạch giao thông đường bộ đã được duyệt; đồng thời tiếp tục chỉnh trang hoàn thiện hệ thống đường khu vực của đô thị.
. Chỉ tiêu chính: Mật độ đường đô thị 8 - 10 km/km2; mật độ đường nông thôn 3,0 - 3,2 km/km2; tỷ lệ đường đô thị 18 - 22%; tỷ lệ đường nông thôn 10 - 15%.
+ Giao thông công cộng:
. Xây dựng các tuyến giao thông công cộng Bắc Nam liên kết Hương Trà - Huế - Hương Thủy; tuyến Đông Tây kết nối Thuận An - Huế - Bình Điền.
. Tuyến tuần hoàn đô thị kết nối các khu vực trọng yếu như Kinh thành, khu trung tâm phía Nam..., các trung tâm du lịch với sân bay, cảng biển và các trung tâm đô thị mở rộng.
+ Giao thông du lịch và văn hóa: Kết nối các khu vực du lịch chính của thành phố Huế với các di sản văn hóa, các khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh.
. Tuyến du lịch đường bộ: Liên kết khu trung tâm hiện nay với các điểm du lịch. Khai thác, kết nối các tuyến xe buýt để nâng cao tính tiếp cận và thuận tiện cho hoạt động du lịch.
. Tuyến du lịch đường thủy: Xây dựng và vận hành thêm 10 bến thuyền trên sông Hương để phục vụ du lịch.
+ Đường đi bộ và xe đạp:
. Xây dựng mạng lưới đường đi bộ và xe đạp trong khu vực đô thị hiện nay và các khu đô thị mới.
. Quy hoạch khu phố còn công trình kiến trúc Pháp và khu vực phía Đông Kinh thành (đường Mai Thúc Loan...) thành khu vực công cộng và đi bộ.
+ Giao thông tĩnh:
. Xây dựng và cải tạo 5 bến xe đô thị: Xây dựng mới bến xe phía Bắc ở khu vực Tứ Hạ, bến xe phía Nam ở khu vực Phú Bài, bến xe phía Đông ở khu vực Phú Thượng và cải tạo bến xe An Cựu, bến xe An Hòa hiện có.
. Bãi đỗ xe: mở rộng và phát triển không gian bãi đỗ xe tại các khu vực cảng, sân bay, nhà ga, trung tâm thương mại, công viên và các công trình bãi đỗ xe phục vụ các khu dân cư, công trình đặc thù khác. Quy mô bãi đỗ xe dựa trên diện tích khu vực, mật độ dân số, số lượng xe dự kiến và điều kiện khu vực.
b) Chuẩn bị kỹ thuật:
- San nền:
+ Quy định về cao độ nền: Tuân thủ cao độ khống chế xây dựng và hài hòa với các khu vực đã xây dựng liền kề. Đảm bảo thoát nước mưa, hạn chế ngập lụt do lũ lụt, sạt lở, động đất... Cụ thể:
. Khu vực trung tâm thành phố Huế: Thấp dần về phía sông Hương. Cao độ nền quy hoạch của các khu vực mới phát triển ở phía Đông quốc lộ 1A từ +2,10 m đến +3,00 m; phía Tây quốc lộ 1A từ +3,00 m đến +3,75 m; gần sông An Cựu từ +2,10 m đến +2,30 m; gần sông Phổ Lợi từ +2,50 m đến +3,50 m.
. Khu vực Hương Thủy: Thấp dần về phía đầm phá (hướng Đông Bắc). Cao độ nền quy hoạch của khu vực dân cư thường từ +1,80 m đến +2,30 m.
. Khu vực Thuận An: Thấp dần về phía quanh đầm phá. Cao độ nền quy hoạch của khu vực xây dựng mới từ +1,65 m đến +2,20 m.
. Khu vực Hương Trà: Thấp dần về phía sông Bồ. Cao độ nền quy hoạch của khu vực xây dựng mới từ +2,88 m đến +5,50 m.
. Khu vực Bình Điền: Thấp dần về phía sông Hữu Trạch. Cao độ nền trung bình trên +20 m.
+ Cao độ nền khu vực dân cư: H = (P%) + (0.3-0.5) m.
+ Cao độ nền khu vực công nghiệp: H = (P%) + (0.5-0.7) m.
+ Chu kỳ lũ thiết kế (P%) được lựa chọn riêng cho từng lưu vực và tuân thủ các quy định hiện hành. Chu kỳ lũ của lưu vực sông Hương: P = 5%.
+ Quy định về quản lý, kiểm soát cao độ san nền: Tôn trọng địa hình và tính chất tự nhiên từng vùng. Các công trình mới xây dựng hoặc cải tạo phải đảm bảo cao hơn mặt đường khoảng 0,30 đến 0,50 m. Đối với trường hợp khu vực đồi núi cao, có độ dốc dưới 10% và không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, chỉ san nền một phần và duy trì độ dốc theo quy định. Khu vực cao có độ dốc trên 10%, san nền theo hình bậc thang và ở mỗi bậc thang phải tạo mật độ dốc riêng.
- Thoát nước mưa:
+ Lưu vực thoát nước: Chia làm 4 khu là sông Hương, sông Hữu Trạch ở thượng du sông Hương, sông Bồ và sông An Cựu (một nhánh của sông Hương).
+ Phương thức thoát nước: Tự chảy hoặc sử dụng các trạm bơm. Trục thoát nước cấp 1 sau khi được xả về các hồ điều hòa, tự thoát về các sông lớn, hoặc qua các trạm bơm để bơm xả ra sông.
. Tại các khu vực đô thị cũ: Đối với các khu vực hệ thống thoát nước chung không thể đổi sang hệ thống thoát nước riêng, phải xây dựng các hố ga tách riêng nước mưa và nước thải. Từng bước chuyển đổi tách riêng hệ thống thoát nước mưa và nước thải.
. Tại các khu vực xây dựng mới: Xây dựng hệ thống thoát nước riêng.
. Tại các đô thị mới, khu dân cư: Chọn phương thức thoát nước riêng hoặc thoát nước nửa riêng tùy theo quy mô và tính chất của khu vực.
+ Hệ thống thoát nước: Hệ thống đường ống chính được phân nhánh và ưu tiên tự thoát. Tùy thuộc lưu vực quy hoạch để xả ra các mương thoát nước chính.
- Phòng chống thiên tai:
+ Cải thiện năng lực thoát lũ của sông Hương. Cải tạo, nạo vét và chỉnh trị các sông ngòi hiện có, thực hiện các dự án cải thiện năng lực xả lũ hoặc cải thiện năng lực thoát nước cho đường ống.
+ Xây dựng các hồ điều hòa trong khu đô thị hoặc xung quanh lưu vực để giảm lũ của nhánh chính sông Hương. Tổng số hồ điều hòa là 15 điểm với tổng diện tích là 2,4 km2.
+ Xây dựng đê, kè tại khu vực có nguy cơ ảnh hưởng lũ lụt.
c) Cấp nước:
- Chỉ tiêu cấp nước:
+ Khu vực thành phố Huế: Đến năm 2020 là 180 lít/ngày đêm; đến năm 2030 là 200 lít/ngày đêm. Tỷ lệ cấp nước đạt 100%.
+ Khu vực Hương Trà, Hương Thủy, Thuận An: Đến năm 2020 là 150 lít/người ngày đêm; đến năm 2030 là 180 lít/người ngày đêm. Tỷ lệ cấp nước đạt ³ 90%.
+ Khu vực Bình Điền: Đến năm 2020 là 120 lít/người ngày đêm; đến năm 2030 là 150 lít/người ngày đêm. Tỷ lệ cấp nước đạt ³ 90%.
- Nhu cầu cấp nước:
+ Tổng nhu cầu dùng nước sinh hoạt đô thị và sản xuất đến năm 2020 khoảng 148.581 m3/ngày; đến năm 2030 khoảng 180.726 m3/ngày.
+ Tổng nhu cầu dùng nước sinh hoạt dân cư nông thôn đến năm 2020 khoảng 20.000 m3/ngày; đến năm 2030 khoảng 25.000 m3/ngày.
- Các công trình cấp nước: Xây mới hoặc mở rộng nâng công suất các nhà máy nước hiện có, cụ thể:
+ Nhà máy nước Quảng Tế: Đến năm 2020 khoảng 207.000 m3/ngày; đến năm 2030 khoảng 230.000 m3/ngày.
+ Nhà máy nước Tứ Hạ: Đến năm 2020 khoảng 27.000 m3/ngày; đến năm 2030 khoảng 30.000 m3/ngày.
+ Nhà máy nước Bình Điền: Đến năm 2020 khoảng 1.700 m3/ngày; đến năm 2030 khoảng 2.600 m3/ngày.
- Mạng lưới đường ống:
+ Sử dụng mạng vòng và nhánh cụt, đảm bảo an toàn cấp nước. Cải tạo nâng cấp, xây mới mạng lưới đường ống, các trạm tăng áp, công trình phụ trợ. Đường ống truyền tải đường kính từ DN150 đến DN1.200, đường ống phân phối có đường kính từ DN50 đến DN100.
+ Đường ống cấp nước đến năm 2020 khoảng 2.348 km; đến năm 2030 khoảng 2.614 km.
d) Cấp điện và chiếu sáng đô thị:
- Cấp điện:
+ Chỉ tiêu cấp điện:
. Điện năng cấp điện sinh hoạt: 1.200 KWh/người. năm;
. Phụ tải cấp điện công cộng: 30% so với cấp điện sinh hoạt;
. Phụ tải cấp điện trung bình cho sản xuất công nghiệp 180 KW/ha.
+ Tổng công suất dùng điện đến năm 2030 khoảng 240.255 kVA.
+ Nguồn điện: Hệ thống điện quốc gia, các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (các nhà máy: Bình Điền, Hương Điền, A Lưới...).
+ Trạm biến áp: Xây mới và cải tạo các trạm biến áp 2x250 (MVA): 220 kV Chân Mây; Huế; Huế (La Sơn); Phong Điền. Nâng quy mô công suất trạm 110 kV Huế 1; Huế 3; Phú Bài.
+ Lưới điện:
. Lưới điện cao thế: Đường dây 500 kV, 220 kV, 110 kV theo quy hoạch điện quốc gia.
. Lưới điện trung thế: Sử dụng cấp điện áp chuẩn 22 kV; từng bước chuyển đổi đường dây 6 kV, 10 kV, 15 kV và 35 kV hiện có thành 22 kV.
. Lưới điện hạ thế: Sử dụng cấp điện áp 380/220 kV. Lưới điện xây dựng mới và cải tạo trong phạm vi đô thị trung tâm, các đô thị phụ trợ, khu đô thị mới... quy hoạch đi ngầm. Khu vực chưa ổn định về quy hoạch có thể đi nổi bằng cáp vặn xoắn.
- Chiếu sáng đô thị:
+ Từng bước cải tạo, hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng đô thị. Ứng dụng điều khiển tự động và bán tự động hệ thống đèn đường; sử dụng đèn tiết kiệm năng lượng vào chiếu sáng đô thị.
+ Từng bước hạ ngầm tuyến cáp chiếu sáng trên các các trục giao thông chính, đảm bảo cảnh quan và mỹ quan đô thị.
+ Lắp đặt các thiết bị chiếu sáng cảnh quan tại các điểm nhấn.
đ) Thoát nước thải:
- Tổng lưu lượng thoát nước thải:
+ Nước thải sinh hoạt đến năm 2020: Q=98.653 m3/ngày; đến năm 2030: 150.284 m3/ngày.
+ Nước thải công nghiệp đến năm 2030: Q=23.679 m3/ngày.
- Hệ thống thoát nước:
+ Đối với các khu vực trong Kinh thành Huế, các khu phố cũ, các khu vực hiện đang sử dụng thoát nước thải chung, tiến tới chuyển đổi sang thoát nước riêng.
+ Các khu vực đô thị mới, khu công nghiệp và các khu vực trước đây chưa lắp đặt hệ thống thoát nước phải xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng.
+ Đường ống thoát nước thải đến năm 2020 khoảng 1.790 km; đến năm 2030 khoảng 2.540 km.
- Xử lý nước thải đạt loại B đến năm 2020; đến năm 2030 xử lý đạt loại A.
- Tỷ lệ xử lý nước thải đến năm 2020 là 76,2%; đến năm 2030 là 97,2%.
- Các công trình xử lý nước thải:
+ Thành phố Huế: Trạm xử lý nước thải phía Bắc ở phường Hương Sơ; trạm xử lý nước thải phía Nam ở khu đô thị mới An Vân Dương.
+ Khu vực khác: Xây dựng mới nhà máy xử lý nước thải cho từng đô thị.
+ Nhà máy xử lý nước thải được xây dựng tại các khu công nghiệp.
+ Tổng công suất của các nhà máy xử lý nước thải: Đến năm 2020 là 142.200 m3/ngày; đến năm 2030 là 208.200 m3/ngày.
e) Chất thải rắn và nghĩa trang:
- Chất thải rắn:
+ Lượng thải chất thải rắn phát sinh: 0,9 kg/người/ngày.
+ Tỷ lệ thu gom chất thải rắn đạt 90 - 100%.
+ Tổng lượng chất thải rắn được thu gom: Đến năm 2020 là 107.350 tấn/năm; đến năm 2030 là 144.200 tấn/năm.
+ Tỷ lệ chất thải rắn tái chế: Đến năm 2020 là 60%; đến năm 2030 là 90%.
+ Xây dựng mới các nhà máy xử lý chất thải rắn tại các khu vực: Hương Bình, Tứ Hạ, Bình Điền, Phú Sơn, Phú Xuân. Tổng nhu cầu đất xây dựng các khu xử lý chất thải rắn khoảng 110 ha.
+ Các khu xử lý chất thải rắn có công nghệ hiện đại, sử dụng các công nghệ tái chế, thân thiện với môi trường, giảm tối đa lượng rác thải chôn lấp.
- Nghĩa trang:
+ Chỉ tiêu quy hoạch nghĩa trang: 7 m2/người.
+ Định hướng quy hoạch nghĩa trang:
. Khu vực thành phố Huế: Mở rộng quy mô, xây dựng mới nghĩa trang tập trung phía Bắc, phía Nam thành phố Huế.
. Khu vực đô thị khác: Quy hoạch 1 nghĩa trang tập trung/đô thị.
. Từng bước đóng cửa, di dời các nghĩa trang nhỏ lẻ trong khu vực đô thị về nghĩa trang tập trung của khu vực.
+ Nhu cầu đất nghĩa trang:
. Nghĩa trang mai táng là 84,8 ha; nghĩa trang cải táng là 75,6 ha.
. Công viên nghĩa trang và nhà hỏa táng khoảng 35 ha.
. Đến năm 2030: Mở rộng, cải tạo, di dời và xây mới nghĩa trang có quy mô khoảng 716,0 ha.
+ Các nhà tang lễ: Phía Nam thành phố bố trí tại khu vực Hương Thủy, phía Bắc thành phố tại khu vực Hương Trà và ở khu vực Bình Điền.
g) Về thông tin liên lạc:
- Xây dựng hệ thống thông tin liên lạc với công nghệ hiện đại; sử dụng công nghệ mới về thông tin viễn thông, tiến tới truy cập thông tin trên diện rộng.
- Hệ thống truyền dẫn thiết kế dạng mạch vòng, kết hợp cung cấp các dịch vụ truyền hình cáp, internet băng thông rộng...; ngầm hóa hệ thống đường dây.
- Quản lý và tối ưu hệ thống hạ tầng khung mạng thông tin di động. Nâng cao chất lượng mạng lưới bưu chính.
h) Đánh giá môi trường chiến lược:
- Mục tiêu môi trường: Xây dựng đô thị sinh thái, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường.
- Giải pháp quy hoạch xây dựng nhằm giảm thiểu và khắc phục các tác động và ảnh hưởng của môi trường:
+ Định hướng việc ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Xây dựng các phương án và giải pháp để thực hiện.
+ Quy hoạch sử dụng đất hợp lý, bố trí diện tích các không gian xanh trong đô thị, không gian mặt nước, bảo tồn các khu vực sinh thái.
+ Quy hoạch mạng lưới giao thông bền vững, hạn chế ảnh hưởng và phá vỡ môi trường đô thị.
+ Quy hoạch cao độ nền: Theo chu kỳ lũ thiết kế của lũ lưu vực sông Hương là 5% và mực nước lũ của các sông ngòi; đảm bảo địa hình tự nhiên, đặc trưng của khu vực và duy trì tối đa cảnh quan.
+ Thoát nước mưa đô thị theo hướng ưu tiên tự chảy; tận dụng không gian mặt nước hiện có để điều tiết nước mưa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
+ Hệ thống thoát nước thải góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, đất, đảm bảo việc phát triển đồng bộ và bền vững, thân thiện với môi trường.
+ Quy hoạch cấp nước, nâng cao chất lượng cho cộng đồng, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hiện đại.
+ Thu gom và xử lý chất thải rắn, quy hoạch nghĩa trang theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
- Biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, sự cố môi trường:
+ Ứng phó với biến đổi khí hậu: Phát triển chương trình trồng rừng, nâng cao độ che phủ của rừng; quản lý và khai thác hợp lý nguồn nước mặt, nước ngầm; giảm thiểu phát thải ô nhiễm; giảm thiểu xâm nhập mặn.
+ Ứng phó thiên tai: Xây dựng hệ thống cảnh báo và thông tin về lũ; xây dựng và công bố bản đồ vùng lũ.
+ Sự cố môi trường: Có chính sách ngăn chặn ô nhiễm; xói lở bờ sông, bờ biển; tăng cường năng lực cứu hộ.
- Chương trình giám sát môi trường:
+ Xây dựng bộ dữ liệu diễn biến chất lượng môi trường làm cơ sở xây dựng các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
+ Đối tượng giám sát trực tiếp là các thành phần và yếu tố môi trường có tính nhạy cảm theo thời gian và không gian: Giám sát chất thải, giám sát môi trường xung quanh.
+ Giám sát các tác động môi trường.
+ Mạng lưới quan trắc đa dạng sinh học.
9. Các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư:
a) Chương trình và dự án phát triển kinh tế xã hội:
- Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và địa phương.
- Đầu tư xây mới, nâng cấp các cơ sở hạ tầng xã hội.
- Chú trọng xây dựng nhà ở, chung cư cho sinh viên, công nhân và người có thu nhập thấp.
- Đầu tư xây dựng, mở rộng các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
b) Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật:
- Giao thông:
+ Xây dựng đường cao tốc Bắc Nam, đường quốc lộ 1A, đường vành đai trong, các tuyến giao thông hướng Bắc Nam, Đông Tây, đồng thời tiếp tục chỉnh trang hoàn thiện hệ thống đường khu vực của đô thị.
+ Nâng cấp hệ thống giao thông công cộng; định hướng đường chuyên dụng cho xe máy, đường chuyên dụng cho BRT.
+ Công trình đầu mối: Đầu tư nâng cấp sân bay quốc tế Phú Bài, cảng Thuận An, ga đường sắt, bến xe (phía Bắc, phía Nam thành phố); chỉnh trang các nút giao thông quan trọng.
+ Xây dựng, mở rộng các bãi đỗ xe đô thị, bãi đỗ xe và bến thuyền du lịch.
- Phòng chống thiên tai:
+ Cải tạo hệ thống thoát lũ: Nạo vét lòng sông Hương, sông Chợ Nọ, sông Như Ý, sông Phổ Lợi, sông An Cựu...
+ Xây dựng mạng lưới thoát nước mưa, các trạm bơm và hồ điều hòa.
+ Xây dựng công viên sinh thái sông Hương và đầm phá Tam Giang.
- Cấp nước: Mở rộng các công trình cấp nước Quảng Tế, Tứ Hạ, Bình Điền.
- Cấp điện và điện chiếu sáng:
+ Xây dựng các đường dây cao thế theo quy hoạch điện quốc gia; chuẩn hóa đường dây trung thế 22 kV; đi ngầm hệ thống điện tại các khu vực trung tâm.
+ Dự án cải tạo trạm biến áp 220 kV, 110 kV và 22 kV.
- Xử lý nước thải và vệ sinh môi trường:
+ Xây mới nhà máy xử lý và trạm bơm nước thải thành phố Huế, Hương Thủy, Phú Vang, Hương Trà, Bình Điền.
+ Xây mới hệ thống thoát nước thải ở khu đô thị trung tâm thành phố Huế và tại các khu đô thị phụ trợ.
+ Xây dựng trạm xử lý chất thải rắn Phú Sơn, Hương Bình, Tứ Hạ, Phú Xuân, Bình Điền theo quy hoạch.
- Nghĩa trang: Xây dựng mới nghĩa trang tập trung phía Bắc, phía Nam thành phố Huế; xây mới công viên nghĩa trang, nhà tang lễ, đài hỏa táng.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
1. Ban hành Quy định quản lý xây dựng theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
2. Phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức công bố công khai đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
3. Tổ chức lập và điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phù hợp với đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng và ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị theo quy định.
4. Lập kế hoạch đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và quản lý xây dựng theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
5. Xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến tài chính, đất đai để thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật khung đô thị.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Ngoại giao, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; - Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; - Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Huế; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, NC, V.III, KGVX; - Lưu: Văn thư, KTN (3b).KN | KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Hoàng Trung Hải |