THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------------------- Số: 651/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------------------- Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA KHẮC PHỤC CƠ BẢN
HẬU QUẢ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC DO MỸ SỬ DỤNG TRONG CHIẾN TRANH Ở
VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
-----------------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 33/1999/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 33),
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt: “Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020” với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm
- Hậu quả của chất độc hóa học (CĐHH) do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn nặng nề đối với môi trường và con người ở Việt Nam.
- Khắc phục hậu quả CĐHH cần có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức nhân đạo, từ thiện, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nước ngoài.
- Khắc phục hậu quả CĐHH phải có tính kế thừa những kết quả đã đạt được trong các giai đoạn trước, tránh trùng lặp và có hiệu quả thiết thực.
- Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch hành động) cần được lồng ghép với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
- Các hoạt động khắc phục hậu quả CĐHH phải được tiến hành một cách hệ thống, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, có sự chỉ đạo thống nhất và phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến địa phương.
2. Mục tiêu tổng quát
Giải quyết cơ bản hậu quả của CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và con người ở Việt Nam.
3. Mục tiêu cụ thể
a) Xử lý triệt để CĐHH tại các vùng ô nhiễm nặng.
b) 100% người tham gia kháng chiến và con cháu của họ bị nhiễm CĐHH được hưởng chính sách ưu đãi người có công.
c) Các hộ gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn được trợ cấp đời sống và bảo hiểm y tế, trong đó có 100% hộ gia đình có từ 02 người tàn tật nặng trở lên.
d) Quản lý thai nghén cho trên 95% thai phụ tại các vùng ô nhiễm nặng và nạn nhân CĐHH.
đ) Trồng mới 300.000 ha rừng trên vùng đất trống trọc do CĐHH.
e) Nâng cao năng lực nghiên cứu về CĐHH và đảm nhận được việc phân tích hàm lượng dioxin từ các mẫu mỡ, máu và môi trường đạt trình độ quốc tế.
4. Nhiệm vụ
a) Đối với môi trường và tài nguyên
- Đánh giá toàn diện thiệt hại tài nguyên và môi trường do CĐHH.
- Thử nghiệm các công nghệ có khả năng xử lý triệt để dioxin trong đất và trầm tích.
- Tiến hành xử lý đất và bùn bị nhiễm dioxin tại các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát và các điểm mới phát hiện có nồng độ dioxin cao quá ngưỡng cho phép.
- Lựa chọn các giải pháp và tiến hành hoạt động phục hồi các hệ sinh thái bị phun rải CĐHH; trồng rừng trên đất trống trọc do CĐHH.
- Xây dựng mô hình phục hồi tự nhiên đa dạng sinh học tại một số vùng bị phun rải nặng.
- Quan trắc dioxin trong môi trường (đất, nước, không khí, thực phẩm) tại các vùng bị ô nhiễm nặng.
b) Đối với con người
- Đánh giá hậu quả tiềm tàng và lâu dài của CĐHH đối với sức khỏe con người.
- Xây dựng chương trình và kế hoạch kiểm tra sức khỏe và bệnh tật của nạn nhân CĐHH tại các vùng còn bị ô nhiễm nặng và những vùng đã bị phun rải CĐHH nhiều lần trong thời gian chiến tranh.
- Hoàn thiện chính sách và chế độ trợ giúp nạn nhân CĐHH là những người tham gia kháng chiến và con cháu của họ bị nhiễm CĐHH được hưởng chính sách ưu đãi người có công.
- Trợ cấp và có chế độ bảo hiểm y tế cho các gia đình nạn nhân CĐHH có hoàn cảnh khó khăn và có nhiều người bị bệnh/tật nặng.
- Ban hành Quy trình xác định nạn nhân CĐHH và Tiêu chí xác định bệnh/tật do CĐHH.
- Tổng điều tra số lượng nạn nhân CĐHH.
- Tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho các cơ sở bảo trợ xã hội để đảm bảo tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân CĐHH.
- Tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho các cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, giải độc, tư vấn sinh sản và di truyền, chẩn đoán trước sinh ở các vùng ô nhiễm nặng.
c) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
- Tiếp tục thực hiện các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia nghiên cứu và khắc phục hậu quả CĐHH.
- Tăng cường vận động các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nước ngoài tham gia nghiên cứu và khắc phục hậu quả CĐHH.
d) Nâng cao năng lực nghiên cứu khắc phục hậu quả CĐHH
- Xây dựng Trung tâm nghiên cứu CĐHH/dioxin Việt Nam dựa trên nguồn lực của Phòng phân tích dioxin và Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của Phòng phân tích dioxin thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga và Phòng phân tích dioxin thuộc Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng).
- Triển khai chương trình nghiên cứu khoa học nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong chẩn đoán, điều trị, phòng chống bệnh/tật cho nạn nhân CĐHH, xử lý CĐHH tại các vùng ô nhiễm nặng và bổ sung các bằng chứng khoa học trong đấu tranh ngoại giao; kết hợp với việc đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học về CĐHH/dioxin ở Việt Nam.
- Thu thập, lưu trữ thông tin, tư liệu về CĐHH.
- Xây dựng và triển khai đề án Khu chứng tích về CĐHH ở Việt Nam.
5. Tổ chức thực hiện
a) Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý
- Kiện toàn hệ thống cơ quan chỉ đạo và quản lý Kế hoạch hành động từ trung ương đến địa phương. Tùy điều kiện và yêu cầu cụ thể, có thể thành lập tổ chức chuyên trách của một số Bộ, ngành và địa phương.
- Tăng cường năng lực quản lý cho cơ quan đầu mối chỉ đạo của các địa phương để tổ chức, hướng dẫn, triển khai Kế hoạch hành động.
b) Phân công trách nhiệm
- Ban Chỉ đạo 33
Thống nhất chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động; trên cơ sở theo dõi, tổng hợp và đánh giá kết quả của Kế hoạch hành động, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nội dung của Kế hoạch hành động; tổ chức kiểm tra và định kỳ đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động; hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả của Kế hoạch hành động; điều phối chung các hoạt động về thông tin, giáo dục và truyền thông liên quan đến Kế hoạch hành động.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp Ban Chỉ đạo 33 phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai Kế hoạch hành động; chỉ đạo tổ chức xây dựng Trung tâm nghiên cứu CĐHH/dioxin Việt Nam dựa trên nguồn lực của Phòng phân tích dioxin và Văn phòng Ban Chỉ đạo 33; thu thập, tổng hợp và lưu giữ thông tin, tư liệu về CĐHH; công bố bản đồ phun rải CĐHH; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngưỡng dioxin trong môi trường.
- Bộ Quốc phòng
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan thực hiện khoanh vùng, xử lý triệt để các vùng ô nhiễm nặng; chỉ đạo các cơ quan có liên quan của Bộ Quốc phòng tham gia nghiên cứu và điều trị bệnh/tật cho nạn nhân CĐHH; giải mã và công bố phiên hiệu các đơn vị quân đội hoạt động tại các vùng bị phun rải CĐHH.
- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Đánh giá kết quả thực hiện các chính sách đối với nạn nhân CĐHH và sửa đổi, bổ sung hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với nạn nhân CĐHH; tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân CĐHH; chủ trì và phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng xây dựng Quy trình xác định nạn nhân CĐHH và tổ chức tổng điều tra số lượng nạn nhân CĐHH.
- Bộ Y tế
Rà soát danh mục bệnh/tật và ban hành tiêu chí chẩn đoán bệnh/tật có liên quan đến CĐHH; xây dựng, triển khai kế hoạch chữa trị và chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh/tật cho nạn nhân CĐHH; xây dựng các chương trình phát hiện sớm, tư vấn sinh sản, giải độc và phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐHH; phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất chế độ bảo hiểm y tế phù hợp cho các nạn nhân.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương có liên quan tổ chức thực hiện các dự án phục hồi môi trường và trồng rừng tại các vùng bị suy thoái nặng do CĐHH.
- Bộ Khoa học và Công nghệ
Phối hợp với Ban Chỉ đạo 33 chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về CĐHH và nâng cao năng lực nghiên cứu về CĐHH.
- Bộ Tư pháp
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu cơ sở pháp lý yêu cầu Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất CĐHH có trách nhiệm khắc phục hậu quả CĐHH ở Việt Nam.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng và hướng dẫn lồng ghép Kế hoạch hành động vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp với Ban Chỉ đạo 33 và Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động; phối hợp với Bộ Tài chính phân bổ nguồn lực, điều phối ngân sách và các nguồn tài trợ cho các chương trình và dự án liên quan đến Kế hoạch hành động.
- Bộ Tài chính
Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ nguồn lực, điều phối kinh phí chung và các nguồn tài trợ cho Kế hoạch hành động.
- Bộ Ngoại giao
Chủ trì xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch vận động và đấu tranh ngoại giao trong nghiên cứu và khắc phục hậu quả CĐHH.
- Bộ Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc khắc phục hậu quả CĐHH.
Chỉ đạo xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về hậu quả CĐHH; tổ chức thông tin đối ngoại giúp cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nhân dân Mỹ, hiểu rõ hơn về hậu quả CĐHH ở Việt Nam.
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam
Xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về khắc phục hậu quả CĐHH đối với môi trường và con người Việt Nam.
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ.
Thực hiện nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động, chủ động tham gia các hoạt động phối hợp chung theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 33.
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động của từng địa phương; phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các chương trình, dự án trong Kế hoạch hành động; huy động mọi nguồn lực và lồng ghép các hoạt động có liên quan của các chương trình khác trên địa bàn để đạt được các mục tiêu trong Kế hoạch hành động; kiện toàn cơ quan đầu mối ở địa phương để thực hiện Kế hoạch hành động.
- Các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng
Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động khắc phục hậu quả CĐHH.
6. Cơ chế tài chính và vốn đầu tư
- Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cần thiết, đồng thời vận động sự đóng góp của cộng đồng trong và ngoài nước; tạo cơ sở pháp lý và môi trường thuận lợi để thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức từ thiện - nhân đạo, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nước ngoài tham gia thực hiện Kế hoạch hành động.
- Việc lập, phân bổ, quyết định giao dự toán; quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí Kế hoạch hành động thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Các Bộ, ngành và địa phương căn cứ vào nhiệm vụ được giao có trách nhiệm lập dự án và dự toán kinh phí trình các cơ quan có thẩm quyền: Đối với các đề tài nghiên cứu khoa học tổng hợp vào kế hoạch khoa học và công nghệ của Bộ, ngành, địa phương và thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính; đối với các dự án thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính; đối với dự án bố trí từ nguồn sự nghiệp môi trường được lồng ghép chung vào kế hoạch bảo vệ môi trường của Bộ, ngành, địa phương và thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
7. Chế độ báo cáo
- Các Bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động gửi về Ban Chỉ đạo 33.
- Ban Chỉ đạo 33 có trách nhiệm tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch hành động của các Bộ, ngành và địa phương, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./ .
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Ban Chỉ đạo 33; - Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, các Vụ, QHQT, KTN, KTTH, TH, TKBT; - Lưu: Văn thư, KGVX (5b) | KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Nguyễn Thiện Nhân |