hieuluat

Quyết định 79/QĐ-TTg phê duyệt đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:79/QĐ-TTgNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành:12/01/2012Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:12/01/2012Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Chính sách
  • THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
    ------------------------
    Số: 79/QĐ-TTg
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2012
     
     
    QUYẾT ĐỊNH
    PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN SẮP XẾP, ỔN ĐỊNH DÂN CƯ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH HUYỆN MƯỜNG NHÉ, TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2015
    ------------------------
    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
     
     
    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
    Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tại các văn bản: số 1346/TTr-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2011, số 1422/UBND-NN ngày 22 tháng 9 năm 2011, đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại các văn bản: số 340/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 10 tháng 10 năm 2011, số 436/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 27 tháng 12 năm 2011,
     
     
    QUYẾT ĐỊNH:
     
     
    Điều 1. Phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015 với những nội dung chủ yếu sau:
    1. Tên Đề án: Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015 (sau đây viết tắt là Đề án).
    2. Phạm vi vùng Đề án: Toàn bộ các xã huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
    3. Mục tiêu của Đề án
    a) Mục tiêu tổng quát:
    - Xây dựng huyện Mường Nhé ổn định về định canh, định cư, không còn hộ du canh, du cư, bảo đảm người dân có đủ đất sản xuất, có nhà ở, có đủ nước sinh hoạt và sản xuất;
    - Phấn đấu toàn huyện không có hộ đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Xây dựng công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, công trình công cộng tại các xã, bản phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân;
    - Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững chắc, bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc.
    b) Mục tiêu cụ thể:
    - Bố trí sắp xếp, ổn định đời sống cho 10.876 hộ với 62.020 khẩu, thuộc 153 bản và 14 nhóm dân cư hiện có, đến hết năm 2015 toàn huyện có 11.931 hộ với trên 6,7 vạn người bố trí tại 210 bản được định canh, định cư (bao gồm: 153 bản hiện có, 10 bản được chia tách hành chính để quản lý, 47 bản thành lập mới sau khi bố trí, sắp xếp các hộ dân);
    - Phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân, phấn đấu nâng giá trị thu nhập bình quân đầu người đạt 550.000 đồng/người/tháng vào năm 2015;
    - Giảm số hộ nghèo từ 77,87% năm 2011 xuống còn 52,87% vào năm 2015, mỗi năm giảm bình quân 5% hộ nghèo, tương đương với 543 hộ/năm;
    - Đầu tư xây dựng một số tuyến đường từ bản, liên bản đến đường trục của xã, từng bước nâng cấp các tuyến đường khi điều kiện cho phép;
    - Đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ cấp ủy, chính quyền các cấp;
    - Chủ động nắm chắc tình hình nội, ngoại biên, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới.
    4. Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2011 đến năm 2015.
    5. Phương án quy hoạch bố trí sắp xếp, ổn định dân cư
    a) Bố trí sắp xếp, ổn định tại chỗ 8.953 hộ với 50.718 khẩu tại 159 bản thuộc 16 xã (129 bản giữ nguyên số hộ đã ổn định và 30 bản bố trí thêm các hộ xen ghép), trong đó có 5.509 hộ với 33.331 khẩu bố trí tại 114 bản đã được phê duyệt tại Quyết định số 141/QĐ-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Quyết định số 141).
    b) Bố trí xen ghép 263 hộ với 1.464 khẩu đã có đất sản xuất nhưng đang cư trú rải rác theo nhóm hoặc từng hộ đơn lẻ trên địa bàn các xã vào 30 bản đã ổn định để định canh, định cư.
    c) Di chuyển 160 hộ với 1.004 khẩu (thuộc 4 bản) đã có đất sản xuất đang cư trú trong vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, khu bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng vào vùng quy hoạch để thành lập 4 bản thuộc 3 xã.
    d) Di chuyển 106 hộ với 512 khẩu đã có đất sản xuất đang cư trú rải rác chưa phù hợp với quy hoạch, các bản có nhiều hộ không có đất ở vào các điểm quy hoạch để thành lập 5 bản mới thuộc 4 xã.
    đ) Di chuyển 561 hộ với 3.066 khẩu chưa có đất sản xuất và đất ở vào 14 điểm quy hoạch để thành lập 14 bản mới thuộc 10 xã theo các phương án sắp xếp, ổn định dân cư đã được tỉnh phê duyệt theo danh mục tại Quyết định số 141.
    e) Xây dựng phương án quy hoạch để di chuyển, sắp xếp ổn định chỗ ở, đất sản xuất cho 833 hộ với 5.256 khẩu dân tộc Mông, chưa có đất ở và đất sản xuất, hiện đang cư trú trên địa bàn các xã Mường Nhé, Chung Chải, Leng Su Sìn vào các điểm quy hoạch và thành lập 23 bản mới. Trong đó, dự kiến thành lập tại chỗ 05 bản mới để sắp xếp, bố trí cho 237 hộ dân với 2.780 khẩu; còn lại 596 hộ, 2.476 khẩu sẽ di chuyển để thành lập 18 bản mới ở xã khác.
    6. Các hạng mục đầu tư hỗ trợ chủ yếu
    a) Hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống:
    - Hỗ trợ phát triển sản xuất, bao gồm: Khai hoang đất sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; đào đắp, cải tạo ao nuôi thủy sản;
    - Hỗ trợ ổn định đời sống, bao gồm: Hỗ trợ san nền nhà, xây dựng nhà ở, bao gồm cả công trình phụ; hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ lương thực cho các hộ chưa tự túc được lương thực và các hộ chuyển đổi phương thức canh tác từ sản xuất lương thực sang trồng cây công nghiệp, cây lâm nghiệp theo thời hạn quy định; trường hợp hộ phải di chuyển, hỗ trợ vận chuyển người và tài sản đến nơi ở mới; hỗ trợ di chuyển mồ mả (nếu có); hỗ trợ xây bể chứa nước đối với các bản không có nguồn nước để cung cấp nước sinh hoạt.
    b) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu:
    - Đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu tại 46 điểm bản thành lập mới, bao gồm: 13 công trình thủy lợi; 41 công trình giao thông liên bản với tổng chiều dài 97 km; 11 cầu treo với tổng chiều dài 560 m; 43 công trình nước sinh hoạt; 38 công trình nhà lớp học bản (bao gồm cả nhà công vụ giáo viên), tổng diện tích xây dựng 2.470 m2.
    - Đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu tại 159 điểm bản hiện tại, bao gồm: 38 công trình thủy lợi; 21 công trình giao thông (đường vào bản, liên bản), tổng chiều dài 75 km; 22 cầu, chiều dài 1.180 m; 85 công trình nước sinh hoạt; 90 nhà lớp học bản, tổng diện tích xây dựng 5.050 m2; 14 nhà công vụ, tổng diện tích xây dựng 1.300 m2.
    - Đầu tư hạ tầng thiết yếu tại các bản dự phòng, bao gồm: 03 công trình thủy lợi; 05 tuyến đường vào bản với tổng chiều dài 30 km; 03 cầu treo với tổng chiều dài 165 m; 05 công trình nước sinh hoạt; 05 nhà lớp học bản (bao gồm nhà công vụ giáo viên), tổng diện tích xây dựng 300 m2.
    c) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã 1.508 lượt người, trong đó: Đào tạo văn hóa 330 người, đào tạo chuyên môn 153 người, bồi dưỡng 1.025 lượt người.
    7. Tổng vốn đầu tư, nguồn vốn và phân kỳ nguồn vốn đầu tư
    a) Tổng vốn đầu tư là 1.552,0 tỷ đồng, trong đó:
    - Vốn bồi thường, hỗ trợ là 494,0 tỷ đồng;
    - Vốn xây dựng cơ sở hạ tầng là 917,0 tỷ đồng;
    - Vốn dự phòng là 141,0 tỷ đồng.
    b) Nguồn vốn: Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh Điện Biên thực hiện Đề án.
    c) Phân kỳ nguồn vốn đầu tư:
    - Năm 2011: 159,674 tỷ đồng;
    - Năm 2012: 585,523 tỷ đồng;
    - Năm 2013: 417,134 tỷ đồng;
    - Năm 2014: 230,061 tỷ đồng;
    - Năm 2015: 159,490 tỷ đồng.
    8. Các giải pháp thực hiện Đề án
    a) Giải pháp tuyên truyền:
    - Tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân, từng thôn bản để nhân dân có nhận thức đầy đủ, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn toàn huyện;
    - Tuyên truyền vận động người dân thay đổi tập quán canh tác nương rẫy, du canh, du cư chuyển sang trồng các cây: Nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất;
    - Các cấp, các ban ngành của tỉnh, huyện, xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền và phân công cụ thể cán bộ phụ trách từng địa bàn để triển khai sâu rộng đến từng bản, từng hộ dân.
    b) Giải pháp về đất đai:
    - Thực hiện thu hồi đất, giao đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân thuộc diện sắp xếp di chuyển đến nơi ở mới, bảo đảm hộ có đủ đất ở, đất sản xuất, tự túc được lương thực sau khi hết thời gian hỗ trợ lương thực;
    - Hướng dẫn nhân dân thực hiện góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vào các doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất như: Dự án trồng cây công nghiệp dài ngày và trồng rừng sản xuất.
    c) Giải pháp chính sách:
    Một số chính sách đặc thù áp dụng cho vùng Đề án:
    - Hỗ trợ nhà ở: Hỗ trợ chi phí tạo mặt bằng nền nhà ở và xây dựng nhà ở, mức hỗ trợ tối đa là 26,4 triệu đồng/hộ, trong đó: Ngân sách trung ương hỗ trợ 16,4 triệu đồng/hộ, huy động từ doanh nghiệp, hộ gia đình và cộng đồng 10 triệu đồng/hộ;
    - Hỗ trợ lương thực: Hỗ trợ tiền mua lương thực với giá trị tương đương 15 kg gạo/người/tháng đối với hộ mà Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Đề án, cụ thể như sau:
    + Hỗ trợ 6 tháng lương thực khi hộ bị thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng nhưng không phải di chuyển chỗ ở; hỗ trợ 12 tháng lương thực khi hộ bị thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng và phải di chuyển chỗ ở;
    + Hỗ trợ 12 tháng lương thực khi hộ bị thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng nhưng không phải di chuyển chỗ ở; hỗ trợ 18 tháng lương thực khi hộ bị thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng và phải di chuyển chỗ ở.
    - Hỗ trợ sản xuất:
    + Hỗ trợ 100% giá lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ cho toàn bộ diện tích trồng lúa nước trong thời gian 1 năm; hỗ trợ 50% giá lúa giống và thuốc diệt cỏ cho toàn bộ diện tích trồng lúa nương trong thời gian 1 vụ; hỗ trợ 100% giá ngô giống cho toàn bộ diện tích trồng ngô, trong thời gian 1 vụ; hỗ trợ 100% giá giống cây ăn quả. Số lượng cây giống được hỗ trợ theo định mức được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
    + Hộ nghèo có diện tích nuôi trồng thủy sản từ 100m2 trở lên, được hỗ trợ 1 lần với mức 2 triệu đồng/hộ để cải tạo ao, đắp bờ, tẩy độc ao;
    + Các hộ khi chuyển đổi sang nuôi các loài thủy sản mới có giá trị kinh tế cao được hỗ trợ 1 lần 100% giá giống đúng tiêu chuẩn, thanh toán theo giá thực tế nhưng không quá 3 triệu đồng/1.000 m2 ao nuôi;
    + Hỗ trợ khai hoang ruộng bậc thang (ruộng nước, ruộng cạn) với mức 15 triệu đồng/ha diện tích đất khai hoang để trồng cây lương thực;
    + Hỗ trợ trồng cây công nghiệp và trồng rừng sản xuất: Hộ chuyển đất nương sang trồng cây công nghiệp dài ngày, trồng rừng sản xuất được hỗ trợ tiền để mua lương thực, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 kg gạo/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 02 năm đối với hộ trồng cà phê, không quá 06 năm đối với hộ trồng rừng sản xuất.
    - Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng:
    + Hỗ trợ 100% học phí cho cán bộ được cử đi học; hỗ trợ ngoài lương 70% mức lương tối thiểu/người/tháng đối với cán bộ đi học trong tỉnh và 80% mức lương tối thiểu/người/tháng đối với cán bộ đi học ngoài tỉnh. Cán bộ nữ được hỗ trợ thêm 20% mức lương tối thiểu/người/tháng; hỗ trợ 100% chi phí mua tài liệu học tập bắt buộc;
    + Hỗ trợ tiền tàu xe, nghỉ trọ một lần đối với khóa học có thời gian từ 3 tháng đến dưới 1 năm, hai lần đối với khóa học có thời gian từ 1 năm trở lên. Trong thời gian học, nếu cơ sở đào tạo tổ chức đi thực tế thì được thanh toán 1 lần tiền tàu xe, tiền thuê phòng nghỉ theo chế độ công tác phí hiện hành.
    - Các hỗ trợ khác:
    + Hỗ trợ di chuyển người và tài sản: hỗ trợ mức 3 triệu đồng/hộ khi cự ly vận chuyển dưới 20 km, không quá 5 triệu đồng/hộ khi cự ly trên 20 km; hỗ trợ di chuyển mồ mả (nếu có) tối đa 6 triệu đồng/hộ;
    + Hỗ trợ một lần với mức 1 triệu đồng/hộ cho các hộ định cư tập trung, hộ định cư xen ghép theo quy hoạch để mua sắm dụng cụ sinh hoạt;
    + Hỗ trợ nhân công chỉ đạo, hướng dẫn hộ dân chuyển đổi từ đất lâm nghiệp, đất nương rẫy sang trồng cây công nghiệp theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
    + Hỗ trợ xây bể, đào giếng hoặc bể chứa nước đối với những bản không xây dựng được công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, mức hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/hộ;
    + Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền một lần cho lao động tự học tập chuyển đổi ngành nghề và mua sắm công cụ lao động. Mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/lao động;
    + Hỗ trợ cán bộ y tế thôn, bản với mức bằng 70% mức lương cơ bản;
    + Hỗ trợ làm nhà xí hợp vệ sinh cho toàn bộ đối tượng thuộc Đề án, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ;
    + Hỗ trợ kinh phí thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Mức hỗ trợ theo dự toán được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
    + Hỗ trợ đầu tư xây dựng 01 nhà công vụ quy mô 100 m2 sử dụng (bao gồm: 5 phòng nghỉ và các công trình phụ) tại các xã cách xa trung tâm huyện từ 10 km trở lên. Đầu tư xây dựng 01 nhà lớp học gắn với nhà ở công vụ cho giáo viên (diện tích nhà công vụ không quá 25 m2) tại điểm trường ở các bản.
    Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên chỉ đạo và thực hiện tốt chính sách hiện có trên địa bàn như: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, đào tạo, dạy nghề, tập huấn kỹ thuật cho người sản xuất theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hiện hành của Tỉnh.
    d) Giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất:
    - Tổ chức tốt việc cung ứng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất của vùng, đặc biệt là những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao thu nhập cho người dân;
    - Tăng cường công tác khuyến nông xuống tận cơ sở (thôn, bản) để tuyên truyền, xây dựng nhân rộng những mô hình có hiệu quả. Tổ chức cho các hộ dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm, những điển hình tốt về sản xuất, về xây dựng nông thôn mới;
    - Hàng năm, có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cho các cán bộ, cộng tác viên khuyến nông để kịp cập nhật những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất.
    đ) Giải pháp về huy động nguồn lực:
    - Thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ những chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để thực hiện hỗ trợ và đầu tư xây dựng các công trình thuộc Đề án;
    - Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư hỗ trợ thực hiện Đề án;
    - Xây dựng các cơ chế, chính sách và tạo những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư vào vùng Đề án; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư để giới thiệu những tiềm năng, lợi thế của huyện Mường Nhé nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước.
    e) Giải pháp củng cố bộ máy quản lý các cấp:
    - Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cơ sở, đặc biệt là những nơi hoạt động yếu kém. Nhanh chóng xóa tình trạng bản chưa có chi bộ Đảng và các tổ chức đoàn thể. Tăng cường năng lực và tạo điều kiện để các tổ chức đoàn thể hoạt động;
    - Kiện toàn tổ chức bộ máy cấp huyện, cấp xã và thôn bản; thực hiện chia tách hành chính đối với các xã và các bản có đủ điều kiện theo quy định, thành lập mới các bản theo quy hoạch bố trí dân cư. Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín, các cá nhân tiêu biểu đối với việc bố trí, ổn định dân cư;
    - Tăng cường cán bộ của các cấp, các ngành tỉnh, huyện, các đội công tác của các lực lượng vũ trang giúp đỡ xã, bản xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến xã, bản;
    - Hệ thống chính trị ở địa phương, lực lượng vũ trang, các ngành chức năng trên địa bàn phối hợp cùng với nhân dân các dân tộc tăng cường phòng chống các tệ nạn xã hội, phối hợp chặt chẽ trong việc vận động đồng bào các dân tộc thực hiện có hiệu quả Đề án;
    - Tăng cường công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu ở cơ sở, đặc biệt là cấp bản; quản lý chặt chẽ số hộ đi và đến trên địa bàn.
    g) Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức:
    - Xây dựng chính sách đặc thù cho việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn và tại chức cho cán bộ xã, thôn, bản; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc Mông;
    - Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ về tiếng dân tộc ít người, lý luận chính trị, quản lý, về công tác khuyến nông, xây dựng nông thôn mới, về công tác vận động quần chúng để giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống;
    - Rà soát, phân loại cán bộ để có kế hoạch bồi dưỡng, từng bước xây dựng quy hoạch cán bộ lâu dài cho các xã, bản.
    9. Hiệu quả của Đề án
    - Về xã hội: Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng sẽ tạo điều kiện cho người dân vùng Đề án tiếp cận các dịch vụ về văn hóa, giáo dục, y tế nhanh chóng, thuận lợi nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng đối với huyện miền núi biên giới;
    - Về an ninh - quốc phòng: Việc sắp xếp ổn định dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Mường Nhé làm cho đời sống đồng bào các dân tộc được nâng lên, nhân dân tin tưởng vào Đảng, chính quyền các cấp, không nghe theo các luận điệu chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, tạo ra lực lượng tại chỗ, kết hợp với lực lượng quốc phòng, lực lượng vũ trang trên địa bàn tạo ra thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia khu vực phía Tây Bắc Tổ quốc;
    - Về kinh tế: Thực hiện ổn định đời sống nhân dân, tổ chức phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, chuyển đổi tập quán sản xuất, dần dần tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập cho người lao động, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân;
    - Hiệu quả về môi trường: Sản xuất nông, lâm nghiệp ổn định, độ che phủ rừng được nâng lên, hạn chế phá rừng làm nương rẫy sẽ góp phần bảo vệ rừng, tăng cường khả năng phòng hộ của rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường, giữ nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và các công trình thủy lợi, thủy điện vùng hạ du.
    Điều 2. Tổ chức thực hiện
    1. Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên có trách nhiệm:
    a) Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án do một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban; thành viên Ban Chỉ đạo là các Sở, ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé.
    b) Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Đề án; phân công trách nhiệm phối hợp của các Sở, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé, cấp xã và các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia thực hiện Đề án.
    c) Căn cứ vào mức hỗ trợ nêu tại điểm c khoản 8 Điều 1 của Quyết định này quy định mức hỗ trợ cụ thể để thực hiện.
    d) Căn cứ vào tính cấp thiết của từng hạng mục đầu tư hỗ trợ, lựa chọn thứ tự ưu tiên hợp lý và chỉ đạo chủ đầu tư lập các dự án thành phần trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, quản lý, tổ chức thực hiện Đề án theo quy định hiện hành và Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.
    đ) Thực hiện việc lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án khác trên địa bàn để thực hiện Đề án có hiệu quả.
    e) Theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình, xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện hỗ trợ và đầu tư các dự án.
    g) Được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn của Đề án. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để chỉ định thầu theo quy định và phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
    h) Được phép điều chỉnh phương án sắp xếp, ổn định dân cư, quy mô các công trình kết cấu hạ tầng phù hợp với các điều kiện thực tế trong các điểm bản, nhưng không làm tăng tổng vốn đầu tư của Đề án đã được phê duyệt tại Quyết định này.
    2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ:
    a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan cân đối nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu trong kế hoạch ngân sách hàng năm để bố trí cho tỉnh Điện Biên thực hiện Đề án đúng tiến độ, thời gian quy định tại Quyết định này.
    b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên rà soát, xác định thứ tự ưu tiên, không đầu tư dàn trải đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng không thuộc phạm vi đầu tư bằng nguồn vốn của Đề án; đề xuất việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác, để thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành và Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.
    c) Định kỳ hàng năm tổ chức giám sát, đánh giá đầu tư Đề án, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện Đề án theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
    3. Các Bộ, ngành căn cứ vào các chương trình, dự án đã được giao, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành quản lý thực hiện việc lồng ghép các chương trình, dự án có liên quan đến đầu tư tại vùng Đề án; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức, thực hiện các dự án có hiệu quả.
    Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 141/QĐ-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Sắp xếp, ổn định dân di cư tự do huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên giai đoạn 2008 - 2012.
    Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
     

     Nơi nhận:
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
    - VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
    - HĐND, UBND tỉnh Điện Biên;
    - UBND huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên;
    - Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;
    - Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Kiểm toán Nhà nước;
    - Ngân hàng Chính sách Xã hội;
    - Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
    - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
    - VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: KTTH, NC, TKBT, ĐP, TH, KGVX;
    - Lưu: Văn thư, KTN (5b).
    THỦ TƯỚNG




    Nguyễn Tấn Dũng
  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 79/QĐ-TTg phê duyệt đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủ
    Số hiệu:79/QĐ-TTg
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:12/01/2012
    Hiệu lực:12/01/2012
    Lĩnh vực:Chính sách
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Theo văn bản
    Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X