VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ -------- Số: 08/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2017 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ XÂY DỰNG NỀN CÔNG NGHIỆP NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Ngày 18 tháng 12 năm 2016, tại Hội trường Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam do Câu lạc bộ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao thuộc Hội doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức. Cùng dự với Thủ tướng Chính phủ có: Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Y tế, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhiều đồng chí Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, đại diện lãnh đạo của 20 địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp.
Tại Hội nghị, sau khi trao đổi với các doanh nghiệp hội viên Câu lạc bộ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, cộng đồng doanh nghiệp và các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:
1. Biểu dương Câu lạc bộ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả ban đầu tích cực trong phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam, bảo đảm an toàn thực phẩm.
2. Đánh giá cao mô hình Khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao do Câu lạc bộ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đề xuất. Chấp thuận và khuyến khích các doanh nghiệp của Câu lạc bộ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đầu tư khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao. Chính phủ sẽ hoàn thiện thể chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao ở tất cả các địa phương trên cả nước, không bắt buộc phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2015.
3. Đồng ý mở rộng diện tích nuôi tôm chất lượng cao. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì chuẩn bị Hội nghị của Chính phủ về phát triển tôm chất lượng cao (dự kiến vào đầu tháng 01 năm 2017).
4. Giao các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách và xử lý các vướng mắc, khó khăn đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Khẩn trương rà soát, hoàn thiện, bổ sung quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững, có tính đến Khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao.
- Chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành có liên quan rà soát, trình Chính phủ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để áp dụng cho Khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp làm căn cứ áp dụng các chính sách, cơ chế ưu đãi, khuyến khích.
- Chủ trì, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm việc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng để sớm triển khai, nhân rộng tại các địa phương khác.
- Tiếp tục tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, dựa trên tiềm năng và lợi thế so sánh, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển các sản phẩm có chất lượng, lợi thế; phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các hợp tác xã trong nông nghiệp và khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; tăng cường liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học mà nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp; tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và phân phối nông sản, tham gia hiệu quả vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Sớm trình Chính phủ giải pháp giúp doanh nghiệp nhanh chóng có đất, tích tụ đất để mở rộng sản xuất, sản xuất quy mô lớn có ứng dụng công nghệ cao... trong đó có giải pháp về thành lập ngân hàng quỹ đất, hình thành thị trường quyền sử dụng đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi các quy định của Luật đất đai (trong đó có Điều 193) và các văn bản quy định chi tiết tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, tích tụ đất đai phục vụ đầu tư sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
c) Bộ Công Thương:
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường quốc tế cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu và khuyến khích tiêu thụ trong nước, phát triển thương mại điện tử các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát, hoàn thiện các hàng rào kỹ thuật, thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại đối với nông sản nhập khẩu nhiều theo quy định của pháp luật.
- Rà soát, hoàn thiện chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất trong nước các sản phẩm công nghiệp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như máy móc, công cụ, nhà kính, phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu vi sinh...
d) Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, nhập khẩu các thiết bị, máy móc công nghệ cao trong nước chưa sản xuất được.
Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ các đề án về Quỹ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bảo hiểm nông nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành 1 gói tín dụng khoảng 50-60 ngàn tỷ đồng bằng nguồn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường và có nhiều ngân hàng thương mại tham gia (trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng vai trò quan trọng); nghiên cứu việc thế chấp vay vốn bằng tài sản là trang thiết bị, máy móc đã được đầu tư, tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
đ) Bộ Khoa học và Công nghệ: Tiếp tục hoàn thiện các chính sách về thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo, ươm tạo, chuyển giao, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng các chính sách phát huy tiềm năng khoa học công nghệ của đội ngũ các nhà khoa học để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin khoa học công nghệ. Ưu tiên bố trí nguồn lực ngân sách cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ sinh học.
e) Bộ Y tế: Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo mọi điều kiện thuận lợi, trước hết là về thủ tục hành chính và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - TTg và các Phó Thủ tướng; - Các Bộ, cơ quan: NN và PTNT, YT, CT, TP, KHCN, TC, KHĐT, TNMT, XD, NHNNVN; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - CLB doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (64 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội); - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ: KTTH, PL, CN, NN, TKBT, QHĐP, TH; - Lưu: VT, KGVX (3). Q 85 | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM Mai Tiến Dũng |