VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 113/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 03 tháng 04 năm 2015 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Ngày 05 tháng 3 năm 2015, tại trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo Thành phố. Cùng dự với Thủ tướng có đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy, các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Văn Ninh, Hoàng Trung Hải, Vũ Đức Đam; các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2014; nhiệm vụ, giải pháp của năm 2015; quy hoạch chi tiết, cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng đô thị hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài và một số kiến nghị của Thành phố; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các Bộ về xử lý một số kiến nghị của Thành phố; ý kiến của đồng chí Bí thư Thành ủy, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA THÀNH PHỐ
Thay mặt Chính phủ, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực phấn đấu và những thành tựu đạt được trên nhiều lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội. Năm 2014, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,8%, gấp 1,52 lần mức tăng chung cả nước; trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 8,4%, dịch vụ tăng 9,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 69 - 70 triệu đồng; xuất khẩu tăng 11,7%; đầu tư nước ngoài đạt 1,39 tỷ USD, tăng 26%; thu ngân sách trên 130 nghìn tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 11,8% so với cùng kỳ; xuất khẩu đạt 1,75 tỷ USD; chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 giảm 0,07%.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học công nghệ chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được tăng cường, đã giải quyết việc làm cho khoảng 140.000 lao động, hỗ trợ 14.500 hộ thoát nghèo. Công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng, xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được tập trung chỉ đạo. Tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán 2015 giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước.
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy tiềm năng lợi thế, năng động sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại. Khắc phục hạn chế, tồn tại, tập trung chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Thành phố đã đề ra cho năm 2015 gắn với tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp; chuẩn bị tốt cho Kế hoạch 5 năm (2016-2020) để Thành phố có bước phát triển mới trong những năm tới, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của cả nước.
II. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ
1. Về tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách Thành phố giai đoạn 2016 - 2020: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô, nghiên cứu xác định tỷ lệ điều tiết ngân sách phù hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình xây dựng định mức chi và dự toán ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
2. Về nâng mức dư nợ huy động vốn tối đa không quá 150% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước của ngân sách Thành phố: Đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
3. Về tạo vốn pháp định của Công ty quản lý đường sắt đô thị từ nguồn cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước: Đồng ý về chủ trương, Thành phố xây dựng phương án cụ thể gửi Bộ Tài chính thẩm định theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về chính sách ưu đãi đối với Khu công nghiệp Nam Hà Nội: Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 404/TB-VPCP ngày 9 tháng 10 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ.
5. Về hỗ trợ vốn đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, xã hội của Thành phố: Thành phố rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, phân kỳ đầu tư các công trình, dự án bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối vốn theo hướng:
- Các dự án chuyển tiếp đã được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu hàng năm sẽ được xem xét hỗ trợ trong giai đoạn tới;
- Đối với các dự án khởi công mới, Thành phố làm việc cụ thể với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xem xét, đề xuất việc hỗ trợ vốn trong kế hoạch trung hạn 2016-2020 theo quy định.
6. Về triển khai hai gói thầu depot và đoạn trên cao của dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo: Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 10692/VPCP-KTN ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan thẩm định, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Việc triển khai 2 gói thầu nêu trên của Dự án được thực hiện khi bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định và sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh Dự án.
7. Về bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho hai dự án nhà ở sinh viên (Mỹ Đình và Pháp Vân - Tứ Hiệp): Trước mắt, Thành phố chủ động huy động nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổng hợp chung nhu cầu của các địa phương (trong đó có Hà Nội), đề xuất phương án xử lý chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Về việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, tổ chức để xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội của Thành phố: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.
9. Về việc tiếp tục đầu tư xây dựng Khu liên cơ quan hành chính của Thành phố tại Đông Nam đường Trần Duy Hưng và xây dựng lại Trụ sở Thành ủy Hà Nội: Đồng ý thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện các dự án nêu trên, bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ. Kinh phí xây dựng chủ yếu lấy từ việc khai thác quỹ đất hiện nay của các cơ quan, thông qua hình thức hợp đồng BT hoặc bán chỉ định trụ sở một số cơ quan của Thành phố.
Về việc sử dụng vốn từ khai thác quỹ đất hiện nay của các cơ quan cũ thuộc Thành phố: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và thành phố Hà Nội nghiên cứu, đề xuất cơ chế thanh toán phù hợp đối với từng dự án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
10. Về tháo gỡ khó khăn trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ: Bộ Xây dựng nghiên cứu, xử lý kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định về cải tạo chung cư cũ, báo cáo Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2015.
11. Về việc thành lập Sở Du lịch thành phố Hà Nội: Đồng ý, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lập Đề án gửi Bộ Nội vụ để chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, cơ quan liên quan thẩm định theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ.
12. Về Đồ án quy hoạch xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài: Cơ bản đồng ý với nội dung Đồ án quy hoạch; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp thu ý kiến của các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng để hoàn thiện Đồ án quy hoạch, tổ chức thẩm định và phê duyệt theo quy định, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương có ý kiến về việc phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng. Bộ Quốc phòng sớm thống nhất với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về ảnh hưởng tĩnh không của sân bay quốc tế Nội Bài và xử lý các vấn đề liên quan đến đất quốc phòng.
Việc tham gia ý kiến của hai Bộ thực hiện trước ngày 30 tháng 5 năm 2015.
13. Về cơ chế đặc thù đầu tư và quản lý đầu tư dự án phát triển đô thị hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài:
a) Đồng ý phân chia khu vực phát triển đô thị hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài thành một số dự án để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp.
b) Về vốn giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung và xác định giá đất khi giao đất, cho thuê đất:
- Giao Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xem xét, tính toán, bố trí đủ vốn để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng trước năm 2016; trên cơ sở đó, rà soát xác định từng công trình, dự án cụ thể, có các hình thức đầu tư và phương án huy động vốn phù hợp (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn ODA, vốn xã hội hóa,...) để đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung.
- Đồng ý giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ động áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư phù hợp đối với từng dự án cụ thể, trong đó có hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án, bảo đảm hiệu quả, đúng quy định.
c) Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện thẩm định, phê duyệt và chịu trách nhiệm đối với các dự án phát triển đô thị khu vực hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài; chủ trương đầu tư của các dự án kết cấu hạ tầng khung thuộc nhóm A.
d) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng đô thị hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thẩm định theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng báo cáo trình Chính phủ về những nội dung của Quyết định liên quan thẩm quyền của Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2015.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; - Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TKBT, KTTH, KTN, NC, KGVX, TCCV, PL, HC; - Lưu: VT, V.III (3b). | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Văn Tùng |