VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ---------------------- Số: 137/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------------------- Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2011 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
Ngày 23 tháng 5 năm 2011, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã nghe báo cáo về tình hình hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thời gian qua và nhiệm vụ trong thời gian tới; cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe đồng chí Lê Bạch Hồng - Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (dưới đây viết tắt là BHXH), bảo hiểm y tế (dưới đây viết tắt là BHYT) năm 2009 - 2010, định hướng nhiệm vụ đến năm 2015 và ý kiến của các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng kết luận như sau:
Những năm qua, nhất là từ khi có Chỉ thị 15/CT/TW ngày 26 tháng 5 năm 1997 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo thực hiện các chế độ BHXH và Chỉ thị số 38/CT/TW ngày 07 tháng 9 năm 2009 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH, BHYT đối với các đối tượng tham gia và thụ hưởng; ưu tiên người có công với cách mạng, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi trong khám chữa bệnh, góp phần ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT thời gian qua vẫn còn những khó khăn vướng mắc về cả cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện:
- Việc hướng dẫn thực hiện các Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế còn thiếu đồng bộ; số người chưa tham gia bảo hiểm còn nhiều, mức đóng các loại bảo hiểm chưa phù hợp với mức hưởng; nhiều doanh nghiệp vẫn nợ BHXH; việc xử lý các vi phạm quy định khi thực hiện chính sách BHXH, BHYT chưa nghiêm đang là nguyên nhân tiềm ẩn về mất cân đối quỹ, nhất là quỹ hưu trí và quỹ BHYT.
- Sự phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các Bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, chưa xác định rõ vai trò của cơ quan tổ chức thực hiện chính sách với quy định của các Bộ chuyên ngành; nhất là trong việc kiểm tra, kiến nghị xử lý các vi phạm chính sách BHXH, BHYT; đội ngũ cán bộ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở địa phương vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn; ý thức trách nhiệm phục vụ của một số cán bộ, viên chức chưa cao, có nơi, có lúc còn gây khó khăn, phiền hà cho các cơ sở khám chữa bệnh, nhân dân và doanh nghiệp; việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý còn chậm, hiệu quả chưa cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc còn thiếu.
Để thực hiện tốt chính sách BHXH và BHYT, Phó Thủ tướng yêu cầu:
1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung thực hiện một số việc sau:
- Tổng kết, đánh giá toàn diện về kết quả hoạt động của toàn Ngành cũng như những vấn đề đặt ra cần được xử lý để bảo đảm hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày càng tốt hơn; đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ những nội dung cần sửa đổi, bổ sung để chính sách BHXH, BHYT ngày càng đáp ứng tốt hơn mục tiêu, chủ trương của Đảng và Chính phủ về bảo hiểm.
- Tăng cường các giải pháp đồng bộ, phấn đấu giảm tình trạng nợ đóng BHXH và BHYT bắt buộc của các tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng quản lý chi BHXH, BHYT, bảo đảm chặt chẽ, tránh rủi ro.
- Cùng với Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định khả năng cân đối các quỹ bảo hiểm hàng năm và dài hạn; xây dựng quy trình quản lý, thủ tục thực hiện đầu tư từ các quỹ bảo hiểm theo đúng quy định của luật pháp hiện hành; Hội đồng quản lý phê duyệt kế hoạch hàng năm và giao Tổng giám đốc thực hiện, bảo đảm an toàn và hiệu quả.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động nghiệp vụ của Ngành; đồng thời thường xuyên giáo dục nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, viên chức để bảo đảm yêu cầu phục vụ nhân dân và doanh nghiệp tốt hơn.
- Xây dựng Đề án đầu tư cơ sở vật chất của toàn hệ thống, Đề án tổng thể về định mức biên chế nhưng phải bảo đảm nguyên tắc mức tăng biên chế hợp lý, gắn với khối lượng công việc.
- Phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Y tế hoàn chỉnh Đề án thực hiện thí điểm giám định hồ sơ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo tỷ lệ phần trăm (%), sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TW ngày 26 tháng 5 năm 1997 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo thực hiện các chế độ BHXH; kết quả 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, xác định cụ thể các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội.
- Xây dựng đề án thực hiện BHXH cho mọi người lao động, trong đó cần chú trọng đến việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện.
- Tăng cường thanh tra các tổ chức, doanh nghiệp về đóng và hưởng BHXH cho người lao động, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về chính sách bảo hiểm đối với người lao động.
3. Bộ Y tế:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sơ kết thực hiện Chỉ thị số 38/CT/TW ngày 7 tháng 9 năm 2009 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới; tổng kết, đánh giá toàn diện, đầy đủ việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, chú trọng đến vấn đề mô hình tổ chức thực hiện BHYT và nội dung quản lý Nhà nước, để có cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật cho phù hợp; khẩn trương xây dựng đề án thực hiện BHYT toàn dân vào năm 2014, trong đó cần xác định rõ mục tiêu, đối tượng, phương thức thực hiện chủ trương này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2011.
- Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn cụ thể về đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập; hoàn thiện các quy trình về chuyên môn, phác đồ điều trị chuẩn trong điều trị để thực hiện thống nhất trong toàn quốc; đồng thời nghiên cứu, soạn thảo dự thảo Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, trình Chính phủ vào quý II năm 2012.
4. Bộ Tài chính:
- Rà soát các điều khoản của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến hoạt động đầu tư, bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH để hướng dẫn thực hiện đầu tư bảo đảm an toàn và hiệu quả.
- Khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chế độ tiền lương, thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 9277/VPCP-KHTH ngày 22 tháng 12 năm 2010; đồng thời hướng dẫn thực hiện Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
5. Bộ Nội vụ:
- Nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ thanh tra của ngành Bảo hiểm xã hội để nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật về BHXH, BHYT. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan ban hành quy định về định mức biên chế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để làm cơ sở cho việc tuyển dụng và sử dụng cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng tăng trong tình hình mới.
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt nam có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thuộc hệ thống của ngành mình phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chính sách BHXH, BHYT.
7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng: Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Liên đoàn Lao động, Thanh tra phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và BHXH tỉnh, thành phố để tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các doanh nghiệp trên địa bàn có hành vi trốn đóng, nợ BHXH kéo dài.
Văn phòng Chính phủ thông báo để BHXH Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng CP, các Phó Thủ tướng CP; - Các Bộ: LĐTB&XH, Y tế, Tài chính, Nội vụ, Công an, KH&ĐT; - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; - Bảo hiểm xã hội Việt Nam; - UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; - VPCP: BTCN, các PCN: Phạm Văn Phượng, Nguyễn Hữu Vũ; các Vụ: TKBT, TH, KGVX, Cổng TTĐT; - Lưu: VT, KTTH (5). 90 | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Phạm Văn Phượng |