VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------------------ Số: 144/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------- Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH
TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH LÂM ĐỒNG
Trong 03 ngày, từ 23 đến 25 tháng 3 năm 2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã thăm và làm việc tại tỉnh Lâm Đồng; kiểm tra thực tế mô hình xây dựng nông thôn mới; dự Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cùng tham dự làm việc với Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và Văn phòng Chính phủ. Về phía Tỉnh có đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân và tập thể lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và Quý I năm 2014, tình hình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, tình hình sắp xếp doanh nghiệp nhà nước và nông lâm trường quốc doanh của Tỉnh, ý kiến phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh và của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Vũ Vãn Ninh đã kết luận như sau:
I.ĐÁNH GIÁ CHUNG
Biểu dương và đánh giá cao cố gắng, nỗ lực và những kết quả đạt được trong những năm qua của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng. Trong điều kiện khó khăn chung, kinh tế - xã hội năm 2013 và quý I năm 2014 của Tỉnh tiếp tục phát triển.
Năm 2013 tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 13,4%, cao hơn bình quân chung của khu vực và cả nước; giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng 8,2% so cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục được chú trọng; giá trị sản xuất cả năm đạt 122,2 triệu đồng/ha; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 60,4%; hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông, thủy lợi, điện thấp sáng, nước sinh hoạt được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển; các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã được triển khai kịp thời, đồng bộ; các lĩnh vực: công nghiệp xây dựng, lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng khá; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cả năm thực hiện 4.878 tỷ đồng, tăng 9,0% so cùng kỳ; tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng 15,4% so với cùng kỳ. Quý I năm 2014, tổng sản phẩm trong nước đạt 2.977,6 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ, trong đó ngành nông - lâm - thủy tăng 10,2%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng 12,4%; ngành dịch vụ tăng 12,3%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 869,7 tỷ đồng, đạt 14,5% dự toán; tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 3.480 tỷ đồng, bằng 36,2% dự toán; tổng mức đầu tư toàn xã hội quý I/2014 đạt 3.190 tỷ đồng, bằng 17,2% kế hoạch và tăng 17,6% so với cùng kỳ; lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm và có bước phát triển khá; an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tỉnh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân cùng phối hợp thực hiện chương trình nông thôn mới; chủ động lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới với các chương trình, dự án khác và vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng trong 11 xã điểm của Tỉnh. Kết quả, có 06 xã đã cơ bản đạt đủ 19 tiêu chí, 18 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 43 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Lâm Đồng là địa phương đạt mức cao nhất trong các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới và giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 héc ta; công tác giảm nghèo đạt kết quả khá, năm 2013 toàn tỉnh còn 12.200 hộ nghèo (chiếm 4,13%, giảm 2,18% so với cùng kỳ), thấp nhất trong các tỉnh khu vực Tây Nguyên; đặc biệt đến cuối năm 2013 tỉnh không còn xã có trên 30% hộ nghèo.
Về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và nông lâm trường quốc doanh đã được tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, duy trì 09 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thực hiện cổ phần hóa 03 doanh nghiệp, phê duyệt đề án tái cơ cấu 03 doanh nghiệp nhà nước; thực hiện chuyển đổi 08 lâm trường quốc doanh theo Nghị định số 25/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Các doanh nghiệp sau khi sắp xếp, đổi mới đều hoạt động có hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI 1. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014 mà Tỉnh đã đề ra, Tỉnh cần lưu ý một số nhiệm vụ sau:
- Tiếp tục bám sát phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và đến năm 2015 của cả nước mà Đảng, Quốc hội đã đề ra; tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.
- Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững; tiếp tục đầu tư, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao giá trị và giá trị gia tăng nông sản hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới; nhân rộng mô hình liên kết kinh tế với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nhất là liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, dịch vụ hàng không...
- Phát triển các ngành khác trên cơ sở thế mạnh của địa phương và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó lưu ý phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp.
- Rà soát, làm tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch dân cư, quy hoạch hạ tầng kinh tế xã hội, quy hoạch sản xuất trên địa bàn.
- Kết hợp giữa phát triển kinh tế với quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc của địa phương gắn với phát triển du lịch bền vững. Đầy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tăng cường công tác phòng, chống và giảm thiều tai nạn giao thông; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
2. Về công tác đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp và nông lâm trường quốc doanh: Tỉnh cần đặc biệt quan tâm, lưu ý về quản lý đất đai và hiệu quả sử dụng đất, quy hoạch lại đất đai cho phù hợp với mục đích sử dụng; đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nông lâm nghiệp.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về Đề án xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Đà Lạt: Ủy ban nhân tỉnh Lâm Đồng khẩn trương tiếp thu ý kiến của các Bộ ngành liên quan, hoàn thiện Đề án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2014.
2. Về bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng 04 công trình thủy lợi (Hồ chứa nước KaZam, huyện Đơn Dương; Hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà- Hồ chứa nước Ta Hoét, Hồ chứa nước Hiệp Thuận, huyện Đức Trọng): Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Tỉnh tổ chức lập, thẩm định dự án theo quy định của Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất nguồn vốn đối với các công trình cấp bách; đồng thời có phương án đưa dự án vào danh mục kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng thế giới và các nhà tài trợ quốc tế khác.
3. Về bố trí từ nguồn vốn để tập trung đầu tư cho huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Tỉnh cân đối, sử dụng số vốn trái phiếu Chính phủ đã được bố trí trong Kế hoạch vốn năm 2014 vài giai đoạn 2014 - 2016; đồng thời, huy động các nguồn hợp pháp khác để triển khai các dự án nông thôn mới trên địa bàn; trường hợp thiếu vốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thống nhất nguồn và mức hỗ trợ để Tỉnh thực hiện mô hình này.
4. Về đưa đường cao tốc Dầu Giây - Liên khương vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư: Dự án này đã có trong Quy hoạch đường cao tốc thực hiện trước nam 2020; giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1670/VPCP-KTN ngày 16 tháng 3 năm 2010, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và tỉnh Lâm Đồng đề xuất phương án đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong năm 2014 bố trí đủ phần vốn còn thiếu như đề nghị của tỉnh đối với dự án xây dựng Quốc lộ 28, đoạn tránh do ngập lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 thuộc địa bàn hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông.
6. Về địa điểm xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân: Văn phòng Chính phủ sớm bố trí để Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP; - Các Bộ: KHĐT, TC, CT, GTVT, XD, NN&PTNT, TN&MT, KH&CN; - Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; - Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN; - Tập đoàn Điện lực Việt Nam; - Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, Các Vụ: TH, KTN, KTTH, KGVX, ĐMDN, TGĐ Cổng TTĐT; - Lưu: VT, V.III (3). pvc 41 | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Cao Lục |