VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ --------------- Số: 188/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ----------------------------- Hà Nội, ngày 12 tháng 07 năm 2010 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TỈNH THANH HÓA
Ngày 3 tháng 7 năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa; dữ Lễ khởi công Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1. Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí: Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2010 và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa và những kết quả đã đạt được khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: GDP 6 tháng đầu năm 2010 tăng 12,3%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm 1,3%, công nghiệp tăng 1,2%, dịch vụ tăng 0,1% so với cùng kỳ); giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 1,8%; công nghiệp tăng 18,9%; thu ngân sách nhà nước tăng 30%; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 35%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 26,3% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm và có bước chuyển biến tích cực: tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,2% so với đầu năm 2010 (còn 16,4%); nhiều chương trình dự án về giáo dục được đẩy mạnh, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 80,5%, tăng 911 phòng học so với cùng kỳ; giải quyết việc làm cho trên 25.240 lao động; công tác chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, xây dựng đời sống văn hóa có nhiều tiến bộ; công tác phòng, chống tham nhũng và cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, Thanh Hóa vẫn còn một số tồn tại, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới, nổi lên là: chất lượng tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm còn thấp; hạ tầng kinh tế - xã hội và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; khai thác, sử dụng tài nguyên đất, khoáng sản hiệu quả chưa cao; việc xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là ở vùng dân cư ven biển và trong sản xuất công nghiệp còn hạn chế; thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với mức trung bình cả nước; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (16,4%), nhất là khu vực miền núi (35%); sản xuất và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hoạt động buôn bán ma túy qua biên giới còn diễn biến phức tạp.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Về cơ bản thống nhất với mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp đề ra của Tỉnh cho thời gian tới và ý kiến của các Bộ, ngành. Tỉnh nghiên cứu tiếp thu để tiếp tục hoàn chỉnh, trong đó lưu ý tập trung làm tốt một số việc sau đây:
1. Năm 2010 là năm cuối kỳ kế hoạch, có ý nghĩa quyết định mức độ hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010) của Tỉnh và của cả nước. Do vậy, Tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, tạo không khí phấn khởi và niềm tin bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo, trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP trên 14,7%; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 15% và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Trước mắt, tập trung chỉ đạo công tác chống hạn, chăm sóc và bảo vệ tốt cây trồng, vật nuôi; thực hiện tốt công tác bồi thường, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, công trình dự án lớn của Tỉnh; có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đã được bố trí, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và y tế.
2. Chỉ đạo, tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp. Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thật cụ thể, thiết thực và có tính khả thi cao trong nhiệm kỳ tới; làm tốt công tác cán bộ để lựa chọn cho được đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết mà Đại hội thông qua.
3. Xây dựng tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015. Tỉnh cần phân tích, làm rõ những kết quả được để tiếp tục phát huy; những tồn tại yếu kém, nguyên nhân để có giải pháp khắc phục; có giải pháp huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương; tranh thủ bối cảnh thuận lợi của đất nước, của Vùng để phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, trong đó chú trọng:
- Khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế về đất đai, mặt nước, trong đó có khoảng 240 nghìn ha đất nông nghiệp, 400 nghìn ha rừng để phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với công nghiệp chế biến; đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm ngư nghiệp và hiệu quả sản xuất kinh doanh; tiếp tục thực hiện tốt Chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xây dựng nông thôn mới toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) của Đảng;
- Huy động mọi nguồn lực để tạo bước đột phá trong việc phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản; công nghiệp chế tạo; công nghiệp ô tô; khai thác chế biến khoáng sản, công nghiệp xi măng; đặc biệt là xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn với nhiều dự án và hạng mục rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh như cảng nước sâu, lọc hóa dầu, sản xuất thép…; từng bước hình thành khu công nghệ cao, các khu, cụm công nghiệp mà Tỉnh có tiềm năng, lợi thế; đồng thời quan tâm phát triển các ngành dịch vụ, du lịch để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển nhanh và bền vững;
- Tiếp tục giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển; nâng cao chất lượng giáo dục, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; tập trung chỉ đạo có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nhất là ở các huyện miền núi; cùng với việc triển khai tích cực và có hiệu quả Nghị quyết số 30a của Chính phủ, Tỉnh cần có chương trình, đề án cụ thể để giảm nghèo nhanh và bền vững khu vực phía Tây của Tỉnh;
- Tiếp tục làm tốt công tác cải cách hành chính, có cơ chế chính sách thông thoáng thu hút các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư tại Tỉnh, đồng thời đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề; làm tốt công tác quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy, nhất là tại vùng giáp ranh giữa tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh miền Tây Thanh Hóa theo Quyết định số 253/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2015. Tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Đề án trong thời gian qua, ngoài các cơ chế, chính sách hiện hành, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các cơ chế chính sách mới để phát triển khu vực này nhanh và bền vững hơn, trên cơ sở đó đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Về quy hoạch sân bay dân dụng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn: giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời Tỉnh chủ động tính toán có thể đưa vào quy hoạch sử dụng đất để có quỹ đất dự phòng.
3. Đối với các dự án, công trình giao thông:
- Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa: Tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai thực hiện các tiểu dự án thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa đã được phê duyệt; xem xét việc phân chia các gói thầu và áp dụng hình thức đấu thầu hoặc chỉ định thầu theo quy định để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xem xét, ứng trước vốn để sớm hoàn thành Dự án;
- Đường cao tốc, đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa: Bộ Giao thông vận tải hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định và làm việc với Ngân hàng thế giới (WB) để xác định nguồn vốn đầu tư;
- Về đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường ven biển, đoạn từ huyện Nga Sơn đến Nghi Sơn giáp tỉnh Nghệ An: đồng ý về chủ trương Tỉnh triển khai thực hiện Dự án theo quy định. Về nguồn vốn đầu tư, Tỉnh làm việc với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 3514/VPCP-KTN ngày 27 tháng 5 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ;
- Các dự án: nâng cấp, cải tạo đường nối quốc lộ 1A (tại Bỉm Sơn) với đường Hồ Chí Minh (tại Thạch Quảng); nâng cấp, cải tạo quốc lộ 15A (từ Vạn Mai, Hòa Bình đến đường Hồ Chí Minh); đường nối quốc lộ 217 với quốc lộ 45 và quốc lộ 47; đường nối quốc lộ 1A đến quốc lộ 10 và Đảo Nẹ; Tỉnh rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên và làm việc cụ thể với Bộ Giao thông vận tải; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Về chỉ định thầu và bố trí vốn đầu tư Tuyến đê lấn biển xung yếu huyện Nga Sơn; tuyến đê sông Chu, sông Mã; đồng ý với đề nghị của Tỉnh, giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét quyết định và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực để thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối bố trí vốn theo quy định để hỗ trợ cho Tỉnh thực hiện.
5. Về đầu tư dự án thủy lợi Đập Lèn trên sông Mã: đồng ý về chủ trương, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tỉnh để lập dự án và trình duyệt theo quy định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, bổ sung vào danh mục trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 để thực hiện.
Về hỗ trợ vốn dự án hệ thống thủy lợi cấp nước tưới phục vụ nông nghiệp, huyện Tĩnh Gia: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hỗ trợ vốn cho Tỉnh thực hiện.
6. Về việc bố trí vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Ngọc Lặc: Tỉnh chỉ đạo lập dự án, hoàn tất thủ tục đầu tư, xác định các hạng mục công trình cụ thể; làm việc với các Bộ, ngành liên quan để xác định nguồn vốn cho Tỉnh thực hiện.
7. Về vốn đầu tư dự án Chính điện Lam kinh (Công trình chính của Khu di tích lịch sử Lam Kinh): Tỉnh làm việc cụ thể với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thống nhất phương án; hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, có kế hoạch hỗ trợ và ứng trước vốn cho Tỉnh khởi công trong năm 2010.
8. Đồng ý đầu tư nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ 700 giường lên 1.200 giường và nâng cấp mở rộng bệnh viện phụ sản quy mô 500 giường. Tỉnh thống nhất với Bộ Y tế và hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế bổ sung vào danh mục trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 để thực hiện.
Đối với việc thành lập Phân hiệu trường Đại học Y khoa Hà Nội tại tỉnh Thanh Hóa: giao Bộ Y tế xem xét, xử lý cụ thể.
9. Đồng ý đầu tư xây dựng Trung tâm giáo dục lao động xã hội 2 tại huyện Quan Hóa; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Tỉnh thực hiện; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bố trí vốn hỗ trợ theo quy định cho Tỉnh thực hiện.
10. Về chủ trương và hỗ trợ vốn thu hồi đất nông nghiệp và đất làm muối ngoài mốc giới Khu Kinh tế Nghi Sơn: đồng ý về nguyên tắc, căn cứ quy hoạch, Tỉnh chỉ đạo lập dự án bồi thường, hỗ trợ, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng theo quy định; Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét ứng vốn để Tỉnh thực hiện.
11. Về hỗ trợ kinh phí chống hạn vụ Hè thu: Tỉnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1121/CĐ-TTg ngày 2 tháng 7 năm 2010. Trước mắt, Tỉnh chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp chung tình hình thiệt hại nặng do hạn hán gây ra ở các địa phương (trong đó có tỉnh Thanh Hóa), đề xuất mức hỗ trợ cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, kinh doanh.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Xây dựng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; - Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa; - Tập đoàn Điện lực Việt Nam; - VPCP: BTCN, các PCN, cổng TTĐT; Các Vụ: TKBT, TH, KTTH, KTN, KGVX; - Lưu: VT, ĐP (5). | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Văn Trọng Lý |