VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------------------- Số: 220/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------------------- Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN
TẠI HỘI NGHỊ ĐỊNH HƯỚNG ĐỔI MỚI HỆ THỐNG TRỢ GIÚP XÃ HỘI VIỆT NAM
Ngày 28 tháng 5 năm 2013, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị Định hướng đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam; Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Phó trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày báo cáo tóm tắt về Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam; phát biểu của Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Phó trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ủy ban Dân tộc và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:
1. Việc xây dựng và thực hiện Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam (sau đây viết tắt là Dự án) là phù hợp với yêu cầu và lộ trình thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
2. Việc thiết kế Dự án cần bảo đảm các yêu cầu sau đây:
- Các Bộ, ngành liên quan phải có sự tham gia Dự án ngay từ bước đầu tiên để nắm bắt tình hình, rút kinh nghiệm sau khi kết thúc thí điểm có thể triển khai mở rộng được ngay;
- Dự án cần bảo đảm tính hợp lý hơn về quy mô, các chính sách tích hợp, mức chi trả và nguồn vốn để bảo đảm tính khả thi;
- Chính sách mới cần hợp lý hơn chính sách cũ; không bỏ sót đối tượng, nhất là người cực nghèo không được hỗ trợ, nhưng cũng không hỗ trợ sai đối tượng.
3. Về nội dung cụ thể của Dự án:
- Về mục tiêu của Dự án cần nghiên cứu, điều chỉnh lại cho phù hợp với phạm vi, kết quả đầu ra của Dự án, đồng thời làm rõ mục tiêu và kết quả đầu ra cần đạt được của 3 năm đầu thực hiện Dự án (từ năm 2013 đến năm 2015) và mục tiêu của những năm còn lại;
- Về quy mô của Dự án, nhất trí với đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: triển khai Dự án tại các tỉnh: Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần chủ động sớm thảo luận với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh về vấn đề này để việc xây dựng và triển khai thực hiện Dự án thuận lợi;
- Về đối tượng tham gia Dự án, cần làm rõ đối tượng tham gia chỉ là hộ gia đình có trẻ em hay cả những hộ gia đình khác thuộc đối tượng được trợ cấp trên cùng địa bàn;
- Về tích hợp chính sách, trong giai đoạn thử nghiệm không nên tích hợp quá nhiều chính sách vì sẽ khó thực hiện. Tuy nhiên, việc chỉ tích hợp 02 chính sách thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý sẽ hạn chế trong việc tích hợp các chính sách thuộc các Bộ, ngành khác quản lý sau khi Dự án kết thúc. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan nghiên cứu, tích hợp thêm 01 chính sách khác không thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý để bảo đảm tính liên ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm;
- Về xây dựng cơ sở dữ liệu, đây là hoạt động hết sức cần thiết và cần tiến hành sớm. Việc nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu cần được nghiên cứu kỹ để bảo đảm phù hợp về qui mô, không quá tốn kém và phức tạp, nhưng cũng cần bảo đảm trong tương lai có thể tích hợp được tất cả các chính sách hỗ trợ xã hội;
- Về xây dựng hệ thống thông tin quản lý, cần làm rõ hơn về nội dung, sản phẩm của hệ thống, làm rõ cơ chế chia sẻ thông tin và cùng truy cập hệ thống, bảo đảm các đầu mối quản lý sử dụng và truy cập được, nhất là có thể làm mẫu để mở rộng triển khai thực hiện đồng bộ trong cả nước sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm;
- Về mức trợ giúp xã hội, thực hiện theo mức quy định hiện hành. Trường hợp mức trợ giúp hiện hành chưa hợp lý thì kiến nghị điều chỉnh trước khi thực hiện thí điểm để không làm méo mó chính sách và mất cân đối chung;
- Về cơ chế chi trả, nhất trí với dự thảo Đề án thực hiện cơ chế chi trả qua bên thứ ba là bưu điện;
- Về nguồn thực hiện chính sách, việc sử dụng toàn bộ vốn vay từ Ngân hàng Thế giới để thực hiện thí điểm là không phù hợp. Đề nghị sử dụng nguồn vốn đã có theo quy định hiện hành để thực hiện thí điểm chi trả thông qua hệ thống mới. Bộ Tài chính nghiên cứu, bảo đảm ngân sách hỗ trợ từ Trung ương cho việc thí điểm. Các địa phương tham gia thí điểm cần ưu tiên dành ngân sách để thực hiện thí điểm. Sau khi cân đối, phần thiếu hụt sẽ bổ sung từ nguồn vay Ngân hàng Thế giới để bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều được hưởng theo quy định, không ai bị bỏ sót.
Yêu cầu các địa phương tham gia thí điểm chủ động rà soát đối tượng, dự toán, đề xuất về kinh phí để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ liên quan tổng hợp, dự kiến nguồn kinh phí chung của Dự án.
- Về kinh phí quản lý, Dự án cần bố trí kinh phí cho việc đào tạo, tập huấn và duy trì hoạt động của mạng lưới cộng tác viên cấp thôn, bản. Sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm sẽ xem xét cụ thể việc nhân rộng.
4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:
- Nghiên cứu, thành lập Ban Điều hành Dự án gồm các thành viên là đại diện các Bộ liên quan và đại diện của 04 địa phương tham gia thí điểm.
- Hoàn thiện đề cương chi tiết Dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam trước 30 tháng 6 năm 2013.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết và thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP; - Các Bộ: LĐTBXH; KHĐT, Tài chính, Y tế, GD&ĐT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban Dân tộc; - UBND các tỉnh: Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh; - Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; - Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam; - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT; các Vụ; QHQT, TKBT, KTTH, V.III, TH; - Lưu: VT, KGVX (3). | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Khắc Định |