hieuluat

Thông báo 2471/TB-BNN-VP kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại Hội nghị "Bàn giải pháp đẩy mạnh SX và tiêu thụ muối niên vụ 2014"

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:2471/TB-BNN-VPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Trần Quốc Tuấn
    Ngày ban hành:26/05/2014Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:26/05/2014Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Chính sách, Nông nghiệp-Lâm nghiệp
  • BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
    -----------------
    Số: 2471/TB-BNN-VP
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    --------------------
    Hà Nội, ngày 26 tháng 05 năm 2014
     
     
    THÔNG BÁO
    KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG VŨ VĂN TÁM TẠI HỘI NGHỊ “BÀN GIẢI PHÁP
    ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ MUỐI NIÊN VỤ 2014”
     
     
    Ngày 16 tháng 5 năm 2014, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã chủ trì Hội nghị “Bàn giải pháp đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ muối niên vụ 2014”. Tham dự Hội nghị có đại diện một số Bộ, ngành Trung ương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố có sản xuất muối; đại diện các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; đại diện các doanh nghiệp, các Hợp tác xã muối và các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương.
    Sau khi nghe báo cáo đánh giá kết quả sản xuất, tiêu thụ muối niên vụ 2013 và kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ muối niên vụ 2014; báo cáo tóm tắt dự thảo Quy hoạch phát triển ngành muối đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã kết luận như sau:
    I. VỀ KẾT QUẢ SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ MUỐI NĂM 2013
    Vụ sản xuất muối năm 2013, sản lượng muối cả nước đã đạt trên 1 triệu tấn, bằng 103,9% so với kế hoạch. Giá muối luôn giữ ở mức hợp lý, có lãi, góp phần giảm bớt những khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân. Về cơ bản, sản xuất muối đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên ngành muối vẫn còn những tồn tại, đó là: sản xuất muối vẫn chủ yếu là thủ công, phụ thuộc chính vào các điều kiện thời tiết; việc phát triển diện tích sản xuất muối công nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra; muối chất lượng cao cung cấp cho các ngành công nghiệp và y tế chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài, có tiềm năng sản xuất muối với 21 tỉnh, 45 huyện, 125 xã sản xuất muối, nhưng năm 2013 vẫn phải nhập khẩu khoảng 400 ngàn tấn muối (chủ yếu muối chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp và y tế).
    II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ MUỐI
    Đảm bảo sản xuất muối đáp ứng đủ nhu cầu muối cho tiêu dùng, nguyên liệu cho các ngành công nghiệp và tăng dần xuất khẩu sản phẩm muối biển giàu vi lượng; đảm bảo an toàn thực phẩm, khả năng cạnh tranh của sản phẩm muối; người sản xuất có lãi, góp phần thực hiện an sinh xã hội và thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong lĩnh vực diêm nghiệp, trong thời gian tới cần tập trung triển khai một số giải pháp sau:
    1. Về sản xuất muối nguyên liệu
    - Cần tổng kết các mô hình, các qui trình công nghệ sản xuất tiên tiến để hướng dẫn người dân, tổ chức sản xuất có hiệu quả; nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ muối hiệu quả.
    - Sản xuất muối nguyên liệu là lĩnh vực sản xuất vật chất chịu ảnh hưởng của thời tiết, nên cũng mang tính thời vụ do vậy Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối và cơ quan quản lý các cấp tại địa phương: cần thiết lập cơ chế chỉ đạo sản xuất theo mùa vụ phù hợp với từng vùng; thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết khí hậu, hướng dẫn người dân làm đúng quy trình và có giải pháp giảm thiểu sự tác động bất lợi của thời tiết; định kì hàng năm duy trì hội nghị đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh muối ở địa phương và toàn quốc.
    - Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực sản xuất, chế biến muối đảm bảo phù hợp với Luật An toàn thực phẩm và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
    - Đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, công bố xuất xứ hàng hóa, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu loại muối có ưu thế sản xuất trong nước (muối ăn nhiều vi lượng), có giải pháp nâng tỉ lệ muối ăn qua chế biến, hướng đến nền sản xuất muối hiện đại, phát triển ổn định và bền vững.
    - Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với sản xuất nguyên liệu muối, thu mua, chế biến, tiêu thụ; liên kết trong từng khâu của quá trình sản xuất, đặc biệt là khâu sản xuất muối nguyên liệu hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, đảm bảo cho các doanh nghiệp chế biến muối có đầu mối (đại diện diêm dân) để kí kết và giao dịch hợp đồng.
    a) Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối:
    - Khẩn trương hoàn thiện Báo cáo Quy hoạch, trình Bộ trưởng phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành muối đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” nghiên cứu để tham mưu, đề xuất xây dựng Nghị định Chính phủ về sản xuất kinh doanh muối làm cơ sở pháp lí cho phát triển ngành muối hiệu quả, bền vững.
    - Chủ trì, phối hợp với các địa phương theo dõi sát tình hình sản xuất trong nước, thực hiện cân đối cung cầu muối; phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương để chỉ đạo, điều hành nhập khẩu muối, tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ muối trong nước sản xuất.
    - Rà soát các dự án đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng đồng muối, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án.
    - Kiện toàn lại công tác thống kê, dự báo về sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
    - Tham mưu, đề xuất kiện toàn lại tổ chức, nhân sự thực hiện tốt công tác tham mưu về quản lý nhà nước ngành muối từ Trung ương đến các địa phương.
    - Tổng kết, hướng dẫn các mô hình, qui trình sản xuất muối hiệu quả; thống nhất về chủ trương thành lập Hiệp hội muối nhằm phối hợp, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối và làm cầu nối kiến nghị với nhà nước những vấn đề liên quan đến lĩnh vực muối.
    - Tham mưu đề xuất cơ chế chính sách để đảm bảo lợi ích và phát triển bền vững cho diêm dân và địa phương trọng điểm sản xuất muối.
    b) Các đơn vị khác thuộc Bộ
    - Vụ Kế hoạch chủ trì phối hợp với Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối và các đơn vị liên quan tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn 2014 cho Dự án muối Quán Thẻ và các dự án trọng điểm khác về nâng cấp hạ tầng đồng muối tại các địa phương.
    - Tổng cục Thủy lợi nghiên cứu đề xuất để điều chỉnh, bổ sung hoặc lồng ghép các dự án thủy lợi phục vụ hạ tầng cho những cánh đồng sản xuất muối nguyên liệu.
    - Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: tham mưu, điều chỉnh kế hoạch từ năm 2015 chú ý bố trí nguồn vốn khuyến nông về sản xuất muối nguyên liệu, đặc biệt chuyển giao công nghệ trải bạt kết tinh và các mô hình sản xuất muối nguyên liệu hiệu quả qui mô nhỏ.
    c) Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có sản xuất muối:
    - Tham mưu để Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát bổ sung qui hoạch sản xuất kinh doanh muối gắn với tái cơ cấu trong nông nghiệp và giám sát việc thực hiện qui hoạch tại địa phương.
    - Bố trí cán bộ theo dõi, giám sát tình hình sản xuất ở cơ sở, kịp thời phát hiện và giải quyết hoặc tham mưu giải quyết các khó khăn vướng mắc của diêm dân và doanh nghiệp.
    - Tổng kết các mô hình, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh có hiệu quả để phổ biến, hướng dẫn kịp thời. Bố trí kinh phí cho hoạt động khuyến diêm, cần tập trung xây dựng mô hình sản xuất muối sạch chất lượng cao và qui trình sản xuất tiên tiến qui mô nhỏ cho diêm dân.
    Văn phòng Bộ thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết và phối hợp triển khai thực hiện./.
     

     Nơi nhận:
    - Các Thứ trưởng (để b/c);
    - Các Bộ: KHĐT, TC, CT, KHCN;
    - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
    - UBND tỉnh, thành phố có SX muối;
    - Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố có SX muối;
    - Các Vụ: KH, TCCB, TC, KHCN;
    - Cục Chế biến NLTS&NM; Trung tâm KNQG;
    - Một số DN sản xuất và tiêu thụ muối;
    - Lưu: VT, TH.
    TL. BỘ TRƯỞNG
    KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
    PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG




    Trần Quốc Tuấn
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật chất lượng, sản phẩm hàng hoá số 05/2007/QH12 của Quốc hội
    Ban hành: 21/11/2007 Hiệu lực: 01/07/2008 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
    02
    Luật An toàn thực phẩm của Quốc hội, số 55/2010/QH12
    Ban hành: 17/06/2010 Hiệu lực: 01/07/2011 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X