VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 266/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1956/QĐ-TTG NGÀY 27 THÁNG 11 NĂM 2009
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN
“ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020”
Ngày 04 tháng 7 năm 2014, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; các Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương; đại diện các Bộ, cơ quan: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện các Hội, Hiệp hội: Khuyến học Việt Nam, Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Làng nghề Việt Nam, Dạy nghề và Nghề công tác xã hội Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo tổng hợp chung của Văn phòng Chính phủ và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận:
1. Ghi nhận sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua. Mặc dù trong điều kiện khó khăn về nguồn lực và sản xuất thu hẹp, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt một số kết quả tích cực; mang lại những đóng góp thiết thực cho người dân và nền kinh tế.
Trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05 tháng 11 năm 2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, tạo sự chuyển biến thật sự về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng và đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực nói chung. Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương, bảo đảm nguyên tắc chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề.
2. Về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện theo hướng: Xác định Đề án này là một nội dung quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới; việc hỗ trợ lao động nông thôn học nghề cần xem xét đến tính đặc thù của các đối tượng học nghề là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số để có chính sách động viên, hỗ trợ phù hợp. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong Quý III năm 2014.
3. Về chính sách dạy nghề đối với người lao động: Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách dạy nghề đối với người lao động theo hướng tích hợp chung các chính sách hiện hành về đào tạo nghề để thống nhất thực hiện, trong đó chú trọng ưu tiên hỗ trợ dạy nghề cho người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân; điều chỉnh mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho các đối tượng ưu tiên cho phù hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vào đầu Quý I năm 2015.
4. Về việc sắp xếp các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề cấp huyện triển khai theo hướng: Sáp nhập các trung tâm nhằm giảm đầu mối quản lý nhưng không thực hiện đồng loạt, đại trà mà tiến hành một cách thận trọng, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 8 năm 2014 về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm việc này tại một số địa phương trong thời gian qua.
5. Về chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát lại danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, chuẩn hóa các chương trình đào tạo, bảo đảm các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Các nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp; nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí việc làm của doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ và cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng TW và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan TW của các đoàn thể; - Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐTBXH; - Hiệp hội Dạy nghề và Nghề công tác xã hội Việt Nam; - Hiệp hội Làng nghề Việt Nam; - Hội Khuyến học Việt Nam; - Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam; - Kênh truyền hình VTC16; - VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KTN, PL, TH; - Lưu: VT, KGVX (3). ĐND. | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Khắc Định |