hieuluat

Thông báo 283/TB-VPCP tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Văn phòng Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:283/TB-VPCPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Nguyễn Cao Lục
    Ngày ban hành:19/08/2015Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:19/08/2015Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Chính sách
  • VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
    -------
    Số:283/TB-VPCP
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 19 tháng 08 năm 2015
     
     
    THÔNG BÁO
    Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI
    TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT 2 NĂM THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP
     THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
     
     
    Ngày 13 tháng 8 năm 2015, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã chủ trì Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long). Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo đã có ý kiến kết luận như sau:
    I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU
    1. Kết quả đạt được
    Nhất trí với nội dung báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đánh giá kết quả bước đầu đạt được trên các lĩnh vực qua 2 năm thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Kết quả đó được thể hiện rõ nhất là:
    - Nhận thức về yêu cầu phải thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của toàn xã hội, nhất là nhận thức của nông dân, các doanh nghiệp, nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước đã có thay đổi, chuyển biến tích cực, phù hợp với đòi hỏi hội nhập sâu của nền kinh tế nước ta với kinh tế thế giới.
    - Sản xuất hàng hóa theo tín hiệu, kết nối với thị trường; có nhiều mô hình liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân, với tổ chức đại diện của nông dân, thực hiện tổ chức sản xuất theo chuỗi, quy mô lớn, quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm được chú trọng và có hiệu quả.
    - Nâng cao chất lượng, năng suất, giá trị gia tăng, giá trị xuất khẩu nông sản, việc hưởng ứng áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ cao, cơ giới hóa trong nông nghiệp được quan tâm, mở rộng và đang trở thành yêu cầu của người sản xuất.
    - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhiều địa phương đã tích cực triển khai xây dựng phê duyệt đề án, kế hoạch hành động, thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác để thực hiện.
    - Ngoài nguồn vốn thông qua các chính sách chung của Nhà nước, có nhiều địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu.
    Kết quả bước đầu về tái cơ cấu ngành đã góp phần duy trì tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Năm 2014, sản xuất tăng trưởng với tốc độ cao hơn, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP đạt 3,49%, vượt mục tiêu đề ra là 3,27% và cao hơn nhiều so với năm 2013 (tương ứng là 3,0% và 2,64%). Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Trong 6 tháng đầu năm 2015, mặc dù có nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường gây ra, nhưng ước tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,36%, giá trị sản xuất toàn ngành ước tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2014.
    Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 63,9% năm 2012, 64,7% năm 2013 và 67,8% năm 2014. Những kết quả trên đã góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.
    Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương các Bộ, ngành, địa phương, hộ nông dân, các doanh nghiệp, nhà khoa học đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo, đồng hành tham gia thực hiện và đạt được kết quả bước đầu trong 2 năm qua.
    2. Hạn chế
    Ngoài các hạn chế đã nêu trong Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, còn có hạn chế nữa là một số địa phương và nhiều doanh nghiệp, người dân còn thờ ơ với việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện tiêu chí đánh giá và giám sát thực hiện tái cơ cấu để các địa phương làm căn cứ, định kỳ đánh giá, báo cáo sơ kết kết quả thực hiện.
    II. GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
    Nhu cầu về nông sản, thực phẩm trên thế giới còn rất lớn, đây là cơ hội để khai thác tiềm năng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững; đồng thời, hội nhập sâu, nông nghiệp nước ta cũng chịu thách thức lớn, nếu ngành nông nghiệp không nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh sẽ thất bại ngay tại thị trường trong nước. Do đó, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ thực hiện các giải pháp đã nêu trong Báo cáo và nhiệm vụ giải pháp sau:
    1. Đối với 16 tỉnh, thành phố triển khai chậm tái cơ cấu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải khẩn trương hoàn thành phê duyệt đề án, kế hoạch chương trình thực hiện tái cơ cấu trong Quý IV/2015 để có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, phối hợp các ngành cùng thực hiện.
    2. Tái cơ cấu nông nghiệp cần tránh cách làm dàn trải, trước hết lựa chọn, tập trung vào một số sản phẩm có thế mạnh, có thị trường, có nhà đầu tư. Trên cơ sở các đề án, các địa phương cần giới thiệu, xúc tiến kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, liên kết với doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện; khuyến khích doanh nghiệp thuê đất, chuyển nhượng đất của nông dân để tổ chức sản xuất quy mô lớn. Rà soát cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp.
    3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, của các cấp, các Bộ, ngành quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao về phối hợp cộng tác với ngành nông nghiệp tham gia thực hiện tái cơ cấu, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp cố tình đưa sản phẩm không an toàn ra thị trường.
    4. Quan tâm phát triển thương hiệu sản phẩm, xây dựng mối liên kết, khai thác tiềm năng lớn của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương, của doanh nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
    5. Tăng cường hợp tác quốc tế, đối thoại cấp cao với các nước, với doanh nghiệp để tháo gỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường, tiếp thu khoa học công nghệ, vốn đầu tư mô hình quản lý, liên kết chuỗi sản phẩm, cách làm thương hiệu của các doanh nghiệp.
    Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
     

    Nơi nhận:
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    -
    Các Bộ: NN&PTNT, KH&CN, CT, TN&MT, TC, KH&ĐT;
    -
    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
    -
    UBND các tnh, thành phố trực thuộc TƯ;
    -
    Ban Kinh tế Trung ương Đảng;
    - Ủ
    y ban Trung ương Mặt trận Tổ quc VN;
    -
    Các thành viên BCĐ liên ngành v TCCNN;
    -
    VP thường trực BCĐ (Bộ NN&PTNT);
    -
    VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Trợ lý TTg, các Vụ: KTTH, TH; TGĐ Cng TTĐT;
    - Lưu: VT, KTN (3) Tr.
    KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
    PHÓ CHỦ NHIỆM




    Nguyễn Cao Lục
  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X