hieuluat

Thông báo 290/TB-VPCP về tình hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Văn phòng Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:290/TB-VPCPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Nguyễn Cao Lục
    Ngày ban hành:12/09/2016Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:12/09/2016Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Chính sách
  • VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
    -------
    Số: 290/TB-VPCP
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 12 tháng 09 năm 2016
     
     
    THÔNG BÁO
    KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI CUỘC HỌP VỚI LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ VIỆT NAM VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ HỢP TÁC XÃ, HỢP TÁC XÃ VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ TRONG THỜI GIAN TỚI
     
     
    Ngày 29 tháng 8 năm 2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về tình hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã và một số đề xuất, kiến nghị để đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong thời gian tới. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và đại diện các cơ quan: Văn phòng Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
    Sau khi nghe Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam báo cáo tình hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã và một số đề xuất, kiến nghị để đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong thời gian tới, ý kiến tham gia của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã kết luận như sau:
    I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
    Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng hoan nghênh và biểu dương những nỗ lực và thành tựu đã đạt được trong thời gian qua của khu vực kinh tế tập thể, mà Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan có tâm huyết đóng góp với kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
    Kinh tế hợp tác, hợp tác xã có vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước, đã được khẳng định trong Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ V, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; Kết luận của Bộ Chính trị số 56-KL/TW ngày 21 tháng 02 năm 2013; Luật Hợp tác xã năm 2012 và hệ thống các văn bản, nghị quyết liên quan.
    Trong thời gian qua, mặc dù còn khó khăn, nhiều hợp tác xã vẫn duy trì hoạt động có hiệu quả, tạo thêm việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (khoảng 5,6% GDP). Theo báo cáo, cả nước có hơn 150.000 tổ hợp tác với trên 2 triệu thành viên, 20.062 hợp tác xã, chiếm khoảng 13 triệu hộ với hơn 30 triệu lao động, 43 liên hiệp hợp tác xã, trong đó có 29 liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả. Trong đó có 10.854 hợp tác xã nông nghiệp, 2.247 hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 2.081 hợp tác xã thương mại, dịch vụ, 886 hợp tác xã xây dựng, 970 hợp tác xã giao thông vận tải, còn là hợp tác xã khác (môi trường, điện, y tế, du lịch...) và 1.147 quỹ tín dụng nhân dân. Hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên doanh, liên kết được nhiều nơi triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là các hợp tác xã gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững hoạt động có hiệu quả. Đã xuất hiện nhiều hợp tác xã điển hình tiên tiến, sản xuất, kinh doanh giỏi với hình thức phong phú, đa dạng ở các ngành nghề, lĩnh vực, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Các hợp tác xã thành lập mới (3.043 hợp tác xã) và một số đăng ký lại, chuyển đổi theo Luật hợp tác xã 2012 đã từng bước phát huy những ưu điểm, khắc phục những yếu kém trong tổ chức, quản lý và hoạt động, như: quy mô hợp tác xã ngày càng lớn hơn và đặc biệt việc thành lập đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường và các thành viên, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, thực hiện góp vốn của các thành viên theo quy định, có phương án hoạt động sản xuất kinh doanh rõ hơn; chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã, lợi ích thành viên, đẩy mạnh liên doanh, liên kết...
    Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, kinh tế hợp tác, hợp tác xã cũng còn nhiều hạn chế, phát triển còn chậm cả về số lượng và chất lượng (khoảng 20% hợp tác xã yếu kém); quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, hợp tác xã còn chưa tập trung, bộ máy còn phân tán, manh mún, chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Công tác tham mưu ở các tỉnh còn giao cho các sở, ngành khác nhau. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý còn bó hẹp, cơ chế chính sách không đồng bộ, thiếu hấp dẫn, không đi vào cuộc sống, rất nhiều chính sách ưu đãi theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 không được cụ thể hóa nên khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại...
    Nguyên nhân trước hết là nhận thức chưa đầy đủ về vai trò và mối quan hệ giữa mô hình hợp tác xã kiểu mới, kinh tế hộ và tổ chức hợp tác xã; mặt khác, do ý thức trách nhiệm các cấp, các ngành còn thấp, việc đánh giá về kinh tế hợp tác chưa toàn diện, chưa thấy hết vai trò quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong phát triển kinh tế - chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh.
    II. NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI
    Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hợp tác xã 2012, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII về kinh tế hợp tác, hợp tác xã, trong thời gian tới các Bộ, ngành cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
    1. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam:
    a) Tiếp tục tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương V- khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Luật Hợp tác xã nhằm tạo nên sự thống nhất, đồng thuận cao về nhận thức đối với vị trí, vai trò, tác dụng của mô hình hợp tác xã mới trong cơ chế thị trường. Tạo tiền đề cho các loại hình hợp tác xã ra đời và phát triển; chú trọng hướng dẫn tổ chức các phong trào thi đua ở các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Tập trung ưu tiên xây dựng một số mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn của Việt Nam, thí điểm ở một số vùng, miền có khu đô thị, khu đông dân cư có quy mô hàng hóa lớn;
    b) Tập trung tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, cung cấp dịch vụ (pháp lý, thông tin, tài chính, tín dụng, thị trường, khoa học công nghệ ...), đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của các thành viên hợp tác xã, để tăng cường cho việc hình thành và phát triển của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Khuyến khích mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, để làm đầu kéo, đầu mối dẫn dắt hỗ trợ khoa học công nghệ, bảo quản, thu mua, chế biến, tiêu thụ, tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp;
    c) Tham gia rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách ưu đãi hỗ trợ hợp tác xã và Liên minh hợp tác xã theo Điều 6 - Luật Hợp tác xã 2012;
    d) Rà soát, kiện toàn, củng cố hệ thống Liên minh Hợp tác xã từ Trung ương đến địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định và tăng cường vai trò, trách nhiệm của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã , đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.
    2. Các Bộ, cơ quan:
    a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm kiện toàn, củng cố, tăng cường, xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, hợp tác xã theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với kinh tế hợp tác xã, hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác xã, hợp tác xã. Bộ Nội vụ phải quán triệt được tinh thần này trong các văn bản thẩm định về dự thảo Nghị định khung quy định về chức năng quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp. Cơ quan chuyên môn về Kế hoạch và Đầu tư thuộc Ủy ban nhân dân các cấp quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Sở Kế hoạch và Đầu tư - Phòng Tài chính, Kế hoạch các quận, huyện), chấm dứt tình trạng chức năng, nhiệm vụ có nhưng triển khai không quyết liệt, thiếu cụ thể;
    b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nghiên cứu đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ ủy thác cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện một số nhiệm vụ, nhất là trong một số lĩnh vực dịch vụ công (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ động xây dựng Đề án, nghiên cứu cụ thể và đề xuất);
    c) Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiếp thu, giải trình, bổ sung ý kiến tham gia đóng góp của các Bộ, cơ quan liên quan về Điều lệ của Liên minh Hợp tác xã; Bộ Nội vụ căn cứ Quyết định 75/2005/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Điều lệ Liên minh Hợp tác xã Việt nam và chức năng, nhiệm vụ tại Điều 58- Luật Hợp tác xã 2012 và các quy định của phát luật, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước 30 tháng 9 năm 2016;
    d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát các quy định hiện hành để kiến nghị sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã; trình Chính phủ trước 15 tháng 10 năm 2016;
    đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt nam nghiên cứu, sớm trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
    III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
    Các kiến nghị cụ thể của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về cơ chế, chính sách (góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, xây dựng thí điểm mô hình Hợp tác xã kiểu mới, khu nông nghiệp công nghệ cao, huy động nguồn lực, xã hội hóa, tham gia của doanh nghiệp, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã); về tài chính (Kiểm toán Hợp tác xã, Ngân hàng Hợp tác xã, bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất, bổ sung vốn điều lệ của quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, thoái vốn Fortuna) và các kiến nghị khác (Đề án đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức Hội nghị châu Á Thái Bình Dương): giao các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Ngân hàng nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan khác căn cứ chức năng nhiệm vụ và các quy định của pháp luật, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 24/TB-VPCP ngày 29 tháng 01 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ; những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
    Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

    Nơi nhận:
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
    - Ban KT TW Đảng; Ban Dân vận TW Đảng, Ban Tuyên giáo TW Đảng, Văn phòng TW;
    - Các Bộ, cơ quan: KH&ĐT, NN&PTNT, TC, CT, NV, KH&CN, XD, GTVT, VH,TT&DL, LĐ-TB&XH, Ngân hàng nhà nước VN;
    - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;
    - Hội Nông dân VN, Hội Phụ nữ VN, Hội cựu chiến binh VN, Trung ương Đoàn TNCS HCM;
    - Liên Minh HTX Việt Nam;
    - VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Cao Lục, Trợ lý TTg, các Vụ: KTTH, KGVX, TH, TCCV; Cổng TTĐT;
    - Lưu: Văn thư, KTN (3). Thịnh
    KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
    PHÓ CHỦ NHIỆM




    Nguyễn Cao Lục
  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Thông báo 290/TB-VPCP về tình hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Văn phòng Chính phủ
    Số hiệu:290/TB-VPCP
    Loại văn bản:Thông báo
    Ngày ban hành:12/09/2016
    Hiệu lực:12/09/2016
    Lĩnh vực:Chính sách
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Theo văn bản
    Người ký:Nguyễn Cao Lục
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X