Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 290/TB-VPCP | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo | Người ký: | Mai Tiến Dũng |
Ngày ban hành: | 12/08/2020 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 12/08/2020 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Chính sách |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ Số: 290/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2020 |
THÔNG BÁO
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ
____________
Ngày 28 tháng 7 năm 2020, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc trực tuyến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường.
Sau khi nghe báo cáo của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan dự họp, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương các cấp ủy đảng, chính quyền, quân và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực đạt được kết quả toàn diện trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua. Giai đoạn 2016 - 2019 tỉnh Phú Thọ đã đạt mức tăng trưởng bình quân 8,38%/năm, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tăng từ 76% lên 79,7%, khu vực nông, lâm nghiệp giảm từ 24% xuống còn 20,3%. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch COVID-19, vừa duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh và phải đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế đạt 1,24%; giá trị xuất khẩu đạt 1,78 tỷ USD, tăng gấp 2,15 lần so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công bố trí cho các công trình, dự án đạt 47,5% kế hoạch vốn đã giao. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội được quan tâm. An ninh, quốc phòng; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, tỉnh Phú Thọ còn một số hạn chế, cần lưu ý khắc phục: Chất lượng tăng trưởng chưa cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; lao động nông nghiệp chiếm tỉ lệ còn cao; tăng trưởng của các ngành chưa đồng đều, hiệu quả chưa cao; nhiều ngành công nghiệp phát triển chưa bền vững, chưa thu hút được nhiều dự án, doanh nghiệp chủ lực, quy mô lớn đầu tư vào Tỉnh; việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ cao còn hạn chế; chất lượng và quy mô dịch vụ chưa cao. Môi trường đầu tư có mặt chưa thực sự thông thoáng, hấp dẫn; công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên khoáng sản còn tồn tại, hạn chế.
II. VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Cơ bản thống nhất với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 mà Tỉnh đã đề ra. Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ cần quan tâm thực hiện một số nội dung nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Tập trung cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống hiệu quả dịch bệnh Covid-19, cần thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm kiểm soát hiệu quả, không được chủ quan, không được để dịch bệnh lây lan; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 đã đề ra, đặc biệt là giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công đã được giao.
2. Phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương để lựa chọn và xác định mô hình tăng trưởng phù hợp, chuyển dịch từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu và có tầm nhìn dài hạn. Tận dụng thời cơ từ các hiệp định thương mại tự do EVFTA, CPTPP..., để mở rộng các thị trường mới. Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
3. Đẩy mạnh thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho phát triển toàn xã hội; phát triển đa dạng các thành phần kinh tế; xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cả về số lượng và chất lượng. Xây dựng môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, nhất là hạ tầng kỹ thuật, cải cách hành chính, hạ tầng kết nối. Chủ động chuẩn bị tốt điều kiện về đất đai, mặt bằng với hạ tầng đồng bộ để thu hút các dự án đầu tư lớn, có tiềm năng trong và ngoài nước
4. Xác định du lịch là một trong những mũi nhọn phát triển của Phú Thọ trong giai đoạn tới. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển dịch vụ du lịch, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng của các tuyến, điểm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, di tích lịch sử-văn hóa; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như du lịch lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh; đưa đặc sản địa phương vào phục vụ phát triển du lịch (như các loại cây ăn quả, chè, bưởi...); gắn nông nghiệp, môi trường với du lịch, dịch vụ nhằm tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân.
5. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, làm trung tâm dẫn dắt sự phát triển của các tiểu vùng. Tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, cấp điện, cấp nước... tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.
6. Quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả và bền vững tài nguyên trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững. Chú trọng phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp ít ảnh hưởng đến môi trường; từng bước di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi đô thị thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và những khu vực đông dân cư.
7. Quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng bền vững; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Có chính sách để phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trọng tâm là chính sách giảm nghèo, khuyến khích đồng bào dân tộc vươn lên làm giàu, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
8. Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đảng bộ cấp tỉnh, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đi đôi với tiếp tục làm tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về đề nghị tiếp tục quan tâm giới thiệu, định hướng một số nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, giúp phát triển toàn diện kinh tế - xã hội:
- Giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; giới thiệu một số nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các lĩnh vực phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch có giá trị gia tăng cao.
- Tỉnh Phú Thọ cần chủ động chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng mặt bằng sạch, nguồn nhân lực,... để sẵn sàng đón nhận và triển khai các dự án; các Bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện giúp tỉnh Phú Thọ khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư có liên quan.
2. Về điều chỉnh địa điểm quy hoạch Khu công nghiệp Tam Nông và Khu công nghiệp Hạ Hòa: Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ triển khai thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 992/TTg-CN ngày 27 tháng 7 năm 2020.
3. Về đề nghị đẩy nhanh công tác bàn giao đất nông lâm trường của Tổng công ty Giấy Việt Nam về cho tỉnh Phú Thọ: Đồng ý về nguyên tắc Tổng công ty Giấy Việt Nam bàn giao nguyên trạng diện tích 3.028,56 ha đất lâm nghiệp về cho tỉnh Phú Thọ quản lý, sử dụng theo phương án hai bên đã thống nhất; Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ thanh toán lại giá trị tài sản đã đầu tư trên đất còn lại tại thời điểm bàn giao theo quy định của pháp luật. Giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam khẩn trương thực hiện bàn giao; thời hạn hoàn thành trước 30 tháng 8 năm 2020.
4. Về quyết định chủ trương đầu tư các dự án sân gôn đã có trong quy hoạch được duyệt: Đồng ý về nguyên tắc. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ khẩn trương lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư và kinh doanh sân gôn đối với 02 sân gôn tại thành phố Việt Trì (khu vực xung quanh Khu di tích lịch sử Đền Hùng) và huyện Tam Nông; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định (trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo đúng quy định pháp luật.
5. Về điều chỉnh cục bộ quy hoạch Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch: Đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh cục bộ một số phân khu chức năng tại khu vực II (diện tích khoảng 74 ha) để phát triển dịch vụ du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, kiến trúc cảnh quan của Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ khẩn trương lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các bộ ngành có liên quan thẩm định theo đúng quy định pháp luật về di sản văn hóa và các quy định khác có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ.
6. Về đề nghị điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Việt Trì đến năm 2030: Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ, gửi Bộ Xây dựng để khẩn trương thẩm định (trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
7. Về điều chỉnh Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình: Đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Phú Thọ trong quá trình xây dựng Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi Quốc gia, trong đó có nội dung về phương án phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều các hệ thống sông lớn, nhằm tạo điều kiện cho các địa phương mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội.
8. Về việc sửa đổi, bổ sung các quy định về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường, nhất là các quy định liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công vào mục đích xã hội hóa:
Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2019, khẩn trương rà soát, báo cáo việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các loại tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.
9. Về đề nghị sớm ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục:
Giao Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
10. Giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất việc định hướng, giao một số nhiệm vụ chiến lược cho tỉnh Phú Thọ trong Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
11. Về đề nghị xem xét hoàn trả kinh phí tỉnh Phú Thọ đã bố trí đầu tư dự án Nút giao IC-11, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Giao Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì làm việc thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty phát triển Đường cao tốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ để xử lý dứt điểm; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
12. Về bố trí nguồn vốn đầu tư hoàn thiện phía bên trái tuyến Quốc lộ 32C đoạn tránh thành phố Việt Trì: Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xem xét, tổng hợp nhu cầu vốn cho Dự án vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
13. Về việc tăng nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho Dự án đường cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang theo hình thức PPP: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải và các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ xem xét, đề xuất phương án xử lý để đầu tư hoàn thành tuyến đường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng chiến khu cách mạng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
01 | Văn bản dẫn chiếu |
02 | Văn bản dẫn chiếu |
Thông báo 290/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ
In lược đồCơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Số hiệu: | 290/TB-VPCP |
Loại văn bản: | Thông báo |
Ngày ban hành: | 12/08/2020 |
Hiệu lực: | 12/08/2020 |
Lĩnh vực: | Chính sách |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Mai Tiến Dũng |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |