Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 297/TB-VPCP | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo | Người ký: | Nguyễn Cao Lục |
Ngày ban hành: | 13/08/2020 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 13/08/2020 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Chính sách |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ Số: 297/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2020 |
THÔNG BÁO
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu
____________
Ngày 29 tháng 7 năm 2020, tại thành phố Lai Châu, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020; kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và thu hút vốn ODA, đầu tư nước ngoài. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và đại diện các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Lai Châu và ý kiến của các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Tỉnh Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Trong thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã làm tốt công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh; quản lý, giải quyết các sự kiện biên giới; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới và mốc giới quốc gia; kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép và kiểm soát tốt dịch bệnh.
Về kinh tế - xã hội, mặc dù có một số tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biên mậu, thủy điện, nông - lâm nghiệp và thủy sản, du lịch,...; tuy nhiên, nhìn chung Lai Châu vẫn là tỉnh nghèo và có điều kiện phát triển hết sức khó khăn. Hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông (cả đối nội và đối ngoại) chưa được chú trọng đầu tư. Tình hình thiên tai (lũ quét, sạt lở đất...), thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, cực đoan ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới còn khó khăn. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội lớn nhưng khả năng đáp ứng còn rất hạn chế.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh Lai Châu vừa tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã và đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, cho sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; an sinh xã hội và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo; công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện có hiệu quả. Về kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 20 tháng 7 năm 2020, tỉnh Lai Châu đã giải ngân đạt 47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (36,7%).
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh biểu dương và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lai Châu đã có nhiều cố gắng, đạt được một số thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian qua.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Để phát huy, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phấn đấu đạt kết quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và các năm tới, tỉnh Lai Châu cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại thành phố Đà Nẵng và một số địa phương, tỉnh Lai Châu tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, kiên quyết không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào địa phương mình.
2. Kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
3. Tiếp tục rà soát tình hình thực hiện, giải ngân và tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, công trình, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng vốn ODA và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp; bảo đảm giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020 (Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 18 tháng 7 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ).
4. Tập trung chỉ đạo và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
5. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch trên địa bàn; triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành. Xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
6. Chuẩn bị các điều kiện và tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới để cải thiện một bước đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về bổ sung 05 dự án đã hoàn thiện thủ tục vào danh mục kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 để tỉnh giao chi tiết vốn năm 2020 và triển khai thực hiện: Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu khẩn trương giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cho các dự án này theo quy định tại Quyết định số 1145/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân.
2. Về bổ sung danh mục Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn vào kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ODA giai đoạn 2016 - 2020: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu rà soát, tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định.
3. Về tiếp tục thực hiện đối với số vốn ODA tạm dừng phân bổ chi tiết cho các xã, thôn hoàn thành Chương trình 135: Ủy ban Dân tộc khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4521/VPCP-KTTH ngày 06 tháng 6 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ.
4. Về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 của Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu rà soát và xem xét xử lý phù hợp, kể cả việc điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án giải ngân thấp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung vốn cho Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 của tỉnh Lai Châu.
5. Về đầu tư nâng cấp Đường nối thành phố Lai Châu với Cửa khẩu Ma Lù Thàng: Bộ Giao thông vận tải rà soát, tổng hợp vào danh mục các dự án của Bộ quản lý theo thứ tự ưu tiên đầu tư để bố trí vốn thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định.
6. Về đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng: Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu căn cứ quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để sắp xếp thứ tự ưu tiên và đề xuất vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 của tỉnh.
7. Về khởi công đường nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thiết kế kỹ thuật và cắm mốc giới giải phóng mặt bằng của dự án để bàn giao cho địa phương; chủ động cân đối, bố trí đủ vốn để địa phương triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu và Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức thực hiện và sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để Bộ Giao thông vận tải khởi công xây dựng công trình trong Quý I năm 2021.
8. Về nâng cấp quốc lộ 279 nối Lai Châu với Sơn La, quốc lộ 4H: Bộ Giao thông vận tải rà soát, tổng hợp vào danh mục các dự án của Bộ quản lý theo thứ tự ưu tiên đầu tư để bố trí vốn thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định.
9. Về đầu tư xây dựng đường dây 110kV Pắc Ma - Mường Tè và Nậm Củm - Mường Tè; đầu tư hệ thống đường dây 220kV Pắc Ma - Mường Tè và hoàn thiện quy hoạch đầu tư hệ thống truyền tải điện trên địa bàn tỉnh: Bộ Công Thương khẩn trương xem xét, quyết định theo thẩm quyền việc triển khai các công trình lưới điện 110kV có trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Lai Châu đã được Bộ Công Thương phê duyệt để giải tỏa công suất các dự án thủy điện Pắc Ma và Nậm Củm 4, không để xảy ra tình trạng mất đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện đấu nối; đồng thời hướng dẫn việc triển khai trạm biến áp 220kV Pắc Ma và đường dây 220kV Pắc Ma - Mường Tè đồng bộ với tiến độ các nguồn điện khác trong khu vực huyện Mường Tè để đảm bảo hiệu quả kinh tế chung theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại văn bản số 2932/VPCP-CN ngày 14/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.
10. Về xây dựng một số tuyến kè xung yếu, có nguy cơ sạt lở: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1980/VPCP-NC ngày 17 tháng 7 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án xây dựng các tuyến kè xung yếu, cấp bách trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc tại các tỉnh Lào Cai, Điện Biên và Lai Châu. Trong khi chờ hoàn thiện báo cáo trên đây, giao Bộ Ngoại giao xem xét các trường hợp kè xung yếu tại các tỉnh Đoàn công tác Phó Thủ tướng Chính phủ kiểm tra đợt này, sắp xếp thứ tự ưu tiên, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 để triển khai thực hiện.
11. Về bổ sung tỉnh Lai Châu vào phạm vi thực hiện Đề án “Bảo vệ, khôi khục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Bắc giai đoạn 2021 - 2030”: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu rà soát, cập nhật và bổ sung vào Đề án.
12. Về tạo điều kiện cho tỉnh phát triển dược liệu dưới tán rừng: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đưa tỉnh Lai Châu vào danh sách các địa phương được tham gia Đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu.
13. Về mở lại hoạt động tại cửa khẩu phụ U Ma Tu Khoòng để giao thương hàng hóa: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
14. Về hỗ trợ, kết nối các Đại sứ quán, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lai Châu: Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu căn cứ tiềm năng, thế mạnh của địa phương để chuẩn bị các tài liệu, công cụ nhằm quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, xây dựng danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư (đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp) để cung cấp cho các đối tác, kêu gọi nhà đầu tư và tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư. Các Bộ, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ tỉnh thực hiện công tác xúc tiến và thu hút đầu tư.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
|
Không có văn bản liên quan. |
Thông báo 297/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu
In lược đồCơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Số hiệu: | 297/TB-VPCP |
Loại văn bản: | Thông báo |
Ngày ban hành: | 13/08/2020 |
Hiệu lực: | 13/08/2020 |
Lĩnh vực: | Chính sách |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Nguyễn Cao Lục |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |