VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 333/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2014 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC,
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TÂY BẮC TẠI HỘI NGHỊ VỀ DI CƯ TỰ DO, ỔN ĐỊNH DÂN CƯ
Ở CÁC TỈNH KHU VỰC TÂY BẮC VÀ TÂY NGUYÊN
Ngày 13 tháng 8 năm 2014, tại Hà Nội, các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an - Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên và đồng chí Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng chủ trì Hội nghị về dân di cư tự do, ổn định dân cư ở các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên. Cùng dự có đồng chí Ksor Phước - Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc Hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên. Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng đã kết luận và chỉ đạo như sau:
1. Trong những năm qua, tình hình ổn định dân cư ở các tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực, số lượng người di cư tự do đã giảm 83% (năm 2008 có 4.247 hộ với 18.490 nhân khẩu di cư tự do thì đến năm 2013 chỉ còn 695 hộ với 2.048 khẩu và trong 3 tháng đầu năm 2014 chỉ có 48 hộ), một số hộ di cư tự do đã trở về nơi ở cũ sinh sống ổn định như ở Điện Biên. Khoảng 87% số hộ dân di cư tự do vào khu vực Tây Nguyên đã được chính quyền các địa phương sắp xếp ổn định về đời sống, góp phần giảm thiểu phức tạp về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đây là kết quả phấn đấu, cố gắng rất lớn của các địa phương cả ở nơi đi và nơi đến, sự phối hợp chỉ đạo của các Bộ, ngành trong công tác ổn định dân cư, hạn chế tình trạng người dân di cư tự do từ Tây Bắc vào Tây Nguyên trong những năm vừa qua.
Số hộ dân di cư tự do vào khu vực Tây Nguyên giảm mạnh về số lượng, nhưng vẫn còn trên 23 ngàn hộ đã di cư chưa được bố trí sắp xếp ổn định, gây khó khăn trong quản lý dân cư, quản lý đất đai; các hộ này không có chỗ ở ổn định, không đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, thiếu đất sản xuất, khó khăn về đời sống, tỷ lệ đói, nghèo cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh và trật tự, đặc biệt là nạn phá rừng, hủy hoại môi trường sinh thái và thực hiện các chính sách an sinh của Nhà nước. Tình hình trên đã tạo ra nhiều sức ép, bức xúc đối với chính quyền địa phương và dân cư sở tại. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện diễn biến mới là người dân di cư tự do trong nội vùng Tây Bắc.
Người dân di cư tự do chủ yếu là do điều kiện tự nhiên của các vùng Tây Bắc không thuận lợi, thiếu đất sản xuất, đời sống của đồng bào còn hết sức khó khăn, một bộ phận đồng bào vẫn giữ phong tục tập quán sống du canh du cư; công tác quản lý dân cư, quản lý địa bàn ở một số địa phương còn yếu kém; việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo còn hạn chế, chương trình hỗ trợ cho đồng bào chưa đồng bộ, hiệu quả. Việc thực hiện các Chương trình, dự án ổn định dân cư, định canh định cư cho đồng bào còn chậm do thiếu nguồn lực; công tác quy hoạch dự án ổn định dân cư nhiều nơi còn chưa sát thực tế. Công tác tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy hiệu quả, tổ chức thực hiện còn nhiều vấn đề trong nhận thức và hành động.
2. Trong thời gian tới, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương cần tập trung chỉ đạo để ổn định đời sống dân cư, kiểm soát việc di cư tự do, không khuyến khích người dân di cư vào Tây Nguyên và có biện pháp giải quyết đối với những người dân đã di cư nhằm ổn định đời sống của đồng bào, ổn định chính trị, kinh tế xã hội cả ở nơi đi và nơi đến, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ và các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên tiếp thu ý kiến của các đại biểu, làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chăm lo giải quyết khó khăn bức xúc của người dân ở nơi đi và nơi đến; thực hiện đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài, tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo ở địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân; rà soát, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách; nâng cao năng lực hệ thống chính trị ở cơ sở. Tập trung giải quyết những bức xúc, cấp bách về đời sống của các hộ dân chưa sinh sống ổn định ở Tây Nguyên, kết hợp với việc thực hiện bố trí dân cư nhằm ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân ở khu vực Tây Bắc, đặc biệt là khu vực biên giới. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể sau:
a) Ủy ban nhân dân các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên chỉ đạo:
- Trong năm 2014 tập trung rà soát số hộ dân di cư tự do chưa được sắp xếp ổn định, trước hết là gần 10.000 hộ đang làm thuê, không có đất sản xuất ở các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai để có kế hoạch giải quyết khó khăn, bức xúc của người dân về chăm sóc sức khỏe, học tập,.... Trên cơ sở rà soát, phân loại, tiến hành cấp hộ tịch, hộ khẩu ngay cho các hộ dân đã được sắp xếp vào các dự án bố trí ổn định dân cư, các hộ chưa đủ điều kiện thì cấp thẻ “KT3 đến” để quản lý dân cư và thực hiện các chính sách an sinh xã hội; đối với các hộ chưa có chỗ ở ổn định đi làm thuê kiếm sống cần có kế hoạch sắp xếp vào các dự án ổn định dân cư theo quy hoạch, các hộ sinh sống xen ghép tại các thôn bản cần bố trí đất ở, đất sản xuất theo quy định của Luật Đất đai và các chính sách hiện hành để người dân ổn định đời sống, sản xuất; bố trí ổn định dân đến đâu, thực hiện cấp hộ khẩu, hộ tịch ngay để quản lý dân cư và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, lựa chọn các dự án ưu tiên, phê duyệt dự án và lập kế hoạch đầu tư các dự án bố trí ổn định dân cư cấp bách trong năm 2015 và những năm tiếp theo, gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính để bố trí vốn để thực hiện. Đặc biệt các tỉnh khu vực Tây Bắc cần chỉ đạo thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn, kết hợp ổn định dân cư, phát triển sản xuất ổn định đời sống đồng bào nơi đi, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo ở từng thôn, bản, gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh, hạn chế tình trạng dân di cư tự do.
- Rà soát quy hoạch đất đai, bố trí dân cư, xác định rõ ràng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất ở, đất sản xuất; làm tốt công tác quản lý hành chính về đất đai, quản lý rừng. Nghiêm cấm thực hiện giao dịch quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được nhà nước hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trái quy định của pháp luật. Hạn chế quy hoạch, xây dựng các dự án thủy điện nhỏ, công trình hạ tầng ảnh hưởng lớn đến quỹ đất sản xuất của đồng bào; tiếp tục rà soát loại khỏi quy hoạch các dự án hiệu quả thấp nhưng có nguy cơ gây tổn hại lớn đến môi trường, mất đất sản xuất của đồng bào.
- Xử lý nghiêm vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, kiên quyết chuyển các hộ dân ra khỏi vùng xung yếu, rất xung yếu của rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; rà soát các hộ dân sống ở khu vực bìa rừng, rừng phòng hộ ít xung yếu, rừng phòng hộ nghèo kiệt, lập kế hoạch báo cáo Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để quy hoạch, bố trí ổn định dân cư.
- Nâng cao năng lực hệ thống chính trị ở cơ sở để quản lý chặt chẽ địa bàn, dân cư, quản lý đất đai, tài nguyên, tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ổn định dân cư, xóa đói, giảm nghèo. Huy động sự tham gia mạnh mẽ của hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể, quần chúng nhằm tuyên truyền cho người dân hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề di dân tự do. Không khuyến khích đồng bào di cư tự do vào Tây Nguyên, tăng cường xây dựng các mối quan hệ đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc.
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương hướng dẫn rà soát quy hoạch bố trí ổn định dân cư. Tổng hợp đề xuất dự án bố trí ổn định dân cư của địa phương, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sắp xếp thứ tự ưu tiên, bố trí kinh phí thực hiện.
- Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp: rà soát, thu hồi diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả để tạo quỹ đất hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thiếu đất sản xuất và thực hiện các dự án bố trí dân cư trên địa bàn; sắp xếp lại các doanh nghiệp nông, lâm trường quốc doanh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho các hộ dân di cư tự do không có đất vào tham gia sản xuất để ổn định đời sống.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho ứng trước kế hoạch năm 2015 để đầu tư một số công trình bức xúc ở Tây Nguyên và một số địa phương liên quan đến ổn định dân di cư tự do.
- Thực hiện thẩm định nguồn vốn đối với các dự án bố trí ổn định dân cư đã được rà soát làm cơ sở để Ủy ban nhân dân các tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện dự án; tổng hợp nhu cầu vốn để cân đối, bố trí hỗ trợ trong kế hoạch ngân sách hàng năm cho các địa phương, trường hợp ngân sách khó khăn cần nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo sự chuyển biến trong thực hiện chính sách ổn định dân cư tự do ngay từ năm 2015;
- Hướng dẫn các địa phương lồng ghép các nguồn vốn để nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách.
d) Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương quản lý chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu cả nơi đi và nơi đến; giải quyết việc đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, cấp thẻ cho người dân di cư tự do; phát hiện, xử lý kịp thời những đối tượng lôi kéo, kích động người dân di cư tự do, tuyên truyền trái pháp luật, gây mất an ninh trật tự.
đ) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới hải đảo, đảm bảo thiết thực, đồng bộ, hiệu quả, tránh chồng chéo, tạo thuận lợi trong thực hiện chính sách hỗ trợ nhân dân, nâng cao đời sống.
e) Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
g) Giao Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên theo dõi, đôn đốc, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên thực hiện các kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Thông báo này.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các PTTg Chính phủ; - Văn phòng Trung ương Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Ban Tuyên giáo Trung ương; - Các Bộ: NN&PTNT, KHĐT, TC, LĐ-TB&XH, QP, CA, NV, TT&TT; - Ủy ban Dân tộc; - Các Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên; - UBND các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các vụ: TH, NC, V.III, KTTH, KGVX; - Lưu: VT, KTN (3b). | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Quang Thắng |