VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 355/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2017 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH SÓC TRĂNG
Ngày 17 tháng 7 năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng; thăm và tặng quà một số gia đình chính sách, con em đồng bào dân tộc Khmer; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cùng dự với Phó Thủ tướng có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Giao thông vận tải, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về kết quả thực hiện công tác dân tộc năm 2016, 6 tháng đầu năm 2017 và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến phát biểu của các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội và việc triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc tôn giáo trên địa bàn tỉnh mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt Tỉnh đã quan tâm, chăm lo đời sống của bà con các dân tộc thiểu số đem lại kết quả thiết thực, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc, bản sắc văn hóa dân tộc luôn được giữ gìn và phát huy; khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được nâng cao, đời sống được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên, tạo nguồn lực mạnh mẽ cho sự phát triển; nông thôn vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng đổi mới, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Sóc Trăng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc; huy động các nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn; triển khai thực hiện “Đề án bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề truyền thống vùng dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020”. Các chương trình 135, chuyển đổi ngành nghề, vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, chính sách trợ cước, trợ giá và nhiều chương trình, dự án khác của Chính phủ; cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc, xã đặc biệt khó khăn được đầu tư xây dựng khá, đến nay, có gần 100 % hộ đồng bào dân tộc Khmer có điện sử dụng, 95% người dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trong năm 2016 giảm trên 3%.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục ổn định; phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng dân tộc ngày càng phát triển. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số được đặc biệt chú trọng. Các cấp ủy, chính quyền quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Số đảng viên được kết nạp là người dân tộc thiểu số tăng theo hằng năm. Tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc tiếp tục được phát huy.
Tuy nhiên, Sóc Trăng vẫn còn là tỉnh nghèo, cơ cấu kinh tế còn nhỏ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thu ngân sách thấp chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu chi; hộ nghèo và cận nghèo còn ở mức cao, nhất là trong đồng bào dân tộc Khmer; tỷ lệ lao động trong đồng bào dân tộc thiểu số qua đào tạo còn thấp; kết quả giảm nghèo chưa bền vững.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Cơ bản đồng ý với định hướng, nhiệm vụ, giải pháp mà Tỉnh đã đề ra; để thực hiện tốt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và đạt được mục tiêu phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, Tỉnh chú trọng thực hiện một số giải pháp sau đây:
1. Tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer theo Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 18 tháng 4 năm 1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI “Về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer”; Thông báo Kết luận số 67-TB/TW, ngày 14 tháng 3 năm 2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “Về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW”. Tăng cường phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số gây mất an ninh trật tự.
2. Tập trung mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc lồng ghép kết hợp với các chính sách đầu tư của Chính phủ như: Đầu tư hạ tầng, nhà ở, nước sạch, hỗ trợ phát triển sản xuất; y tế, giáo dục đào tạo, tăng cường giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm; tín dụng ưu đãi; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo.... từng bước thay đổi tập quán sản xuất, mở rộng quy mô và dịch vụ phục vụ sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, góp phần cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
3. Phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh nhất là kinh tế biển; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp; thúc đẩy sản xuất, nghiên cứu việc chuyển đổi giống cây trồng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: trồng cây ăn trái, cây dược liệu, nuôi tôm, nuôi bò thịt và bò sữa... tạo động lực để phát triển kinh tế của địa phương. Khai thác, lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, Hoa trên địa bàn tỉnh, tích cực quảng bá các lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian vốn có từ lâu đời, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính để thu hút mọi nguồn lực vào phát triển nông nghiệp, nông thôn nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân địa phương.
4. Đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo năm 2020 tăng gấp 2 lần so với hiện nay, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3%/năm.
5. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, công tác khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc, nhân rộng các bài thuốc quý trong nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; xoá bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường.
6. Phát triển chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ; ưu tiên nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số, quan tâm đầu tư các trường Dân tộc nội trú. Thực hiện tốt chính sách cử tuyển dành cho con em người dân tộc thiểu số vào học tại các trường đại học, cao đẳng và trường nghề để bổ sung nguồn lực sau này cho địa phương. Triển khai nội dung của Quyết định số 1557/QĐ-TTg về một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015.
Ban hành văn bản cụ thể hóa việc bồi dưỡng, đào tạo, tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số được quy định tại Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, sử dụng, phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số và thực hiện tốt việc phát triển đảng viên là người Khmer, người Hoa... Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị ở xã, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ là người dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở đủ về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đảm bảo về chất lượng, uy tín. Cơ cấu cán bộ dân tộc phù hợp với tỷ lệ dân số từng địa phương.
7. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, quốc phòng an ninh ổn định. Chủ động ngăn chặn kịp thời những âm mưu và hành động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, Tập trung đấu tranh ngăn chặn suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện của diễn biến và tự diễn biến, tự chuyển hoá trong cán bộ, đảng viên. Đổi mới hoạt động của các tổ chức chính trị, gắn với việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết của các dân tộc.
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và các Bộ, ngành trung ương phối hợp với Tỉnh tạo mọi điều kiện hỗ trợ Sóc Trăng sớm quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng Cảng biển Trần Đề thành cảng nước sâu phục vụ tàu vận tải lớn với tải trọng cao gắn với phát triển các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và một số khu công nghiệp nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore... và nhà đầu tư trong nước vào xúc tiến đầu tư cho Tỉnh.
2. Về việc ban hành Luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục “nghiên cứu, chuẩn bị kỹ, thận trọng; xác định rõ nội hàm, phạm vi, đối tượng điều chỉnh và hiệu quả của chính sách đề ra” theo kết luận của Bộ Chính trị; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
3. Về việc tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ các nhà sư dạy chữ Khmer: Đồng ý về chủ trương; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các chế độ chính sách đãi ngộ đối với các đối tượng liên quan quy định tại Quyết định số 26/2008/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2008, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2017.
Về chế độ, chính sách hỗ trợ giáo viên dạy tiếng Hoa: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất nguồn và mức hỗ trợ Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2017. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét ban hành chương trình dạy tiếng Hoa để Tỉnh thực hiện cho phù hợp.
4. Về việc hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống các trường dân tộc nội trú cấp huyện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt chuẩn quốc gia: Trước mắt Tỉnh bố trí số vốn trong kế hoạch được giao để thực hiện Dự án Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú Trần Đề. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Giáo dục và Đào tạo cân đối, bố trí kinh phí hỗ trợ cho Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Về việc kéo dài thời gian giải ngân đối với nguồn vốn thực hiện dự án định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đã phân bổ cho Tỉnh năm 2015: Đồng ý về nguyên tắc, Tỉnh có báo cáo cụ thể về tình hình thực hiện Dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Dân tộc để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2017.
6. Về hỗ trợ kinh phí xây dựng lò hỏa táng điện tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer: Đồng ý về chủ trương, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn các địa phương, đánh giá nhu cầu xây dựng nhà hỏa táng cho đồng bào dân tộc Khmer, trong đó có tỉnh Sóc Trăng, trên cơ sở đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn hỗ trợ Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2017.
7. Đồng ý phân bổ một phần kinh phí hàng năm hỗ trợ Tỉnh thực hiện công tác đối ngoại với nước bạn Campuchia; giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan xử lý cụ thể; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
8. Về Đề án xóa nhà tạm cho đồng bào Khmer; Sóc Trăng là tỉnh nghèo, có đông đồng bào Khmer nhất cả nước, trong đó chủ yếu là các hộ nghèo và cận nghèo; đồng ý về chủ trương, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định vốn hỗ trợ Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP; - Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; - Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng; - VPCP: BTCN, các PCN; các Trợ lý TTgCP; các Vụ: KTTH, NN, CN, QHQT, TH, KGVX; TGĐ Cổng TTĐT; - Lưu: VT, QHĐP (3b). Huyền | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Cao Lục |