VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 419/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2015 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TÂY BẮC TẠI HỘI NGHỊ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI VÙNG TÂY BẮC
Ngày 10 tháng 12 năm 2015 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì Hội nghị về phát triển chăn nuôi vùng Tây Bắc. Tham dự hội nghị có các đồng chí Thành viên kiêm nhiệm và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, đồng chí Cao Đức Phát Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Kinh tế Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Quân khu I, IV; Tổng cục An ninh; Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam; Cục An ninh Tây Bắc và đại diện lãnh đạo 14 tỉnh trong vùng Tây Bắc.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về phát triển chăn nuôi trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan và các địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã kết luận như sau:
1. Tình hình chăn nuôi các tỉnh vùng Tây Bắc trong những năm qua
Vùng Tây Bắc là địa bàn cư trú của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; điều kiện tự nhiên phức tạp, nhưng lại là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế, đặc biệt là tiềm năng, lợi thế về đất đai, tính đa dạng sinh học để phát triển chăn nuôi. Trong những năm qua, ngành chăn nuôi cả nước đã đóng góp lớn trong tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao thu nhập của người nông dân. Nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, làm ăn hiệu quả đã góp phần tích cực thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa. Chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện nay đang dần dịch chuyển từ nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp. Nhiều giống gia súc, gia cầm được lai tạo, cải tạo đã cải thiện rõ rệt năng suất, chất lượng sản phẩm và thích ứng điều kiện tự nhiên của vùng. Các tỉnh vùng Tây Bắc đã tập trung nguồn lực cùng với những cơ chế đặc thù để phát triển chăn nuôi.
Tuy nhiên, chăn nuôi vùng Tây Bắc vẫn chưa thực sự phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Phương thức chăn nuôi ở nhiều vùng dân tộc còn lạc hậu, nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu là tự cung, tự cấp chưa coi là hàng hóa; người chăn nuôi chưa chủ động được nguồn thức ăn, chưa tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, còn sử dụng giống kém chất lượng; việc cung cấp con giống có chất lượng cho người dân còn hạn chế. Công tác thú y chưa được quan tâm; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn xảy ra, gây thiệt hại cho người nông dân. Cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để tạo động lực phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Một số tỉnh có số lượng đàn trâu, bò giảm so với các năm trước.
2. Nhiệm vụ trong thời gian tới
Để góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, khai thác hết tiềm năng thế mạnh; khắc phục những hạn chế yếu kém để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trong thời gian tới Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các Bộ, ngành liên quan, địa phương trong vùng cần tập trung thực hiện nhiệm vụ chủ yếu sau:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các Bộ, cơ quan liên quan và các tỉnh vùng Tây Bắc nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi vùng Tây Bắc giai đoạn 2016 - 2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; trong đó, lưu ý cơ chế, chính sách phù hợp về đất đai, tín dụng, các hình thức huy động vốn... để thu hút các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, hộ gia đình... tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách về chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc; hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát, điều chỉnh phương án quy hoạch chăn nuôi trên địa bàn; nghiên cứu triển khai xây dựng một số trung tâm quy mô cấp vùng về giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi; sản xuất và cung cấp, đồng thời chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và chế biến thức ăn cho các địa phương.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn khi Đề án phát triển chăn nuôi vùng Tây Bắc giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt.
c) Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ cho chăn nuôi; tập trung vào công nghệ giống, thú y, thức ăn chăn nuôi.
d) Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc các Bộ, ngành liên quan và các địa phương trong vùng sớm hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
đ) Các địa phương trong vùng
- Xây dựng đề án phát triển chăn nuôi ở địa phương trên cơ sở định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; rà soát, bổ sung, điều chỉnh phương án quy hoạch chăn nuôi cho phù hợp; tạo cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển đàn gia súc.
- Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại. Khuyến khích thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi và tổ chức chăn nuôi theo chuỗi, những vùng có giống bản địa cần xây dựng thương hiệu. Áp dụng các mô hình chăn nuôi theo quy trình chăn nuôi VietGAP. Hình thành các khu vực, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với quy hoạch chung của vùng.
- Tăng cường công tác thú y, trong đó coi trọng đội ngũ cán bộ thú y cơ sở. Có cơ chế và chế tài phù hợp để đảm bảo 100% số lượng trâu, bò được tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm và kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
- Tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng giống; lai tạo và đưa các giống có chất lượng cao và hiệu quả kinh tế vào sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về chuồng trại, chăn nuôi.
- Tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm phát triển thương hiệu; tổ chức các kênh tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nhất là tại các thành phố lớn.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các Bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan và các tỉnh vùng Tây Bắc biết, tổ chức thực hiện./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ; - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; - Ban Chỉ đạo Tây Bắc; - Đại học Quốc gia Hà Nội; - Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh vùng Tây Bắc; - Các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Bắc; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ: TH, KTTH, KTN; - Lưu VT, V.III (3) Thg. | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Cao Lục |