Số: 71/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 2015 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI VĂN PHÒNG THƯỜNG TRỰC BAN CHỈ ĐẠO 389 QUỐC GIA
Ngày 26 tháng 02 năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã làm việc với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Văn phòng Thường trực). Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm Chánh Văn phòng Thường trực báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu; Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kết luận như sau:
Năm 2014 và thời gian trước Tết Nguyên đán Ất Mùi, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đạt được nhiều kết quả: xử lý trên 206 nghìn vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 13 nghìn tỷ đồng, trong đó đã triệt phá và xử lý nghiêm nhiều đường dây buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả lớn. Kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Để giúp Ban Chỉ đạo 389 quốc gia hoạt động có hiệu quả, Văn phòng Thường trực cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1. Chủ động hơn trong công tác tham mưu, nắm tình hình; báo cáo thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ tốt công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
2. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nhất là việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và việc xử lý các vụ buôn lậu nghiêm trọng; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong công tác chống chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung.
3. Phối hợp tốt với các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc cung cấp thông tin, tuyên truyền công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt, đồng thời phê phán các tập thể, cá nhân chưa làm tròn trách nhiệm; phát hiện, lên án các hành vi dung túng, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, nêu những gương điển hình trong nhân dân về tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động cho các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân; phát động phong trào toàn dân chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
4. Quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức Văn phòng Thường trực đồng thời coi trọng việc rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống và làm đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ.
5. Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ quan tâm theo dõi và tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ, công chức biệt phái công tác tại Văn phòng Thường trực, trong đó có việc theo dõi đánh giá, bồi dưỡng, qui hoạch, để các đồng chí yên tâm công tác, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - TTgCP, PTTg Nguyễn Xuân Phúc (để b/c); - Các Bộ: QP, CA, Tài chính, Công Thương; - Các thành viên BCĐ 389 quốc gia; - Các cơ quan, đơn vị: Bộ Tư lệnh Bộ đội BP, Bộ Tư lệnh CSB, Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục HQ, Tổng cục Thuế, Cục Quản lý thị trường; - Văn phòng TT BCĐ 389 quốc gia; - VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: KTTH, TH, Cổng TTĐT; - Lưu: VT, V.I(3). ĐVD. | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Kiều Đình Thụ |