hieuluat

Thông báo 85/TB-VPCP tại phiên họp BCĐ Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Văn phòng Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:85/TB-VPCPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Nguyễn Cao Lục
    Ngày ban hành:11/05/2016Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:11/05/2016Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Chính sách, Giao thông
  • VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
    -------
    Số: 85/TB-VPCP
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 11 tháng 05 năm 2016
     
     
    THÔNG BÁO
    KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ 13 BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
     
     
    Ngày 21 tháng 4 năm 2016, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải để kiểm điểm tình hình thực hiện các công trình, dự án. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa và các thành viên Ban Chỉ đạo, một số Ban quản lý dự án, các Chủ đầu tư công trình, dự án trọng điểm và một số cơ quan, đơn vị có liên quan. Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận như sau:
    I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
    Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, đánh giá cao kết quả đã đạt được đối với các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải trong thời gian vừa qua. Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành và địa phương đã quyết tâm, nỗ lực thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với việc phát triển hạ tầng Giao thông vận tải. Kết quả năm 2015 đã có thêm 03 công trình, dự án trọng điểm được khởi công (Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2; Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương); đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng các công trình trọng điểm: Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; nhà ga T2 - Cảng hàng không Nội Bài; dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên; hoàn thành dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (giai đoạn 1); cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Bộ Giao thông vận tải cùng với các Bộ, ngành và địa phương đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong công tác xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt trong việc tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực thúc đẩy tiến độ, chất lượng các công trình, dự án trọng điểm của ngành, nhiều công việc thực hiện có hiệu quả thiết thực, cụ thể:
    - Năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông vận tải ngày càng được tăng cao đáp ứng nhu cầu đi lại và đem lại sự hài lòng cho người dân.
    - Có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành đem lại chuyển biến rõ rệt trong mọi lĩnh vực hoạt động của Ngành. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án liên quan đến ngành; công tác quản lý đầu tư xây dựng được quan tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng.
    - Triển khai mạnh mẽ các dự án của Ngành theo hình thức đầu tư PPP (BOT, BT) nhằm giảm áp lực đầu tư từ ngân sách nhà nước.
    - Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch và trong công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thi công các công trình, dự án trọng điểm.
    - Kịp thời, quyết liệt chỉ đạo các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ chất lượng thi công, giải ngân các công trình, dự án trọng điểm của Ngành, đặc biệt các dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, góp phần vào sự phát triển kinh tế của Vùng.
    Bên cạnh các kết quả đạt được, tại một số công trình, dự án trọng điểm đang triển khai vẫn còn một số tồn tại như: Chất lượng một số công trình chưa bảo đảm; công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng công trình giao thông ở một số công trình, ở một số khâu còn thiếu chặt chẽ; năng lực của nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn còn nhiều hạn chế; việc bố trí một số trạm thu phí BOT còn chưa hợp lý, giá thu phí chưa phù hợp; công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, nhiều vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình, dự án; công tác phối hợp giữa các chủ đầu tư và các nhà thầu với chính quyền các địa phương ở một số nơi còn chưa tốt; công tác bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA còn nhiều khó khăn...
    II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
    1. Bộ Giao thông vận tải
    - Khẩn trương rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn lại nhân sự Ban Chỉ đạo cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
    - Chỉ đạo các Chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong triển khai các công trình, dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.
    - Tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát nhằm triển khai các công trình, dự án đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng, nâng cao hiệu quả dự án, chống thất thoát và lãng phí vốn.
    - Tiếp tục kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách tham gia đầu tư các công trình, dự án giao thông.
    - Chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là cơ chế, chính sách về huy động vốn.
    - Nâng cao năng lực của các cơ quan chuyên môn về quản lý đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, lựa chọn các nhà thầu đủ năng lực. Rà soát toàn bộ tiến độ thực hiện các công trình, dự án để có phương án chủ động khi các nhà thầu chậm tiến độ.
    2. Bộ Xây dựng
    - Tiếp tục rà soát, cải cách các thủ tục đầu tư xây dựng nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện công trình, nâng cao hiệu quả dự án.
    - Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình thực hiện Quy hoạch khu dân cư, đô thị để đồng bộ trong công tác quản lý quy hoạch, phát huy hiệu quả tuyến đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường cao tốc.
    3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải giải quyết kịp thời các thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức PPP, đảm bảo đúng quy định hiện hành; xem xét, tổng hợp nhu cầu vốn giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án công trình giao thông; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA.
    4. Bộ Tài chính: Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải giải quyết nhanh chóng các vướng mắc trong công tác giải ngân; công tác tạm ứng hợp đồng, đặc biệt đối với các công trình, dự án ODA; tăng cường quản lý công tác kiểm soát vốn đầu tư theo quy định.
    5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan, đặc biệt là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm, chú trọng chỉ đạo, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án cụ thể đảm bảo đáp ứng yêu cầu tiến độ; kịp thời xử lý các trường hợp không chấp hành pháp luật.
    III. ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN
    1. Dự án đường Hồ Chí Minh: Yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đường Hồ Chí Minh đang triển khai giải quyết dứt điểm vướng mắc về giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng còn lại cho Dự án để thi công đáp ứng yêu cầu tiến độ. Cụ thể, trên địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng (đoạn La Sơn - Túy Loan), bàn giao mặt bằng trước ngày 30 tháng 6 năm 2016; trên địa phận tỉnh Phú Thọ (đoạn Quốc lộ 2 đến Hương Nộn và nâng cấp mở rộng Quốc lộ 32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà) bàn giao mặt bằng trước ngày 31 tháng 5 năm 2016.
    2. Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành:
    - Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo VEC phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, chủ động điều tiết kinh phí để kịp thời chi trả, bàn giao mặt bằng phù hợp với yêu cầu điều kiện thi công; khẩn trương di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; đồng thời tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu đảm bảo kế hoạch tiến độ của Dự án; chỉ đạo VEC tích cực làm việc với ADB để nhanh chóng lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu còn lại và triển khai đồng bộ các gói thầu trong năm 2016.
    - Bộ Kế hoạch Đầu tư xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn đối ứng đáp ứng tiến độ triển khai Dự án.
    3. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
    - Yêu cầu các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đẩy nhanh công tác xây dựng các khu tái định cư, giải quyết dứt điểm các tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho Dự án trước ngày 30 tháng 6 năm 2016.
    - Giao Bộ Kế hoạch Đầu tư xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn đối ứng đáp ứng tiến độ triển khai Dự án.
    4. Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải liên quan đến phương án đầu tư Dự án.
    5. Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
    - Yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt để bàn giao cho Dự án trước ngày 31 tháng 12 năm 2016.
    - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn Nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cấp giấy phép đầu tư và đàm phán ký kết Hợp đồng BOT.
    6. Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ: Yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng trước ngày 30 tháng 6 năm 2016 để triển khai giai đoạn 2 của Dự án.
    7. Dự án đường cao tốc nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh giải quyết dứt điểm các khó khăn về nguồn vật liệu đắp của Dự án trước ngày 31 tháng 5 năm 2016.
    8. Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình: Yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị, đẩy nhanh tiến độ Dự án. Trong đó, đoạn trên địa phận thành phố Hà Nội, bàn giao mặt bằng trước ngày 31 tháng 8 năm 2016; đoạn trên địa phận tỉnh Hòa Bình, bàn giao mặt bằng trước ngày 20 tháng 5 năm 2016.
    9. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 (đoạn Km75 - Km100):
    - Yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên sớm hoàn thành xây dựng khu tái định cư tập trung trên địa bàn tỉnh, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 20 tháng 5 năm 2016.
    - Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn Nhà đầu tư đẩy nhanh công tác hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục liên quan đến triển khai Dự án, tăng cường trang thiết bị, nhân lực để thi công đảm bảo tiến độ.
    10. Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả: Yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ thi công Dự án. Các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính khẩn trương bố trí vốn cho công tác giải phóng mặt bằng của Dự án.
    11. Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn đối ứng đáp ứng tiến độ triển khai Dự án.
    12. Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 2, Bến Thành - Tham Lương:
    -Yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương có văn bản hướng dẫn về việc thẩm tra ở bước thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED). Việc điều chỉnh Dự án được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 148/TTg-KTN ngày 25 tháng 01 năm 2016.
    - Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương lập phương án lựa chọn nhà thầu trong công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
    13. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, Cát Linh - Hà Đông: Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng thầu khẩn trương thanh toán cho các nhà thầu; đồng thời, yêu cầu Tổng thầu triển khai mua sắm thiết bị trước ngày 31 tháng 5 năm 2016 nhằm đáp ứng tiến độ thực hiện và hoàn thành Dự án.
    14. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội: Yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2016; đồng thời khẩn trương triển khai các gói thầu còn lại của Dự án.
    15. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi: Yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương có ý kiến về phương án kiến trúc cầu đường sắt sông Hồng và sớm có phương án đầu tư kết nối hạ tầng giao thông khu vực tổ hợp ga Ngọc Hồi; đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng đề án cụ thể về xã hội hóa đầu tư các khu vực nhà ga Hà Nội, Giáp Bát theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 103/TTg-KTN ngày 23 tháng 11 năm 2015.
    16. Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân: Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 5 năm 2016 về việc thực hiện Dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2117/TTg-KTN ngày 20 tháng 11 năm 2015.
    17. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo:
    - Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định việc điều chỉnh Dự án theo đúng quy định.
    - Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng của Dự án.
    18. Dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu: Yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 20 tháng 5 năm 2016 đối với một số hộ dân trên địa bàn chưa di dời.
    19. Dự án đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Dự án Cảng Lạch Huyện): Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất bố trí nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung vốn đối ứng, đáp ứng tiến độ triển khai Dự án.
    20. Dự án Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo: Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam khẩn trương hoàn thành công tác rà soát, cập nhật lại dự án đầu tư để hoàn tất các thủ tục liên quan, sớm triển khai thi công theo kế hoạch.
    21. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan quyết định lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng nhà ga và đài kiểm soát không lưu; đồng thời, khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2089/VPCP-KTN ngày 29 tháng 3 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ Dự án.
    Văn phòng Chính phủ thông báo để các thành viên Ban Chỉ đạo và các Bộ, địa phương, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
     

     Nơi nhận:
    - Thủ tưng, các Phó Thủ tướng CP;
    - Các thành viên Ban Chỉ đạo;
    - Văn phòng Ban Chỉ đạo;
    - Các Bộ: GTVT, KH&ĐT, TC, XD, CT;
    - Ngân hàng Nhà nước VN;
    - UBND các tnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT Huế, Đà Nng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Trà Vinh;
    - Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
    -
    Các Tổng công ty: Hàng hải VN, Đường sắt VN, PT hạ tầng và Đầu tư tài chính VN, Cảng hàng không VN, ĐTPT đường cao tốc VN;
    -
     VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, QHQT, V.III;
    - Lưu: VT, KTN (3).
    KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
    PHÓ CHỦ NHIỆM




    Nguyễn Cao Lục
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Công văn 2117/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ về việc dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân
    Ban hành: 20/11/2015 Hiệu lực: 20/11/2015 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X