BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ------- Số: 05/2017/TT-BNNPTNT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2017 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016-2020
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Thực hiện Quyết định số 398/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020;
Thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 được quy định tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Chương trình xây dựng nông thôn mới) trên địa bàn các xã trong phạm vi cả nước; quy trình theo dõi, đánh giá thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với các xã trong phạm vi cả nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Điều 2. Nguyên tắc thực hiện
1. Nguyên tắc thực hiện theo Điều 3 Chương I Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ban hành kèm theo Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Gắn kết chặt chẽ giữa Chương trình xây dựng nông thôn mới với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và các chương trình mục tiêu, các chương trình, dự án khác đang triển khai trên địa bàn nông thôn; gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 3. Quy trình lập kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới cấp xã
Quy trình lập kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện theo quy định tại Điều 6 Chương II Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ban hành kèm theo Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 01/2017/TT-BKHĐT ngày 14/02/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quy trình lập kế hoạch đầu tư cấp xã thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chương II. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI CÁC NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
Điều 4. Rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Nội dung rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch sản xuất trong đồ án quy hoạch xã nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp cấp huyện, cấp vùng và cấp tỉnh thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thông tư số 02/2017/TT-BXD ngày 01/3/2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về quy hoạch xây dựng nông thôn.
Điều 5. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội
1. Hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng
a) Đầu tư xây dựng thủy lợi nội đồng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch thủy lợi và các quy hoạch liên quan được phê duyệt; tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và các quy định về đầu tư xây dựng có liên quan;
b) Xác định công trình thủy lợi cần được ưu tiên đầu tư thông qua sự đồng thuận đa số của cộng đồng, áp dụng quy trình thiết kế có sự tham gia và giám sát đầu tư xây dựng của cộng đồng để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công trình;
c) Đầu tư xây dựng thủy lợi nội đồng gắn với xây dựng đường giao thông nội đồng, đồn điền, đổi thửa, thiết kế đồng ruộng phù hợp với các vùng miền để có thể áp dụng các phương thức canh tác tiên tiến, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp;
d) Áp dụng các công nghệ tiên tiến, sử dụng nước tiết kiệm trong đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng.
2. Hoàn chỉnh các công trình đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân
a) Đầu tư xây dựng công trình cấp nước phải phù hợp với quy hoạch cấp nước nông thôn và kế hoạch đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước nông thôn giai đoạn 2016-2020 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước tập trung nông thôn hiện có cho các xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng có khó khăn về nguồn nước và có cam kết đảm bảo hoạt động bền vững công trình cấp nước theo đúng các hướng dẫn thực hiện nội dung tiêu chí số 17.1 (tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch) theo quy định tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, trong đó, ưu tiên đầu tư mở rộng cấp nước từ các công trình cấp nước đô thị và các công trình cấp nước hiện có, có khả năng mở rộng;
c) Đầu tư các công trình cấp nước theo hình thức xã hội hóa và đối tác công tư cho vùng đồng bằng, khu vực tập trung đông dân cư có điều kiện kinh tế-xã hội thuận lợi;
d) Xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình cho các hộ nghèo; hộ cận nghèo và gia đình chính sách; xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch cho trường học ở nông thôn (nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông), trạm y tế xã.
Điều 6. Thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới
Nội dung thực hiện có hiệu quả Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới thực hiện theo quy định tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 12/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (sửa đổi, bổ sung Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 05/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ)
Điều 7. Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm
1. Đối tượng thực hiện
a) Doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh);
b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi chung là Hợp tác xã);
c) Trang trại, hộ gia đình, cá nhân.
2. Nội dung thực hiện
a) Xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị mới gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hình thành các liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với hợp tác xã và người dân.
b) Củng cố, nâng cấp liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đã có tại các địa phương, trong đó tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định; hỗ trợ áp dụng kỹ thuật sản xuất đồng bộ, được quản lý chất lượng theo yêu cầu; nâng cao năng lực sơ chế, chế biến và phát triển thị trường.
3. Quy trình triển khai: Thực hiện theo sổ tay hướng dẫn phát triển sản xuất do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Điều 8. Đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp
Nội dung đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp thực hiện theo Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã; Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 và các văn bản hướng dẫn có liên quan; Quyết định số 445/QĐ- TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020”, trong đó tập trung thực hiện các nội dung sau:
1. Tổ chức tuyên truyền, đào tạo bồi dưỡng quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh tế hợp tác; đổi mới phương pháp tập huấn bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã theo hướng đào tạo từ thực tiễn, chú trọng phổ biến kinh nghiệm từ các mô hình hợp tác xã trong nước hoạt động hiệu quả;
2. Xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc thù sản xuất kinh doanh ở mỗi địa phương;
3. Bổ sung, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác các cấp, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác;
4. Chỉ đạo hoàn thành chuyển đổi, đăng ký lại hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012;
5. Xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả trong nông nghiệp; ưu tiên các hợp tác xã nông nghiệp tiêu thụ nông sản gắn với chuỗi giá trị.
Điều 9. Phát triển ngành nghề nông thôn
Nội dung phát triển ngành nghề nông thôn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Điều 10. Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn
1. Nội dung thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020 thực hiện theo Quyết định số 104/2000/QĐ- TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sinh hoạt và vệ sinh nông thôn đến năm 2020.
2. Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn, thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, phân tán; xây dựng, cải tạo hệ thống ao, hồ sinh thái trong khu dân cư; trồng, chăm sóc, cải tạo hệ thống cây xanh: Thực hiện theo Thông tư số 55/2014/TT-BNNPTNT ngày 31/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn triển khai một số hoạt động bảo vệ môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
Điều 11. Nâng cao năng lực xây dựng nông thôn mới
1. Đối tượng tập huấn, bồi dưỡng
a) Nhóm cán bộ xây dựng nông thôn mới ở Trung ương và cấp tỉnh, cấp huyện
Cán bộ ở Trung ương bao gồm: cán bộ từ cấp Vụ, Cục trở xuống đang làm việc trong các Bộ, ngành, các đoàn thể Trung ương được giao nhiệm vụ thực hiện các nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới, cán bộ Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương;
Cán bộ xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) bao gồm: thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh; cán bộ của các Sở, ngành, các đoàn thể được giao nhiệm vụ thực hiện các nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới; cán bộ Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh;
Cán bộ ở cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố (gọi chung là cấp huyện) bao gồm: thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện; trưởng, phó các phòng, ban, ngành đoàn thể; cán bộ Văn phòng điều phối nông thôn mới cấp huyện.
b) Nhóm cán bộ xây dựng nông thôn mới ở cấp xã, thôn
Thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp xã, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới và Ban giám sát cộng đồng;
Cán bộ, công chức xã chuyên trách về nông thôn mới; cán bộ Đảng, đoàn thể xã; cán bộ được cấp trên tăng cường về xã; cán bộ nguồn trong diện quy hoạch của xã;
Bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn;
Thành viên Ban phát triển thôn;
Cán bộ hợp tác xã; tổ trưởng các tổ hợp tác; chủ trang trại; nông dân tiêu biểu nòng cốt trên địa bàn xã.
c) Đối tượng khác có liên quan
Cán bộ quản lý, nghiên cứu, giảng dạy thuộc các Viện nghiên cứu, trường;
Cán bộ thuộc các cơ quan truyền thông (báo, đài phát thanh, truyền hình...);
Các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu (doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức phi chính phủ.,.).
2. Thời gian, nội dung tập huấn, bồi dưỡng
a) Thời gian tập huấn, bồi dưỡng
Số ngày tối đa và số lượng học viên cho một khóa tập huấn do địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và quyết định căn cứ vào nhu cầu thực tế.
b) Nội dung tập huấn, bồi dưỡng
Nội dung tập huấn, bồi dưỡng theo các chuyên đề trong Chương trình khung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Ngoài các nội dung chuyên đề tập huấn, bồi dưỡng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, các địa phương xem xét bổ sung thêm chuyên đề trong các khóa tập huấn phù hợp với nhu cầu thực tiễn và nguồn lực thực hiện. Chương trình cụ thể của từng khóa tập huấn phải căn cứ vào Chương trình khung và phù hợp với đối tượng, nhu cầu thực tế và đặc thù của địa phương. Các nội dung tập huấn, bồi dưỡng có thể được tổ chức nhiều lần để cung cấp kiến thức phù hợp với đặc thù của các học viên.
Điều 12. Truyền thông về xây dựng nông thôn mới
1. Đối tượng thực hiện
Cán bộ triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cán bộ hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp.
Người dân nông thôn, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các đối tượng thụ hưởng khác từ Chương trình xây dựng nông thôn mới.
2. Nội dung thực hiện
a) Xây dựng khung và định hướng nội dung truyền thông
Xây dựng kế hoạch khung và định hướng nội dung truyền thông, tuyên truyền hàng năm của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh. Trong đó, có kế hoạch thực hiện cụ thể: về phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác truyền thông, tuyên truyền;
Tăng cường hoạt động phối hợp giữa Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp với các tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế, trong và ngoài nước.
b) Thực hiện hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng
Tuyên truyền về những cách làm hay, sáng tạo, những xã khó khăn có những nỗ lực đạt kết quả tốt của các địa phương, nhất là những nơi điều kiện khó khăn nhưng có những giải pháp hiệu quả trong huy động nguồn lực xã hội vào xây dựng nông thôn mới;
Tuyên truyền về những địa phương đạt chuẩn, phương pháp, cách làm nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn; những mô hình sản xuất tiêu biểu áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến được công nhận; những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị;
Phản ánh những khó khăn, những bất cập tồn tại, những biểu hiện thiếu tích cực trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, những ý kiến đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn;
Tăng cường chất lượng nội dung thông tin, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trên các trang tin điện tử của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo các cấp;
Tổ chức họp báo định kỳ với các đơn vị truyền thông để cung cấp thông tin về thành tựu, kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới.
c) Xây dựng và quảng bá hình ảnh Nông thôn mới
Xây dựng biểu trưng của Chương trình xây dựng nông thôn mới để làm hình ảnh nhận dạng Chương trình xây dựng nông thôn mới;
Tổ chức một số cuộc thi về chủ đề nông thôn mới nhằm tạo nên hình ảnh nhận dạng chung của Chương trình xây dựng nông thôn mới;
Thực hiện một số giải pháp tuyên truyền bằng một số ngôn ngữ phù hợp các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, kiều bào ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
d) Xây dựng và phát hành ấn phẩm tuyên truyền về nông thôn mới, bao gồm: tài liệu nghiệp vụ, kỷ yếu, phim tài liệu, phóng sự, tờ rơi, tập gấp.
đ) Tăng cường hoạt động thi đua, tôn vinh cá nhân, tập thể tiêu biểu
Đẩy mạnh các phong trào thi đua, khen thưởng động viên kịp thời những gương điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới. Phối hợp tổ chức tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới trên cả nước.
e) Nâng cao năng lực cán bộ thực hiện xây dựng nông thôn mới các cấp về công tác truyền thông, tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới
Phát triển hệ thống đào tạo từ xa qua Cổng thông tin điện tử của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chương III. THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ, GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Điều 13. Theo dõi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới
1. Bộ chỉ số theo dõi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới
a) Bộ chỉ số theo dõi thực hiện gồm các chỉ số phản ánh kết quả đầu ra, trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và báo cáo (chi tiết tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này).
b) Căn cứ Bộ chỉ số theo dõi kèm theo Thông tư này, các địa phương xem xét bổ sung các chỉ số phản ánh kết quả đầu ra phù hợp với thực tiễn và yêu cầu theo dõi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
c) Đối với các Bộ chỉ số theo dõi thực hiện của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành, nhưng trong giai đoạn 2016-2020 đã nhập vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, thì thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan chủ trì nội dung thành phần, đảm bảo thống nhất và đáp ứng được yêu cầu chung của Bộ chỉ số theo dõi của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
2. Báo cáo theo dõi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới
a) Báo cáo kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện theo Điểm a Khoản 3 Điều 16 Chương V Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ban hành kèm theo Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
b) Báo cáo kết quả phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện theo Điểm b Khoản 3 Điều 16 Chương V Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ban hành kèm theo Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo kết quả phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới hằng năm theo Mẫu số 01 Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
c) Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới hằng năm
Ủy ban nhân dân các xã lập báo cáo (theo Mẫu số 04 Phụ lục II kèm theo Thông tư này) gửi về Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 15 tháng 6 cùng năm đối với báo cáo 6 tháng; trước ngày 31 tháng 01 năm kế hoạch đối với báo cáo năm.
Ủy ban nhân dân các đơn vị cấp huyện lập báo cáo (theo Mẫu số 03 Phụ lục II kèm theo Thông tư này), kèm theo Bộ chỉ số theo dõi đã cập nhật thông tin thuộc trách nhiệm theo dõi gửi về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 30 tháng 6 cùng năm đối với báo cáo 6 tháng; trước ngày 15 tháng 02 năm kế hoạch đối với báo cáo năm.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo (theo Mẫu số 03 Phụ lục II kèm theo Thông tư này), kèm theo Bộ chỉ số theo dõi đã cập nhật thông tin thuộc trách nhiệm theo dõi gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20 tháng 7 cùng năm đối với báo cáo 6 tháng; trước ngày 31 tháng 3 năm kế hoạch đối với báo cáo năm.
Các Bộ, cơ quan Trung ương chủ trì các nội dung thành phần của Chương trình xây dựng nông thôn mới lập báo cáo (theo Mẫu số 02, Phụ lục II kèm theo Thông tư này), kèm theo Bộ chỉ số theo dõi đã cập nhật thông tin thuộc trách nhiệm theo dõi gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20 tháng 7 cùng năm đối với báo cáo 6 tháng; trước ngày 31 tháng 3 năm kế hoạch đối với báo cáo năm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng 8 cùng năm đối với báo cáo 6 tháng; trước ngày 30 tháng 4 năm kế hoạch đối với báo cáo năm.
d) Hệ thống báo cáo số liệu trực tuyến của Chương trình xây dựng nông thôn mới
Hệ thống báo cáo số liệu trực tuyến của Chương trình xây dựng nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng trên trang thông tin điện tử http://bctt.nongthonmoi.gov.vn.
Số liệu cập nhật lên hệ thống báo cáo trực tuyến của Chương trình xây dựng nông thôn mới phải được người có thẩm quyền cấp xã, huyện, tỉnh phê duyệt, theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện, tỉnh phân công cụ thể bộ phận, cán bộ chịu trách nhiệm cập nhật số liệu và sử dụng hệ thống.
Điều 14. Kiểm tra thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan được giao chủ trì nội dung thành phần và các cơ quan có thẩm quyền quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểm tra toàn bộ quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo chức năng, nhiệm vụ.
2. Ủy ban nhân dân các cấp kiểm tra toàn bộ quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong phạm vi quản lý của địa phương.
3. Nội dung kiểm tra Chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện theo Khoản 2 Điều 17 Chương V Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ban hành kèm theo Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Trình tự kiểm tra Chương trình xây dựng nông thôn mới
a) Lập và trình duyệt Kế hoạch kiểm tra;
b) Thành lập Đoàn kiểm tra (nếu có);
c) Thông báo Kế hoạch kiểm tra và yêu cầu chuẩn bị tài liệu phục vụ kiểm tra, Thời gian chuẩn bị tài liệu của đối tượng kiểm tra tối thiểu là 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu chuẩn bị tài liệu;
d) Tiến hành cuộc kiểm tra. Thời gian thực hiện kiểm tra tại hiện trường của Đoàn kiểm tra tối đa là 20 ngày;
đ) Tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra. Thời gian tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra tối đa là 20 ngày;
e) Thông báo kết quả kiểm tra và kết thúc kiểm tra. Thời gian thực hiện tối đa là 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của Đoàn kiểm tra.
Điều 15. Đánh giá thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới
1. Nội dung đánh giá Chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện theo Khoản 1, 2 Điều 18 Chương V Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ban hành kèm theo Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Tổ chức đánh giá thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan chủ trì nội dung thành phần thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới chịu trách nhiệm tổ chức đánh giá Chương trình xây dựng nông thôn mới theo nội dung quy định tại Khoản 1 Điều này gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
b) Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm tổ chức đánh giá Chương trình xây dựng nông thôn mới trong phạm vi quản lý của địa phương theo nội dung quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Trình tự thực hiện đánh giá Chương trình xây dựng nông thôn mới
a) Lập và trình duyệt Kế hoạch đánh giá.
b) Thành lập Đoàn đánh giá (nếu có), thuê đơn vị tư vấn đánh giá (nếu có).
c) Thông báo Kế hoạch đánh giá và yêu cầu chuẩn bị tài liệu phục vụ đánh giá.
d) Chuẩn bị kế hoạch đánh giá chi tiết.
đ) Thu thập và phân tích dữ liệu.
e) Báo cáo các kết quả đánh giá.
g) Thông báo kết quả đánh giá.
Chương IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2017.
2. Các văn bản được trích dẫn cụ thể trong Thông tư này sẽ được áp dụng theo văn bản mới ban hành, khi văn bản điều chỉnh mới có hiệu lực thi hành.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Cơ quan TW của các đoàn thể; - Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Sở NN&PTNT, Sở LĐTB&XH, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Công báo; Website Chính phủ; - Website Bộ NN và PTNT; - Các đơn vị thuộc Bộ NN và PTNT; - Lưu: VT, VPĐP (3b). | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Thanh Nam |