hieuluat

Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC thực hiện Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chínhSố công báo:245&246 - 03/2012
    Số hiệu:01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTCNgày đăng công báo:07/03/2012
    Loại văn bản:Thông tư liên tịchNgười ký:Nguyễn Công Nghiệp, Bùi Hồng Lĩnh, Nguyễn Thành Cung
    Ngày ban hành:05/01/2012Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:01/01/2012Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực một phần
    Lĩnh vực:Chính sách
  • BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
    -----------------
    Số: 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2012
     
     
    THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
    HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 62/2011/QĐ-TTG NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2011 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG THAM GIA CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC, LÀM NHIỆM VỤ QUỐC TẾ Ở CĂM-PU-CHI-A, GIÚP BẠN LÀO SAU NGÀY 30 THÁNG 4 NĂM 1975 ĐÃ PHỤC VIÊN, XUẤT NGŨ, THÔI VIỆC
     
     
    Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
    Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
    Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
    Thi hành điểm a khoản 1 Điều 9 Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc (sau đây gọi tắt là Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg), Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
    1. Phạm vi điều chỉnh
    Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào (sau đây gọi chung là đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế) sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 thuộc địa bàn và thời gian quy định tại Điều 3 Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
    2. Đối tượng áp dụng
    a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, bao gồm cả lực lượng công an nhân dân vũ trang, bộ đội Biên phòng qua các thời kỳ (gọi chung là quân nhân), người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân, nhập ngũ, tuyển dụng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, có dưới 20 năm phục vụ trong quân đội, cơ yếu, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    - Đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 01 tháng 4 năm 2000;
    - Thương binh đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 01 tháng 4 năm 2000; thương binh nặng đang điều dưỡng tại các đoàn điều dưỡng thương binh do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hoặc đã về gia đình;
    - Chuyển ngành hoặc chuyển sang công nhân viên chức quốc phòng rồi thôi việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995; đã có quyết định chuyển ngành trước ngày 01 tháng 4 năm 2000 nhưng không thực hiện được hoặc đã về địa phương mà chưa giải quyết chế độ;
    - Phục viên, xuất ngũ đi lao động hợp tác quốc tế hoặc được cử đi lao động hợp tác quốc tế về nước đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 01 tháng 4 năm 2000.
    b) Công nhân viên chức quốc phòng, công nhân viên chức nhà nước, chuyên gia các ngành (gọi chung là cán bộ, công nhân viên chức) trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đã thôi việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng.
    c) Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cán bộ xã) trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã thôi việc, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng.
    d) Dân quân tự vệ, công an xã do chính quyền cấp xã tổ chức và quản lý (bao gồm cả thôn, ấp thuộc các xã biên giới) trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã về gia đình, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng.
    đ) Thanh niên xung phong tập trung sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, đã về gia đình, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng.
    3. Đối tượng không áp dụng
    Thực hiện như khoản 2 Điều 2 Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.
    Điều 2. Cách tính thời gian hưởng chế độ
    1. Thời gian tính hưởng chế độ đối với đối tượng hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều 1 Thông tư này là thời gian công tác thực tế trong quân đội, cơ yếu bao gồm thời gian là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, cơ yếu (kể cả thời gian công tác trong lực lượng công an nhân dân) cộng với thời gian trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế thuộc các nhóm đối tượng hướng dẫn tại điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 1 Thông tư này (nếu có); nếu có gián đoạn thì được cộng dồn.
    Đối với các trường hợp chuyển ngành rồi thôi việc hoặc đã phục viên, xuất ngũ một thời gian rồi tiếp tục làm việc ở cơ quan, đơn vị, tổ chức ngoài quân đội hoặc đi lao động hợp tác quốc tế, sau đó lại phục viên, xuất ngũ, thôi việc hoặc thương binh nặng đang điều dưỡng tại các đoàn điều dưỡng thương binh thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý thì thời gian công tác ngoài quân đội, cơ yếu (không trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế), thời gian lao động hợp tác quốc tế, thời gian điều dưỡng tại các đoàn điều dưỡng thương binh do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý không được tính là thời gian hưởng chế độ.
    2. Thời gian tính hưởng chế độ đối với các đối tượng hướng dẫn tại điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 1 Thông tư này là thời gian trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.
    Trường hợp, đối tượng nêu trên có thời gian trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế thuộc các nhóm đối tượng khác nhau hoặc có gián đoạn thì được cộng dồn.
    3. Thời gian hưởng chế độ trợ cấp một lần nếu có tháng lẻ thì từ đủ 6 tháng đến 12 tháng được tính tròn một năm, dưới 6 tháng được tính bằng nửa (1/2) năm; chế độ trợ cấp hàng tháng tính tròn năm (đủ 12 tháng).
    Điều 3. Chế độ trợ cấp
    1. Chế độ trợ cấp hàng tháng
    a) Đối tượng hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều 1 Thông tư này, có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác được tính hưởng chế độ theo hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư này (bao gồm cả số đối tượng đã phục viên, xuất ngũ sau ngày 15 tháng 12 năm 1993 hiện đang công tác ở xã có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà khi thôi công tác ở xã không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo quy định hoặc đối tượng khi thôi công tác ở xã thuộc diện được cộng nối thời gian phục vụ trong quân đội, cơ yếu với thời gian công tác ở xã nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí mà thời gian phục vụ trong quân đội, cơ yếu chưa được tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần) được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng tính theo số năm công tác được tính hưởng chế độ theo quy định nêu trên; mức hưởng cụ thể như sau:
    - Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 925.000 đồng/tháng;
    - Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 971.000 đồng/tháng;
    - Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 1.018.000 đồng/tháng;
    - Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 1.064.000 đồng/tháng;
    - Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 1.110.000 đồng/tháng.
    b) Khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng thì mức trợ cấp nêu trên cũng được điều chỉnh tương ứng; thời điểm được điều chỉnh thực hiện theo quy định của Chính phủ kể từ sau ngày 01/01/2012.
    c) Đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng từ trần thì thôi hưởng từ tháng tiếp theo; thân nhân của đối tượng từ trần được hưởng trợ cấp một lần bằng 3 tháng trợ cấp hiện hưởng của đối tượng từ trần.
    Tham khảo các ví dụ 1, 2, 3 và 4 tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.
    2. Chế độ trợ cấp một lần
    a) Đối tượng hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều 1 Thông tư này, có dưới 15 năm công tác được tính hưởng chế độ theo hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư này (bao gồm cả đối tượng đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc hiện đang công tác ở xã có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đối tượng có dưới 20 năm công tác trong quân đội, cơ yếu sau đó tham gia công tác ở xã đã nghỉ việc hiện đang hưởng chế độ hưu trí, nhưng khi thôi công tác ở xã, thời gian phục vụ trong quân đội, cơ yếu không được cộng nối với thời gian công tác ở xã để tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội) được hưởng chế độ trợ cấp một lần tính theo số năm công tác được tính hưởng chế độ theo quy định nêu trên; mức hưởng cụ thể như sau:
    - Từ đủ 2 năm trở xuống mức trợ cấp một lần bằng 2.500.000 đồng;
    - Trên 2 năm, thì từ năm thứ 3 trở đi cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng.
    b) Đối tượng hướng dẫn tại điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 1 Thông tư này được hưởng chế độ trợ cấp một lần tính theo số năm trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, cụ thể như sau:
    - Tử đủ 2 năm trở xuống mức trợ cấp một lần bằng 2.500.000 đồng
    - Trên 2 năm, thì từ năm thứ 3 trở đi cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng.
    c) Mức trợ cấp một lần hướng dẫn tại điểm a, b khoản này được tính theo công thức sau:
    Mức trợ cấp = 2.500.000 đồng + [(số năm được tính hưởng - 2 năm) x 800.000 đồng].
    Tham khảo các ví dụ 5, 6 tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
    d) Đối tượng hướng dẫn tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này đã từ trần trước ngày 01 tháng 01 năm 2012 (bao gồm cả số từ trần khi đang tại ngũ hoặc đang công tác) thì một trong những thân nhân sau đây của đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần bằng 3.600.000 đồng: Vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi; bố đẻ, mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.
    Điều 4. Chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí
    Đối tượng hướng dẫn tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này nếu chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khi từ trần người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.
    Điều 5. Nguồn kinh phí thực hiện
    1. Kinh phí chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng và trợ cấp một lần cho các đối tượng hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư này do ngân sách Trung ương bảo đảm. Kinh phí chi trả trợ cấp hàng tháng Bộ Tài chính cấp cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để ủy quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương chi trả; kinh phí chi trả chế độ trợ cấp một lần Bộ Tài chính cấp theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyển các đơn vị, địa phương thực hiện chi trả.
    2. Kinh phí chi mua bảo hiểm y tế và thực hiện chế độ mai táng phí hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này do ngân sách địa phương đảm bảo.
    3. Kinh phí đảm bảo cho công tác xét duyệt, chi trả chế độ trợ cấp một lần hướng dẫn tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này bằng 4% tổng kinh phí chi trả cho các đối tượng do ngân sách Trung ương đảm bảo; kinh phí chi trả trợ cấp hàng tháng thực hiện theo quy định đối với trợ cấp ưu đãi người có công.
    Nội dung chi kinh phí đảm bảo cho công tác chi trả gồm: Tuyên truyền, phổ biến chính sách; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; xét duyệt, thẩm định hồ sơ; sơ, tổng kết; in ấn, tài liệu, mẫu biểu; văn phòng phẩm; sửa chữa nhỏ trang bị phục vụ công tác quản lý, xét duyệt; chi trả … Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
    Điều 6. Hồ sơ xét hưởng chế độ
    Hồ sơ xét hưởng chế độ quy định tại khoản 1 Điều 7 Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, được hướng dẫn thực hiện như sau:
    1. Giấy tờ làm căn cứ xét duyệt hưởng chế độ
    a) Giấy tờ gốc hoặc được coi như giấy tờ gốc, gồm:
    - Quyết định phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, thôi việc hoặc hết nhiệm vụ hoặc chuyển sang công nhân viên chức quốc phòng rồi thôi việc, quyết định của cơ quan có thẩm quyền cử đi lao động hợp tác quốc tế;
    - Phiếu lập sổ trợ cấp phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành;
    - Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương tật hoặc bản trích lục hồ sơ thương tật;
    - Lý lịch quân nhân, lý lịch cán bộ công chức, viên chức, lý lịch cán bộ hoặc bản trích yếu 63 đối với sĩ quan, phiếu quân nhân; lý lịch đi lao động ở nước ngoài; lý lịch đảng viên; sổ bảo hiểm xã hội (nếu có);
    Các giấy tờ gốc nêu trên bao gồm bản chính hoặc bản sao của cấp có thẩm quyền.
    - Giấy xác nhận quá trình công tác của cơ quan, đơn vị cũ trước khi đối tượng phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, thôi việc (mẫu 7, bản chính), do thủ trưởng cơ quan, đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên trực tiếp quản lý đối tượng trước khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc, thôi công tác hoặc cử đi lao động hợp tác quốc tế, chuyển ngành hoặc chuyển sang công nhân viên quốc phòng rồi thôi việc cấp, ký, đóng dấu, kèm theo bản photocopy hồ sơ của đối tượng hoặc danh sách đăng ký, quản lý đối tượng mà cơ quan, đơn vị đang lưu trữ để làm căn cứ xác nhận. Trường hợp cơ quan, đơn vị cũ đã sáp nhập hoặc giải thể thì do cơ quan, đơn vị mới được thành lập sau sáp nhập hoặc cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị đã giải thể xác nhận.
    b) Giấy tờ liên quan, gồm:
    - Quyết định nhập ngũ, tuyển dụng; phong, thăng quân hàm, nâng lương; điều động công tác, bổ nhiệm chức vụ; giao nhiệm vụ;
    - Giấy chứng nhận tham gia Thanh niên xung phong; giấy đăng ký quân nhân dự bị; phiếu khám sức khỏe, chuyển thương, chuyển viện;
    - Huân, huy chương tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và các hình thức khen thưởng khác;
    - Hồ sơ hưởng chính sách người có công, hưởng bảo hiểm xã hội một lần;
    - Giấy chứng tử; giấy báo tử tử sĩ;
    - Các giấy tờ liên quan khác, nếu có.
    2. Hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp đối với từng đối tượng
    a) Hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng được lập thành 03 bộ (gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 01 bộ; lưu tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh 01 bộ, tại Bộ Tư lệnh quân khu 01 bộ; hoặc lưu tại Cục Chính sách 01 bộ, đối với đối tượng do Cục Chính sách ra Quyết định), mỗi bộ gồm:
    - 01 bản khai cá nhân của đối tượng (mẫu 1A), bản chính;
    - Mỗi hoặc một số giấy tờ làm căn cứ xét duyệt hướng dẫn tại khoản 1 Điều này (bản chính hoặc bản sao của cấp có thẩm quyền) đủ yếu tố chứng minh đúng đối tượng, điều kiện hưởng chế độ và thời gian công tác của đối tượng theo hướng dẫn tại Điều 1, 2 và khoản 1 Điều 3 Thông tư này;
    - 01 Biên bản xét duyệt của Hội đồng chính sách xã, phường, thị trấn (mẫu 2), bản chính.
    - 01 Công văn xét duyệt và đề nghị của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố (mẫu 4), bản chính.
    Từng đợt báo cáo, các cấp kèm theo Công văn đề nghị (mẫu 3A); danh sách đối tượng (mẫu 3B), bản chính.
    Hồ sơ bàn giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để chi trả chế độ gồm:
    - Bản khai cá nhân của đối tượng;
    - Bản xét duyệt và đề nghị của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hoặc Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội;
    - Quyết định và Giấy giới thiệu hưởng trợ cấp hàng tháng của Bộ Tư lệnh quân khu hoặc của Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị (đối với đối tượng do Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị ra Quyết định).
    b) Hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp một lần được lập thành 02 bộ (đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh: Lưu UBND huyện 01 bộ, UBND tỉnh 01 bộ; đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng giải quyết: Lưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh 01 bộ; BTL quân khu hoặc BTL Thủ đô Hà Nội 01 bộ), mỗi bộ gồm:
    - 01 bản khai cá nhân của đối tượng hoặc thân nhân đối tượng (đối với đối tượng đã từ trần), mẫu 1B hoặc 1C, bản chính;
    - 01 giấy chứng tử hoặc giấy báo tử tử sĩ (đối với đối tượng đã từ trần), bản chính hoặc bản sao;
    - Một hoặc một số giấy tờ làm căn cứ xét duyệt hướng dẫn tại khoản 1 Điều này (nếu có);
    - 01 Biên bản xét duyệt của Hội đồng chính sách xã, phường, thị trấn (mẫu 2), bản chính.
    Từng đợt báo cáo, các cấp kèm theo Công văn đề nghị (mẫu 3A); danh sách đối tượng (mẫu 3C), bản chính.
    Điều 7. Trách nhiệm và trình tự thực hiện
    1. Đối với đối tượng hoặc thân nhân đối tượng (đối với đối tượng đã từ trần)
    - Làm bản khai theo mẫu quy định;
    - Nộp cho Trưởng thôn, xóm, ấp, tổ dân phố (sau đây gọi chung là Trưởng thôn) nơi đăng ký hộ khẩu thường trú các giấy tờ sau:
    + Đối với đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, gồm: 01 bản khai cá nhân theo mẫu 1A (bản chính); một hoặc một số giấy tờ làm căn cứ xét duyệt hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này (bản chính hoặc bản sao của cấp có thẩm quyền), đủ yếu tố chứng minh đúng đối tượng, đủ điều kiện hưởng chế độ và thời gian công tác của bản thân.
    + Đối với đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp một lần, gồm: 01 bản khai theo mẫu 1B hoặc 1C (bản chính); một hoặc một số giấy tờ làm căn cứ xét duyệt hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này (bản chính hoặc bản sao của cấp có thẩm quyền, nếu có).
    - Nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi cư trú theo thời gian quy định.
    2. Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã
    a) Thành lập Hội đồng chính sách xã do Chủ tịch (hoặc phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân làm chủ tịch Hội đồng, xã đội trưởng, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm thường trực và các thành viên gồm: Đại diện Đảng ủy (hoặc chi bộ đối với nơi không có đảng bộ), Mặt trận Tổ quốc, Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong. Hội đồng chính sách xã chịu trách nhiệm tổ chức hội nghị xét duyệt, đề nghị hưởng chế độ đối với từng đối tượng, theo từng đợt do các Trưởng thôn báo cáo.
    Khi tổ chức hội nghị xét duyệt Hội đồng chính sách xã mời Trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn có đối tượng, chi Hội Cựu chiến binh, Ban liên lạc Hội Cựu thanh niên xung phong và một số đại biểu đại diện cán bộ nguyên phụ trách cấp ủy, cơ quan quân sự của địa phương thời kỳ chiến tranh; đại biểu đối tượng đã hưởng chế độ theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ cùng tham dự.
    b) Hướng dẫn Trưởng thôn tiếp nhận hồ sơ của đối tượng hoặc thân nhân đối tượng là người đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương và đối tượng là người địa phương hiện đang cư trú ở địa phương khác có yêu cầu xác nhận hồ sơ để hưởng chế độ; kiểm tra, rà soát, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã (qua Hội đồng chính sách xã).
    c) Chỉ đạo Hội đồng chính sách xã tiếp nhận hồ sơ do các Trưởng thôn báo cáo, tổng hợp, phân loại hồ sơ đối tượng theo 2 loại: Đối tượng hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng và đối tượng hưởng chế độ trợ cấp một lần; tổ chức hội nghị xét duyệt dân chủ, công khai, chặt chẽ, chính xác theo quy định sau đây:
    - Tổ chức xét duyệt hồ sơ đối tượng hưởng trợ cấp một lần, thành 3 giai đoạn:
    + Giai đoạn 1: Xét duyệt nhóm đối tượng có giấy tờ gốc hoặc được coi như giấy tờ gốc;
    + Giai đoạn 2: Xét duyệt nhóm đối tượng có giấy tờ liên quan;
    + Giai đoạn 3: Xét duyệt nhóm đối tượng không có giấy tờ.
    (Quá trình tổ chức xét duyệt, kết hợp xét duyệt hồ sơ đối tượng hưởng chế độ trợ cấp một lần với xét duyệt hồ sơ đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng).
    - Trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ do các Trưởng thôn báo cáo theo từng đợt, Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn thành việc xét duyệt, lập và xác nhận hồ sơ cho từng đối tượng (03 bộ đối với đối tượng hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, trong đó, 01 bộ có giấy tờ làm căn cứ xét duyệt bản chính; 02 bộ đối với đối tượng hưởng chế độ trợ cấp một lần); báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện): Qua Ban Chỉ huy quân sự huyện đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng, gồm quân nhân, cơ yếu, công nhân viên chức quốc phòng, dân quân tự vệ; qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đối với đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), gồm công nhân viên chức nhà nước, chuyên gia các ngành; cán bộ xã; công an xã; thanh niên xung phong.
    Những trường hợp chưa rõ đối tượng, thời gian tính hưởng chế độ hoặc có khiếu nại, tố cáo thì để lại xác minh, làm rõ, nếu đủ điều kiện thì báo cáo sau.
    d) Phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức chi trả chế độ cho đối tượng; bảo đảm công khai, chặt chẽ, chính xác, kịp thời.
    đ) Đối với trường hợp đối tượng sinh quán ở địa phương, hiện đang cư trú ở địa phương khác, có yêu cầu xác nhận hồ sơ thì sau khi Hội đồng chính sách xã xét duyệt, nếu đủ điều kiện, Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và đề nghị chính quyền địa phương nơi đối tượng đang cư trú xem xét, đề nghị hưởng chế độ theo quy định.
    3. Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện
    a) Chỉ đạo các cơ quan chức năng trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định do Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo (theo từng đợt), hoàn thành việc rà soát, đối chiếu, tổng hợp, báo cáo đề nghị cấp trên theo quy định sau đây:
    - Ban Chỉ huy quân sự huyện: Tiếp nhận hồ sơ đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng do Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo; tiến hành rà soát, đối chiếu, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh qua Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, kèm theo hồ sơ (trợ cấp hàng tháng mỗi đối tượng 03 bộ, trợ cấp một lần mỗi đối tượng 02 bộ) và danh sách đối tượng (mẫu 3B, 3C).
    - Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện: Tiếp nhận hồ sơ đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo; tiến hành rà soát, đối chiếu, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), kèm theo hồ sơ đối tượng (mỗi đối tượng 01 bộ hồ sơ) và danh sách đối tượng (mẫu 3C); lưu giữ mỗi đối tượng 01 bộ hồ sơ và danh sách đối tượng.
    b) Chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện chi trả chế độ trợ cấp một lần cho các đối tượng khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, công khai, chặt chẽ, chính xác; thực hiện lưu trữ hồ sơ theo quy định.
    c) Chủ trì kiểm tra việc thực hiện và giải quyết những vướng mắc, phát sinh tại địa phương.
    4. Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
    a) Chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp nhận hồ sơ do Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo; trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định (theo từng đợt) hoàn thành việc xét duyệt, tổng hợp, báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền theo quy định sau đây:
    - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh: Tiếp nhận hồ sơ đối tượng do Ban Chỉ huy quân sự huyện báo cáo; tổ chức xét duyệt, tổng hợp, báo cáo, đề nghị Bộ Tư lệnh quân khu thẩm định (qua Phòng Chính sách), kèm theo hồ sơ đối tượng (trợ cấp hàng tháng mỗi đối tượng 02 bộ hồ sơ, trong đó, 01 bộ có giấy tờ làm căn cứ xét duyệt bản chính; trợ cấp một lần mỗi đối tượng 01 bộ hồ sơ) và danh sách đối tượng (mẫu 3B, 3C); lưu trữ mỗi trường hợp 01 bộ hồ sơ và danh sách đối tượng.
    Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: Tiếp nhận hồ sơ đối tượng do Ban Chỉ huy quân sự huyện báo cáo; tổ chức xét duyệt, tổng hợp đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần; rà soát, tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ đối tượng hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng (mỗi đối tượng 02 bộ hồ sơ, trong đó, 01 bộ có giấy tờ làm căn cứ xét duyệt bản chính), báo cáo Bộ Tư lệnh, đề nghị Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị thẩm định, ra quyết định.
    - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh: Tiếp nhận hồ sơ đối tượng do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện báo cáo; tổ chức xét duyệt, tổng hợp, báo cáo, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định theo quy định và lưu trữ mỗi đối tượng 01 bộ hồ sơ.
    b) Chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội bàn giao hồ sơ đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng; quyết định và danh sách đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh quản lý, chi trả trợ cấp hàng tháng, thực hiện chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí cho các đối tượng theo quy định.
    c) Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ vào quyết định hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng; quyết định và danh sách đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần của cấp có thẩm quyền theo quy định của Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, hướng dẫn và thực hiện chế độ bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí cho các đối tượng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hiện hành.
    d) Ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần (mẫu 5) cho các đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh.
    đ) Tổng hợp, lập dự toán ngân sách bảo đảm chi trả chế độ cho đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí.
    e) Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp hàng tháng; quyết định và danh sách đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hoặc Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội bàn giao, kịp thời chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng và thực hiện chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí cho các đối tượng theo quy định.
    g) Chủ trì kiểm tra việc thực hiện và giải quyết những vướng mắc, phát sinh tại địa phương.
    5. Đối với Bộ Tư lệnh các quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội
    a) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền triển khai thực hiện.
    b) Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định (theo từng đợt), Bộ Tư lệnh các quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội hoàn thành việc thẩm định, ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần (mẫu 5) trước hoặc sau khi có ý kiến thẩm định của Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị; Bộ Tư lệnh các quân khu ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng (05 bản chính, mẫu 6A) cho các đối tượng thuộc quyền sau khi có ý kiến thẩm định của Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị, cấp giấy giới thiệu (03 bản chính, mẫu 6B).
    c) Tổng hợp, báo cáo Bộ Quốc phòng (qua Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị) danh sách trợ cấp hàng tháng (theo từng đợt); quyết định và danh sách đối tượng hưởng chế độ trợ cấp một lần (mỗi loại 05 bản) để tổng hợp, đề nghị Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí.
    d) Lưu trữ hồ sơ đối tượng hưởng chế độ (mỗi đối tượng 01 bộ); chuyển 01 bộ hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (hoặc Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) và quyết định kèm theo danh sách đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần để bàn giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh.
    đ) Chỉ đạo, thực hiện việc trả lại các giấy tờ gốc, giấy tờ được coi là giấy tờ gốc và giấy tờ liên quan (bản chính) cho đối tượng.
    6. Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng
    Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền có trách nhiệm xác nhận quá trình công tác cho đối tượng thuộc phạm vi quản lý của đơn vị (mẫu 7) khi có yêu cầu của đối tượng hoặc cơ quan quân sự địa phương, bảo đảm tính chính xác, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về xác nhận đó.
    7. Đối với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng
    a) Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị
    - Phối hợp, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách; hướng dẫn việc tổ chức thực hiện;
    - Tổ chức thẩm định hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp một lần và trợ cấp hàng tháng theo đề nghị của Bộ Tư lệnh quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định (theo từng đợt báo cáo), hoàn thành việc thẩm định, ra quyết định và cấp giấy giới thiệu đối với các đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng theo đề nghị của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
    - Tổng hợp kinh phí chi trả chế độ trợ cấp một lần của các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đề nghị, báo cáo Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí, phối hợp Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng phân bổ ngân sách để các đơn vị thực hiện;
    - Lưu trữ quyết định kèm theo danh sách đối tượng hưởng chế độ trợ cấp một lần; danh sách đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng do các quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội báo cáo; hồ sơ hưởng chế độ hàng tháng (mỗi đối tượng 01 bộ) thuộc thẩm quyền thẩm định, ra quyết định; chủ trì, phối hợp giải quyết những vướng mắc, phát sinh.
    b) Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng
    Thông báo, cấp kinh phí cho các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; đồng thời, quản lý, chỉ đạo thanh quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành; phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, giải quyết vướng mắc, phát sinh trong tổ chức thực hiện.
    c) Cục Cán bộ - Tổng cục Chính trị; Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu
    Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý xác nhận quá trình công tác trong quân đội cho đối tượng theo yêu cầu, bảo đảm chặt chẽ, chính xác; phối hợp chỉ đạo, kiểm tra và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong tổ chức thực hiện.
    Điều 8. Tổ chức thực hiện
    1. Bộ Quốc phòng
    a) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các chế độ hướng dẫn tại Thông tư này; ủy quyền Tổng cục Chính trị ký công văn đề nghị Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí chi trả trợ cấp một lần đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng.
    b) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền tổ chức xét duyệt, thẩm định, ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng; xét duyệt, thẩm định, ra quyết định và chi trả chế độ trợ cấp một lần chặt chẽ, kịp thời và thanh quyết toán theo quy định hiện hành.
    c) Đề án, hướng dẫn việc điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng của đối tượng khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp hàng tháng theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư này.
    d) Chủ trì phối hợp giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
    2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
    a) Chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong việc xét duyệt và chi trả chế độ trợ cấp một lần đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh và thực hiện chế độ bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí theo quy định.
    b) Tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện chế độ theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, đề nghị Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí. Phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các tỉnh thực hiện chi trả chế độ cho các đối tượng và chỉ đạo thanh quyết toán theo quy định hiện hành.
    c) Chỉ đạo, thực hiện việc điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng của đối tượng khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp hàng tháng theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư này.
    3. Bộ Tài chính
    a) Căn cứ đề nghị cấp phát kinh phí của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng, chế độ trợ cấp một lần theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và thẩm định quyết toán theo quy định hiện hành.
    b) Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra định kỳ, đột xuất việc sử dụng kinh phí thực hiện chế độ đối với các đối tượng theo quy định của pháp luật.
    4. Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam
    Chỉ đạo Hội Cựu chiến binh các cấp cử thành phần tham gia Ban Chỉ đạo và Hội đồng chính sách cấp xã; phối hợp với các cơ quan, đoàn thể địa phương rà soát, phát hiện đối tượng, tham gia xét duyệt các đối tượng được hưởng chế độ, chính sách theo hướng dẫn tại Thông tư này.
    5. Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam
    Chỉ đạo Hội Cựu thanh niên xung phong các cấp cử thành phần tham gia Ban Chỉ đạo và Hội đồng chính sách cấp xã; phối hợp với các cơ quan, đoàn thể địa phương rà soát, phát hiện đối tượng, tham gia xét duyệt các đối tượng được hưởng chế độ, chính sách theo hướng dẫn tại Thông tư này.
    Điều 9. Hiệu lực thi hành
    1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2012.
    2. Chế độ trợ cấp hàng tháng hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.
    3. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012, quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc thuộc đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008; Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ mà chưa có Quyết định hưởng trợ cấp một lần của cấp có thẩm quyền thì được áp dụng thực hiện mức hưởng trợ cấp theo quy định tại điểm a, điểm d khoản 2 Điều 3 Thông tư này.
    4. Trường hợp đối tượng có thời gian trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau thì các Bộ, ngành căn cứ vào cơ quan, đơn vị công tác cuối cùng của đối tượng để thực hiện trách nhiệm giải quyết chế độ cho đối tượng theo quy định tại Điều 9 Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.
    5. Những người có hành vi làm sai lệch hoặc giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải hoàn trả lại số tiền đã nhận; bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.
    Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về liên Bộ (qua Bộ Quốc phòng) để xem xét, giải quyết.
     

    KT. BỘ TRƯỞNG
    BỘ TÀI CHÍNH
    THỨ TRƯỞNG





    Nguyễn Công Nghiệp
    KT. BỘ TRƯỞNG
    BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
    THỨ TRƯỞNG




    Bùi Hồng Lĩnh
    KT. BỘ TRƯỞNG
    BỘ QUỐC PHÒNG
    THỨ TRƯỞNG




    Thượng tướng
    Nguyễn Thành Cung
     
    Nơi nhận:
    - Thủ tướng; các Phó Thủ tướng (để báo cáo);
    - Văn phòng Chính phủ;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng;
    - Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia;
    - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
    - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Kiểm toán Nhà nước;
    - Sở LĐ-TBXH, Sở Tài chính các tỉnh, TP trực thuộc TW;
    - Ngân hàng Chính sách Xã hội;
    - Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
    - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
    - Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
    - Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam;
    - Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
    - Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ;
    - Website Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH;
    - Các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng;
    - Lưu: BQP, BLĐTBXH, BTC, (Q350b)
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Nghị định 186/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
    Ban hành: 25/12/2007 Hiệu lực: 15/01/2008 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30/04/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc
    Ban hành: 09/11/2011 Hiệu lực: 01/01/2012 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản được hướng dẫn
    03
    Quyết định 142/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứ nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương
    Ban hành: 27/10/2008 Hiệu lực: 20/11/2008 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    04
    Quyết định 38/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương
    Ban hành: 06/05/2010 Hiệu lực: 01/07/2010 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    05
    Chỉ thị 16/2012/CT-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc sau ngày 30/04/1975
    Ban hành: 16/05/2012 Hiệu lực: 26/05/2012 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    06
    Công văn 3332/LĐTBXH-NCC của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với cựu thanh niên xung phong
    Ban hành: 31/08/2016 Hiệu lực: 31/08/2016 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    07
    Nghị quyết 122/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Quốc phòng
    Ban hành: 23/11/2017 Hiệu lực: 23/11/2017 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    08
    Thông tư 101/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành lao động thương binh và xã hội quản lý
    Ban hành: 14/11/2018 Hiệu lực: 01/01/2019 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    09
    Thông tư 30/2020/TT-BYT của Bộ Y tế về việc quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
    Ban hành: 31/12/2020 Hiệu lực: 01/03/2021 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản dẫn chiếu
    10
    Thông tư 44/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý
    Ban hành: 21/07/2022 Hiệu lực: 05/09/2022 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    11
    Thông tư liên tịch 99/2012/TTLT-BQP-BTC của Bộ Quốc Phòng, Bộ Tài chính về việc hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng
    Ban hành: 28/08/2012 Hiệu lực: 15/10/2012 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản quy định hết hiệu lực một phần
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Văn bản đang xem

    Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC thực hiện Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính
    Số hiệu:01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC
    Loại văn bản:Thông tư liên tịch
    Ngày ban hành:05/01/2012
    Hiệu lực:01/01/2012
    Lĩnh vực:Chính sách
    Ngày công báo:07/03/2012
    Số công báo:245&246 - 03/2012
    Người ký:Nguyễn Công Nghiệp, Bùi Hồng Lĩnh, Nguyễn Thành Cung
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu (8)
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X