BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG -------- Số: 33-CT/TW | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM --------------- Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2019 |
CHỈ THỊ
CỦA BAN BÍ THƯ
VỀ TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG TỔ CHỨC ĐẢNG TRONG CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ TƯ NHÂN
Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị và Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công tác xây dựng Đảng trong khu vực này có chuyển biến tích cực, đến nay, đã có 12.088 tổ chức đảng, 182.995 đảng viên. Nhiều tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp; tập hợp, động viên cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động chấp hành nghiêm pháp luật, thực hiện tốt nội quy, quy định của doanh nghiệp, yên tâm lao động sản xuất; đồng thời góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống. Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân đã có nhận thức đúng về Đảng, phấn đấu và được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.
Tuy nhiên, một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương về phát triển đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nên chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên, tỉ lệ số tổ chức đảng trên tổng số đơn vị cũng như số đảng viên trên tổng số lao động trong khu vực kinh tế tư nhân còn rất thấp. Vai trò của tổ chức đảng, đảng viên còn mờ nhạt; nội dung và phương thức hoạt động còn lúng túng; chất lượng sinh hoạt đảng còn nhiều hạn chế. Việc kết nạp công nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng có chuyển biến, nhưng kết quả chưa cao.
Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém nêu trên: Đây là vấn đề mới và khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không ít cấp uỷ còn lúng túng hoặc chưa có quyết tâm chính trị cao. Nhận thức của nhiều cấp uỷ chưa theo kịp tình hình, phương pháp, cách làm thiếu sâu sát, sáng tạo. Nhìn chung, tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp chưa là cầu nối gắn bó thường xuyên người lao động với doanh nghiệp; chưa là chỗ dựa tin cậy, chưa có nhiều đóng góp thiết thực, cụ thể vào sự phát triển, ổn định của doanh nghiệp. Đa số chủ doanh nghiệp và người lao động chưa nhận thức đầy đủ về Đảng, ngại tham gia các đoàn thể chính trị xã hội. Các quy định, quy chế, hướng dẫn xây dựng tổ chức đảng thiếu đồng bộ, chậm sửa đổi, bổ sung phù hợp với đặc thù của đơn vị kinh tế tư nhân.
Để tăng cường phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực kinh tế này, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và người lao động về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về vai trò, vị trí cũng như yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong đơn vị kinh tế tư nhân.
Giáo dục, động viên người lao động chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của doanh nghiệp, thi đua lao động sản xuất, nâng cao tay nghề; tích cực tham gia các đoàn thể nhân dân và phấn đấu trở thành đảng viên.
Các cấp uỷ, tổ chức đảng ở cơ sở và cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng phân công cấp uỷ viên, cán bộ phụ trách tổ chức đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân. Cùng với các cấp chính quyền, chủ động, tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với các chủ doanh nghiệp để nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong việc thành lập và tổ chức hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể chính trị xã hội trong doanh nghiệp.
2. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng; tích cực xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân.
Đối với các doanh nghiệp đã có tổ chức đảng: Các cấp uỷ, tổ chức đảng tiến hành rà soát, nắm chắc số lượng, đánh giá kỹ thực trạng tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng, đề ra giải pháp cụ thể để củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động Căn cứ Quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp để hướng dẫn nội dung, hình thức sinh hoạt đảng phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tình hình của từng loại hình doanh nghiệp. Hướng dẫn tổ chức đảng tại doanh nghiệp xây dựng quy chế hoạt động và quy chế phối hợp giữa cấp uỷ với ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp; trong đó, quy định rõ việc tổ chức đảng tham gia xây dựng, phát triển doanh nghiệp và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để tổ chức đảng hoạt động, việc phát hiện, giới thiệu, tiến cử đảng viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp và việc phối hợp giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích chính đáng của người lao động.Đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, cấp uỷ cấp huyện và tương đương chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc rà soát, nắm chắc số đảng viên đang làm việc ổn định trong các doanh nghiệp, nhưng vẫn sinh hoạt đảng ở nơi khác, nếu có đủ 3 đảng viên chính thức trở lên và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định thì thành lập chi bộ. Nếu chưa đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ thì chuyển số đảng viên này về sinh hoạt với một tổ chức đảng phù hợp và tích cực chuẩn bị các điều kiện để thành lập chi bộ. Đối với những doanh nghiệp chưa có đảng viên, nhưng có tổ chức công đoàn, cấp uỷ cơ sở nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính phân công cấp uỷ viên và đảng viên có kinh nghiệm phối hợp với các đoàn thể trong doanh nghiệp phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên.
Tăng cường công tác kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trường dạy nghề, các cơ sở y tế ngoài nhà nước để bổ sung cả về số lượng và chất lượng đảng viên cho các doanh nghiệp tư nhân.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp tư nhân, các cơ sở giáo dục, y tế ngoài khu vực nhà nước; phát huy vai trò của các đoàn thể trong việc giới thiệu đoàn viên ưu tú để xem xét kết nạp vào Đảng.
Các cấp uỷ, tổ chức cơ sở đảng thường xuyên tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng, nhất là chủ doanh nghiệp, người trong bộ máy quản lý và ban chấp hành các đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân.Rà soát quy mô, số lượng doanh nghiệp, số lượng tổ chức đảng và đảng viên trong từng doanh nghiệp để xây dựng mô hình tổ chức đảng phù hợp. Phân cấp cho đảng ủy khu công nghiệp, khu chế xuất trực tiếp quản lý đối với các tổ chức đảng trong doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của khu công nghiệp, khu chế xuất. Đối với cấp huyện, tuỳ theo quy mô, số lượng tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp trên địa bàn để giao cho cấp uỷ cơ sở quản lý hoặc thành lập tổ chức cơ sở đảng thuộc cấp uỷ cấp huyện.
3. Các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương và cấp uỷ cấp huyện kiện toàn, tăng cường trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Ban chỉ đạo do phó bí thư cấp uỷ làm trưởng ban, trưởng ban tổ chức và 1 đồng chí phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm phó trưởng ban; đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu giúp việc của cấp uỷ, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị xã hội và một số cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân làm thành viên. Ban tổ chức của cấp uỷ là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu cho cấp uỷ chỉ đạo việc xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân; thường xuyên kiểm tra và định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và xây dựng các giải pháp chỉ đạo thực hiện; nhân rộng các mô hình, điển hình tốt.
4. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp sơ kết việc thực hiện các quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong đơn vị kinh tế tư nhân; tham mưu sửa đổi, bổ sung, làm rõ nhiệm vụ của tổ chức đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân phù hợp với tình hình mới.
5. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2014/NĐ-CP, ngày 24/10/2014 của Chính phủ về quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Chỉ đạo các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn thực hiện các nội dung có liên quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Bổ sung tiêu chí để xét khen thưởng, tặng các danh hiệu thi đua cho các đơn vị kinh tế tư nhân có tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động hiệu quả.
6. Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp giám sát Việc thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn; đẩy mạnh công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người lao động, phát triển đoàn viên, x thành lập công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp tư nhân theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Có kế hoạch thực hiện mục tiêu bình quân hằng năm mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu được ít nhất một đoàn viên công đoàn ưu tú để Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.
7. Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo đẩy mạnh việc thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức đoàn thanh niên trong doanh nghiệp tư nhân, phát huy vai trò xung kích của đoàn viên thanh niên trong xây dựng, phát triển doanh nghiệp và xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên, qua đó, lựa chọn đoàn viên ưu tú để giới thiệu cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.
8. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng phù hợp với đặc thù của các đơn vị kinh tế tư nhân.
9. Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp tham mưu sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ việc thành lập, hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân.
10. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các cấp uỷ, tổ chức đảng theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.
Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ.
Nơi nhận: - Các tỉnh ủy, thành ủy, - Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, - Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương - Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, - Lưu văn phòng Trung ương Đảng. | T/M BAN BÍ THƯ Trần Quốc Vượng |