hieuluat

Công văn hướng dẫn tiến hành kỳ họp thứ nhất của HĐND các cấp nhiệm kỳ 1999-2004

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Uỷ ban Thường vụ Quốc hộiSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:231-CV/UBTVQH10Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Nguyễn Văn Yểu
    Ngày ban hành:22/11/1999Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:22/11/1999Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Cơ cấu tổ chức
  • Công văn

    CÔNG VĂN

    CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 231CV/UBTVQH10
    NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 1999 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN TIẾN HÀNH
    KỲ HỌP THỨ NHẤT CỦA HĐND CÁC CẤP NHIỆM KỲ 1999 - 2004

     

    Kính gửi: - Thường trực Hội đồng nhân dân,

    - Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

     

    Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1999 - 2004; trên cơ sở quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi), Pháp lệnh về giám sát và hướng dẫn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân và Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số vấn đề sau đây:

    1- Về việc triệu tập và thời gian tiến hành kỳ họp thứ nhất.

    Theo quy định tại Điều 32 của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi), kỳ họp thứ nhất của mỗi khoá Hội đồng nhân dân được triệu tập chậm nhất là ba mươi ngày sau khi bầu xong đại biểu Hội đồng nhân dân. miền núi, nơi nào đi lại khó khăn thì kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân tỉnh được triệu tập chậm nhất là bốn mươi lăm ngày sau khi bầu xong đại biểu Hội đồng nhân dân.

    Đối với những địa phương có bầu lại, bầu thêm thì ngày bầu xong đại biểu Hội đồng nhân dân của mỗi cấp là ngày việc bầu lại, bầu thêm đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó được tiến hành xong.

    Đối với những địa phương không thể tiến hành kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân đúng kỳ hạn theo quy định của pháp luật thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh báo cáo để Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã báo cáo để Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định.

    Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khoá mới do Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 1994 -1999 triệu tập. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch Hội đồng nhân dân thì Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân triệu tập. Nếu khuyết cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định triệu tập viên để triệu tập và chủ toạ kỳ họp cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu được Chủ tịch Hội đồng nhân dân, ở cấp tỉnh thì do Uỷ ban thường vụ Quốc hội chỉ định triệu tập viên (Điều 10 Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp).

    Đối với những đơn vị hành chính mới được thành lập chưa có Chủ tịch Hội đồng nhân dân và cũng chưa chỉ định Quyền Chủ tịch Hội đồng nhân dân thì kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khoá mới do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân lâm thời triệu tập.

    2- Về chương trình làm việc tại kỳ họp thứ nhất:

    Chương trình làm việc tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1999 - 2004 được thực hiện theo quy định tại Điều 34 Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi); tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tiến hành các công việc sau đây:

    - Thông qua chương trình làm việc của kỳ họp;

    - Cử Thư ký lâm thời kỳ họp của Hội đồng nhân dân theo sự giới thiệu của Chủ toạ kỳ họp;

    - Nghe Hội đồng bầu cử báo cáo kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp;

    - Bầu Ban thẩm tra tư cách đại biểu theo sự giới thiệu của Chủ toạ kỳ họp để tiến hành thẩm tra, xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân;

    - Bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân trong số đại biểu Hội đồng nhân dân theo sự giới thiệu của Chủ toạ kỳ họp;

    - Bầu Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân trong số đại biểu Hội đồng nhân dân theo sự giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân khoá mới;

    - Đối với Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cấp huyện), sau khi Hội đồng nhân dân quyết định số lượng thành viên của từng Ban Hội đồng nhân dân, thì tiến hành việc bầu Trưởng ban, Phó trưởng ban và các thành viên khác của các ban Hội đồng nhân dân trong số các đại biểu Hội đồng nhân dân theo sự giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân khoá mới;

    - Bầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân trong số đại biểu Hội đồng nhân dân theo sự giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân khoá mới;

    Bầu Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân theo sự giới thiệu của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân khoá mới;

    - Bầu Thư ký kỳ họp của Hội đồng nhân dân khoá mới theo sự giới thiệu của Chủ toạ kỳ họp;

    Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền giới thiệu và ứng cử vào các chức vụ được nêu ở trên;

    - Bầu Hội thẩm nhân dân của Toà án nhân dân cùng cấp (đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cấp huyện);

    - Nghe Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc báo cáo tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri nêu ra trong các cuộc tiếp xúc giữa những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân với cử tri tại các đơn vị bầu cử;

    - Nghiên cứu, quán triệt những nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1992; Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi); nghe Chủ tịch Hội đồng nhân dân khoá trước báo cáo kinh nghiệm hoạt động của Hội đồng nhân dân khoá trước (nhiệm kỳ 1994-1999);

    - Nghe Chủ tịch Uỷ ban nhân dân trình bày tình hình kinh tế - Xã hội của địa phương trong năm 1999 và nhiệm vụ chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2000 (hoặc quý I/2000).

    Tuỳ tình hình cụ thể của địa phương, Hội đồng nhân dân có thể đưa vào chương trình kỳ họp này việc xem xét, quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm 2000 hoặc đưa vào chương trình kỳ họp sau của Hội đồng nhân dân để có thời gian chuẩn bị nội dung chu đáo, kỹ lưỡng hơn.

    Ngoài những vấn đề nêu trên, Hội đồng nhân dân có thể đưa vào chương trình để xem xét và quyết định một số vấn đề khác của địa phương nếu xét thấy cần thiết.

    Hội đồng nhân dân có thể tiến hành phiên họp trù bị để dự kiến chương trình và bàn một số vấn đề liên quan trước khi chính thức khai mạc kỳ họp.

    3- Về việc chủ toạ và cách thức tiến hành kỳ họp thứ nhất.

    Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân do Chủ tịch Hội đồng nhân dân khoá trước chủ toạ. Nếu khuyết Chủ tịch Hội đồng nhân dân thì Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân chủ toạ. Trong trường hợp khuyết cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, thì người được chỉ định là triệu tập viên chủ toạ kỳ họp cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu được Chủ tịch Hội đồng nhân dân khoá mới. Đối với những đơn vị hành chính mới được thành lập chưa bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân và cấp trên cũng chưa chỉ định Quyền Chủ tịch Hội đồng nhân dân thì kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khoá mới do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân lâm thời chủ toạ cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu được Chủ tịch Hội đồng nhân dân khoá mới.

    Chủ toạ phiên họp chịu trách nhiệm tiến hành các công việc cần thiết để Hội đồng nhân dân thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nội dung của kỳ họp. Cụ thể là:

    - Chào cờ, cử Quốc ca;

    - Đọc diễn văn khai mạc;

    - Thông qua chương trình làm việc của kỳ họp thứ nhất do chủ toạ phiên họp đề nghị bằng cách biểu quyết giơ tay;

    - Cử thư ký lâm thời của kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khoá mới, do Chủ toạ phiên họp giới thiệu bằng cách biểu quyết giơ tay. Thư ký lâm thời làm việc cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu ra Thư ký kỳ họp của Hội đồng nhân dân khoá mới;

    - Hội đồng bầu cử báo cáo kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp;

    - Bầu ban thẩm tra tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân, do Chủ toạ phiên họp giới thiệu bằng cách biểu quyết giơ tay;

    - Ban thẩm tra tư cách đại biểu báo cáo kết quả thẩm tra.

    - Hội đồng nhân dân thông qua Nghị quyết xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân của những người trúng cử hoặc tuyên bố việc bầu cử đại biểu nào đó là không có giá trị bằng cách biểu quyết giơ tay;

    - Bầu ban kiểm phiếu từ 5 đến 7 người (đối với cấp xã từ 3 đến 5 người) theo sự giới thiệu của chủ toạ kỳ họp bằng cách biểu quyết giơ tay.

    - Ban kiểm phiếu phổ biến thủ tục và quy trình bỏ phiếu;

    - Bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

    - Ban kiểm phiếu công bố kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Chủ tịch Hội đồng nhân dân mới Chủ toạ kỳ họp; Hội đồng nhân dân tiếp tục bầu các chức danh thuộc thẩm quyền.

    - Việc bầu các chức vụ: Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó trưởng ban và các thành viên khác của các ban của Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân và Thư ký kỳ họp của mỗi khoá Hội đồng nhân dân được tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín theo danh sách đề cử chức vụ từng người.

    4- Ngay sau khi được Hội đồng nhân dân bầu, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã, đảm nhiệm chủ toạ và điều hành tiếp kỳ họp Hội đồng nhân dân theo chương trình làm việc đã được Hội đồng nhân dân thông qua.

    5- Sau kỳ họp thứ nhất, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp lên Thường trực Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp trên.

    Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp lên Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X