hieuluat

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, số 65/2020/QH14

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Quốc hộiSố công báo:715&716-07/2020
    Số hiệu:65/2020/QH14Ngày đăng công báo:24/07/2020
    Loại văn bản:LuậtNgười ký:Nguyễn Thị Kim Ngân
    Ngày ban hành:19/06/2020Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:01/01/2021Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Cơ cấu tổ chức
  • QUỐC HỘI

    --------------

    Luật số: 65/2020/QH14

     

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    ----------------

     

     

     

    LUẬT

    SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU
    CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

     

    Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

    Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13.

    Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

    1. Bổ sung khoản la vào sau khoản 1 Điều 22 như sau:

    1a. Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.”.

    2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 23 như sau:

    “2. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là bốn mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội.”.

    3. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 26 như sau:

    “3. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có trách nhiệm tham gia hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập. Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách có quyền đăng ký tham dự hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về những nội dung mà đại biểu quan tâm.”.

    4.  Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 43 như sau:

    a)  Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 như sau:

    “đ) Chỉ đạo hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.”;

    b)  Bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 và sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

    “3a. Số lượng và danh sách đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, phê chuẩn.

    Cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo phân cấp chịu trách nhiệm quản lý công tác cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương mình theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

    4.  Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.

    Chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội, tổ chức và bảo đảm kinh phí hoạt động cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.”.

    5.  Sửa đổi, bổ sung tên điều và bổ sung một số khoản vào Điều 44 như sau:

    a)  Sửa đổi, bổ sung tên điều như sau:

    “Điều 44. Vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội”;

    b)  Bổ sung khoản 4 và khoản 5 vào sau khoản 3 như sau:

    “4. Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.

    5.  Tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi báo cáo công tác của mình đến đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp cuối của mỗi khóa Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình báo cáo công tác nhiệm kỳ để Quốc hội xem xét, thảo luận.”.

    6.  Sửa đổi, bổ sung tên điều và bổ sung một khoản vào Điều 47 như sau:

    a)    Sửa đổi, bổ sung tên điều như sau:

    “Điều 47. Ủy ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị, triệu tập, chủ trì kỳ họp Quốc hội và các hội nghị khác”;

    b)   Bổ sung khoản 7 vào sau khoản 6 như sau:

    “7. Căn cứ vào yêu cầu, tình hình thực tiễn, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước mỗi kỳ họp Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến về các dự án, đề án, báo cáo trước khi trình Quốc hội.”.

    7.  Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 53 như sau:

    a)  Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

    “2. Quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên và việc cho thôi làm thành viên Hội đồng dân tộc, quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách và việc cho thôi làm Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách tại Hội đồng dân tộc theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng dân tộc.

    Quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên và việc cho thôi làm thành viên Ủy ban, quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách và việc cho thôi làm Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban của Quốc hội theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.”;

    b)  Sửa đổi, bổ sung khoản 4 và khoản 5 như sau:

    “4. Phê chuẩn kết quả bầu và việc cho thôi làm Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.

    5. Phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.”.

    8.  Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 54 như sau:

    a)  Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

    “1. Quy định việc thực hiện công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm khác đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.”;

    b)   Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

    “3. Hướng dẫn hoạt động, xem xét báo cáo về tình hình hoạt động và quyết định phân bổ kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội.”.

    9.  Sửa đổi, bổ sung Điều 59 như sau:

    “Điều 59. Trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức trưng cầu ý dân

    1.  Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.

    2.  Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân.”.

    10.  Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 67 như sau:

    “3. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội giúp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giải quyết các công việc thường xuyên của Hội đồng, Ủy ban trong thời gian Hội đồng, Ủy ban không họp.

    Thường trực Hội đồng dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên thường trực và các Ủy viên chuyên trách tại Hội đồng dân tộc. Thường trực Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, các Ủy viên thường trực và các Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban của Quốc hội.”.

    11. Bổ sung khoản 1a vào trước khoản 1 Điều 79 như sau:

    “1a. Tham gia thẩm tra nội dung liên quan đến lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban phụ trách trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do cơ quan khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra;”.

    12.  Bổ sung khoản 1a vào trước khoản 1 Điều 80 như sau:

    “1a. Trong quá trình thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật.”.

    13.  Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 87 như sau:

    “1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo, dự án khác trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; xem xét, quyết định những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, Ủy ban.

    Phiên họp toàn thể của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phải có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng, Ủy ban tham dự.

    Báo cáo, nghị quyết, kiến nghị, các nội dung khác thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng, Ủy ban biểu quyết tán thành.

    2.  Thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham dự phiên họp của Hội đồng, Ủy ban theo triệu tập của Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban; thảo luận và biểu quyết các vấn đề xem xét tại phiên họp; trường hợp không tham dự phiên họp thì phải có lý do chính đáng, phải báo cáo và được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban.”.

    14.  Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 99 như sau:

    “d) Chịu trách nhiệm bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện khác phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội; tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội trong việc trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh.”.

    15. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 101 như sau:

    “1. Kinh phí hoạt động của Quốc hội là một khoản trong ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định, bao gồm kinh phí hoạt động chung của Quốc hội, kinh phí hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, lương của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, hoạt động phí, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội, các khoản phụ cấp và các chế độ của đại biểu Quốc hội gắn với hoạt động của Quốc hội.”.

    16. Thay cụm từ tại một số điều, khoản sau đây:

    a)  Thay cụm từ “được bầu” tại khoản 1 Điều 36 bằng cụm từ “thực hiện nhiệm vụ đại biểu”;

    b)   Thay cụm từ “Ủy ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng” bằng cụm từ “Ủy ban văn hóa, giáo dục” tại điểm e khoản 2 Điều 66 và tên Điều 75;

    c)  Thay cụm từ “Ủy ban về các vấn đề xã hội” bằng cụm từ “Ủy ban xã hội” tại điểm g khoản 2 Điều 66 và tên Điều 76.

    17.  Bỏ từ, cụm từ tại một số điều, khoản sau đây:

    a)  Bỏ cụm từ “ở nơi ứng cử” và cụm từ “ở đơn vị bầu cử” tại khoản 2 Điều 27;

    b)  Bỏ từ “ứng cử” tại khoản 2 Điều 36.

    Điều 2. Điều khoản thi hành

    1.  Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

    2. Quy định tại khoản 2, điểm b và điểm c khoản 16 Điều 1 của Luật này được thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

    3.  Chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 14 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

    Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội được thành lập theo Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 14 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được thành lập để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải hoàn thành trước ngày 01 tháng 7 năm 2021.

    -----------------------------------

    Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2020.

     

     

    CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

    Đã ký: Nguyễn Thị Kim Ngân

     

     

     

     

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Hiến pháp năm 2013
    Ban hành: 28/11/2013 Hiệu lực: 01/01/2014 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Lệnh 10/2020/L-CTN của Chủ tịch nước về việc công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội
    Ban hành: 01/07/2020 Hiệu lực: 01/07/2020 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    03
    Công văn 2741/BVHTTDL-PC của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phổ biến các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua và triển khai một số nhiệm vụ công tác phổ biến giáo dục pháp luật
    Ban hành: 27/07/2020 Hiệu lực: 27/07/2020 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    04
    Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 của Quốc hội
    Ban hành: 20/11/2014 Hiệu lực: 01/01/2016 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản hết hiệu lực một phần
    05
    Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 của Quốc hội
    Ban hành: 20/11/2014 Hiệu lực: 01/01/2016 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản được hợp nhất
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, số 65/2020/QH14

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Quốc hội
    Số hiệu:65/2020/QH14
    Loại văn bản:Luật
    Ngày ban hành:19/06/2020
    Hiệu lực:01/01/2021
    Lĩnh vực:Cơ cấu tổ chức
    Ngày công báo:24/07/2020
    Số công báo:715&716-07/2020
    Người ký:Nguyễn Thị Kim Ngân
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X