THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 09/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 389/QĐ-TTG NGÀY 19 THÁNG 3 NĂM 2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ
--------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;
Xét đề nghị của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như sau:
1. Sửa đổi các cụm từ tên viết tắt của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ như sau: cụm từ “Ban Chỉ đạo 389” sửa thành “Ban Chỉ đạo 389 quốc gia”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau: “Điều 1. Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia). Thành phần Ban Chỉ đạo 389 quốc gia gồm:
1. Trưởng Ban: Phó Thủ tướng Chính phủ theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.
2. Phó Trưởng Ban Thường trực: Bộ trưởng Bộ Tài chính.
3. Các Phó Trưởng Ban:
- Bộ trưởng Bộ Công Thương;
- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng;
- Thứ trưởng Bộ Công an.
4. Các Ủy viên:
- Thứ trưởng các bộ: Tài chính, Công Thương, Nội vụ, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
- Thủ trưởng các cơ quan, lực lượng chức năng: Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Tư lệnh Cảnh sát biển; Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường.
- Mời Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham gia Ủy viên Ban Chỉ đạo.
5. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có Văn phòng Thường trực đặt tại Bộ Tài chính. Văn phòng Thường trực có nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, giúp Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (bao gồm các Phó Trưởng Ban) chỉ đạo, điều phối công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ trung ương đến cơ sở; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, lực lượng chức năng và cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Tổ chức và hoạt động của Văn phòng Thường trực do Trưởng Ban quyết định theo đề nghị của Phó Trưởng Ban Thường trực”.
3. Sửa đổi, bổ sung một số khoản tại Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia: Khoản 2 được sửa đổi, bổ sung lại như sau:
“2. Chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả nghiêm trọng, có tổ chức. Yêu cầu các cơ quan, lực lượng chức năng cung cấp thông tin về tình hình, kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý; tài liệu vụ việc vi phạm khi cần thiết”.
Khoản 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“5. Chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”.
Khoản 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“6. Đề nghị và thực hiện công tác khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chỉ đạo việc kiểm tra, xử lý tập thể, cá nhân có dấu hiệu làm trái, bao che, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”.
Khoản 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“8. Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”.
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3. Chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, như sau: “3. Trưởng Ban sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; các Phó Trưởng Ban sử dụng con dấu của bộ nơi công tác; Văn phòng Thường trực có con dấu riêng”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau: “Điều 4. Thành lập Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các bộ, ngành có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các địa phương:
- Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ thành lập Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và cơ quan thường trực của bộ với thành phần, cơ cấu phù hợp. Các bộ, ngành còn lại căn cứ theo tình hình thực tế chủ động quyết định cơ cấu tổ chức, đơn vị làm nhiệm vụ thường trực, đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của địa phương do Phó Chủ tịch làm Trưởng Ban, có thành phần và cơ quan thường trực phù hợp, đảm bảo hoạt động hiệu quả.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau: “Điều 5. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Văn phòng Thường trực do ngân sách nhà nước đảm bảo và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Bộ Tài chính, các nguồn vốn hỗ trợ và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật. Các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bảo đảm kinh phí hoạt động cho Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của bộ, ngành, địa phương mình”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành; các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan trung ương của các đoàn thể; - Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: VT, V.I (3b).ĐVD | THỦ TƯỚNG Nguyễn Xuân Phúc
|