UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI --------------------- Số: 1479/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------- Hà Nội, ngày 28 tháng 03 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 8 tháng 3 năm 1993 và Pháp lệnh bổ sung, sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 24 tháng 8 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 14/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương;
Xét đề nghị của Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão thành phố,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão thành phố Hà Nội”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão Thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Thủ tướng Chính phủ, - Ban Chỉ đạo PCLBTW, - Ủy ban Quốc gia TKCN, - Thường trực Thành ủy, - Thường trực HĐND Thành phố (để báo cáo); - Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND Thành phố; - C/PVP, công báo, Website, các phòng chuyên viên; - Lưu: VT, NN Huy (2b). | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH Nguyễn Thế Thảo |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1479/QĐ-UBND ngày 28 tháng 03 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão (PCLB) thành phố Hà Nội được thành lập theo Nghị định số 14/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương.
Điều 2. Ban Chỉ huy PCLB Thành phố là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân Thành phố:
1. Chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão và khắc phục hậu quả lụt, bão trên địa bàn thành phố Hà Nội;
2. Chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị trong việc tuyên truyền giáo dục và tổ chức thực hiện về phòng, chống lụt, bão.
Điều 3. Tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ huy PCLB và các thành viên thực hiện nhiệm vụ chung của Ban Chỉ huy PCLB Thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố giao.
Chương 2.
NHIỆM VỤ CỦA CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO THÀNH PHỐ
Điều 4. Thành viên Ban Chỉ huy PCLB Thành phố
Thành phần và số lượng thành viên Ban Chỉ huy PCLB Thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định.
Ban Chỉ huy PCLB Thành phố gồm có: Trưởng ban, Phó Trưởng Ban thường trực, các Phó Trưởng ban, Thường trực Ban Chỉ huy và các Ủy viên Ban Chỉ huy.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ huy PCLB Thành phố
1. Trưởng ban:
a) Chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão, úng và khắc phục hậu quả do lụt, bão gây ra trên phạm vi toàn Thành phố;
b) Chủ trì các cuộc họp của Ban để đối phó với lũ, bão hoặc tổng kết rút kinh nghiệm;
c) Phân công trách nhiệm cho các thành viên Ban Chỉ huy PCLB Thành phố và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện;
d) Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương lồng ghép công tác phòng, chống lụt, bão vào quy hoạch;
e) Quyết định điều động lực lượng, vật tư, phương tiện của các sở, ngành và địa phương để ứng cứu, chi viện trong các trường hợp khẩn cấp;
f) Báo cáo định kỳ, báo cáo bất thường kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai với Ủy ban nhân dân Thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương;
g) Chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương tổ chức tổng kết công tác PCLB hàng năm.
2. Phó Trưởng ban thường trực:
a) Giúp Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo, điều hành các hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ huy, giải quyết các công việc thường xuyên, chủ động xử lý các tình huống về lũ bão và thiên tai;
b) Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các phương án, kế hoạch phòng, chống lụt, bão của các sở, ngành và các địa phương;
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác được Trưởng ban phân công;
d) Thay mặt Trưởng ban chỉ đạo giải quyết công việc của Trưởng Ban khi Trưởng ban vắng mặt.
3. Phó Trưởng ban - Thường trực Ban Chỉ huy:
a) Giúp Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCLB Thành phố giải quyết công việc thường xuyên;
b) Đôn đốc thành viên Ban Chỉ huy PCLB Thành phố và Ban Chỉ huy PCLB các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành xây dựng và triển khai thực hiện phương án đối phó với các tình huống xảy ra của thiên tai;
c) Chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp định kỳ và bất thường của Ban Chỉ huy PCLB Thành phố;
d) Thay mặt Trưởng ban ký công điện chỉ đạo các địa phương, các sở, ngành trong việc đối phó với thiên tai.
4. Các Phó Trưởng ban khác và Ủy viên Ban Chỉ huy:
a) Chủ động đề ra chương trình công tác và thực hiện các nhiệm vụ được Trưởng ban phân công (theo bản phân công chi tiết cho các thành viên);
b) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc kế hoạch PCLB hàng năm; kiểm tra việc tổ chức đào tạo, huấn luyện, quản lý vật tư phương tiện, quyết định đầu tư, trang bị phục vụ công tác PCLB; chủ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp về thiên tai theo chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành và ở các quận, huyện, thị xã được Trưởng ban phân công;
c) Chỉ đạo và chủ động phối hợp các chuyên ngành, địa phương có liên quan xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp về lũ, bão và thiên tai.
Chương 3.
TỔ CHỨC VÀ NHIỆM VỤ CỦA VĂN PHÒNG THƯỜNG TRỰC
Điều 6. Tổ chức
Tổ chức Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCLB Thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định.
Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCLB Thành phố
1. Tổ chức phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ huy PCLB Thành phố;
2. Thường xuyên nắm tình hình về công tác PCLB; tham mưu cho Ban Chỉ huy PCLB Thành phố điều hành, phối hợp các nhiệm vụ thường xuyên và chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống xảy ra của lụt, bão, úng ngập;
3. Chuẩn bị các báo cáo theo yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ huy PCLB Thành phố;
4. Đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch huấn luyện, đào tạo, nghiên cứu khoa học về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai;
5. Quản lý công văn, tài liệu, quản lý con dấu theo qui định của Nhà nước;
6. Kiểm tra, đôn đốc cơ quan thường trực phòng, chống lụt, bão các địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão và khắc phục hậu quả lụt, bão được giao; chủ động phối hợp với cơ quan thường trực phòng, chống lụt, bão của các địa phương liên quan ngoài Thành phố trong các hoạt động về thiên tai; đề xuất những biện pháp cần thiết để phòng ngừa, nhằm giảm thiệt hại và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; tranh thủ sự trợ giúp từ bên ngoài về phòng, chống lut, bão, giảm nhẹ thiên tai;
7. Chuẩn bị nội dung và tổ chức các hội nghị, hội thảo, các cuộc họp của Ban Chỉ huy PCLB thường kỳ và đột xuất;
8. Tổ chức thường trực theo chế độ 24/24 giờ tại Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCLB theo quy định về Chế độ trực ban hàng năm để nắm chắc mọi thông tin, giúp Trưởng Ban Chỉ huy PCLB chỉ đạo kịp thời và có hiệu quả các hoạt động phòng, chống lụt, bão, úng ngập;
9. Kiểm tra, đôn đốc việc điều hành các hồ chứa có liên quan đến trách nhiệm của Ban Chỉ huy PCLB theo đúng qui trình vận hành;
10. Cung cấp kịp thời các tài liệu có liên quan đến công tác phòng, chống lụt, bão trong Thành phố cho các thành viên Ban Chỉ huy;
11. Thay mặt Thường trực Ban Chỉ huy làm việc với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông đại chúng, phát ngôn về tình hình thiên tai và thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chương 4.
PHỐI HỢP CHỈ ĐẠO VÀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO
Điều 8. Chế độ ban hành lệnh, công điện
Ban Chỉ huy PCLB Thành phố ban hành lệnh, công điện chỉ đạo các biện pháp ứng phó trong các trường hợp:
1. Lũ ở mức báo động I, II, III trở lên;
2. Mưa lớn, bão có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; thiên tai xảy ra nghiêm trọng.
Điều 9. Triển khai chỉ đạo, đối phó
1. Khi nhận được lệnh, công điện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Chỉ huy PCLB Thành phố, Ban Chỉ huy PCLB các sở, ngành, địa phương, đơn vị phải nghiêm túc triển khai ngay các biện pháp để ứng phó kịp thời các tình huống về thiên tai diễn ra trên địa bàn theo qui định của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão; Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ và các văn bản qui phạm pháp luật liên quan.
2. Công tác chỉ đạo đối phó với thiên tai thực hiện theo nguyên tắc: Thiên tai xảy ra trên địa bàn của cấp nào, cấp đó chủ động huy động nguồn lực trên địa bàn đó để triển khai đối phó theo phương châm “4 tại chỗ” và xử lý ngay từ giờ đầu. Trường hợp vượt quá khả năng tự ứng phó của địa phương thì báo cáo đề nghị cấp trên trực tiếp hỗ trợ.
3. Một số nội dung qui định cụ thể đối phó với thiên tai tại từng địa bàn thuộc địa phương gồm:
a) Quyết định việc cảnh báo và triển khai công tác phòng chống, chống đối với từng địa bàn xung yếu;
b) Tổ chức thống kê, rà soát các vùng nguy hiểm và dự kiến số dân có thể bị ảnh hưởng trực tiếp thiên tai; dự kiến khu vực an toàn để đưa dân đến trú tránh;
c) Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình dân sinh; các công trình công cộng; đảm bảo an toàn hồ chứa, đê điều, các công trình hạ tầng…
d) Quyết định về quy mô, số lượng và thời điểm tổ chức di dời dân đến nơi an toàn;
e) Kiểm soát chặt chẽ các bến đò ngang; bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn tại những nơi nước ngập nguy hiểm, dòng chảy xiết khi xảy ra mưa lớn, lũ;
f) Quyết định các hoạt động sản xuất của nhân dân (phòng, chống ngập úng, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp…) trên cơ sở chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố và ảnh hưởng của thiên tai đối với địa phương.
Điều 10. Chế độ thông tin, báo cáo
1. Khi có dự báo áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, bão gần, bão khẩn cấp ảnh hưởng tới địa bàn thành phố Hà Nội; lũ các sông ở mức báo động I, II:
a) Ban Chỉ huy PCLB các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành thường xuyên theo dõi thông tin mưa, bão, lũ; báo cáo hàng ngày công tác chuẩn bị đối phó với mưa, lũ của địa phương, đơn vị về Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB Thành phố vào lúc 16h00”.
b) Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB Thành phố tổng hợp toàn diện công tác phòng, chống lụt, bão; báo cáo hàng ngày về Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Chỉ huy PCLB Thành phố vào lúc 18h00”.
2. Khi xảy ra mưa lớn, bão đổ bộ vào đất liền ảnh hưởng đến địa bàn Thành phố, lũ các sông ở mức báo động III trở lên:
a) Ban Chỉ huy PCLB các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành thường xuyên theo dõi thông tin mưa, bão, lũ; báo cáo nhanh công tác phòng, chống lụt, bão của địa phương, đơn vị gửi về Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB Thành phố, Ban Chỉ huy PCLB Thành phố và Ủy ban nhân dân Thành phố (báo cáo 2 lần/ngày vào lúc: 7h00’ và 16h00’). Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB Thành phố tổng hợp toàn diện công tác phòng, chống lụt, bão của Thành phố; báo cáo nhanh Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Chỉ huy PCLB Thành phố (báo cáo 2 lần/ngày vào lúc: 7h30’ và 17h00’.
b) Nội dung báo cáo gồm: Diễn biến của mưa, bão, lũ tại địa phương, đơn vị; hiện trạng dân cư tại các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng, hiện trạng công trình cơ sở hạ tầng (hồ chứa, đê điều, thủy lợi, giao thông, trường học, bệnh viện…) những vấn đề được đặc biệt quan tâm; thiệt hại ban đầu về công tác chỉ đạo và khắc phục; kiến nghị, đề xuất.
3. Ngay lập tức khi xảy ra mưa đá, lốc, lũ quét, lũ rừng ngang, sạt lở đất…, sự cố xảy ra trong phòng, chống lụt, bão, Ban Chỉ huy PCLB các quận, huyện, thị xã báo cáo kịp thời, thường xuyên (2 giờ/lần) toàn diện tình hình, gửi về Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB Thành phố, Ban Chỉ huy PCLB Thành phố và Ủy ban nhân dân Thành phố; Văn Phòng Ban Chỉ huy PCLB Thành phố tổng hợp, báo cáo ngay Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Chỉ huy PCLB Thành phố để kịp thời chỉ đạo.
Nội dung báo cáo gồm: Vị trí, thời điểm, qui mô, diễn biến thiên tai, sự cố; thiệt hại ban đầu (người, nhà cửa, công trình, lúa, hoa màu, thủy sản….); những thông tin ban đầu về công tác chỉ đạo và khắc phục; kiến nghị, đề xuất.
4. Báo cáo tổng hợp sau từng đợt thiên tai:
Kết thúc mỗi đợt thiên tai, Ban Chỉ huy PCLB các quận, huyện, thị xã phải tổ chức kiểm tra, phân loại, đánh giá tình hình thiệt hại; lập báo cáo tổng hợp về diễn biến, tình hình thiệt hại, công tác chỉ đạo đối phó, nhu cầu cứu trợ và khắc phục hậu quả, các đề nghị, gửi về Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB Thành phố. Văn Phòng Ban Chỉ huy PCLB Thành phố tổng hợp toàn diện tình hình, báo cáo Ban Chỉ huy PCLB Thành phố và Ủy ban nhân dân Thành phố.
Báo cáo chậm nhất sau 02 ngày kể từ khi kết thúc đợt thiên tai.
5. Báo cáo tổng hợp hàng năm:
Gồm tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai trong năm; phương hướng, nhiệm vụ năm tiếp theo; báo cáo gửi về Ban Chỉ huy PCLB Thành phố để đánh giá, tổng hợp chung vào báo cáo toàn Thành phố. Báo cáo phải được gửi muộn nhất vào 10 ngày đầu tháng 12 hàng năm (sau khi gửi báo cáo, nếu xảy ra thiên tai sẽ báo cáo bổ sung sau đó).
Điều 11. Phương thức gửi công điện, báo cáo, công văn
Trong khi thiên tai đang diễn ra, các công điện, báo cáo, công văn được gửi bằng Fax, thư điện tử để đảm bảo thông tin kịp thời, sau đó văn bản chính thức được gửi bằng đường bưu điện để lưu theo qui định.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Ban Chỉ huy PCLB Thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đơn vị, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình triển khai thực hiện có những vấn đề chưa phù hợp, các cơ quan, địa phương, đơn vị phản ánh về Thường trực Ban Chỉ huy PCLB Thành phố để tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định bổ sung, sửa đổi./.