hieuluat

Quyết định 162a/QĐ-TANDTC Quy chế tổ chức và hoạt động của Nhóm biên, phiên dịch của Tòa án nhân dân tối cao

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Toà án nhân dân tối caoSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:162a/QĐ-TANDTCNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Nguyễn Thúy Hiền
    Ngày ban hành:30/06/2020Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:30/06/2020Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Cơ cấu tổ chức, Tư pháp-Hộ tịch
  • TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ___________

    Số: 162a/QĐ-TANDTC

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    ________________________

    Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2020

     

     

     

    QUYẾT ĐỊNH

    Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Nhóm biên, phiên dịch của Tòa án nhân dân tối cao

    _____________

    CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

     

    Căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014;

    Căn cứ vào Quyết định số 918/2015/QĐ-TANDTC ngày 23 tháng 6 năm 2015 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao;

    Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ và Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế;

     

    QUYẾT ĐỊNH:

     

    Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Nhóm biên, phiên dịch của Tòa án nhân dân tối cao.

    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

    Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

     

    Nơi nhận:

    - Như Điều 3;

    - Chánh án TANDTC (để báo cáo);

    - Các Phó Chánh án TANDTC (để biết);

    - Thủ trưởng các đơn vị TANDTC (để thực hiện);

    - Các Tòa án nhân dân cấp cao (để thực hiện);

    - Các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (để thực hiện);

    - Lưu: VP, Vụ HTQT.

    KT. CHÁNH ÁN

    PHÓ CHÁNH ÁN

     

     

     

     

     

    Nguyễn Thúy Hiền

     

     

     
     

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ___________

     

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    ________________________

     

     

     

     

    QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NHÓM BIÊN, PHIÊN DỊCH CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 162a/TANDTC ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)

    Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

    1. Quy chế này quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Nhóm biên, phiên dịch của Tòa án nhân dân tối cao (sau đây viết tắt là Nhóm biên, phiên dịch).

    2. Quy chế này áp dụng đối với Ban quản lý và các thành viên thuộc Nhóm biên, phiên dịch; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thành viên thuộc Nhóm biên, phiên dịch và các cơ quan, đơn vị sử dụng dịch vụ biên, phiên dịch.

    Điều 2. Vị trí pháp lý của Nhóm biên, phiên dịch

    1. Nhóm biên, phiên dịch của Tòa án nhân dân tối cao không phải là một tổ chức độc lập, không có tài khoản, con dấu riêng và chỉ hoạt động khi có các nhiệm vụ phát sinh.

    2. Nhóm biên, phiên dịch của Tòa án nhân dân tối cao do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thành lập.

    Điều 3. Chức năng và nhiệm vụ của Nhóm biên, phiên dịch

    1. Biên, phiên dịch phục vụ các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của hệ thống Tòa án nhân dân:

    a) Biên, phiên dịch tài liệu cho các hội nghị, hội thảo quốc tế do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức;

    b) Biên dịch, hiệu đính các tài liệu, văn bản, điều ước, thỏa thuận quốc tế, mẫu giấy tờ và các tài liệu liên quan phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đối ngoại của hệ thống Tòa án nhân dân;

    c) Biên dịch tin, bài, tài liệu, văn bản pháp luật phục vụ cho phiên bản tiếng Anh trên cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao, Trang thông tin của Hội đồng Chánh án ASEAN, Trang Tương trợ tư pháp bằng tiếng Anh.

    2. Phiên dịch tại phiên tòa theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

    3. Các hoạt động biên, phiên dịch liên quan khác khi có yêu cầu; cung cấp danh sách cộng tác viên cho các Tòa án để xem xét trong việc mời phiên dịch.

     

    Chương II. TỔ CHỨC, BỘ MÁY VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NHÓM BIÊN, PHIÊN DỊCH

     

    Điều 4. Cơ cấu tố chức của Nhóm biên, phiên dịch

    Cơ cấu tổ chức của Nhóm biên, phiên dịch bao gồm Ban quản lý và các thành viên.

    Ban quản lý Nhóm biên, phiên dịch có Trưởng Nhóm và các Phó Trưởng Nhóm. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Tòa án nhân dân tối cao làm Trưởng Nhóm, các Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế làm Phó Trưởng Nhóm biên, phiên dịch.

    Thành viên Nhóm biên, phiên dịch sẽ được tuyển chọn thông qua thi tuyển hoặc các hình thức tuyển chọn phù hợp khác.

    Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Nhóm biên, phiên dịch

    1. Chỉ đạo, điều hành và chịu trách nhiệm về hoạt động của Nhóm biên, phiên dịch; chịu trách nhiệm trước Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhóm biên, phiên dịch.

    2. Phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc trưng tập công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ; mời cộng tác viên của Nhóm thực hiện công tác biên, phiên dịch.

    Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng Nhóm biên, phiên dịch

    1. Quản lý, điều hành hoạt động của Nhóm biên, phiên dịch theo sự phân công của Trưởng Nhóm biên, phiên dịch.

    2. Phó Trưởng Nhóm biên, phiên dịch chịu trách nhiệm trước Trưởng Nhóm về nhiệm vụ được giao.

    Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của các thành viên

    1. Được cử làm phiên dịch, biên dịch theo yêu cầu của Ban quản lý Nhóm biên, phiên dịch.

    2. Được dành thời gian làm việc hợp lý trong giờ hành chính để thực hiện nhiệm vụ biên, phiên dịch được giao.

    3. Được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ.

    4. Được hưởng thù lao theo từng vụ việc trên cơ sở thỏa thuận, phù hợp với định mức theo quy định của ngân sách nhà nước hoặc của nhà tài trợ.

    5. Chịu trách nhiệm cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ biên, phiên dịch. Kết quả thực hiện nhiệm vụ này được xem xét khi đánh giá công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng đột xuất và hàng năm.

    6. Thực hiện nhiệm vụ biên, phiên dịch theo sự phân công của Trưởng Nhóm biên, phiên dịch và sự nhất trí của Thủ trưởng đơn vị chủ quản.

    7. Chấp hành quy định của Quy chế này.

    Điều 8. Nguyên tắc hoạt động

    1. Đảm bảo tính chính xác, hiệu quả và kịp thời trong hoạt động của Nhóm biên, phiên dịch.

    2. Các thành viên Nhóm hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Khi thực hiện nhiệm vụ biên, phiên dịch, các thành viên vẫn phải đảm bảo chất lượng công tác chuyên môn chính được phân công.

    3. Nhiệm vụ biên, phiên dịch được phân công chủ yếu cho các thành viên thuộc biên chế của Vụ Hợp tác quốc tế. Các thành viên khác chỉ thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.

    Điều 9. Quy trình bố trí biên, phiên dịch

    1. Trưởng Nhóm biên, phiên dịch điều phối, phân công công việc của Nhóm.

    2. Đối với công tác biên, phiên dịch các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế:

    a) Đối với thành viên Nhóm biên, phiên dịch thuộc công chức Vụ Hợp tác quốc tế, Ban quản lý Nhóm phân công nhiệm vụ cho các thành viên;

    b) Đối với thành viên Nhóm không thuộc điểm a, khoản 2 Điều này, là công chức, viên chức thuộc hệ thống Tòa án nhân dân thì Thủ trưởng đơn vị chủ quản có trách nhiệm xem xét, bố trí và đảm bảo điều kiện cho công chức, viên chức được trưng tập thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của Trưởng Nhóm biên, phiên dịch.

    c) Đối với thành viên Nhóm biên, phiên dịch không thuộc hệ thống Tòa án nhân dân, Ban quản lý Nhóm trực tiếp thực hiện việc điều phối công việc.

    3. Đối với phiên dịch tại các phiên tòa, Tòa án nhân dân tại nơi diễn ra phiên tòa liên hệ trực tiếp với phiên dịch hoặc thông qua Ban quản lý Nhóm để được hỗ trợ.

     

    Chương III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

     

    Điều 10. Trách nhiệm của Vụ Hợp tác quốc tế

    1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện Đề án này.

    2. Phân công công chức của Vụ Hợp tác quốc tế thực hiện nhiệm vụ biên, phiên dịch.

    3. Chủ trì xây dựng kế hoạch, hồ sơ tuyển chọn thành viên và kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho các thành viên của Nhóm biên, phiên dịch gửi Vụ Tổ chức - Cán bộ thẩm định, trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ký ban hành.

    4. Quản lý hoạt động của Nhóm biên, phiên dịch. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để chỉ đạo giải quyết.

    Điều 11. Trách nhiệm của Vụ Tổ chức - Cán bộ

    1. Thẩm định kế hoạch, hồ sơ tuyển chọn thành viên do Vụ Hợp tác quốc tế xây dựng, trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ký ban hành.

    2. Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho các thành viên Nhóm biên, phiên dịch.

    Điều 12. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan khác

    1. Văn phòng, Cục Kế hoạch - Tài chính Tòa án nhân dân tối cao bố trí kinh phí cho việc triển khai các hoạt động của Nhóm biên, phiên dịch.

    2. Các đơn vị liên quan khác thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí công chức, viên chức là thành viên Nhóm biên, phiên dịch thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.

    Điều 13. Trách nhiệm của Nhóm biên, phiên dịch

    1. Thực hiện các quy định tại Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan.

    2. Định kỳ hằng năm tổ chức tổng kết, đánh giá hoạt động và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kết quả hoạt động của Nhóm biên, phiên dịch.

    Điều 14. Sửa đổi, bổ sung Quy chế

    1. Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh với Vụ Hợp tác quốc tế. Vụ Hợp tác quốc tế có trách nhiệm tổng hợp ý kiến, báo cáo lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao.

    2. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định./.

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Tổ chức Tòa án nhân dân của Quốc hội, số 62/2014/QH13
    Ban hành: 24/11/2014 Hiệu lực: 01/06/2015 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X