hieuluat

Quyết định 1786/QĐ-KTNN bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên Nhà nước

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Kiểm toán Nhà nướcSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:1786/QĐ-KTNNNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Hồ Đức Phớc
    Ngày ban hành:01/11/2016Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:01/11/2016Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Cơ cấu tổ chức
  • KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
    ---------------
    Số: 1786/QĐ-KTNN
    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ------------------
    Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2016
     
     
    QUYẾT ĐỊNH
    Ban hành Quy định về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm
    các ngạch Kiểm toán viên nhà nước
    ------------------
    TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
     
    Căn cứ Luật cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;
    Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước ngày 24/6/2015;
    Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
     
    QUYẾT ĐỊNH:
     
    Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước.
    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Quyết định này thay thế Quyết định số 04/2008/QĐ-KTNN ngày 10 tháng 3 năm 2008 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành quy định về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước.
    Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức của Kiểm toán nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
     

    Nơi nhận:
    - Như Điều 3;
    - Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước;
    - Đảng ủy Kiểm toán nhà nước;
    - Công đoàn Kiểm toán nhà nước;
    - Đoàn TNCS HCM Kiểm toán nhà nước;
    - Lưu: VT, TCCB (03).
    TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

     
    (Đã ký)
     
    Hồ Đức Phớc
     
     

    KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
    ------------------
     
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
    -----------------------
     
     
    QUY ĐỊNH VỀ VIỆC BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM
    CÁC NGẠCH KIỂM TOÁN VIÊN NHÀ NƯỚC
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 1786 /QĐ-KTNN
    ngày 01 tháng 11 năm 2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước)
     
    Chương I
    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
     
    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
    1. Quy định này quy định về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước đối với công chức của Kiểm toán nhà nước.
    2. Việc xét nâng ngạch không qua thi đối với công chức đã có thông báo nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Nhà nước, không chịu sự điều chỉnh của Quy định này.
    Điều 2. Nguyên tắc bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước
    Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, dân chủ.
    Những người trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc trong thời gian đang bị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật không được bổ nhiệm vào các ngạch Kiểm toán viên nhà nước.
     
    Chương II
    BỔ NHIỆM CÁC NGẠCH KIỂM TOÁN VIÊN NHÀ NƯỚC
     
    Điều 3. Bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên 
    Người ở ngạch tương đương ngạch Kiểm toán viên, được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, đáp ứng các tiêu chuẩn của ngạch Kiểm toán viên quy định tại Điều 23 Luật Kiểm toán nhà nước được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên.
    Điều 4. Bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên chính 
    1. Kiểm toán viên trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch kiểm toán viên lên kiểm toán viên chính được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên chính.
    2. Người ở ngạch tương đương ngạch Kiểm toán viên chính, được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, đáp ứng các tiêu chuẩn sau được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên chính:
    a) Đáp ứng các tiêu chuẩn chung của Kiểm toán viên nhà nước quy định tại Điều 21 Luật Kiểm toán nhà nước;
    b) Đáp ứng các tiêu chuẩn của ngạch Kiểm toán viên chính quy định tại Điều 24 Luật Kiểm toán nhà nước;
    Điều 5. Bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên cao cấp
    1. Kiểm toán viên chính trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch kiểm toán viên chính lên kiểm toán viên cao cấp được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên cao cấp.
    2. Người ở ngạch tương đương ngạch Kiểm toán viên cao cấp, được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, đáp ứng các tiêu chuẩn sau được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên cao cấp:
    a) Đáp ứng các tiêu chuẩn chung của Kiểm toán viên nhà nước quy định tại Điều 21 Luật Kiểm toán nhà nước;
    b) Đáp ứng các tiêu chuẩn của ngạch Kiểm toán viên cao cấp quy định tại Điều 25 Luật Kiểm toán nhà nước;
    Điều 6. Các trường hợp chưa được xét bổ nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước
    1. Công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch lên ngạch kiểm toán viên chính, kiểm toán viên cao cấp; công chức đỗ kỳ thi ngạch kiểm toán viên, ngạch kiểm toán viên chính, ngạch kiểm toán viên cao cấp nhưng vi phạm kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không được bổ nhiệm vào ngạch mới trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
    2. Công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch lên ngạch kiểm toán viên chính, kiểm toán viên cao cấp; công chức đỗ kỳ thi ngạch kiểm toán viên, ngạch kiểm toán viên chính, ngạch kiểm toán viên cao cấp nhưng đang trong thời gian bị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật thì chưa được xem xét bổ nhiệm vào ngạch mới.
    Điều 7. Hồ sơ trình Tổng Kiểm toán nhà nước bổ nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước
    1. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm theo chế độ thi nâng ngạch
    a) Quyết định công nhận công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch kiểm toán viên lên kiểm toán viên chính, kiểm toán viên chính lên kiểm toán viên cao cấp của cấp có thẩm quyền;
    b) Danh sách trích ngang công chức đề nghị bổ nhiệm.
    2. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm theo chế độ chuyển ngạch
    a) Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước công nhận công chức đạt kết quả kỳ thi ngạch kiểm toán viên, kỳ thi ngạch kiểm toán viên chính, kỳ thi ngạch kiểm toán viên cao cấp;
    b) Danh sách trích ngang công chức đề nghị bổ nhiệm.
     
    Chương III
    MIỄN NHIỆM CÁC NGẠCH KIỂM TOÁN VIÊN NHÀ NƯỚC
     
    Điều 8. Các trường hợp miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước
    1. Kiểm toán viên nhà nước được miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:
    a) Nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành;
    b) Vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà xét thấy không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
    2. Kiểm toán viên nhà nước bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:
    a) Bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
    b) Vi phạm các quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Kiểm toán nhà nước;
    c) Vi phạm phẩm chất đạo đức Kiểm toán viên nhà nước;
    d) Không hoàn thành nhiệm vụ ở ngạch được bổ nhiệm;
    đ) Có bằng chứng phát hiện người đã được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên nhà nước có gian lận trong thi cử, hồ sơ bổ nhiệm vào ngạch.
    Điều 9. Trình tự xét miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước
    1. Công chức thuộc các trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 và Điểm a Khoản 2 Điều 8 đương nhiên được (bị) miễn nhiệm các ngạch kiểm toán viên nhà nước.
    2. Thủ trưởng đơn vị có công chức thuộc đối tượng miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước theo quy định tại Điểm b Khoản 1; Điểm b, c, d, đ Khoản 2 Điều 8 của Quy định này; thành lập Hội đồng xét miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước của đơn vị.
    Thành phần Hội đồng từ 5 đến 7 người, gồm:
    a) Đại diện Lãnh đạo đơn vị làm Chủ tịch Hội đồng;
    b) Đại diện cấp ủy của đơn vị - Ủy viên;
    c) Đại diện Ban chấp hành Công đoàn của đơn vị - Ủy viên;
    d) Đại diện lãnh đạo bộ phận chuyên môn, trực tiếp quản lý hành chính của công chức xét miễn nhiệm - Ủy viên;
    đ) Đại diện lãnh đạo một số bộ phận chuyên môn, công chức có năng lực, trình độ nghiệp vụ ở cùng ngạch hoặc ở ngạch cao hơn - Ủy viên;
    Chủ tịch Hội đồng phân công một ủy viên kiêm thư ký.
    2. Hội đồng xét miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước của đơn vị tổ chức họp để xem xét việc miễn nhiệm hay không miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước và đề xuất ngạch công chức khác sau khi miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước.
    3. Thủ trưởng đơn vị làm văn bản đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ) xem xét miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước đối với công chức (kèm danh sách trích ngang, biên bản họp Hội đồng và các tài liệu có liên quan).
    4. Tổng Kiểm toán nhà nước thành lập Hội đồng xét miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước của Kiểm toán nhà nước.
    Thành phần Hội đồng từ 05 đến 07 người, gồm:
    a) Đại diện Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng;
    b) Đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ - Ủy viên;
    c) Đại diện Ban chấp hành Công đoàn Kiểm toán nhà nước - Ủy viên;
    d) Đại diện Lãnh đạo đơn vị có công chức xét miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước - Ủy viên;
    e) Đại diện Lãnh đạo một số bộ phận chuyên môn, công chức có năng lực, trình độ nghiệp vụ ở cùng ngạch hoặc ở ngạch cao hơn - Ủy viên;
    g) Chuyên viên quản lý ngạch công chức của Vụ Tổ chức cán bộ là Ủy viên kiêm thư ký.
    5. Hội đồng xét miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước của Kiểm toán nhà nước tổ chức họp để xem xét lại việc miễn nhiệm hay không miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước và đề xuất ngạch công chức khác sau khi miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước.
    6. Khi có kết luận và đề nghị của Hội đồng xét miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước của Kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, ký Quyết định miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước và chuyển ngạch thích hợp đối với công chức.
     
    Chương IV
    TỔ CHỨC THỰC HIỆN
     
    Điều 10. Trách nhiệm thi hành
    1. Tổng Kiểm toán nhà nước:
    a) Quyết định thành lập Hội đồng xét miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước của Kiểm toán nhà nước;
    b) Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước đối với công chức Kiểm toán nhà nước.
    2. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước:
    a) Thành lập Hội đồng xét miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước của đơn vị;
    b) Đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước.
    3. Vụ Tổ chức cán bộ:
    Giúp Tổng Kiểm toán nhà nước và Hội đồng xét miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước của Kiểm toán nhà nước:
    a) Trình Tổng Kiểm toán nhà nước thành lập Hội đồng xét miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước của Kiểm toán nhà nước;
    b) Thẩm định các tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước;
    c) Trình Tổng Kiểm toán nhà nước ký quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước;
    d) Theo dõi, quản lý hồ sơ, quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước.
    Điều 11. Hiệu lực thi hành
    Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
    Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung./.
     

    TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
     
    (Đã ký)
     
    Hồ Đức Phớc
     
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 của Quốc hội
    Ban hành: 13/11/2008 Hiệu lực: 01/01/2010 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật Kiểm toán Nhà nước của Quốc hội, số 81/2015/QH13
    Ban hành: 24/06/2015 Hiệu lực: 01/01/2016 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X