BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ------------------- Số: 2322/QĐ-BNN-TCCB | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------------ Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ
Ở CƠ SỞ BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
----------------------------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ Ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan; Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết khoản 3 điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
Căn cứ Quyết định số 3396/QĐ-BNN-TCCB ngày 20/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Xét đề nghị của Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (tại Tờ trình số 295/TTr-CĐN ngày 06/9/2013);
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, các thành viên, tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Ban Dân vận TW (để b/c); - Bộ trưởng, Bí thư BCS (để b/c); - Công đoàn NN&PTNT VN; - Lưu: VT, TCCB, CĐN. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Thị Xuân Thu |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ
Ở CƠ SỞ BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2322/QĐ-BNN-TCCB ngày 08/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là Ban Chỉ đạo) có nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động và chỉ đạo triển khai việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở của Bộ và các đơn vị trực thuộc.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn và thành phần của Ban Chỉ đạo được quy định tại Quyết định số 3396/QĐ-BNN-TCCB ngày 20 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chương 2.
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO
Điều 3. Nhiệm vụ
1. Tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ (sau đây gọi là đơn vị).
2. Xây dựng các chương trình, đề án nghiên cứu, khảo sát, tổ chức hội thảo, hội nghị quán triệt, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.
3. Chủ động hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở theo đúng quy định; tập trung chỉ đạo nhằm mở rộng và phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động liên quan đến việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.
4. Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tại các đơn vị; kiến nghị, đề xuất với Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở (Ban Chỉ đạo Trung ương) chủ trương, giải pháp nhằm tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện QCDC ở tất cả các loại hình cơ sở; đồng thời kiến nghị với Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện QCDC ở cơ sở.
Điều 4. Quyền hạn
1. Liên hệ, làm việc với cấp ủy Đảng, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của các đơn vị trực thuộc Bộ về những nội dung liên quan đến việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.
2. Tổ chức kiểm tra, nghiên cứu, khảo sát các loại hình cơ sở và lắng nghe ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động những nội dung liên quan đến việc thực hiện QCDC ở cơ sở.
3. Kiến nghị, đề xuất với Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ về những chủ trương, giải pháp nhằm chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở.
4. Tham dự các hội thảo, hội nghị chuyên đề, sơ kết, tổng kết về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở được tổ chức ở các cấp.
5. Được sử dụng con dấu của Bộ theo quy định hiện hành.
6. Được cung cấp thông tin và những tài liệu có liên quan để phục vụ công tác sơ kết, tổng kết, nghiên cứu tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.
7. Thành viên Ban Chỉ đạo khi thực hiện nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo phân công được sử dụng quyền hạn của Ban Chỉ đạo quy định tại Điều này tương ứng với nhiệm vụ được phân công.
Điều 5. Phương tiện làm việc và điều kiện hoạt động
Phương tiện làm việc và điều kiện hoạt động của các thành viên Ban Chỉ đạo do đơn vị nơi công tác đảm nhiệm. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo sử dụng bộ máy giúp việc của đơn vị nơi công tác và Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Điều 6. Kinh phí hoạt động
Kinh phí hoạt động hàng năm của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của Bộ do Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xây dựng dự toán và quyết toán theo quy định của Nhà nước.
Chương 3.
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CÁC ỦY VIÊN VÀ CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC CỦA BAN CHỈ ĐẠO
Điều 7. Phân công trách nhiệm các thành viên Ban Chỉ đạo
1. Trưởng ban: Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Quyết định và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về toàn bộ các hoạt động của Ban Chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo được quy định tại Quyết định số 3396/QĐ-BNN-TCCB ngày 20 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
b) Chỉ đạo chung hoạt động của Ban Chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo, chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, trực tiếp trao đổi, làm việc và kiểm tra thực tế tại địa phương;
c) Dự các cuộc họp khi được Ban Bí thư Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương mời;
d) Chỉ đạo xây dựng và ban hành các quyết định, văn bản hướng dẫn liên quan đến việc thực hiện QCDC ở cơ sở;
đ) Ủy quyền cho Phó Trưởng ban hoặc các thành viên khác giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của Trưởng ban khi cần thiết.
2. Phó Trưởng ban thường trực: Ông Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam:
a) Giúp Trưởng ban điều hành, giải quyết các công việc thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo;
b) Giúp Trưởng ban tổ chức các cuộc họp của Ban Chỉ đạo;
c) Thừa ủy quyền Trưởng ban chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, ngành có liên quan giải quyết các vấn đề liên quan đến xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở;
d) Trực tiếp chỉ đạo Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ nêu tại khoản 2 Điều 11 Quy chế này;
đ) Thay mặt Trưởng ban chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo khi được Trưởng ban ủy quyền;
e) Thay mặt Trưởng ban dự các cuộc họp của Ban Bí thư Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương mời khi được Trưởng ban ủy quyền;
g) Được sử dụng con dấu của đơn vị nơi công tác để đóng lên chữ ký của mình trên văn bản nhân danh Ban Chỉ đạo để liên hệ công việc với Ban Chỉ đạo Trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ (sau khi xin ý kiến và được sự đồng ý của Trưởng ban Ban Chỉ đạo);
h) Thực hiện các nhiệm vụ khác khi Trưởng ban phân công.
3. Phó Trưởng ban: Ông Trịnh Quang Khải, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Thay mặt Trưởng ban chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo khi được Trưởng ban ủy quyền;
b) Chủ trì, tham mưu cho Trưởng ban các nội dung liên quan đến việc thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy Bộ;
c) Dự các cuộc họp của Ban Bí thư Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương mời khi được Trưởng ban ủy quyền;
d) Thực hiện các nhiệm vụ khác khi Trưởng ban phân công.
4. Các Thành viên Ban Chỉ đạo
a) Thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch, chương trình công tác đã được Ban Chỉ đạo phân công;
b) Có trách nhiệm phối hợp với cấp ủy đảng, lãnh đạo đơn vị nơi mình công tác để chỉ đạo đơn vị và chỉ đạo theo hệ thống ngành dọc nhằm đưa việc thực hiện QCDC ở cơ sở vào nền nếp, thường xuyên và hiệu quả;
c) Tham dự đầy đủ các phiên họp của Ban Chỉ đạo và góp ý vào các văn bản khi được lấy ý kiến;
d) Cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết liên quan đến việc thực hiện QCDC ở cơ sở khi Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu;
đ) Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo trong việc chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện QCDC ở cơ sở.
Điều 8. Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo
Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có trách nhiệm giúp Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được phân công; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa các tập thể và cá nhân có liên quan với Ban Chỉ đạo; đảm bảo cho Ban Chỉ đạo hoạt động thường xuyên, thiết thực, hiệu quả.
Điều 9. Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo
Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo gồm: Trưởng ban (phụ trách) Ban Chính sách - Pháp luật Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Chánh Văn phòng Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có một số nhiệm vụ sau:
1. Phối hợp với các đơn vị, cá nhân có liên quan chuẩn bị chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo; chuẩn bị văn bản hướng dẫn; kế hoạch kiểm tra, sơ kết, tổng kết, các báo cáo, tờ trình của Ban Chỉ đạo; chuẩn bị nội dung các cuộc họp của Ban Chỉ đạo; đề xuất, kiến nghị với Trưởng ban, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để có biện pháp chỉ đạo kịp thời việc thực hiện QCDC ở cơ sở.
2. Thành viên Tổ giúp việc được mời tham dự các cuộc họp liên quan đến việc thực hiện QCDC ở cơ sở; tham gia các đoàn kiểm tra, khảo sát về thực hiện QCDC ở cơ sở.
3. Giữ mối liên hệ thường xuyên với Cơ quan thường trực và các thành viên của Ban Chỉ đạo.
4. Thành viên Tổ giúp việc có trách nhiệm giúp các thành viên Ban Chỉ đạo theo dõi, tổng hợp, báo cáo về thực hiện QCDC ở cơ sở; tham dự đầy đủ các phiên họp và góp ý vào các văn bản khi được lấy ý kiến; có trách nhiệm ghi biên bản cuộc họp và hoàn thiện văn bản sau cuộc họp.
Chương 4.
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ THÔNG TIN BÁO CÁO
Điều 10. Nguyên tắc làm việc của Ban Chỉ đạo
a) Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung thống nhất. Các thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm về phần việc được phân công và công việc thuộc lĩnh vực phụ trách. Trưởng ban quyết định các vấn đề của Ban Chỉ đạo;
b) Những công việc phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch công tác nếu vượt thẩm quyền giải quyết của một đơn vị sẽ được thảo luận tập thể dân chủ trong các kỳ họp của Ban Chỉ đạo để thống nhất biện pháp giải quyết.
Điều 11. Chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo và Cơ quan thường trực
1. Ban Chỉ đạo:
a) Ban Chỉ đạo có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ kiểm tra việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, văn bản hướng dẫn đã ban hành; kiến nghị với Ban Cán sự Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương và Chính phủ bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới cơ chế chính sách và những giải pháp nhằm thực hiện tốt QCDC ở cơ sở;
b) Ban Chỉ đạo định kỳ mỗi năm họp hai lần để xây dựng kế hoạch, đánh giá kết quả thực hiện 06 tháng và cả năm; đồng thời đề xuất với Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở. Khi có vấn đề phát sinh đột xuất, Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định triệu tập phiên họp bất thường để xem xét, giải quyết;
c) Định kỳ 06 tháng, hàng năm Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng, Ban Chỉ đạo Trung ương một lần và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
2. Cơ quan thường trực:
Là bộ phận thường trực giúp Ban Chỉ đạo giải quyết công việc thường xuyên thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo:
a) Chuẩn bị lịch họp, nội dung, tài liệu cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Tài liệu và những nội dung cần tập trung thảo luận phải gửi đến các thành viên Ban Chỉ đạo chậm nhất trước 02 ngày đối với phiên họp định kỳ;
b) Phối hợp với các đơn vị có liên quan giải quyết công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo;
c) Đôn đốc các thành viên của Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đã được phân công; tổ chức các cuộc họp của Ban Chỉ đạo;
d) Giúp Ban Chỉ đạo tổ chức sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở tại các đơn vị trực thuộc Bộ với Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng, Ban Chỉ đạo Trung ương.
Điều 12. Chế độ thông tin báo cáo
Các thành viên Ban Chỉ đạo báo cáo định kỳ (06 tháng và cả năm) tình hình thực hiện nhiệm vụ do Trưởng Ban Chỉ đạo phân công để kịp thời xử lý các yêu cầu và kiến nghị đề ra. Các báo cáo gửi về Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
a) Báo cáo 06 tháng: Trước ngày 20 tháng 6 hàng năm;
b) Báo cáo năm: Trước ngày 10 tháng 12 hàng năm.
2. Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Chỉ đạo báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng, Ban Chỉ đạo Trung ương.
Điều 13. Phát hành văn bản và quản lý hồ sơ
Các tài liệu, văn bản đi và đến của Ban Chỉ đạo được quản lý, sử dụng và lưu trữ theo quy định của Nhà nước.
Điều 14. Chế độ đi công tác
Căn cứ yêu cầu công việc và chương trình công tác, Ban Chỉ đạo tổ chức các chuyến công tác hoặc các thành viên chủ động đi công tác để nắm bắt tình hình, giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Các thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức, tham gia các đoàn công tác phải được sự phân công của Trưởng ban và tự túc phương tiện, thanh toán các chế độ với đơn vị nơi công tác theo quy định hiện hành.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Các thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm cá nhân trước Trưởng ban và trước Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp về những công việc được Trưởng ban phân công.
Điều 16. Trong quá trình thực hiện Quy chế nếu thấy có vướng mắc, các thành viên báo cáo về Cơ quan thường trực để kịp thời tổng hợp ý kiến, đề xuất nội dung sửa đổi trình Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét quyết định.