hieuluat

Quyết định 2360/QĐ-TTg hoạt động của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:05&06-01/2016
    Số hiệu:2360/QĐ-TTgNgày đăng công báo:03/01/2016
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành:22/12/2015Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:22/12/2015Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Cơ cấu tổ chức, Chính sách
  • THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
    -------
    Số: 2360/QĐ-TTg
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2015
     
     
    QUYẾT ĐỊNH
    BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VÀ PHỐI HỢP CỦA TỔ CHỨC ĐIỀU PHỐI PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
    ---------------------
    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
     
    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
    Căn cứ Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020;
    Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
     
    QUYẾT ĐỊNH:
     
    Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức hoạt động và phối hợp của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020.
    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 159/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm.
    Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong các vùng kinh tế trọng điểm chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
     

    Nơi nhận:
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
    - Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng KTTĐ;
    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    - Văn phòng Tổng Bí thư;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
    - Các thành viên Ban Chỉ đạo;
    - Văn phòng Ban Chỉ đạo (BKH&ĐT);
    - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
    - Lưu: VT, KTTH (3b).
    THỦ TƯỚNG




    Nguyễn Tấn Dũng
     
     
    QUY CHẾ
    TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VÀ PHỐI HỢP CỦA TỔ CHỨC ĐIỀU PHỐI PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 2360/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ)
     
    Chương I
    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
     
    Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
    1. Quy chế này quy định về tổ chức hoạt động và phối hợp của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (vùng KTTĐ) được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2015 nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ để thực hiện thành công định hướng phát triển các vùng KTTĐ được xác định trong chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội các vùng KTTĐ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
    2. Các vùng KTTĐ quy định tại Quy chế này bao gồm:
    a) Vùng KTTĐ Bắc Bộ gồm: thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc.
    b) Vùng KTTĐ miền Trung gồm: thành phố Đà Nẵng và các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
    c) Vùng KTTĐ phía Nam gồm: thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang.
    d) Vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long gồm: thành phố Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.
    Điều 2. Nguyên tắc phối hợp phát triển
    1. Tuân thủ chủ trương, đường lối đã xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, các Nghị quyết của Bộ Chính trị và quy định của pháp luật về chủ trương phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng KTTĐ.
    2. Lĩnh vực phối hợp là tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó lĩnh vực kinh tế là trọng tâm.
    3. Thực hiện phối hợp theo nguyên tắc: “thị trường vận hành và nhà nước thúc đẩy”, doanh nghiệp và từng địa phương có trách nhiệm đề xuất nhu cầu liên kết, nhà nước hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các liên kết thực hiện mục tiêu phát triển.
    4. Thực hiện phối hợp bảo đảm nguyên tắc đồng thuận giữa các Bộ, ngành; giữa các Bộ, ngành với các địa phương và giữa các địa phương với nhau trong các vùng kinh tế trọng điểm.
    5. Việc chủ trì tổ chức thực hiện công tác phối hợp sẽ được giao cho Bộ, ngành, địa phương nào có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan nhiều nhất đến lĩnh vực hoặc nhiệm vụ cần phối hợp đó.
    6. Hoạt động phối hợp được thực hiện thông qua Hội nghị Hội đồng vùng KTTĐ. Trên cơ sở nội dung các chính sách, chủ trương phát triển kinh tế, xã hội, các Bộ, ngành, địa phương trong vùng KTTĐ bàn bạc, thảo luận để thỏa thuận, thống nhất và triển khai các nội dung thực hiện liên kết, phối hợp;
    7. Những vấn đề không đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các Bộ, ngành và địa phương trong Vùng KTTĐ thì Văn phòng Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng KTTĐ (sau đây gọi tắt là Văn phòng Ban Chỉ đạo) có trách nhiệm tổng hợp ý kiến chung, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng KTTĐ (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
     
    Chương II
    NỘI DUNG PHỐI HỢP TRỌNG TÂM
     
    Điều 3. Về xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch
    1. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm trong các vùng KTTĐ phải được phối hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch, phù hợp với định hướng chung của Vùng và tránh chồng chéo, lãng phí.
    2. Phối hợp trong quá trình lập quy hoạch: việc lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch phải được thực hiện theo các quy định hiện hành. Để bảo đảm tính đồng bộ khi xây dựng, các quy hoạch cần lấy ý kiến tham gia của Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng KTTĐ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
    3. Phối hợp trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch: sau khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan, địa phương quản lý quy hoạch có trách nhiệm tổ chức công bố, công khai quy hoạch, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện quy hoạch. Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện và có trách nhiệm phối hợp trong việc giám sát, kiểm tra thực hiện quy hoạch.
    4. Các lĩnh vực cần phối hợp trong quá trình lập và tổ chức thực hiện quy hoạch như: Kết nối hệ thống giao thông; hạ tầng thông tin; hệ thống cung cấp nước sạch và sử dụng nguồn nước; xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại; sản xuất sản phẩm chủ yếu; phát triển nguồn nhân lực; cơ sở dạy nghề, đào tạo cao đẳng, đại học; cơ sở nghiên cứu khoa học; các bệnh viện và xử lý ô nhiễm môi trường.
    Điều 4. Về đầu tư phát triển
    1. Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các vùng KTTĐ đã được phê duyệt, Hội đồng vùng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong vùng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, huy động vốn đầu tư từ nước ngoài (vốn FDI, ODA), huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước tham gia đầu tư tại các địa phương trong vùng.
    2. Các lĩnh vực phối hợp chủ yếu trong đầu tư phát triển như: xử lý nước thải, chất thải rắn (nhất là chất thải rắn nguy hại); phát triển cảng biển, sân bay; xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối liên tỉnh, đường cao tốc; hạ tầng thông tin; phát triển công nghiệp, các khu công nghiệp phần mềm, điện tử, tin học; các khu công nghệ; xây dựng và phát triển trung tâm đào tạo chất lượng cao, hệ thống mạng lưới trường dạy nghề; hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cơ sở dữ liệu; phát triển hệ thống các trung tâm y tế chất lượng cao, trung tâm y tế vùng; phát triển và xây dựng các hồ thủy lợi, các công trình thủy điện và bảo vệ nguồn nước mặt.
    Việc xây dựng các công trình, dự án xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy hoạch của các địa phương lân cận và phải đảm bảo sự đồng bộ với triển khai các dự án có liên quan.
    3. Đối với các dự án đã có trong quy hoạch ngành, quy hoạch vùng KTTĐ, quy hoạch của địa phương trong vùng KTTĐ và đã thông qua chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn theo quy định của Luật Đầu tư công thì sau khi có quyết định đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương liên quan cần tiếp tục phối hợp để triển khai thực hiện.
    4. Đối với các dự án đã có trong các quy hoạch nhưng chưa khẳng định nguồn vốn đầu tư:
    a) Các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước: các Bộ, ngành và địa phương tuân thủ Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành.
    b) Các dự án đầu tư bằng nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác: các Bộ, ngành và địa phương cần công bố công khai quy hoạch và cơ chế cung cấp thông tin để định hướng đầu tư.
    5. Đối với các dự án đầu tư phát sinh do nhu cầu thực tế phát triển:
    a) Các dự án chỉ có trong quy hoạch phát triển ngành, không có trong quy hoạch phát triển vùng KTTĐ và quy hoạch của địa phương thì các Bộ, ngành phải lấy ý kiến Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng KTTĐ để thống nhất trước khi quyết định đầu tư và triển khai thực hiện;
    b) Các dự án chỉ có trong quy hoạch của địa phương mà không có trong quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch phát triển vùng KTTĐ thì các địa phương phải lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan và Hội đồng vùng KTTĐ trước khi quyết định đầu tư và triển khai thực hiện.
    Điều 5. Về đào tạo và sử dụng lao động
    1. Phối hợp trong việc xây dựng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề để đào tạo lao động cho các địa phương trong vùng nhằm phát huy thế mạnh của mỗi trường và tránh sự trùng lặp, kém hiệu quả.
    2. Phối hợp trong sử dụng lao động, nhất là lao động di chuyển, lao động khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế và định hướng, hướng dẫn, phối hợp hỗ trợ giới thiệu việc làm, hợp tác bố trí lao động, xử lý tranh chấp lao động khi cần thiết.
    3. Phối hợp trong việc xây dựng và bố trí nhà ở, các công trình thiết yếu cho người lao động; trong giải quyết các tệ nạn xã hội, vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội.
    Điều 6. Về xây dựng các cơ chế, chính sách.
    1. Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình để áp dụng chung cho vùng KTTĐ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với các cam kết quốc tế, nhất là các quy định về thuế, đầu tư, ngân sách nhà nước, lao động.
    2. Các Bộ, ngành rà soát, nghiên cứu xây dựng các văn bản sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ, huy động vốn đầu tư theo các quy định hiện hành để áp dụng chung cho các vùng KTTĐ:
    a) Bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương; thực hiện cơ chế xây dựng dự toán ngân sách địa phương một cách công khai, minh bạch;
    b) Cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển khu công nghệ, khu kinh tế, sản phẩm công nghệ cao, phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và công nghệ trực tiếp sản xuất;
    c) Hỗ trợ đào tạo nghề bậc cao, chính sách thu hút nhân tài.
    3. Ngoài chính sách chung cho toàn vùng KTTĐ, các địa phương có thể cụ thể hóa chính sách chung cho phù hợp với địa phương mình nhưng không trái với quy định hiện hành và các chính sách chung của toàn vùng. Khi có sự thay đổi cơ chế, chính sách, các Bộ, ngành, các địa phương phải thông báo cho nhau biết để phối hợp.
    Điều 7. Về cơ sdữ liệu hệ thống thông tin vùng
    1. Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm cung cấp thông tin về các lĩnh vực liên quan đến nội dung, cơ chế phối hợp phát triển trong các vùng KTTĐ cho Văn phòng Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng, Tổ điều phối của các Bộ, địa phương. Các nội dung thông tin cần cung cấp gồm: cơ chế chính sách, dự báo thị trường, các dự án đầu tư quy mô lớn, tiến bộ công nghệ và tình hình thực hiện hàng năm và 5 năm về các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, các chỉ tiêu về đầu tư nước ngoài, các chỉ tiêu về đầu tư từ ngoài tỉnh, các chỉ tiêu về xã hội và môi trường.
    2. Văn phòng Ban Chỉ đạo tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường chia sẻ thông tin giữa các địa phương trong từng vùng kinh tế trọng điểm, giữa các vùng với các Bộ, ngành và Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng nhằm xác định các vấn đề liên quan cần xử lý, khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo, không có tính hỗ trợ nhau. Các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương liên quan chịu trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới Văn phòng Ban Chỉ đạo để phục vụ công tác chỉ đạo chung.
     
    Chương III
    TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VÀ PHƯƠNG THỨC PHỐI HỢP
     
    Điều 8. Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo:
    1. Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ điều phối phát triển theo các chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020. Văn phòng Ban Chỉ đạo đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ thường trực của Ban Chỉ đạo.
    2. Ban Chỉ đạo họp mỗi năm 01 lần, trường hợp đột xuất có thể tổ chức họp theo yêu cầu của Trưởng Ban chỉ đạo.
    3. Trách nhiệm của Trưởng Ban chỉ đạo và các thành viên
    a) Trưởng ban: Phó Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo và điều hành chung.
    b) Phó Trưởng ban thường trực: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có nhiệm vụ:
    - Giúp Trưởng ban chuẩn bị chương trình và nội dung hoạt động của Ban Chỉ đạo, chủ trì các cuộc giao ban của Ban Chỉ đạo.
    - Thay mặt Trưởng ban chủ trì các cuộc họp, các hội nghị giao ban khi được Trưởng ban ủy quyền.
    - Thay mặt Trưởng ban chủ trì các buổi làm việc với các Bộ, ngành, các địa phương trong vùng KTTĐ để giải quyết các vấn đề cụ thể có liên quan đến tổ chức phối hợp phát triển trong các vùng KTTĐ.
    - Ký các văn bản điều hành chung của Ban Chỉ đạo, các báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền.
    - Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng ban giao.
    c) Các thành viên Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ:
    - Tham gia chỉ đạo chung theo chương trình của Ban Chỉ đạo.
    - Đại diện cho Bộ, ngành trong Ban Chỉ đạo.
    - Tổ chức triển khai thực hiện chương trình phối hợp phát triển của các Bộ và các địa phương trong các vùng KTTĐ đã được Ban Chỉ đạo thông qua.
    - Đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn có liên quan đến ngành mình, các địa phương để tạo điều kiện cho phát triển của các vùng KTTĐ.
    - Báo cáo theo định kỳ (06 tháng, cả năm) và đột xuất về tình hình phát triển và phối hợp phát triển của ngành mình với các ngành và các địa phương khác trong các vùng KTTĐ.
    - Đề xuất ý kiến của Bộ, ngành về các vấn đề có liên quan đến phát triển và phối hợp phát triển trong các vùng KTTĐ.
    - Tham gia đầy đủ các cuộc họp và các công việc chung của Ban Chỉ đạo. Trường hợp thuyên chuyển công tác, phải báo cáo và đề nghị người thay thế với Trưởng Ban Chỉ đạo.
    Điều 9. Hội đồng vùng và Tổ điều phối cấp tỉnh
    1. Hội đồng vùng thực hiện nhiệm vụ điều phối phát triển theo các chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020.
    2. Hội đồng vùng tổng hợp, xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung liên kết, phối hợp thường niên trong vùng, thông qua và quyết nghị tại Hội nghị liên tịch hàng năm. Việc triển khai tổ chức thực hiện các phối hợp thường niên thông qua các hoạt động của Tổ điều phối cấp tỉnh. Hội đồng vùng tổ chức phối hợp giải quyết những khó khăn về phát triển kinh tế cho địa phương có nhu cầu hỗ trợ trong vùng. Những khó khăn này là khó khăn mang tính tháo gỡ các điểm nút quan trọng của địa phương để giải quyết các nhiệm vụ kinh tế, xã hội địa phương.
    3. Hội đồng vùng tiếp nhận những yêu cầu, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cũng như các cơ chế, chính sách từ Bộ, ngành để triển khai thực hiện và theo dõi đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, các cơ chế chính sách nói trên; đồng thời tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các Tổ điều phối cấp tỉnh trong vùng để báo cáo Ban Chỉ đạo.
    4. Hội đồng vùng chính là chủ thể trong việc hình thành nội dung liên kết, phối hợp của vùng. Các nội dung liên kết, phối hợp phải được thông qua và quyết định ở kỳ họp liên tịch hàng năm.
    5. Cơ quan thường trực của Hội đồng vùng tổng hợp các nội dung cần liên kết, phối hợp từ các tỉnh thuộc vùng KTTĐ thông qua báo cáo của Tổ điều phối cấp tỉnh.
    6. Các nội dung phối hợp đã được thông qua và quyết định tại kỳ họp liên tịch được Hội đồng vùng triển khai tổ chức thực hiện thông qua Tổ điều phối cấp tỉnh.
    7. Trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng vùng và các thành viên
    a) Chủ tịch Hội đồng vùng có nhiệm vụ:
    - Chủ trì chương trình và nội dung hoạt động của Hội đồng vùng, các cuộc họp Hội nghị liên tịch, giao ban của Hội đồng vùng, các cuộc họp, hội nghị giao ban vùng KTTĐ. Chủ trì thông qua kế hoạch điều phối vùng hàng năm, nhiệm kỳ.
    - Chủ trì các buổi làm việc với các địa phương trong vùng KTTĐ để giải quyết các vấn đề cụ thể có liên quan đến tổ chức phối hợp phát triển trong vùng KTTĐ.
    - Ký các văn bản điều hành chung của Hội đồng vùng, các báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ; giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền.
    b) Các thành viên khác trong Hội đồng vùng có nhiệm vụ:
    - Tham gia chỉ đạo chung theo chương trình của Hội đồng vùng.
    - Đại diện cho địa phương mình trong Hội đồng vùng.
    - Tổ chức triển khai thực hiện chương trình phối hợp phát triển của các địa phương trong các vùng KTTĐ đã được Hội đồng vùng thông qua.
    - Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn có liên quan đến địa phương mình để tạo điều kiện cho phát triển của vùng KTTĐ; đề xuất các vấn đề có liên quan đến phát triển và phối hợp phát triển trong vùng KTTĐ.
    - Báo cáo theo định kỳ (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, cả năm) và đột xuất về tình hình phát triển và phối hợp phát triển của địa phương mình với các địa phương khác trong các vùng KTTĐ.
    - Tham gia đầy đủ các cuộc họp và các công việc chung của Hội đồng vùng. Trường hợp thuyên chuyển công tác, phải báo cáo và đề nghị người thay thế với Chủ tịch Hội đồng vùng.
    8. Tổ điều phối cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020. Tổ trưởng Tổ điều phối cấp tỉnh làm nhiệm vụ thường trực của Hội đồng vùng có nhiệm vụ:
    - Giúp Chủ tịch Hội đồng vùng chuẩn bị chương trình và nội dung hoạt động của Hội đồng vùng.
    - Chuẩn bị kế hoạch điều phối vùng hàng năm, nhiệm kỳ.
    - Chủ trì các cuộc giao ban của Tổ điều phối các địa phương trong vùng KTTĐ.
    - Thay mặt Chủ tịch Hội đồng vùng chủ trì các cuộc họp, các hội nghị giao ban khi được Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ủy quyền.
    - Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng vùng giao.
    Điều 10. Các Bộ, ngành và Tổ điều phối cấp Bộ
    1. Các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động đề xuất nội dung liên kết, phối hợp với các Bộ, ngành, Hội đồng vùng KTTĐ và các địa phương liên quan, đồng thời thực hiện phương thức phối hợp theo quy định tại quy chế này. Xây dựng và ban hành các quy hoạch, cơ chế, chính sách, chương trình, dự án đầu tư và các công việc liên quan khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao trên từng vùng KTTĐ.
    2. Tổ điều phối cấp Bộ là bộ phận giúp việc cho các Bộ, ngành trong điều phối phát triển các vùng KTTĐ; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020.
    Điều 11. Trách nhiệm của các địa phương trong vùng KTTĐ
    Các địa phương chủ động thực hiện liên kết, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong vùng KTTĐ về những nội dung sau:
    - Xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
    - Xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các ngành, sản phẩm chủ yếu và các đề án về cơ chế, chính sách phối hợp phát triển các ngành và lĩnh vực của các Bộ, ngành.
    - Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp áp dụng cho địa phương, không trái với các quy định hiện hành, đảm bảo sự thống nhất trong toàn vùng; trong đó tập trung làm rõ: cơ chế, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, đào tạo và sử dụng lao động.
    - Xây dựng cơ chế, chính sách phối hợp trong hợp tác, hỗ trợ cung cấp nguyên liệu, thực phẩm, hỗ trợ công nghệ và đào tạo trình độ cao.
    - Xây dựng dữ liệu thông tin, cập nhật và trao đổi thông tin với các Bộ, ngành và các địa phương.
     
    Chương IV
    TỔ CHỨC THỰC HIỆN
     
    Điều 12. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này; định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện và đề xuất những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
    Điều 13. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong các vùng kinh tế trọng điểm có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này./
     
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Tổ chức Chính phủ
    Ban hành: 25/12/2001 Hiệu lực: 25/12/2001 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Quyết định 941/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020
    Ban hành: 25/06/2015 Hiệu lực: 25/06/2015 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
    Ban hành: 19/07/2019 Hiệu lực: 19/07/2019 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    04
    Chỉ thị 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
    Ban hành: 11/10/2019 Hiệu lực: 11/10/2019 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    05
    Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm
    Ban hành: 11/09/2020 Hiệu lực: 11/09/2020 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 2360/QĐ-TTg hoạt động của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủ
    Số hiệu:2360/QĐ-TTg
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:22/12/2015
    Hiệu lực:22/12/2015
    Lĩnh vực:Cơ cấu tổ chức, Chính sách
    Ngày công báo:03/01/2016
    Số công báo:05&06-01/2016
    Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X