BAN CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN VÀ XUẤT BẢN LỊCH SỬ CHÍNH PHỦ VIỆT NAM 1945 – 2015 ------- Số: 55/QĐ-BCĐLSCPVN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc ------------------ Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
vỀ viỆc phê duyỆt ĐỀ cương và KẾ hoẠch biên soẠn,
xuẤt bẢn LỊch sỬ Chính phỦ ViỆt Nam (1945 - 2015)
---------------------------------
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN VÀ XUẤT BẢN
LỊCH SỬ CHÍNH PHỦ VIỆT NAM (1945 - 2015)
Căn cứ Quyết định số 97/QĐ-TTg ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015);
Căn cứ Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015) ban hành kèm theo Quyết định số 35/QĐ-BCĐLSCPVN ngày 26 tháng 3 năm 2015 của Trưởng Ban Chỉ đạo;
Căn cứ Tờ trình số 01/TTr-BCĐLSCPVN ngày 15 tháng 4 năm 2015 của Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề cương và Kế hoạch biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các thành viên Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015), Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng chính phủ; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục; - Lưu: Văn thư, BCĐLSCPVN (3b).M | TRƯỞNG BAN PHÓ THỦ TƯỚNG Nguyễn Xuân Phúc |
ĐỀ CƯƠNG
BIÊN SOẠN LỊCH SỬ CHÍNH PHỦ VIỆT NAM (1945 - 2015)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 55/QĐ-BCĐLSCPVN ngày 05 tháng 05 năm 2015)
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Mục đích:
Phản ánh tương đối đầy đủ, toàn diện, có hệ thống quá trình ra đời, phát triển về tổ chức và hoạt động của Chính phủ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Qua đó, rút ra những bài học và kinh nghiệm quý báu phục vụ cho việc nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước của Chính phủ, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đổi mới hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015) còn là tài liệu chính thức giới thiệu về Chính phủ và nền hành chính Việt Nam với bạn bè quốc tế; phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập ở nước ta.
2. Yêu cầu:
a) Đảm bảo tính chính xác (trung thực) và khách quan của các sự kiện lịch sử về tổ chức và hoạt động của Chính phủ Việt Nam từ năm 1945 đến năm 2015.
b) Những nhận xét, đánh giá các sự kiện lịch sử phải được thảo luận kỹ, phù hợp với đường lối, quan điểm của Đảng và sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Chính trị.
c) Các sản phẩm của công trình Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015) phải được tuyên truyền và phổ biến rộng rãi cho nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU, BIÊN SOẠN
1. Đối tượng nghiên cứu biên soạn: Là quá trình hình thành, phát triển về tổ chức và hoạt động của Chính phủ Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước từ năm 1945 đến năm 2015. Việc nghiên cứu, xem xét tổ chức và hoạt động của Chính phủ được đặt trong mối quan hệ trực tiếp với cơ quan lập pháp (Quốc hội), cơ quan tư pháp (Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân) với bộ máy chính quyền địa phương các cấp cũng như với các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Tuy nhiên công trình không nghiên cứu tổ chức, hoạt động của các tổ chức này mà chỉ xem xét các mối quan hệ của nó với Chính phủ để làm rõ hơn về các chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức quản lý điều hành của Chính phủ trong từng thời kỳ, giai đoạn cụ thể.
2. Phạm vi nghiên cứu, biên soạn
a) Về thời gian: Từ năm 1945 đến năm 2015
b) Về không gian: Giới hạn trong phạm vi tổ chức và hoạt động của Chính phủ cách mạng, đại biểu cho cả quốc gia thống nhất, cho ý chí và sức mạnh của cả dân tộc, đó là Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (bao gồm cả Chính phủ liên hiệp, Chính phủ lâm thời thời kỳ 1945 - 1946); Chính phủ Lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Phương pháp nghiên cứu, biên soạn
a) Công trình lịch sử Chính phủ được biên soạn trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước kiểu mới và phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử.
b) Phương pháp chủ yếu được sử dụng là phương pháp lịch sử và phương pháp logic, kết hợp chặt chẽ với các phương pháp phân tích so sánh, thống kê, đối chiếu, hệ thống hóa; phỏng vấn, lấy ý kiến các nhân chứng lịch sử, hội thảo...
III. PHÂN KỲ LỊCH SỬ CHÍNH PHỦ Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ 1945 đến 2015 được phân chia làm 3 thời kỳ lớn, ứng với 3 thời kỳ thực hiện những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam.
1. Thời kỳ (1945 - 1954): Thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, kháng chiến chống thực dân Pháp (từ Chính phủ lâm thời, Chính phủ Liên hiệp lâm thời, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến đến Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa).
2. Thời kỳ (1955 - 1975): Thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược là cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc (bao gồm Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam).
3. Thời kỳ (1976 - 2015): Thời kỳ đất nước thống nhất, cả nước quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong mỗi thời kỳ được phân ra thành các giai đoạn theo đặc điểm tổ chức và hoạt động của Chính phủ. Việc phân giai đoạn cụ thể sẽ do các nhóm xây dựng đề cương biên soạn từng tập lịch sử, trình Ban Chỉ đạo xem xét và quyết định.
IV. SẢN PHẨM CỦA CÔNG TRÌNH
1. Sản phẩm chính của công trình là bộ Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ năm 1945 đến năm 2015 gồm 3 tập ứng với 3 thời kỳ đã nêu, các tập biên niên lịch sử và phần kết luận (các chuyên đề tổng kết, đánh giá). Cụ thể như sau:
a) Bộ Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2005) gồm 3 tập (bổ sung tư liệu, hiệu đính và tái bản).
b) Bộ Biên niên Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2005) gồm 5 tập (bổ sung tư liệu, hiệu đính và tái bản).
c) Biên niên Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ tháng 5 năm 2005 đến năm 2015 (viết mới và xuất bản).
d) Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ tháng 5 năm 2005 đến năm 2015 (viết mới và xuất bản).
đ) Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015) (tóm lược và xuất bản).
2. Các sản phẩm khác gồm có:
a) Một bộ phim tài liệu về Lịch sử Chính phủ (1945 - 2015) (bổ sung tư liệu, phát hành).
b) Một bộ ảnh tư liệu Lịch sử Chính phủ (1945 - 2015) (bổ sung tư liệu, hiệu đính, xuất bản).
c) Các báo cáo chuyên đề nghiên cứu phục vụ việc tổng kết, đánh giá.
d) Bộ hồ sơ lưu trữ các tư liệu của công trình biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015)
Áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình lưu trữ và phổ biến các sản phẩm của công trình Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015) (dưới các hình thức DVD, CD và đưa lên website Chính phủ).
1. Phân công biên soạn
- Tập 1 (từ 1945 đến 1954): Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội bổ sung tư liệu, hiệu đính, biên soạn.
- Tập 2 (từ 1955 đến 1975): Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Viện Sử học Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam bổ sung tư liệu, hiệu đính, biên soạn.
- Tập 3 (từ 1976 đến 2005): Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bổ sung tư liệu, hiệu đính biên soạn.
- Tập 4 (từ 2005 đến 2015): Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam biên soạn mới từ năm 2005 đến năm 2015.
- Lịch sử Chính phủ Việt Nam (tóm lược): Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ trì biên soạn.
- Kết luận chung (các chuyên đề tổng kết, đánh giá): Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, một số cơ quan, tổ chức và các nhà khoa học, nhà lãnh đạo thực hiện.
- Các sản phẩm khác (phim, sách, ảnh, hồ sơ tư liệu...) do Bộ Nội vụ chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện.
Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện các công việc nêu trên có trách nhiệm cử Chủ nhiệm đề tài và báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét, phê duyệt.
- Việc phân công các cơ quan thực hiện bổ sung tư liệu, hiệu đính và biên soạn các tập Lịch sử và các sản phẩm khác kèm theo bộ Lịch sử Chính phủ được tiến hành bằng hình thức giao nhiệm vụ cho các cơ quan chủ trì.
- Cơ quan chủ trì và Chủ nhiệm đề tài có nhiệm vụ xây dựng đề cương biên soạn sơ bộ và đề cương chi tiết trình Ban Chỉ đạo thông qua trước khi chính thức biên soạn cụ thể.
2. Chỉ đạo thực hiện
Ngoài nhiệm vụ được quy định tại Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo phân công một số thành viên trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc nghiên cứu, biên soạn các đề tài cụ thể.
3. Tổ chức phục vụ tư liệu
- Thành lập nhóm tư liệu do một Ủy viên của Ban Biên soạn phụ trách và gồm một số cán bộ ở các Trung tâm lưu trữ, Phòng lưu trữ có liên quan.
- Các nguồn khai thác tư liệu chủ yếu gồm:
+ Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.
+ Các bộ phận lưu trữ của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, các Học viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học, các trường đại học.
+ Khai thác các tư liệu khác có liên quan ở trong và ngoài nước.
4. Tiến độ thực hiện công trình
Thời gian thực hiện công trình từ tháng 01 năm 2015 đến hết năm 2016 (kế hoạch thực hiện cụ thể kèm theo).
5. Kinh phí thực hiện
a) Kinh phí để nghiên cứu biên soạn bổ sung và xuất bản 3 tập Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015), 3 tập biên niên sử (1945 - 2015), Lịch sử Chính phủ (tóm lược) và các chuyên đề phục vụ việc đánh giá, tổng kết các bài học kinh nghiệm.
Căn cứ vào chế độ, chính sách về quản lý tài chính hiện hành, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Tài chính bố trí kinh phí để thực hiện.
b) Về kinh phí thực hiện các sản phẩm khác
Bộ Nội vụ làm việc cụ thể với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính để bố trí kinh phí thực hiện theo nội dung và kế hoạch đã được Ban Chỉ đạo duyệt.
6. Về nghiệm thu công trình
Ban Chỉ đạo nghiệm thu các sản phẩm và kết quả biên soạn của công trình. Nghiệm thu toàn bộ công trình khi hoàn thành.
7. Xuất bản và công bố công trình
Ban Chỉ đạo báo cáo kết quả biên soạn để Thủ tướng Chính phủ quyết định việc xuất bản và công bố công trình./.
KẾ HOẠCH
BIÊN SOẠN VÀ XUẤT BẢN LỊCH SỬ CHÍNH PHỦ VIỆT NAM (1945 - 2015)
(Ban hành kèm theo Đề cương biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015)
tại Quyết định số 55/QĐ-BCĐLSCPVN ngày 05 tháng 5 năm 2015)
TT | Nội dung | Sản phẩm | Phân công | Thời gian | Ghi chú |
Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp | Bắt đầu | Hoàn thành | |
1 | Thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015) | Quyết định | | | | Tháng 1/2015 | |
2 | Ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015) | Quy chế | Bộ Nội vụ | Văn phòng Chính phủ | | Tháng 2/2015 | |
3 | Ban Chỉ đạo phê duyệt đề cương và kế hoạch biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015) | Đề cương biên soạn | Bộ Nội vụ | Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ | Tháng 2/2015 | Tháng 3/2015 | |
4 | Tìm kiếm tư liệu, xây dựng danh mục tài liệu phục vụ cho việc bổ sung tư liệu, hiệu đính các sản phẩm của công trình Lịch sử Chính phủ Việt Nam | Danh mục tài liệu | Bộ Nội vụ và các cơ quan biên soạn | Văn phòng Chính phủ | Tháng 3/2015 | Tháng 4/2015 | |
5 | Ban Chỉ đạo phê duyệt đề cương bổ sung tư liệu, hiệu đính, biên soạn bổ sung các sản phẩm của công trình Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2005) - Bộ Biên niên Lịch sử Chính phủ - Bộ Lịch sử Chính phủ Việt Nam - Sách ảnh Lịch sử Chính phủ Việt Nam - Phim Lịch sử Chính phủ Việt Nam | Các bản Đề cương | Bộ Nội vụ và các cơ quan biên soạn | Bộ Nội vụ | | Tháng 6/2015 | |
6 | Ban Chỉ đạo phê duyệt đề cương biên soạn biên niên Lịch sử Chính phủ và Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ tháng 5/2005 đến 2015 | Đề cương biên soạn | Bộ Nội vụ | Văn phòng Chính phủ | | Tháng 6/2015 | |
7 | Ban Chỉ đạo phê duyệt đề cương biên soạn các chuyên đề phục vụ việc tổng kết, đánh giá các bài học kinh nghiệm | Quyết định phê duyệt | Bộ Nội vụ | Văn phòng Chính phủ | | Tháng 6/2015 | |
8 | Tổ chức việc bổ sung tư liệu, hiệu đính, biên soạn bổ sung các sản phẩm của công trình Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2005) | Các sản phẩm đã được biên soạn bổ sung | Bộ Nội vụ và các cơ quan biên soạn | | Tháng 6/2015 | Tháng 11/2015 | |
9 | Ban Chỉ đạo nghiệm thu và cho phép tái bản các sản phẩm công trình Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2005) | Bộ biên niên, Bộ Lịch sử Chính phủ và các sản phẩm khác | Bộ Nội vụ | | | Tháng 12/2015 | |
10 | Tổ chức việc biên soạn và xuất bản biên niên Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ tháng 5/2005 đến 2015 | Bản thảo các tập biên niên | Bộ Nội vụ và cơ quan biên soạn | | Tháng 6/2015 | Tháng 3/2016 | |
11 | Ban Chỉ đạo nghiệm thu và cho phép xuất bản Biên niên Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ tháng 5/2005 đến 2015 | Quyết định và biên bản nghiệm thu | Bộ Nội vụ | | | Tháng 9/2016 | |
12 | Tổ chức việc biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ tháng 5/2005 đến 2015 | Bản thảo tập Lịch sử Chính phủ | Bộ Nội vụ và cơ quan biên soạn | | Tháng 6/2015 | Tháng 10/2016 | |
13 | Ban Chỉ đạo nghiệm thu và cho phép xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ tháng 5/2005 đến 2015 | Quyết định và biên bản nghiệm thu | Bộ Nội vụ | | | Tháng 11/2016 | |
14 | Tổ chức việc biên soạn các chuyên đề nghiên cứu phục vụ việc tổng kết, đánh giá các bài học kinh nghiệm của Chính phủ | Dự thảo các chuyên đề | Bộ Nội vụ | Các cơ quan liên quan | Tháng 6/2016 | Tháng 10/2016 | |
15 | Ban Chỉ đạo nghiệm thu các chuyên đề | Quyết định và biên bản nghiệm thu | | | | Tháng 11/2016 | |
16 | Tổ chức việc biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (tóm lược) | Dự thảo | Cơ quan biên soạn | | Tháng 6/2016 | Tháng 11/2016 | |
17 | Tổ chức các hội thảo quốc gia, tọa đàm khoa học về các nội dung liên quan đến việc biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015) | Kế hoạch và kỷ yếu các hội thảo, tọa đàm khoa học | Bộ Nội vụ | Các cơ quan liên quan | Tháng 3/2015 | Tháng 11/2016 | |
18 | Tổng kết quá trình tổ chức biên soạn và xuất bản công trình lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015). | | Bộ Nội vụ | Văn phòng Chính phủ | | Tháng 12/2016 | |