hieuluat

Quyết định 69/2002/QĐ-TTg Quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo Nhà nước về di dân, tái định cư Dự án nhà máy thuỷ điện Sơn La

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:69/2002/QĐ-TTgNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Phan Văn Khải
    Ngày ban hành:06/06/2002Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:21/06/2002Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Cơ cấu tổ chức
  • Quyết định

    QUYẾT ĐỊNH

    CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 69/2002/QĐ-TTG NGÀY 06 THÁNG 6 NĂM 2002 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
    CỦA BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC VỀ DI DÂN, TÁI ĐỊNH CƯ
    DỰ ÁN NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN SƠN LA

     

    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

     

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

    Căn cứ Quyết định số 108/2001/QĐ-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về di dân, tái định cư Dự án nhà máy thủy điện Sơn La;

    Theo đề nghị của Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về di dân, tái định cư Dự án nhà máy thủy điện Sơn La,

    QUYẾT ĐỊNH:

     

    Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước về di dân, tái định cư Dự án nhà máy thủy điện Sơn La.

     

    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

     

    Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về di dân, tái định cư Dự án nhà máy thủy điện Sơn La chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

     


    QUY CHẾ

    HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC VỀ DI DÂN,
    TÁI ĐỊNH CƯ DỰ ÁN NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN SƠN LA

    (Ban hành kèm theo Quyết định số 69/2002/QĐ-TTg
    ngày 06 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ)

     

    CHƯƠNG I
    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Ban Chỉ đạo Nhà nước về di dân, tái định cư Dự án nhà máy thủy điện Sơn La (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Nhà nước) được thành lập tại Quyết định số 108/2001/QĐ-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ:

    1. Chỉ đạo việc xây dựng mô hình tái định cư, định canh mẫu để rút kinh nghiệm, đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách để tổ chức quản lý và thực hiện di dân, tái định cư phù hợp với từng địa bàn.

    2. Chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền các địa phương và phối hợp với các đoàn thể nhân dân thực hiện việc đền bù di dân, tái định cư cho các hộ thuộc Dự án nhà máy thủy điện Sơn La.

    3. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành, các địa phương và đề xuất chính sách, giải pháp trong việc thực hiện di dân, tái định cư đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân.

    4. Định kỳ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về kết quả và tiến độ thực hiện về di dân, tái định cư Dự án nhà máy thủy điện Sơn La.

     

    Điều 2. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước về di dân, tái định cư Dự án nhà máy thủy điện Sơn La do ngân sách nhà nước cấp; có dự toán riêng lập kế hoạch và quyết toán chi tiêu hàng năm.

     

    CHƯƠNG II
    CHẾ ĐỘ HOẠT ĐỘNG

     

    Điều 3. Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước triệu tập và chủ toạ các phiên họp thường kỳ 6 tháng một lần và các phiên họp bất thường theo yêu cầu của tình hình thực tế do các thành viên đề nghị. Trưởng ban có thể ủy nhiệm cho Phó Trưởng ban thường trực chủ toạ các phiên họp. Nội dung các phiên họp do cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước chuẩn bị, các thành viên có trách nhiệm tham dự đầy đủ, đúng thành phần các phiên họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước.

     

    Điều 4. Phiên họp thường kỳ nhằm đánh giá các mặt hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước, kết quả thực hiện việc di dân, tái định cư, thực hiện chính sách, chế độ, kết quả tháo gỡ khó khăn và đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề vượt quá quyền hạn của Ban Chỉ đạo Nhà nước.

     

    Điều 5. Ban Chỉ đạo Nhà nước phân công từng thành viên phối hợp với các Bộ, ngành kiểm tra, xây dựng, bổ sung, sửa đổi chính sách, chế độ và những giải pháp thực hiện di dân, tái định cư Dự án nhà máy thủy điện Sơn La; Ban Chỉ đạo Nhà nước là đầu mối phối hợp hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện dự án di dân, tái định cư.

     

    Điều 6. Chế độ thông tin báo cáo

    - Báo cáo định kỳ: hàng tháng, hàng qúy các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo Nhà nước phân công về công tác di dân, tái định cư cho thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước.

    - Vào tháng 10 hàng năm các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước sẽ làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành về tình hình thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm, hàng năm của Bộ, ngành, địa phương về công tác di dân, tái định cư Dự án nhà máy thủy điện Sơn La.

    - Báo cáo đột xuất: các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước có trách nhiệm báo cáo những vấn đề liên quan đến công tác di dân, tái định cư phục vụ cho việc lãnh đạo, chỉ đạo theo yêu cầu đột xuất của Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước.

     

    Điều 7. Chế độ đi công tác cơ sở

    Căn cứ vào yêu cầu công việc các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước chủ động đi công tác cơ sở để nắm bắt tình hình, giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và thực hiện các chuyến đi công tác đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước.

     

    CHƯƠNG III
    PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN
    BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC

     

    Điều 8. Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về di dân, tái định cư Dự án nhà máy thủy điện Sơn La chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ hoạt động của Ban theo nhiệm vụ được giao quy định tại Điều 1 của bản Quy chế này; phân công, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các thành viên của Ban Chỉ đạo Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ được giao.

     

    Điều 9. Trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước

    1. Đồng chí phái viên của Thủ tướng Chính phủ, có nhiệm vụ chính là cầu nối trực tuyến giữa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước; trực tiếp giúp Trưởng Ban kiểm tra, đôn đốc các thành viên của Ban và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được Trưởng Ban phân công.

    2. Phó Trưởng Ban thường trực, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Trưởng Ban điều hành giải quyết công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo Nhà nước và thay mặt Trưởng Ban giải quyết một số công việc cụ thể theo sự uỷ quyền của Trưởng Ban. Trực tiếp chỉ đạo một số công việc cụ thể:

    - Chỉ đạo xây dựng quy hoạch và kế hoạch di dân, tái định cư.

    - Chỉ đạo quy hoạch, bố trí sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm vùng tái định cư.

    - Xây dựng cơ chế chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đối với vùng tái định cư.

    - Kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn công tác di dân, tái định cư.

    - Chuẩn bị chương trình, nội dung các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước.

    - Chỉ đạo công tác Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước:

    + Tổng hợp báo cáo tình hình.

    + Đảm bảo điều kiện vật chất và kinh phí phục vụ cho hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước theo quy định.

    3. Phó Trưởng ban - Thứ trưởng Bộ Công nghiệp tham gia chỉ đạo hoạt động chung của Ban Chỉ đạo Nhà nước, trực tiếp chỉ đạo và phối hợp:

    - Xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở vùng tái định cư.

    - Chỉ đạo xây dựng tổng tiến độ di dân, tái định cư, tiến độ giải ngân, phù hợp với mực nước dâng, phù hợp với tổng tiến độ xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La.

    - Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Tổng cục Bưu điện và các Bộ, ngành liên quan trong việc quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác di dân, tái định cư.

    - Chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Việt Nam đảm bảo đủ nguồn vốn và giải ngân kịp thời nhằm thực hiện tốt chính sách đền bù và các chính sách liên quan trong việc thực hiện di dân, tái định cư.

    4. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có nhiệm vụ:

    - Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thẩm định các dự án di dân, tái định cư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng.

    - Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư vào địa bàn di dân, tái định cư, trước hết là chính sách đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển sản xuất tại vùng tái định cư.

    - Chỉ đạo việc tổng hợp và cân đối kế hoạch vốn đầu tư về di dân, tái định cư theo tiến độ; trong đó bố trí và cân đối đủ nguồn vốn ngân sách theo kế hoạch.

    5. Thứ trưởng Bộ Tài chính, có nhiệm vụ:

    - Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng chính sách, chế độ đền bù di dân, tái định cư; chính sách quản lý và sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện công tác đền bù, di dân, tái định cư.

    - Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc cân đối, đảm bảo vốn và hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc cấp vốn, sử dụng kinh phí và thanh quyết toán các nguồn vốn để thực hiện di dân, tái định cư.

    6. Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan thẩm định, xử lý những ảnh hưởng về môi trường sinh thái và các vấn đề liên quan khi thực hiện di dân tái định cư. Nghiên cứu các nội dung và mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống và xây dựng hạ tầng cơ sở cho vùng tái định cư.

    7. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm y ban Dân tộc và Miền núi, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc, tuyên truyền vận động đồng bào cư trú trên địa bàn miền núi thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tham gia ý kiến vào các quy hoạch, mô hình tái định cư trên cơ sở phù hợp với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc (đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng phát triển).

    8. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thực hiện nhiệm vụ được giao trong Ban Chỉ đạo Nhà nước, đồng thời chủ trì phối hợp với các cơ quan của Quốc hội; Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện di dân, tái định cư Dự án nhà máy thuỷ điện Sơn La.

    9. Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo các cấp Hội tham gia thực hiện việc di dân tái định cư; chủ trì phối hợp với các cơ quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, chế độ đền bù, ổn định và phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; đề xuất, kiến nghị các chủ trương, biện pháp để nhanh chóng ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho đồng bào tái định cư thuộc Dự án nhà máy thuỷ điện Sơn La.

    10. Phó Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan giám sát việc thực hiện các chính sách kinh tế đối với di dân, tái định cư thuộc Dự án nhà máy thuỷ điện Sơn La; tham gia thẩm định các dự án, xây dựng chế độ chính sách di dân, tái định cư, công tác kiểm tra.

    11. Đồng chí chuyên viên cao cấp Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ:

    - Thư ký chuyên trách của Ban Chỉ đạo Nhà nước về di dân tái định cư Dự án nhà máy thủy điện Sơn La.

    - Phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước theo dõi, tổng hợp tình hình liên quan đến công tác di dân, tái định cư Dự án nhà máy thuỷ điện Sơn La.

    12. Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Sơn La và Lai Châu: trực tiếp thực hiện những nhiệm vụ cụ thể về di dân, tái định cư trên địa bàn tỉnh bao gồm:

    - Chỉ đạo công tác giáo dục, tuyên truyền và thuyết phục nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về di dân, tái định cư.

    - Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy hoạch và chính sách di dân, tái định cư của tỉnh theo sự phân công của Chính phủ; chủ trì thẩm định các dự án di dân, tái định cư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng.

    - Xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về di dân, tái định cư trên địa bàn từng tỉnh.

    - Tổ chức việc đền bù, di chuyển dân và đề xuất các chính sách có liên quan đến di dân, tái định cư.

    - Tổ chức ổn định đời sống, phát triển sản xuất ở khu tái định cư.

    - Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác di dân, tái định cư.

    - Đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, đoàn kết dân tộc trên địa bàn di dân, tái định cư.

     

    CHƯƠNG IV
    BỘ MÁY GIÚP VIỆC BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC

     

    Điều 10.

    - Ban Chỉ đạo Nhà nước về di dân tái định cư Dự án nhà máy thủy điện Sơn La có bộ phận giúp việc là Văn phòng Ban Chỉ đạo đặt tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Định canh định cư và Vùng kinh tế mới).

    - Cục trưởng Cục Định canh định cư và Vùng kinh tế mới trực tiếp làm Chánh Văn phòng chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo Nhà nước về toàn bộ hoạt động của Văn phòng. Giúp việc Cục trưởng - Chánh Văn phòng có một đến hai Phó Văn phòng.

    - Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước sử dụng bộ máy tổ chức, công chức và phương tiện của Cục Định canh định cư và Vùng kinh tế mới để thực hiện nhiệm vụ.

    Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước được phép sử dụng con dấu của Cục Định canh định cư và Vùng kinh tế mới và được mở tài khoản riêng, được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính cân đối.

     

    Điều 11. Nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước:

    Nhiệm vụ:

    - Tổ chức phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chuyên môn của các Bộ, ngành khác ở Trung ương và địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Nhà nước giao.

    - Thường xuyên nắm chắc tình hình, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Nhà nước về chương trình công tác của Ban nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Nhà nước.

    - Chuẩn bị các báo cáo theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Nhà nước.

    - Chuẩn bị nội dung và tổ chức các hội nghị, hội thảo của Ban Chỉ đạo Nhà nước theo sự chỉ đạo của đồng chí Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước.

    - Đảm bảo cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước trong phạm vi nguồn kinh phí được cấp.

    - Dự toán, thanh quyết toán kinh phí được cấp cho hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước và Văn phòng Ban Chỉ đạo theo quy định chế độ tài chính hiện hành.

    Quyền hạn:

    - Được dự các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước.

    - Được dự các cuộc họp của các Bộ, ngành, địa phương có nội dung liên quan đến di dân, tái định cư Dự án nhà máy thủy điện Sơn La.

     

    CHƯƠNG V
    ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     

    Điều 12. Quy chế này áp dụng cho Ban Chỉ đạo Nhà nước về di dân, tái định cư Dự án nhà máy thủy điện Sơn La và các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong quá trình thực hiện.

     

    Điều 13. Từng thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Ban Chỉ đạo Nhà nước, trước Thủ trưởng cơ quan quản lý cán bộ và trước Thủ tướng Chính phủ về những công việc được Ban Chỉ đạo Nhà nước phân công; sử dụng cán bộ, phương tiện, các trang thiết bị do đơn vị mình quản lý để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

     

    Điều 14. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc Ban Chỉ đạo Nhà nước sẽ tổng hợp ý kiến, đề xuất nội dung cần bổ sung, sửa đổi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Tổ chức Chính phủ
    Ban hành: 30/09/1992 Hiệu lực: 02/10/1992 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X