hieuluat

Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng số 02/2008/PL-UBTVQH12

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Uỷ ban Thường vụ Quốc hộiSố công báo:157&158 - 3/2008
    Số hiệu:02/2008/PL-UBTVQH12Ngày đăng công báo:01/03/2008
    Loại văn bản:Pháp lệnhNgười ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành:26/01/2008Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:01/07/2008Tình trạng hiệu lực:Đã sửa đổi
    Lĩnh vực:Công nghiệp, Chính sách, An ninh quốc gia
  • PHÁP LỆNH

    CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

    CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
    SỐ 02/2008/PL-UBTVQH12 NGÀY 26 THÁNG 01 NĂM 2008

     

    Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

    Căn cứ Nghị quyết số 11/2007/QH12 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XII (2007 - 2011) và năm 2008;

    Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng.

     

    Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 

    Pháp lệnh này quy định nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; nhiệm vụ, tổ chức hoạt động công nghiệp quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch, nguồn lực xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; chính sách đối với công nghiệp quốc phòng; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng.

    Điều 2. Đối tượng áp dụng

    Pháp lệnh này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

    Điều 3. Vị trí, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng

    1. Công nghiệp quốc phòng là một phần quan trọng của thực lực và tiềm lực quốc phòng, an ninh; là bộ phận của công nghiệp quốc gia.

    2. Công nghiệp quốc phòng có nhiệm vụ:

    a) Nghiên cứu, phát triển, sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng;

    b) Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

    Điều 4. Nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng

    1. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Chính phủ.

    2. Tuân thủ mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu chiến lược trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân.

    3. Phù hợp với khả năng phát triển kinh tế của đất nước, có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước hiện đại, bảo đảm bí mật, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

    4. Tự chủ, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường quốc phòng, trên cơ sở phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế.

    Điều 5. Hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng

    1. Nguyên tắc hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng bao gồm:

    a) Nhà nước tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

    b) Bảo đảm bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh;

    c) Ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng;

    d) Tuân thủ các quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý các hoạt động đối ngoại quân sự; quy chế xuất nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng và các quy định khác liên quan đến công nghiệp quốc phòng.

    2. Nội dung hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng bao gồm:

    a) Thiết lập, củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác với các nước;

    b) Trao đổi thông tin, tài liệu kỹ thuật và chuyển giao công nghệ phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng;

    c) Các hoạt động liên doanh, liên kết sản xuất, sửa chữa lớn; hợp tác nghiên cứu ứng dụng, triển khai sản xuất phục vụ công nghiệp quốc phòng;

    d) Đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp quốc phòng.

    Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm

    1. Tiết lộ bí mật nhà nước về quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, kết quả khoa học, công nghệ có liên quan đến công nghiệp quốc phòng, nhiệm vụ sản xuất sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh.

    2. Phá hoại, mua, bán, tặng, cho, cho thuê, cầm cố, thế chấp, khai thác, sử dụng trái phép trang thiết bị và tài sản do Nhà nước giao cho cơ sở công nghiệp quốc phòng.

    3. Mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và sản phẩm chuyên dụng do công nghiệp quốc phòng sản xuất.

    4. Chiếm đoạt, sử dụng và chuyển giao trái phép những thông tin, tài liệu, sáng chế, quy trình và bí quyết công nghệ thuộc bí mật nhà nước về công nghiệp quốc phòng.

    5. Cản trở, trốn tránh trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

    6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật trong hoạt động công nghiệp quốc phòng.

     

    Chương II. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

     

    Điều 7. Cơ sở công nghiệp quốc phòng

    1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng bao gồm:

    a) Cơ sở nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vật tư kỹ thuật được Nhà nước đầu tư phục vụ quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý (sau đây gọi chung là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt);

    b) Cơ sở sản xuất công nghiệp được Nhà nước đầu tư xây dựng năng lực sản xuất phục vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật động viên công nghiệp (sau đây gọi chung là cơ sở công nghiệp động viên).

    2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và bộ, ngành có liên quan lập danh sách các cơ sở công nghiệp quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

    Điều 8.  Hoạt động của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt

    1. Nghiên cứu, phát triển, sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng theo đặt hàng hoặc giao kế hoạch.

    2. Hướng dẫn chuyển giao công nghệ, đào tạo, huấn luyện nhân lực, chuẩn bị động viên công nghiệp.

    3. Chuẩn bị các điều kiện bảo đảm theo yêu cầu sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị  khi đất nước chuyển sang thời chiến.

    4. Liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế để sản xuất các sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh và tham gia phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật.

    5. Chính phủ quy định lộ trình đổi mới tổ chức, quản lý cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt theo Chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng.

    Điều 9. Hoạt động của cơ sở công nghiệp động viên

    1. Trong thời bình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo quản, sản xuất thử để duy trì năng lực thiết bị dây chuyền; tham gia nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh theo đặt hàng của Bộ Quốc phòng.

    2. Thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp theo quy định của pháp luật động viên công nghiệp.

    Điều 10. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng

    1. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng là tổ chức không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 7 Pháp lệnh này và cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

    2. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng được nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng. Danh mục sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh do Chính phủ quy định.

    3. Điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều này do Thủ tướng Chính phủ quy định.

    Điều 11. Đặt hàng quốc phòng

    1. Thủ tướng Chính phủ quyết định kế hoạch đặt hàng quốc phòng, điều kiện đặt hàng, danh mục, giá sản phẩm, dịch vụ và thủ tục thanh toán.

    2. Bộ Quốc phòng thực hiện đặt hàng quốc phòng với tổ chức, cá nhân để sản xuất và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

     

    Chương III. QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

     

    Điều 12. Quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng

    1. Quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng phải tuân thủ nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Pháp lệnh này và đáp ứng các yêu cầu sau đây:

    a) Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực của đất nước để xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự ngày càng hiện đại, tiên tiến;

    b) Bảo đảm cân đối, đồng bộ, có quy mô hợp lý, được bố trí phù hợp tại các địa bàn chiến lược;

    c) Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

    2. Căn cứ để xây dựng quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng bao gồm:

    a) Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

    b) Chiến lược bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự cho lực lượng vũ trang nhân dân;

    c) Quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp quốc gia, khả năng cân đối các nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

    3. Nội dung quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng bao gồm:

     a) Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự  án trọng điểm;

     b) Tổ chức hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng;

     c)  Cân đối các nguồn lực, điều kiện bảo đảm, giải pháp thực hiện.

    Điều 13. Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng

    1. Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

    2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công  thương, Bộ Tài chính và cơ quan nhà nước có liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trình Chính phủ.

    Điều 14. Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng

     Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công  thương, Bộ Tài chính và cơ quan nhà nước có liên quan xây dựng chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện.

    Điều 15. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng

    Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và bộ, ngành có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng.

     

    Chương IV. NGUỒN LỰC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN  CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

     

    Điều 16. Nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng

    1. Nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng bao gồm:

    a) Ngân sách nhà nước;

    b) Quỹ phát triển sản xuất của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt;

    c) Đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

    2. Nhà nước bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng, an ninh.

    3. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng phải thực hiện theo kế hoạch và quy định của pháp luật.

    Điều 17. Nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng

    1. Nhân lực phục vụ tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt bao gồm:

    a) Những người có ngành nghề và trình độ chuyên môn phù hợp với nhu cầu sử dụng, đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, sức khỏe, có nguyện vọng và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng;

    b) Cán bộ, công chức và công nhân trong và ngoài quân đội được cấp có thẩm quyền điều động vào phục vụ trong tình trạng chiến tranh và tình trạng khẩn cấp về quốc phòng;

    c) Lao động hợp đồng.

    2. Nhân lực phục vụ tại cơ sở công nghiệp động viên và tổ chức tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng được thực hiện theo pháp luật động viên công nghiệp và pháp luật lao động.

    Điều 18. Nhập khẩu và dự trữ vật tư kỹ thuật cho công nghiệp quốc phòng

    1. Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với việc nhập khẩu các loại vật tư kỹ thuật phục vụ công nghiệp quốc phòng mà trong nước chưa sản xuất được, thực hiện dự trữ vật tư kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật.

    2. Thủ tướng Chính phủ quyết định Danh mục vật tư kỹ thuật nhập khẩu phục vụ công nghiệp quốc phòng.

    3. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan lập Danh mục vật tư kỹ thuật nhập khẩu trình Thủ tướng Chính phủ.

    Điều 19. Đất phục vụ công nghiệp quốc phòng

    1. Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ công nghiệp quốc phòng.

    2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ xây dựng và phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.

    Điều 20. Nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng

    1. Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

    2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành có liên quan xác định và triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển  và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng.

     

    Chương V. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

     

    Điều 21. Chính sách của Nhà nước đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt

    1. Chính sách của Nhà nước đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt bao gồm:

    a) Ưu tiên đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn lực, ngành nghề mũi nhọn và đặc thù của công nghiệp quốc phòng, công nghệ lưỡng dụng vừa phục vụ quốc phòng, vừa phục vụ kinh tế;

    b) Chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với lĩnh vực sản xuất vật liệu mới, sản phẩm công nghệ cao; xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng của dự án quan trọng trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

    2. Chính sách của Nhà nước đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt bao gồm:

    a) Chế độ, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và các chế độ ưu đãi khác theo quy định của pháp luật;

    b) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề tại các trường trong, ngoài quân đội và ở nước ngoài;

    c) Chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật trong trường hợp bị thương hoặc bị chết khi đang thực hiện nhiệm vụ.

    Điều 22. Chính sách của Nhà nước đối với cơ sở công nghiệp động viên

    1. Chính sách của Nhà nước đối với cơ sở công nghiệp động viên bao gồm:

    a) Các chính sách theo quy định của pháp luật khi chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp;

    b) Ưu đãi về thuế, chế độ, chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật khi tham gia sản xuất hàng quốc phòng.

    c) Hỗ trợ ngân sách để đầu tư hoàn thiện công nghệ lưỡng dụng.

    2. Người lao động khi tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật động viên công nghiệp và theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Pháp lệnh này.

    Điều 23. Chính sách đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng

    1. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng được hưởng các chính sách quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 22 Pháp lệnh này.

    2. Người lao động trong tổ chức tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ sản xuất hàng quốc phòng, ngoài tiền lương còn được hưởng phụ cấp ưu đãi khác theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả phụ cấp ưu đãi. Phụ cấp ưu đãi chi trả cho người lao động được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh.

    3. Người nước ngoài khi tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng được hưởng quyền lợi theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo thỏa thuận có liên quan, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

     

    Chương VI. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

     

    Điều 24. Nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng

    1. Ban hành, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp quốc phòng.

    2. Xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, quy hoạch, kế hoạch, nhiệm vụ về công nghiệp quốc phòng.

    3. Tổ chức, hướng dẫn đăng ký hoạt động của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

    4. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công nghiệp quốc phòng.

    5. Tổ chức, quản lý hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng.

    6. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về công nghiệp quốc phòng.

    Điều 25. Trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng

    1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng.

    2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và bộ, ngành có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật công nghiệp quốc phòng.

    3. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng.

    4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng.

     

    Chương VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     

    Điều 26.  Hiệu lực thi hành

    Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ  ngày 01 tháng 7 năm 2008.

    Điều 27. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

    Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

                                                       

     TM.UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

                                CHỦ TỊCH

                         Nguyễn Phú Trọng

     

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Nghị định 46/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng
    Ban hành: 13/05/2009 Hiệu lực: 27/06/2009 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản hướng dẫn
    02
    Nghị định 120/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu
    Ban hành: 09/10/2013 Hiệu lực: 22/11/2013 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản hướng dẫn
    03
    Pháp lệnh 01/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch
    Ban hành: 22/12/2018 Hiệu lực: 01/01/2019 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản sửa đổi, bổ sung
    04
    Nghị quyết 135/NQ-CP của Chính phủ phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2023
    Ban hành: 30/08/2023 Hiệu lực: 30/08/2023 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản sửa đổi, bổ sung (01)
    Văn bản thay thế (01)
    Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp của Quốc hội, số 38/2024/QH15
    Ban hành: 27/06/2024 Hiệu lực: 01/07/2025 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
  • Văn bản đang xem

    Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng số 02/2008/PL-UBTVQH12

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
    Số hiệu:02/2008/PL-UBTVQH12
    Loại văn bản:Pháp lệnh
    Ngày ban hành:26/01/2008
    Hiệu lực:01/07/2008
    Lĩnh vực:Công nghiệp, Chính sách, An ninh quốc gia
    Ngày công báo:01/03/2008
    Số công báo:157&158 - 3/2008
    Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Đã sửa đổi
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X