hieuluat

Quyết định 07/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:07/QĐ-TTgNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Hoàng Trung Hải
    Ngày ban hành:06/01/2015Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:06/01/2015Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Công nghiệp, Xây dựng, Tài nguyên-Môi trường
  • THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
    --------
    Số: 07/QĐ-TTg
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------
    Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2015
     
     
    QUYẾT ĐỊNH
    PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN LƯU VỰC SÔNG ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2030
    ------------------
    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
     
    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
    Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;
    Căn cứ Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020;
    Căn cứ Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;
    Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
     
    QUYẾT ĐỊNH:
     
    Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030 với các nội dung chính như sau:
    1. Phạm vi quy hoạch
    Lưu vực sông Đồng Nai trong Quyết định này bao gồm ranh giới hành chính của 11 tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An.
    2. Quan điểm quy hoạch
    - Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch xây dựng các tỉnh thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 tại Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
    - Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai được lập trên cơ sở từng bước đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh và quá tải bảo đảm giải quyết ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững. Xây dựng đồng bộ các cơ sở xử lý chất thải rắn cấp vùng liên tỉnh, vùng tỉnh và hệ thống thu gom, vận chuyển phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.
    - Chất thải rắn phải được phân loại tại nguồn; việc thu gom, tái sử dụng, tái chế được ưu tiên xử lý bằng công nghệ tiên tiến, phù hợp. Hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải rắn nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và bảo vệ môi trường. Chất thải rắn nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định bảo đảm không phát tán ra môi trường.
    - Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.
    3. Mục tiêu quy hoạch
    - Cụ thể hóa Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2007.
    - Dự báo tổng lượng chất thải rắn phát sinh, xác định phương thức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn; xác định các cơ sở xử lý chất thải rắn và phạm vi phục vụ đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn cho lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
    - Nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp chất thải rắn, cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững trong lưu vực.
    - Làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn trên địa bàn các tỉnh thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
    4. Nội dung quy hoạch
    a) Các chỉ tiêu quy hoạch
    - Các chỉ tiêu tính toán quy hoạch căn cứ theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Tiêu chuẩn tính toán, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn theo các giai đoạn đến năm 2030 của các tỉnh thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai như sau:
    - Chất thải rắn sinh hoạt:
    + Năm 2020: Tỷ lệ thu gom khu vực đô thị 95%, nông thôn 70%;
    + Năm 2030: Tỷ lệ thu gom khu vực đô thị 100%, nông thôn 90%.
    - Chất thải rắn xây dựng:
    + Năm 2020 tỷ lệ thu gom 80%;
    + Năm 2030 tỷ lệ thu 90%.
    - Chất thải rắn công nghiệp, làng nghề thông thường:
    + Năm 2020, tỷ lệ thu gom khoảng 80% - 90%;
    + Năm 2030, tỷ lệ thu gom 100%.
    - Chất thải rắn nguy hại (công nghiệp, làng nghề):
    + Năm 2020, tỷ lệ thu gom khoảng 70% - 80%;
    + Năm 2030, tỷ lệ thu gom 100%.
    b) Dự báo khối lượng chất thải rắn phát sinh
    - Chất thải rắn sinh hoạt: Đến năm 2020 là khoảng 28.700 tấn/ngày; đến năm 2030 là khoảng 35.800 tấn/ngày.
    - Chất thải rắn xây dựng: Đến năm 2020 là khoảng 4.400 tấn/ngày; đến năm 2030 là khoảng 5.600 tấn/ngày.
    - Chất thải rắn công nghiệp, làng nghề thông thường: Đến năm 2020 là khoảng 15.000 tấn/ngày; đến năm 2030 là khoảng 26.800 tấn/ngày.
    - Chất thải rắn nguy hại (công nghiệp, làng nghề): Đến năm 2020 là khoảng 3.400 tấn/ngày; đến năm 2030 là khoảng 6.000 tấn/ngày.
    c) Phân loại chất thải rắn
    - Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn thành 3 loại: Chất thải rắn hữu cơ (rau, quả, thức ăn thừa...); chất thải rắn vô cơ có thể tái chế (giấy, nhựa, kim loại...); các loại chất thải rắn còn lại.
    - Chất thải rắn công nghiệp được phân thành 2 loại (chất thải rắn công nghiệp nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường).
    - Chất thải rắn nguy hại từ các nguồn thải được phân loại, bảo quản, lưu giữ, thu gom, vận chuyển trực tiếp đến các cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại vùng liên tỉnh, vùng tỉnh theo quy hoạch và tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh môi trường; thực hiện theo quy định về quản lý chất thải rắn nguy hại.
    d) Phân vùng, thu gom, vận chuyển chất thải rắn
    Phương thức thu gom, vận chuyển chất thải rắn được lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, giao thông, địa hình đặc thù của khu vực và năng lực thu gom, vận chuyển của địa phương, đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường.
    - Phân vùng, thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường:
    + Phân vùng: Chất thải rắn toàn lưu vực được phân vùng thu gom, vận chuyển theo phạm vi phục vụ của các trạm trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải rắn theo từng địa bàn, mỗi tỉnh phân thành hai đến ba vùng thu gom có bán kính phục vụ phù hợp.
    + Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt:
    . Khu vực đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn,...): Thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày từ nơi phát sinh tới các điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc được vận chuyển đến cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch.
    . Khu vực dân cư nông thôn: Thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến điểm tập kết thôn, xã và vận chuyển đến cơ sở xử lý chất thải rắn cấp huyện hoặc thực hiện theo quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt.
    + Chất thải rắn công nghiệp, làng nghề: Thực hiện thu gom, vận chuyển từ trạm trung chuyển của các khu, cụm công nghiệp; điểm tập kết của các làng nghề hoặc trực tiếp từ cơ sở sản xuất đến các cơ sở xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh, vùng tỉnh theo quy hoạch.
    + Chất thải rắn xây dựng: Chủ đầu tư xây dựng công trình chịu trách nhiệm ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng đến cơ sở xử lý theo quy hoạch, đảm bảo các yêu cầu an toàn và vệ sinh môi trường.
    - Phân vùng, thu gom, vận chuyển chất thải rắn nguy hại:
    + Chất thải rắn nguy hại tại các tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và thành phố Hồ Chí Minh được thu gom, vận chuyển trực tiếp đến các cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại vùng liên tỉnh, vùng tỉnh.
    + Chất thải rắn nguy hại của các tỉnh cách xa các cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại được thu gom vận chuyển trực tiếp tới trạm trung chuyển chất thải rắn nguy hại đặt tại các cơ sở xử lý chất thải rắn vùng tỉnh.
    + Chủ nguồn thải phát sinh chất thải rắn nguy hại có trách nhiệm ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn nguy hại theo đúng quy định hiện hành.
    đ) Quy hoạch các cơ sở xử lý chất thải rắn
    - Cơ sở xử lý chất thải rắn bố trí ở ngoài phạm vi đô thị, ưu tiên các vị trí cuối hướng gió chính, cuối dòng chảy của sông suối và được trồng cây xanh cách ly, đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành nhằm bảo vệ nguồn nước trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng thông qua giải pháp về mặt công nghệ, lộ trình đóng cửa các cơ sở xử lý chất thải rắn quá tải, gây ô nhiễm môi trường, xây dựng mới các cơ sở xử lý chất thải rắn.
    - Các địa phương cần rà soát, xây dựng giải pháp cụ thể hạn chế ảnh hưởng tới môi trường của các cơ sở xử lý chất thải rắn hiện hữu đang gây ô nhiễm lưu vực hệ thống sông Đồng Nai như: Xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước rỉ rác, chuyển đổi công nghệ, hạn chế chôn lấp hoặc đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh, thực hiện quan trắc và giải pháp xử lý giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường sau khi đóng bãi chôn lấp chất thải rắn; nâng cấp, cải tạo, xử lý và kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn khác nhằm bảo vệ nguồn nước trong toàn lưu vực.
    - Quy hoạch các cơ sở xử lý chất thải rắn thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2030 bao gồm 34 cơ sở xử lý, cụ thể: 02 cơ sở xử lý chất thải rắn cấp vùng liên tỉnh và 32 cơ sở xử lý chất thải rắn vùng tỉnh (được xác định chi tiết tại Phụ lục I kèm theo Quyết định này), trong đó xác định 18 cơ sở xử lý chất thải rắn vùng tỉnh nằm trong phạm vi ảnh hưởng đến các đoạn sông đang là nguồn cấp nước và 14 cơ sở xử lý chất thải rắn vùng tỉnh nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng đến các đoạn sông đang là nguồn cấp nước.
    - Chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý tại các cơ sở xử lý chất thải rắn vùng tỉnh phù hợp với Quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đến năm 2025 (tại Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ).
    e) Công nghệ xử lý chất thải rắn
    - Công nghệ xử lý chất thải rắn được lựa chọn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; khả năng phân loại, tính chất, thành phần chất thải rắn của từng địa phương.
    - Ưu tiên các công nghệ trong nước, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, các công nghệ tái chế có sản phẩm phù hợp với thị trường tiêu thụ của mỗi địa phương.
    - Công nghệ áp dụng đối với chất thải rắn thông thường:
    + Các cơ sở xử lý chất thải rắn nằm trong phạm vi ảnh hưởng đến các đoạn sông là nguồn cấp nước từ thượng lưu sông Đồng Nai đến huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai); từ thượng lưu sông Sài Gòn đến huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh); toàn bộ lưu vực sông Bé, sông La Ngà; từ thượng lưu sông Vàm Cỏ Đông đến huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh); từ thượng lưu sông Dinh đến Thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phải áp dụng công nghệ xử lý tái chế, thu hồi chất thải rắn, chế biến phân hữu cơ, đốt thu hồi năng lượng..., không chôn lấp chất thải rắn hữu cơ và chất thải rắn nguy hại;
    + Các cơ sở xử lý chất thải rắn còn lại nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng đến các đoạn sông đang là nguồn cấp nước áp dụng công nghệ chế biến phân vi sinh, công nghệ đốt thu hồi năng lượng, công nghệ tái chế..., khuyến khích áp dụng công nghệ hạn chế chôn lấp.
    - Công nghệ áp dụng đối với chất thải rắn nguy hại: Công nghệ xử lý lý hóa, công nghệ đốt, hạn chế chôn lấp,...
    5. Khái toán kinh phí đầu tư
    a) Nhu cầu vốn đầu tư:
    Ước tính vốn đầu tư triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn các tỉnh thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2030 khoảng: 35.000 tỷ đồng.
    Trong đó:
    - Giai đoạn đến năm 2020 khoảng: 20.300 tỷ đồng.
    - Giai đoạn 2020 - 2030 khoảng: 14.700 tỷ đồng.
    b) Nguồn vốn đầu tư:
    - Vốn ngân sách nhà nước.
    - Vốn ODA, vốn tài trợ nước ngoài.
    - Vốn tín dụng đầu tư.
    - Vốn từ các nhà đầu tư trong, ngoài nước.
    - Vốn hợp pháp từ các thành phần kinh tế khác.
    6. Đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư
    Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai đề xuất 21 dự án ưu tiên đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn đến năm 2020 (được xác định chi tiết tại Phụ lục II kèm theo Quyết định này).
    7. Đánh giá môi trường chiến lược
    a) Tác động tích cực đến môi trường:
    - Thu gom và xử lý chất thải rắn thông thường và nguy hại đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường, giảm thiểu ô nhiễm do chất thải rắn gây ra.
    - Hạn chế, xóa bỏ các điểm tập kết chất thải rắn và các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh, nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cải tạo môi trường và bảo vệ sức khỏe cho người dân trong lưu vực sông Đồng Nai.
    - Xác định địa điểm, quy mô, công suất các cơ sở xử lý chất thải rắn trên địa bàn các tỉnh, đảm bảo phục vụ nhu cầu xử lý chất thải rắn đô thị - nông thôn, khu công nghiệp, làng nghề trong lưu vực sông Đồng Nai.
    - Các công nghệ xử lý các loại chất thải rắn được đề xuất theo hướng hạn chế chôn lấp góp phần tiết kiệm đất và xử lý triệt để đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường.
    - Góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và sự phát triển bền vững của các địa phương trong lưu vực sông Đồng Nai.
    b) Dự báo tác động môi trường khi thực hiện quy hoạch:
    - Hoạt động của các xe vận chuyển chất thải rắn có nguy cơ gây ô nhiễm.
    - Quá trình xây dựng các cơ sở xử lý sẽ gây ra các tác động tới môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng (các tác động này chỉ diễn ra cục bộ và trong thời gian ngắn).
    - Quá trình vận hành các cơ sở xử lý sẽ làm tăng tiếng ồn, gây bụi... tại khu vực đặt khu xử lý chất thải rắn.
    - Hoạt động của các điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý có thể gây ô nhiễm môi trường nếu quy trình vận hành không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
    - Nguy cơ xảy ra sự cố môi trường (phân tán khí độc, chất độc hại ra môi trường ...) và tai nạn lao động trong quá trình vận chuyển chất thải rắn nguy hại từ nguồn phát sinh đến trạm trung chuyển.
    c) Các giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường:
    - Các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn đối với các phương tiện vận chuyển, thi công cơ giới trên công trường và dọc tuyến đường vận chuyển.
    - Các biện pháp thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn trên công trường xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn và các biện pháp an toàn và phòng chống tai nạn, sự cố trong quá trình xây dựng.
    - Các dự án khi triển khai phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.
    - Các biện pháp thu gom và xử lý khí thải, khói bụi và nước thải từ các cơ sở xử lý chất thải rắn và các biện pháp giảm thiểu tuân thủ theo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
    - Chương trình quan trắc chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm và đất.
    - Cảnh báo các sự cố môi trường và đề xuất các giải pháp phòng chống giảm thiểu các ảnh hưởng xấu tới môi trường.
    - Các biện pháp hỗ trợ khác.
    Điều 2. Tổ chức thực hiện
    1. Bộ Xây dựng
    - Tổ chức công bố Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hình thức phù hợp và bàn giao hồ sơ quy hoạch cho các địa phương theo quy định hiện hành.
    - Hướng dẫn và kiểm tra các địa phương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành quản lý chất thải rắn của các địa phương phù hợp với Quy hoạch này.
    2. Các Bộ, ngành liên quan
    Theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng lưu vực hệ thống sông Đồng Nai tổ chức thực hiện quy hoạch theo quy định.
    3. Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai
    Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng thực hiện thống nhất, có hiệu quả Quy hoạch này sau khi được phê duyệt.
    4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai
    - Tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
    - Trước năm 2020, tổ chức rà soát, xây dựng và thực hiện các giải pháp hạn chế ảnh hưởng tới môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn hiện hữu và đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh theo quy định, có giải pháp xử lý giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường sau khi đóng bãi; cải tạo, xử lý và kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn khác nhằm bảo vệ nguồn nước trong toàn lưu vực.
    - Xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp với kế hoạch đầu tư cho thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đáp ứng theo từng giai đoạn; xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn triển khai quy hoạch này.
    - Rà soát và lập kế hoạch sử dụng đất cho các trạm trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch.
    - Chỉ đạo lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn theo quy hoạch đã được duyệt.
    - Xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về vệ sinh môi trường, phân loại chất thải rắn tại nguồn đối với các đô thị và nhân rộng với khu vực nông thôn.
    Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
    Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
     

    Nơi nhận:
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài Nguyên và Môi trường, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
    - Thành ủy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An;
    - Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KGVX;
    - Lưu: Văn thư, KTN (3b).
    KT. THỦ TƯỚNG
    PHÓ THỦ TƯỚNG




    Hoàng Trung Hải
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Tổ chức Chính phủ
    Ban hành: 25/12/2001 Hiệu lực: 25/12/2001 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Nghị định 59/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải rắn
    Ban hành: 09/04/2007 Hiệu lực: 18/05/2007 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Quyết định 2149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050
    Ban hành: 17/12/2009 Hiệu lực: 17/12/2009 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 07/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủ
    Số hiệu:07/QĐ-TTg
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:06/01/2015
    Hiệu lực:06/01/2015
    Lĩnh vực:Công nghiệp, Xây dựng, Tài nguyên-Môi trường
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Theo văn bản
    Người ký:Hoàng Trung Hải
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X