Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 1363/QĐ-UBND | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Lý Thái Hải |
Ngày ban hành: | 27/08/2013 | Hết hiệu lực: | 10/04/2020 |
Áp dụng: | 27/08/2013 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Công nghiệp |
ỦY BAN NHÂN DÂN Số: 1363/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Bắc Kạn, ngày 27 tháng 8 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC KẠN
-------------
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2005;
Căn cứ Nghị định số: 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số: 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;
Căn cứ Thông tư số: 08/2009/TT-BTNMT ngày 15/7/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định quản lý và bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp và cụm công nghiệp; Thông tư số: 48/2011/TT-BTNMT ngày 28/12/2011 sửa đổi Thông tư số: 08/2009/TT-BTNMT ngày 15/7/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định quản lý và bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp và cụm công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số: 543/2007/QĐ-TTg ngày 04/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn;
Xét đề nghị của Ban Quản lý các khu công nghiệp tại Tờ trình số: 103/TTr-BQL ngày 13/8/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp quản lý môi trường trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Công thương, Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng các KCN, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1363/QĐ-UBND ngày 27/8/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nội dung phối hợp quản lý môi trường trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; giữa Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã.
2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các hoạt động về quản lý môi trường giữa các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trong các KCN về môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Điều 2. Các khái niệm
Trong Quy chế này các cụm từ "Khu công nghiệp", "Ban Quản lý các khu công nghiệp", "Doanh nghiệp khu công nghiệp", "Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp" được hiểu theo quy định tại Nghị định số: 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ;
Cụm từ "Cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực thuộc UBND tỉnh" được hiểu là cơ quan chuyên môn theo quy định tại Nghị định số: 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước tương đương được tổ chức theo ngành dọc hoạt động trên địa bàn tỉnh;
Khái niệm về phối hợp: Là sự phân công để thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy trình trên cơ sở quy định của pháp luật và ủy quyền của UBND tỉnh;
Ký hiệu viết tắt: KCN - Khu công nghiệp; BQL - Ban Quản lý; ĐTM - Đánh giá tác động môi trường; CKBVMT - Cam kết bảo vệ môi trường.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn là cơ quan đầu mối giúp các nhà đầu tư trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, mọi hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan chức năng đối doanh nghiệp trong KCN đều phải thông qua cơ quan đầu mối là Ban Quản lý các khu công nghiệp, nhằm đảm bảo sự thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, sản xuất - kinh doanh trong KCN;
2. Đảm bảo mọi hoạt động quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực giữa các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đối với KCN được thống nhất, thông suốt, đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền;
3. Phối hợp nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn, góp phần thúc đẩy các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững;
4. Phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Nội dung phối hợp
1. Phối hợp trong việc hướng dẫn, thẩm định, phê duyệt thực hiện các thủ tục quản lý và bảo vệ môi trường trong KCN;
2. Phối hợp trong công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường tại KCN.
Điều 5. Trách nhiệm của Ban Quản lý các KCN Bắc Kạn
1. Chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong các KCN theo chức năng, nhiệm vụ được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện.
2. Thực hiện công khai thông tin về môi trường, cung cấp thông tin về các doanh nghiệp KCN cho các cơ quan phối hợp khi có yêu cầu;
3. Cử đại diện tham gia Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM của các dự án đầu tư vào KCN;
4. Cấp giấy xác nhận đăng ký CKBVMT của các dự án đầu tư vào KCN;
5. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong cam kết bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư vào KCN.
6. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp kiểm tra, xác nhận kết quả chạy thử nhiệm các công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN và các công trình xử lý chất thải của các dự án đầu tư trong KCN trước khi đi vào hoạt động chính thức;
7. Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các cơ quan sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong KCN;
8. Chấp thuận điểm đấu nối nước thải, nước mưa của các doanh nghiệp thứ cấp vào hệ thống thu gom nước thải của KCN theo quy định;
9. Đầu mối tiếp nhận đơn thư, khiếu nại về môi trường giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong KCN; thụ lý và giải quyết hồ sơ ban đầu, chuyển hồ sơ tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp, kiến nghị về môi trường phát sinh từ KCN;
10. Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp trong KCN.
Điều 6. Trách nhiệm của sở Tài nguyên và Môi trường
1. Tiếp nhận hồ sơ và đề nghị của các nhà đầu tư, tổ chức thẩm định, trình phê duyệt báo cáo ĐTM cho các dự án đầu tư vào KCN;
2. Chủ trì và phối hợp với BQL trong việc kiểm tra, xác nhận kết quả chạy thử nhiệm các công trình xử lý chất thải của các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN và các công trình xử lý chất thải của các dự án đầu tư trong KCN trước khi đi vào hoạt động chính thức;
3. Chủ trì và phối hợp với BQL tiến hành giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các nội dung, yêu cầu của quyết định phê duyệt ĐTM của các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong KCN theo thẩm quyền;
4. Chủ trì, phối hợp với BQL, các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thị xã để giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường phát sinh từ KCN;
5. Cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại và giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại đối với các doanh nghiệp đầu tư trong KCN theo quy định.
6. Tổ chức thu thập, lấy mẫu, bảo quản, phân tích giám định mẫu để thực hiện nội dung hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh và phục vụ xác minh, điều tra, xử lý những vụ việc có dấu hiệu tội phạm về môi trường;
7. Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định và kiến nghị của các cơ quan phối hợp;
8. Kiểm tra, thanh tra, giám sát các nguồn thải ra ngoài KCN và tổ chức thu phí bảo vệ môi trường theo quy định;
9. Phối hợp với BQL các KCN tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong KCN.
10. Phối hợp với BQL giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường KCN.
Điều 7. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường - Công an tỉnh trực tiếp tiến hành các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và chủ động phát hiện, xử lý vi phạm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;
2. Cử cán bộ tham gia hội đồng thẩm định ĐTM của các dự án đầu tư vào các KCN, phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường tại các cơ quan, doanh nghiệp theo đề nghị của các cơ quan chức năng về môi trường;
3. Khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc chức năng quản lý của các ngành khác thì thông báo kịp thời cho ngành đó để thực hiện nhiệm vụ quản lý theo thẩm quyền.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Công thương
1. Phối hợp với Ban Quản lý trong công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định quốc tế về môi trường, rào cản môi trường trong thương mại để thúc đẩy hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu theo hướng bền vững cho các doanh nghiệp;
2. Chủ trì hoặc phối hợp thực hiện việc quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương được quy định tại Thông tư 31/2009/TTLB-BCT-BTNMT ngày 04/11/2009 của liên Bộ Bộ Công thương - Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phối hợp giữa Sở Công thương với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương;
3. Chủ trì và phối hợp với BQL hướng dẫn các cơ sở sản xuất công nghiệp triển khai áp dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn trong KCN; hướng dẫn kiểm tra an toàn máy, thiết bị và hóa chất thuộc chức năng quản lý an toàn trong ngành Công thương đối với cơ sở sản xuất, sử dụng trong KCN.
Điều 9. Trách nhiệm của UBND cấp huyện nơi có KCN
1. Hỗ trợ, ứng cứu và khắc phục các sự cố môi trường do KCN gây ra;
2. Phối hợp với các cơ quan giải quyết những tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường phát sinh từ KCN.
Điều 10. Trách nhiệm của Công ty Phát triển hạ tầng các KCN
1. Thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung và yêu cầu trong Quyết định phê duyệt Báo cáo ĐTM, đề án bảo vệ môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt;
2. Thực hiện nghiêm túc các quy định trong Thông tư số: 08/2009/TT-BTNMT ngày 15/7/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quản lý và bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp và cụm công nghiệp và Thông tư số: 48/2011/TT-BTNMT ngày 28/12/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số: 08/2009/TT-BTNMT ngày 15/7/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quản lý và bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp và cụm công nghiệp.
3. Xác định điểm đấu nối theo quy hoạch, hướng dẫn doanh nghiệp thứ cấp thực hiện đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom của KCN;
4. Khi phát hiện những dấu hiệu vi phạm về bảo vệ môi trường thông báo ngay cho Ban Quản lý để phối hợp cùng với các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.
Điều 11. Ứng phó sự cố môi trường
1. Đối với các doanh nghiệp KCN có trách nhiệm thực hiện hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện kịp thời biện pháp để loại trừ nguyên nhân gây ra sự cố khi phát hiện có dấu hiệu sự cố môi trường;
2. Khi xảy ra sự cố môi trường bên trong KCN, Ban Quản lý có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện tại chỗ để ứng phó kịp thời, đồng thời thông báo ngay cho các cơ quan liên quan. Trong trường hợp sự cố môi trường vượt khả năng về chuyên môn và năng lực để xử lý, theo nhiệm vụ và chức năng các cơ quan liên quan báo cáo kịp thời với cơ quan chuyên môn cấp trên; Ban Quản lý có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường và xin ý kiến chỉ đạo;
3. Khi xảy ra sự cố môi trường bên ngoài giáp ranh KCN, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với các Ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ việc ứng cứu và khắc phục các sự cố môi trường; Ban Quản lý chỉ đạo Công ty hạ tầng KCN có biện pháp hỗ trợ và bảo vệ ảnh hưởng của sự cố đối với KCN.
Điều 12. Kiểm tra, thanh tra đột xuất
1. Thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về bảo vệ môi trường. Cơ quan ra quyết định kiểm tra, thanh tra đột xuất có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan phối hợp biết để cùng phối hợp thực hiện;
2. Khi phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cơ quan phát hiện có trách nhiệm thông báo cho ngành chức năng có liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Chế độ thông tin báo cáo
1. Được thực hiện thông qua hình thức văn bản, điện thoại, trao đổi trực tiếp theo quy định báo cáo định kỳ;
2. Các quyết định, kết luận điều tra, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cơ quan chủ trì có trách nhiệm gửi tới các cơ quan có thẩm quyền, đồng sao gửi cơ quan liên quan để biết và phối hợp;
3. Các tài liệu, chứng cứ, tang vật phục vụ cho quá trình điều tra, kiểm tra xử lý đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường phải được bảo mật.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2. Quy chế này thay thế “Mục 4 - Quản lý công nghệ và môi trường” của Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn ban hành theo Quyết định 517/2009/QĐ-UBND ngày 17/3/2009 của UBND tỉnh Bắc Kạn.
Điều 15. Trách nhiệm thi hành
1. Ban Quản lý các khu công nghiệp, các Sở, Ngành và UBND các huyện có trách nhiệm thi hành những quy định của Quy chế này;
2. Ban Quản lý là đầu mối để tổng hợp tình hình thực hiện quy chế phối hợp, thường xuyên trao đổi thông tin về môi trường với các cơ quan phối hợp.
3. Trong quá trình thực hiện nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung nội dung của Quy chế cho phù hợp, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Kạn là đầu mối để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Quyết định 1363/QĐ-UBND Quy chế phối hợp quản lý môi trường trong các KCN tỉnh Bắc Kạn
In lược đồCơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn |
Số hiệu: | 1363/QĐ-UBND |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 27/08/2013 |
Hiệu lực: | 27/08/2013 |
Lĩnh vực: | Công nghiệp |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Lý Thái Hải |
Ngày hết hiệu lực: | 10/04/2020 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |