hieuluat

Quyết định 403/QĐ-TTg điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:253&256-03/2016
    Số hiệu:403/QĐ-TTgNgày đăng công báo:29/03/2016
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành:14/03/2016Hết hiệu lực:09/10/2024
    Áp dụng:14/03/2016Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Công nghiệp, Tài nguyên-Môi trường, Công nghiệp than
  •  

    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
    -------
    Số: 403/QĐ-TTg
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2016
     
     
    QUYẾT ĐỊNH
    VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH THAN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, CÓ XÉT TRIỂN VỌNG ĐẾN NĂM 2030
    ------------------
    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
     
    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
    Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
    Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
    Căn cứ Quyết định số 89/2008/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025;
    Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
     
    QUYẾT ĐỊNH:
     
    Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
    I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
    1. Phát triển ngành than trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước; đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước; bảo đảm việc xuất, nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch, các biện pháp điều tiết khác phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
    2. Đẩy mạnh các hoạt động điều tra cơ bản, thăm dò, đánh giá tài nguyên và trữ lượng than trong nước để chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển bền vững ngành than.
    3. Đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng đủ than cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
    4. Sản xuất và tiêu thụ than đảm bảo bền vững, đáp ứng lâu dài cho nhu cầu sử dụng trong nước; phát triển ngành than hiệu quả, đồng bộ và phù hợp với sự phát triển chung của các ngành kinh tế; đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh than. Phát huy tối đa nội lực (vốn, khả năng thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước,...) kết hợp mở rộng hợp tác quốc tế để nghiên cứu, triển khai, ứng dụng công nghệ tiến bộ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than; áp dụng các giải pháp kỹ thuật và quản lý tiên tiến để giảm tỷ lệ tổn thất trong khai thác than; đầu tư hợp lý cho công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, quản trị tài nguyên, quản trị rủi ro trong khai thác than.
    5. Thực hiện kinh doanh than theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hài hòa với thị trường than thế giới.
    6. Phát triển ngành than gắn liền với bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái vùng than; hài hòa với phát triển du lịch, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các khu vực bảo tồn văn hóa; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; gắn với nhiệm vụ củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn; đảm bảo an toàn trong sản xuất.
    II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
    1. Mục tiêu tổng quát
    Xây dựng ngành than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển; có sức cạnh tranh cao; có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than; đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.
    2. Mục tiêu cụ thể
    a) Về thăm dò than
    - Bể than Đông Bắc:
    + Đến hết năm 2020, hoàn thành công tác thăm dò đến mức -300 m và một số khu vực dưới mức -300 m đảm bảo đủ trữ lượng và tài nguyên tin cậy huy động vào khai thác trong giai đoạn đến năm 2025. Phấn đấu đến năm 2020 nâng cấp khoảng 1,0 tỷ tấn tài nguyên từ cấp 333, 334a và 334b lên cấp trữ lượng và tài nguyên tin cậy (cấp 222 và 332).
    + Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành cơ bản công tác thăm dò đến đáy tầng than đảm bảo đủ trữ lượng và tài nguyên tin cậy để huy động vào thiết kế khai thác trong giai đoạn 2021 - 2030 và giai đoạn sau 2030. Phấn đấu đến năm 2030 nâng cấp phần tài nguyên còn lại từ cấp 333, 334a và 334b lên cấp 222 và 332.
    - Bể than sông Hồng:
    + Trước năm 2020 hoàn thành công tác thăm dò than khu Nam Thịnh và một phần mỏ Nam Phú II, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình để phục vụ lập và thực hiện dự án thử nghiệm.
    + Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể than sông Hồng và kết quả thực hiện các dự án thử nghiệm, tiến hành thăm dò mở rộng làm cơ sở để phát triển các mỏ than ở quy mô công nghiệp với công nghệ hợp lý.
    b) Về khai thác than
    Sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành trong các giai đoạn của quy hoạch: Khoảng 41 - 44 triệu tấn vào năm 2016; 47 - 50 triệu tấn vào năm 2020; 51 - 54 triệu tấn vào năm 2025 và 55 - 57 triệu tấn vào năm 2030. Trong đó bể than sông Hồng giai đoạn 2021 - 2030 thực hiện dự án thử nghiệm, làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển mỏ với quy mô công nghiệp; phấn đấu đạt sản lượng than thương phẩm (quy đổi) khoảng 0,5 - 1,0 triệu tấn vào năm 2030.
    Sản lượng than thương phẩm toàn ngành có thể được điều chỉnh để phù hợp nhu cầu thị trường trong từng giai đoạn (kể cả việc xuất, nhập khẩu than) nhằm mục tiêu đảm bảo hiệu quả chung của nền kinh tế.
    c) Về tổn thất than
    Phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống khoảng 20% và dưới 20% sau năm 2020; tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp lộ thiên xuống khoảng 5% và dưới 5% sau năm 2020.
    d) Về sàng tuyển, chế biến than
    Trước năm 2020 hoàn thành việc bố trí các cơ sở sàng tuyển vùng Quảng Ninh để tối ưu hóa công tác vận tải, sàng tuyển và phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị vùng than, quy hoạch giao thông vận tải, cảng biển và yêu cầu bảo vệ môi trường. Sau năm 2020 chế biến than theo hướng đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng linh hoạt nhu cầu thị trường.
    đ) Về bảo vệ môi trường
    Phấn đấu trước năm 2020 đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường trên toàn địa bàn các vùng mỏ.
    e) Về thị trường than
    Tập trung đáp ứng nhu cầu than của thị trường trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu hợp lý.
    III. NỘI DUNG QUY HOẠCH
    1. Dự báo nhu cầu than
    Dự báo nhu cầu than sử dụng trong nước theo các giai đoạn như sau:
    Đơn vị: Triệu tấn

     

    TT
    Nhu cầu than
    2016
    2020
    2025
    2030
    1
    Nhiệt điện
    33,2
    64,1
    96,5
    131,1
    2
    Phân bón, hóa chất
    2,4
    5,0
    5,0
    5,0
    3
    Xi măng
    4,7
    6,2
    6,7
    6,9
    4
    Luyện kim
    2,0
    5,3
    7,2
    7,2
    5
    Các hộ khác
    5,2
    5,8
    6,1
    6,4
    Tổng số
    47,5
    86,4
    121,5
    156,6
     
    2. Phân vùng quy hoạch
    a) Vùng thăm dò, khai thác, chế biến quy mô công nghiệp
    - Bể than Đông Bắc: Diện tích chứa than phân bố chủ yếu ở tỉnh Quảng Ninh, một phần ở các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Đây là vùng có tài nguyên và trữ lượng than antraxit lớn nhất nước được huy động chủ yếu vào quy hoạch trong giai đoạn đến năm 2030.
    - Bể than sông Hồng: Diện tích chứa than phân bổ chủ yếu ở tỉnh Thái Bình, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Nam Định. Đây là vùng than có nhiều tiềm năng, than loại á bitum (sub - bituminous), mức độ thăm dò còn thấp, điều kiện khai thác khó khăn và phức tạp, nhạy cảm về môi trường, môi sinh.
    - Các mỏ than nội địa: Gồm có 6 mỏ than (Núi Hồng, Khánh Hòa, Làng Cẩm, Na Dương, Khe Bố, Nông Sơn) hiện đang giao các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Thép Việt Nam quản lý, bảo vệ và khai thác; các mỏ than trên có trữ lượng và tài nguyên, công suất vừa và nhỏ, khai thác chủ yếu bằng phương pháp khai thác lộ thiên, tài nguyên than tập trung chủ yếu ở vùng Quán Triều - Núi Hồng và Lạng Sơn.
    b) Vùng thăm dò, khai thác, chế biến quy mô vừa và nhỏ
    - Các mỏ than địa phương: Có trên 100 mỏ và điểm mỏ than có trữ lượng và tài nguyên nhỏ, phân tán, phân bố trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; giá trị công nghiệp và mức độ thăm dò thấp.
    - Các mỏ than bùn: Các mỏ than bùn phân bố khá rộng và đều khắp trong cả nước với trên 216 mỏ và điểm mỏ với tổng tài nguyên dự báo khá lớn được phân bố chủ yếu ở đồng bằng Nam Bộ, mức độ thăm dò thấp.
    c) Khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
    3. Tổng trữ lượng và tài nguyên than
    a) Tổng trữ lượng và tài nguyên than dự tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 khoảng 48,88 tỷ tấn gồm khoảng 2,26 tỷ tấn trữ lượng và 46,62 tỷ tấn tài nguyên, trong đó có 0,34 tỷ tấn than bùn.
    b) Trữ lượng và tài nguyên than huy động vào quy hoạch khoảng 3,05 tỷ tấn gồm khoảng 1,22 tỷ tấn trữ lượng và 1,83 tỷ tấn tài nguyên, trong đó có 0,06 tỷ tấn than bùn.
    Chi tiết như Phụ lục I kèm theo Quyết định này.
    4. Quy hoạch thăm dò
    a) Định hướng
    Tập trung thăm dò nâng cấp tài nguyên than hiện có để chuẩn bị đủ tài nguyên tin cậy phục vụ thiết kế khai thác theo Quy hoạch và đảm bảo công tác thăm dò phải luôn đi trước một bước.
    b) Nội dung
    - Giai đoạn đến năm 2020
    + Bể than Đông Bắc: Hoàn thành các đề án thăm dò đến mức -300 m, trong đó có các khu mỏ mới như Bảo Đài, Đông Triều - Phả Lại, vịnh Cuốc Bê, Đông Quảng Lợi và một số khu vực dưới mức -300 m để phục vụ triển khai các dự án khai thác trong giai đoạn đến năm 2025.
    + Bể than sông Hồng: Hoàn thành đề án thăm dò than khu Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình và thực hiện đề án thăm dò mỏ Nam Phú II, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình để phục vụ triển khai dự án thử nghiệm.
    + Các mỏ than nội địa: Tiếp tục thực hiện các đề án thăm dò nâng cấp xác định trữ lượng của 2 mỏ than (Núi Hồng, Khánh Hòa).
    + Các mỏ than địa phương: Thực hiện các đề án thăm dò xác định trữ lượng các mỏ và điểm mỏ thuộc các địa phương quản lý.
    + Các mỏ than bùn: Thực hiện các đề án thăm dò xác định trữ lượng các vùng chứa than bùn.
    + Thăm dò nâng cấp để đảm bảo đủ trữ lượng than tin cậy huy động vào khai thác trong giai đoạn đến năm 2020.
    - Giai đoạn 2021 - 2030
    + Bể than Đông Bắc: Hoàn thành các đề án thăm dò đến đáy tầng than đảm bảo đủ trữ lượng và tài nguyên than huy động vào khai thác trong giai đoạn đến năm 2030 và sau năm 2030.
    + Bể than sông Hồng: Hoàn thành đề án thăm dò mỏ Nam Phú II, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình để phục vụ triển khai dự án thử nghiệm. Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than và kết quả thực hiện các dự án thử nghiệm sẽ tổ chức thăm dò mở rộng để đầu tư phát triển các mỏ than quy mô công nghiệp và/hoặc thực hiện một số dự án khai thác thử nghiệm tiếp theo (nếu cần thiết).
    Danh mục, khối lượng các đề án thăm dò tài nguyên than như Phụ lục IIa kèm theo Quyết định này.
    Tọa độ ranh giới khép góc các đề án thăm dò tài nguyên than như Phụ lục IIb kèm theo Quyết định này.
    5. Quy hoạch khai thác
    a) Định hướng
    - Quy hoạch các mỏ có quy mô nhỏ thành mỏ có quy mô lớn; phát triển sản lượng khai thác theo hướng bền vững, hiệu quả.
    - Quy hoạch đổ thải theo hướng sử dụng tối đa bãi thải trong.
    - Đầu tư một số dự án thử nghiệm tại bể than sông Hồng để lựa chọn công nghệ khai thác hợp lý.
    b) Nội dung
    - Giai đoạn đến năm 2020
    + Bể than Đông Bắc:
    . Đầu tư cải tạo mở rộng, nâng công suất 9 dự án mỏ (Cẩm Phả: 4 dự án, Hòn Gai: 4 dự án, Uông Bí: 1 dự án).
    . Đầu tư xây dựng mới 41 dự án mỏ (Cẩm Phả: 17 dự án, Hòn Gai: 7 dự án, Uông Bí: 17 dự án).
    + Các mỏ than nội địa: Đầu tư cải tạo mở rộng các dự án mỏ lộ thiên hiện có theo hướng đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, đồng bộ để gia tăng sản lượng khai thác; đầu tư dự án mở rộng nâng công suất mỏ than Na Dương.
    + Các mỏ than bùn: Đầu tư cải tạo mở rộng, xây dựng mới phục vụ cho sản xuất phân bón, hóa chất,...
    + Các mỏ than địa phương: Đầu tư cải tạo mở rộng, xây dựng mới trên cơ sở lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực và điều kiện để thực hiện thăm dò, khai thác than phục vụ nhu cầu tại chỗ.
    + Đầu tư duy trì công suất các dự án mỏ đã xây dựng.
    - Giai đoạn 2021 - 2030
    + Bể than Đông Bắc:
    . Đầu tư cải tạo mở rộng, nâng công suất 9 dự án (Cẩm Phả: 7 dự án, Uông Bí: 2 dự án).
    . Đầu tư xây dựng mới 29 dự án mỏ (Cẩm Phả: 4 dự án, Hòn Gai: 6 dự án, Uông Bí: 19 dự án).
    + Các mỏ than nội địa: Đầu tư xây dựng mới dự án khai thác hầm lò để khai thác phần than phía dưới dự án khai thác mỏ lộ thiên Khánh Hòa; đầu tư dự án mở rộng nâng công suất mỏ Núi Hồng.
    + Các mỏ than bùn: Tiếp tục đầu tư cải tạo mở rộng, xây dựng mới phục vụ cho sản xuất phân bón, hóa chất,...
    + Bể than sông Hồng: Đầu tư một số dự án thử nghiệm theo phương pháp khai thác hầm lò và công nghệ khí hóa than ngầm tại các khu vực đã được thăm dò, làm căn cứ cho việc đầu tư phát triển mỏ với quy mô công nghiệp và/hoặc triển khai thêm một số dự án thử nghiệm (nếu cần thiết) để lựa chọn phương pháp, công nghệ khai thác hợp lý.
    + Đầu tư duy trì công suất các dự án mỏ đã xây dựng.
    Danh mục các dự án mỏ than vào sản xuất như Phụ lục IIIa kèm theo Quyết định này.
    Tọa độ ranh giới khép góc các dự án mỏ than như Phụ lục IIIb kèm theo Quyết định này.
    6. Quy hoạch sàng tuyển, chế biến than
    a) Định hướng
    - Phát triển các hệ thống sàng tuyển đồng bộ, tập trung; từng bước giảm dần các cụm sàng tuyển nhỏ lẻ.
    - Chế biến than theo hướng tối đa chủng loại than cho sản xuất điện; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng theo nhu cầu sử dụng trong nước.
    b) Nội dung
    - Giai đoạn đến năm 2020
    Đầu tư xây dựng mới các nhà máy sàng tuyển than: Vàng Danh 2 công suất khoảng 2,0 triệu tấn/năm; Khe Thần công suất khoảng 2,5 triệu tấn/năm; Hòn Gai công suất khoảng 5,0 triệu tấn/năm (xây dựng mới modul 1 công suất 2,5 triệu tấn/năm tại Phường Hà Khánh và duy trì nhà máy tuyển Nam Cầu Trắng đến hết năm 2018; sau năm 2018 di chuyển nhà máy tuyển Nam Cầu Trắng về vị trí Nhà máy sàng tuyển than Hòn Gai đã xây dựng để lắp đặt thành modul 2 công suất 2,5 triệu tấn/năm); Khe Chàm công suất khoảng 7,0 triệu tấn/năm; Lép Mỹ công suất khoảng 4,0 triệu tấn/năm.
    - Giai đoạn 2021 - 2030
    + Bể than Đông Bắc: Đầu tư cải tạo mở rộng, nâng công suất nhà máy sàng-tuyển than Khe Thần từ 2,5 triệu tấn/năm lên khoảng 5,0 triệu tấn/năm.
    + Bể than sông Hồng: Tùy thuộc vào sản lượng và công nghệ khai thác, nhu cầu sử dụng than để đầu tư các cơ sở chế biến than phù hợp.
    + Đầu tư duy trì các nhà máy sàng tuyển than đã xây dựng.
    Danh mục các nhà máy sàng tuyển than vào vận hành như Phụ lục IV kèm theo Quyết định này.
    7. Định hướng xuất, nhập khẩu than
    Đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ than trong nước về chủng loại và khối lượng; giảm dần xuất khẩu; tích cực, chủ động tìm nguồn than nhập khẩu để đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.
    8. Quy hoạch cung cấp điện
    a) Định hướng
    Nâng cao chất lượng của hệ thống cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của ngành than; áp dụng đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện.
    b) Nội dung
    - Bể than Đông Bắc: Đầu tư cải tạo và nâng cấp hệ thống cung cấp điện hiện có theo tiến độ đầu tư cải tạo mở rộng các mỏ đảm bảo cung cấp ổn định và an toàn cho sản xuất; đầu tư xây dựng mới các tuyến đường dây 35 ÷ 220 kV và các trạm biến áp 35 ÷ 220 kV cho các khu vực có mỏ mới. Các mỏ hầm lò phải được cấp điện bằng mạch kép/mạch vòng.
    - Bể than sông Hồng: Tùy thuộc vào quy mô, tiến độ khai thác, xem xét đầu tư cải tạo, xây dựng mới các tuyến đường dây và trạm biến áp đảm bảo phù hợp nhu cầu sử dụng điện của các dự án đầu tư.
    9. Quy hoạch vận tải ngoài
    a) Định hướng
    Tăng cường các hình thức vận tải bằng đường sắt, băng tải hoặc liên hợp ôtô - băng tải; giảm tối đa hình thức vận tải bằng ôtô để giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường.
    b) Nội dung
    - Giai đoạn đến năm 2020
    + Hệ thống đường sắt: Đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, sử dụng đầu máy có sức kéo lớn trên 1.000 CV để tăng năng lực vận tải đường sắt.
    + Hệ thống băng tải: Đầu tư xây dựng mới 10 tuyến băng tải với tổng chiều dài khoảng 42,5 km.
    + Hệ thống đường ô tô: Đầu tư cải tạo mở rộng, xây dựng mới một số tuyến đường ôtô chuyên dụng khu vực Uông Bí, Hòn Gai và Cẩm Phả.
    - Giai đoạn 2021 - 2030
    Bể than sông Hồng: Tùy thuộc vào sản lượng khai thác, đầu tư xây dựng mới một số hệ thống vận tải ngoài phù hợp.
    Danh mục hệ thống vận tải ngoài vào vận hành như Phụ lục IV kèm theo Quyết định này.
    10. Quy hoạch cảng xuất than
    Cải tạo, xây dựng mới các cụm cảng tập trung có quy mô, công suất lớn với thiết bị rót hiện đại; từng bước xóa bỏ dần các bến nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu.
    b) Nội dung
    - Giai đoạn đến năm 2020
    + Vùng Uông Bí - Đông Triều - Phả Lại:
    . Cảng Điền Công: Đầu tư cải tạo mở rộng, nâng công suất (giai đoạn I) lên 7,0 triệu tấn than và hàng hóa/năm, đảm bảo cho xà lan có tải trọng đến 500 DWT và tàu có tải trọng đến 2.000 DWT vào nhận hàng.
    . Cảng Hồng Thái Tây: Đầu tư xây dựng mới với công suất khoảng 3,0 triệu tấn than và hàng hóa/năm, đảm bảo cho xà lan có tải trọng đến 500 DWT và tàu có tải trọng đến 2.000 DWT vào nhận hàng.
    + Vùng Hòn Gai:
    Cảng Nam Cầu Trắng: Đầu tư cải tạo, nạo vét luồng lạch phục vụ sản xuất than đến hết năm 2018 với công suất khoảng 5,0 triệu tấn than/năm, đảm bảo cho tàu có tải trọng đến 2.000 DWT vào nhận hàng. Sau năm 2018 sẽ cải tạo cảng Nam Cầu Trắng thành cảng hàng hóa.
    + Vùng Cẩm Phả:
    Đầu tư xây dựng mới cảng tổng hợp Cẩm Phả với tổng công suất khoảng 13,0 triệu tấn than và hàng hóa/năm, đảm bảo cho tàu có tải trọng đến 60.000 DWT vào nhận hàng.
    - Giai đoạn 2021 - 2030
    + Vùng Uông Bí - Đông Triều - Phả Lại:
    Cảng Điền Công: Đầu tư cải tạo và mở rộng nâng công suất (giai đoạn II) lên khoảng 13,0 triệu tấn than và hàng hóa/năm, đảm bảo cho xà lan có tải trọng đến 500 DWT và tàu có tải trọng đến 2.000 DWT vào nhận hàng.
    + Bể than sông Hồng: Tùy thuộc vào sản lượng khai thác, đầu tư xây dựng mới một số cảng xuất than phù hợp.
    11. Quy hoạch cảng nhập than
    a) Định hướng
    Xây dựng mới, đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng hiện có đáp ứng nhu cầu nhập khẩu than theo từng giai đoạn, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển các cảng biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
    b) Nội dung
    - Giai đoạn đến năm 2020
    Đầu tư xây dựng mới cảng trung chuyển cung cấp than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực đồng bằng sông Cửu Long (cảng Duyên Hải - Trà Vinh) với công suất đến 40 triệu tấn than/năm, tiếp nhận được tàu có tải trọng đến 80.000 - 160.000 DWT.
    - Giai đoạn 2021 - 2030
    + Đầu tư cải tạo và mở rộng nâng cấp cảng Hòn Nét với công suất đến 30 triệu tấn than/năm, tiếp nhận được tàu có tải trọng đến 100.000 DWT.
    + Đầu tư cải tạo mở rộng cảng Hà Tĩnh (khu bến Sơn Dương) với công suất đến 35 triệu tấn than/năm, tiếp nhận được tàu có tải trọng đến 200.000 DWT.
    Danh mục cảng xuất than, cảng nhập than vào vận hành như Phụ lục IV kèm theo Quyết định này.
    12. Quy hoạch đóng cửa mỏ
    a) Giai đoạn đến năm 2020
    - Đối với bể than Đông Bắc: Kết thúc khai thác và thực hiện 33 đề án (Cẩm Phả: 17 đề án; Hòn Gai: 8 đề án; Uông Bí: 8 đề án).
    - Vùng Nội địa: Kết thúc khai thác và thực hiện 1 đề án.
    b) Giai đoạn 2021 - 2030
    - Đối với bể than Đông Bắc: Kết thúc khai thác và thực hiện 43 đề án (Cẩm Phả: 15 đề án; Hòn Gai: 9 đề án; Uông Bí: 19 đề án).
    - Vùng Nội địa: Kết thúc khai thác và thực hiện 2 đề án.
    Danh mục các đề án đóng cửa mỏ như Phụ lục V kèm theo Quyết định này.
    13. Vốn đầu tư
    a) Nhu cầu vốn đầu tư
    Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 khoảng 269.003 tỷ đồng (bình quân 17.934 tỷ đồng/năm).
    - Giai đoạn đến năm 2020
    Nhu cầu vốn đầu tư khoảng 96.566 tỷ đồng (bình quân 19.313 tỷ đồng/năm), trong đó:
    + Đầu tư mới và cải tạo mở rộng là 89.026 tỷ đồng;
    + Đầu tư duy trì sản xuất là 7.540 tỷ đồng.
    - Giai đoạn 2021 - 2030
    Nhu cầu vốn đầu tư khoảng 172.437 tỷ đồng (bình quân 17.244 tỷ đồng/năm), trong đó:
    + Đầu tư mới và cải tạo mở rộng là 146.880 tỷ đồng;
    + Đầu tư duy trì sản xuất là 25.557 tỷ đồng.
    b) Nguồn vốn
    Vốn đầu tư phát triển ngành than theo Quy hoạch dự kiến thu xếp từ các nguồn: Vốn tự có, vay thương mại, vay ưu đãi, huy động qua thị trường chứng khoán và các nguồn vốn hợp pháp khác.
    IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
    1. Giải pháp đảm bảo cung cấp than dài hạn
    - Đẩy mạnh thăm dò bể than Đông Bắc nhằm nâng cấp trữ lượng than từ mức -300 m trở lên và chuẩn xác trữ lượng than dưới mức -300 m để chuẩn bị đủ cơ sở trữ lượng và tài nguyên than tin cậy phục vụ huy động vào thiết kế khai thác theo Quy hoạch.
    - Đẩy nhanh công tác điều tra, đánh giá tài nguyên than tại bể than sông Hồng; thăm dò than khu Nam Thịnh, mỏ Nam Phú II (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) thuộc bể than sông Hồng để phục vụ dự án thử nghiệm.
    - Quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch liên quan của các địa phương có tài nguyên than cần xác định cụ thể kế hoạch, tiến độ đầu tư của từng dự án để đảm bảo các dự án đầu tư ngành than thực hiện theo tiến độ theo Quy hoạch.
    - Chủ động tìm kiếm các cơ hội và thu xếp nguồn vốn để thực hiện việc đầu tư thăm dò, khai thác than ở nước ngoài dưới nhiều hình thức như liên doanh, mua cổ phần, mua mỏ,...
    - Tích cực đàm phán với các nước xuất khẩu than trên thế giới để ký hợp đồng nhập khẩu than ổn định, lâu dài cung cấp cho các hộ tiêu thụ trong nước (đặc biệt là các chủng loại than cho sản xuất điện).
    - Áp dụng các phương pháp tiên tiến trong lĩnh vực quản trị tài nguyên; thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên than; tăng cường kiểm soát nguồn than từ khâu khai thác, vận chuyển, chế biến đến tiêu thụ.
    2. Về huy động vốn đầu tư
    - Đa dạng hóa việc huy động vốn theo nhiều hình thức: Thuê mua tài chính, thuê khoán, đấu thầu một số hoạt động mỏ, phát hành trái phiếu, cổ phiếu, vay thương mại,... để đầu tư phát triển các dự án ngành than.
    - Liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài để thực hiện các dự án khai thác than tại các khu vực mà ngành than còn chưa làm chủ được công nghệ (khai thác than dưới các công trình dân dụng, công nghiệp, các khu vực chứa nước,...).
    - Đa dạng hóa đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành than theo hình thức PPP, BOT, BT, BO,...
    3. Về đào tạo nguồn nhân lực
    Đẩy mạnh đầu tư, tăng cường hợp tác - liên kết, đa dạng hóa phương thức đào tạo để chủ động chuẩn bị và đảm bảo nguồn nhân lực cho việc thực hiện Quy hoạch.
    4. Về khoa học công nghệ
    - Đẩy mạnh việc nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao, làm chủ công nghệ - kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến than (đặc biệt là công nghệ khai thác than dưới mức -300 m bể than Quảng Ninh và bể than sông Hồng).
    - Nghiên cứu, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm sử dụng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm chi phí trong các khâu thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ và kinh doanh than.
    - Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài ngành, hợp tác quốc tế nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao, tiếp nhận công nghệ tiên tiến trong chế tạo thiết bị mỏ, xử lý môi trường vùng than,...
    5. Về an toàn, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
    - Tăng cường đầu tư công nghệ, trang thiết bị cho công tác đảm bảo an toàn lao động, đặc biệt là hệ thống cảnh báo khí, phòng chống cháy nổ, cảnh báo và ngăn ngừa bục nước, sập hầm,…; hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa lực lượng cấp cứu mỏ.
    - Tăng cường đầu tư để giảm thiểu và tiến tới ngăn chặn có hiệu quả các tác động xấu của hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than đối với môi trường.
    - Xây dựng các giải pháp để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
    6. Về cơ chế, chính sách
    - Về quản lý tài nguyên: Giao Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, tổ chức thăm dò, khai thác bể than Đông Bắc và bể than sông Hồng theo Quy hoạch.
    - Về thị trường: Ngành than tiếp tục thực hiện giá bán than theo cơ chế thị trường nhằm khuyến khích sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên than, giúp ngành than phát triển bền vững theo Quy hoạch.
    - Về tài chính:
    + Ngành than được xem xét cho vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, một phần vốn ODA, trái phiếu Chính phủ để đầu tư phát triển ngành theo Quy hoạch.
    + Nhà nước bố trí vốn ngân sách cho công tác điều tra cơ bản về tài nguyên than, lập quy hoạch phát triển ngành than theo quy định.
    + Nhà nước có cơ chế phù hợp trong từng giai đoạn để ngành than có đủ điều kiện phát triển theo Quy hoạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
    - Về phát triển nguồn nhân lực:
    Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách ưu đãi để thu hút lao động vào làm việc tại các mỏ than, đặc biệt là lao động làm việc trong các mỏ than hầm lò.
    Điều 2. Tổ chức thực hiện
    1. Bộ Công Thương
    a) Công bố Quy hoạch được duyệt; chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy hoạch đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ và hiệu quả.
    b) Thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình cung - cầu than để kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung các đề án thăm dò, dự án khai thác cho phù hợp với điều kiện thực tế.
    c) Chỉ đạo lập và phê duyệt Quy hoạch chi tiết các vùng than, đề án cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện và các dự án đầu tư cảng than theo quy định.
    d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo đủ điều kiện để phát triển ngành than theo Quy hoạch.
    đ) Chỉ đạo lập kế hoạch xuất, nhập khẩu than hàng năm, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện xuất, nhập khẩu than theo quy định.
    2. Bộ Quốc phòng
    Phối hợp với Bộ Công Thương để chỉ đạo việc triển khai các đề án thăm dò, dự án mỏ than bảo đảm thế trận quốc phòng và an ninh trong khu vực phòng thủ của địa phương có hoạt động khoáng sản than.
    3. Bộ Tài nguyên và Môi trường
    a) Tổng hợp, đánh giá hiện trạng tài nguyên đến đáy tầng than của bể than Đông Bắc để phục vụ quy hoạch thăm dò hiệu quả.
    b) Đẩy nhanh tiến độ công tác điều tra cơ bản tài nguyên than tại bể than sông Hồng; quản lý và lưu trữ số liệu địa chất tài nguyên than theo quy định.
    c) Cấp giấy phép hoạt động khoáng sản than bảo đảm các dự án vào sản xuất theo Quy hoạch.
    d) Khoanh định và công bố các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ theo quy định.
    4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
    Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan vận động, kêu gọi vốn ODA để phát triển ngành than theo Quy hoạch.
    5. Bộ Giao thông vận tải
    Cập nhật, bổ sung các tuyến đường vận chuyển than, cảng trung chuyển than vào Quy hoạch chuyển ngành giao thông vận tải để phục vụ nhập khẩu than.
    6. Bộ Tài chính
    Căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ để điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh, bổ sung chính sách về tài chính để phát triển ngành than theo Quy hoạch.
    7. Bộ Khoa học và Công nghệ
    Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để khai thác than dưới mức -300 m bể than Đông Bắc, khai thác và sử dụng có hiệu quả bể than sông Hồng; sử dụng có hiệu quả nguồn than nhiệt lượng thấp; sử dụng nhiều loại sản phẩm khác nhau chế biến từ than.
    8. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
    Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách để thu hút lao động vào làm việc tại các mỏ than, đặc biệt là lao động m việc trong các mỏ than hầm lò.
    9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
    a) Phối hợp các Bộ, ngành, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch.
    b) Chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản than chưa khai thác ngoài ranh giới quản lý của các doanh nghiệp theo quy định; phối hợp các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên than tại các khu vực mỏ đang khai thác.
    c) Cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch liên quan của địa phương để huy động tối đa tài nguyên phục vụ phát triển ngành than theo Quy hoạch.
    d) Chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư cho các dự án đầu tư ngành than theo quy định.
    đ) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác và kinh doanh than trên địa bàn quản lý.
    e) Chủ trì việc khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; thực hiện quản lý hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
    g) Thường xuyên cập nhật và điều chỉnh ranh giới khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản phù hợp với tình hình thực tế nhằm huy động tối đa tài nguyên than để thực hiện mục tiêu Quy hoạch. Hạn chế tối đa việc cấp phép các dự án phát triển kinh tế - xã hội chồng lấn với diện tích khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch.
    h) Phối hợp các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với các di sản văn hóa theo các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động khoáng sản than.
    10. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc
    a) Chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện Quy hoạch, phát triển bền vững ngành than; đảm bảo các đề án thăm dò, dự án mỏ than, dự án hạ tầng vào sản xuất và vận hành đúng tiến độ theo Quy hoạch; thực hiện tốt vai trò đầu mối trong việc cung cấp than cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.
    b) Phối hợp các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ khai thác dưới các công trình trên bề mặt cần bảo vệ, các khu vực chứa nước đảm bảo an toàn, hiệu quả, môi trường.
    c) Nghiên cứu các giải pháp công nghệ khai thác phù hợp, đảm bảo an toàn và hiệu quả để xem xét huy động khai thác phần tài nguyên than trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định.
    d) Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng phương án, biện pháp quản lý chặt chẽ việc khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than, ngăn chặn tình trạng khai thác, kinh doanh than trái phép.
    đ) Xây dựng và thực hiện các đề án đóng cửa mỏ theo quy định.
    e) Định kỳ hàng năm xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, trình Bộ Công Thương phê duyệt.
    g) Xây dựng và ký kết quy chế phối hợp để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quá trình thực hiện các dự án mỏ theo Quy hoạch.
    Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.
    Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng công ty Đông Bắc và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
     

     

    Nơi nhận:
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
    - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    - Văn phòng Tổng Bí thư;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Kiểm toán Nhà nước;
    - Các Tập đoàn: Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam; Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam;
    - Tổng công ty Đông Bắc;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
    - Lưu: Văn thư, KTN (3b).
    THỦ TƯỚNG




    Nguyễn Tấn Dũng
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Nghị định 92/2006/NĐ-CP của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
    Ban hành: 07/09/2006 Hiệu lực: 08/10/2006 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Nghị định 04/2008/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội
    Ban hành: 11/01/2008 Hiệu lực: 04/02/2008 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Quyết định 89/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến 2025
    Ban hành: 07/07/2008 Hiệu lực: 03/08/2008 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    04
    Luật Tổ chức Chính phủ của Quốc hội, số 76/2015/QH13
    Ban hành: 19/06/2015 Hiệu lực: 01/01/2016 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản căn cứ
    05
    Thông tư liên tịch 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA của Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công an về việc Quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy
    Ban hành: 09/07/2015 Hiệu lực: 23/08/2015 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    06
    Quyết định 60/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét đến triển vọng đến năm 2030
    Ban hành: 09/01/2012 Hiệu lực: 09/01/2012 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hết hiệu lực
    07
    Quyết định 1265/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (điều chỉnh)
    Ban hành: 24/08/2017 Hiệu lực: 24/08/2017 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản sửa đổi, bổ sung
    08
    Nghị quyết 140/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
    Ban hành: 02/10/2020 Hiệu lực: 02/10/2020 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Văn bản đang xem

    Quyết định 403/QĐ-TTg điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủ
    Số hiệu:403/QĐ-TTg
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:14/03/2016
    Hiệu lực:14/03/2016
    Lĩnh vực:Công nghiệp, Tài nguyên-Môi trường, Công nghiệp than
    Ngày công báo:29/03/2016
    Số công báo:253&256-03/2016
    Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày hết hiệu lực:09/10/2024
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X