Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | TCVN 12188:2018 | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam | Người ký: | |
Ngày ban hành: | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật | |
Áp dụng: | 01/01/2018 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Công nghiệp, Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 12188:2018
MÁY NÔNG NGHIỆP - MÁY LIÊN HỢP THU HOẠCH LÚA - YÊU CẦU KỸ THUẬT
Agricultural machines - Rice combine harvester - Technical requirements
Mục Lục
Lời nói đầu
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa
4 Yêu cầu kỹ thuật
4.1 Yêu cầu tính năng làm việc
4.2 Yêu cầu khoảng sáng gầm máy
4.3 Yêu cầu áp suất riêng
4.4 Yêu cầu vật liệu chế tạo
4.5 Yêu cầu đối với máy
4.6 Yêu cầu đối với các bộ phận chính
5 Yêu cầu an toàn
6 Ghi nhãn
7 Tài liệu
Thư mục tài liệu tham khảo
Lời nói đầu
TCVN 12188 : 2018 do Trung tâm Giám định máy và thiết bị biên soạn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
MÁY NÔNG NGHIỆP - MÁY LIÊN HỢP THU HOẠCH LÚA - YÊU CẦU KỸ THUẬT
Agricultural machinery- Rice combine harvester - Technical requirements
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với máy liên hợp thu hoạch lúa.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn dưới đây rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung.
TCVN 1773 : 1991, Máy kéo nông nghiệp - Phương pháp thử.
TCVN 6617: 2000, Máy nông nghiệp - Máy liên hợp thu hoạch lúa - Phương pháp thử.
TCVN 6818-7 : 2011 (ISO 4254-7 : 2008), Máy nông nghiệp - An toàn - Phần 7: Máy liên hợp thu hoạch, máy thu hoạch cây làm thức ăn cho gia súc và máy thu hoạch bông.
TCVN 9232-1 : 2012 (ISO 6689-1 : 1997), Thiết bị thu hoạch - Máy liên hợp và các cụm chức năng - Phần 1: Thuật ngữ và định nghĩa
TCVN 9232-2 : 2012 (ISO 6689-2 : 1997), Thiết bị thu hoạch - Máy liên hợp và các cụm chức năng - Phần 2: Đánh giá đặc tính và tính năng kỹ thuật đã định nghĩa.
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa nêu trong TCVN 9232-1 : 2012, và các thuật ngữ, định nghĩa sau:
3.1
Hao hụt hạt (grain loss)
Hao hụt hạt được phân loại theo nguồn, bao gồm tất cả các hao hụt hạt trên đồng do máy gây ra.
3.2
Hạt hư hỏng (damage grain)
Hạt bị nứt, gãy vỡ do máy gây ra.
3.3
Tạp chất (impurities)
Tất cả nhũng vật chất không phải là thóc như thân, lá cây lúa, cỏ dại và hạt lép.
3.4
Khoáng sáng gầm máy (ground clearance)
Khoảng cách nhỏ nhất từ mặt đất đến bất kỳ bộ phận nào của máy liên hợp thu hoạch lúa, trừ bộ phận thu hoạch.
3.5
Áp suất riêng (specific pressure)
Tải trọng của máy tác dụng lên trên một đơn vị diện tích.
3.6
Bộ phận chuyển lúa (crop elevator)
Cơ cấu dùng để vận chuyển lúa vào trống đập.
3.7
Thùng chứa hạt (grain tank)
Bộ phận dùng để chứa hạt đã được đập và làm sạch.
3.8
Bộ phận thu hoạch (header)
Phần của máy liên hợp thu hoạch lúa, bao gồm cơ cấu thu gom, cắt và vơ cây lên.
3.9
Bộ phận đập (threshing device)
Cơ cấu dùng để tách hạt ra khỏi bông lúa.
3.10
Bộ phận làm sạch (clean device)
Cơ cấu dùng để tách hạt mong muốn ra khỏi tạp chất và bông lúa chưa được đập hoàn toàn.
3.11
Bộ phận băm rơm (straw chopper)
Cơ cấu dùng để cắt hoặc băm rơm.
3.12
Bộ phận rải rơm (straw spreader)
Cơ cấu dùng để rải rơm hoặc xả rơm mà không cần băm.
3.13
Bộ phận chuyển hạt (grains conveying device)
Cơ cấu dùng để vận chuyển hạt đến thùng chứa.
3.14
Máy liên hợp thu hoạch lúa loại bánh hơi (wheeled type rice combine harvester)
Máy liên hợp thu hoạch lúa có bộ phận di chuyển bằng bánh hơi (Hình 1).
Hình 1: Máy liên hợp thu hoạch lúa loại bánh hơi
3.15
Máy liên hợp thu hoạch lúa loại bánh xích (track type rice combine harvester)
Máy liên hợp thu hoạch lúa có bộ phận di chuyển bằng bánh xích (Hình 2).
Hình 2: Máy liên hợp thu hoạch lúa loại bánh xích
4 Yêu cầu kỹ thuật
4.1 Yêu cầu tính năng làm việc
Trong điều kiện mặt ruộng lúa bằng phẳng, không có cỏ dại, cây lúa ở trạng thái đứng thẳng, tỷ lệ rơm/thóc là 1,0 đến 2,4; độ ẩm hạt từ 15 % đến 25 %, tính năng làm việc của máy phải phù hợp với các quy định trong Bảng 1.
Phương pháp thử theo TCVN 6617 : 2000.
Bảng 1 – Chỉ tiêu tính năng làm việc
TT | Tên chỉ tiêu | Trị số |
1 | Năng suất, ha/h | Không được nhỏ hơn 80 % năng suất lớn nhất theo thuyết minh của máy |
2 | Hao hụt hạt, % | ≤ 2,5 |
3 | Tỷ lệ tạp chất, % | ≤ 3,0 |
4 | Tỷ lệ hạt hư hỏng, % | ≤ 1,0 |
4.2 Yêu cầu khoảng sáng gầm máy
Khoảng sáng gầm máy không được nhỏ hơn 250 mm đối với máy thu hoạch lúa loại bánh hơi và không được nhỏ hơn 180 mm đối với máy thu hoạch lúa loại bánh xích.
Phương pháp thử theo TCVN 9232-1 : 2012, 3.2.8.
4.3 Yêu cầu áp suất riêng
Áp suất riêng trên một đơn vị diện tích của máy liên hợp thu hoạch lúa loại bánh xích không được lớn hơn 24 kPa.
Phương pháp thử theo TCVN 1773: 1991,5.1.3, a).
4.4 Yêu cầu vật liệu chế tạo
4.4.1 Sử dụng thép loại thanh, loại tấm thông thường và các vật liệu khác (ví dụ như cao su, nhựa ...) để chế tạo các bộ phận khác nhau của máy liên hợp thu hoạch lúa.
4.4.2 Sử dụng thép hợp kim hoặc thép được phủ một lớp chống mài mòn loại thông thường để chế tạo các bộ phận chính (ví dụ như guồng gạt, răng vơ cây) của máy liên hợp thu hoạch lúa.
4.4.3 Dao cắt (Hình 3) phải chế tạo bằng thép cacbon. Phần dao cắt có răng cưa phải được tôi cứng, có độ cứng từ 45 HRC đến 52 HRC và phần không được tôi cứng phải có độ cứng từ 25 HRC đến 27 HRC
Hình 3: Dao cắt
4.4.4 Các phần trống đập phải được chế tạo bằng thép hợp kim, thép cacbon hoặc thép cacbon nhiệt luyện với hàm lượng cacbon từ 0,4 % đến 0,45 %.
4.5 Yêu cầu đối với máy
4.5.1 Kết cấu máy phải điều chỉnh được để có khả năng làm việc phù hợp với loại cây lúa, điều kiện thu hoạch và tình trạng cây lúa.
4.5.2 Động cơ, bộ phận xả hạt, bộ phận cắt ở số vòng quay danh định không được phát sinh tiếng kêu bất thường.
4.5.3 Các cần điều khiển phải thao tác nhẹ nhàng, thuận tiện.
4.5.4 Các phần nối của hệ thống thủy lực, động cơ và hộp số, thùng dầu và ống dầu không được rò rỉ.
4.5.5 Mặt nối giữa thùng đựng hạt và bộ phận chuyển hạt phải kín, không để hạt rơi ra ngoài; đối với thùng chứa mà máy sử dụng bộ phận xả hạt tự động, thì thời gian xả hạt không quá 150 s; đối với thùng chứa xả hạt ra bao, thì giá đóng bao phải thao tác dễ dàng.
4.5.6 Động cơ của máy phải có các đồng hồ báo áp suất dầu bôi trơn, nhiệt độ nước làm mát và phải lắp thiết bị hiển thị cảnh báo, tín hiệu phải thông báo kịp thời.
4.5.7 Máy chỉ khởi động được khi các bộ phận làm việc chưa liên kết với động cơ. Khi cần ly hợp đã gài thì động cơ không thể khởi động được.
4.5.8 Các vòng bi lắp trên máy phải sử dụng loại vòng bi có nắp chắn kín để bảo vệ chống bụi. Nếu sử dụng loại vòng bi không có nắp chắn kín và bạc lót thì phải có cơ cấu hoặc thiết bị bôi trơn.
4.5.9 Bất kỳ bề mặt kim loại nào không được mạ phải được xử lý chống gỉ phù hợp (ví dụ như sơn phủ một lớp chống gỉ).
4.5.10 Máy phải không có các cạnh sắc và bề mặt có thể làm tổn thương người lái và người phục vụ, trừ dao cắt.
4.6 Yêu cầu đối với các bộ phận chính
4.6.1 Bộ phận thu hoạch
4.6.1.1 Bộ phận thu hoạch phải có guồng gạt hoặc răng vơ cây, mũi rẽ và thanh cắt.
4.6.1.2 Bộ phận thu hoạch phải được nâng, hạ nhẹ nhàng, không có hiện tượng bị kẹt; tốc độ nâng không được nhỏ hơn 0,2 m/s, tốc độ hạ không được nhỏ hơn 0,15 m/s. Bộ phận thu hoạch sau khi nâng lên, để trong 30 min, mức tự hạ xuống không được lớn hơn 10 mm. Khi bộ phận thu hoạch được nâng lên phải có khóa hãm và giữ cố định để không bị hạ xuống. Khoảng cách từ mặt đất đến bộ phận thu hoạch phải đồng đều, sai số cách mặt đất giữa hai bên của bộ phận thu hoạch không được vượt quá 1 % bề rộng bộ phận thu hoạch.
4.6.1.3 Guồng gạt phải điều chỉnh được lên cao hoặc xuống thấp, về phía trước hoặc phía sau.
4.6.1.4 Mũi rẽ phải tách được các cây lúa đứng dọc theo bên cạnh máy và có thể hỗ trợ trong việc nâng cây lúa đổ hoặc vướng, gom lại và hướng cây lúa vào bộ phận cắt.
4.6.2 Bộ phận chuyển lúa
Bộ phận chuyển lúa không được tắc nghẽn lúa trong quá trình máy làm việc.
4.6.3 Bộ phận đập
4.6.3.1 Cụm đập phải có trống đập, máng đập, lưới sàng.
4.6.3.2 Khe hở giữa máng đập và trống đập phải thay đổi được.
4.6.4 Bộ phận làm sạch
4.6.4.1 Công đoạn làm sạch có thể bằng cơ khí (nghĩa là sàng các tạp chất lớn bằng sàng thô và sàng các tạp chất nhỏ bằng sàng tinh) hoặc khí động (nghĩa là thổi ra các phần tử nhẹ bằng luồng khí) hoặc kết hợp cả hai.
4.6.4.2 Lưu lượng gió của quạt phải thay đổi được.
4.6.5 Bộ phận xử lý rơm
Bộ phận xử lý rơm phải bao gồm bộ phận rải rơm hoặc băm rải rơm hoặc bộ phận bó rơm hoặc phun rơm ra đồng.
4.6.6 Bộ phận chuyển hạt
4.6.6.1 Bộ phận chuyển hạt phải bao gồm vít tải hạt, gầu tải hạt và thiết bị thu hạt. Hạt được thu vào thùng chứa hoặc bao.
4.3.6.2 Nếu hạt thu vào thùng chứa mà máy sử dụng bộ phận xả hạt tự động, thì thùng chứa phải được thiết kế sao cho hạt không bị tắc nghẽn.
4.6.6.3 Nếu thùng chứa sử dụng bao để thu hạt, thì phải có ít nhất hai ống dẫn hạt và phải có sàn đứng. Sàn đứng được thiết kế phải đảm bảo an toàn cho người hứng hạt.
4.6.7 Hệ thống di động
4.6.7.1 Hộp số, bộ truyền động không có tiếng kêu bất thường, không tự thoát số hay loạn số.
4.6.7.2 Đối với máy loại bánh xích, bánh chủ động và bánh dẫn không được xảy ra hiện tượng đội xích hoặc tuột xích và phải có bộ phận căng xích.
4.6.8 Hệ thống thủy lực
4.6.8.1 Cần điều khiển thủy lực thao tác nhẹ nhàng, không được kẹt.
4.6.3.2 Ống cung cấp dầu không được xoắn, bẹp hoặc hư hỏng.
4.6.9 Hệ thống điện
4.6.5.1 Hệ thống điện không được xảy ra đoản mạch hoặc đứt mạch. Các mối nối chắc chắn, khi máy làm việc không xảy ra hiện tượng nới lỏng, tuột.
4.6.9.2 Nút ấn đóng hoặc ngắt phải thao tác thuận tiện, không được tự động ngắt khi máy làm việc.
4.6.9.3 Dây điện phải được bó gọn, cố định, các đầu nối chắc chắn và có bao cách điện. Nếu dây điện luồn qua lỗ thì phải có ống chống mài mòn.
5 Yêu cầu an toàn
Yêu Cầu an toàn phải theo các quy định trong TCVN 6818-7 : 2011.
6 Ghi nhãn
Trên mỗi máy phải được gắn nhãn rõ ràng bằng tiếng Việt và không thể tẩy xóa được, với những thông tin tối thiểu sau dây:
- Tên và địa chỉ của nhà chế tạo hoặc tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu, nếu nhập khẩu;
- Ký hiệu máy hoặc kiểu loại;
- Số hiệu loạt sản xuất, nếu có;
- Năm sản xuất;
- Năng suất giờ, ha/h;
- Công suất động cơ, kW;
- Khối lượng máy, kg.
7 Tài liệu
Mỗi máy phải có các tài liệu bằng tiếng Việt kèm theo, bao gồm:
- Sổ tay hướng dẫn vận hành và bảo dưỡng;
- Bảng kê các phụ tùng kèm theo.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] PAES 224 : 2015, Agricultural Machinery - Rice combine harvester - Specifications (Máy nông nghiệp - Máy liên hợp thu hoạch lúa - Đặc điểm kỹ thuật).
01 | Văn bản công bố, ban hành |
02 | Tiêu chuẩn được dẫn chiếu |
03 | Tiêu chuẩn được dẫn chiếu |
04 | Tiêu chuẩn được dẫn chiếu |
TCVN 12188:2018 Máy nông nghiệp-Máy liên hợp thu hoạch lúa-Yêu cầu kỹ thuật
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ |
Số hiệu: | TCVN 12188:2018 |
Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Năm ban hành: | 0 |
Hiệu lực: | 01/01/2018 |
Lĩnh vực: | Công nghiệp, Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
Người ký: | |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản tiếng Việt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!