Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | TCVN 8617:2010 | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam | Người ký: | |
Ngày ban hành: | Hết hiệu lực: | 25/04/2023 | |
Áp dụng: | 01/01/2010 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Công nghiệp, Giao thông |
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 8617:2010
KHÍ THIÊN NHIÊN HÓA LỎNG (LNG) - HỆ THỐNG NHIÊN LIỆU TRÊN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG
Liquefied natural gas (LNG) - Vehicular fuel systems
Lời nói đầu
TCVN 8617:2010 tương đương có sửa đổi với NFPA 57:2009.
TCVN 8617:2010 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 58 Chai chứa khí phối hợp với Viện Dầu khí Việt Nam biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
KHÍ THIÊN NHIÊN HÓA LỎNG (LNG) - HỆ THỐNG NHIÊN LIỆU TRÊN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG
Liquefied natural gas (LNG) - Vehicular fuel systems
1. Phạm vi áp dụng
1.1 Tiêu chuẩn này áp dụng cho quá trình thiết kế, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng hệ thống nhiên liệu cho động cơ sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên tất cả các loại phương tiện giao thông, và cho các thiết bị tiếp nhiên liệu, các thiết bị chứa LNG và khí thiên nhiên nén (CNG) có bể chứa LNG theo chuẩn ASME với sức chứa không quá 265 m3.
CHÚ THÍCH: Để biết thông tin về tồn chứa LNG tại chỗ trong tiêu chuẩn về bồn chứa lớn hơn 265 m3 của ASME và tiêu chuẩn xây dựng bồn chứa của API hoặc những tiêu chuẩn khác, xem TCVN 8616:2010.
Tiêu chuẩn này cũng bao gồm cả các phương tiện hàng hải, phương tiện giao thông chạy trên đường cao tốc, chạy trên đường ray, xe địa hình và phương tiện công nghiệp.
1.2 Không áp dụng điều 4, trừ 4.12.8, cho các phương tiện giao thông đã tuân theo các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn cho phương tiện gắn động cơ (bao gồm việc lắp đặt hệ thống nhiên liệu LNG trên phương tiện giao thông) và được chứng nhận của nhà sản xuất.
1.3 Các quy định trong tiêu chuẩn này được coi là cần thiết để cung cấp mức độ bảo vệ hợp lý tránh thiệt hại về người và của do cháy nổ. Chúng phản ánh các điều kiện và tình trạng kỹ thuật phổ biến tại thời điểm tiêu chuẩn được công bố. Trừ khi được chú thích, các quy định của tiêu chuẩn này không được áp dụng đối với các công trình, thiết bị, cấu trúc hay việc lắp đặt các phương tiện đang hoạt động hoặc được phê chuẩn trước thời điểm có hiệu lực của văn bản ngoại trừ trong trường hợp nó được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền rằng tình trạng hiện tại có liên quan nguy hiểm đến tính mạng hay tài sản kế cận.
1.4 Tiêu chuẩn này không quy định hạn chế sử dụng bất kỳ loại vật liệu nào hay phương thức xây, dựng và quy trình lắp đặt khi chúng không được đề cập trong tiêu chuẩn này. Việc thay thế bất kỳ một chi tiết nào cũng cần có sự đồng thuận của cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan này phải nhận được các bằng chứng đầy đủ về tính an toàn của các phương pháp thay thế đó.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau đây là cần thiết khi áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các bản sửa đổi (nếu có).
TCVN 8616 (NFPA 59A), Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) - Yêu cầu trong sản xuất, tồn chứa và vận chuyển.
NFPA 30A, Automotive and Marine Service Station Code, 1996 edition (Tiêu chuẩn về trạm bảo dưỡng tàu và trạm bảo dưỡng ô tô).
NFPA 37, Standard for the Installation and Use of Stationary Combustion Engines and Gas Turbines, 1998 edition (Tiêu chuẩn cho quá trình lắp đặt và sử dụng động cơ đốt trong và tuabin khi cố định, phiên bản 1998).
NFPA 51B, Standard for Fire Prevention During Welding, Cutting and Other Hot Work, 1994 edition (Tiêu chuẩn về Phòng cháy chữa cháy trong các quy trình cắt, hàn và thao tác có dùng nhiệt khác, phiên bản 1994).
NFPA 52, Compressed Natural Gas (CNG) Vehicular Fuel Systems Code, 1998 edition (Tiêu chuẩn về hệ thống nhiên liệu khí thiên nhiên nén (CNG) trên phương tiện giao thông, phiên bản 1998).
NFPA 70, National Electrical Code, 1999 edition (Tiêu chuẩn về điện lưới Quốc gia, phiên bản 1999).
NFPA 80, Standard for Fire Doors and Fire Windows, 1999 edition (Tiêu chuẩn về Cửa chống cháy và cửa sổ chống cháy, phiên bản 1999).
NFPA 220, Standard on Types of Building Construction, 1999 edition (Tiêu chuẩn về các kiểu công trình xây dựng, phiên bản 1999).
NFPA 255, Standard Method of Test of Surface Burning Characteristics of Building Materials, 1996 edition (Phương pháp chuẩn dùng kiểm tra những đặc tính cháy bề mặt của vật liệu xây dựng, phiên bản 1996).
NFPA 302, Fire Protection Standard for Pleasure and Commercial Motor Craft, 1998 edition (Tiêu chuẩn phòng cháy cho động cơ du thuyền thương mại trên biển, phiên bản 1998).
NFPA 303, Fire Protection Standard for Marinas and Boatyards, 1995 edition (Tiêu chuẩn phòng cháy cho bến đỗ tàu bè và du thuyền, phiên bản 1995).
ANSI Z87-1, Practice for Occupational and Educational Eye and Face Protection, 1991 (Tập huấn nghề nghiệp và giảng dạy về bảo vệ mắt và mặt).
ANSI Z89-1, Personal Protection - Protective Headwear for Industrial Workers, 1997 (Bảo hộ cá nhân - Mũ bảo hiểm đầu cho công nhân công nghiệp).
API 620, Design and Construction of Large, Welded, Low Pressure Storage Tanks, 1996 (Thiết kế và xây dựng bồn chứa áp suất thấp kích thước lớn dạng hàn, 1996).
ASME B31.3, Process Piping, 1996 (Ống công nghiệp, 1996).
ASME, Boiler and Pressure Vessel Code (Quy định về nồi hơi và bình chứa chịu áp).
IEEE/ ASTM SI 10, Standard for Use of the International System of Units (SI): The Modern System. 1987 (Tiêu chuẩn về sử dụng hệ đơn vị Quốc tế (SI): Hệ thống hiện đại, 1987)
ASTM E 136, Standard Test Method for Behavior of Material in a Vertical Tube Furnace at 750 °C, 1996 (Phương pháp thử nghiệm quá trình biến đổi của các vật liệu trong lò ống đứng ở 750 °C, 1993).
CGA S-1.1, Pressure Relief Device Standards - Part 1 - Cylinders for Compressed Gases, 1994 (Tiêu chuẩn về thiết bị giảm áp - Phần 1 - Bình khí nén, 1994).
CGA S-1.3, Pressure Relief Device Standards - Part 3 - Compressed Gas Storage Containers, 1980 (Tiêu chuẩn về thiết bị giảm áp - Phần 3 - Bồn chứa khí nén, 1980).
CGA-341, Standard for Insulated Cargo Tank Specifications for Cryogenic Liquids, 1987 (Tiêu chuẩn cho bồn chứa cách nhiệt thiết kế đặc biệt cho chất lỏng siêu lạnh, 1987).
NACE RP-0169, Control of Extemal Corrosion of Underground or Submerged Metallic Piping Systems, 1996 (Kiểm soát quá trình ăn mòn bên ngoài của những hệ thống đường ống bằng kim loại ở trong lòng đất hoặc ở trong nước, 1996).
SSPC-PA1, Shop, Field and Maintenance Painting, 1991 (Sơn trong xưởng, công trường và sơn bảo dưỡng, 1991)
SSPC-PA2, Measurement of Dry Paint Thickness with Magnetic Gages, 1991 (Phép đo độ dày lớp sơn khô bằng máy đo từ tính, 1991).
SSPC-SP6, Commercial Blast Cleaning, 1991 (Máy thổi khí làm sạch thương phẩm, 1991).
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1
Được phê duyệt (Approved)
Được cơ quan chức năng có thẩm quyền chứng nhận
3.2
Cơ quan có thẩm quyền (Authority having jurisdiction)
Cơ quan, tổ chức hay cá nhân có trách nhiệm trong việc phê duyệt cho thiết bị, quá trình lắp đặt hay một quy trình nào đó.
3.3
Tiêu chuẩn (Code)
Tiêu chuẩn là văn bản quy định các quy tắc được công bố rộng rãi bao gồm những vấn đề phù hợp được thông qua luật pháp độc lập với các tiêu chuẩn khác
3.4
Gắn nhãn hiệu chứng nhận (Labeled)
Thiết bị hay linh kiện được gắn nhãn, biểu tượng hay dấu nhận biết của tổ chức hoặc cơ quan có thẩm quyền. Trên đó phải có thông tin liên quan tới kết quả thử nghiệm sản phẩm cùng với chu kỳ kiểm định thiết bị hay linh kiện.
3.5
Tòa nhà (Building)
Một cấu trúc với hai mặt hở hoặc hở phần lớn (80 %) với mái được thiết kế thông khí được xếp vào loại “ngoài trời”, cấu trúc với số mặt kín nhiều hơn được coi là tòa nhà.
3.6
Chất dễ cháy (Combustible material)
Chất có thể bắt cháy (ở pha mà nó được sử dụng với các điều kiện tính toán trước) hoặc sinh ra khí dễ cháy khi tiếp xúc với lửa hoặc nguồn nhiệt khác. Khi cần kiểm tra, phải tuân theo ASTM E 136
3.7
Bồn chứa (Container)
Bồn dùng để chứa hay vận chuyển LNG.
3.8
Phương tiện vận chuyển hàng (Cargo transport container)
Phương tiện di động dùng để vận chuyển LNG.
3.9
Bồn chứa nhiên liệu (Fueling facility container)
Bồn chứa nhiên liệu chính của phương tiện giao thông.
3.10
Bồn chứa nhiên liệu trên phương tiện giao thông (Vehicular fuel container)
Bồn dùng để chứa nhiên liệu trên phương tiện giao thông.
3.11
Phụ kiện bồn chứa (Container appurtenance)
Các thiết bị gắn với bồn chứa nhiên liệu chính đảm bảo tạo ra một cấu trúc kín khí hoàn toàn. Nó có thể bao gồm (nhưng không giới hạn) các thiết bị xả áp, van đóng, thiết bị kiểm tra dòng chảy ngược và dòng chảy quá mức, các van bên trong, đồng hồ đo mức chất lỏng, áp kế và các đầu nối khác.
3.12
Áp suất làm việc thiết kế (Design operating pressure)
Áp suất tại đó các thiết bị và bồn chứa LNG được thiết kế để vận hành bình thường.
3.13
Đê ngăn tràn (Dike)
Cấu trúc được dùng để tạo ra khu vực ngăn tràn (hiện tượng tràn chất lỏng).
3.14
Khoang chứa động cơ (Engine compartment)
Khoảng không gian nhỏ chứa động cơ trên tàu biển không đủ rộng cho một người vào vận hành động
3.15
Buồng chứa động cơ (Engine room)
Khoảng không gian chứa động cơ trên tàu biển đủ rộng cho một người vào vận hành động cơ.
3.16
Thiết bị ngắt khẩn cấp (Emergency shutdown device, ESD)
Thiết bị cho phép chặn dòng di chuyển của LNG trong thiết bị chứa nhiên liệu hoặc các dòng ra/vào khác của nhiên liệu.
3.17
An toàn vận hành (Fail-safe)
Thuật ngữ dùng để chỉ các đặc điểm thiết kế nhằm duy trì điều kiện vận hành an toàn trong trường hợp thiết bị điều khiển hay nguồn năng lượng bị ngắt.
3.18
Thiết bị báo mức chất lỏng (Fixed liquid level device)
Thiết bị báo mức chất lỏng trong bồn chứa khi được bơm tới mức tối đa cho phép.
3.19
Mức độ lan truyền ngọn lửa (Flame spread rating)
Mức độ lan truyền ngọn lửa của vật liệu được xác định theo NFPA 255.
3.20
Hệ thống phân phối nhiên liệu (Fuel dispenser system)
Hệ thống gồm toàn bộ các máy bơm, đồng hồ đo, ống dẫn (cứng, mềm) và các thiết bị điều khiển dùng để phân phối LNG cho phương tiện giao thông và loại bỏ hơi sản phẩm (nếu có) ra khỏi phương tiện.
3.21
Đầu nối nhiên liệu (Fueling connector)
Thiết bị nối ống phân phối nhiên liệu với hệ thống nạp nhiên liệu của phương tiện giao thông. Thiết bị này có thể gồm cả van đóng.
3.22
Trạm nhiên liệu (Fueling facility)
Trạm phân phối nhiên liệu LNG cho phương tiện giao thông.
3.23
Nắp tiếp nhiên liệu (Fueling receptacle)
Phần nối tiếp của ống dẫn nhiên liệu được gắn trên thân phương tiện.
3.24
Gia tốc (G)
Giá trị chuẩn của gia tốc trọng trường. Tại độ cao mực nước biển, g có giá trị khoảng 9,81 m/s2.
3.25
Nguồn bắt lửa (Ignition source)
Bất kỳ linh kiện hay chất nào trong khu vực có khả năng phát sinh năng lượng với thể loại và quy mô đủ lớn để làm bùng cháy các hỗn hợp gây cháy của khí và hơi.
3.26
Khu vực ngăn chặn (Impounding area)
Khu vực có đê chắn hay các yếu tố về địa hình dùng để ngăn chặn và chứa LNG bị tràn hay các chất làm lạnh dễ cháy khác.
3.27
Chất cháy giới hạn (Limited combustible material)
Chất có thể cháy (ở dạng mà nó được sử dụng) với giá trị nhiệt năng không vượt quá 8,1 MJ/kg.
3.28
Khí thiên nhiên hóa lỏng (Liquefied natural gas, LNG)
Tồn tại ở trạng thái lỏng, không màu, có thành phần chủ yếu là khí metan và có thể chứa một lượng nhỏ etan, propan, nitơ hoặc các thành phần khác thường tìm thấy trong khí thiên nhiên.
CHÚ THÍCH: Xem thêm TCVN 8610 (EN 1160) để biết thêm về đặc tính của LNG.
3.29
Áp suất làm việc tối đa cho phép (Maximum allowable working pressure)
Áp suất đo lớn nhất mà tại giá trị này thiết bị hay bồn chứa có thể chịu được và không vượt quá ứng suất thiết kế
3.30
Thể tích nạp tối đa (Maximum filling volume)
Là thể tích nạp chất lỏng lớn nhất mà ở đó mức chất lỏng tối đa cho phép.
3.31
Chất không cháy (Noncombustible material)
Chất không đáp ứng các tiêu chí của chất dễ cháy (xem 3.6) ở pha mà nó được sử dụng và dưới các điều kiện tính toán trước.
3.32
Điểm nối (Point of transfer)
Điểm kết nối/ngắt kết nối trong quá trình xuất LNG từ bồn chứa này sang bồn chứa khác.
3.33
Thiết bị xả áp (Pressure relief device)
Thiết bị được thiết kế để chống sự tăng áp của dòng chất lưu bên trong quá mức cho phép trong các điều kiện bất thường hay khẩn cấp. Nó có thể là van đóng mở hoặc là loại có đĩa nổ hay đĩa chảy (hai loại này cần thay thế sau mỗi lần dùng).
3.34
Bình chịu áp (Pressure vessel)
Bồn chứa hoặc những thành phần khác được thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn của ASME.
3.35
Khu vực sinh hoạt (Accommodation space)
Khu vực được thiết kế để sinh hoạt trên tàu.
3.36
Khu vực điều hành (Control space)
Những khu vực trên tàu biển ở đó có đặt đài phát thanh của tàu, thiết bị định vị chính, nguồn điện khẩn cấp hoặc tại đó tập trung thiết bị kiểm soát cháy, thiết bị chữa cháy.
3.37
Khu vực nguy hiểm khi có khí (Gas-dangerous space)
Khu vực khép kín hoặc nửa kín trên tàu biển tại đó có đặt đường ống chứa khí thiên nhiên, thùng chứa nhiên liệu, buồng hoặc khoang chứa động cơ.
3.38
Khu vực an toàn khi có khí (Gas-safe space)
Khu vực trên tàu không phải là khu vực nguy hiểm khi có khí.
3.39
Khu vực phục vụ (Service space)
Khu vực trên tàu biển nằm ngoài khu vực vận chuyển hàng hóa được sử dụng làm khoang bếp, chỗ chứa dụng cụ nấu ăn, tủ hoặc khoang chứa, nhà xưởng loại trừ những khu vực máy móc, và những khu vực tương tự, những đường trung chuyển đến các khu vực đó.
3.40
Khoang để bể chứa (Tank compartment)
Khu vực trên tàu biển được dành riêng để các thùng chứa nhiên liệu nhưng quá nhỏ cho một nhân viên vào vận hành bồn chứa nhiên liệu.
3.41
Buồng để bể chứa (Tank room)
Khu vực trên tàu biển được dành riêng để các thùng chứa nhiên liệu nhưng đủ rộng cho một nhân viên vào vận hành bồn chứa nhiên liệu.
3.42
Máy hóa hơi (Vaporizer)
Thiết bị không phải bồn chứa có chức năng nhận LNG ở dạng lỏng và cung cấp nhiệt lượng đủ lớn để chuyển chất lỏng thành thể hơi. Đây có thể chỉ là thiết bị dùng để cấp nhiệt cho LNG.
3.43
Máy hóa hơi dùng nhiệt tự nhiên (Ambient vaporizer)
Máy hóa hơi dùng nhiệt từ các nguồn nhiệt tự nhiên như khí quyển, nước biển hay nước địa nhiệt. Nếu nguồn nhiệt tự nhiên nằm riêng rẽ với thiết bị trao đổi nhiệt và thiết bị truyền nhiệt được sử dụng giữa nguồn nhiệt và máy trao đổi nhiệt bay hơi, thì máy bay hơi phải là loại nhiệt ngoài (xem 3.46).
3.44
Máy hóa hơi dùng nhiệt nhân tạo (Heated vaporizer)
Máy hóa hơi dùng nhiệt lượng cháy của nhiên liệu, điện năng hay nhiệt thải (từ các thiết bị như nồi hơi hay động cơ đốt trong).
3.45
Máy hóa hơi gia nhiệt trong (Integral heated vaporizer)
Máy hóa hơi dùng nguồn nhiệt được tích hợp vào thiết bị trao đổi nhiệt.
3.46
Máy hóa hơi gia nhiệt ngoài (Remote heated vaporizer)
Máy hóa hơi có nguồn nhiệt chính nằm riêng rẽ với thiết bị trao đổi nhiệt, và dòng môi chất trung gian (nước, hơi nước, iso-pentan, glycol,...) được dùng làm các chất truyền nhiệt.
3.47
Phương tiện giao thông (Vehicle)
Thiết bị hoặc kết cấu chuyển chở người hoặc vật, thiết bị vận chuyển gồm xe ô tô, xe tải, tàu thủy và tàu hỏa.
3.48
Nhiên liệu cho phương tiện giao thông (Vehicular fuel)
Nhiên liệu được trữ trên phương tiện giao thông.
3.49
Dung tích nước (Water capacity)
Lượng nước cần thiết để làm đầy bồn chứa ở 15,6 °C.
3.50
Sàn thao tác ngoài trời (Weather deck)
Sàn thao tác của tàu luôn ở ngoài trời.
4. Các hệ thống nhiên liệu trên phương tiện giao thông
4.1 Yêu cầu chung
4.1.1 Phần này áp dụng cho việc thiết kế, lắp đặt, kiểm tra, thử nghiệm hệ thống cung cấp nhiên liệu LNG cho động cơ của phương tiện giao thông.
4.1.2 Phần này không áp dụng cho các tàu hỏa dùng LNG.
4.2 Vật liệu
4.2.1 Có thể sử dụng tất cả các vật liệu kim loại, có điểm nóng chảy tối thiểu là 816 °C (trừ các liên kết dễ nóng chảy).
4.2.2 Cần hạn chế việc sử dụng các khớp nối bằng kim loại khác chất liệu. Trong trường hợp bắt buộc, cần có các biện pháp bảo vệ chống ăn mòn nhằm giảm sự tác động của việc kết hợp vật liệu trong thời gian dài tại khớp nối.
4.2.3 Tất cả các vật liệu cần phải được lựa chọn và lắp đặt sao cho giảm thiểu được khả năng ăn mòn hoặc bảo vệ vật liệu khỏi sự ăn mòn. Không được sử dụng các loại thép không gỉ không có khả năng chống nứt gãy do ăn mòn điểm trong môi trường có clo hay giảm khả năng chống ăn mòn điện hóa. Không được sử dụng họ hợp kim đồng-kẽm hay đồng-thiếc tránh khả năng bị biến chất nhanh chóng của hợp kim trong các điều kiện môi trường bên ngoài.
4.2.4 Vật liệu dùng để hàn vảy cứng phải có điểm nóng chảy trên 538 oC.
4.2.5 Không được phép sử dụng hàn hơi.
4.2.6 Không được sử dụng các sản phẩm bằng thép hàn giáp mép.
4.3 Bồn chứa nhiên liệu trên phương tiện giao thông
4.3.1 Thiết kế
Bồn chứa phải được thiết kế, chế tạo, thử nghiệm và đóng nhãn chứng nhận theo đúng các tiêu chuẩn lương ứng.
4.3.1.1 Tất cả các phần của bồn chứa LNG thường xuyên tiếp xúc với LNG hoặc hơi LNG lạnh cần tương thích về mặt vật lý và hóa học với LNG và với điều kiện làm việc ở -162 °C.
4.3.1.2 Phụ kiện bồn chứa phải có mức áp suất làm việc không nhỏ hơn áp suất làm việc tối đa cho phép của bồn chứa.
4.3.1.3 Với các thiết bị cách nhiệt chân không, bồn chứa trong và ngoài và các ống dẫn trong cũng phải kiểm tra độ kín chân không.
4.3.2 Nạp đầy
Bồn chứa cần được lắp đặt thiết bị (hoặc hệ thống thiết bị) báo hiệu khi chất lỏng trong bồn đạt tới mức cao nhất cho phép.
4.3.3 Tính toàn vẹn cấu trúc
Bồn chứa (cùng với tất cả các phụ kiện như van, vỏ bọc,... trong tình trạng được kết nối một cách bình thường) khi được nạp đầy và tăng áp tối đa phải chịu được một lực (theo sáu phương chính) có giá trị bằng tám lần trọng lượng của bồn cộng với các phụ kiện mà không làm mất mát sản phẩm bên trong. Bồn chứa, hệ thống đường ống và các thiết bị gắn vào khác phải chịu được tác động của dao động, chấn động và gia tốc trong các điều kiện vận hành bình thường.
4.3.4 Van chặn bồn chứa
Bồn chứa được lắp van chặn để ngừng cấp nhiên liệu cho hệ thống nhiên liệu trên phương tiện giao thông. Van chặn phải được đánh dấu rõ ràng (có thể bằng nhãn mác hay in trên giấy stencil). Một van chặn phải được lắp đặt trực tiếp vào đường ra của hơi và được đánh dấu “VAN CHẶN HƠI”. Một van chặn khác phải được lắp đặt trực tiếp và đường ra của chất lỏng và được đánh dấu “VAN CHẶN CHẤT LỎNG”. Các van chặn tự động trong điều kiện thông thường được mở bằng tác động của dòng điện, áp suất hơi hay lỏng hoặc kết hợp các điều kiện đó. Các van này cũng có thể được vận hành bằng tay miễn là đạt được các yêu cầu nêu trên.
Thực tế van chặn được lắp càng gần đầu ra của bể càng tốt. Van được bảo vệ khỏi việc hư hại do va chạm với các yếu tố bên ngoài. Do nguy cơ tiềm ẩn của quá trình hư hại do va chạm và cháy, cần phải lưu ý đến các thiết bị khác trong bản thiết kế, ví dụ như các van chặn tự động, các van chặn được lắp cố định bên trong bồn chứa, lưu lượng quá dòng và điểm cao “G” của các van đó....
4.3.5 Rò nhiệt
Kết cấu của bồn chứa phải đảm bảo áp suất chưa xả bên trong bồn không được vượt quá áp suất làm việc lớn nhất cho phép của bồn trong vòng 72 h sau khi bồn được nạp đầy LNG tới mức tối đa tại nhiệt độ làm việc theo thiết kế và đạt được cân bằng nhiệt độ trong bồn. Nhiệt độ môi trường trong vòng 72 h phải vào khoảng 21 °C.
4.3.6 Tái sử dụng
Các bồn chứa đáp ứng được các yêu cầu nêu trên có thể được tái sử dụng, tái lắp đặt hoặc tiếp tục sử dụng. Các bồn này phải được kiểm tra lại về độ phù hợp cho việc tái sử dụng.
4.3.7 Sửa chữa
Việc sửa chữa hay thay thế phụ kiện của bồn phải tuân theo các thiết kế và tiêu chuẩn mà bồn chứa được chế tạo.
4.3.8 Dán nhãn
Bồn chứa phải có các nhãn nhận biết cố định sau đây:
- Tổng dung tích lỏng của bồn (theo lít);
- Nhãn được gắn ở vị trí có thể thấy được gần với khớp nối của phương tiện nạp nhiên liệu LNG chỉ rõ áp suất làm việc tối đa cho phép của bồn chứa LNG và nêu rõ thành phần giới hạn của nhiên liệu LNG;
- Nhãn chỉ định tất cả các đường vào/ra của dòng hơi và lỏng, trừ các van xả và các thiết bị đo khác.
- Tất cả các chi tiết xuyên qua (hoặc cắm vào bồn) phải có dấu hiệu ghi chức năng của chúng và dấu hiệu này không bị mờ đi bởi đóng băng.
4.4 Thiết bị xả áp
4.4.1 Bồn chứa phải được trang bị các thiết bị xả áp hoặc van điều áp tuân theo các tiêu chuẩn thiết kế và chế tạo bồn chứa. Kích thước các thiết bị xả áp này phải được tính toán cho các điều kiện đồng thời khi xảy ra cháy và mất áp suất chân không.
4.4.2 Các thiết bị xả áp hay van điều áp phải kết nối trực tiếp với khoảng hơi của bồn chứa sản phẩm.
4.4.3 Tất cả các thiết bị xả an toàn của bồn chứa nhiên liệu trên phương tiện giao thông phải được thông gió ra phía ngoài của phương tiện. Tất cả đường xả và đường ra phải được lắp đặt tuân theo các điều kiện sau:
4.4.3.1 Đường xả áp phải phù hợp với nhiệt độ và áp suất của chất lỏng xả ra.
4.4.3.2 Các đường ống xả và bộ tiếp hợp được định cỡ và định vị chắc chắn để đảm bảo dung lượng xả áp theo yêu cầu và giảm thiểu nguy cơ hỏng hóc vật lý.
4.4.3.3 Đường ống xả phải chịu được áp suất của hơi nhiên liệu trong điều kiện van xả hoạt động hết công suất.
4.4.3.4 Cần có phương tiện bảo vệ thích hợp để giảm thiểu khả năng xâm nhập của nước và bụi vào thiết bị xả hay ống xả, đồng thời để tháo nước ra khỏi ống xả nếu có. Phương tiện này luôn được duy trì trừ khi thiết bị xả áp hoạt động. Khi đó, phương tiện bảo vệ phải cho phép thiết bị xả vận hành đúng công suất yêu cầu.
4.4.3.5 Đầu ra của van xả phải được lắp khít với thân van xả để tránh tạo hoặc tích tụ tuyết gây cản trở hoạt động của van xả khi vận hành với công suất yêu cầu.
4.4.3.6 Van xả từ bồn chứa nhiên liệu hướng trực tiếp lên trên hoặc một góc 90° theo phương ngang hay xuống dưới khoảng 45° so với phương thẳng đứng. Van xả cũng không được hướng thẳng vào bồn chứa nhiên liệu, hệ thống xả hay bất cứ phần nào khác của phương tiện giao thông cũng như không hướng vào bên trong phương tiện.
4.4.3.7 Đường xả từ thiết bị xả áp trên xe khách phải được lắp ở sau phương tiện, hướng thẳng lên trên và kéo dài lên đỉnh của nóc phương tiện.
4.4.3.8 Các thiết bị xả phụ (được thiết kế để ngăn chặn sự phá hủy bồn chứa nhiên liệu khi các thiết bị bảo vệ chính bị hư hỏng) không cần lắp đường ống đi ra từ bể chứa.
4.4.4 Các thiết bị xả áp và van điều áp được thiết kế nhằm giảm thiểu hiện tượng rung lắc của các thiết bị. Cần lắp đặt thêm các bộ điều chỉnh bên ngoài với các cách thức lấp khoảng trống phù hợp.
4.5 Áp kế
4.5.1 Bồn chứa được trang bị áp kế kết nối với bồn tại điểm nằm phía trên mức chất lỏng tối đa.
4.5.2 Áp kế phải được thiết kế phù hợp với các điều kiện áp suất và nhiệt độ vận hành của hệ thống, với hệ số an toàn của áp suất cháy nhỏ nhất bằng 4.
4.5.3 Thang đo của áp kế phải được đánh dấu để chỉ ra ít nhất là 1,2 lần áp suất mà tại đó thiết bị xả áp hoạt động để đưa áp kế về điều kiện vận hành.
4.5.4 Đường kính lỗ vào của áp kế không được vượt quá 1,4 mm.
4.6 Bộ điều áp
Bộ điều áp đầu vào của động cơ và các khoang chứa khác phải có áp suất vận hành thiết kế không nhỏ hơn áp suất làm việc tối đa cho phép của bồn chứa.
4.7 Ống và phụ kiện ống
Ống và phụ kiện ống phải tuân theo ASME B31.3.
4.8 Van
4.8.1 Van và vòng đệm, mặt tựa phải phù hợp với các hoạt động của toàn hệ thống.
4.8.2 Tất cả các bộ phận của van đóng bồn chứa tiếp xúc với nhiên liệu (trừ đệm, vòng đệm và đế van) phải được làm bằng thép không gỉ, đồng thau hay đồng.
4.8.3 Mũ van mở rộng phải được lắp đặt cùng với vòng đệm kín đuôi van ở vị trí thích hợp nhằm tránh hiện tượng rò rỉ hay hỏng hóc do đóng băng. Nếu mũ van trong đường ống chứa chất lỏng lạnh được lắp đặt với góc lớn 45° so với phương thẳng đứng, cần phải chứng minh thích hợp cho vị trí lắp đặt đó.
4.9 Bơm và máy nén
4.9.1 Bơm và máy nén được được trang bị cùng thiết bị xả áp nhằm giới hạn áp suất xả tới giá trị áp suất làm việc an toàn tối đa của lớp vỏ, ống hạ lưu và các thiết bị, trừ khi các thiết bị này được thiết kế cho áp suất xả tối đa của bơm và máy nén.
4.9.2 Mỗi bơm đều được trang bị hệ thống thông hơi hoặc van xả hoặc cả hai nhằm tránh tình trạng quá áp của vỏ máy bơm.
4.9.3 Bơm LNG phải được trang bị các phương tiện làm lạnh trước nhằm giảm tác động của việc sốc nhiệt và quá áp.
4.10 Máy hóa hơi
4.10.1 Trong trường hợp tốc độ dòng hơi nhiên liệu đạt giá trị tối đa, máy hóa hơi phải có khả năng hóa hơi toàn bộ LNG và làm nóng hơi sản phẩm tới nhiệt độ thiết kế an toàn của thành phần sản phẩm đầu ra trước khi đi vào hệ thống điều áp.
4.10.2 Máy hóa hơi được đánh dấu cố định tại vị trí dễ thấy chỉ rõ áp suất làm việc tối đa cho phép của vùng chứa nhiên liệu của máy.
4.10.3 Máy hóa hơi phải được thiết kế với áp suất làm việc tối thiểu bằng áp suất xả tối đa của bơm hay hệ thống nén tùy thuộc áp suất nào lớn hơn.
4.10.4 Máy hóa hơi, van xả và các phụ kiện, đường ống đều phải phù hợp với điều kiện vận hành ở nhiệt độ -162 °C.
4.10.5 Không được phép dùng khí thải động cơ làm nguồn nhiệt trực tiếp cho hệ thống bay hơi nhiên liệu. Nếu sử dụng thì phải qua hệ thống đốt nóng gián tiếp.
4.11 Quy định
4.11.1 Các hệ thống phụ và bộ phận sau đây, nếu được sử dụng, phải có khuyến cáo từ nhà sản xuất cho các mục đích cụ thể:
- Bồn chứa nhiên liệu của phương tiện giao thông;
- Hệ thống định lượng nhiên liệu;
- Thiết bị xả áp;
- Thiết bị đo áp;
- Van;
- Hệ thống điều áp;
- Máy hóa hơi;
- Bơm;
- Thiết bị phân phối nhiên liệu động cơ;
- Nắp tiếp nhiên liệu; và
- Thiết bị điện liên quan tới hệ thống LNG.
4.11.2 Bộ phận trong khoang động cơ phải phù hợp với các chất lỏng và khi mà chúng có thể tiếp xúc trong khoảng nhiệt độ có thể xuất hiện trong khoang. Các bộ phận trong điều kiện bình thường có thể tiếp xúc với LNG phải phù hợp với dải nhiệt độ từ -162 °C đến 121 °C. Nếu không tiếp xúc với LNG phải phù hợp với dải nhiệt độ từ -40 °C đến 121 °C.
4.11.3 Các bộ phận nằm ngoài khoang động cơ trong điều kiện bình thường có thể tiếp xúc với LNG phải phù hợp với dải nhiệt độ từ -162 °C đến 82,2 °C. Nếu không tiếp xúc với LNG phải phù hợp với dải nhiệt độ từ -40 °C đến 82,2 °C.
4.12 Lắp đặt
4.12.1 Bồn chứa nhiên liệu trên phương tiện giao thông và phụ kiện bồn chứa
4.12.1.1 Khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp của LNG, các bộ phận trên phương tiện giao thông hoặc hệ thống phụ dễ bị hỏng và gây ra các sự cố an toàn, do đó cần phải bảo vệ tránh tiếp xúc với nhiệt độ LNG.
4.12.1.2 Bồn chứa nhiên liệu trên phương tiện giao thông được phép đặt trong khoang tài xế hoặc khoang hành khách. Bồn chứa này phải được trang bị tất cả các đường nối ra ngoài khoang và thông hơi.
4.12.1.3 Bồn chứa được đặt ở các vị trí và phương pháp phù hợp nhằm giảm thiểu nguy cơ hư hại bồn và các phụ kiện. Các yêu cầu này cũng được áp dụng cho các bồn chứa đặt ở đuôi phương tiện và được bảo vệ bởi thanh chắn và các kết cấu khác của phương tiện. Nếu nhiên liệu hoặc đường ống xả chứa nhiên liệu của bồn chứa lắp đặt trong phạm vi cách động cơ hay hệ thống xả 20 cm với nhiệt độ của động cơ hay hệ thống xả động cơ vượt quá 121 °C thì hệ thống nhiên liệu trên phải được che chắn tránh luồng nhiệt trực tiếp.
4.12.1.4 Nhãn nhận biết, đánh dấu trên bồn chứa rõ ràng, dễ đọc sau khi đã lắp đặt cố định bồn vào phương tiện giao thông. Đèn và gương di động cũng lắp tại vị trí thuận tiện để đọc các nhãn này.
4.12.1.5 Van bồn chứa, phụ kiện bồn chứa và các khớp nối khác cần phải được bảo vệ tránh hư hỏng do va chạm với các vật thể bên ngoài.
4.12.1.6 Tất cả các bộ phận của bồn và phụ kiện không được chìa ra ngoài hoặc nhô lên trên nóc phương tiện nhằm tránh nguy cơ va đập gây dập hoặc thủng bồn. Những bồn chứa không nằm trên mui phương tiện không được gắn phía trước trục trước hoặc bên kia bộ giảm xóc phía sau phương tiện.
4.12.1.7 Bồn chứa được lắp đặt cách mặt đường càng cao càng tốt. Khoảng cách tối thiểu từ đường tới bồn chứa, ống dẫn hay khớp nối, tùy giá trị nào nhỏ hơn, đều không được nhỏ hơn giá trị mà nhà sản xuất đưa ra kể cả trong trường hợp phương tiện giao thông chịu tải trọng lớn nhất. Khoảng cách này có thể được tính toán theo các tiêu chí sau:
4.12.1.7.1 Bồn chứa được lắp đặt giữa các trục bánh của phương tiện phải tuân theo điều 4.12.1.7.3 hoặc không được thấp hơn điểm thấp nhất của thành phần kết cấu thân phương tiện, khung phương tiện và sàn phương tiện, nếu động cơ hay hộp số (bao gồm cả khớp li hợp hay hộp chuyển momen xoắn) nằm phía trước của bồn chứa.
4.12.1.7.2 Bồn chứa được lắp đặt sau trục bánh sau và kéo rộng ra thấp hơn khung phương tiện phải tuân theo điều 4.12.1.7.3 hoặc không được thấp hơn:
a) điểm thấp nhất của thành phần kết cấu thân phương tiện, khung phương tiện, sàn phương tiện, động cơ hay hộp số (bao gồm cả khớp li hợp hay hộp chuyển momen xoắn) nằm phía trước của bồn chứa; và
b) điểm thấp nhất trên đường kéo dài đoạn thẳng nối điểm tiếp xúc của bánh phương tiện với đường và điểm thấp nhất và sau cùng của kết cấu phương tiện (thanh chắn, sàn,...). Nếu phương tiện có nhiều trục bánh sau, các tính toán được áp dụng cho trục bánh sau cùng.
4.12.1.7.3 Nếu bồn chứa LNG được lắp đặt thay thế cho bồn chứa cũ của phương tiện (cho phương tiện không được thiết kế chạy LNG ngay từ đầu) thì phải nằm trong khoảng không gian của bồn chứa cũ hoặc tuân theo các yêu cầu trong 4.12.1.7.1 và 4.12.1.7.2.
4.12.1.8 Bồn chứa phải được gắn chắc chắn nhằm tránh hiện tượng lỏng do rung lắc, trượt hay bị quay. Bình phải được gia cố vào thân phương tiện, sàn phương tiện hay khung phương tiện bằng các thiết bị có thể chịu được các tải trọng mô tả trong 4.3.3.
4.12.1.9 Van dẫn sản phẩm, bộ góp hay các kết nối khác không được phép chịu tải của trọng lượng bồn chứa.
4.12.1.10 Hệ thống định vị bồn phải giảm thiểu được nguy cơ ăn mòn do ma sát giữa bồn và hệ thống này.
4.12.1.11 Bồn chứa được lắp đặt sao cho không ảnh hưởng bất lợi tới việc vận hành của phương tiện.
4.12.1.12 Hệ thống nhiên liệu trên phương tiện giao thông phải được trang bị ít nhất một van ngắt nhiên liệu bằng tay hoặc tự động. Van vận hành bằng tay phải dễ dàng tiếp cận, có thể được vận hành mà không cần công cụ hỗ trợ và phải được gắn nhãn mô tả rõ chức năng của chúng.
4.12.1.13 Bồn chứa được lắp đặt phía trên khoang điều hành hoặc khoang hành khách của phương tiện phải tuân theo các yêu cầu sau:
4.12.1.13.1 Bồn chứa, đường ống, khớp nối và van phải được bảo vệ tránh khỏi những thiệt hại sau:
a) Thanh bảo vệ hoặc thiết bị tương tự được thiết kế để hấp thụ các tác động va chạm với một đối tượng tĩnh khi phương tiện giao thông đang chuyển động về trước hoặc sau với vận tốc 8 km/h. Thanh bảo vệ hoặc các thiết bị tương tự phải không có phần chìa ra có thể gây tổn hại cho bồn chứa hoặc van và khớp nối.
b) Lưới chắn được thiết kế để hấp thụ các tác động có thể xảy ra trong quá trình xuất nhập nhiên liệu hoặc sử dụng phương tiện giao thông. Lưới chắn phải không có phần chia ra có thể gây tổn hại cho bồn chứa hoặc van và khớp nối.
4.12.1.13.2 Điểm cao nhất của bồn chứa và bất kỳ đường ống chứa CNG, khớp nối, van, giá đỡ, thanh bảo vệ, hoặc lưới chắn không được vượt quá 4,12 m so với bề mặt đường.
4.12.1.13.3 Bồn chứa phải được bảo vệ tránh hiện tượng va chạm bất ngờ từ đường dây điện trên cao bằng các lớp phủ kim loại hay phi kim.
4.12.2 Bình gắn trong phương tiện giao thông
4.12.2.1 Bồn chứa được gắn bên trong phương tiện giao thông phải đảm bảo nhiên liệu rò rỉ ra từ phụ kiện bồn chứa không ảnh hưởng tới khu vực thông trực tiếp với khoang tài xế hay khoang hành khách hay khu vực có các thiết bị truyền tín hiệu vô tuyến hoặc phát ra tia lửa điện. Phải tuân thủ các điều sau đây:
4.12.2.1.1 Bồn chứa (gồm cả phụ kiện bồn chứa) phải được lắp đặt trong một cấu trúc kín gắn cố định với phương tiện giao thông, kín khí (không ảnh hưởng tới khoang tài xế hay khoang hành khách hay khu vực có các thiết bị truyền tín hiệu vô tuyến hoặc phát ra tia lửa điện) và được thông hơi ra ngoài phương tiện.
4.12.2.1.2 Phụ kiện bồn chứa và toàn bộ kết nối phải được lắp đặt trong một cấu trúc kín gắn cố định với phương tiện giao thông, kín khí (không ảnh hưởng tới khoang tài xế hay khoang hành khách hay khu vực có các thiết bị truyền tín hiệu vô tuyến hoặc phát ra tia lửa điện) và được thông hơi ra ngoài phương tiện.
4.12.2.2 Bồn chứa được lắp đặt và nối sao cho trong quá trình vận hành không có hơi nhiên liệu lọt vào khoang hành khách. Việc này có thể được bảo đảm bằng cách lắp đặt nắp tiếp nhiên liệu ở phía ngoài khoang hành khách tại vị trí được bảo vệ khỏi hư hỏng vật lý hay bị dịch chuyển.
4.12.2.3 Các thiết bị thông gió cho khoang kín chứa bồn nhiên liệu phải được chế tạo và các vật liệu chống chịu được hỏng hóc, tắc nghẽn hay dịch chuyển (và có thể phải dùng dụng cụ để sửa chữa) trong quá trình xô đẩy của hàng hóa trên phương tiện giao thông hay việc đóng cửa phương tiện/khoang hành lý.
4.12.2.4 Nếu bồn chứa được lắp đặt trong khoang kín và LNG không được tạo mùi, cần phải có một hệ thống theo dõi nhận biết liên tục khí thiên nhiên trong khoang. Hệ thống này có báo động bằng âm thanh và bằng đèn có thể nhìn rõ từ trong phương tiện khi nồng độ khi vượt quá 20 % của giới hạn cháy dưới.
4.12.3 Đường ống và khớp nối
4.12.3.1 Đường ống phân phối nối với bồn chứa được chế tạo và lắp đặt sao cho giảm thiểu được hiện tượng dao động, tại các vị trí được bảo vệ hoặc được bao bọc nhằm hạn chế hư hại từ các vật thể không cố định xung quanh.
4.12.3.2 Đường ống phải được lắp đặt, nâng đỡ, bảo vệ và cố định theo phương thức thích hợp nhằm giảm thiểu nguy cơ hư hỏng, ăn mòn, nứt gãy gây ra bởi hiện tượng giãn nở, co ngót, dao động, biến dạng hay hao mòn, bên cạnh đó cũng nhằm ngăn ngừa hiện tượng lỏng ra của ống trong quá trình vận hành.
4.12.3.3 Đường ống đi xuyên qua tấm khung phương tiện hay kết cấu khác đều phải được bảo vệ bằng các vòng đai đệm hoặc các thiết bị tương tự vừa khít ống để đệm vào lỗ trống của tấm khung hay kết cấu đó.
4.12.3.4 Đường ống dẫn qua sàn phương tiện phải được lắp đặt sao cho vị trí xuyên qua nằm thẳng phía dưới hoặc kề bên cạnh bồn chứa. Nếu cần lắp đường ống nhánh thì có thể lắp ống nối ba chạc trên đường nhiên liệu chính bên dưới sàn và nằm phía ngoài phương tiện.
4.12.3.5 Không được lắp đặt ống dẫn nhiên liệu giữa đầu kéo và rơmoóc hay các thành phần lưu động khác của phương tiện giao thông.
4.12.3.6 Một lượng LNG nhất định có thể bị kẹt lại trong ống giữa các van đóng và có thể gây ra hiện tượng tăng áp suất hơi. Mỗi vị trí LNG có thể bị kẹt cần phải có một van xả áp để điều chỉnh áp suất xuống giá trị an toàn. Van xả áp phải được thiết lập áp suất hoạt động không lớn hơn áp suất hoạt động tối đa cho phép của đường ống.
4.12.4 Van
4.12.4.1 Van phải được lắp đặt chắc chắn và được che chắn hoặc ở các vị trí được bảo vệ tránh các hư hỏng do dao động, chấn động, và các vật thể không cố định khác.
4.12.4.2 Van được lắp đặt sao cho trọng lượng của nó không đè lên hoặc được nâng đỡ bởi đường ống.
4.12.4.3 Trên đường cấp nhiên liệu phải có một van đóng. Van này phải đóng tự động và ngắt dòng nhiên liệu vào động cơ khi bộ đánh lửa tắt hoặc ở vị trí khởi động, và khi động cơ không chạy nhưng bộ đánh lửa bật.
4.12.4.4 Nếu phương tiện giao thông được lắp đặt hệ thống đa nhiên liệu thì cần có van tự động để ngắt dòng nhiên liệu không được sử dụng.
4.12.4.5 Hệ thống nhiên liệu trên phương tiện giao thông cần được trang bị van chống chảy ngược (van một chiều) nhằm ngăn dòng nhiên liệu chảy ngược từ bồn chứa ra ống nạp nhiên liệu.
4.12.5 Bộ điều áp
4.12.5.1 Thiết bị điều áp tự động được lắp trên hệ thống cấp nhiên liệu (nằm giữa bồn chứa nhiên liệu và động cơ) nhằm điều chỉnh áp suất nhiên liệu đi vào động cơ cho phù hợp khi áp suất vận hành của hệ thống này vượt quá áp suất vận hành yêu cầu của động cơ.
4.12.5.2 Thiết bị điều áp được lắp đặt sao cho trọng lượng của nó không đè lên đường ống.
4.12.6 Áp kế
4.12.6.1 Áp kế lắp đặt trong khoang tài xế hay hành khách phải được thiết kế sao cho không có dòng khí đi qua áp kế trong trường hợp nó bị hỏng.
4.12.6.2 Áp kế phải được lắp đặt chắc chắn và được che chắn hoặc ở các vị trí được bảo vệ tránh các hư hỏng do dao động và các vật thể không cố định khác.
4.12.7 Dây điện
4.12.7.1 Dây điện được lắp đặt và định vị sao cho tránh được các hư hỏng do dao động, chấn động, biến dạng, mài mòn và ăn mòn.
4.12.7.2 Tất cả các dây dẫn điện phải được tính toán cho mức chịu tải cao nhất và được bảo vệ bằng thiết bị chống quá dòng.
4.12.8 Dấu hiệu nhận biết
4.12.8.1 Phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu LNG phải mang nhãn nhận biết gắn tại vị trí nắp nạp nhiên liệu và gồm các thông tin:
- Chỉ rõ đây là phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu LNG;
- Áp suất làm việc tối đa cho phép của bồn chứa nhiên liệu.
4.12.8.2 Phương tiện giao thông chạy nhiên liệu LNG phải có nhãn nhận biết bền với thời tiết và có dạng hình thoi với kích thước khoảng 12,0 cm x 8,3 cm. Nhãn được gắn phía ngoài phương tiện giao thông, trên bề mặt thẳng đứng (hoặc gần như thẳng đứng) ở phía đuôi sau bên phải của phương tiện, ở giữa các nhãn nhận biết khác. Nhãn này phải có viền và chữ LNG với chiều cao tối thiểu là 25 mm bằng chất liệu phản quang màu trắng hoặc vàng trên nền màu xanh lam.
4.12.9 Nắp nạp nhiên liệu
4.12.9.1 Nắp nạp nhiên liệu của hệ thống nhiên liệu trên phương tiện giao thông phải được gắn chắn chắn và đảm bảo các yêu cầu:
- Tiếp nhận đầu nối nhiên liệu và phù hợp với áp suất làm việc của hệ thống nhiên liệu trên phương tiện;
- Được trang bị phương tiện chống bụi, nước hay các vật thể khác lọt vào;
- Phù hợp với các điều kiện ăn mòn được tính toán trước.
4.12.9.2 Nắp nạp nhiên liệu được gắn sao cho chịu được lực kéo đứt rời phù hợp với thiết bị chống đứt rời (xem 5.4.1.4) hoạt động trước khi nắp bị tách khỏi hệ thống. Nắp nạp nhiên liệu được lắp đặt theo đúng quy định của nhà sản xuất.
4.13 Thử nghiệm hệ thống
4.13.1 Sau khi toàn bộ hệ thống được lắp ráp hoàn thiện, tất cả các mối nối và liên kết phải được thử nghiệm rò rỉ trong điều kiện chịu áp tới giá trị áp suất vận hành lớn nhất. LNG có thể được cho chạy qua hệ thống với tốc độ dòng tối thiểu bằng với tốc độ khi hệ thống vận hành.
4.13.2 Khi phương tiện giao thông bị sự cố như cháy hay tai nạn có thể gây ra hư hại cho hệ thống nhiên liệu LNG thì toàn bộ hệ thống phải được kiểm định lại, sửa chữa nếu cần thiết, và thử nghiệm lại trước khi đưa vào hoạt động trở lại.
5. Hệ thống thiết bị công trình LNG
5.1 Phạm vi áp dụng
Điều này áp dụng cho thiết kế, chọn địa điểm, xây dựng, lắp đặt, xây bể tràn và vận hành bể chứa, bồn chịu áp, bơm, thiết bị hóa hơi, công trình kiến trúc và các thiết bị liên quan phục vụ cho việc tồn chứa và phân phối LNG làm nhiên liệu cho tất cả các loại phương tiện giao thông.
5.2 Thiết kế
5.2.1 Yêu cầu chung
5.2.1.1 Các công trình LNG không được giám sát thường xuyên phải được thiết kế cố định và chắc chắn nhằm tránh tình trạng rung lắc trong vận hành.
5.2.1.2 Các thiết bị tồn chứa và vận chuyển tại các công trình không được giám sát thường xuyên cũng phải được lắp đặt chắc chắn nhằm tránh tình trạng rung lắc.
5.2.1.3 Các bản chỉ dẫn về vị trí và vận hành các thiết bị khẩn cấp phải được để ở chỗ dễ thấy trong khu vực công trình đó.
5.2.1.4 Các công trình vận chuyển LNG trong đêm phải có đủ ánh sáng cố định tại các điểm xuất nhập LNG và vận hành.
5.2.1.5 Các nhà thiết kế, chế tạo, xây dựng các công trình nhiên liệu LNG phải có năng lực về thiết kế, chế tạo, xây dựng bồn bể chứa LNG, thiết bị làm lạnh sâu, hệ thống xuất nhập, thiết bị chữa cháy và các thành phần khác của công trình LNG. Cũng cần phải có các tính toán dự phòng tới một quy mô phù hợp trong quá trình chế tạo, xây dựng và thử nghiệm chấp nhận các thành phần của công trình nhằm đảm bảo tính vững bền về cấu trúc và phù hợp với các điều kiện vận hành phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn này.
5.2.2 Chọn địa điểm
5.2.2.1 Bể chứa LNG và các thiết bị liên quan không được đặt ở khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố của đường dây điện lưới trên cao với điện áp trên 600 V.
5.2.2.2 Nếu có các chất lỏng nguy hiểm và dễ cháy có thể xâm nhập vào hệ thống LNG thì cần phải có các biện pháp nhằm bảo vệ công trình.
5.2.2.3 Tại các khu vực ngăn tràn và hệ thống tiêu nước của bể chứa, các thiết bị cứa hỏa phải được đặt ở các vị trí mô tả trong Bảng 3.
5.2.2.4 Khoảng cách tối thiểu từ các điểm tiếp nhận LNG đến công trình khác, hoặc đến ranh giới các công trình liền kề có trong quy hoạch, hoặc đến các nguồn tia lửa cố định là 7,6 m.
5.2.3 Ngăn tràn
5.2.3.1 Quá trình chuẩn bị mặt bằng phải tính toán đến việc lưu giữ LNG bị tràn trong giới hạn của phạm vi công trình và đến quá trình tiêu nước bề mặt (xem TCVN 8616 và 5.2.3).
5.2.3.2 Không được phép sử dụng hệ thống kênh tiêu nước khép kín cho LNG (xem TCVN 8616 và 5.3.2.3).
5.2.3.3 Khu vực ngăn tràn (nếu có) phải có thể tích tối thiểu bằng với thể tích lớn nhất của LNG hoặc chất lỏng dễ cháy khác có thể xả vào khu vực đó trong suốt khoảng thời gian 10 min từ một sự cố rò rỉ đơn lẻ hoặc trong khoảng thời gian ngắn hơn phụ thuộc vào khả năng giám sát và sự đóng dự phòng phải được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận (xem TCVN 8616 và 5.3.2.2).
5.2.3.4 Bể chứa chất lỏng dễ cháy không được đặt trong khu vực ngăn dòng bể chứa LNG.
5.2.3.5 Khu vực ngăn dòng bể chứa LNG phải bao gồm cả thể tích cho khu vực tiêu nước với dung sai cho hiện tượng tích tụ băng tuyết, các bể chứa và thiết bị khác. Khu vực này có dung tích nhỏ nhất, V, tuân theo các điều sau:
5.2.3.5.1 Nhiệt độ thấp và khả năng cháy cao của LNG rò rỉ từ một bể chứa có thể gây ra hiện tượng rò rỉ các bề chứa khác. Khu vực ngăn dòng có biện pháp ngăn chặn được hiện tượng nêu trên phải có thể tích bằng thể tích lỏng của bể chứa lớn nhất với giả thiết bể đó chứa đầy sản phẩm.
5.2.3.5.2 Khu vực ngăn dòng không có biện pháp ngăn chặn được hiện tượng nêu ở 5.2.3.5.1 phải có thể tích bằng thể tích lỏng của tất cả các bể chứa với giả thiết các bể đó đều chứa đầy sản phẩm.
5.2.3.6 Cần có các phương án dự phòng làm sạch nước mưa hay từ các nguồn khác khỏi khu vực ngăn dòng. Có thể sử dụng các máy bơm gom nước tự động vào các hố nước nếu các bơm này được trang bị thiết bị tắt tự động khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp của LNG. Các đường ống, van, khớp nối nếu bị hỏng có thể gây chất lỏng LNG thoát ra ngoài khu vực ngăn chặn. Các thiết bị này phải thích hợp với việc tiếp xúc liên tục với nhiệt độ thấp của LNG. Nếu sử dụng hệ thống tiêu nước bằng trọng lực thì phải dự phòng để tránh thoát LNG theo hệ thống nước.
5.2.4 Hệ thống nhiên liệu trong nhà
5.2.4.1 Các tòa nhà có các phương tiện sử dụng LNG phải tuân theo NFPA 220. Cửa ra vào và cửa sổ phải đặt ở các vị trí cho phép thoát ra nhanh nhất trong trường hợp khẩn cấp.
5.2.4.2 Các biện pháp ngăn chặn hiện tượng cháy bùng chỉ cần được thiết lập ở tường bên ngoài hay mái nhà. Các biện pháp đó có thể là một hoặc kết hợp nhiều biện pháp sau:
a) Tường bằng vật liệu nhẹ;
b) Nắp cửa hầm được gia cố nhẹ;
c) Các cửa được gia cố nhẹ, mở ra phía ngoài của các tường bên ngoài;
d) Tường hay mái nhà được gia cố nhẹ.
5.2.4.3 Hệ thống thông gió phải là loại dùng thông gió cơ học liên tục hoặc hệ thống được kích hoạt bởi hệ thống nhận biết theo dõi liên tục khí thiên nhiên khi nồng độ khí vượt quá 1/5 giá trị cháy dưới. Trong các trường hợp khác, hệ thống phải tắt hệ thống nhiên liệu nếu có sự cố của hệ thống thông gió.
5.2.4.4 Tốc độ thông gió tối thiểu phải đạt giá trị 1 m3/min cho mỗi 12 m3 thể tích phòng.
5.2.4.5 Hệ thống nhiên liệu phải được khởi động lại bởi nhân viên được đào tạo.
5.2.4.6 Hệ thống dò khí phải được lắp đặt ở tất cả các công trình chứa LNG, hệ thống này phải kích hoạt báo động khi nồng độ khí đạt giá trị 20 % giá trị giới hạn cháy dưới. Báo động bằng âm thanh rõ ràng và ánh sáng có thể nhìn rõ từ cả bên trong và bên ngoài khu vực bị ảnh hưởng.
5.2.4.7 Các thiết bị phân phối bên trong nhà hay được gắn vào nhà dùng cho các điều đích khác phải tuân theo các yêu cầu sau:
5.2.4.7.1 Phòng phân phối phải có ít nhất một tường bao ngoài. Tường bên trong hoặc vách ngăn phải liền mạch từ sàn lên trần, được gia cố chắc chắn và phải có độ chịu lửa tối thiểu là 2 h.
5.2.4.7.2 Nội thất của phòng phân phối phải được hoàn thiện với các vật liệu không cháy hoặc khó cháy.
5.2.4.7.3 Cửa ở vách trong của phòng phân phối phải là loại tự đóng chịu lửa 1,5 h và được thiết kế, chế tạo và lắp đặt theo các tiêu chuẩn về cửa chống cháy.
5.2.4.7.4 Phòng phân phối phải có hệ thống thông gió riêng biệt với các phòng hoặc tòa nhà khác.
5.2.4.7.5 Lối vào phòng phân phối phải đi từ phía ngoài của cấu trúc chính của tòa nhà. Nếu lối vào đó đi từ bên trong của cấu trúc chính thì phải được thiết kế đi xuyên qua khoảng chắn có hai cửa chống cháy kín khí đóng tự động, độ chịu lửa tương đương với tường.
5.2.4.8 Cửa ra vào và cửa chống cháy phải luôn thông thoáng, cần phải có nhãn nhận biết với dòng chữ “CẤM LỬA” có kích thước tối thiểu 25 mm màu đỏ rõ ràng trên nền trắng.
5.2.4.9 Đường ống LNG dẫn vào tòa nhà phải được trang bị van đóng đặt ở phía ngoài nhà.
5.2.4.10 Các tòa nhà và phòng dùng cho việc tồn chứa và phân phối LNG phải được phân loại theo Bảng 1 khi lắp đặt các trang thiết bị điện.
5.3 Xuất hàng
5.3.1 Khi được chuyển từ thiết bị chuyên chở sang bồn chứa tại các công trình cố định, LNG phải được điều chỉnh tới áp suất phù hợp để không gây quá áp cho bể chứa nhận hàng.
5.3.2 Đường ống dẫn phải có van đóng ở hai đầu. Với bể chứa LNG có thể tích lớn hơn 7.6 m3 phải lắp đặt van điều khiển từ xa, van đóng tự động hay van một chiều để ngăn chặn dòng chảy ngược.
5.3.3 Nếu bể chứa hoặc các thiết bị vận chuyển nằm ở khu vực cách xa, các thiết bị báo hiệu trạng thái hoạt động (ví dụ như báo mức chất lỏng) phải được lắp đặt ở khu vực xuất hàng.
5.3.4 Ít nhất phải có một nhân viên đủ trình độ giám sát liên tục và có tầm nhìn không bị che khuất tới vị trí vận chuyển trong suốt quá trình xuất nhập hàng.
5.3.5 Tất cả các nguồn gây cháy đều bị cấm trong khu vực xuất hàng khi quá trình xuất nhập đang được tiến hành.
5.3.6 Việc xả hay thông hơi có thể được tiến hành nếu cần thiết để giảm áp suất trước khi ngắt kết nối của cần xuất nhập và ống nối.
5.3.7 Để chuẩn bị cho quá trình kết nối, phương tiện vận chuyển hàng phải được cố định vị trí.
5.3.8 Động cơ của phương tiện vận chuyển hàng phải tắt khi ống hoặc cần xuất nhập kết nối và ngắt kết nối. Nếu cần thiết, động cơ có thể được khởi động và sử dụng cho quá trình vận chuyển chất lỏng.
5.3.9 Khoảng cách tối thiểu từ nơi tồn chứa tới điểm kết nối phương tiện vận chuyển LNG là 0,5 m.
5.4 Hệ thống phân phối nhiên liệu LNG cho phương tiện giao thông
5.4.1 Thiết bị phân phối phải được bảo vệ tránh hư hỏng khi phương tiện bị va đập.
5.4.2 Cần phải trang bị hệ thống ngắt khẩn cấp (ESD) gồm một van ngắt dòng chất lỏng và dừng hoạt động của thiết bị vận chuyển nhiên liệu. Cũng cần lắp đặt một bộ khởi động với các dấu hiệu rõ ràng, cố định, dễ nhận biết gần bộ phân phối và tại vị trí từ xa.
5.4.3 Áp suất phân phối tối đa tại đầu vào của bể chứa của phương tiện giao thông không được vượt quá áp suất tối đa cho phép của các bể chứa nhiên liệu trên phương tiện.
5.4.4 Ống nối mềm và cần xuất nhập phải được trang bị van ngắt ở đầu ra của nhiên liệu và thiết bị ngắt để giảm thiểu lượng chất lỏng và hơi thoát ra trong trường hợp bị phương tiện kéo đi trong khi vẫn còn kết nối ống. Các thiết bị này được lắp đặt và vận hành theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
5.4.5 Khi không sử dụng, ống nối mềm phải được gắn cố định lại để tránh bị hư hỏng.
5.4.6 Nếu ống nối mềm và cần xuất nhập có đường kính danh nghĩa 76 mm hoặc lớn hơn được sử dụng để xuất nhập chất lỏng, còn đường kính danh nghĩa 100 mm hoặc lớn hơn dùng để xuất nhập hơi, van ngắt khẩn cấp được lắp đặt trên hệ thống ống xuất nhập trong vòng 3,0 m từ đầu ra gần nhất tới ống nối mềm và cần xuất nhập. Trong trường hợp dòng chảy ra từ ống nối mềm, van một chiều được sử dụng như van ngắt. Khi đường ống dẫn chất lỏng và hơi có hai hay nhiều nhánh, van ngắt khẩn cấp cũng cần phải được lắp đặt tại mỗi nhánh hoặc lắp đặt tại đường cấp liệu trước mối nhánh.
5.4.7 Các kết nối xả hoặc thông hơi phải được lắp đặt để cần nạp và ống nối mềm có thể xả chất lỏng và giảm áp trước khi ngắt kết nối nếu cần thiết. Các kết nối này phải được dẫn đến vị trí xả an toàn.
5.4.8 Đầu nối dẫn nhiên liệu và khớp nối tại nắp nạp nhiên liệu trên phương tiện phải được sử dụng đảm bảo có độ tin cậy, an toàn cho việc xuất nhập LNG và giảm thiểu nguy cơ rò rỉ.
5.4.9 Đầu nối nhiên liệu hoặc phải được trang bị thiết bị liên động để ngăn ngừa xả khi đường ống đang mở hoặc có đầu tự đóng để tự động đóng lại khi ngắt kết nối.
5.4.10 Việc xuất nhập LNG vào phương tiện giao thông bồn cung cấp nhiên liệu phải được thực hiện theo như hướng dẫn của nhà chế tạo. Hướng dẫn này phải được công bố trên thiết bị phân phối.
5.4.11 Những quy định trong điều 5.4 không áp dụng cho việc phân phối hàng của các phương tiện có gắn bồn chứa tại các hệ thống thiết bị thương mại và công nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện sau:
5.4.11.1 Thực hiện giám sát hoạt động của các cơ sở đã được cấp cơ quan có thẩm quyền thi hành phê duyệt;
5.4.11.2 Phương tiện giao thông có gắn bồn chứa tuân theo các quy định cụ thể của hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam;
5.4.11.3 Ống nối mềm không được vượt quá chiều dài 12 m;
5.4.11.4 Việc giao hàng ban đêm phải được thực hiện tại khu vực đảm bảo ánh sáng;
5.5 Hệ thống ống và các phụ kiện
Hệ thống đường ống phải tuân theo quy định như trong 6.9
5.6 Van an toàn và van xả áp
5.6.1 Những thiết bị xả áp an toàn phải được sắp xếp sao cho có thể giảm tới mức tối thiểu thiệt hại cho đường ống hoặc các thiết bị phụ trợ. Phương thức điều chỉnh van xả áp phải được xác nhận (xem TCVN 8616 và 9.9).
5.6.2 Van điều chỉnh sự giãn nở nhiệt phải được lắp đặt theo yêu cầu để ngăn ngừa sự quá áp trong bất kỳ phần nào của đường ống dẫn chất lỏng hoặc hơi lạnh được phân cách bằng các van đó.
5.6.2.1 Van điều chỉnh sự giãn nở nhiệt được thiết lập giá trị làm việc trên mức áp suất tối đa thông thường trong ống nhưng thấp hơn mức áp suất thử nghiệm của đường ống mà van đó bảo vệ.
5.6.2.2 Việc xả áp từ van điều chỉnh giãn nở nhiệt phải được hướng dẫn cụ thể để giảm thiểu tối đa nguy hiểm đối với người lao động và trang thiết bị khác.
5.7 Kiểm soát ăn mòn
5.7.1 Đường ống ngầm dưới đất hoặc chìm dưới nước được bảo vệ và bảo trì theo các quy định chuẩn tương ứng.
5.7.2 Thép không gỉ austenic và hợp kim nhôm phải được bảo vệ để giảm thiểu ăn mòn. ăn mòn điểm trong môi trường ăn mòn cao và các hóa chất công nghiệp trong quá trình tồn chứa, xây dựng, chế tạo, thử nghiệm và làm việc. Các chất này không hạn chế về số lượng, bao gồm clorua và các hợp chất của lưu huỳnh hoặc nitơ. Không được sử dụng dây hoặc các vật liệu bọc đường ống khác gây ăn mòn cho đường ống hoặc các phụ kiện đường ống. Trong trường hợp vật liệu cách nhiệt có thể gây ăn mòn cho nhôm hoặc thép không gỉ thì phải sử dụng các chất ức chế phù hợp hoặc lớp ngăn không thấm nước.
5.7.3 Việc bảo vệ tránh sự ăn mòn cho tất cả các loại vật liệu khác nhau phải được thực hiện theo các yêu cầu của các tiêu chuẩn tương ứng.
5.8 Bơm và máy nén cố định
5.8.1 Van phải được lắp đặt cho mỗi bơm hoặc máy nén để có thể cách li chúng khi bảo trì hệ thống. Trong trường hợp máy bơm hoặc máy nén ly tâm được lắp đặt vận hành song song, mỗi đường ra cần được trang bị một van một chiều.
5.8.2 Nền móng và bể lắng của bơm làm lạnh phải được thiết kế và thi công xây dựng sao cho ngăn chặn được hiện tượng phồng do băng giá (đông nở).
5.8.3 Hoạt động của toàn bộ bơm và máy nén phải ngừng khi hệ thống thiết bị ngắt khẩn cấp (ESD) khởi động.
5.8.4 Mỗi bơm phải được cung cấp đầy đủ van xả khí, van xả áp phù hợp để ngăn ngừa hiện tượng quá áp của bơm dưới mọi điều kiện bao gồm cả khi tốc độ làm lạnh đạt tới mức tối đa có thể.
5.8.5 Thiết bị nén xử lý khi dễ cháy phải được trang bị van xả khí tại tất cả các điểm bao gồm cả chi tiết ngăn cách nơi khí thường có thể thoát ra. Van xả khí được nối với đường ống bên ngoài của tòa nhà tới điểm xử lý an toàn (xem TCVN 8616).
5.9 Thiết bị hóa hơi
5.9.1 Cụm thiết bị hóa hơi phải được tổ hợp sao cho trên mỗi thiết bị hóa hơi đều được lắp cả van nạp và van xả.
5.9.2 Nếu chất lỏng trung gian được sử dụng gia nhiệt cho thiết bị hóa hơi là chất dễ cháy thì van ngắt phải được lắp trên cả hai đường hệ thống nóng và lạnh của chất lỏng trung gian.
5.9.3 Ngắt nhiệt độ thấp hoặc những phương thức được chấp nhận khác phải được lắp đặt trên đường xả của thiết bị hóa hơi nhằm loại trừ khả năng LNG lọt vào bồn chứa CNG và những thiết bị khác không được thiết kế cho nhiệt độ của LNG.
5.9.4 Van an toàn của thiết bị hóa hơi được gia nhiệt phải được lắp tại vị trí sao cho chúng chịu được nhiệt độ không vượt quá 60 °C trong quá trình hoạt động bình thường trừ khi chúng được thiết kế để chịu được nhiệt độ cao hơn.
5.9.5 Không khi đốt cháy dùng cho thiết bị hóa hơi gia nhiệt bên trong hoặc nguồn nhiệt ban đầu sử dụng cho thiết bị hóa hơi gia nhiệt ngoài phải được lấy từ bên ngoài công trình hoặc khu nhà.
5.9.6 Thiết bị hóa hơi sử dụng cho các mục đích khác phải phù hợp với TCVN 8616.
5.9.7 Việc lắp đặt các động cơ đốt trong hoặc tua bin khí phải phù hợp với các tiêu chuẩn tương ứng.
5.10 Hệ thống chuyển đổi LNG sang CNG
5.10.1 Phần này áp dụng cho quá trình thiết kế, xây dựng, lắp đặt và vận hành thiết bị sử dụng để sản xuất CNG từ LNG. Quá trình này được tiến hành bằng cách bơm LNG ở áp suất cao và hóa hơi LNG hoặc bằng cách nén hơi từ bồn chứa LNG.
5.10.2 Tiêu chuẩn này không đề cập tới các thiết bị sử dụng để tồn chứa CNG.
5.10.3 Ngoài các hệ thống ngắt khẩn cấp được mô tả trong NFPA 52, 4.11, các trường hợp ngắt hệ thống khẩn cấp cũng phải ngắt nguồn cấp chất lỏng và nguồn điện cần thiết tới thiết bị chuyển hóa CNG từ LNG.
5.10.4 Máy nén, thiết bị hóa hơi và bồn chứa CNG không được đặt bên trong khu vực ngăn chặn.
CHÚ THÍCH: Trong khu vực ngăn chặn, có thể sử dụng thiết bị hóa hơi sử dụng nhiệt của môi trường hoặc được cấp nhiệt từ xa.
5.10.5 Đường ống xuất nhập, bơm và máy nén phải được bảo vệ ngăn ngừa sự phá hủy khi các phương tiện vận chuyển va chạm nhau.
5.11 Trang thiết bị
5.11.1 Áp kế
Ở mỗi một máy bơm và đầu đầy máy nén phải lắp một áp kế.
5.11.2 Thiết bị đo nhiệt độ
5.11.2.1 Thiết bị hóa hơi và gia nhiệt phải được lắp đặt các thiết bị theo dõi nhiệt độ ở đầu ra.
CHÚ THÍCH: Áp suất của các công trình xung quanh bộ trao đổi nhiệt của thiết bị hóa hơi được cấp chất lỏng và tuần hoàn hơi tới bồn chứa.
5.11.2.2 Hệ thống theo dõi nhiệt độ phải được lắp đặt tại những nơi nền móng chịu tải trọng của bồn làm lạnh và các thiết bị có thể chịu ảnh hưởng bất lợi từ quá trình làm lạnh hay mặt đất bị đóng băng.
5.11.3 Thiết bị ngắt khẩn cấp
Trang thiết bị dùng cho những phương tiện sử dụng nhiên liệu LNG phải được thiết kế để đảm bảo trong trường hợp nguồn điện hoặc thiết bị bị hỏng, hệ thống phải được đưa vào trạng thái an toàn vận hành và có thể duy trì được cho đến khi người vận hành có thao tác thích hợp để kích hoạt hoặc đảm bảo an toàn cho hệ thống. Toàn bộ hệ thống ESD được khởi động lại bằng tay.
5.12 Thiết bị điện
5.12.1 Thiết bị điện và dây nối phải được lắp đặt phù hợp với các tiêu chuẩn tương ứng phù hợp và phải theo các yêu cầu của Loại I, nhóm D, Phân loại hoặc Khu vực trong Bảng 1.
5.12.2 Mỗi vị trí tiếp xúc giữa hệ chất lỏng dễ cháy và đường ống chứa cáp điện hoặc hệ thống dây dẫn, bao gồm cả các kết nối với thiết bị đo đạc, bộ vận hành van, tích hợp hệ thống ống xoắn gia nhiệt nền móng của hệ thống ống xoắn gia nhiệt, bơm kín và bơm tăng áp, phải được bịt kín hoặc cách ly để ngăn chặn các chất lỏng dễ cháy truyền qua tới phần khác của trang thiết bị điện.
5.12.3 Mỗi vòng đệm, vách ngăn, hoặc các công cụ khác sử dụng đúng theo như 5.12.2 được thiết kế để ngăn chặn các chất lỏng dễ cháy truyền qua ống chứa dây điện, dây dẫn điện và dây cáp.
5.12.4 Vòng đệm chính phải được trang bị giữa hệ thống chất lỏng dễ cháy và hệ thống đường ống chứa cáp điện và dây dẫn. Nếu lớp ngăn này bị hỏng khiến chất lỏng dễ cháy lan đến phần khác của hệ thống ống chứa cáp điện hoặc dây dẫn, do đó cần phải lắp đặt thêm các vòng đệm, vách ngăn hoặc các giải pháp khác bổ sung nhằm đề phòng hiện tượng đó.
5.12.5 Mỗi lớp bọc được thiết kế để chống chịu được các điều kiện tính toán trước. Mỗi bịt khí hoặc màng ngăn bổ sung và các vỏ kết nối phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện nhiệt độ và áp suất khi tiếp xúc trong trường hợp lớp bọc đầu tiên bị hỏng, ngoại trừ trường hợp có những phương pháp khác được cung cấp để thực hiện mục đích này.
5.12.6 Trừ khi được thiết kế đặc biệt, các lớp bọc được quy định tại 5.12.2 tới 5.12.4 không được dự tính lựa chọn thay thế cho các lớp bọc yêu cầu của ống chứa cáp điện theo các tiêu chuẩn về thiết bị điện tương ứng.
5.12.7 Trong trường hợp lớp bọc chính được lắp đặt, ống xả đọng, thông hơi và những thiết bị khác phải lắp đặt để phát hiện ra sự rò rỉ và những chất lỏng dễ cháy.
5.12.8 Việc bảo vệ tĩnh điện không được yêu cầu khi các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết bị đường bộ hoặc đường biển đang nhập hoặc xuất hàng bằng ống nối mềm dẫn điện hoặc không dẫn điện, ống kim loại linh động hoặc kết nối ống xuyên suốt hoặc kết nối ống không thấm nước (từ đầu đến cuối) ở đầu ra nơi mà cả hai nửa khớp nối bằng kim loại tiếp xúc với nhau.
Bảng 1 - Phân loại khu vực điện của hệ thống thiết bị nhiên liệu LNG
Phần | Vị trí | Loại I, Nhóm D, Phân loại hoặc Khu vực (1) | Phạm vi các khu vực phân loại (2) |
A | Khu vực xe bồn sử dụng nhiên liệu LNG |
|
|
| Trong nhà | 1 | Toàn bộ khu vực phòng |
Ngoài trời, bồn chứa nổi (trừ loại di động) | 1 | Khu vực mở rộng giữa đê chắn cao và thành bồn nếu chiều cao đê lớn hơn khoảng cách từ đê tới thành bồn | |
2 | Trong phạm vi 4,6 m về mọi hướng tính từ bồn chứa, cộng thêm khu vực trong đê chắn thấp hoặc khu vực ngăn dòng cho tới chiều cao của đê chặn | ||
Ngoài trời, bồn chứa ngầm | 1 | Mọi không gian mở giữa thành bể và đê hoặc các bục cao hơn xung quanh | |
2 | Trong phạm vi 4,6 m về mọi hướng tính từ nắp bồn và các phía của bục cao | ||
B | Khu vực không xảy ra cháy LNG, chứa bơm, máy nén, ống,... |
|
|
| Trong nhà, có thông gió phù hợp | 2 | Toàn bộ phòng và các phòng lân cận nếu không có tường ngăn kín khí, và 4,6 m hoặc gần hơn phía ngoài vị trí thông gió |
Ngoài trời, không gian mở, trên bục cao | 2 | Trong phạm vi 4,6 m về mọi hướng tính từ thiết bị | |
C | Giếng, hầm, hồ nằm trong hoặc liền kề khu vực phân chia 1 hoặc 2 | 1 | Toàn bộ giếng, hầm và hồ chứa |
D | Xả khí từ hệ thống xả áp và thoát chất lỏng | 1 | Trong phạm vi 1,5 m từ vị trí xả |
2 | Từ 1,5 m đến 4,6 m về mọi hướng tính từ vị trí xả | ||
E | Khu vực phương tiện chở hay xuất nhập hàng |
|
|
| Trong nhà, có thông gió phù hợp (3) | 1 | Trong phạm vi 1,5 m về mọi hướng từ vị trí xuất nhập |
2 | Trong phạm vi 1,5 m cho toàn bộ phòng, và 4,6 m phía ngoài vị trí thông gió | ||
Ngoài trời, không gian mở, trên bục cao | 1 | Trong phạm vi 1,5 m về mọi hướng từ điểm xuất nhập | |
2 | Từ 1,5 m đến 4,6 m về mọi hướng tính từ điểm xuất nhập | ||
CHÚ THÍCH: (1) Phương tiện giao thông xem thêm NFPA 70 để biết thêm về Phân loại. (2) Khu vực phân loại không mở rộng quá các bức tường liền, nắp mái hoặc các kết cấu kín khí. (3) Thông gió được coi là phù hợp nếu tuân theo các quy định trong tiêu chuẩn này. |
5.13 Bảo dưỡng
5.13.1 Quy trình bảo trì phải được thực hiện tại chỗ theo lịch trình hoặc các thủ tục văn bản đối với việc kiểm tra thường xuyên, kiểm tra các hệ thống phương tiện và trang thiết bị.
5.13.2 Mỗi hạng mục dịch vụ bao gồm cả hệ thống hỗ trợ cho nó phải được duy trì trong điều kiện tương thích với khả năng vận hành mục đích an toàn bằng cách sửa chữa, thay thế hoặc những cách thức khác.
5.13.3 Nếu thiết bị an toàn được đưa đi bảo trì, các bộ phận đang được đảm bảo an toàn bởi thiết bị này cũng phải được dừng làm việc trừ khi có một phương tiện khác đảm bảo chức năng an toàn được cung cấp để thay thế.
5.13.4 Nếu bộ phận dừng hoạt động mà bị vận hành nhầm có thể gây ra tình trạng nguy hiểm, bộ phận đó phải được gắn biển kèm theo mang dòng chữ “KHÔNG ĐƯỢC VẬN HÀNH” hoặc một cảnh báo tương tự.
5.13.5 Những phương tiện sử dụng nhiên liệu LNG phải được loại bỏ rác, mảnh vỡ và những vật liệu khác vốn là mối nguy hiểm gây cháy. Cỏ xung quanh khu vực để phương tiện sử dụng nhiên liệu LNG phải được chăm sóc để không là mối nguy hiểm cháy.
5.13.6 Thường xuyên kiểm tra thiết bị an toàn và thiết bị phòng cháy chữa cháy với khoảng cách giữa các lần kiểm tra không vượt quá 6 tháng.
5.13.7 Thiết bị kiểm soát cháy nổ phải được bảo dưỡng sao cho các thiết bị này phải được đưa đi kiểm tra với số lượng tối thiểu tại bất kỳ thời gian nào mà không ảnh hưởng đến công tác an toàn phòng chống cháy. Lộ trình di chuyển cho thiết bị kiểm soát cháy nổ tới các phương tiện sử dụng nhiên liệu LNG phải được duy trì mọi thời điểm.
6. Những yêu cầu trong lắp đặt bồn chứa
6.1 Phạm vi áp dụng
Điều này cung cấp những yêu cầu trong lắp đặt, thiết kế, chế tạo, và vị trí lắp đặt bồn chứa LNG có dung tích 265 m3 hoặc nhỏ hơn, và thiết bị liên quan sử dụng trong mục đích làm phương tiện tiếp nhiên liệu và cung cấp nhiên liệu dành riêng cho các ứng dụng thương mại và công nghiệp, được thiết kế và xây dựng theo quy định của các tiêu chuẩn về xây dựng bồn bể chứa.
6.2 Những yêu cầu chung
Quá trình tồn chứa và vận chuyển tại các trạm tự động phải được lắp đặt chắc chắn để ngăn chặn hiện tượng rung lắc.
6.3 Bồn chứa
6.3.1 Tất cả đường ống là một bộ phận thuộc bồn chứa LNG, bao gồm đường ống nối giữa các bồn chứa bên trong và bên ngoài phải tuân theo đúng tiêu chuẩn tương ứng về đường ống.
6.3.2 Đường ống nội bộ giữa bể chứa bên trong và ngoài nằm trong khoảng cách nhiệt được thiết kế chịu được áp suất làm việc tối đa cho phép của bể chứa trong với ứng suất nhiệt cho phép. Không được sử dụng hệ thống ống thông gió nếu không đáp ứng được những điều kiện này.
6.3.3 Bồn chứa LNG gồm hai lớp, bể chứa trong chứa LNG được bao quanh bằng các vật liệu cách nhiệt và nằm trong bể chứa ngoài.
6.3.4 Bể chứa trong phải được hàn lắp ráp sao cho phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng về bồn bể chứa LNG.
6.3.5 Những cột chống bên trong bể chứa được thiết kế chịu được quá trình vận chuyển, địa chấn, và các tải trọng khác khi vận hành. Hệ thống nâng đỡ thích ứng với sự co giãn của bể chứa trong được thiết kế sao cho những ứng suất truyền vào bể chứa trong và ngoài nằm trong giới hạn cho phép.
6.3.6 Bể chứa bên ngoài phải được chế tạo bằng phương pháp hàn.
6.3.6.1 Các loại thép cacbon phải được sử dụng ở nhiệt độ bằng hoặc cao hơn nhiệt độ sử dụng tối thiểu của nó.
6.3.6.2 Nếu bề chứa ngoài sử dụng cách nhiệt chân không thì áp suất sử dụng bên ngoài bể chứa không nhỏ hơn 100 kPa. Các bể chứa ngoài dạng hình cầu được tạo thành bằng cách hàn các phân mảnh theo các tiêu chuẩn tương ứng về hàn với áp suất bên ngoài là 100 kPa.
6.3.6.3 Bất kỳ bề mặt nào của bể chứa ngoài có thể tiếp xúc với nhiệt độ của LNG phải thích ứng với nhiệt độ đó hoặc phải được bảo vệ khỏi những ảnh hưởng của nhiệt độ siêu lạnh.
6.3.6.4 Bể chứa ngoài phải được trang bị một thiết bị giảm áp hoặc một thiết bị phù hợp để giải phóng áp suất bên trong. Tiết diện xả ít nhất là 0,007 mm2/kg tính theo dung lượng nước của bể chứa trong, nhưng không được vượt quá 0,19 m2. Các thiết bị này phải vận hành tại áp suất không vượt quá áp suất bên trong theo thiết kế của bể chứa ngoài, áp suất thiết kế bên ngoài của bề chứa trong, hoặc 172 kPa tùy giá trị nào thấp hơn.
6.3.6.5 Các tấm ngăn nhiệt được lắp đặt để đảm bảo nhiệt độ của bể chứa ngoài không giảm xuống dưới nhiệt độ thiết kế của bể chứa ngoài.
6.3.7 Thiết kế chịu địa chấn cho bồn chứa
Các bồn chứa chế tạo tại xưởng và hệ thống nâng đỡ của nó được thiết kế và xây dựng theo quy định của các tiêu chuẩn về bồn bể chứa phải đảm bảo được kế sao cho các lực động học liên quan với gia tốc ngang và dọc như sau:
- Lực ngang
V = ZC x W
Trong đó:
ZC là hệ số địa chấn trong Bảng 2;
W là tổng trọng lượng của bồn chứa và sản phẩm chứa ở trong đó.
- Lực dọc theo thiết kế
P = 2/3 x ZC x W
- Hệ số địa chấn cho phép tính toán phù hợp với các quy định cấu trúc phi xây dựng của tiêu chuẩn xây dựng đồng nhất, sử dụng chỉ số trọng yếu, I, là 1,25. Hệ số tối thiểu từ Bảng 2 phải được sử dụng nếu chu kỳ dao động tự nhiên T nhỏ hơn 0,3 s.
Bảng 2 - Hệ số địa chấn cho khu vực lắp đặt bồn chứa
Vùng | Hệ số, ZC gia tốc EPA % g | Chiều ngang pic hiệu dụng |
1 | 0,09 | 7,5 |
2A | 0,17 | 15,0 |
2B | 0,23 | 20,0 |
3 | 0,34 | 30,0 |
4 | 0,46 | 40,0 |
CHÚ THÍCH: EPA (% g) tương đương với các vùng địa chấn, và có thể được sử dụng để xác định ZC tại các khu vực mà vùng địa chấn không có sẵn. |
6.3.7.1 Bồn chứa và các thiết bị phụ trợ của nó phải được thiết kế để chống chịu được lực tổng hợp của các lực địa chấn kết hợp với tải trọng vận hành, sử dụng những ứng suất gia tăng cho phép đã nêu trong tài liệu hoặc trong tiêu chuẩn Sử dụng thiết kế bồn chứa hoặc các thiết bị phụ trợ của nó.
6.3.8 Mỗi bồn chứa được xác định bởi tên đính kèm hoặc tên được đánh dấu tại vị trí có thể thấy được với các thông tin như sau:
a) Tên của hãng chế tạo và ngày lắp đặt;
b) Dung tích chất lỏng danh nghĩa;
c) Áp suất thiết kế tại đỉnh của bồn chứa;
d) Tỷ trọng cực đại cho phép của chất lỏng;
e) Mức chất lỏng tối đa;
f) Nhiệt độ thiết kế tối thiểu.
6.3.9 Tất cả các đường vào bồn chứa phải được đánh dấu. Dấu hiệu nhận biết phải rõ ràng dưới mọi điều kiện.
6.4 Nền móng và giá đỡ cho bồn chứa
6.4.1 Nền móng của bồn chứa LNG được thiết kế và xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn kết hợp với thực tiễn xây dựng cấu trúc được công nhận và địa kỹ thuật bao gồm các tính toán dự phòng về tác động của địa chấn được quy định tại 6.3.7. Những bệ đỡ và chân đế được thiết kế phù hợp với thực tế kỹ thuật cấu trúc nhận dạng, bao gồm tải trọng khi vận chuyển, lắp ráp, tải trọng gió, và tải trọng nhiệt. Nền móng và giá đỡ phải được bảo vệ để có khả năng chịu lửa không nhỏ hơn 2 h. Nếu lớp cách nhiệt được sử dụng cho yêu cầu này, nó phải chống chịu được sự di đẩy do dòng phun từ ống chữa cháy.
6.4.2 Khi bồn chứa LNG được lắp đặt trong khu vực ngập lụt, bồn chứa phải được gia cố bằng phương pháp đảm bảo chặn được quá trình thoát ra của LNG hoặc nổi lên của bồn chứa khi có sự cố ngập lụt.
6.5 Lắp đặt bồn chứa
6.5.1 Khoảng cách tối thiểu giữa các bồn chứa LNG và các công trình xung quanh được nêu trong Bảng 3.
CHÚ THÍCH: Với sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, khoảng cách này có thể nhỏ hơn tính từ các tòa nhà hoặc tường bê tông hoặc tường khối nhưng ít nhất là 3,0 m từ một công trình ngoài trời bất kỳ.
Bảng 3 - Khoảng cách từ khu vực ngăn chặn tới các công trình kề cận
Dung tích bồn chứa m3 | Khoảng cách tối thiểu từ đê ngăn hoặc hệ thống bể thoát nước các công trình kề cận m | Khoảng cách tối thiểu giữa các bồn chứa m |
Đến 0,5 | 0,0 | 0,0 |
Từ 0,5 đến 1,9 | 3,0 | 1,0 |
Từ 1,9 đến 7,6 | 4,6 | 1,5 |
Từ 7,6 đến 56,8 | 7,6 | 1,5 |
Từ 56,8 đến 114,0 | 15,0 | 1,5 |
Từ 114,0 đến 265,0 | 23,0 | ¼ tổng đường kính của các bồn chứa liền kề (tối thiểu 1,7 m) |
6.5.2 Những bồn chứa chôn ngầm dưới đất phải được lắp đặt thiết bị để ngăn sự đẳng nhiệt ở 0 °C thẩm thấu vào đất. Hệ thống cấp nhiệt phải được lắp đặt để bất kỳ thiết bị đốt nóng hoặc cảm biến nhiệt độ được sử dụng trong kiểm soát có thể được thay thế.
6.5.3 Tất cả các thành phần được chôn ngầm tiếp xúc với đất phải được cấu tạo từ vật liệu chống ăn mòn hoặc vật liệu bảo vệ khỏi sự biến tính do ăn mòn.
6.5.4 Phải có khoảng không dự phòng tối thiểu là 0,9 m để có thể tiếp cận tới tất cả các van cách ly dùng chung cho nhiều bồn chứa.
6.5.5 Các bồn chứa LNG dung tích lớn hơn 151 L không được đặt trong các tòa nhà. Các bồn chứa LNG có dung tích bất kỳ không được lắp đặt cố định trong các tòa nhà.
CHÚ THÍCH: Bồn chứa nhiên liệu của phương tiện giao thông chở LNG thì được lắp đặt cố định trên phương tiện.
6.6 Van một chiều
Tất cả các khớp nối chất lỏng và hơi, trừ van xả áp và đầu nối các thiết bị đo, phải được lắp đặt với các van tự an toàn một chiều. Những van tự động này phải được thiết kế để đóng dòng trong các điều kiện sau:
a) Phát hiện cháy hoặc sản phẩm có thể tiếp xúc lửa;
b) Không kiểm soát được dòng chảy của LNG từ bồn chứa;
c) Thao tác vận hành bằng tay từ vị trí nội vùng và từ xa.
Các quá trình kết nối chỉ được sử dụng cho dòng chảy vào bồn chứa được phép lắp đặt hai van hồi lưu, nối tiếp, thay cho các điều kiện trên. Thực tế phụ kiện phải được lắp đặt gần với bồn chứa và do đó kết quả là phá vỡ biến dạng ngoài sẽ xuất hiện ở phía mặt bên đường ống của phụ kiện trong khi duy trì nguyên vẹn van và đường ống ở mặt phía bên kia bồn chứa của phụ kiện.
6.7 Kiểm tra
6.7.1 Trước khi vận hành lần đầu tiên, bồn chứa phải được kiểm tra để đảm bảo là phù hợp với thiết kế về vật liệu và kỹ thuật, chế tạo, lắp ráp, kiểm tra theo các điều của phần này. Nhân viên vận hành phải có trách nhiệm tiến hành việc kiểm tra này.
6.7.2 Việc thực hiện quá trình kiểm tra có thể được giao cho giám sát viên thuộc các tổ chức kỹ thuật, khoa học hay các công ty kiểm tra. Các giám sát viên phải được đào tạo theo các quy chuẩn phù hợp.
6.8 Kiểm tra và làm sạch bồn chứa LNG
6.8.1 Bồn chứa LNG phải được kiểm tra rò rỉ theo các quy định hoặc tiêu chuẩn xây dựng tương ứng. Tất cả sự rò rỉ phải được sửa chữa.
6.8.1.1 Việc kiểm tra phải được thực hiện theo quy định của các tiêu chuẩn phù hợp.
6.8.1.2 Các bồn chứa chế tạo tại xưởng phải được thử áp bởi nhà sản xuất trước khi vận chuyển đến khu vực lắp đặt. Bể chứa trong phải được thử nghiệm theo quy định của tiêu chuẩn phù hợp. Bể chứa ngoài phải được kiểm tra rò rỉ. Đường ống được thử nghiệm theo như quy định tại TCVN 8616.
6.8.1.3 Bồn chứa và đường ống liên quan phải được kiểm tra rò rỉ trước khi nạp LNG.
6.8.1.4 Bồn chứa phải được làm sạch không khí với áp suất trong tối thiểu là 69 kPa khí trơ.
6.8.2 Sau khi hoàn tất các thử nghiệm, không được tiến hành việc hàn tại hiện trường trên bồn chứa LNG. Mọi thử nghiệm lại bằng phương pháp thích hợp khi sửa chữa hoặc thay thế phải được yêu cầu thực hiện chỉ đối với những vị trí mà chứng minh được các sửa chữa hoặc thay thế đó là cần thiết.
CHÚ THÍCH 1: Việc hàn tại hiện trường được phép thực hiện trên mặt đỡ hoặc giá đỡ.
CHÚ THÍCH 2: Việc hàn tại hiện trường được phép thực hiện tại nơi cần sửa chữa hoặc sửa đổi nếu các quá trình này không thực hiện theo quy định hoặc tiêu chuẩn chế tạo ban đầu của bồn chứa.
6.8.3 Quy trình làm sạch bồn chứa
Trước khi đưa bồn chứa LNG vào sử dụng hoặc ngừng sử dụng, bồn chứa phải được làm trơ bằng các quy trình phù hợp.
CHÚ THÍCH: Nhiều vật liệu cách nhiệt có thể tiếp xúc thời gian dài với khí thiên nhiên hoặc metan và có thể giữ một lượng khí trong các lỗ rỗng hoặc những không gian xen kẽ của chúng.
6.9 Đường ống
6.9.1 Toàn bộ đường ống là một bộ phận của bồn chứa LNG và thiết bị phụ trợ kèm theo bồn chứa dùng để làm việc với chất lỏng được làm lạnh sâu hoặc chất lỏng dễ cháy phải theo các tiêu chuẩn tương ứng phù hợp.
6.9.2 Những yêu cầu sau phải được áp dụng:
6.9.2.1 Loại đường ống F, ống hàn xoắn và sản phẩm thép hàn giáp mí không được chấp nhận.
6.9.2.2 Toàn bộ mối hàn nối hoặc hàn cứng phải được thực hiện bởi nhân viên có đủ các điều kiện theo yêu cầu của các tiêu chuẩn tương ứng.
6.9.2.3 Hàn hơi không được chấp nhận.
6.9.2.4 Lớp đệm kim loại hàn cứng phải có điểm nóng chảy cao hơn 538 °C.
6.9.2.5 Tất cả hệ thống ống dẫn và đường ống phải làm bằng thép không gỉ austenic sử dụng cho tất cả điều đích ở nhiệt độ dưới -29 °C.
6.9.2.6 Tất cả hệ thống ống dẫn và các bộ phận của đường ống phải có điểm nóng chảy tối thiểu là 816 °C.
CHÚ THÍCH 1: Vòng đệm, đế và bao bì có thể không cần tuân theo yêu cầu trên.
CHÚ THÍCH 2: Vật liệu nhôm được phép sử dụng ở phía đầu ra sản phẩm của van một chiều phục vụ cho thiết bị hóa hơi.
6.9.2.7 Khớp nối kiểu nén không được sử dụng tại vị trí phải chịu nhiệt độ dưới -29 °C trừ khi chúng đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của các tiêu chuẩn tương ứng.
6.9.2.8 Kết nối dạng nhánh đâm xuyên không được chấp nhận.
6.9.2.9 Nắp chụp mở rộng của van phải được sử dụng cung cấp chất lỏng được làm lạnh sâu. Những van này phải được lắp đặt sao cho nắp chụp tạo một góc không lớn hơn 45° so với vị trí thẳng đứng.
6.9.2.10 Mức độ kiểm tra các đường ống phải được ghi rõ.
6.10 Trang thiết bị đo của bồn chứa
6.10.1 Khái quát
Trang thiết bị đo dùng cho các phương tiện chứa LNG phải được thiết kế sao cho trong trường hợp có lỗi của hệ thống điện hay thiết bị khác, hệ thống phải được đưa về trạng thái an toàn và có thể được duy trì cho đến khi người vận hành kích hoạt lại hoặc bảo vệ an toàn hệ thống.
6.10.2 Đồng hồ đo mức chất lỏng
Bồn chứa LNG phải được trang bị hai thiết bị đo mức chất lỏng độc lập. Một thiết bị được cố định chiều dài ống nhúng, và thiết bị kia báo mức liên tục từ trạng thái đầy đến trạng thái hết sản phẩm, và phải được bảo trì hoặc thay thế mà không dừng quá trình vận hành của bồn chứa.
CHÚ THÍCH: Bồn chứa có dung tích nhỏ hơn 3,8 m3 được phép trang bị chỉ một ống nhúng có chiều dài cố định.
6.10.3 Áp kế
6.10.3.1 Mỗi bồn chứa phải được trang bị áp kế kết nối với bồn chứa tại điểm bên trên mức chất lỏng tối đa. Mặt chia độ của áp kế phải có đánh dấu cố định chỉ rõ áp suất làm việc tối đa cho phép của bồn chứa.
6.10.3.2 Thiết bị có vỏ chân không phải được trang bị dụng cụ đo hoặc kết nối để kiểm tra áp suất trong khoảng vành khuyên.
6.11 Kiểm soát áp suất
6.11.1 Van xả áp an toàn phải được lắp đặt để duy trì áp suất bên trong của bồn chứa LNG theo đúng tiêu chuẩn, kể cả dưới điều kiện làm việc bị xáo trộn, chuyển dịch hơi, bay hơi tức thời trong quá trình nạp sản phẩm; sự bay hơi trong quá trình bơm tuần hoàn và quá trình cháy. Các van phải xả trực tiếp ra ngoài môi trường. Chúng phải có kích thước phù hợp với TCVN 8616.
6.11.2 Mỗi van xả áp hay xả chân không an toàn phải có khả năng cách li khỏi bồn chứa trong quá trình bảo dưỡng hay các quá trình khác. Việc này có thể được thực hiện với một van dừng mở tối đa. Van này phải có khả năng khóa hoặc niêm phong tại vị trí mở tối đa đó. Phải lắp đặt đầy đủ số lượng van xả sao cho mỗi van đều có thể được cách li độc lập để bảo trì hay thử nghiệm. Nếu chỉ yêu cầu sử dụng một van thì có thể dùng van ba nhánh kết hợp thiết bị xả áp phù hợp.
6.11.3 Van chặn dưới van xả áp an toàn riêng lẻ phải được khóa hoặc niêm phong kín sau khi đã được mở hoặc không được mở.
6.11.4 Van xả áp an toàn cho ống hoặc lỗ xả thông hơi phải được thiết kế và lắp đặt phù hợp để ngăn chặn sự tích tụ của nước, đá, tuyết, hoặc những vật thể bên ngoài khác. Nếu van này được lắp để xả trực tiếp vào môi trường thì phải xả theo hướng thẳng đứng lên trên.
7. Phòng cháy, an toàn và an ninh
7.1 Yêu cầu chung
Điều này bao gồm công tác phòng cháy, an toàn con người, và cách sử dụng các phương tiện chuyên chở LNG, vấn đề an ninh, bãi đỗ phương tiện hoặc ga ra bảo dưỡng cho các phương tiện chuyên chở LNG, và các tín hiệu cảnh báo.
7.2 Phòng cháy chữa cháy
7.2.1 Công tác phòng cháy phải được trang bị cho tất cả các phương tiện dùng nhiên liệu LNG.
Quy mô và phương pháp chữa cháy phải được xác định bằng quá trình đánh giá dựa trên những nguyên tắc kỹ thuật phòng cháy, các phân tích điều kiện khu vực, các quá trình hoạt động của phương tiện, những nguy cơ tại khu vực thiết bị, quá trình tiếp xúc với các công trình khác, và kích thước của các bồn chứa LNG. Yếu tố hướng dẫn cho quá trình đánh giá bao gồm:
7.2.1.1 Thể loại, số lượng, và vị trí đặt thiết bị cần thiết cho quá trình phát hiện và khống chế đám cháy, các khe rò rỉ và tràn LNG, chất làm lạnh dễ cháy, và chất khí hoặc chất lỏng dễ cháy.
7.2.1.2 Các phương pháp cần thiết để bảo vệ phương tiện, trang thiết bị, và các công trình khỏi những ảnh hưởng của quá trình cháy.
7.2.1.3 Trang thiết bị và các quy trình được kết hợp với Hệ thống thiết bị ngắt khẩn cấp (ESD).
7.2.1.4 Chủng loại, số lượng, và vị trí cần thiết lắp đặt bộ cảm ứng để kích hoạt quá trình vận hành tự động của ESD.
7.2.1.5 Khả năng sẵn sàng và những nhiệm vụ của mỗi nhân viên trong trạm và khả năng sẵn sàng của các nhân viên phản ứng bên ngoài trong trường hợp khẩn cấp.
7.2.1.6 Các thiết bị bảo vệ và huấn luyện đặc biệt cho nhân viên khi gặp trường hợp khẩn cấp.
7.2.2 Việc lập kế hoạch cho các biện pháp ứng phó khẩn cấp phải được phối hợp đồng bộ khẩn cấp với các cơ quan địa phương.
7.2.3 Kế hoạch ứng phó khẩn cấp phải được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra.
Kế hoạch ứng phó khẩn cấp nên được chuẩn bị sẵn và phải được cập nhật vì khi cần thiết có thể thay đổi về nhân sự, trang thiết bị hoặc các quy trình. Kế hoạch ứng phó bao gồm, nhưng không giới hạn trong các điều sau:
a) Việc sử dụng hệ thống dừng khẩn cấp để cô lập nhiều phần của hệ thống và các biện pháp phù hợp để đảm bảo rằng sự thất thoát chất lỏng hay khí ngay lập tức được ngăn chặn hoặc giảm thiểu sự thất thoát đến mức có thể;
b) Sử dụng hệ thống phòng cháy chữa cháy;
c) Thông báo của cơ quan công cộng và tài sản lân cận;
d) Sơ cứu;
e) Trách nhiệm của nhân viên;
f) Kế hoạch sơ tán.
7.2.4 Các thiết bị phòng cháy phải được bảo dưỡng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất và các cơ quan có thẩm quyền.
7.3 Kiểm soát nguồn gây cháy
7.3.1 Hút thuốc lá và các nguồn lửa khác phải bị cấm ngoại trừ quy định ở 7.3.2.
7.3.2 Quy trình hàn, cắt bằng khí oxy-acetylen, và các hoạt động tương tự chỉ được thực hiện ở những nơi chuyên biệt cụ thể và phù hợp với quy định của các tiêu chuẩn tương ứng.
7.3.3 Cấm các phương tiện và thiết bị di động khác có nguy cơ phát ra tia lửa, trừ trường hợp đặc biệt được cho phép và dưới sự giám sát liên tục hoặc tại điểm di chuyển đặc biệt phục vụ cho mục đích vận chuyển.
7.3.4 Các phương tiện cung cấp LNG đến các nhà máy hoặc phương tiện tiếp nhận nhiên liệu từ nhà máy thì không được coi là nguồn đánh lửa. Phương tiện giao thông có chứa thiết bị tiêu thụ nhiên liệu, ví dụ như, phương tiện giao thông phục vụ giải trí và phương tiện giao thông tải chở hàng, được coi là một nguồn đánh lửa, trừ khi tất cả các nguồn đánh lửa, như đèn điều khiển, bộ phận đánh lửa điện, mỏ hàn, thiết bị điện, và động cơ trên phương tiện đang được tiếp nhiên liệu được tắt hoàn toàn trước khi vào một khu vực cấm các nguồn đánh lửa.
7.4 Đào tạo và an toàn cho nhân viên
7.4.1 Năng lực nhân viên
Toàn bộ người lao động làm việc ở vị trí vận chuyển và phân phối LNG phải được đào tạo để có trách nhiệm và phương pháp xử lý và vận hành chính xác.
7.4.2 Quần áo bảo hộ, kính đeo mặt, găng tay phải được cung cấp cho tất cả những người vận hành và xử lý LNG.
CHÚ THÍCH: Ngoại trừ các trang thiết bị được kiểm chứng để khi vận hành không thất thoát LNG hoặc khí lạnh.
7.4.3 Phải tổ chức khóa đào tạo người lao động định kỳ hai năm một lần. Quá trình đào tạo bao gồm:
a) Thông tin về các tính chất, đặc tính nguy hiểm của LNG trong cả pha lỏng và pha khí;
b) Sử dụng theo những chỉ dẫn cụ thể trên bộ phận thiết bị;
c) Thông tin về những vật liệu thích hợp cho sử dụng với LNG;
d) Quá trình sử dụng và bảo quản trang thiết bị bảo hộ và trang phục bảo hộ;
e) Tiêu chuẩn hướng dẫn sơ cứu và tự sơ cứu;
f) Đối phó với tình huống khẩn cấp như cháy, rò rỉ, và tràn sản phẩm;
g) Tập huấn tốt công việc quản lý;
h) Kế hoạch ứng phó khẩn cấp như yêu cầu trong 7.2.3;
i) Di tản và tập luyện chữa cháy.
7.5 An ninh
Trạm nhiên liệu LNG phải được quản lý nghiêm ngặt để giảm thiểu sự xâm nhập trái phép và thiệt hại cho phương tiện. Các biện pháp bảo vệ phải được thông báo ở những nơi dễ nhìn thấy gần trạm nhiên liệu.
7.6 Phát hiện nguy cơ
Thiết bị phát hiện rò rỉ khí và cháy phải được lắp đặt dựa trên yêu cầu trong việc đánh giá ở 7.2.1.
7.7 Bãi để phương tiện giao thông chở LNG
Những phương tiện giao thông chở LNG được phép đỗ trong nhà, với điều kiện là các trang thiết bị hoặc phương tiện phải được trang bị để ngăn chặn quá trình tích tụ khí trong hỗn hợp dễ bắt lửa hay các bồn chứa nhiên liệu trên phương tiện và hệ thống nhiên liệu được rút LNG và làm sạch bằng khí trơ hoặc giảm áp phụ kiện bồn chứa
7.8 Các tín hiệu cảnh báo
Đối với tất cả các trạm nhiên liệu LNG, các tín hiệu sau đây phải được hiển thị bằng các chữ ghi màu đỏ tươi trên nền trắng, với chiều cao các ký tự không nhỏ hơn 15 cm:
a) Không hút thuốc hoặc không hút thuốc trong vòng 7,6 m;
b) Tắt động cơ;
c) Cấm lửa;
d) Chất lỏng lạnh sâu dễ cháy;
e) Khí dễ cháy.
8. Tàu du lịch và tàu thương mại
8.1 Phạm vi áp dụng
Điều này được áp dụng cho tất cả các tàu du lịch và tàu thương mại chạy bằng LNG. bao gồm cả tàu đóng mới và tàu được nâng cấp. Những điều phía trên trong tiêu chuẩn này phải được áp dụng cho tàu du lịch và tàu thương mại chạy bằng LNG. Những điều sẽ không áp dụng là: 4.4.3.7, 4.12.1.2, 4.12.1.3, 4.12.1.6, 4.12.1.7, 4.12.2, 4.12.3.4, 4.12.3.5, 4.12.8.2.
8.2 Lắp đặt bồn chứa cấp nhiên liệu
8.2.1 Bồn chứa cấp nhiên liệu cho tàu biển được phép đặt trên boong tàu, phía trên hoặc phía dưới boong tàu kế cận khu sinh hoạt và dịch vụ, với điều kiện là tất cả các kết nối đến các bồn chứa bên ngoài hoặc được bịt kín, thông hơi từ khu vực này. Bồn chứa trên boong tàu phải phải có lồng bảo vệ để tránh hư hại có thể xảy ra do quá trình xuất nhập hàng, ánh sáng trực tiếp của mặt trời, và các hoạt động chung trên tàu. Lồng bảo vệ phải được lắp đặt tránh tiếp xúc với bồn chứa và các vật liệu có thể làm hỏng bồn chứa hoặc lớp vỏ của nó. Vỏ che bồn chứa trên boong tàu phải là loại kín, làm bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy, có ít nhất một phía mở trong phần lớn thời gian, hướng ra phía ngoài tàu và mái phải được thiết kế nhằm thông gió và phân tán khí thoát ra.
8.2.2 Mỗi bồn chứa cấp nhiên liệu phải được đặt ở vị trí phù hợp nhằm giảm thiểu hư hại do va chạm. Khi lắp đặt bồn chứa hoặc những phụ kiện của nó trên boong, không được để bất kể phần nào chìa ra ngoài mạn tàu hoặc nhô lên phía trên của tàu.
8.2.3 Bồn chứa cấp nhiên liệu hoặc những phụ kiện kèm theo không được có bất kỳ phần nào nhô vượt ra ngoài mũi hoặc đuôi tàu. Các van của bồn chứa phải được bảo vệ tránh các hư hỏng vật lý bằng kết cấu của tàu, bộ phận bảo vệ van hoặc tấm chắn kim loại phù hợp.
8.2.4 Mỗi giá đỡ bồn chứa được cố định với khung tàu ở phía trên hay phía dưới hoặc cả hai phía, để tránh hư hại do trượt, bị nới lỏng hoặc xoay vòng. Phương pháp cố định phải có khả năng chống chịu được lực tĩnh tác động theo 6 hướng chính với độ lớn ít nhất là bằng 4 lần trọng lượng của bồn chứa trong trạng thái được tăng áp tối đa hoặc lớn hơn nếu nó phù hợp với tàu.
8.2.5 Mỗi bồn chứa cấp nhiên liệu phải được cố định với giá đỡ hoặc khung tàu bằng cách thức thích hợp sao cho có khả năng chống chịu được lực tĩnh tác động theo 6 hướng chính với độ lớn ít nhất là bằng 4 lần trọng lượng của bồn chứa trong trạng thái được tăng áp tối đa hoặc lớn hơn nếu nó phù hợp với tàu.
8.2.6 Trọng lượng của bồn chứa không được phép tác động lên các van đầu ra, ống phân phối hoặc những ống nối nhiên liệu khác.
8.2.7 Bồn chứa cấp nhiên liệu lắp đặt gần hơn 200 mm so với hệ thống ống xả phải được che chắn chống lại luồng nhiệt trực tiếp.
8.2.8 Hệ thống giá lắp đặt phải giảm thiểu được hiện tượng ăn mòn do ma sát giữa bồn chứa và hệ thống giá này..
8.2.9 Bồn chứa cấp nhiên liệu phải được lắp đặt để không ảnh hưởng đến sự cân bằng của tàu.
8.2.10 Buồng và khoang chứa bồn nhiên liệu là không gian có khả năng tích tụ hơi của khí thiên nhiên. Bồn chứa trong buồng hoặc khoang này phải được lắp đặt sao cho thiết bị xả áp dùng bảo vệ cho bồn chứa được lắp trong cùng khoảng không gian với bồn chứa và việc xả áp từ van an toàn phải tuân theo các điều sau:
8.2.10.1 Thông hơi ra ngoài nhờ ống kim loại (cột thông hơi) hoặc ống mềm có đường kính không nhỏ hơn đường kính đầu ra của thiết bị an toàn, lắp cố định cho mỗi khoảng cách 300 mm khi chiều dài ống vượt quá 610 mm và có áp lực nổ tối thiểu bằng 1,5 lần áp suất làm việc của bồn chứa ở nhiệt độ 204 °C.
8.2.10.2 Đặt ở vị trí sao cho lỗ thông hơi mở không bị các mảnh vỡ hay các yếu tố gây ảnh hưởng khác làm nghẽn.
8.2.11 Bồn chứa được đặt trong buồng hoặc khoang phía dưới boong tàu phải nằm trong không gian kín bằng những vật liệu phù hợp cho việc làm lạnh sâu. Không gian kín này phải có khả năng chứa được lượng rò rỉ từ bồn chứa nhiên liệu.
8.3 Lắp đặt áp kế
8.3.1 Áp kế đặt trong buồng điều khiển (đài chỉ huy), khu vực sinh hoạt hay dịch vụ phải được lắp đặt theo cách sao cho không có khí đi qua thiết bị đo trong trường hợp hỏng hóc.
8.3.2 Áp kế được lắp đặt trong buồng hoặc khoang chứa động cơ, buồng hoặc khoang chứa bồn nhiên liệu hoặc khu vực nguy hiểm khi có khí gas phải được trang bị khe mở giới hạn, ống kính chia độ không vỡ và khung đỡ chịu tải.
8.4 Ghi nhãn
Mỗi tàu du lịch hay tàu thương mại được nhận biết qua các nhãn ghi rõ khả năng chịu tác động của thời tiết hình thoi ở vị trí trên bề mặt ngoài, thẳng đứng hoặc gần thẳng đứng (khi tàu thường được làm vát cả hai mạn trái và mạn phải tàu), nhãn càng dễ nhìn bằng mắt càng tốt. Tùy theo kích thước tàu mà những nhãn hiệu khác trên tàu được đặt tại vị trí hợp lý để cảnh báo cho những người không quen thuộc với tàu như lực lượng chữa cháy, nhân viên phục vụ có thể nhận biết. Nhãn hiệu có kích thước tối thiểu dài 120 mm và cao 83 mm. Nhãn có khung viền và dòng chữ “LNG” có chiều cao tối thiểu là 25 mm nằm ở chính giữa hình thoi và được làm bằng chất liệu phản quang màu bạc hay trắng trên nền xanh lam.
8.5 Vận hành
8.5.1 Phải tắt động cơ khi tàu xuất hoặc nhập LNG.
CHÚ THÍCH: Theo quan điểm của chủ tàu về sự an toàn cho tàu lúc xuất nhập liệu, động cơ có thể được phép hoạt động Khi cần thiết để giữ tàu tại vị trí cố định. Chủ tàu cũng có thể cho phép vận hành máy phát điện trong thời gian nạp nhiên liệu.
8.5.2 Dấu hiệu cảnh báo có dòng chữ “Tắt động cơ”, “Cấm lửa,” và “Khí dễ bắt cháy” phải được dán tại điểm phân phối và khu vực máy nén nơi có thể đảm bảo cho tàu cập cảng neo đậu. Vị trí của biển báo phải được xác định theo điều kiện của từng vùng, nhưng các ký tự phải đủ lớn để nhìn thấy rõ từ mỗi điểm xuất nhập.
8.6 Phòng cháy chữa cháy cho tàu
Phòng cháy chữa cháy cho tàu phải tuân theo tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy cho tàu thương mại và tàu du lịch. Ngoài ra, những điều sau của tiêu chuẩn NFPA 302 phải được sửa đổi như sau khi sử dụng cho hệ thống nhiên liệu dùng LNG:
8.6.1 Điều 2-5.3.4 của NFPA 302;
8.6.2 Điều 4-1.1 của NFPA 302.
8.7 Hệ thống nhiên liệu LNG
Hệ thống nhiên liệu LNG phải tuân theo NFPA 303, Tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cho bến du thuyền. Ngoài ra, những điều sau của NFPA 303 phải được sửa đổi như sau khi sử dụng LNG như một nhiên liệu:
8.7.1 Điều 6-3.2 của NFPA 303, bao gồm tất cả các hoạt động liên quan tới nhiên liệu cho tàu, phải được sửa đổi bằng cách tham khảo thêm tiêu chuẩn này.
8.7.2 Điều 6-3.4 của NFPA 303, bao gồm các vấn đề về bảo đảm an toàn cho bể chứa nhiên liệu, phải được sửa đổi bằng cách tham khảo thêm tiêu chuẩn này.
8.7.3 Điều 6-3.9 của NFPA 303, bao gồm các vấn đề về phân phối nhiên liệu, phải được sửa đổi bằng cách tham khảo thêm tiêu chuẩn này.
8.8 Trạm dịch vụ hàng hải
Trạm dịch vụ hàng hải cung cấp năng lượng nhiên liệu LNG cho tàu biển phải tuân theo NFPA 30A. Điều 3-1 của NFPA 30A yêu cầu chung cho việc lắp đặt hệ thống đường ống phải được sửa đổi bằng cách tham khảo thêm tiêu chuẩn này.
8.9 Buồng hoặc khoang chứa động cơ
8.9.1 Trong buồng và khoang chứa động cơ, toàn bộ đường ống nhiên liệu phải được định vị ở phía trên nhằm tạo ra những tuyến đường ống ngắn nhất để khí rò rỉ có thể thoát ra bên ngoài.
8.9.2 Áp suất dòng nhiên liệu đi qua buồng hoặc khoang chứa động cơ phải không được vượt quá áp suất yêu cầu để vận hành động cơ.
8.9.3 Tất cả các bộ điều áp, ngoại trừ những bộ được gắn trên động cơ phải được đặt ở buồng hoặc khoang bồn chứa nhiên liệu.
8.9.4 Thông gió
Buồng hoặc khoang động cơ phải được cấp áp suất dương và thông gió thụ động. Tốc độ thông gió tối thiểu là 30 thể tích trao đổi mỗi giờ.
8.9.4.1 Hệ thống thông gió phải có khả năng xử lý hỗn hợp dễ bắt lửa nếu cần thiết. Các quạt thông gió lấy không khí từ sàn tàu và cũng xả qua sàn tàu thông qua hệ thống đường ống dẫn. Các ống này phải đảm bảo có sự tách biệt tối đa với các quạt. Nếu có thể được, sử dụng nhiều ống xả để tăng cường thông gió.
8.9.4.2 Nếu không khí dùng để đốt cho động cơ lấy từ buồng động cơ (khoang động cơ) lượng 30 thể tích khí trao đổi mỗi giờ phải lớn hơn thể tích khí yêu cầu tối đa mỗi giờ của động cơ.
8.9.5 Động cơ
8.9.5.1 Khi động cơ chạy bằng LNG có chứa không khí trong cácte (vỏ động cơ) chúng phải được cấp van xả để làm giảm áp suất trong trường hợp nổ cácte. Van xả phải được đặt ở vị trí thích hợp để hạn chế rủi ro cho thủy thủ đoàn.
8.9.5.2 Tàu thuyền nếu có khả năng thì phải được phép chuyển đổi sang loại nhiên liệu khác để duy trì năng lượng vận hành tàu.
8.9.5.3 Động cơ được phép đặt trên sàn thông gió của tàu.
8.9.5.4 Động cơ đặt trên sàn thông gió của tàu phải được bảo vệ bằng lồng bảo vệ để tránh hư hại có thể xảy ra khi xuất nhập nhiên liệu hoặc việc sử dụng nói chung trên tàu.
8.9.5.5 Lớp che cho động cơ đặt trên sàn thông gió của tàu phải là loại kín, làm bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy, có ít nhất một mặt mở phần lớn thời gian, hướng ra phía ngoài tàu, và mái phải được thiết kế để phát tán khí thoát ra.
8.9.5.6 Động cơ đặt trên sàn thông gió của tàu phải được đặt tại vị trí thích hợp để giảm thiểu thiệt hại từ va chạm. Không có bất kì phần nào của động cơ hoặc phụ kiện của nó được phép chìa ra phía ngoài hoặc nhô lên trên điểm nó được lắp đặt.
8.9.5.7 Không có bất kì phần nào của động cơ đặt trên sàn thông gió được phép nhô ra ngoài mũi hoặc đuôi tàu.
8.9.6 Kiểm soát khí thiên nhiên
8.9.6.1 Buồng động cơ
Buồng động cơ phải có ít nhất hai thiết bị phát hiện khí thiên nhiên được đặt ở phía trên trước và sau buồng.
8.9.6.2 Trạm quan trắc phải được bố trí trong buồng động cơ, trong buồng điều khiển (đài chỉ huy), và trong khu vực sinh hoạt hoặc phục vụ chẳng hạn như khoang bếp nơi thủy thủ đoàn tụ họp.
8.9.6.3 Khi không phát hiện khí, trạm quan trắc phải hiển thị ánh sáng màu xanh lục.
8.9.6.4 Tại giá trị nồng độ bằng 1/10 giới hạn cháy dưới (lower flammability level - LFL), nguồn điện dùng cho thông gió phải kích hoạt đồng thời với ánh sáng vàng nhấp nháy ở mỗi trạm quan trắc kèm theo âm thanh.
8.9.6.5 Hệ thống giám sát nhận biết được nồng độ khí, ở giá trị 1/5 giới hạn cháy dưới, đèn nháy đỏ phải được kích hoạt tại mỗi trạm quan trắc kèm theo còi. Khi phát hiện thấy nồng độ có giá trị 1/5 giới hạn cháy dưới và kích hoạt hệ thống báo động, hệ thống ngắt nhiên liệu khẩn cấp cũng được kích hoạt đồng thời, dừng hoàn toàn dòng khí thiên nhiên tới buồng động cơ. Tàu có khả năng được phép chuyển đổi sang dùng nhiên liệu khác.
8.9.6.6 Công tắc cưỡng chế vận hành bằng tay phải được lắp đặt trong buồng động cơ để thủy thủ đoàn có thể tắt báo động và khôi phục lại dòng khí thiên nhiên tới động cơ trong trường hợp báo động giả hoặc báo động ngẫu nhiên.
8.9.6.7 Khi quá trình cung cấp nhiên liệu LNG bị ngắt do thiếu sự thông gió hoặc phát hiện ra khí, chủ tàu phải đảm bảo rằng việc cung cấp nhiên liệu LNG không hoạt động cho tới khi tìm thấy và sửa chữa chỗ rò rỉ hay các nguyên nhân gây ra hiện tượng ngắt.
8.9.7 Khoang động cơ
Khoang động cơ phải được lắp đặt thiết bị phát hiện khí thiên nhiên và thiết bị can thiệp có dạng tương tự như thiết bị của buồng động cơ ngoại trừ trạm quan trắc phải được đặt duy nhất tại buồng điều khiển (đài chỉ huy). Nếu tàu quá lớn đến mức không nghe thấy được chuông báo động khi không có nhân viên trong buồng điều khiển (đài chỉ huy) thì trạm quan trắc cũng phải được đặt tại khu vực sinh hoạt hoặc dịch vụ.
8.9.8 Hệ thống và các thiết bị chữa cháy
Tất cả tàu biển sử dụng LNG với mọi kích cỡ phải mang theo hệ thống và các thiết bị chữa cháy thông thường tuân theo yêu cầu của các tiêu chuẩn tương ứng về phòng cháy chữa cháy, và tất cả phải tuân theo những yêu cầu sau:
8.9.8.1 Buồng và khoang động cơ phải có rơle nhiệt (ở nhiệt độ 66 °C) kích hoạt thiết bị chữa cháy. Khi rơle nhiệt được kích hoạt, đèn nháy đỏ và và âm thanh báo động phải được kích hoạt trong buồng điều khiển động cơ (đài chỉ huy) và khu vực sinh hoạt hoặc khu vực phục vụ khác, nơi nhiều khả năng thủy thủ đoàn tụ họp, chẳng hạn như khoang bếp, để báo hiệu sự có mặt của đám cháy.
8.9.8.2 Khoảng thời gian trễ phải là 1 min, sau đó buồng hoặc khoang động cơ phải được bơm đầy khí CO2 (hoặc khí trơ) trong 2 min. Đồng thời, các quạt thông gió phải dừng trong 2 min, sau đó được khởi động lại. Lượng CO2 (hoặc khí trơ) nên đủ cung cấp cho 2 chu kỳ làm việc.
8.9.8.3 Công tắc cưỡng chế vận hành bằng tay phải được lắp đặt cho buồng động cơ hoặc gần khoang động cơ cho phép chấm dứt báo động trong trường hợp báo động giả hoặc báo động ngẫu nhiên.
8.9.8.4 Bộ điều khiển phải được lắp đặt cho phép kích hoạt bằng tay hệ thống CO2 (hoặc khí trơ) mà không có thời gian trễ.
8.10 Buồng hoặc khoang bồn chứa
8.10.1 Buồng và khoang để bồn chứa phải kín khí cũng như kín lỏng với các khớp nối thích hợp được sử dụng để bít kín các đường ra/vào qua tấm ngăn của dây điện hoặc đường ống đi qua buồng để bồn chứa.
8.10.2 Buồng để bồn chứa phải được cấp áp suất dương và thông gió thụ động.
8.10.3 Tốc độ thông gió tối thiểu của buồng (khoang) để bồn chứa phải bằng 30 thể tích trao đổi mỗi giờ.
8.10.4 Không khí được lấy từ sàn tàu và cũng xả qua sàn tàu thông qua hệ thống đường ống dẫn. Các ống này phải đảm bảo có sự tách biệt tối đa với các quạt.
8.10.5 Các quạt phải có khả năng xử lý hỗn hợp dễ bắt cháy nếu cần thiết.
8.10.6 Nếu có thể được, sử dụng nhiều ống xả để tăng cường thông gió.
8.10.7 Kiểm soát khí thiên nhiên
8.10.7.1 Buồng hoặc khoang bồn chứa phải có ít nhất 2 bộ cảm biến khí thiên nhiên đặt tại hoặc gần trần nhà ở phía trước hoặc phía sau.
8.10.7.2 Khi không phát hiện khí, trạm quan trắc phải hiển thị ánh sáng xanh lục.
8.10.7.3 Sử dụng hai mức báo động để báo hiệu về sự cần thiết phải can thiệp của người vận hành.
8.10.7.4 Báo động phải được kích hoạt khi hệ thống giám sát phát hiện giá trị 1/10 giới hạn cháy dưới. Đèn nháy vàng và âm thanh phải được kích hoạt trong buồng động cơ và buồng điều khiển (đài chỉ huy) cũng như trong khu vực sinh hoạt hay khu vực phục vụ, chẳng hạn như nhà bếp, nơi mà các thủy thủ đoàn có khả năng tụ họp. Đồng thời, nguồn điện dùng cho thông gió phải kích hoạt. Trên tàu có khoang để bồn chứa, đèn nháy vàng và tín hiệu âm thanh phải được kích hoạt trong buồng điều khiển (đài chỉ huy). Nếu tàu quá lớn đến mức không nghe thấy được chuông báo động khi không có nhân viên trong buồng điều khiển (đài chỉ huy) thì tín hiệu cảnh báo thứ hai phải được truyền tới khu vực sinh hoạt hoặc khu vực phục vụ nơi thủy thủ đoàn có khả năng tụ họp ở đó.
8.10.7.5 Tại giá trị 1/5 giới hạn cháy dưới, chuông báo động thứ hai phải kích hoạt tín hiệu đèn nháy đỏ và còi. Các trạm quan trắc này phải được đặt ở các vị trí giống như trạm quan trắc cho giá trị 1/10 giới hạn cháy dưới. Khi cảnh báo về giá trị 1/5 giới hạn cháy dưới được kích hoạt, van ngắt nhiên liệu tự động phải dừng dòng Khí thiên nhiên từ buồng hoặc khoang bồn chứa, dừng thông gió, bơm CO2 (hoặc khí trơ) vào làm ngập buồng để bồn chứa, và hệ thống bơm nước ngập buồng chứa cũng phải được kích hoạt. Tàu có khả năng được phép chuyển đổi sang dùng nhiên liệu khác.
8.10.7.6 Khoang để bồn chứa được phép bỏ qua hệ thống bơm ngập nước nếu tàu quá nhỏ để phù hợp với thiết bị. Việc này phải được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền.
8.10.7.7 Khi quá trình cung cấp nhiên liệu LNG bị ngắt do thiếu sự thông gió hoặc phát hiện ra khi, chủ tàu phải đảm bảo rằng việc cung cấp nhiên liệu LNG không hoạt động cho tới khi tìm thấy và sửa chữa chỗ rò rỉ hay các nguyên nhân gây ra hiện tượng ngắt.
8.10.8 Buồng và khoang để bồn chứa phải có ống thoát nước vận hành bằng tay để loại bỏ nước ngập buồng sinh ra từ hệ thống bơm.
8.10.9 Công tắc cưỡng chế vận hành có dán nhãn phải được đặt sẵn tại vị trí có thể tiếp cận được một cách dễ dàng để tắt hệ thống cảnh báo của buồng hoặc khoang bồn chứa (trong trường hợp báo động giả hoặc báo động ngẫu nhiên khác) và tắt hệ thống bơm CO2 (hoặc khí trơ) và nước ngập buồng.
8.10.10 Thiết bị phòng cháy, chữa cháy
8.10.10.1 Buồng hoặc khoang để bồn chứa phải có rơle nhiệt ở 66 °C, nó phải kích hoạt thiết bị phòng cháy chữa cháy tự động.
8.10.10.2 Khi rơle được kích hoạt, đèn nháy đỏ và báo động bằng âm thanh phải được kích hoạt trên bảng báo cháy của buồng điều khiển (đài chỉ huy), khu vực sinh hoạt hay phục vụ (chẳng hạn như buồng bếp) nơi mà thủy thủ đoàn có khả năng tụ họp tại đó.
8.10.10.3 Nếu buồng hoặc khoang đề bồn chứa là khu vực không có người giám sát, hệ thống chuông báo động không cần thiết phải có trong những khu vực đó.
8.10.10.4 Hệ thống thông gió trong buồng hoặc khoang để bồn chứa phải được dừng đồng thời với việc kích hoạt chuông báo động cháy. 1 min sau khi chuông báo động cháy được kích hoạt, buồng hoặc khoang để bồn chứa phải ngập trong CO2 (hoặc khí trơ) và hệ thống bơm ngập nước phải được kích hoạt để giữ cho bồn chứa LNG đủ lạnh và hỗ trợ việc dập lửa.
8.10.10.5 Buồng hoặc khoang để bồn chứa phải được trang bị công tắc cưỡng chế vận hành có thể tiếp cận dễ dàng để cho phép thủy thủ đoàn dừng hệ thống chữa cháy trong trường hợp báo động giả hoặc báo động ngẫu nhiên.
8.10.10.6 Hệ thống bơm ngập nước được phép bỏ qua trong khoang để bồn chứa nếu tàu quá nhỏ để chứa hệ thống này. Việc này phải được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền.
8.10.11 Chiếu sáng
8.10.11.1 Buồng để bồn chứa phải có ít nhất hai thiết bị chiếu sáng dạng phòng nổ.
8.10.11.2 Bộ ngắt mạch và thiết bị bảo vệ hiện tượng quá dòng dùng cho chiếu sáng trong buồng để bồn chứa phải được đặt trong khu vực an toàn về khí gas.
8.11 Cột thông hơi
8.11.1 Toàn bộ vỏ động cơ sử dụng năng lượng là khí thiên nhiên phải được xả tới cột thông hơi. Tàu biển có nhiều hơn một động cơ phải được phép sử dụng bộ góp.
8.11.2 Các van xả hoặc lỗ xả chung của chúng phải được xả tới cột thông hơi.
8.11.3 Cột thông hơi phải có các tính năng sau đây:
8.11.3.1 Hướng xả thẳng đứng lên trên
8.11.3.2 Có nắp chống nước mưa hoặc những thiết bị khác ngăn chặn nước mưa hoặc tuyết rơi vào.
8.11.3.3 Chiều cao tối thiểu là 3 m phía trên so với sàn làm việc cao nhất của tàu.
8.11.4 Ống thông hơi của van xả và của động cơ thông gió không được kết nối với nhau nhưng có thể được phép kết thúc tại một vị trí.
8.12 Hệ thống bơm ngập nước
8.12.1 Mỗi hệ thống bơm ngập nước bảo vệ nhiều hơn một khu vực phải có ít nhất một van cô lập tại mỗi nhánh kết nối và ít nhất một van cô lập thứ cấp từ mỗi nhánh kết nối nhằm cô lập khu vực gặp sự cố.
8.12.2 Các kết nối qua van nhánh từ hệ thống bơm tới đám cháy phải nằm ở bên ngoài buồng hoặc khoang để bồn chứa.
8.12.3 Các đường ống, khớp nối và van cho hệ thống bơm ngập nước phải được làm bằng vật liệu chống cháy và chống ăn mòn chẳng hạn như thép mạ kẽm hoặc ống sắt mạ kẽm.
8.12.4 Mỗi hệ thống bơm ngập nước phải có cách thức thoát nước thích hợp để ngăn ngừa sự ăn mòn hệ thống và đóng băng của nước tích tụ tại nhiệt độ dưới điểm đông đặc.
8.12.5 Mỗi hệ thống bơm ngập nước phải có thiết bị lọc được đặt tại vị trí bộ góp hoặc bơm của hệ thống.
8.12.6 Nước dùng cho hệ thống bơm ngập nước phải được cung cấp bằng bơm dành riêng sử dụng cho hệ thống.
8.13 Hệ thống báo động
8.13.1 Hệ thống báo động phải có cách thức báo động thích hợp khi cảm biến khí thiên nhiên được kích hoạt.
8.13.2 Hệ thống báo cháy phải có cách thức báo động thích hợp khi rơle nhiệt được kích hoạt.
8.13.3 Mỗi báo động bằng âm thanh phải có sự sắp xếp cho phép nó được tắt sau khi phát tiếng kêu. Đối với nhóm báo động từ xa, sự sắp xếp này phải không làm ngắt sự kích hoạt hệ thống báo động bởi những lỗi khác.
8.13.4 Báo động bằng ánh sáng phải là loại chỉ có thể tắt được sau khi đã sửa chữa các sự cố gây báo động.
8.13.5 Mỗi tàu biển phải có cách thức và thiết bị kiểm tra từng loại báo động.
8.13.6 Khu vực an toàn khí gas kề cận với khu vực không an toàn khí gas như buồng động cơ và khoang để bồn chứa phải có hệ thống thông gió áp suất dương có khả năng trao đổi 30 thể tích khí một giờ. Sự thông gió phải hoạt động bất cứ khi nào báo động được kích hoạt.
8.14 Các thiết bị an toàn
8.14.1 Tàu biển có buồng và khoang động cơ phải tuân theo những yêu cầu sau đây:
8.14.1.1 Có ba thiết bị hô hấp độc lập đáp ứng tiêu chuẩn, mỗi thiết bị có khả năng hoạt động ít nhất trong 30 min.
8.14.1.2 Có ba chai dự trữ không khí cho thiết bị hô hấp độc lập, mỗi chai có khả năng hoạt động ít nhất trong 30 min.
8.14.1.3 Có ba đèn chớp sáng chịu được cháy nổ.
8.14.1.4 Có ba mũ bảo hộ đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn lao động.
8.14.1.5 Có ba bộ kính đáp ứng các đặc điểm kỹ thuật của các tiêu chuẩn về an toàn lao động tương ứng.
8.14.1.6 Có máy nén không khí để nạp bổ sung cho các chai của thiết bị thông khí.
8.14.1.7 Thiết bị dò tìm khí thiên nhiên cầm tay phải được trang bị để trợ giúp trong việc đánh giá các báo động và thực hiện khảo sát trên tàu. Những dụng cụ kiểm tra này phải cho phép phát hiện cụ thể vị trí rò rỉ ở mức rất thấp và phải được tiến hành bởi nhân viên làm việc trong khoang tồn chứa khi hoặc thiết bị truyền dẫn. Tàu có buồng bồn chứa phải có ít nhất hai cảm biến loại này.
8.14.2 Tàu có buồng động cơ và buồng để bồn chứa phải có thiết bị phân tích cầm tay để xác định mức oxy trong khí quyển.
8.14.3 Trước khi cho phép bất kể ai vào khu vực đang có rò rỉ khí và sửa chữa, chủ tàu phải đảm bảo rằng khu vực đó có nồng độ oxy ít nhất là 19,5 % thể tích và không có khí thiên nhiên.
8.14.4 Chủ tàu phải đảm bảo rằng thiết bị nén khí được kiểm tra ít nhất mỗi tháng một lần bởi nhân viên được cấp phép và ngày kiểm tra cũng như điều kiện của thiết bị được ghi lại trong nhật ký của tàu.
8.15 Đào tạo về an toàn
8.15.1 Cần phải cung cấp các văn bản hướng dẫn an toàn cho tàu, an toàn cho các quy trình và thiết bị. Hướng dẫn an toàn phải tóm tắt toàn bộ hệ thống và thiết bị an toàn cũng như cách vận hành chúng.
8.15.2 Thủy thủ trên tàu phải được đào tạo để vận hành và thực hiện sửa chữa tàu sử dụng nhiên liệu LNG.
8.15.3 Khóa đào tạo phải được tiến hành hàng tháng.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] API 620. Design and Construction of Large. Welded, Low-Pressure Storage Tanks, 1990.
[2] ASME B31.3, Chemical Plant and Petroleum Refinery Piping, 1993.
[3] ASME, Boiler and Pressure Vessel Code.
[4] ASTM E 380, Standard for Metric Practice, 1987.
[5] ASTM E 136, Standard Test Method for Behavior of Materials in a Vertical Tube Furnace at 750 °C, 1993.
[6] CGA S-1.1, Pressure Relief Device Standards - Part 1: Cylinders for Compressed Gases, 1994.
[7] CGA S-1.3, Pressure Relief Device Standards - Part 3: Compressed Gas Stationary Storage Containers, 1980.
[8] CGA-341, Standard for Insulated Cargo Tank Specification for Nonflammable Cryogenic Liquids, 1987.
[9] NFPA 37, Standard for the Installation and Use of Stationary Combustion Engines and Gas Turbines, 1994 edition.
[10] NFPA 51B, Standard for Fire Prevention During Welding, Cutting, and Other Hot Work, 1994 edition.
[11] NFPA 68, Standard on Explosion Protection by Deflagration Venting, 1994 edition.
[12] NFPA 70, National Electrical Code, 2002 edition.
[13] NFPA 80, Standard for Fire Doors and Other Opening Protectives, 1995 edition.
[14] NFPA 220, Standard on Types of Building Construction, 1995 edition.
[15] NFPA 255, Standard Method of Test of Surface Burning Characteristics of Building Materials, 2002 edition.
[16] NFPA 259, Standard Test Method for Potential Heat of Building Materials, 1993 edition.
[17] ICBO, Uniform Building Code, 1997 edition.
[18] SSPC-PA1, Shop, Field and Maintenance Painting, 1991 edition.
[19] SSPC-PA2, Measurement of Dry Paint Thickness with Magnetic Gages, 1991 edition.
[20] SSPC-SP6, Commercial Blast Cleaning, 1991 edition.
MỤC LỤC
Lời nói đầu
1. Phạm vi áp dụng
2. Tài liệu viện dẫn
3. Thuật ngữ và định nghĩa
4. Các hệ thống nhiên liệu trên phương tiện giao thông
4.1. Yêu cầu chung
4.2. Vật liệu
4.3. Bồn chứa nhiên liệu trên phương tiện giao thông
4.4. Thiết bị xả áp
4.5. Áp kế
4.6. Bộ điều áp
4.7. Ống và phụ kiện ống
4.8. Van
4.9. Bơm và máy nén
4.10. Máy hóa hơi
4.11. Quy định
4.12. Lắp đặt
4.13. Thử nghiệm hệ thống
5. Hệ thống thiết bị công trình LNG
5.1. Phạm vi áp dụng
5.2. Thiết kế
5.3. Xuất hàng
5.4. Hệ thống phân phối nhiên liệu LNG cho phương tiện giao thông
5.5. Hệ thống ống và các phụ kiện
5.6. Van an toàn và van xả áp
5.7. Kiểm soát ăn mòn
5.8. Bơm và máy nén cố định
5.9. Thiết bị hóa hơi
5.10. Hệ thống chuyển đổi LNG sang CNG
5.11. Trang thiết bị
5.12. Thiết bị điện
5.13. Bảo dưỡng
6. Những yêu cầu trong lắp đặt bồn chứa
6.1. Phạm vi áp dụng
6.2. Những yêu cầu chung
6.3. Bồn chứa
6.4. Nền móng và giá đỡ cho bồn chứa
6.5. Lắp đặt bồn chứa
6.6. Van một chiều
6.7. Kiểm tra
6.8. Kiểm tra và làm sạch bồn chứa LNG
6.9. Đường ống
6.10. Trang thiết bị đo của bồn chứa
6.11. Kiểm soát áp suất
7. Phòng cháy, an toàn và an ninh
7.1. Yêu cầu chung
7.2. Phòng cháy chữa cháy
7.3. Kiểm soát nguồn gây cháy
7.4. Đào tạo và an toàn cho nhân viên
7.5. An ninh
7.6. Phát hiện nguy cơ
7.7. Bãi để phương tiện giao thông chở LNG
7.8. Các tín hiệu cảnh báo
8. Tàu du lịch và tàu thương mại
8.1. Phạm vi áp dụng
8.2. Lắp đặt bồn chứa cấp nhiên liệu
8.3. Lắp đặt áp kế
8.4. Ghi nhãn
8.5. Vận hành
8.6. Phòng cháy chữa cháy cho tàu
8.7. Hệ thống nhiên liệu LNG
8.8. Trạm dịch vụ hàng hải
8.9. Buồng hoặc khoang chứa động cơ
8.10. Buồng hoặc khoang bồn chứa
8.11. Cột thông hơi
8.12. Hệ thống bơm ngập nước
8.13. Hệ thống báo động
8.14. Các thiết bị an toàn
8.15. Đào tạo về an toàn
Thư mục tài liệu tham khảo
01 | Văn bản công bố, ban hành |
TCVN 8617:2010 Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)-Hệ thống nhiên liệu trên phương tiện giao thông
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ |
Số hiệu: | TCVN 8617:2010 |
Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Năm ban hành: | 0 |
Hiệu lực: | 01/01/2010 |
Lĩnh vực: | Công nghiệp, Giao thông |
Người ký: | |
Ngày hết hiệu lực: | 25/04/2023 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản tiếng Việt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!