BỘ CÔNG THƯƠNG ------- Số: 309/TB-BCT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2016 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG ĐỖ THẮNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ NGÀNH CÔNG THƯƠNG CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ KHU VỰC PHÍA BẮC LẦN THỨ III, NĂM 2016
Ngày 06 tháng 10 năm 2016, tại tỉnh Ninh Bình, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Ninh Bình Nguyễn Ngọc Thạch đồng chủ trì Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ III, năm 2016.
Thành phần tham dự Hội nghị, về phía các địa phương trong khu vực gồm có: Đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Hải Dương, Thái Bình và Tuyên Quang; Lãnh đạo Sở Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; đại diện Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, các sở, ban ngành của tỉnh Ninh Bình; đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp tiêu biểu của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; đại diện các cơ quan Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình của Trung ương và địa phương. Về phía Bộ Công Thương, tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Tổng cục Năng lượng, các Cục, Vụ, Viện; Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc.
Sau khi nghe Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành công thương khu vực phía Bắc năm 2015, 9 tháng đầu năm 2016 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong những tháng cuối năm 2016; ý kiến tham luận của các Sở Công Thương; ý kiến của Tổng cục Năng lượng, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Cục Điều tiết điện lực và Cục Xúc tiến thương mại, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã kết luận như sau:
1. Bộ Công Thương biểu dương và ghi nhận những kết quả đạt được của ngành công thương khu vực phía Bắc trong năm 2015, 9 tháng đầu năm 2016, cụ thể:
- Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, góp phần quan trọng vào sự phát triển ngành công nghiệp cả nước nói chung và kinh tế - xã hội của Khu vực nói riêng (năm 2015 tăng 18,5%; 9 tháng đầu năm 2016 tăng 17,3% so với cùng kỳ).
- Hoạt động thương mại nội địa tăng trưởng ổn định, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ năm 2015 của khu vực chiếm tỷ trọng 34,6% so với cả nước, tăng 12% so với năm 2014, cao hơn tốc độ tăng bình quân cả nước (9,5%); 9 tháng đầu năm 2016 tăng 12,7% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng bình quân cả nước (khoảng 9,5%).
- Hoạt động xuất nhập khẩu đạt nhiều kết quả khả quan trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 toàn khu vực đạt 78,2 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 23,9% cả nước), tăng 16,7% so với năm 2014, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (8,1%); 9 tháng đầu năm 2016 ước đạt 66,3 tỷ USD, đạt 74,56% kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (6,7%). Về cán cân thương mại: Năm 2015 khu vực nhập siêu là 11,4 tỷ USD nhưng 9 tháng đầu năm 2016 đã xuất siêu ước đạt 1,9 tỷ USD.
- Công tác liên kết, phát triển vùng tiếp tục được đẩy mạnh thông qua các chương trình cụ thể như: phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, phát triển hạ tầng thương mại, hỗ trợ cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn.
- Hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương đã được triển khai tích cực và đồng bộ. Các Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường. Các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp và thương mại, công tác quản lý thị trường...ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm và đạt nhiều kết quả cụ thể.
2. Bên cạnh những giải pháp đã nêu trong báo cáo, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ cho những tháng còn lại của năm 2016 và những năm tiếp theo như sau:
2.1. Theo dõi, bám sát tình hình sản xuất kinh doanh, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ.
2.2. Tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả các chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch của ngành công thương. Rà soát quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch về công nghiệp - thương mại phù hợp với tình hình chung của Khu vực và cả nước cũng như Nghị quyết của Đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố giai đoạn 2016-2020.
2.3. Về phát triển công nghiệp
- Phát triển công nghiệp gắn với tăng trưởng xanh, sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng; nâng cao năng lực cạnh tranh, tốc độ đổi mới công nghệ, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chú trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm đáp ứng nguyên liệu đầu vào, từ đó giảm nhập khẩu; đồng thời tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm.
- Chủ động xây dựng và phối hợp triển khai giữa các tỉnh, thành phố trong Khu vực những chương trình, dự án phát triển công nghiệp có quy mô lớn mang tính Vùng nhằm làm hạt nhân lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác trong Khu vực.
- Vùng Trung du miền núi phía Bắc tập trung phát triển các ngành công nghiệp như chế biến nông, lâm sản; công nghiệp khai thác và chế biến sâu khoáng sản, trong đó chú ý đến việc đầu tư công nghệ và thiết bị hiện đại để khai thác đi đôi với chế biến sâu; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thu hút nhiều lao động.
- Vùng Đồng bằng sông Hồng tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, cơ khí chế tạo máy; ngành sửa chữa đóng tàu thủy và phương tiện hàng hải; vật liệu xây dựng mới; hóa - dược phẩm và các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may - da giày.
- Thực hiện tốt công tác quản lý và phát triển cụm công nghiệp. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực để hoàn thành tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp đang triển khai, trong đó cần chú trọng xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề và khu dân cư.
- Tích cực tổ chức triển khai hoàn thành tốt các đề án khuyến công đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tháo gỡ khó khăn; trong đó tập trung hỗ trợ các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực, sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sản phẩm mới.
2.4. Về phát triển thương mại
- Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, từng bước ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa.
- Khai thác tốt thị trường nội địa, tiếp tục triển khai chương trình kết nối cung cầu để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của các tỉnh, thành phố. Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đảm bảo ổn định thị trường và cung ứng sản phẩm hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn.
- Tăng cường các hoạt động quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, buôn lậu trên địa bàn; chủ động phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp có tổ chức khuyến mại, hội chợ triển lãm thương mại và hoạt động đa cấp.
2.5. Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế để tạo sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành.
3. Một số kiến nghị của địa phương
- Đối với kiến nghị về việc ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O và tăng cường chức năng về xuất nhập khẩu cho các Phòng Xuất nhập khẩu của địa phương: Bộ Công Thương đã có hệ thống các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu cấp khu vực và theo chủ trương sẽ không thành lập thêm các Phòng Xuất nhập khẩu tại từng địa phương. Bộ sẽ có sự phối hợp tốt nhất với các địa phương để tận dụng nguồn lực và gắn kết hoạt động giữa Trung ương với địa phương.
- Về vấn đề quy hoạch khoáng sản: Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra chính sách phù hợp nhằm đảm bảo quy hoạch, tránh khai thác tràn lan và đảm bảo quyền sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp khai khoáng.
- Về vấn đề thống nhất tổ chức bộ máy của Trung tâm Xúc tiến thương mại tại các địa phương: Bộ Công Thương ghi nhận ý kiến và có trao đổi với Bộ Nội vụ, tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện thực tế, đề nghị các địa phương chủ động xem xét, lựa chọn mô hình phù hợp nhất với đặc thù của địa phương mình.
4. Thống nhất với đề nghị của Hội nghị về việc giao Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ đăng cai và phối hợp cùng Cục Công nghiệp địa phương tổ chức Hội nghị ngành công thương khu vực phía Bắc lần thứ IV năm 2017, tại tỉnh Phú Thọ.
Trên đây là ý kiến kết luận của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tại Hội nghị ngành công thương khu vực phía Bắc lần thứ III, năm 2016. Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị có liên quan biết và triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: - UBND, SCT các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; - Lãnh đạo Bộ Công Thương; - Tổng cục Năng lượng; - Các Vụ: KH, KHCN, CNNg, CNN, TMBGMN, TTTN; - Các Cục: XNK, QLTT, ĐTĐL, XTTM, HC, KTAT; - Viện NCCL&CSCN; - Tập đoàn Điện lực Việt Nam; - Tổng Công ty Điện lực miền Bắc; - Lưu: VT, VP, CNĐP (2). | TL. BỘ TRƯỞNG CHÁNH VĂN PHÒNG Trần Hữu Linh |