hieuluat

Thông tư 28/2010/TT-BCT quy định của Luật Hoá chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Công ThươngSố công báo:402 & 403 - 07/2010
    Số hiệu:28/2010/TT-BCTNgày đăng công báo:18/07/2010
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Nguyễn Nam Hải
    Ngày ban hành:28/06/2010Hết hiệu lực:28/12/2017
    Áp dụng:16/08/2010Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Công nghiệp, Chính sách
  • BỘ CÔNG THƯƠNG
    -------

    Số: 28/2010/TT-BCT

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ------------

    Hà Nội, ngày 28 tháng 06 năm 2010

    THÔNG TƯ

    QUY ĐỊNH CỤ THỂ MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HÓA CHẤT VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 108/2008/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 10 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HÓA CHẤT

    ------

    BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

    Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

    Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007;

    Căn cứ Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

    Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất như sau:

    Chương 1QUY ĐỊNH CHUNG

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

    1. Thông tư này quy định về:

    a. Điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất ngành công nghiệp;

    b. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp;

    c. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp;

    d. Lập, thẩm định hồ sơ cho phép sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất cấm trong ngành công nghiệp;

    đ. Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong ngành công nghiệp;

    e. Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc; xây dựng Phiếu an toàn hóa chất; hồ sơ đăng ký và tổ chức đánh giá hóa chất mới; bảo mật thông tin hóa chất.

    2. Việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp; Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp quy định tại Thông tư này không áp dụng đối với tiền chất thuốc nổ, xăng, dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.

    Điều 2. Đối tượng áp dụng

    Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất trong ngành công nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động hóa chất trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Điều 3. Giải thích từ ngữ và cụm từ viết tắt

    Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

    1. Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp là danh mục hóa chất được quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.

    2. Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp là danh mục hóa chất được quy định tại Phụ lục II Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

    3. Danh mục hóa chất cấm là danh mục hóa chất được quy định tại Phụ lục III Nghị định số 108/2008/NĐ-CP.

    4. Kinh doanh hóa chất là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hoặc cung ứng dịch vụ hóa chất trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

    5. Bản sao hợp lệ là bản sao được công chứng hoặc chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

    6. Mã số CAS của một hóa chất là dãy các chữ số duy nhất ấn định cho mỗi hóa chất theo quy tắc của Chemical Abstracts Service (một Ban thuộc Hội hóa học Mỹ, viết tắt là CAS).

    7. Số UN (United nations) là số có bốn chữ số, được quy định bởi Tổ chức Liên hợp quốc, dùng để xác định các hóa chất nguy hiểm.

    Chương 2ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ VẬT CHẤT, KỸ THUẬT BẢO ĐẢM AN TOÀN TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH HÓA CHẤT NGÀNH CÔNG NGHIỆP

    Điều 4. Đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất

    Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất trong ngành công nghiệp thực hiện các điều kiện về nhà xưởng, kho tàng, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển và vận hành an toàn theo quy định tại Luật Hóa chất; Điều 5, Điều 6, Điều 7 Thông tư này; Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển và các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành có liên quan.

    Điều 5. Điều kiện về nhà xưởng, kho tàng

    1. Địa điểm

    a. Nhà xưởng, kho tàng phải được bố trí tại địa điểm phù hợp với các điều kiện về quy hoạch;

    b. Vị trí đặt nhà xưởng sản xuất hóa chất phải đảm bảo các yêu cầu thuận lợi về cung cấp điện, cung cấp nước, thoát nước, xử lý ô nhiễm và giao thông;

    c. Không đặt nhà xưởng, kho chứa hóa chất sát khu dân cư. Đối với kho lưu trữ hóa chất trong nhà xưởng để phục vụ sản xuất phải chọn vị trí kho đảm bảo yêu cầu công nghệ bảo quản hóa chất. Kho lưu trữ hóa chất phải đặt ở vị trí bên ngoài nhà xưởng sản xuất;

    d. Vị trí kho phải đảm bảo khoảng cách cho xe vận chuyển và xe chữa cháy ra vào dễ dàng;

    2. Bố trí mặt bằng nhà xưởng, kho tàng

    Quy hoạch mặt bằng nhà xưởng phải được đạt tiêu chuẩn thiết kế trên cơ sở Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam hiện hành về điều kiện khí hậu, địa chất thủy văn, khí tượng thủy văn, phân vùng động đất, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, an toàn lao động:

    a. Mặt bằng nhà xưởng phải bố trí các hạng mục công trình hợp lý và có công năng rõ ràng;

    b. Diện tích của nhà xưởng phải đáp ứng các quy định hiện hành để bố trí thiết bị sản xuất;

    c. Nhà xưởng sản xuất được thiết kế đảm bảo các điều kiện môi trường làm việc trong nhà đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế về nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió;

    d. Hệ thống đường giao thông nội bộ phải được bố trí hợp lý, đảm bảo an toàn cho vận chuyển trong nhà xưởng và chữa cháy. Nhà xưởng phải có tường bao ngăn cách cơ sở với bên ngoài;

    đ. Đối với các kho chứa hóa chất, việc thiết kế phải tuân thủ nguyên tắc an toàn về nguy cơ cháy hay đổ tràn là thấp nhất và phải bảo đảm tách riêng các chất có khả năng gây ra phản ứng hóa học với nhau;

    e. Nhà kho được thiết kế tùy thuộc vào loại hóa chất cần được bảo quản, phân loại theo nguy cơ nổ, cháy nổ và cháy được quy định trong Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2622:1995. Thiết kế cần tuân theo Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam và các Tiêu chuẩn Việt Nam có liên quan. Ngoài những quy định chung về kết cấu công trình, thiết kế các kho hóa chất phải thực hiện các tiêu chuẩn phòng, chống cháy nổ, cụ thể như: tính chịu lửa; ngăn cách cháy; thoát hiểm; hệ thống báo cháy; hệ thống chữa cháy; phòng trực chống cháy.

    3. Kết cấu và bố trí kiến trúc công trình

    a. Các khu vực kín và rộng phải có lối thoát hiểm theo hai hướng. Lối thoát hiểm phải được chỉ dẫn rõ ràng (bằng bảng hiệu, sơ đồ …) và được thiết kế thuận lợi trong trường hợp khẩn cấp. Cửa thoát hiểm phải dễ mở trong bóng tối hoặc trong lớp khói dày đặc;

    b. Kho chứa phải được thông gió hở trên mái, trên tường bên dưới mái hoặc gần sàn nhà;

    c. Sàn kho không thấm chất lỏng, bằng phẳng không trơn trượt và không có khe nứt để chứa nước rò rỉ, chất lỏng bị đổ tràn hay nước chữa cháy đã bị nhiễm bẩn hoặc tạo các gờ hay lề bao quanh;

    d. Vật liệu xây dựng kho và vật liệu cách nhiệt phải là vật liệu không dễ bắt lửa và khung nhà phải được gia cố chắc chắn bằng bê tông hoặc thép.

    Điều 6. Điều kiện về trang thiết bị

    1. Thiết bị sản xuất

    a. Thiết bị sản xuất phải đạt yêu cầu chung về an toàn theo Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành;

    b. Phải có lịch bảo dưỡng và vệ sinh định kỳ thiết bị sản xuất;

    c. Phải kiểm tra các thông số kỹ thuật của thiết bị sản xuất và có hệ thống bảo vệ an toàn cho người sử dụng.

    2. Các thiết bị, phương tiện an toàn

    a. Lắp đặt các phương tiện chiếu sáng và thiết bị điện khác tại vị trí cần thiết, không được phép lắp đặt tạm thời. Mọi trang thiết bị điện phải được nối đất và có bộ ngắt mạch khi rò điện, bảo vệ quá tải;

    b. Phải sử dụng thiết bị chịu lửa đối với nơi lưu trữ dung môi có nhiệt độ bắt cháy thấp hoặc bụi hóa chất mịn;

    c. Trang bị đầy đủ các thiết bị dụng cụ ứng cứu sự cố tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất. Hệ thống báo cháy, dập cháy phải được lắp tại vị trí thích hợp và kiểm tra thường xuyên để bảo đảm ở trạng thái sẵn sàng sử dụng tốt.

    3. Hệ thống xử lý khí thải và chất thải

    a. Nhà xưởng, kho hóa chất không được thải vào không khí các chất độc hại, không gây tiếng ồn, các yếu tố có hại khác, không vượt mức quy định hiện hành về vệ sinh môi trường. Khí thải của nhà xưởng, kho hóa chất phải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: QCVN 19:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ; QCVN 20:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với một số chất hữu cơ; QCVN 21:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất phân bón hóa học;

    b. Nhà xưởng, kho hóa chất phải có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải sau xử lý phải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: QCVN 07:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại; QCVN 24:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp; QCVN 25:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải của bãi chôn lắp chất thải rắn;

    c. Chất thải rắn của nhà xưởng, kho hóa chất phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn. Nhà xưởng, kho hóa chất phải có dụng cụ thu gom và vận chuyển chất thải rắn ra khỏi khu vực sản xuất sau mỗi ca sản xuất; nơi chứa chất thải phải kín, cách biệt với khu sản xuất.

    Điều 7. Điều kiện về phương tiện vận chuyển và vận hành an toàn

    1. Phương tiện vận chuyển hóa chất phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành về loại hàng nguy hiểm cần vận chuyển và đảm bảo các yêu cầu sau:

    a. Được thiết kế bảo đảm phòng ngừa rò rỉ hoặc phát tán hóa chất vào môi trường. Khi vận chuyển, không để lẫn các hóa chất có khả năng phản ứng hóa học với nhau gây nguy hiểm;

    b. Các hóa chất phải được chứa trong bao bì phù hợp và vận chuyển bằng các phương tiện chuyên dùng;

    c. Có dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa trên phương tiện vận chuyển. Nếu trên một phương tiện vận chuyển có nhiều loại hóa chất khác nhau thì phía ngoài phương tiện vận chuyển phải dán đầy đủ biểu trưng của từng loại hóa chất ở hai bên và phía sau phương tiện.

    2. Vận hành an toàn tại kho hóa chất

    a. Cơ sở sản xuất hóa chất, kho chứa hóa chất phải xây dựng Biện pháp hoặc Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất;

    b. Cơ sở sản xuất hóa chất phải xây dựng bảng nội quy về an toàn hóa chất, hệ thống báo hiệu phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất. Trường hợp hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì biểu trưng cảnh báo phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó;

    c. Việc vận hành tại kho hóa chất phải đảm bảo tính an toàn và vệ sinh kho nghiêm ngặt, tránh các nguy cơ có thể xảy ra như cháy, rò rỉ…;

    d. Nhân viên phụ trách kho phải áp dụng các chỉ dẫn về Phiếu an toàn hóa chất của tất cả các hóa chất được lưu trữ và vận chuyển; các hướng dẫn về công tác an toàn, công tác vệ sinh; các hướng dẫn khi có sự cố;

    đ. Bố trí hóa chất trong kho phải tách biệt chất nguy hại với khu vực có người ra vào thường xuyên; có khoảng trống giữa tường với các kiện hóa chất lưu trữ gần tường nhất và phải có lối đi lại bên trong thoáng gió, không cản trở thiết bị ứng cứu khi thực hiện việc kiểm tra và chữa cháy.

    Chương 3HỒ SƠ, THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN, GIẤY PHÉP SẢN XUẤT, KINH DOANH HÓA CHẤT TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP

    MỤC 1. HỒ SƠ, THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, KINH DOANH HÓA CHẤT THUỘC DANH MỤC HÓA CHẤT SẢN XUẤT, KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP

    Điều 8. Tổ chức cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất

    Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Công Thương) có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp (sau đây gọi là Giấy chứng nhận).

    Điều 9. Hồ sơ đề nghị cấp mới Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện

    1. Tài liệu pháp lý

    a. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo mẫu tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này;

    b. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

    c. Bản sao hợp lệ Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất theo quy định của pháp luật về quản lý, đầu tư xây dựng;

    d. Bản sao hợp lệ Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm theo đề án hoặc Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường kèm theo đề án do cơ quan có thẩm quyền cấp;

    đ. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan công an có thẩm quyền.

    2. Tài liệu về điều kiện kỹ thuật

    a. Bản kê khai hệ thống nhà xưởng, kho tàng của cơ sở sản xuất hóa chất nguy hiểm;

    b. Bản kê khai trang thiết bị phòng hộ lao động và an toàn theo mẫu tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này;

    c. Bản công bố hợp quy và kế hoạch giám sát định kỳ chất lượng hóa chất trên cơ sở trang thiết bị kiểm tra hóa chất hoặc hợp đồng liên kết với đơn vị có đủ năng lực kiểm tra hóa chất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận;

    d. Phiếu an toàn hóa chất của toàn bộ hóa chất nguy hiểm trong cơ sở sản xuất.

    3. Tài liệu về điều kiện đối với người sản xuất

    a. Bản kê khai nhân sự theo mẫu tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này, gồm cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhân viên có liên quan trực tiếp đến sản xuất, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm;

    b. Bản sao hợp lệ bằng đại học các ngành hóa chất của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật; chứng chỉ đã tham gia lớp huấn luyện về nghiệp vụ hóa chất của cán bộ kỹ thuật, nhân viên và người lao động của cơ sở sản xuất hóa chất;

    c. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ của cơ quan y tế cấp quận, huyện trở lên cấp cho các đối tượng quy định tại điểm a khoản này.

    Điều 10. Hồ sơ đề nghị cấp mới Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện

    1. Tài liệu pháp lý

    a. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo mẫu tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này;

    b. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

    c. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan công an có thẩm quyền;

    d. Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp.

    2. Tài liệu về điều kiện kỹ thuật

    a. Bản kê khai hệ thống nhà xưởng, kho tàng của từng cơ sở kinh doanh hóa chất nguy hiểm;

    b. Bản kê khai trang thiết bị phòng hộ lao động và an toàn theo mẫu tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này;

    c. Bản kê khai các phương tiện vận tải chuyên dùng và bản sao hợp lệ Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm;

    d. Bản kê khai địa điểm kinh doanh, nếu cơ sở kinh doanh hóa chất có nhiều điểm kinh doanh cùng một loại hóa chất thì mỗi điểm kinh doanh phải lập hồ sơ riêng theo quy định tại điều này và được cấp chung một Giấy chứng nhận;

    đ. Phiếu an toàn hóa chất của toàn bộ hóa chất nguy hiểm trong cơ sở kinh doanh.

    3. Tài liệu về điều kiện đối với người kinh doanh

    a. Bản kê khai nhân sự theo mẫu tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này, gồm: cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân viên có liên quan trực tiếp đến kinh doanh, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm;

    b. Bản sao hợp lệ bằng đại học các ngành hóa chất hoặc bằng đại học chuyên ngành kinh tế kỹ thuật của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật; chứng chỉ đã tham gia lớp huấn luyện về nghiệp vụ hóa chất của cán bộ kỹ thuật, nhân viên và người lao động của cơ sở kinh doanh hóa chất;

    c. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ của cơ quan y tế cấp quận, huyện trở lên cấp cho các đối tượng quy định tại điểm a khoản này.

    Điều 11. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân sản xuất đồng thời kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện

    Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất đồng thời kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận gồm:

    1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện.

    2. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

    3. Phiếu an toàn hóa chất của toàn bộ hóa chất nguy hiểm trong cơ sở sản xuất, kinh doanh.

    4. Bản kê khai nhân sự theo mẫu tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này, gồm: cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân viên có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm.

    5. Bản sao hợp lệ bằng đại học các ngành hóa chất hoặc bằng đại học chuyên ngành kinh tế kỹ thuật của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật; chứng chỉ đã tham gia lớp huấn luyện về nghiệp vụ hóa chất của cán bộ kỹ thuật, nhân viên và người lao động của cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất.

    6. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ của cơ quan y tế cấp quận, huyện trở lên cấp cho các đối tượng quy định tại khoản 4 điều này.

    7. Các tài liệu quy định tại điểm c, d, đ khoản 1; điểm a, b, c khoản 2 Điều 9 và điểm c, d khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

    Điều 12. Trường hợp cấp sửa đổi, bổ sung

    1. Trường hợp có thay đổi nội dung của Giấy chứng nhận đã được cấp, tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ gửi về Sở Công Thương đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận.

    2. Hồ sơ đề nghị cấp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận, gồm:

    a. Văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung;

    b. Bản gốc Giấy chứng nhận đã được cấp;

    c. Các tài liệu chứng minh yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

    Điều 13. Trường hợp cấp lại

    1. Trường hợp Giấy chứng nhận bị mất, bị cháy, bị tiêu hủy, tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ gửi về Sở Công Thương đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận. Hồ sơ gồm:

    a. Văn bản đề nghị cấp lại;

    b. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận (nếu có).

    2. Trường hợp Giấy chứng nhận hết hiệu lực thi hành, trước thời điểm hết hiệu lực của Giấy chứng nhận 30 (ba mươi) ngày làm việc, tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ gửi về Sở Công Thương đề nghị cấp lại. Hồ sơ gồm:

    a. Văn bản đề nghị cấp lại;

    b. Giấy chứng nhận hoặc bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đã được cấp lần trước;

    c. Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất trong giai đoạn Giấy chứng nhận đã được cấp, nêu rõ tên hóa chất, mục đích sử dụng, khối lượng hóa chất được sản xuất, nhập khẩu và sử dụng; lượng nhập, xuất, tồn kho và vị trí cất giữ hóa chất; việc thực hiện các biện pháp an toàn; các thông tin khác (nếu có).

    Điều 14. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận

    1. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận gửi 01 bộ hồ sơ về Sở Công Thương.

    2. Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Thông tư này, Sở Công Thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận theo mẫu tại Phụ lục 5 kèm theo Thông tư này cho tổ chức, cá nhân.

    Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận, Sở Công Thương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

    3. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ thì trong vòng 05 (năm) ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Công Thương có văn bản yêu cầu bổ sung.

    4. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận phải nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

    5. Đối với các cơ sở đang sản xuất, kinh doanh hóa chất do yêu cầu chuyển đổi tên doanh nghiệp mà không có sự thay đổi về điều kiện sản xuất, kinh doanh thì phải gửi cho Sở Công Thương bản sao hợp lệ quyết định được phép đổi tên doanh nghiệp và văn bản xin đổi lại Giấy chứng nhận.

    Điều 15. Thời hạn của Giấy chứng nhận

    Giấy chứng nhận có thời hạn 05 (năm) năm, kể từ ngày cấp. Đối với tổ chức, cá nhân có nhiều điểm kinh doanh hàng hóa thì tại Giấy chứng nhận phải ghi rõ từng điểm kinh doanh đã được xác định đủ điều kiện.

    MỤC 2. HỒ SƠ, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP SẢN XUẤT, KINH DOANH HÓA CHẤT THUỘC DANH MỤC HÓA CHẤT HẠN CHẾ SẢN XUẤT, KINH DOANH TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP

    Điều 16. Tổ chức cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh

    Bộ Công Thương cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp (sau đây gọi là Giấy phép).

    Điều 17. Hồ sơ đề nghị cấp mới Giấy phép đối với tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh

    1. Tài liệu pháp lý

    a. Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu tại Phụ lục 6 kèm theo Thông tư này;

    b. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

    c. Bản sao hợp lệ Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất theo quy định của pháp luật về quản lý, đầu tư xây dựng;

    d. Bản sao hợp lệ Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm theo đề án hoặc Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường kèm theo đề án do cơ quan có thẩm quyền cấp;

    đ. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan công an có thẩm quyền.

    2. Tài liệu về điều kiện kỹ thuật

    a. Bản kê khai hệ thống nhà xưởng, kho tàng của cơ sở sản xuất hóa chất nguy hiểm;

    b. Bản kê khai trang thiết bị phòng hộ lao động và an toàn theo mẫu tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này;

    c. Bản công bố hợp quy và kế hoạch giám sát định kỳ chất lượng hóa chất trên cơ sở trang thiết bị kiểm tra hóa chất hoặc hợp đồng liên kết với đơn vị có đủ năng lực kiểm tra hóa chất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận;

    d. Phiếu an toàn hóa chất của toàn bộ hóa chất nguy hiểm trong cơ sở sản xuất.

    3. Tài liệu về điều kiện đối với người sản xuất.

    a. Bản kê khai nhân sự theo mẫu tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này, gồm: cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhân viên có liên quan trực tiếp đến sản xuất, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm;

    b. Bản sao hợp lệ bằng đại học các ngành hóa chất của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật; chứng chỉ đã tham gia lớp huấn luyện về nghiệp vụ hóa chất của cán bộ kỹ thuật, nhân viên và người lao động của cơ sở sản xuất hóa chất;

    c. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ của cơ quan y tế cấp quận, huyện trở lên cấp cho các đối tượng quy định tại điểm a khoản này.

    Điều 18. Hồ sơ đề nghị cấp mới Giấy phép đối với cơ sở kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh

    1. Tài liệu pháp lý

    a. Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu tại Phụ lục 6 kèm theo Thông tư này;

    b. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

    c. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy hoặc Biên bản kiểm tra đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan công an có thẩm quyền;

    d. Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp.

    2. Tài liệu về điều kiện kỹ thuật

    a. Bản giải trình nhu cầu kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh;

    b. Bản kê khai hệ thống nhà xưởng, kho tàng của từng cơ bản kinh doanh hóa chất nguy hiểm;

    c. Bản kê khai trang thiết bị phòng hộ lao động, an toàn theo mẫu tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này;

    d. Bản kê khai các phương tiện vận tải chuyên dùng và bản sao hợp lệ Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm;

    đ. Bản kê khai về từng địa điểm kinh doanh, nếu cơ sở kinh doanh hóa chất có nhiều điểm kinh doanh cùng một loại hóa chất thì mỗi điểm kinh doanh phải lập hồ sơ riêng theo quy định tại điều này và được cấp chung một Giấy phép;

    e. Phiếu an toàn hóa chất của toàn bộ hóa chất nguy hiểm trong cơ sở kinh doanh.

    3. Tài liệu về điều kiện đối với người kinh doanh

    a. Bản kê khai nhân sự theo mẫu tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này, gồm: cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhân viên có liên quan trực tiếp đến kinh doanh, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm;

    b. Bản sao hợp lệ bằng đại học các ngành hóa chất hoặc bằng đại học chuyên ngành kinh tế kỹ thuật của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật; chứng chỉ đã tham gia lớp huấn luyện về nghiệp vụ hóa chất của cán bộ kỹ thuật, nhân viên và người lao động của cơ sở kinh doanh hóa chất;

    c. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ của cơ quan y tế cấp quận, huyện trở lên cấp cho các đối tượng quy định tại điểm a khoản này.

    Điều 19. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đối với tổ chức, cá nhân sản xuất đồng thời kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh

    Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất đồng thời kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép gồm:

    1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

    2. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

    3. Phiếu an toàn hóa chất của toàn bộ hóa chất nguy hiểm trong cơ sở sản xuất, kinh doanh.

    4. Bản kê khai nhân sự theo mẫu tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này, gồm: cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân viên có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm.

    5. Bản sao hợp lệ bằng đại học các ngành hóa chất hoặc bằng đại học chuyên ngành kinh tế kỹ thuật của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật; chứng chỉ đã tham gia lớp huấn luyện về nghiệp vụ hóa chất của cán bộ kỹ thuật, nhân viên và người lao động của cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất.

    6. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ của cơ quan y tế cấp quận, huyện trở lên cấp cho các đối tượng quy định tại khoản 4 điều này.

    7. Các tài liệu quy định tại điểm c, d, đ khoản 1; điểm a, b, c khoản 2 Điều 17 và điểm a, d, đ khoản 2 Điều 18 Thông tư này.

    Điều 20. Trường hợp cấp sửa đổi, bổ sung

    1. Trường hợp có thay đổi nội dung của Giấy phép đã được cấp, tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ gửi về Bộ Công Thương đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép.

    2. Hồ sơ đề nghị cấp sửa đổi, bổ sung Giấy phép, gồm:

    a. Văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung;

    b. Bản gốc Giấy phép đã được cấp;

    c. Các tài liệu chứng minh yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

    Điều 21. Trường hợp cấp lại

    1. Trường hợp Giấy phép bị mất, bị cháy, bị tiêu hủy, tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ gửi về Bộ Công Thương đề nghị cấp lại Giấy phép. Hồ sơ gồm:

    a. Văn bản đề nghị cấp lại;

    b. Bản sao hợp lệ Giấy phép (nếu có).

    2. Trường hợp Giấy phép hết hiệu lực thi hành, trước thời điểm hết hiệu lực của Giấy phép 30 (ba mươi) ngày làm việc, tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ gửi về Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) đề nghị cấp lại. Hồ sơ gồm:

    a. Văn bản đề nghị cấp lại;

    b. Giấy phép hoặc bản sao hợp lệ Giấy phép đã được cấp lần trước;

    c. Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất trong giai đoạn Giấy phép đã được cấp, nêu rõ tên hóa chất, mục đích sử dụng, khối lượng hóa chất được sản xuất, nhập khẩu và sử dụng; lượng nhập, xuất, tồn kho và vị trí cất giữ hóa chất; việc thực hiện các biện pháp an toàn; các thông tin khác (nếu có).

    Điều 22. Thủ tục cấp Giấy phép

    1. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép gửi 01 bộ hồ sơ về Bộ Công Thương (Cục Hóa chất).

    2. Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20 và Điều 21 Thông tư này, Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy phép theo mẫu tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này cho tổ chức, cá nhân.

    Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

    3. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ thì trong vòng 05 (năm) ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) có văn bản yêu cầu bổ sung.

    4. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép phải nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

    5. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất đang sản xuất, kinh doanh trước ngày Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa được cấp Giấy phép nếu có nhu cầu tiếp tục sản xuất, kinh doanh thì phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép theo quy định tại điều này.

    6. Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh nếu dừng sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển địa điểm sản xuất, kinh doanh phải có văn bản báo cáo Bộ Công Thương (Cục Hóa chất).

    Điều 23. Thời hạn của Giấy phép

    Giấy phép có thời hạn 03 (ba) năm, kể từ ngày cấp. Đối với tổ chức, cá nhân có nhiều điểm kinh doanh hàng hóa thì tại Giấy phép phải ghi rõ từng điểm kinh doanh đã được xác định đủ điều kiện.

    Chương 4LẬP, THẨM ĐỊNH HỒ SƠ CHO PHÉP SẢN XUẤT, NHẬP KHẨU, SỬ DỤNG HÓA CHẤT CẤM TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP

    Điều 24. Danh mục hóa chất cấm

    Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất cấm thuộc Danh mục hóa chất cấm quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này cho các mục đích đặc biệt phục vụ an ninh, quốc phòng, phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp đặc biệt khác trong ngành công nghiệp (sau đây gọi là sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất cấm) phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

    Điều 25. Hồ sơ đề nghị cho phép sản xuất hóa chất cấm

    Tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất cấm gửi 02 (hai) bộ hồ sơ, trong đó 01 (một) bộ gửi Thủ tướng Chính phủ, 01 (một) bộ gửi Bộ Công Thương (Cục Hóa chất). Hồ sơ gồm các tài liệu quy định tại Điều 17 Thông tư này và các tài liệu sau:

    1. Đơn đề nghị cho phép sản xuất hóa chất cấm gửi Thủ tướng Chính phủ đồng thời gửi Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) theo mẫu tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư này.

    2. Bản cam kết thực hiện sản xuất hóa chất cấm.

    3. Bản giải trình nhu cầu sản xuất hóa chất cấm.

    Điều 26. Hồ sơ đề nghị cho phép nhập khẩu hóa chất cấm.

    Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất cấm gửi 02 (hai) bộ hồ sơ, trong đó 01 (một) bộ gửi Thủ tướng Chính phủ, 01 (một) bộ gửi Bộ Công Thương (Cục Hóa chất). Hồ sơ gồm các tài liệu sau:

    1. Đơn đề nghị cho phép nhập khẩu hóa chất cấm, nêu rõ nhu cầu và thời gian nhập khẩu gửi Thủ tướng Chính phủ đồng thời gửi Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) theo mẫu tại Phụ lục 9 kèm theo Thông tư này.

    2. Bản sao hợp lệ Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

    3. Báo cáo số lượng hóa chất đã nhập khẩu trong năm kế hoạch.

    4. Bản sao hợp lệ Hợp đồng mua bán hóa chất với doanh nghiệp nước ngoài.

    Điều 27. Hồ sơ đề nghị cho phép sử dụng hóa chất cấm

    Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất cấm gửi 02 (hai) bộ hồ sơ, trong đó 01 (một) bộ gửi Thủ tướng Chính phủ, 01 (một) bộ gửi Bộ Công Thương (Cục Hóa chất). Hồ sơ gồm các tài liệu sau:

    1. Đơn đề nghị cho phép sử dụng hóa chất cấm, nêu rõ mục đích, phạm vi, địa điểm sử dụng hóa chất cấm gửi Thủ tướng Chính phủ đồng thời gửi Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) theo mẫu tại Phụ lục 10 kèm theo Thông tư này.

    2. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

    3. Bản sao hợp lệ Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp.

    4. Bản sao hợp lệ Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và văn bản thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy do cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy có thẩm quyền cấp.

    5. Thiết kế thi công các hạng mục công trình xây dựng có sử dụng hóa chất cấm.

    6. Bản kê khai về trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và lực lượng ứng phó sự cố hóa chất.

    7. Bản kê khai trang bị phòng hộ lao động và an toàn theo mẫu tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này.

    8. Bản kê khai hệ thống nhà xưởng, kho tàng của cơ sở sử dụng hóa chất cấm.

    9. Bản kê khai các phương tiện vận tải chuyên dùng và bản sao hợp lệ Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm.

    10. Phiếu an toàn hóa chất của toàn bộ hóa chất nguy hiểm trong cơ sở sử dụng hóa chất.

    Điều 28. Thẩm định hồ sơ cho phép sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất cấm.

    1. Thẩm định các điều kiện về sản xuất, kinh doanh hóa chất quy định tại Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Luật Hóa chất và các tài liệu trong hồ sơ đề nghị của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 25, Điều 26 và Điều 27 Thông tư này.

    2. Trong thời hạn không quá 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Điều 25, Điều 26 và Điều 27 Thông tư này, Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) tiến hành kiểm tra, thẩm định. Văn bản thẩm định của Bộ Công Thương được đính kèm trong hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.

    3. Trường hợp tổ chức, cá nhân bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi hoạt động tại cơ sở hiện có phải gửi văn bản báo cáo và giải trình chi tiết về việc bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi để Bộ Công Thương xem xét, thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ cho phép.

    Điều 29. Quản lý sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất cấm

    1. Khi được yêu cầu, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất cấm phải thực hiện đúng các quy định về kiểm chứng số liệu sản xuất, nhập khẩu và sử dụng do Bộ Công Thương phối hợp cùng các cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra.

    2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất cấm thuộc Danh mục hóa chất cấm có trách nhiệm gửi báo cáo sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất cấm về Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) trước ngày 31 tháng 01 hàng năm.

    Nội dung báo cáo tình hình sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Hóa chất.

    Chương 5BIỆN PHÁP VÀ KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP

    Điều 30. Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất

    1. Chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm không thuộc Danh mục quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật Hóa chất phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặc tính của hóa chất.

    2. Chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất với Sở Công Thương nơi đặt cơ sở hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Thông tư này.

    Điều 31. Xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất

    1. Chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm thuộc Danh mục hóa chất quy định tại Phụ lục IV Nghị định 108/2008/NĐ-CP với khối lượng vượt ngưỡng tương ứng phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy định tại khoản 1 Điều 34 Thông tư này.

    2. Chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm có thể tự xây dựng hoặc thuê các đơn vị tư vấn xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

    3. Hướng dẫn trình bày Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 11 kèm theo Thông tư này.

    Điều 32. Nội dung Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất

    1. Nội dung Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất thực hiện theo quy định tại Điều 39 Luật Hóa chất.

    2. Các yêu cầu về nội dung cụ thể của Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất thực hiện theo quy định tại Phụ lục 12 kèm theo Thông tư này.

    Điều 33. Hồ sơ đề nghị phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất

    1. Đơn đề nghị của chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm theo mẫu tại Phụ lục 13 kèm theo Thông tư này.

    2. Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất gồm 10 (mười) bản. Trường hợp cần nhiều hơn do yêu cầu của công tác thẩm định, chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm phải cung cấp thêm số lượng theo yêu cầu của cơ quan tổ chức thẩm định.

    3. Các tài liệu kèm theo (nếu có).

    Điều 34. Thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất

    1. Cơ quan thẩm định, phê duyệt

    a. Cục Hóa chất là cơ quan tiếp nhận, thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đối với các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm thuộc nhóm A, B và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt;

    b. Sở Công Thương là cơ quan tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đối với các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm thuộc nhóm C;

    c. Phân loại dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm được phân loại theo quy mô và tính chất của dự án quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

    2. Thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất

    a. Theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Luật Hóa chất, thời hạn thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất là 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

    b. Trong thời hạn 07 (bảy) ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm về tình trạng hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ cũng như yêu cầu khắc phục, bổ sung và thời hạn để hoàn thành hồ sơ;

    c. Trong vòng 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được kết luận, đánh giá của Hội đồng thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm:

    - Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất khi nội dung Kế hoạch đã phù hợp;

    - Thông báo cho chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm không chấp thuận phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và nêu rõ lý do không chấp thuận phê duyệt;

    - Trường hợp phải xây dựng lại Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo những yêu cầu cần hoàn chỉnh, thời hạn hoàn thành để chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm thực hiện. Trình tự, thủ tục thẩm định thực hiện như trình tự ban đầu.

    Quyết định phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo mẫu tại Phụ lục 13 kèm theo Thông tư này.

    3. Sau khi Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt, chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm có trách nhiệm gửi Kế hoạch đến cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực và Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trong trường hợp cơ sở nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

    Điều 35. Hoạt động của Hội đồng thẩm định

    1. Hội đồng thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất do thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch quyết định thành lập. Hội đồng thẩm định gồm Chủ tịch, thư ký Hội đồng và các thành viên khác là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, chính quyền địa phương và các chuyên gia chuyên ngành. Tổng số thành viên Hội đồng thẩm định ít nhất là 09 (chín) người. Hội đồng thẩm định Kế hoạch có trách nhiệm tiến hành đánh giá, thẩm định Kế hoạch và lập bản kết luận.

    Kết luận của Hội đồng thẩm định thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 15 kèm theo Thông tư này.

    2. Hội đồng thẩm định hoạt động theo nguyên tắc thảo luận tập thể. Hội đồng thẩm định chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được phê duyệt.

    Điều 36. Cuộc họp của Hội đồng thẩm định

    1. Chủ tịch Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tổ chức cuộc họp thẩm định. Cuộc họp thẩm định chỉ được tiến hành trong trường hợp có mặt ít nhất 2/3 (hai phần ba) tổng số thành viên.

    2. Trường hợp thành viên Hội đồng thẩm định không thể tham gia cuộc họp thẩm định thì phải gửi Chủ tịch Hội đồng thẩm định ý kiến của mình bằng văn bản.

    3. Tài liệu phục vụ cho cuộc họp của Hội đồng thẩm định phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất gửi đến các thành viên Hội đồng thẩm định chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, trước ngày tổ chức cuộc họp.

    4. Thành viên Hội đồng thẩm định thảo luận về nội dung của Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và những vấn đề khác có liên quan đến nội dung Kế hoạch. Chủ tịch Hội đồng thẩm định kết luận nội dung Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đạt hoặc chưa đạt yêu cầu trên cơ sở ý kiến của 2/3 (hai phần ba) thành viên Hội đồng có mặt đồng ý.

    5. Thư ký Hội đồng thẩm định có trách nhiệm ghi biên bản cuộc họp. Biên bản cuộc họp phải được Chủ tịch và Thư ký Hội đồng thẩm định ký.

    Điều 37. Phí thẩm định

    1. Chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm phải nộp phí thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Phí thẩm định được nộp một lần và nộp đồng thời với thời điểm nộp hồ sơ Kế hoạch.

    2. Mức phí thẩm định, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí thẩm định thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

    Điều 38. Quản lý Biện pháp hoặc Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất

    1. Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm, chủ đầu tư dự án phải bảo đảm đúng các yêu cầu trong Biện pháp hoặc Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt.

    2. Trường hợp có sự thay đổi trong quá trình đầu tư, xây dựng làm thay đổi yêu cầu an toàn đã được phê duyệt, xác nhận, chủ đầu tư phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất xem xét, quyết định.

    3. Biện pháp hoặc Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phải được lưu giữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm, là căn cứ để xây dựng kế hoạch quản lý an toàn hóa chất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất.

    4. Hàng năm chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm phải xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được xây dựng trong Biện pháp hoặc Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

    Chương 6PHIẾU KIỂM SOÁT MUA, BÁN HÓA CHẤT ĐỘC; XÂY DỰNG PHIẾU AN TOÀN HÓA CHẤT; HỒ SƠ ĐĂNG KÝ VÀ ĐÁNH GIÁ HÓA CHẤT MỚI; BẢO MẬT THÔNG TIN

    Điều 39. Phiếu kiểm soát, mua bán hóa chất độc

    1. Theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 23 Luật Hóa chất việc mua, bán hóa chất độc phải có Phiếu kiểm soát và phải được lưu giữ tại bên bán, bên mua, phải xuất trình khi được yêu cầu.

    2. Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc theo mẫu tại Phụ lục 16 kèm theo Thông tư này.

    Điều 40. Xây dựng Phiếu an toàn hóa chất

    1. Các hóa chất đã được phân loại là hóa chất nguy hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Hóa chất và Điều 16, Điều 17 Nghị định 108/2008/NĐ-CP phải lập Phiếu an toàn hóa chất.

    2. Theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Hóa chất, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất nguy hiểm trước khi đưa vào sử dụng, lưu thông trên thị trường phải xây dựng Phiếu an toàn hóa chất. Phiếu an toàn hóa chất được chuyển giao miễn phí cho tổ chức, cá nhân tiếp nhận hóa chất nguy hiểm ngay tại thời điểm giao nhận hóa chất lần đầu và khi có sự sửa đổi, bổ sung nội dung về Phiếu an toàn hóa chất quy định tại khoản 3 điều này.

    3. Trường hợp những bằng chứng khoa học cho thấy có sự thay đổi về đặc tính nguy hiểm của hóa chất, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất nguy hiểm phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Phiếu an toàn hóa chất trong thời gian 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày có thông tin mới. Phiếu an toàn hóa chất sửa đổi, bổ sung phải được tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 điều này cung cấp ngay cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến hóa chất đó. Ngày tháng sửa đổi, bổ sung và những nội dung sửa đổi, bổ sung phải thể hiện bằng dấu hiệu rõ ràng lưu ý người sử dụng Phiếu an toàn hóa chất.

    4. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất nguy hiểm phải lưu giữ Phiếu an toàn hóa chất đối với tất cả các hóa chất nguy hiểm hiện có trong cơ sở của mình và xuất trình khi có yêu cầu, đảm bảo tất cả các đối tượng có liên quan đến hóa chất nguy hiểm có thể nắm được các thông tin trong Phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm đó.

    5. Hình thức và nội dung Phiếu an toàn hóa chất

    a. Phiếu an toàn hóa chất phải thể hiện bằng tiếng Việt và bản nguyên gốc hoặc tiếng Anh của nhà sản xuất ở dạng bản in;

    b. Trường hợp Phiếu an toàn hóa chất có nhiều trang, các trang phải được đánh số liên tiếp từ trang đầu đến trang cuối. Số đánh trên mỗi trang bao gồm số thứ tự của trang và số chỉ thị tổng số trang của toàn bộ Phiếu an toàn hóa chất và đóng dấu giáp lai của nhà sản xuất, nhập khẩu;

    c. Phiếu an toàn hóa chất bao gồm các nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Hóa chất;

    d. Xây dựng Phiếu an toàn hóa chất theo mẫu tại Phụ lục 17 kèm theo Thông tư này.

    Điều 41. Hồ sơ đăng ký và tổ chức đánh giá hóa chất mới

    1. Hồ sơ đăng ký hóa chất mới

    a. Hóa chất mới chỉ được đưa vào sử dụng, lưu thông trên thị trường sau khi có kết quả đánh giá của tổ chức đánh giá hóa chất mới;

    b. Hồ sơ đăng ký hóa chất mới thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Hóa chất. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất mới phải lập 02 (hai) bộ hồ sơ đăng ký hóa chất mới gửi Bộ Công Thương (Cục Hóa chất);

    c. Trường hợp hóa chất mới đã được liệt kê ít nhất trong hai danh mục hóa chất nước ngoài, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất mới gửi hồ sơ đăng ký gồm:

    - Đơn đăng ký hóa chất mới;

    - Báo cáo tóm tắt đánh giá hóa chất kèm theo mã số CAS hoặc số UN của hóa chất mới ở hai danh mục hóa chất nước ngoài;

    d. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất mới phải nộp hồ sơ, tài liệu quy định tại điểm b, c khoản này đến Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) trong thời gian ít nhất 30 (ba mươi) ngày làm việc.

    2. Tổ chức đánh giá hóa chất mới

    a. Việc đánh giá hóa chất mới được thực hiện tại tổ chức khoa học về hóa học, y học và độc học môi trường có đủ năng lực chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ định;

    b. Kết quả của quá trình đánh giá là thông tin đầy đủ về các đặc tính của hóa chất, thông tin để xây dựng Phiếu an toàn hóa chất đối với các hóa chất mới có đặc tính nguy hiểm.

    Điều 42. Quản lý hoạt động liên quan đến hóa chất mới

    1. Tổ chức, cá nhân có hoạt động hóa chất liên quan đến hóa chất mới theo quy định tại Điều 46 Luật Hóa chất phải báo cáo bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Bộ Công Thương (Cục Hóa chất).

    Báo cáo hóa chất mới theo mẫu tại Phụ lục 18 kèm theo Thông tư này.

    2. Sau 05 (năm) năm, kể từ ngày hóa chất mới được đăng ký, nếu hóa chất mới không phát sinh các ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng có mức nguy hiểm khác với kết luận đánh giá hóa chất mới ban đầu, hóa chất mới sẽ được bổ sung vào Danh mục hóa chất quốc gia.

    3. Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về điều kiện hoạt động hóa chất mới; xử lý theo pháp luật hoặc tổ chức đánh giá bổ sung khi có bằng chứng cho thấy hóa chất mới có ảnh hưởng nghiêm trọng khác với kết luận đánh giá; thông báo cho cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan về kết quả đánh giá sau khi kết thúc đánh giá hóa chất mới.

    Điều 43. Bảo mật thông tin

    1. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất thực hiện các quy định về bảo mật thông tin theo quy định tại Điều 19 Nghị định 108/2008/NĐ-CP.

    2. Cơ quan, người tiếp nhận khai báo, đăng ký, báo cáo hóa chất có trách nhiệm giữ bí mật thông tin bảo mật theo yêu cầu của bên khai báo, đăng ký, báo cáo, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Hóa chất.

    3. Cơ quan, người tiếp nhận khai báo, đăng ký, báo cáo hóa chất không được gửi thông tin bảo mật qua mạng thông tin diện rộng.

    4. Cán bộ, công chức được cử làm công tác bảo mật thông tin phải làm bản cam kết bảo vệ thông tin mật để lưu hồ sơ nhân sự. Bản cam kết phải nêu rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức được cử làm công tác bảo mật thông tin khi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

    5. Cơ quan, người tiếp nhận khai báo, đăng ký, báo cáo hóa chất khi gửi thông tin bảo mật của tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có yêu cầu bảo mật thông tin phải thực hiện các quy định sau:

    a. Lập sổ theo dõi thông tin bảo mật đi. Sổ theo dõi thông tin bảo mật đi phải ghi đầy đủ các cột, mục sau: số thứ tự, ngày, tháng, năm, nơi nhận, trích yếu nội dung, độ mật, độ khẩn, người nhận ký và ghi rõ họ tên. Thông tin bảo mật gửi đi phải cho vào bì dán kín;

    b. Thông tin bảo mật gửi đi không được bỏ chung với tài liệu thường, ngoài bì phải đóng dấu ký hiệu các độ mật.

    6. Khi nhận được thông tin bảo mật, bên nhận phải thông báo lại cho bên gửi.

    7. Thông tin bảo mật gửi đến phải vào sổ thông tin bảo mật đến để theo dõi và chuyển cho người có trách nhiệm giải quyết.

    8. Thông tin bảo mật phải được cất giữ, bảo quản nghiêm ngặt tại nơi bảo đảm an toàn tuyệt đối do thủ trưởng đơn vị quy định. Không được tự ý đưa thông tin bảo mật ra ngoài cơ quan. Ngoài giờ làm việc phải để Thông tin bảo mật vào tủ, bàn, két khóa chắc chắn.

    9. Mọi trường hợp tiêu hủy thông tin bảo mật phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.

    Chương 7ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

    Điều 44. Trách nhiệm của Cục Hóa chất

    Phổ biến, hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này. Định kỳ kiểm tra các điều kiện về sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm đã được quy định tại Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp.

    Điều 45. Trách nhiệm của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp

    Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kỹ thuật an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm trong ngành công nghiệp.

    Điều 46. Trách nhiệm của Sở Công Thương

    1. Phổ biến, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất trên địa bàn quản lý thực hiện các quy định tại Thông tư này.

    2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm đã được quy định tại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hóa chất theo quy định đối với tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn quản lý.

    Điều 47. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất

    1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất quy định tại Chương III Thông tư này phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật phù hợp với quy mô hoạt động và đặc tính của hóa chất theo quy định tại Điều 12 Luật Hóa chất và Thông tư này.

    2. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất chỉ được sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm khi có đủ điều kiện và có Giấy chứng nhận, Giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định tại Thông tư này.

    3. Có trách nhiệm đảm bảo duy trì đúng các điều kiện sản xuất, kinh doanh như đã được cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép trong quá trình sản xuất, kinh doanh hóa chất.

    4. Thực hiện đầy đủ và đúng các nội dung về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt.

    5. Tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan có thẩm quyền thẩm tra các điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định.

    6. Chấp hành các quy định về kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền.

    Điều 48. Báo cáo định kỳ

    1. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có trách nhiệm

    a. Báo cáo theo định kỳ 06 (sáu) tháng, hàng năm gửi về Sở Công Thương trước ngày 10 tháng 6 đối với báo cáo 06 (sáu) tháng, trước ngày 10 tháng 12 đối với báo cáo năm:

    - Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện;

    - Tình hình thực hiện an toàn hóa chất nơi đặt cơ sở hoạt động;

    - Tình hình và kết quả thực hiện Biện pháp hoặc Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhóm C;

    b. Báo cáo theo định kỳ 06 (sáu) tháng, hàng năm gửi về Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) trước ngày 01 tháng 6 đối với báo cáo 06 (sáu) tháng, trước ngày 01 tháng 12 đối với báo cáo năm:

    - Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh;

    - Tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhóm A, B.

    2. Sở Công Thương có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo với Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) tình hình hoạt động hóa chất trên địa bàn quản lý theo nội dung quy định tại điểm a khoản 1 điều này trước ngày 15 tháng 6 đối với báo cáo 06 (sáu) tháng, trước ngày 15 tháng 12 đối với báo cáo năm.

    3. Báo cáo tình hình an toàn hóa chất theo mẫu tại Phụ lục 19 kèm theo Thông tư này.

    Điều 49. Xử lý vi phạm

    1. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất không đảm bảo các điều kiện đã được cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép đều bị coi là hành vi sản xuất, kinh doanh trái phép.

    2. Trường hợp vi phạm điều kiện sản xuất, kinh doanh đã được quy định tại Luật Hóa chất, Nghị định 108/2008/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này mà tổ chức, cá nhân không kịp thời khắc phục, cơ quan cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép sẽ thu hồi Giấy chứng nhận, Giấy phép theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Hóa chất. Trường hợp vi phạm các quy định về hoạt động hóa chất, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    3. Cơ quan, cá nhân có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép nếu có hành vi vi phạm thì tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 90/2009/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hóa chất hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Điều 50. Hiệu lực thi hành

    1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2010.

    2. Thông tư này thay thế Thông tư số 12/2006/TT-BCN ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn thi hành Nghị định số 68/2005/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về an toàn hóa chất.

    3. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm phải làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép theo quy định tại Thông tư này. Tổ chức, cá nhân không có hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện về sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện; hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Luật Hóa chất, Nghị định 108/2008/NĐ-CP và Thông tư này sẽ phải ngừng sản xuất, kinh doanh hóa chất cho đến khi thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định.

    4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Công Thương để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

    Nơi nhận:
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
    - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
    - Cục Kiểm tra VB (Bộ TP);
    - Website Chính phủ;
    - Công báo;
    - Website BCT;
    - Lưu: VT, HC.

    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG




    Nguyễn Nam Hải

    FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

    PHỤ LỤC 2

    (Kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương)

    TÊN DOANH NGHIỆP
    -------

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ------------

    Số: ……/………

    ……., ngày ….. tháng …. năm ……

    ĐƠN ĐỀ NGHỊ

    Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp

    Kính gửi: Sở Công Thương

    Tên doanh nghiệp:.................................................................................................................

    Trợ sở chính tại: ……………….., Điện thoại: …………………… Fax:.........................................

    Địa điểm sản xuất, kinh doanh:..............................................................................................

    Loại hình:                   Sản xuất          £                    Kinh doanh         £

    Quy mô: ..............................................................................................................................

    Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số ………. ngày …… tháng ….. năm .............................

    do ………………… cấp ngày …… tháng ……… năm ……….

    Đề nghị Sở Công Thương xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp, gồm:

    STT

    Tên hóa học

    Mã số CAS

    Công thức

    ĐVT

    Số lượng

    1

    2

    ..

    ..

    Doanh nghiệp xin cam đoan thực hiện đúng các quy định tại Luật Hóa chất, Nghị định số 108/2008/NĐ-CP và Thông tư số …./…./TT-BCT ngày … tháng … năm ….. của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, nếu vi phạm doanh nghiệp xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    Chúng tôi gửi kèm theo đơn bộ hồ sơ liên quan, bao gồm:

    1.

    2.

    3.

    GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP
    (Ký tên và đóng dấu)

    PHỤ LỤC 3

    (Kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương)

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    --------------

    ……….., ngày … tháng … năm ….

    BẢN KÊ KHAI

    THIẾT BỊ, KỸ THUẬT, TRANG BỊ PHÒNG HỘ LAO ĐỘNG VÀ AN TOÀN CỦA CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH HÓA CHẤT

    TT

    Tên các thiết bị, kỹ thuật, trang bị phòng hộ lao động và an toàn

    Đặc trưng kỹ thuật

    Nước, năm sản xuất

    Thời gian hiệu chuẩn, kiểm định gần nhất

    1

    2

    3

    4

    5

    GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP
    (Ký tên và đóng dấu)

    PHỤ LỤC 4

    (Kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương)

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    --------------

    ……….., ngày … tháng … năm ….

    BẢN KÊ KHAI

    CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ, CÁN BỘ KỸ THUẬT, NHÂN VIÊN CỦA CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH HÓA CHẤT

    TT

    Họ và tên

    Năm sinh

    Nam/Nữ

    Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ

    Chức vụ, chức danh

    Những khóa đào tạo đã tham gia

    Sức khoẻ

    Ghi chú

    1

    2

    3

    4

    5

    6

    7

    8

    9

    GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP
    (Ký tên và đóng dấu)

    PHỤ LỤC 5

    (Kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương)

    UBND tỉnh/thành phố
    SỞ CÔNG THƯƠNG
    -------

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ------------

    Số:     /GCN-…(1)

    …..(2), ngày …. tháng …. năm ….

    GIẤY CHỨNG NHẬN

    Đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp

    GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG TỈNH, THÀNH PHỐ …. (3)

    Căn cứ ………………………………………………….. (4)

    Căn cứ Thông tư số …../…./TT-BCT ngày …. tháng … năm …… của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

    Xét hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp của ….. (5),

    Theo đề nghị của .................................................................................................................. (6)

    QUYẾT ĐỊNH

    Điều 1. Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp cho ….. (6)

    1. Địa chỉ trụ sở chính: ..........................................................................................................

    2. Điện thoại: ………………………….. Fax:..............................................................................

    3. Địa chỉ cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất:......................................................................

    4. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: ……. ngày ….. tháng … năm …… do ….. (7) …. cấp ngày … tháng … năm ………

    Đủ điều kiện để sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh với các nội dung sau đây:

    Chủng loại hàng hóa

    Quy mô, sản xuất, kinh doanh (tấn/năm)

    Tên gọi

    Mã số CAS

    Công thức hóa học

    Điều 2. ............. (6) phải thực hiện đúng các quy định tại Luật Hóa chất, Nghị định số 108/2008/NĐ-CP và Thông tư số …./…./TT-BCT ngày … tháng … năm ……… của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và những quy định của pháp luật liên quan.

    Điều 3. Giấy chứng nhận này có giá trị đến hết ngày … tháng … năm …

    Nơi nhận:
    - Như Điều 2;
    - Cục Hóa chất;
    - Lưu: VT, Phòng nghiệp vụ cấp Giấy chứng nhận.

    GIÁM ĐỐC
    (Ký tên và đóng dấu)

    Chú thích:

    (1) Tên viết tắt của cơ quan cấp Giấy chứng nhận. Ví dụ: SCT

    (2) Tên tỉnh, thành phố trực thuộc TW, nơi cơ quan cấp Giấy chứng nhận đóng trụ sở chính

    (3) Ghi cụ thể tên tỉnh, thành phố.

    (4) Văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan cấp Giấy chứng nhận

    (5) Tên tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận

    (6) Tên đơn vị trình hồ sơ

    (7) Tên cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

    PHỤ LỤC 6

    (Kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương)

    TÊN DOANH NGHIỆP 
    -------

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ------------

    Số: ………../………….

    ………….., ngày …. tháng …. năm ….

    ĐƠN ĐỀ NGHỊ

    Cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp

    Kính gửi: Bộ Công Thương

    Tên doanh nghiệp: ................................................................................................................

    Trụ sở chính tại: ………………, Điện thoại: ………………….. Fax: ............................................

    Địa điểm sản xuất, kinh doanh:..............................................................................................

    Loại hình:                   Sản xuất          £                    Kinh doanh         £

    Quy mô: ..............................................................................................................................

    Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số ………. ngày …… tháng ….. năm .............................

    do ………………… cấp ngày …… tháng ……… năm ……….

    Đề nghị Bộ Công Thương xem xét cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp, gồm:

    STT

    Tên hóa học

    Mã số CAS

    Công thức

    Hàm lượng

    ĐVT

    Số lượng

    1

    2

    ..

    ..

    Doanh nghiệp xin cam đoan thực hiện đúng các quy định tại Luật Hóa chất, Nghị định số 108/2008/NĐ-CP và Thông tư số …./…./TT-BCT ngày … tháng … năm ….. của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, nếu vi phạm doanh nghiệp xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    Chúng tôi gửi kèm theo đơn bộ hồ sơ liên quan, bao gồm:

    1.

    2.

    3.

    GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP
    (Ký tên và đóng dấu)

    PHỤ LỤC 7

    (Kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương)

    BỘ CÔNG THƯƠNG 
    -------

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ------------

    Số:        /QĐ-BCT

    Hà Nội, ngày …. tháng …. năm ….

    GIẤY PHÉP

    Sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp

    BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

    Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

    Căn cứ Thông tư số …../…./TT-BCT ngày …. tháng … năm …… của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

    Xét hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp của ….. (1),

    Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hóa chất,

    QUYẾT ĐỊNH

    Điều 1. Cho phép.................................................................................................................. (1)

    1. Địa chỉ trụ sở chính: ..........................................................................................................

    2. Số điện thoại: ………………………………… Fax: ................................................................

    3. Địa chỉ cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất:......................................................................

    4. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: ……. ngày … tháng … năm ….. do ….(2) cấp ngày … tháng … năm …..

    Được sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp với các nội dung sau đây:

    Chủng loại hàng hóa

    Quy mô, sản xuất, kinh doanh (tấn/năm)

    Tên gọi

    Mã số CAS

    Công thức hóa học

    Điều 2. ....... (1) phải thực hiện đúng các quy định tại Luật Hóa chất, Nghị định số 108/2008/NĐ-CP, Thông tư số …./…./TT-BCT ngày … tháng … năm ……… của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

    Điều 3. Giấy phép này có giá trị đến hết ngày … tháng … năm …

    Nơi nhận:
    - Như Điều 1;
    - Lưu: VT, HC.

    TUQ. BỘ TRƯỞNG
    CỤC TRƯỞNG CỤC HÓA CHẤT

    (Ký tên và đóng dấu)

    Chú thích:

    (1) Tên doanh nghiệp được cấp Giấy phép

    (2) Cơ quan cấp GCN đăng ký kinh doanh.

    PHỤ LỤC 8

    (Kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương)

    TÊN DOANH NGHIỆP  
    -------

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ------------

    Số: ………../………….

    ………….., ngày …. tháng …. năm ….

    ĐƠN ĐỀ NGHỊ

    Cho phép sản xuất hóa chất cấm

    Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

    Đồng kính gửi: Bộ Công Thương

    Tên doanh nghiệp: ................................................................................................................

    Trụ sở chính tại: ………………, Điện thoại: ………………….. Fax: ............................................

    Địa điểm sản xuất, kinh doanh:..............................................................................................

    Loại hình hoạt động:                   Sản xuất          £                    Kinh doanh         £

    Quy mô: ..............................................................................................................................

    Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số ………. ngày …… tháng ….. năm .............................

    do ………………… cấp ngày …… tháng ……… năm ……….

    Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép doanh nghiệp chúng tôi được sản xuất hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm:

    STT

    Tên hóa học

    Công thức

    Hàm lượng

    ĐVT

    Số lượng

    1

    2

    ..

    ..

    Mục đích sản xuất:................................................................................................................

    Doanh nghiệp xin cam kết chịu trách nhiệm quản lý đúng mục đích, quản lý nghiêm ngặt số lượng, bảo đảm không để xảy ra thất thoát, sự cố và báo cáo định kỳ theo quy định tại Luật Hóa chất, Nghị định số 108/2008/NĐ-CP và Thông tư số …./…./TT-BCT ngày … tháng … năm ….. của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, nếu vi phạm doanh nghiệp xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    Chúng tôi gửi kèm theo đơn bộ hồ sơ liên quan, bao gồm:

    1.

    2.

    3.

    GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP
    (Ký tên và đóng dấu)

    PHỤ LỤC 9

    (Kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương)

    TÊN DOANH NGHIỆP 
    -------

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ------------

    Số: ………../………….

    ………….., ngày …. tháng …. năm ….

    ĐƠN ĐỀ NGHỊ

    Cho phép nhập khẩu hóa chất cấm

    Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

    Đồng kính gửi: Bộ Công Thương

    Tên doanh nghiệp: ................................................................................................................

    Trụ sở chính tại:....................................................................................................................

    Điện thoại: ………………….. Fax: ..........................................................................................

    Địa điểm sản xuất, kinh doanh:..............................................................................................

    Loại hình:                   Sản xuất          £                    Kinh doanh         £

    Quy mô: ..............................................................................................................................

    Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số ………. ngày …… tháng ….. năm .............................

    do ………………… cấp ngày …… tháng ……… năm ……….

    Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép doanh nghiệp chúng tôi được nhập khẩu hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm:

    STT

    Tên hóa học

    Công thức

    Hàm lượng

    ĐVT

    Số lượng

    1

    2

    ..

    Mục đích nhập khẩu (nếu có kinh doanh phân phối ghi rõ tên, địa chỉ và mục đích sử dụng của đơn vị nhận sản phẩm):

    Tên và địa chỉ nhà xuất khẩu:.................................................................................................

    Tên cửa khẩu hàng nhập khẩu sẽ đi qua:................................................................................

    Thời gian thực hiện nhập khẩu:..............................................................................................

    Doanh nghiệp xin cam kết chịu trách nhiệm quản lý đúng mục đích, quản lý nghiêm ngặt số lượng, bảo đảm không để xảy ra thất thoát, sự cố và báo cáo định kỳ theo quy định tại Luật Hóa chất, Nghị định số 108/2008/NĐ-CP và Thông tư số …./…./TT-BCT ngày … tháng … năm ….. của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

    Chúng tôi gửi kèm theo đơn bộ hồ sơ liên quan, bao gồm:

    1.

    2.

    GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP
    (Ký tên và đóng dấu)

    PHỤ LỤC 10

    (Kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương)

    TÊN DOANH NGHIỆP 
    -------

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ------------

    Số: ………../………….

    ………….., ngày …. tháng …. năm ….

    ĐƠN ĐỀ NGHỊ

    Cho phép sử dụng hóa chất cấm

    Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

    Đồng kính gửi: Bộ Công Thương

    Tên doanh nghiệp: ................................................................................................................

    Trụ sở chính tại:....................................................................................................................

    Điện thoại: ………………….. Fax: ..........................................................................................

    Địa điểm sản xuất, kinh doanh:..............................................................................................

    Loại hình:                   Sản xuất          £                    Kinh doanh         £

    Quy mô: ..............................................................................................................................

    Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số ………. ngày …… tháng ….. năm .............................

    do ………………… cấp ngày …… tháng ……… năm ……….

    Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép doanh nghiệp chúng tôi được sử dụng hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm:

    STT

    Tên hóa học

    Công thức

    Hàm lượng

    ĐVT

    Số lượng

    1

    2

    ..

    Mục đích sử dụng:................................................................................................................

    Doanh nghiệp xin cam kết chịu trách nhiệm quản lý đúng mục đích sử dụng, quản lý nghiêm ngặt số lượng, bảo đảm không để xảy ra thất thoát, sự cố và báo cáo định kỳ theo quy định tại Luật Hóa chất, Nghị định số 108/2008/NĐ-CP và Thông tư số …./…./TT-BCT ngày … tháng … năm ….. của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

    Chúng tôi gửi kèm theo đơn bộ hồ sơ liên quan, bao gồm:

    1.

    2.

    3.

    GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP
    (Ký tên và đóng dấu)

    PHỤ LỤC 11

    (Kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương)

    HƯỚNG DẪN TRÌNH BÀY
    KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT

    1. Kỹ thuật trình bày

    a) Khổ giấy

    Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được trình bày trên giấy khổ A4 (210mm x 297mm).

    b) Kiểu trình bày

    Kế hoạch được trình bày theo chiều dài của trang giấy khổ A4.

    c) Định lề

    - Lề trên: canh lề trên từ 20 - 25mm;

    - Lề dưới: canh lề dưới từ 20mm;

    - Lề trái: canh lề trái từ 30 - 35mm;

    - Lề phải: canh lề phải 20mm;

    - Phần Header: bên trái ghi tên đơn vị, bên phải ghi Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

    - Phần Footer: dùng Insert Page number, canh giữa dòng (ví dụ: trang 2/7)

    d) Phông chữ

    - Dùng bộ font Unicode, tên font Times New Roman, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng của trình soạn thảo Microsoft.

    - Mật độ bình thường không nén hoặc dãn khoảng cách giữa các chữ: Paragraph (Before: 6pt; After: 0pt; Line: single).

    2. Nội dung Kế hoạch

    - Nội dung Kế hoạch phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, sạch sẽ, không được tẩy xóa, không lạm dụng các chữ viết tắt, các từ tiếng Anh thông dụng. Không viết tắt những cụm từ dài hoặc cụm từ ít xuất hiện trong nội dung Kế hoạch. Trong Kế hoạch nếu có các thuật ngữ hoặc từ viết tắt thì phải có giải thích từ ngữ.

    - Các tiểu mục được định dạng tự động, nhiều nhất gồm bốn chữ số. Tại mỗi nhóm tiểu mục phải có ít nhất hai tiểu mục. Ví dụ: nếu có tiểu mục 2.1.1 thì phải có 2.1.2;

    - Hình vẽ, bản vẽ biểu mẫu trong Kế hoạch phải có chú thích hình, đánh số thứ tự. Hình ảnh phải rõ không được nén, kéo dãn quá quy định. Ví dụ: hình 3.2: hình thứ 2 trong phần hoặc phần 3;

    - Trang bìa sử dụng bìa cứng mạ vàng có gáy ghi tên đơn vị và năm. Bìa Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đóng bìa cứng màu xanh và chữ nhũ vàng (sau khi đã chỉnh sửa theo các ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định). Gáy của cuốn Kế hoạch ghi tên của đơn vị và năm thực hiện;

    - Trang 1 (tương tự như trang bìa, in giấy thường);

    - Mục lục (làm mục lục tự động trong Winword);

    - Danh mục các bảng biểu;

    - Danh mục các bản vẽ được in trên khổ giấy A3 (297 x 420mm);

    - Bản đồ vị trí khu đất đặt cơ sở sản xuất; In màu trên khổ giấy A3 (297 x 420mm);

    - Bản đồ mô tả các vị trí lưu trữ, bảo quản hóa chất dự kiến trong mặt bằng cơ sở sản xuất và trạng thái bảo quản (ngầm, nửa ngầm, trên mặt đất). In màu trên khổ giấy A3 (297 x 420mm);

    - Sơ đồ mặt bằng bố trí thiết bị và sơ đồ dây chuyền công nghệ, khối lượng hóa chất nguy hiểm tại các thiết bị sản xuất chính, thiết bị chứa trung gian. In trên khổ giấy A3 (297 x 420mm);

    - Phụ lục (nếu có): được trình bày trên các trang giấy riêng. Từ “Phụ lục” và số thứ tự của phụ lục (trường hợp có từ 2 phụ lục trở lên) được trình bày trên một dòng riêng, canh giữa bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm. Tiêu đề (tên) của phụ lục được trình bày canh giữa, bằng chữ in hoa, cỡ chữ từ 13 đến 14, kiểu chữ đứng, đậm.

    3. Bố cục của Kế hoạch

    Bố cục của Kế hoạch bao gồm các nội dung cụ thể như Phụ lục 12 kèm theo Thông tư.

    Mẫu trang bìa

                                         TÊN ĐƠN VỊ…. (Times New Roman Bold size 16)                                                             Năm ……

    BỘ (UBND) …………. nếu có) (Times New Roman (Bold, size 15)

    TÊN ĐƠN VỊ … (Times New Roman (Bold, size 16)

    LO GO

    (Nếu có)

    KẾ HOẠCH

    PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT
    CỦA …

    (Times New Roman Bold, size 20, chữ đứng, đậm)

    Tên địa danh ……. tháng …. năm …..

    (Times New Roman 14, chữ đứng, đậm)

    Mẫu trang lót

    BỘ (UBND) …………. nếu có) (Times New Roman (Bold, size 15)

    TÊN ĐƠN VỊ … (Times New Roman (Bold, size 16)

    LO GO

    (Nếu có)

    KẾ HOẠCH

    PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT
    CỦA …

    (Times New Roman Bold, size 20, chữ đứng, đậm)

    Tên địa danh ……. tháng …. năm …..

    (Times New Roman 14, chữ in hoa đậm)

    PHỤ LỤC 12

    (Kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương)

    NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT

    MỞ ĐẦU

    - Xuất xứ dự án;

    - Tính cần thiết phải lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất;

    - Các căn cứ pháp lý lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

    Phần I.

    THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG DỰ ÁN

    1. Quy mô đầu tư: công suất, diện tích xây dựng, địa điểm xây dựng công trình.

    2. Các hạng mục công trình bao gồm công trình chính, công trình phụ và các công trình khác, danh mục thiết bị sản xuất chính.

    3. Công nghệ sản xuất.

    4. Bản kê khai tên hóa chất, khối lượng, đặc tính lý hóa học, độc tính của mỗi loại hóa chất nguy hiểm là nguyên liệu, hóa chất trung gian và hóa chất thành phẩm. Trường hợp các loại hóa chất trong dự án đã có phiếu an toàn hóa chất hoặc đã được chứng nhận hoàn thành khai báo theo quy định, tổ chức, cá nhân có dự án hóa chất có thể sử dụng phiếu an toàn hóa chất hoặc chứng nhận hoàn thành khai báo thay cho bản kê khai đặc tính hóa chất.

    5. Bản mô tả các yêu cầu kỹ thuật về bao gói, bảo quản và vận chuyển của mỗi loại hóa chất nguy hiểm, bao gồm:

    - Các loại bao bì, bồn, thùng chứa hóa chất nguy hiểm dự kiến sử dụng trong sản xuất, bảo quản, vận chuyển, vật liệu chế tạo và lượng chứa lớn nhất của từng loại;

    - Yêu cầu về tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo, điều kiện về cơ sở thiết kế chế tạo. Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài phải ghi rõ tên tiêu chuẩn và tên tổ chức ban hành;

    - Các điều kiện bảo quản về nhiệt độ, áp suất; yêu cầu phòng chống va đập, chống sét, chống tĩnh điện;

    - Các phương tiện, hệ thống vận chuyển nội bộ dự kiến sử dụng trong dự án.

    6. Mô tả điều kiện địa lý, địa hình, đặc điểm khí tượng thủy văn khu vực thực hiện dự án.

    7. Bản danh sách các công trình công nghiệp, quân sự, khu dân cư, hành chính, thương mại, các công trình tôn giáo, các khu vực nhạy cảm về môi trường trong phạm vi 1000m bao quanh vị trí dự án hóa chất.

    8. Các tài liệu kèm theo:

    - Bản đồ vị trí khu đất đặt cơ sở hóa chất;

    - Bản đồ mô tả các vị trí lưu trữ, bảo quản hóa chất dự kiến trong mặt bằng cơ sở sản xuất và trạng thái bảo quản (ngầm, nửa ngầm, trên mặt đất);

    - Sơ đồ mặt bằng bố trí thiết bị và sơ đồ dây chuyền công nghệ, khối lượng hóa chất nguy hiểm tại các thiết bị sản xuất chính, thiết bị chứa trung gian.

    Phần II.

    DỰ BÁO NGUY CƠ XẢY RA SỰ CỐ VÀ KẾ HOẠCH KIỂM TRA, GIÁM SÁT CÁC NGUỒN NGUY CƠ SỰ CỐ HÓA CHẤT

    1. Lập bản danh sách các điểm nguy cơ bao gồm các vị trí đặt các thiết bị sản xuất hóa chất nguy hiểm chủ yếu, các thiết bị hoặc khu vực tập trung lưu trữ hóa chất nguy hiểm kèm theo điều kiện công nghệ sản xuất, bảo quản; số người lao động dự kiến có mặt trong khu vực.

    2. Liệt kê các dự báo về nguy cơ cháy, nổ do hóa chất và các nguyên nhân khác như sử dụng nhiệt, điện…, các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố cao phải có biển hiệu cảnh báo mối nguy hiểm.

    3. Lập kế hoạch kiểm tra, giám sát các nguồn nguy cơ xảy ra sự cố: kế hoạch kiểm tra thường xuyên, đột xuất; quy định thành phần kiểm tra, trách nhiệm của người kiểm tra, nội dung kiểm tra, giám sát; quy định lưu giữ hồ sơ kiểm tra.

    Phần III.

     DỰ BÁO TÌNH HUỐNG XẢY RA SỰ CỐ HÓA CHẤT VÀ CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA

    1. Dự kiến các tình huống sự cố làm dò rỉ, tràn, đổ hoặc cháy, nổ hóa chất nguy hiểm của từng thiết bị, khu vực đã liệt kê; xác định điều kiện, nguyên nhân bên trong cũng như tác động từ bên ngoài có thể dẫn đến tình huống sự cố. Trường hợp có số liệu thống kê sự cố từ các dây chuyền công nghệ cùng loại, quy mô tương đương, tổ chức, cá nhân lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất có thể sử dụng số liệu thống kê để đánh giá về khả năng sự cố.

    2. Ước lượng về hậu quả tiếp theo, phạm vi tác động, mức độ tác động đến người và môi trường xung quanh khi sự cố không được kiểm soát, ngăn chặn. Việc xác định hậu quả phải dựa trên mức độ hoạt động lớn nhất của thiết bị hoặc khu vực lưu trữ hóa chất nguy hiểm.

    3. Giải pháp phòng ngừa sự cố đối với từng thiết bị, khu vực đã liệt kê trong bản danh sách các điểm nguy cơ. Giải pháp phòng ngừa phải được xây dựng cụ thể và tương ứng với nguy cơ xảy ra sự cố.

    Phần IV.

    NĂNG LỰC ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT

    1. Bản nhân lực ứng phó sự cố hóa chất: dự kiến về hệ thống tổ chức, điều hành và trực tiếp cứu hộ, xử lý sự cố.

    2. Bản liệt kê trang thiết bị, phương tiện sử dụng ứng phó sự cố hóa chất: tên thiết bị, số lượng, tình trạng thiết bị; hệ thống bảo vệ, hệ thống dự phòng nhằm cứu hộ, ngăn chặn sự cố.

    3. Hệ thống báo nguy, hệ thống thông tin nội bộ và thông báo ra bên ngoài trong trường hợp sự cố khẩn cấp.

    4. Kế hoạch phối hợp hành động của các lực lượng bên trong, phối hợp với lực lượng bên ngoài.

    5. Kế hoạch sơ tán người, tài sản.

    6. Kế hoạch huấn luyện và diễn tập theo định kỳ.

    Phần V.

    PHƯƠNG ÁN KHẮC PHỤC HẬU QUẢ SỰ CỐ HÓA CHẤT

    Phương án khắc phục hậu quả sự cố hóa chất được lập theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Nội dung của phương án khắc phục hậu quả sự cố hóa chất bao gồm các vấn đề sau:

    1. Biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường và hạn chế sự lan rộng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và đời sống của nhân dân trong vùng.

    2. Biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.

    3. Bản hướng dẫn chi tiết các biện pháp kỹ thuật thu gom và làm sạch khu vực bị ô nhiễm do sự cố hóa chất.

    Phần VI.

    PHỤ LỤC CÁC TÀI LIỆU KÈM THEO

    (Liệt kê các tài liệu kèm theo Kế hoạch)

    Phần IX.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    Tài liệu tham khảo (nếu có): bao gồm tên tài liệu tham khảo, tên tác giả, năm xuất bản, nhà xuất bản.

    PHỤ LỤC 13

    (Kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương)

    TÊN DOANH NGHIỆP
    -------

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ------------

    Số: ………../……….

    ……….. (1), ngày …. tháng … năm …..

    ĐƠN ĐỀ NGHỊ THẨM ĐỊNH

    KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT

    Kính gửi: …………………………….. (2)

    Chủ đầu tư: ..........................................................................................................................

    Dự án: .................................................................................................................................

    Địa điểm thực hiện dự án: .....................................................................................................

    Điện thoại: …………………….. Fax: ………………….. E-mail:...................................................

    Đề nghị …………………… (2) thẩm định và phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của Dự án.

    Nếu được phê duyệt, chúng tôi xin cam đoan thực hiện đầy đủ các quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của Luật Hóa chất, Thông tư số ……/…./TT-BCT ngày … tháng … năm …. của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và các quy định pháp luật khác có liên quan.

    Chúng tôi xin gửi kèm theo đơn:

    - 10 bản Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của Dự án;

    - Các tài liệu kèm theo (nếu có).

    GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP
    (Ký tên và đóng dấu)

    Chú thích:

    (1) Địa danh

    (2) Tên cơ quan thẩm định, phê duyệt Kế hoạch

    PHỤ LỤC 14

    (Kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương)

    ………… (1) ………
    -------

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ------------

    Số: ……/QĐ-……… (2)

    ……….. (3), ngày …. tháng … năm …..

    QUYẾT ĐỊNH

    Phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của Dự án ….. (4)

    Căn cứ ……………………………………………………………………….. (5)

    Căn cứ Luật Hóa chất;

    Căn cứ Thông tư số …./…./TT-BCT ngày … tháng … năm … của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

    Theo đề nghị của Hội đồng thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của Dự án ………. (4) tại Công văn số ….. ngày … tháng … năm ….;

    Xét đề nghị của ……………………………………… (6)

    QUYẾT ĐỊNH

    Điều 1. Phê duyệt nội dung Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của Dự án ………. (4), của ………………. (7)

    Điều 2. Chủ dự án đầu tư có trách nhiệm thực hiện đúng những nội dung trong Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và thực hiện những yêu cầu bắt buộc sau đây:

    1. ........................................................................................................................................

    2. ........................................................................................................................................

    3. ........................................................................................................................................

    Điều 3. Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của Dự án và những yêu cầu bắt buộc quy định tại Điều 2 của Quyết định này là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện công tác an toàn hóa chất và ứng phó sự cố hóa chất của Dự án.

    Điều 4. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư, nếu có những thay đổi về nội dung của Kế hoạch đã được phê duyệt, Chủ dự án phải có văn bản báo cáo và chỉ được thực hiện những nội dung thay đổi đó sau khi có văn bản chấp thuận của ……… (1)

    Điều 5. Ủy quyền ……….. (8) thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung của Kế hoạch đã được phê duyệt và các yêu cầu quy định tại Điều 2 của Quyết định này.

    Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

    …… (9) và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

    Nơi nhận:
    - Như Điều 6;
    - …….
    - Lưu: ……

    ……… (10)…………
    (Ký tên và đóng dấu)

    Chú thích:

    (1) Tên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt

    (2) Tên viết tắt của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt

    (3) Địa danh

    (4) Tên đầy đủ của Dự án

    (5) Căn cứ vào văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt

    (6) Thủ trưởng đơn vị có nhiệm vụ thẩm định Kế hoạch

    (7) Tên cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án

    (8) Cơ quan được giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát sau khi phê duyệt

    (9) Thủ trưởng đơn vị có nhiệm vụ thẩm định Kế hoạch

    (10) Thủ trưởng cơ quan phê duyệt Kế hoạch

    PHỤ LỤC 15

    (Kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương)

    ………(1) ………
    ………… (2)  
    -------

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ------------

    Số:          /-…… (3)

    ……….. (4), ngày …. tháng … năm …..

    KẾT LUẬN

    của Hội đồng thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của Dự án ….. (5)

    Kính gửi: ………………………. (6)

    - Căn cứ Luật Hóa chất;

    - Căn cứ Thông tư số …./…./TT-BCT ngày … tháng … năm … của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

    Sau khi thẩm định, Hội đồng thẩm định thông báo kết quả thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của ……… (6) như sau:

    1. Thông tin chung về dự án

    - Dự án:................................................................................................................................

    - Chủ đầu tư:.........................................................................................................................

    - Địa điểm xây dựng:.............................................................................................................

    - Quy mô đầu tư:...................................................................................................................

    - Thông tin về sản xuất:

    + Sản phẩm:.........................................................................................................................

    + Sản lượng:........................................................................................................................

    2. Kết quả thẩm định

    - Nội dung đạt yêu cầu:

    - Nội dung chưa đạt:

    - Nội dung cần chỉnh sửa:

    3. Kết luận

    - Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của ……….. (6) đảm bảo hay không đảm bảo điều kiện để triển khai các công việc tiếp theo.

    - Những lưu ý, yêu cầu đối với chủ đầu tư (nếu có): ……………..

    Nơi nhận:
    - Như trên;
    - Lưu: VT, …. (8)

    ….……… (7)
    (Ký tên và đóng dấu)

    Chú thích:

    (1) Tên cơ quan, tổ chức cấp trên

    (2) Tên cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì thẩm định Kế hoạch

    (3) Số và ký hiệu văn bản

    (4) Địa danh, ngày tháng năm ban hành

    (5) Tên đầy đủ của Dự án

    (6) Tên tổ chức xây dựng Kế hoạch

    (7) Quyền hạn, chức vụ người ký

    (8) Chữ viết tắt tên đơn vị chủ trì soạn thảo.

    PHỤ LỤC 16

    (Kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương)

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    --------------

    PHIẾU KIỂM SOÁT MUA, BÁN HÓA CHẤT ĐỘC

    Căn cứ Luật Hóa chất;

    Căn cứ Thông tư số: …./2010/TT-BCT ngày …. tháng … năm 2010 của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất,

    BÊN BÁN (tên doanh nghiệp)

    Họ và tên người bán:............................................................................................................

    Địa chỉ: ................................................................................................................................

    Giấy CMND số: ……………….., cấp ngày:……………………, tại:.............................................

    Điện thoại: …………………………………… Fax:......................................................................

    BÊN MUA (tên doanh nghiệp)

    Họ và tên người mua:............................................................................................................

    Địa chỉ: ................................................................................................................................

    Giấy CMND số: ……………….., cấp ngày:……………………, tại:.............................................

    Điện thoại: …………………………………… Fax:......................................................................

    Thông tin mua, bán hóa chất độc gồm các nội dung sau:

    TT

    Tên hóa chất độc

    Nhận dạng hóa chất độc

    Mục đích sử dụng

    Tên hóa chất theo IUPAC

    Tên thương mại

    Mã số CAS hoặc UN

    Công thức hóa học

    Khối lượng

    Sản xuất

    Chế biến

    Tiêu dùng

    Cất giữ

    Hóa chất 1

    Hóa chất 2

    Hóa chất 3

    Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc được Bên mua, Bên bán lưu giữ ít nhất 05 năm và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.


    Đại diện có thẩm quyền bên bán
    (Ký tên và đóng dấu)

    ….., ngày … tháng … năm ……
    Đại diện có thẩm quyền bên mua
    (Ký tên và đóng dấu)

    PHỤ LỤC 17

    (Kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương)

    PHIẾU AN TOÀN HÓA CHẤT

    Phiếu an toàn hóa chất

    Tên phân loại, tên sản phẩm

    Logo của doanh nghiệp

    (không bắt buộc)

    Số CAS:

    Số UN:

    Số đăng ký EC:

    Số chỉ thị nguy hiểm của các tổ chức xếp loại (nếu có):

    Số đăng ký danh mục Quốc gia khác (nếu có):

    I. NHẬN DẠNG HÓA CHẤT

    - Tên thường gọi của chất:

    Mã sản phẩm (nếu có)

    - Tên thương mại:

    - Tên khác (không là tên khoa học):

    - Tên nhà cung cấp hoặc nhập khẩu, địa chỉ:

    Địa chỉ liên hệ trong trường hợp khẩn cấp:

    - Tên nhà sản xuất và địa chỉ:

    - Mục đích sử dụng: ghi ngắn gọn mục đích sử dụng, ví dụ: làm dung môi hòa tan nhựa PVC

    II. THÔNG TIN VỀ THÀNH PHẦN CÁC CHẤT

    Tên thành phần nguy hiểm

    Số CAS

    Công thức hóa học

    Hàm lượng
    (% theo trọng lượng)

    Thành phần 1

    Không bắt buộc ghi chính xác, xem ghi chú

    Thành phần 2 (nếu có)

    Thành phần 3 (nếu có)

    Thành phần 4 (nếu có)

    Thành phần 5 (nếu có)

    III. NHẬN DẠNG ĐẶC TÍNH NGUY HIỂM CỦA HÓA CHẤT

    1. Mức xếp loại nguy hiểm (theo số liệu hợp lệ có sẵn của các quốc gia, tổ chức thử nghiệm. Ví dụ: EU, Mỹ, OSHA…)

    2. Cảnh báo nguy hiểm

    - Cháy, nổ hoặc độc khi tiếp xúc;

    - Ô xy hóa mạnh, ăn mòn mạnh, biến đổi tế bào gốc, độc cấp tính mãn tính đối với môi trường thủy sinh;

    - Lưu ý khi tiếp xúc, bảo quản, sử dụng.

    3. Các đường tiếp xúc và triệu chứng

    - Đường mắt;

    - Đường thở;

    - Đường da;

    - Đường tiêu hóa;

    - Đường tiết sữa.

    IV. BIỆN PHÁP SƠ CỨU VỀ Y TẾ

    1. Trường hợp tai nạn tiếp xúc theo đường mắt (bị văng, dây vào mắt)

    2. Trường hợp tai nạn tiếp xúc trên da (bị dây vào da)

    3. Trường hợp tai nạn tiếp xúc theo đường hô hấp (hít thở phải hóa chất nguy hiểm dạng hơi, khí)

    4. Trường hợp tai nạn theo đường tiêu hóa (ăn, uống nuốt nhầm hóa chất)

    5. Lưu ý đối với bác sĩ điều trị (nếu có)

    V. BIỆN PHÁP XỬ LÝ KHI CÓ HỎA HOẠN

    1. Xếp loại về tính cháy (dễ cháy, rất dễ cháy hoặc cực kỳ dễ cháy, không cháy, khó cháy…)

    2. Sản phẩm tạo ra khi bị cháy

    3. Các tác nhân gây cháy, nổ (tia lửa, tĩnh điện, nhiệt độ cao, va đập, ma sát …)

    4. Các chất dập cháy thích hợp và hướng dẫn biện pháp chữa cháy, biện pháp kết hợp khác

    5. Phương tiện, trang phục bảo hộ cần thiết khi chữa cháy

    6. Các lưu ý đặc biệt về cháy, nổ (nếu có)

    VI. BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ KHI CÓ SỰ CỐ

    1. Khi tràn đổ, dò rỉ ở mức nhỏ

    2. Khi tràn đổ, dò rỉ lớn ở diện rộng

    VII. YÊU CẦU VỀ CẤT GIỮ

    1. Biện pháp, điều kiện cần áp dụng khi sử dụng, thao tác với hóa chất nguy hiểm (thông gió, chỉ dùng trong hệ thống kín, sử dụng thiết bị điện phòng nổ, vận chuyển nội bộ…)

    2. Biện pháp, điều kiện cần áp dụng khi bảo quản (nhiệt độ, cách sắp xếp, các hạn chế về nguồn gây cháy, nổ, các chất cần tránh bảo quản chung…)

    VIII. TÁC ĐỘNG LÊN NGƯỜI VÀ YÊU CẦU VỀ THIẾT BỊ BẢO VỆ CÁ NHÂN

    1. Các biện pháp hạn chế tiếp xúc cần thiết (thông gió hoặc biện pháp giảm nồng độ hơi, khí trong khu vực làm việc, các biện pháp cách ly, hạn chế thời giờ làm việc …)

    2. Các phương tiện bảo hộ cá nhân khi làm việc

    - Bảo vệ mắt;

    - Bảo vệ thân thể;

    - Bảo vệ tay;

    - Bảo vệ chân.

    3. Phương tiện bảo hộ trong trường hợp xử lý sự cố

    4. Các biện pháp vệ sinh (tắm, khử độc…)

    IX. ĐẶC TÍNH LÝ, HÓA CỦA HÓA CHẤT

    Trạng thái vật lý

    Điểm sôi (0C)

    Màu sắc

    Điểm nóng chảy (0C)

    Mùi đặc trưng

    Điểm bùng cháy (0C) (Flash point) theo phương pháp xác định

    Áp suất hóa hơi (mm Hg) ở nhiệt độ, áp suất tiêu chuẩn

    Nhiệt độ tự cháy (0C)

    Tỷ trọng hơi (Không khí = 1) ở nhiệt độ, áp suất tiêu chuẩn

    Giới hạn nồng độ cháy, nổ trên (% hỗn hợp với không khí)

    Độ hòa tan trong nước

    Giới hạn nồng độ cháy, nổ dưới (% hỗn hợp với không khí)

    Độ PH

    Tỷ lệ hóa hơi

    Khối lượng riêng (kg/m3)

    Các tính chất khác nếu có

    X. MỨC ỔN ĐỊNH VÀ KHẢ NĂNG HOẠT ĐỘNG CỦA HÓA CHẤT

    1. Tính ổn định (độ bền nhiệt, độ nhạy với tác nhân ma sát, va đập…)

    2. Khả năng phản ứng:

    - Phản ứng phân hủy và sản phẩm của phản ứng phân hủy;

    - Các phản ứng nguy hiểm (ăn mòn, cháy, nổ, phản ứng với môi trường xung quanh);

    - Các chất có phản ứng sinh nhiệt, khí độc hại, các chất không bảo quản chung …);

    - Phản ứng trùng hợp.

    XI. THÔNG TIN VỀ ĐỘC TÍNH

    Tên thành phần

    Loại ngưỡng

    Kết quả

    Đường tiếp xúc

    Sinh vật thử

    Thành phần 1

    LC, LD, PEL, Nồng độ tối đa cho phép…

    mg/m3

    Da, hô hấp…

    Chuột, thỏ…

    Thành phần 2 (nếu có)

    Thành phần 3 (nếu có)

    1. Các ảnh hưởng mãn tính với người (Ung thư, độc sinh sản, biến đổi gen …)

    2. Các ảnh hưởng độc khác

    XII. THÔNG TIN VỀ SINH THÁI

    1. Độc tính với sinh vật

    Tên thành phần

    Loại sinh vật

    Chu kỳ ảnh hưởng

    Kết quả

    Thành phần 1

    Thành phần 2 (nếu có)

    Thành phần 3 (nếu có)

    Thành phần 4 (nếu có)

    2. Tác động trong môi trường

    - Mức độ phân hủy sinh học

    - Chỉ số BOD và COD

    - Sản phẩm của quá trình phân hủy sinh học

    - Mức độc tính của sản phẩm phân hủy sinh học

    XIII. YÊU CẦU TRONG VIỆC THẢI BỎ

    1. Thông tin quy định tiêu hủy (thông tin về luật pháp)

    2. Xếp loại nguy hiểm của chất thải

    3. Biện pháp tiêu hủy

    4. Sản phẩm của quá trình tiêu hủy, biện pháp xử lý

    XIV. YÊU CẦU TRONG VẬN CHUYỂN

    Tên quy định

    Số UN

    Tên vận chuyển đường biển

    Loại, nhóm hàng nguy hiểm

    Quy cách đóng gói

    Nhãn vận chuyển

    Thông tin bổ sung

    Quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm của Việt Nam:

    - Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của CP quy định Danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;

    - Nghị định số 29/2005/NĐ-CP ngày 10/3/2005 của CP quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm và việc vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.

    Quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm quốc tế của EU, USA…

    XV. QUY CHUẨN KỸ THUẬT VÀ QUY ĐỊNH  PHÁP LUẬT PHẢI TUÂN THỦ

    1. Tình trạng khai báo, đăng ký ở các quốc gia khu vực trên thế giới (liệt kê các danh mục quốc gia đã tiến hành khai báo, tình trạng khai báo)

    2. Phân loại nguy hiểm theo quốc gia khai báo, đăng ký

    3. Quy chuẩn kỹ thuật tuân thủ

    XVI. THÔNG TIN CẦN THIẾT KHÁC

    Ngày tháng biên soạn Phiếu:

    Ngày tháng sửa đổi, bổ sung gần nhất:

    Tên tổ chức, cá nhân soạn thảo:

    Lưu ý người đọc:

    Những thông tin trong Phiếu an toàn hóa chất này được biên soạn dựa trên các kiến thức hợp lệ và mới nhất về hóa chất nguy hiểm và phải được sử dụng để thực hiện các biện pháp ngăn ngừa rủi ro, tai nạn.

    Hóa chất nguy hiểm trong Phiếu này có thể có những tính chất nguy hiểm khác tùy theo hoàn cảnh sử dụng và tiếp xúc

    Hướng dẫn bổ sung:

    1. Những thông tin có kèm theo từ “nếu có” được biên soạn tùy theo điều kiện cụ thể, không hàm ý bắt buộc.

    2. Phải ghi đầy đủ thông tin cần thiết vào các mục trong phiếu.

    3. Trường hợp không có thông tin, ghi cụm từ “chưa có thông tin”.

    4. Trường hợp thông tin không phù hợp, ví dụ: một chất rắn không bay hơi nên không có thông số áp suất hóa hơi, ghi cụm từ “không phù hợp”

    5. Trường hợp các thông tin có sẵn chỉ ra mức độ không nguy hiểm tương ứng với mục từ cần ghi, ghi cụ thể, rõ ràng thông tin chỉ ra tính chất không nguy hiểm theo phân loại của tổ chức nhất định; ví dụ: thông tin về ảnh hưởng mãn tính, ghi “không được phân loại là chất gây ung thư theo OSHA, ACGIH…”.

    6. Đơn vị đo lường sử dụng trong phiếu áp dụng theo quy định của pháp luật.

    7. Cách ghi làm lượng thành phần

    Không bắt buộc ghi chính xác hàm lượng thành phần, chỉ cần ghi khoảng nồng độ của thành phần theo quy tắc sau:

    a) Từ 0.1 đến 1 phần trăm;

    b) Từ 0.5 đến 1,5 phần trăm;

    c) Từ 1 đến 5 phần trăm;

    d) Từ 3 đến 7 phần trăm;

    đ) Từ 5 đến 10 phần trăm;

    e) Từ 7 đến 13 phần trăm;

    g) Từ 10 đến 30 phần trăm;

    h) Từ 15 đến 40 phần trăm;

    i) Từ 30 đến 60 phần trăm;

    k) Từ 40 đến 70 phần trăm;

    l) Từ 60 đến 100 phần trăm;

    PHỤ LỤC 18

    (Kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương)

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    --------------------

    …….., ngày ….. tháng …….. năm ……….

    BÁO CÁO HÓA CHẤT MỚI

    PHẦN I. THÔNG TIN CHUNG

    1. Tên đơn vị, cá nhân khai báo:

    2. Địa chỉ

    - Trụ sở chính:

    - Nơi đặt cơ sở sản xuất, cất giữ:

    3. Điện thoại:                                   Fax:

    Email:                                               Website:

    4. Họ và tên người đại diện:

    5. Loại hình:            Sản xuất £;           Nhập khẩu £;          Sử dụng £;                Cất giữ £;

    7. Cửa khẩu nhập hóa chất:

    8. Tên hóa chất:

    8.1 Dạng thành phẩm: Đơn chất, hợp chất, tạp chất £;      Thành phần của hỗn hợp £;

    8.2 Tên hỗn hợp chứa hóa chất:

    9. Khối lượng hóa chất (tấn/năm):

    10. Quốc gia, khu vực đã đăng ký (nếu có)

    Tên Quốc gia

    Tên danh mục

    Số đăng ký

    Số CAS

    11. Tài liệu kèm theo

    Loại tài liệu

    Tên tổ chức đánh giá

    Mã tài liệu thử nghiệm

    Số trang

    12. Thông tin sơ bộ về ảnh hưởng của hóa chất đối với con người và môi trường

    Rủi ro nghề nghiệp

    Rủi ro với cộng đồng

    Rủi ro với môi trường

    13. Xếp loại hóa chất

    PHẦN II. NHẬN DẠNG HÓA CHẤT, ĐẶC TÍNH NGUY HẠI

    1. Nhận dạng hóa chất

    Tiêu chuẩn thử nghiệm

    Mã tài liệu kèm theo

    a) Tên hóa chất theo IUPAC

    b) Tên hóa chất theo Việt Nam

    c) Các tên thương mại

    d) Tên khác

    e) Mã số CAS

    g) Trọng lượng phân tử

    h) Cấu trúc phân tử

    i) Công thức phân tử

    2. Thành phần

    Thông số

    Tiêu chuẩn thử nghiệm

    Mã tài liệu kèm theo

    a) Hàm lượng % theo trọng lượng

    b) Tạp chất % theo trọng lượng

    3. Tính chất hóa lý

    a) Trạng thái

    b) Điểm nóng chảy (0C)

    c) Điểm sôi (0C)

    d) Khối lượng riêng (kg/m3)

    e) Áp suất hóa hơi (kPa ở nhiệt độ 0C xác định)

    g) Tỷ trọng hơi/không khí

    h) Độ hòa tan trong nước (mg/l ở nhiệt độ 0C xác định)

    i) Hệ số Octanol/Water

    k) Nhiệt độ bùng cháy (0C)

    l) Giới hạn cháy, nổ dưới và trên (% ở nhiệt độ xác định)

    m) Nhiệt độ tự bắt cháy (0C)

    n) Khả năng oxy hóa

    o) Khả năng nhạy nổ

    p) Phản ứng nguy hiểm (với nước hoặc không khí)

    q) Độ thủy phân và pH

    4. Loại mẫu phân tích

    5. Độc tính với người

    a) LD50 theo đường miệng (mg/kg thể trọng)

    b) LD50 theo đường da (mg/kg)

    c) LC50 trong không khí (mg/l)

    d) Khả năng gây biến đổi gen

    e) Khả năng gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư

    g) Khả năng gây độc đối với sinh sản

    h) Khả năng gây dị ứng

    i) Khả năng ăn mòn/kích ứng

    Đánh giá về độc tính trên người

    Các tiêu chuẩn về môi trường lao động

    Các chỉ tiêu

    Ngưỡng cho phép

    Quốc gia, tổ chức quy định

    Tài liệu tham khảo

    6. Độc tính với môi trường sinh thái

    Kết quả thử nghiệm

    Tiêu chuẩn thử nghiệm

    Ảnh hưởng đã quan sát

    Mã tài liệu kèm theo

    a) Độc tính với thực vật thủy sinh (mg/l)

    b) Độc tính với động vật thủy sinh (mg/l)

    c) Khả năng ức chế vi khuẩn

    d) Khả năng hấp thụ, nhả hấp thụ

    e) Khả năng phân hủy sinh học

    g) Khả năng tích lũy sinh học

    h) Các ảnh hưởng khác

    Đánh giá về độc tính với môi trường sinh thái

    Các tiêu chuẩn về môi trường

    Các chỉ tiêu

    Ngưỡng cho phép

    Quốc gia, tổ chức quy định

    Tài liệu tham khảo

    PHẦN III. CÁC HOẠT ĐỘNG HÓA CHẤT DỰ KIẾN VÀ BIỆN PHÁP NGĂN NGỪA RỦI RO HOẠT ĐỘNG HÓA CHẤT DỰ KIẾN

    1. Sản xuất, chế biến tại Việt Nam

    a) Địa điểm dự kiến đặt cơ sở sản xuất:

    b) Khối lượng trong một năm (tấn):

    c) Quy trình sản xuất

    Các bước công nghệ chính

    (Công đoạn)

    Chuyển đổi hóa học

    Vị trí trên sơ đồ dây chuyền công nghệ

    Dự kiến số người tiếp xúc

    Mã sơ đồ công nghệ kèm theo

    d) Ước lượng về ảnh hưởng nguy hại trong quá trình sản xuất

    Các bước công nghệ chính

    (Công đoạn)

    Mức độ ảnh hưởng nghề nghiệp

    Mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng và môi trường do phát thải hóa chất

    Bình thường

    Sự cố

    2. Sử dụng

    a) Dạng sản phẩm thương mại khi đưa vào sử dụng

    b) Các lĩnh vực, ngành nghề sử dụng:

    c) Phạm vi sử dụng thương mại chủ yếu của hóa chất:

    d) Ước lượng ảnh hưởng nguy hại trong quá trình sử dụng

    Những ứng dụng phổ biến

    Dự kiến nồng độ của chất sử dụng

    Dự kiến thiết bị sử dụng

    Dự kiến số người tiếp xúc

    Mức độ ảnh hưởng nghề nghiệp

    Mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng và môi trường

    Tài liệu tham khảo

    3. Cất giữ

    Các loại hình cất giữ

    Dự kiến khối lượng cất giữ

    Thiết bị, phương tiện cất giữ

    Dự kiến số người tiếp xúc

    Mức độ ảnh hưởng nghề nghiệp

    Mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng và môi trường

    Tài liệu tham khảo

    4. Vận chuyển

    Các loại hình vận chuyển

    Khối lượng vận chuyển lớn nhất

    Thiết bị, phương tiện vận chuyển

    Dự kiến số người tiếp xúc

    Mức độ ảnh hưởng nghề nghiệp

    Mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng và môi trường

    Tài liệu tham khảo

    5. Tiêu hủy

    Các phương pháp tiêu hủy

    Khối lượng tiêu hủy lớn nhất

    Thiết bị, phương tiện tiêu hủy

    Dự kiến số người tiếp xúc

    Mức độ ảnh hưởng nghề nghiệp

    Mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng và môi trường

    Tài liệu tham khảo

    BIỆN PHÁP NGĂN NGỪA RỦI RO

    1. Sản xuất, sử dụng

    Công đoạn chính

    Yêu cầu

    Biện pháp khẩn cấp phương tiện xử lý

    Thủ tục pháp lý

    Vận hành

    Con người

    Phương tiện bảo hộ

    Thiết bị vệ sinh lao động

    2. Cất giữ

    Dạng bao bì

    Yêu cầu

    Biện pháp khẩn cấp phương tiện xử lý

    Thủ tục pháp lý

    Môi trường

    Khối lượng

    Xếp đặt

    Chất cần tránh

    3. Vận chuyển

    Các loại hình vận chuyển

    Các hạn chế trong vận chuyển

    Biện pháp khẩn cấp phương tiện xử lý

    Thủ tục pháp lý

    Phương tiện

    Khối lượng

    Tuyến đường

    Thời gian

    Tránh vận chuyển chung

    4. Tiêu hủy

    Các phương pháp tiêu hủy

    Yêu cầu

    Biện pháp khẩn cấp phương tiện xử lý

    Thủ tục pháp lý

    Địa điểm

    Khối lượng

    Thiết bị

    Phương tiện bảo hộ

    5. Phiếu an toàn hóa chất kèm theo:

    6. Nhãn, mác hàng hóa nguy hiểm (nếu có):

    ….., ngày … tháng … năm ……..
    THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
    (Ký tên và đóng dấu)

    PHỤ LỤC 19

    (Kèm theo Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương)

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    --------------------

    BÁO CÁO AN TOÀN HÓA CHẤT

    PHẦN I. THÔNG TIN CHUNG

    1. Tên đơn vị

    2. Địa chỉ

    Điện thoại:                                                                  Fax

    3. Loại hình hoạt động:                            Sản xuất £;                                            Cất giữ £;                                        Sử dụng £;

    4. Hóa chất hoạt động tại cơ sở:

    STT

    Tên hóa chất (IUPAC)

    Tên thương mại

    Trạng thái vật lý

    Khối lượng hóa chất (tấn/năm)

    Xếp loại nguy hiểm

    Mục đích hoạt động

    1

    2

    3

    4

    5

    PHẦN II. ĐẶC ĐIỂM HOẠT ĐỘNG

    STT

    Tên hóa chất (IUPAC)

    Loại thiết bị
    (bồn chứa/thiết bị công nghệ/vận chuyển)

    Điều kiện công nghệ

    Trạng thái lắp đặt

    Dung lượng chứa tối đa (m3)

    Phương pháp điều khiển công nghệ

    Nhiệt độ (0C)

    Áp suất (atm)

    1

    2

    3

    4

    5

    PHẦN III. BIỆN PHÁP AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG

    STT

    Tên hóa chất (IUPAC)

    A

    B

    C

    D

    E

    G

    H

    I

    K

    L

    M

    N

    O

    P

    Q

    1

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    2

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    3

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    4

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    5

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    £

    PHẦN IV. TÌNH HÌNH TAI NẠN, SỰ CỐ

    STT

    Tên hóa chất (IUPAC)

    Vị trí thiết bị xảy ra sự cố

    Hậu quả

    Phạm vi ảnh hưởng

    Nguyên nhân (vận hành/thiết bị)

    Tình trạng khắc phục

    2

    3

    4

    5

    PHẦN V. ĐÁNH GIÁ VỀ TÌNH TRẠNG AN TOÀN HÓA CHẤT

    1. Đánh giá chung về mức độ an toàn

    2. Những bộ phận, thiết bị cần tập trung giám sát

    STT

    Tên hóa chất (IUPAC)

    Vị trí/thiết bị

    Điểm giám sát

    Biện pháp, phương tiện giám sát

    1

    2

    3

    4

    5

    3. Những bộ phận, thiết bị cần bổ sung các biện pháp an toàn 

    STT

    Tên hóa chất (IUPAC)

    Vị trí/thiết bị

    Điểm bổ sung

    Biện pháp, phương tiện bổ sung

    1

    2

    3

    4

    5

    4. Kiến nghị

    Hướng dẫn:

    1. Khoản 4, phần I: Tại một cơ sở hoạt động hóa chất có thể tồn tại cùng lúc nhiều loại hóa chất nguy hiểm khác nhau, mỗi loại hóa chất được kế toán khai trên từng dòng theo số thứ tự. Mẫu báo cáo giả định chỉ có 5 loại hóa chất, nếu có nhiều hơn, cơ sở hoạt động hóa chất bổ sung thêm dòng kê khai.

    2. Cột “Xếp loại nguy hiểm” tại mục 4, Phần I ghi tính chất nguy hiểm chính của hóa chất. Nếu có thông tin, có thể ghi bổ sung ký tự xếp loại nguy hiểm của EU, chỉ số nguy hiểm UN…

    3. Cột “Trạng thái lắp đặt” ghi đặc điểm thiết bị đặt trên cao, đặt nổi trên mặt hoặc ngầm … thuộc loại cố định hay di dộng.

    4. Cột “Dung lượng chứa lớn nhất” được hiểu là:

    - đối với thiết bị chứa là dung tích chứa hóa chất của nhà sản xuất

    - đối với thiết bị sản xuất, dung tích là công suất theo thiết kế

    5. Cột “Phương pháp điều khiển công nghệ” ghi “TD” nếu điều khiển tự động; “BTD” nếu điều khiển bán tự động; “BT” nếu điều khiển thủ công. Trường hợp thiết bị kết hợp nhiều dạng điều khiển, ghi đầy đủ các dạng điều khiển.

    6. Ký hiệu chữ cái ở phần III quy định như sau:

    A. Hệ thống quản lý an toàn hóa chất gồm các cá nhân có trách nhiệm từ vị trí vận hành đến trưởng bộ phận vận hành, người đứng đầu cơ sở.

    B. Phiếu an toàn hóa chất theo quy định tại phần D Thông tư này.

    C. Chứng nhận kiểm định thiết bị (nếu có)

    D. Quy trình vận hành do người có trách nhiệm của cơ sở phê duyệt.

    E. Quy trình xử lý sự cố thiết bị do người có trách nhiệm của cơ sở phê duyệt.

    G. Kế hoạch phòng ngừa, khắc phục sự cố hóa chất.

    H. Kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ thiết bị, nhà xưởng.

    I. Thiết bị giám sát môi trường lao động.

    K. Thiết bị vệ sinh lao động (thông gió, khử độc, hút độc, xử lý khí, giảm nhiệt độ…)

    L. Thiết bị khống chế công nghệ.

    M. Thiết bị bảo vệ chống quá áp, quá nhiệt, quá tải, tràn đổ, chống sét, tĩnh điện.

    N. Biện pháp hạn chế thời gian tiếp xúc và phương tiện bảo hộ cá nhân.

    O. Tổ chức huấn luyện.

    P. Tổ chức diễn tập định kỳ tình huống khẩn cấp

    Q. Phương án tiêu hủy an toàn hóa chất do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    Cơ sở hoạt động hóa chất đã thực hiện các biện pháp an toàn tương ứng với ký hiệu chữ cái nói trên đánh dấu vào ô tương ứng ở phần III, Phụ lục này.

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Nghị định 189/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương
    Ban hành: 27/12/2007 Hiệu lực: 20/01/2008 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Thông tư 32/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất
    Ban hành: 28/12/2017 Hiệu lực: 28/12/2017 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản thay thế
    03
    Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 của Quốc hội
    Ban hành: 21/11/2007 Hiệu lực: 01/07/2008 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản được hướng dẫn
    04
    Nghị định 108/2008/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hoá chất
    Ban hành: 07/10/2008 Hiệu lực: 05/11/2008 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản được hướng dẫn
    05
    Nghị định 68/2005/NĐ-CP của Chính phủ về an toàn hoá chất
    Ban hành: 20/05/2005 Hiệu lực: 14/06/2005 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    06
    Nghị định 59/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải rắn
    Ban hành: 09/04/2007 Hiệu lực: 18/05/2007 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    07
    Nghị định 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
    Ban hành: 12/02/2009 Hiệu lực: 02/04/2009 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    08
    Nghị định 90/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hoá chất
    Ban hành: 20/10/2009 Hiệu lực: 10/12/2009 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    09
    Quyết định 5353/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công Thương chủ trì hoặc liên tịch ban hành hết hiệu lực thi hành
    Ban hành: 14/10/2010 Hiệu lực: 14/10/2010 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    10
    Nghị quyết 59/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương
    Ban hành: 17/12/2010 Hiệu lực: 17/12/2010 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    11
    Thông tư 08/2012/TT-BYT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn việc vận chuyển hàng nguy hiểm trong lĩnh vực y tế bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
    Ban hành: 17/05/2012 Hiệu lực: 01/10/2013 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    12
    Thông tư 44/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc quy định Danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa
    Ban hành: 28/12/2012 Hiệu lực: 20/02/2013 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    13
    Quyết định 7263/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành và thủ tục hành chính bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương Thành phố Hà Nội
    Ban hành: 29/12/2015 Hiệu lực: 29/12/2015 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    14
    Quyết định 4428/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương từ ngày 15/12/2015 đến ngày 30/09/2016
    Ban hành: 09/11/2016 Hiệu lực: 09/11/2016 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    15
    Quyết định 4846/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017
    Ban hành: 09/12/2016 Hiệu lực: 09/12/2016 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    16
    Quyết định 590/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ và một phần thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương được ban hành từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/01/2018
    Ban hành: 21/02/2018 Hiệu lực: 21/02/2018 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    17
    Quyết định 5113/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Danh mục thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý của Bộ Công Thương năm 2018
    Ban hành: 28/12/2018 Hiệu lực: 28/12/2018 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    18
    Quyết định 212/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương kỳ 2014-2018
    Ban hành: 30/01/2019 Hiệu lực: 30/01/2019 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    19
    Thông tư 18/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc bổ sung, bãi bỏ thủ tục hành chính tại Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 26/06/2010 của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hoá chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hoá chất
    Ban hành: 21/04/2011 Hiệu lực: 06/06/2011 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản quy định hết hiệu lực một phần
    20
    Thông tư 55/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 38/2014/NĐ-CP ngày 06/05/2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học
    Ban hành: 19/12/2014 Hiệu lực: 15/02/2015 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản quy định hết hiệu lực một phần
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản quy định hết hiệu lực một phần (06)
    Văn bản thay thế (01)
  • Văn bản đang xem

    Thông tư 28/2010/TT-BCT quy định của Luật Hoá chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Công Thương
    Số hiệu:28/2010/TT-BCT
    Loại văn bản:Thông tư
    Ngày ban hành:28/06/2010
    Hiệu lực:16/08/2010
    Lĩnh vực:Công nghiệp, Chính sách
    Ngày công báo:18/07/2010
    Số công báo:402 & 403 - 07/2010
    Người ký:Nguyễn Nam Hải
    Ngày hết hiệu lực:28/12/2017
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
    Văn bản quy định hết hiệu lực một phần (5)
    Văn bản dẫn chiếu (14)
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X